Cuộc chiến xưa: Suy tư và Qui luật
Cách đây 32 năm, một cuộc chiến đã kết thúc. Cuộc chiến với gương mặt hai đối thủ là hai anh em của cùng một bà mẹ Việt nam, từ những khác biệt ý thức hệ đã trở thành xung đột hận thù do những xô đẩy của các thế lực ngoại bang, bên vì chủ nghĩa Quốc gia, kẻ theo chủ nghĩa Cộng sản. Cuộc chiến thường được ghi mốc từ năm 1954, nhưng mầm chiến tranh đã được gieo vào lòng dân tộc từ trước đó, khi cái chủ nghĩa không tưởng của cộng sản với chủ trương dùng bạo lực và chia rẽ lòng người để giành quyền cai trị đã được những kẻ du nhập khoác cho chiếc áo “yêu nước” đưa vào Việt nam.
Khi kẻ lãnh đạo cuộc chiến đã nắm toàn bộ quyền sinh của người dân và dã tâm dùng kế “ qua sông dìm thuyền” thì những người dân lương thiện nhất cũng trở thành những tên lính hiếu chiến nhất. Quy luật đó đã được minh chứng ở miền bắc Việt nam trong cuộc chiến. Khi kẻ lãnh đạo đã khát chiến đến mức sẵn sàng “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” (1) thì nhân gian chả còn lựa chọn nào khác là làm bia đỡ đạn.
Kẻ chiến thắng trong cuộc chiến có thể có vô vàn cái lý để tô vẽ cho sự lên ngôi của bạo lực, nhưng chiến thắng của kẻ khát chiến với chủ nghĩa không tưởng sẽ chỉ đem lại bi kịch và đau thương cho nhân quần. Qui luật này cũng đang được minh chứng ở Việt nam. Non sông Việt nam không còn chia cắt, nhưng một phần non sông đã mất (2) . Bắc nam đã liền một dãi nhưng lòng người vẫn chia cắt, ly hương (3). Đất nước dù được gọi độc lập, nhưng kẻ cai trị vẫn ôm chân Bắc triều(4). Quê hương đâu còn chiến tranh nhưng hàng vạn sinh linh vẫn phải bỏ mạng và đổ máu hàng năm(5). Giang san không có bóng giặc ngoại bang nhưng kẻ bạo quyền nội bang còn ác hơn cầm thú(6). Đất nước có thể mãi nghèo hèn, nhưng quan cộng sản đã thành “tư bản đỏ”(7).
Kẻ chiến thắng trong cuộc chiến sẽ không thể có kết cục Thắng khi lý tưởng, chủ nghĩa mà nó tôn thờ đi ngược qui luật phát triển. Thực tế ở Việt nam cũng đang minh chứng cho quy luật này. Những kẻ chiến thắng, sau một thời gian khủng hoảng toàn bộ về lý luận và thất bại hoàn toàn trên lĩnh vực phát triển kinh tế, đã buộc phải chấp nhận con đường phát triển kinh tế mà kẻ bại trận đã thực hiện như một qui luật tự nhiên “ tôn trọng tính đa nguyên và sự tự do của cá thể”. Và một điều trớ trêu, kẻ chiến thắng đã và đang nhận trợ giúp từ chính những phía mà trước đây kẻ chiến thắng luôn thóa mạ là “trùm sỏ đế quốc”, là “ tư bản thối nát, đang giãy chết”, và đang cả chờ mong sự hỗ trợ từ những người bị coi là “ ngụy quân, ngụy quyền”.
Sự tỉnh ngộ, phục thiện của cái ác luôn được khoan dung, nhưng sự xảo trá chỉ làm cho lòng người khinh rẻ và căm thù. Qui luật này, Việt nam cũng đang minh chứng. Lòng người Việt nam ngày càng căm phẫn khi kẻ chiến thắng đã phải rũ bỏ hoàn toàn các nguyên tắc nền tảng của chủ nghĩa không tưởng Mác-Lê, nhưng chúng vẫn ngoan cố ngụy biện, cổ vũ cho chủ nghĩa đó để lấy cớ duy trì quyền lực độc tài với những đặc quyền đặc lợi vô bờ.
Khi người dân đang đói khát và bị o bế, kẻ độc tài có thể tránh được sự nổi dậy của dân chúng bằng chính sách “ bố thí” vật chất. Nhưng, khi người dân đã hiểu giá trị của Con người không chỉ và không thể là sự thỏa mãn vật chất một cách “ xin-cho”, khi việc che tai bịt mắt dân chúng ngày càng khó khăn thì đó chính là lúc kẻ độc tài đã lâm vào hồi kết. Hơn ai hết, kẻ cố vị quyền lực độc tài hiểu rõ điều đó. Qui luật này, Việt nam cũng đang minh chứng. Các quan chức cộng sản Việt nam đang chuẩn bị cho hậu sự bằng việc tẩu tán tài sản, tiền bạc, gầy dựng chốn dung thân ở ngoại quốc.
Suy tư về cuộc chiến là để thấm thía nỗi đau dân tộc, để rút ra bài học cho tương lai, để nhận diện sự xảo trá của những kẻ độc tài khát chiến, để cùng nhau tìm ra một con đường chấn hưng đất nước. Và nhớ đến cuộc chiến là để khát khao cho một đất nước Hòa bình, Nhân quyền được đảm bảo trên nền tảng của một xã hội có Đối trọng và Kiểm soát tự động của thể chế chính trị Đa nguyên, Đa đảng.
_____________________________________________
(1). Hồ Chí Minh đã tuyên bố “ dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn”, Bắc Việt nam cũng quyết đánh chiếm Nam Việt nam.
(2) Hiệp định biên giới Việt-Trung do lãnh đạo cộng sản Việt nam ký kết đã làm mất hàng ngàn Km2 đất và biển của Tổ quốc Việt nam.
(3) Nhiều người Việt nam ly hương vẫn không được hồi hương và nhiều người Việt nam yêu nước bị cộng sản Việt nam chụp mũ “phản động”, “ chống phá” chỉ vì không cùng quan điểm với cộng sản.
(4) Giới lãnh đạo cộng sản Việt nam luôn phải nghe ngóng và nhận chỉ thị từ Bắc Kinh để nhằm lấy chỗ dựa và bảo vệ cho chế độ cộng sản, các tổng bí thý gần đây đều phải sang “ chầu” Bắc kinh ngay sau khi nhậm chức.
(5) Hàng năm có hõn 10.000 người bị tử nạn giao thông, số bị thương tật gấp vài lần
.(6) Hệ thống hành chính, công quyền sách nhiễu làm tiền các Doanh nghiệp, các vụ đánh đập, trả thù dân oan khiếu kiện, đặc biệt là sự đàn áp những người dám lên tiếng phản đối chế độ độc đảng ngày càng trắng trợn, dã man.
(7) Đại hội 10 của cộng sản Việt nam đã hợp pháp hóa cho đảng viên làm kinh tế tức là trở thành nhà “ tư bản bóc lột” theo lý thuyết của cộng sản. GDP trên đầu người Việt nam năm 2006 là 725 US$ ( theo số liệu của cõ quan thống kê VN) chỉ bằng của Thái lan cách đây 20 năm và Singapore cách đây 30 năm, trong khi một quan chức nhỏ cấp bộ có thể đánh bạc một lần lên tới hàng triệu US$.
Đối Thoại
30.04.07- Cuộc chiến xưa: Suy tư và Qui luật Xem Tiếp...
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire