1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mercredi 9 mai 2007

Những vấn đề cần làm rõ về cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam

Bùi Tín
Những vấn đề cần làm rõ về cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam

Kỉ niệm 81 năm ngày mất của nhà văn hoá và hoạt động chính trị Phan Chu Trinh (24.3.1926-24.3.2007), nhà báo Bùi Tín mong thông qua bài viết này mở đầu một phong trào đối thoại rộng rãi giữa những người Việt mọi thế hệ và ở mọi nơi, quan tâm đến những vấn đề phát triển của đất nước.

talawas
Tôi đang có một số băn khoăn khi nghiên cứu về tình hình văn hoá–chính trị nước ta.

Đó là ở nước ta đã hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ (CMDTDC) hay chưa? Nếu đã hoàn thành thì đã hoàn thành ra sao? Và từ bao giờ? Hiện nay nước ta đã chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa hay chưa? Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là đã thuộc phạm trù cách mạng nào ? đã là cách mạng xã hội chủ nghĩa hay chưa?
và theo mô hình cách mạng xã hội chủ nghĩa nào ?

Theo tôi nghĩ, cuộc CMDTDC ở nước ta vẫn còn dở dang, chưa hoàn thành, thậm chí vẫn còn ở thời kỳ sơ khai, mở đầu, do đó cần được xác định nội dung còn tồn tại để toàn xã hội, gồm các lực lượng công dân, các tổ chức chính trị, các cơ quan nhà nước, các cơ quan truyền thông, văn hoá, giáo dục… cùng nhau thực hiện.

CMDTDC có hai vế, mang hai nội dung cơ bản:

1. Cách mạng dân tộc (CMDT) là giành lại nền độc lập dân tộc, đánh đuổi đế quốc thực dân, cả dân tộc được tự do với nghĩa không còn bị ách đế quốc thực dân nước ngoài thống trị,

2. Cách mạng dân chủ (CMDC) là giành lại quyền sống tự do của người dân thoát khỏi ách áp bức thống trị của hệ thống vua quan phong kiến, thiết lập nên chế độ dân chủ cộng hoà. Trong chế độ dân chủ, người dân có mọi quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân tự do (citoyen libre/free citizen), trong đó các quyến cơ bản nhất là:

Quyền lập hội (từ các hội chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, từ thiện, tôn giáo, thể thao, giải trí đến các đảng phái chính trị)

Quyền tự do tư tưởng, trong đó tự do báo chí và tự do tôn giáo là quan trọng nhất

Quyền tự do ứng cử và bầu cử để bầu ra những người đại diện trong bộ máy cầm quyền các cấp từ địa phương đến trung ương.

Ngoài những quyền tự do nói trên phải kể đến quyền tư hữu là quyền sở hữu cá nhân về tài sản gồm bất động sản (nhà đất, ruộng vườn) cùng với các tài sản riêng khác như tiền bạc, tài khoản gửi ngân hàng, trâu bò, súc vật và gia cầm, xe cộ và vật dụng khác; đi cùng với quyền tư hữu là quyền tự do kinh doanh, bao gồm quyền trao đổi, mở cửa hàng hay tham gia lập công ty buôn bán để sinh lợi, làm các nghề thủ công nghiệp, các nghề tự do khác như mở trường, dạy học, phòng khám bệnh, văn phòng luật sư tư…

Đây là một cuộc cách mạng vì khi được thực hiện, tình hình trong xã hội và thân phận mỗi con người trong xã hội nước ta thay đổi rõ rệt. Hệ thống cai trị của thực dân nước ngoài bị xoá bỏ hoàn toàn. Hệ thống cai trị của vua quan phong kiến từ trung ương đến thôn xã cũng bị xoá bỏ triệt để.

Trên thực tế, ở nước ta Hiến pháp mới năm 1946 được thảo ra tháng 11-1946. Quốc hội mới được thành lập trước đó qua tổng tuyển cử (tháng 1 năm 1946). Chính phủ Lâm thời rồi Chính phủ Kháng chiến được thành lập. Mặt trận Việt Minh đổi tên là Mặt trận Liên Việt, sau nữa là Mặt trận Tổ quốc cho đến nay; Đảng Cộng sản Đông Dương - thành lập tại Trung Quốc từ năm 1930, lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, rút vào hoạt động bí mật từ cuối năm 1946, rồi công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam đầu năm 1951, để đổi lại tên là Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12 năm 1976 tại Đại hội IV -, luôn tự nhận là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ năm 1945, bên cạnh Đảng Cộng sản còn có Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội cũng do Đảng Cộng sản chủ trương để thu hút trí thức, nhân sĩ và các nhà tư sản dân tộc có cảm tình với Đảng Cộng sản, đồng thời cũng để trưng ra với xã hội và thế giới một hình thức đa nguyên đa đảng, che giấu và làm mờ nhạt bản chất độc đoán độc đảng; đến cuối năm 1988 hai Đảng Dân chủ và Xã hội "tự giải thể" theo quyết định của Đảng Cộng sản, đất nước lại trở lại cả về hình thực và thực chất cai trị bởi chế độ độc đảng, với độc quyền đảng trị của đảng cộng sản.

Một đặc điểm nổi bật của CMDTCD ở nước ta là nó diễn ra trong hoàn cảnh rất phức tạp của khởi nghĩa và chiến tranh. Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai khởi đầu từ năm 1939 đến tháng 8/1945, nội chiến Quốc-Cộng ở Trung Quốc nổ ra lại từ 1945 đến tháng 10/1949, chiến tranh Triều Tiên diễn ra từ 1950 đến 1952, đặc biệt ở Việt Nam và Đông Dương chiến tranh chống thực dân giành độc lập xen lẫn với nội chiến, xoắn chặt với cuộc chiến tranh lạnh quyết liệt giữa hai phe cộng sản và dân chủ, chiến lược bành trướng ra toàn thế giới của phe cộng sản và chiến lược ngăn chặn (endiguement/containment) của phe dân chủ. Môi trường căng thẳng quyết liệt thời chiến đã bao trùm đất nước ta suốt từ năm 1939 đến tận năm 1989, sau khi bộ đội Việt Nam rút khỏi Cam-bốt, cũng có thể tính đến tận năm 1991 khi bình thường hoá quan hệ Việt–Trung, hoặc đến năm 1995 khi việc bình thường hoá quan hệ Việt–Mỹ được thực hiện, nghĩa là trong đúng 50 năm (nửa thế kỷ), cũng có thể tính là trong 56 năm. Chính trong môi trường chiến tranh kéo dài như thế mà đất nước bị chia cắt và chính quyền hai miền chống đối nhau trong 21 năm, từ giữa năm 1954 đến 30/4/1975.

Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ III năm 1960 quyết định bắt đầu cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc với một loạt chính sách: hợp tác hoá nông ngiệp từ bước thấp lên bước cao, xây dựng xí nghiệp quốc doanh rộng khắp, công nghiệp hoá lấy công nghiệp nặng làm trọng tâm, mở rộng thương nghiệp quốc doanh với những cửa hàng mậu dịch quốc doanh rộng khắp, xoá bỏ thương nghiệp tư nhân, hạn chế tiểu thủ công nghiệp tư nhân… Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại đường lối chung về chính trị kinh tế văn hoá của miền Bắc là "bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội’’. Các nhà chính trị và lý luận của chế độ một mặt phê phán nghiêm khắc và nặng nề con đường tư bản, con đường thị trường tự do, coi đó là con đường của bóc lột, bất công, lạc hậu và tội ác, mặt khác ca ngợi con đường đi thẳng lên chủ nghĩa xã hội là con đường đúng đắn, khoa học và tiên tiến nhằm đưa "miền Bắc tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở hậu phương lớn để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước".

Sau 30/4/1975 Đảng Cộng sản quyết định đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhanh chóng hợp tác hoá nông ngiệp, xoá bỏ thương nghiệp tư nhân, quốc doanh hoá các cơ sở công nghiệp ở miền Nam, nhằm "đưa miền Nam tiến kịp miền Bắc trên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa, thống nhất hoàn toàn đất nước về mọi mặt chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá và trình độ phát triển".



*


Với tình hình diễn biến và những đặc điểm trên đây, cuộc CMDTDC ở nước ta đã diễn ra trong hoàn cảnh rất không bình thường và do đó phải chăng có nhiều khiếm khuyết cần bổ cứu?

Nếu quả vậy đâu là những điều không bình thường?

Những khiếm khuyết ấy là gì?

Nên bổ cứu những khiếm khuyết ấy ra sao?

Từ sau 30/4/1975 tôi đã lờ mờ cảm thấy những nét phát triển không bình thường của cuộc CMDTDC ở nước ta. Sau đó ở ba năm tại miền Nam, lại được thỉnh thoảng đi công tác ở nước ngoài, từ các nước xã hội chủ nghĩa đến các nước dân tộc chủ nghĩa ở châu Á, châu Phi, rồi các nước dân chủ phát triển cao ở châu Âu, châu Mỹ và châu Úc, có nhiều điều kiện để quan sát và so sánh, tôi ngày càng nhận ra rõ ràng hơn những nét phát triển không bình thường và những khiếm khuyết của cuộc CMDTDC ở nước ta.

Từ tháng 9 năm 1990 tôi sống ở nước ngoài, được đi đến thêm hơn 20 nước nữa, bao gồm Tây Âu và Bắc Âu, 8 bang của Hoa Kỳ và Canada, Trung Đông và Mỹ Latinh, lại luôn theo dõi tình hình nước ta qua 4 kỳ Đại hội VII, VIII, IX, X của Đảng Cộng sản, tôi càng thấy sâu sắc, rõ ràng hơn những khiếm khuyết nguy hiểm nói trên và tác hại vô kể của chúng nếu không kịp thời sửa chữa và khắc phục.

Trong nhiều cuốn sách và bài viết, tôi đã nói lên những băn khoăn lo ngại của mình về tình hình đất nước liên quan đến những vấn đề trên đây và tuy có được ít nhiều tiếng vang thuận lợi trong và ngoài nước, nhưng vẫn không tác động được đến đường lối và chính sách hiện hành. Chính do vậy mà có bài báo này.

Với bài báo này, tôi xin được đặt một vấn đề cực kỳ hệ trọng của cách mạng nước ta ra trước công luận rộng rãi trong và ngoài nước, mời tất cả các vị thức giả, các nhà nghiên cứu lý luận, các nhà sử học, chính trị học, luật học, các vị thày giáo, các bạn sinh viên học sinh cùng suy nghĩ và phát biểu, tạo nên một cuộc đối thoại sôi nổi, lý thú, sinh động và bổ ích. Tôi nghĩ đây là vấn đề lý luận và thực tiễn hệ trọng nhất trong cách mạng nước ta, liên quan đến việc đánh giá đúng quá khứ, nhìn đúng hiện tại và xác định đúng con đường và chính sách cho tương lai nước ta.

Dưới đây tôi chỉ xin đặt ra một số vấn đề, một số chủ đề, giả thuyết, một số ý kiến khêu gợi quan trọng nhất. Tôi có thể viết một bài báo dài, hay một cuốn sách trình bày tỷ mỷ về vấn đề lớn này, nhưng tôi quyết định một cách làm khác. Đó là chỉ xin đặt ra vấn đề và nói lên nhận định sơ bộ để đông đảo các vị thức giả cùng suy nghĩ và phát biểu, tránh sai lầm chủ quan phiến diện, vội vã, dễ vấp ngã.

1. Cuộc CMDTDC ở nước ta đã hoàn thành hay chưa? Thật sự là chưa. Mới hoàn thành cách mạng CMDT còn CMDC nói đã hoàn thành rồi là một ngộ nhận. CMDC ở nước ta còn nhiều khiếm khuyết, dở dang, do điều kiện đặc biệt của chiến tranh, còn nhiều lỗ hổng lớn cần được lấp kín, hoàn thiện. Không nên và không thể đốt cháy giai đoạn, chưa hoàn thành CMDTDC đã tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa (CMXHCN).

2. Tiến lên CMXHCN cần được xác định lại, đó là một bước tiến hay một bước lùi? Theo tôi, về lý luận kinh điển thì là một bước tiến, vì tiến lên nền sản xuất quy mô lớn, với sở hữu toàn dân và tập thể, về nguyên tắc không còn giai cấp bóc lột và bị trị, nhưng trong thực tế, tại các chế độ XHCN được hình thành ở Liên Xô, Đông Âu và châu Á trong đó có Việt Nam, CNXH thực tế đã không cao hơn chủ nghĩa tư bản mà còn thấp hơn một tầng văn minh/chinh trị vì sự cai trị độc quyền của đảng cộng sản, vì nền dân chủ XHCN không hề có trên thực tế, nó chỉ là vỏ bọc cho sự cai trị độc tài của một chính đảng chuyên chế, nhân dân trên thực tế không có quyền tự do cơ bản, vẫn là một thực thể bị trị. Cần nói thẳng nói thật như thế. Nói "nhân dân làm chủ" tại đó là một ngoa ngôn, một lạm ngôn, hoặc là một ngộ nhận.

3. Cắt nghĩa ra sao về sự lầm lẫn này? Theo tôi, do thắng lợi vang dội trong chiến tranh chống phát-xít của Liên Xô, do thắng lợi to lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong chiến tranh Quốc-Cộng, do thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp dẫn đến việc miền Bắc gia nhập phe XHCN… Những chiến thắng trong chiến tranh do các đảng cộng sản lãnh đạo hoặc tham gia, cộng với sự tuyên truyền khuếch trương chiến thắng đã tạo nên trước công luận chung tính chính thống, tính chính đáng của các chế độ độc đảng độc đoán ấy trước mắt nhân dân và trên trường quốc tế. Thật ra tính chính thống và tính chính đáng của các chế độ cộng sản toàn trị đã từng bị thế giới dân chủ phủ nhận một thời gian dài, và hiện vẫn là một vấn đề tồn tại ở những mức độ khác nhau trong quan hệ quốc tế cũng như trước công luận.

Ngay từ những năm 1945-1946, sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai kết thúc, Staline cùng với nhà lý luận chính của Đệ tam Quốc tế Cộng sản là A. Jdanov đã "sáng tạo" ra cái tên "Dân chủ Nhân dân" (Démocratie populaire/people Democracy) cho các chế độ độc đảng do các đảng cộng sản thuộc Đệ tam Quốc tế dựng lên từ Đông sang Tây, từ Cộng hoà DCND Trung Hoa, Cộng hoà DCND Triều Tiên đến Cộng hoà DCND Đức (Đông Đức), Cộng hoà DCND Ba Lan, Hungari, Rumani, Bungari… Tạp chí lý luận chung cho các nước trên là nguyệt san Dân chủ Nhân dân, mặc cho ngay từ hồi ấy một số nhà báo phương Tây (như Le Monde ở Pháp) đã nhận định là các chế độ ấy bị đặt nhầm tên, vì không có một chút chất gì là "dân chủ", cũng không có tý gì là "nhân dân" cả!

Thế nhưng cái tên gọi "Dân chủ Nhân dân" vẫn có tác dụng mê hoặc hàng tỉ con người trên trái đất, nhất là những người sống dưới các chế độ ấy, cho phép họ yên lòng vì yên trí rằng nước mình đã - theo tuyên truyền áp đặt - đã có một nền dân chủ đích thật, một nền dân chủ còn cao hơn, có giá trị hơn nền dân chủ phương Tây (!).

Sự ngộ nhận ấy bắt rễ khá sâu ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với chế độ Dân chủ Nhân dân được mặc nhiên thừa nhận, vì người dân cảm thấy rằng nó hơn chế độ thực dân và phong kiến, rằng quả thật sự cai trị của hệ thống toàn quyền, khâm sứ, thống sứ, công sứ, viên chức người Pháp với quân đội thực dân Pháp đã biến mất, hệ thống từ lý trưởng, kỳ hào đến vua quan các cấp người Việt cũng đều tan biến để nhường chỗ cho các uỷ ban nhân dân và hội đồng nhân dân, khi báo và đài không ngớt ca ngợi nền dân chủ nhân dân ưu việt, ca ngợi nhân dân đã "làm chủ tập thể’’ và cán bộ mọi cấp đều là "đầy tớ của dân’’ (!), Đảng Cộng sản không quên che giấu bản chất dữ dội của học thuyết cộng sản bằng cách cho nó mang cái tên hiền lành và bình dân: Đảng Lao động Việt Nam. Thật ra không phải không có người sớm nhận ra rằng có những mặt chế độ này còn có mặt kém hơn chế độ thuộc địa hay bảo hộ của Pháp, vì không có tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do tôn giáo, không có tư pháp độc lập, tòa án bất công, xử không theo luật, không có luật sư…

Một chế độ dân chủ bình thường, chân thật và ngiêm chỉnh là thế nào? Đây là một vấn đề mới mẻ đối với người Việt chúng ta. Cũng là vấn đề lý thú, rộng lớn và hấp dẫn.

Người châu Âu và Bắc Mỹ biết về chế độ dân chủ từ thế kỷ 18, mở đầu cho cuộc cách mạng tư sản dân quyền trên thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp ở Châu Âu trước và trong thế kỷ 16, 17, với công nghiệp khai thác than, máy hơi nước, máy dệt, nghề in… tạo điều kiện cho cuộc cách mạng chính trị.

Các bản Hiến pháp dân chủ năm 1787 ở Mỹ và năm 1789 ở Pháp được coi là những bản hiến pháp tiêu biểu mở đầu cho kỷ nguyên dân chủ trên thế giới. Các bản Hiến pháp này được phổ biến tỉ mỉ, rộng rãi, lắp đi lắp lại đến mức gần như thuộc lòng từ tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng thành cho đến cuối đời mỗi người công dân làm cơ sở cho cuộc sống xã hội hằng ngày, chi phối suốt cuộc đời của họ.

Ở phương Tây, học sinh, sinh viên và công dân còn được phổ biến nhiều lần Tuyên ngôn về những quyền con người và công dân, được Quốc dân Đại hội Pháp thông qua ngày 26-8-1789, gồm có 17 điều, trong đó nhấn mạnh những điểm:

mỗi người từ khi sinh ra đã tự do và bình đẳng;

các quyền tự nhiên của mỗi người là: quyền tự do, quyền tư hữu, quyền có an ninh và quyền chống lại áp bức;

quyền tự do lập hội, lập chính đảng dẫn đến thể chế đa nguyên đa đảng, cạnh tranh nhau bình đẳng qua các cuộc bầu cử định kỳ;

luật và chỉ có luật mới có quyền hạn chế tự do của công dân để bảo vệ những quyền tự do của các thành viên khác trong xã hội, ngăn cấm những hành động có hại cho xã hội,

luật biểu thị ý chí của toàn xã hội được các công dân và người đại diện của họ thảo ra; luật đối xử mọi công dân như nhau;

mọi công dân bị truy tố phải được coi là vô tội cho đến khi bị tuyên án;

không công dân nào phải lo ngại chỉ vì quan điểm chính trị;

quyền sở hữu là quyền bất khả xâm phạm và thiêng liêng.

Bản Tuyên ngôn trên đây viết gọn, chỉ có hơn 600 từ - một trang nhỏ - cô đọng những nguyên tắc nền tảng cho chế độ dân chủ hiện đại, được dùng làm "Phần mở đầu" (Préambule) của bản Hiến pháp 1789 của nước Pháp, có giá trị đến tận ngày nay, trải qua 5 nền Cộng hoà: thứ nhất từ năm 1789, thứ hai từ năm 1848, thứ ba từ năm 1870, thứ tư từ năm 1946, và thứ năm từ năm 1958 đến nay.

Muốn hiểu sâu sắc những nguyên tắc nền tảng của nền dân chủ hiện đại (còn gọi là nền dân chủ tư sản dân quyền, hay nền dân chủ dân quyền), học sinh và sinh viên cũng như các nhà chính trị không thể không nghiên cứu những tác phẩm chính trị, triết học của những nhà tư tưởng–văn hoá kiệt xuất đã sáng tạo ra những khái niệm, quan điểm, nguyên tắc mới mẻ, khai phá sáng tạo ra mô hình của một chế độ chính trị hoàn toàn mới, đưa xã hội loài người lên hẳn một tầng cao mới.

Đó là triết gia và luật gia Charles de Montesquieu (1689-1755) với tác phẩm Tinh thần luật pháp, nhà tư tưởng và lý luận Jean Jacques Rousseau (1712–1778) với tác phẩm Khế ước Xã hội, là Voltaire (1694–1778) và Diderot (1713–1784), được coi là những ngôi sao dẫn đường của Thời đại Ánh sáng của thế kỷ 18, đặt nền móng vững bền cho tư tưởng dân chủ tiên tiến, còn nguyên giá trị cho đến hiện nay.

Những tư tưởng dân chủ cơ bản đó là:

Con người mới tự nhận sinh ra đã tự do và bình đẳng, không chịu sự thống trị, cai quản, ràng buộc của bất kỳ tổ chức, vương quyền, thần quyền, giáo quyền hay quyền uy cá nhân nào trong xã hội, dòng họ hay gia đình. Ngay bố mẹ có trách nhiệm dạy dỗ con cái cũng chỉ là giáo dục hướng dẫn quyền tự do của chúng mà không được xỉ vả và cưỡng bức, khi trưởng thành 18 tuổi thì chúng hoàn toàn tự do. Riêng quan điểm này đã lật nhào vương quyền, quan quyền, thần quyền, phụ quyền; lên án, loại bỏ nạn buôn bán nô lệ, buôn bán phụ nữ, trẻ em; tệ phân biệt màu da, phân biệt giới tính, giai cấp, tài sản; những tập quán phong tục cổ hủ bất công như cha mẹ chửi bới đánh đập hành hạ con cái, cưỡng bức hôn nhân cha mẹ đặt đâu phải ngồi đấy, chồng bảo gì vợ phải nghe (phu xướng phụ tuỳ), con trai hơn con gái (nhất nam viết hữu thập nữ viết vô); thày giáo coi học sinh như con cháu trong nhà để sai bảo; viên chức gây phiền hà, nhũng nhiễu, khinh thị người dân với tinh thần ban ơn và bố thí cho thứ dân;


Trong xã hội, mọi công dân đều bình đẳng và nắm chung chủ quyền quốc gia. Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn bộ các công dân bình đẳng trong xã hội ấy, được biểu hiện thành luật, được toàn bộ công dân hoặc người đại diện do công dân toàn quốc cử ra để thảo, thông qua và ban bố. Luật nhằm bảo vệ tự do của công dân, tự do toàn xã hội, điều chỉnh hành vi công dân để không làm hại đến tự do của những công dân khác, xử lý những trường hợp phạm luật vì an toàn của xã hội. Mọi công dân có quyền làm mọi việc trừ những điều luật cấm. Luật định ra các mức độ trừng phạt tuỳ theo mức độ vi phạm và có giá trị ngang nhau cho mọi công dân.


Nhà nước và mọi tôn giáo tách bạch với nhau là một nguyên tắc cơ bản; không tôn giáo nào can thiệp vào công việc chính quyền, ngược lại chính quyền cũng không can thiệp vào công việc nội bộ của các tôn giáo;


Điều hành chính quyền quốc gia có ba mảng, hay cơ quan quyền lực là: quyền lập pháp (làm ra luật), quyền hành pháp (thi hành luật) và quyền tư pháp (xử lý các vụ vi phạm luật). Theo nguyên tắc phân quyền, cũng là nguyên tắc cân bằng quyền lực, đề phòng lạm quyền và bất công, ba quyền trên đây quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa phối hợp vừa giám sát và kiểm tra nhau. Nói chung Quốc hội lo quyền lập pháp, thường xuyên xem xét việc thi hành luật và bổ sung sửa chữa, thảo ra luật mới. Chính phủ lo quyền hành pháp, điều hành để luật được thực hiện tốt. Hệ thống toà án các loại các cấp đảm nhận quyền tư pháp, xét xử các vụ vi phạm. Cả ba ngành đều làm theo luật, tuân theo luật và chỉ tuân theo luật, nghĩa là tuân theo ý chí của toàn thể xã hội.


Hiến pháp là luật cơ bản của quốc gia do toàn thể công dân hay đại diện của công dân trong cả nước thảo ra. Hiến pháp là luật mẹ, luật gốc, cao nhất, có giá trị lâu dài. Các đạo luật khác (luật con) không được trái với Hiến pháp, nếu trái thì bị coi là vi hiến, không có giá trị.

Trên đây là những quan điểm cơ bản nhất của một nền dân chủ chân thực, tiên tiến, được hình thành, thực nghiệm, thử thách trong hơn 200 năm qua tại hơn một trăm quốc gia khác nhau, nơi nào áp dụng càng đầy đủ, sâu sắc thì càng trở nên giàu mạnh, xã hội an bình hạnh phúc.

Mặt khác về hình thức thể hiện thì có nhiều kiểu cách khác nhau, do truyền thống, khác biệt về dân tộc văn hoá, như dân chủ có thể theo hình thức quân chủ lập hiến (nhà vua chỉ có giá trị tượng trưng); quốc hội có một hay hai viện, hoặc có thêm Viện Bảo hiến (bảo vệ hiến pháp); có Tổng thống hoặc Thủ tướng, hay có cả hai; nhiệm kỳ là 3, 4 hay 5, hay là 7 năm…; Tổng thống được làm nhiều nhiệm kỳ hay chỉ được hai nhiệm kỳ là nhiều nhất như ở Hoa kỳ.

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai (1939–1945), nhiều biến động lớn diễn ra: trục phát xít Đức Ý Nhật tan rã, hàng loạt nước thuộc địa giành lại độc lập, phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô và Trung Quốc cầm đầu ra đời; cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu giữa hai phe, một bên là phe xã hội chủ nghĩa cùng phong trào cộng sản quốc tế mang ý định chiến lược cộng sản hoá toàn thế giới chống lại bên kia là phe dân chủ toàn thế giới do Hoa Kỳ cầm đầu với sứ mạng chiến lược công khai là ngăn chặn sự bành trướng của chế độ cộng sản, với lập luận rằng: những chế độ cộng sản mang danh dân chủ nhân dân trá hình hay xã hội chủ nghĩa trá hình thực chất là những nước độc tài đảng trị phản dân chủ, lạc hậu về mọi mặt, thua kém các nước dân chủ hẳn một tầng văn hoá, văn minh-chính trị.

Cuộc chiến tranh lạnh căn bản kết thúc vào năm 1991, sau khi bức tường Berlin sập đổ (1989), Liên bang Xôviết và Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã, phe xã hội chủ nghĩa biến mất, với bốn vết tích tàn dư lớn nhỏ đang cố gắng đổi mới cầm chừng để tồn tại.


Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, một sự kiện lớn xuất hiện chi phối tình hình toàn thế giới: Tổ chức Liên Hợp Quốc (LHQ) được thành lập, với 51 nước năm 1945, 104 nước năm 1961, 192 nước năm 2006 cho đến nay (2007). Việt Nam vào LHQ ngày 20-9-1977, là nước thứ 149 gia nhập tổ chức này. Trong không khí hứng khởi trên toàn thế giới do toàn thắng phát xít, giải phóng các nước thuộc địa, giải trừ phân biệt chủng tộc, làn sóng dân chủ mở rộng, LHQ có nhiều cuộc thảo luận sôi nổi về dân chủ và nhân quyền, nhận trách nhiệm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các trào lưu này để thúc đẩy toàn thế giới tiến lên văn minh và phát triển.

Ngày 10-12-1948 Đại hội đồng LHQ thông qua Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền gồm 30 điều, khẳng định những thành tựu lịch sử về nhân quyền, đề cao những nguyên tắc cơ bản của nội dung quyền con người, cam kết thực hiện đầy đủ nội dung ấy trên toàn thế giới với trách nhiệm của mỗi thành viên LHQ cũng như của tổ chức quốc tế lớn lao này. Ngày 10-12 mỗi năm trở thành Ngày Nhân quyền Quốc tế. LHQ tổ chức cơ quan chuyên trách nhân quyền của mình để quảng bá, giám sát và giải quyết những vấn đề liên quan.

18 năm sau, năm 1966, Đại hội đồng LHQ thông qua Công ước Quốc tế về những Quyền dân sự và chính trị gồm 27 điều và Công ước Quốc tế về những Quyền kinh tế, xã hội và văn hoá gồm 15 điều, phát triển, cụ thể hoá các quyền con người trên mọi lĩnh vực, nhằm mở rộng quyền con người ra mọi mặt cuộc sống hàng ngày của đông đảo công dân trên thế giới. Các nước thành viên cam kết phổ biến chu đáo nội dung các văn kiện này thật rộng rãi đến mọi công dân nước mình qua các phương tiện truyền thông đại chúng để ai cũng hiểu tường tận và được hưởng đầy đủ các quyền đã minh định.

Cứ như thế, mọi mặt cuộc sống con người từ khi sinh ra, lớn lên, đi học, vào nghề, đi làm, nghỉ việc, về hưu, kinh doanh, đi lại, du lịch, lấy vợ lấy chồng, sinh con, hoạt động chính trị, nghề nghiệp, văn hoá, mua nhà, chọn và đổi quốc tịch, cuộc sống riêng (tài sản, thư từ, điện thoại, quan hệ tình cảm, tôn giáo), gặp khi đau ốm, thất nghiệp, bị tai nạn, thiên tai, cho cả đến khi phạm pháp, bị truy tố, bị xét xử, bị phạt giam, đi thưa kiện hay bị kiện cáo… đều nhất nhất được pháp luật từng nước và pháp luật quốc tế bảo vệ chống mọi bất công, độc đoán và sơ xuất.

Mỗi mặt hoạt động trên, các văn kiện kể ra nhiều trường hợp, có khi hàng chục trường hợp cụ thể khác nhau để xác định quyền của người công dân trong một xã hội dân chủ đích thật. Các văn kiện trên họp thành cẩm nang, sách gối đầu giường cho mọi người để tìm hiểu cặn kẽ nhằm hiểu mọi quyền lợi để tận hưởng một cuộc sống an toàn, phong phú, công bằng và hạnh phúc.

Ví dụ chỉ nói riêng về tự do thân thể của con người, các văn kiện trên khẳng định rất nhiều nội dung như: quyền sống (bảo vệ thai nhi, hạn chế hoặc bãi bỏ án tử hình, không tuyên án tử hình người dưới 18 tuổi và người đang mang thai, chống nạn diệt chủng tập thể), quyền không bị tra tấn (cả tra tấn hành hạ trên thân thể, cả hành hạ về tinh thần và tâm trí cũng như làm tổn thương đến nhân phẩm; bị cáo chờ xét xử phải được đối xử như người chưa can án), quyền không bị nô dịch hay bị coi như nô lệ (cấm buôn bán phụ nữ, gái vị thành niên, trẻ em), quyền nhân thân và an toàn thân thể (không bị bắt giữ và giam cầm độc đoán, phải được thông báo lý do bị bắt giữ để điều tra, phải được dẫn giải không chậm trễ đến toà án để xét xử theo luật, phải được bồi thường thiệt hại khi bị bắt giữ và giam cầm trái phép), quyền không bị câu thúc thân thể vì thiếu nợ; quyền được xét xử công bằng (xét xử đúng tội, đúng luật, công khai, có mặt công chúng và báo chí; phải được coi là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội); được thông báo rõ tội trạng với mọi chi tiết có được, có đủ phương tiện và thời gian để tự biện hộ hoặc chọn luật sư biện hộ và tự do tiếp xúc với luật sư; được đối chất với nhân chứng trước toà; không bị cưỡng bức hăm doạ phải nhận tội); quyền được đối xử bình đẳng với mọi công dân khác (dù có những quan điểm chính trị xã hội tôn giáo khác với nhà cầm quyền; chống lại nền tư pháp có hai cấp độ, nặng với loại người này, nhẹ với loại người khác).

Khoảng cách và những lỗ hổng: Có thể dễ dàng thấy về cách mạng dân tộc-dân chủ, đặc biệt là về dân chủ và nhân quyền, thực tiễn tình hình Việt Nam so với thế giới ngày nay có một khoảng cách khá lớn, trước hết là về nhận thức, lý luận, quan điểm, truyền thống và pháp lý.

Sự thiệt thòi, thiệt hại, tổn thất và đau khổ mà toàn xã hội, mỗi người dân phải chịu đựng do sự chênh lệch, khiếm khuyết, chậm trễ trên đây là không sao kể hết. Có thể có cả một luận văn khoa học rất dài và lý thú về tác hại do khoảng cách ấy, do sự lạc hậu ấy gây nên.

Do đâu mà có khoảng cách đáng tiếc tệ hại như thế? Có thể lúc này chưa cần nghiên cứu sâu về nguyên nhân, về những ai chịu trách nhiệm cho sự lạc hậu nguy hiểm này. Do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài, do cuộc đấu tranh giành độc lập thu hút hết tinh lực của dân tộc, che lấp và lấn át cuộc đấu tranh cho dân chủ; do truyền thống dân chủ, khát vọng dân chủ của dân ta còn rất yếu và mờ nhạt dù có lúc ta tự hào hơi quá đáng rằng ý thức dân chủ ta khá sâu và khá sớm với nếp xưa "phép vua thua lệ làng" (!). Cũng còn do tật bảo thủ, tự hào quá lố về những giá trị châu Á (!), trong khi các nhà tư tưởng tiến bộ ở châu Á và nước ta như một số học giả người Nhật thời vua Minh Trị, như Lương Khải Siêu bên Tàu, như Nguyễn Trường Tộ, rồi Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký và về sau là Phan Chu Trinh đã sớm kết luận là từ sau thế kỷ Ánh sáng (thế kỷ 18), sau cách mạng tư sản dân quyền Mỹ và Pháp cuối thế kỷ 18, phương Tây đã mở đường cho nền văn minh nhân loại cả về công nghiệp, chính trị và văn hoá nghệ thuật. Đây là sự thật hiển nhiên, cần nhận ra để tiến lên bằng người.

Giữa châu Á và phương Tây có một khoảng cách lớn về nhận thức và thực tiễn giá trị của cá nhân. Ở châu Á, vai trò cá nhân còn bị lu mờ với nhiều ràng buộc. Thời phong kiến, con người bị các mối quan hệ vua tôi, vua quan (quân thần), thày trò, quan dân, cha con, chồng vợ, anh em, họ hàng với trật tự theo lễ giáo, đẳng cấp, ngôi thứ, chức tước, tuổi tác, trên dưới chi phối chặt chẽ. Trong xưng hô tồn tại nhiều thứ bậc: Đức Vua, cụ lớn, quan lớn, quan một, ông quản, bác đội, chú cai, anh lính, thằng mõ, con sen, tên cướp… Phụ nữ bị coi là thấp hèn so với nam giới. Nền văn hoá cổ truyền châu Á với nền Khổng học và Nho giáo đặc trưng đã một mặt làm cho xã hội ổn định và phát triển trên các mặt học thuật và tôn giáo (đạo Phật và Ấn Độ giáo), mặt khác lại kềm hãm mạnh mẽ sự phát triển của con người cá thể (Individu) như một chủ thể của tồn tại nhân sinh trong xã hội.

Khẳng định vị trí, quyền sống tự do bình đẳng của con người cá thể, với những quyền lợi và trách nhiệm như nhau trong xã hội, không tính đến giàu hay nghèo, trai hay gái, theo tôn giáo nào hay không tín ngưỡng, không kể màu da hay chủng tộc, với đủ mọi quyền ghi trong Hiến pháp và luật pháp, như quyền tư hữu, sở hữu tài sản và tự do kinh doanh hợp pháp thiêng liêng, tư do tư tưởng, báo chí, đi lại, xuất nhập cảnh… là nội dung cơ bản của cuộc cách mạng tư sản dân quyền, là một bước nhảy vọt trong quá trình giải phóng con người. Một số nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh đến nay vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn cuộc cách mạng dân chủ, vì bị ràng buộc bởi những định kiến về xã hội, tôn giáo, chủng tộc, bộ lạc, bộ tộc, vì những ngộ nhận, lầm lẫn về chính trị và cả vì những sự dối trá cố tình vì những lợi ích bè đảng bất chính…

Liên bang Xôviết từ năm 1917 thực hiện cái gọi là cách mạng vô sản, tự cho cao hơn cách mạng tư sản; xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, tự cho là cao hơn chế độ tư bản; nhưng thực tế chế độ toàn trị còn tệ hơn chế độ độc đoán độc tài; nó thủ tiêu chế độ dân chủ đa đảng và quyền tự do của công dân, làm cho người dân chỉ là kiểu nông nô mới. Nên "dân chủ Xôviết" chỉ là nền ‘’dân chủ’’ độc đảng, nền ‘’dân chủ’’ cưỡng bức, toàn trị, thực chất là chế độ phản dân chủ. Nó sụp đổ là tất yếu.

Các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng vậy, thực chất cũng là chế độ độc quyền đảng trị, phản dân chủ, cai trị bằng bạo quyền cảnh sát và bằng tuyên truyền dối trá, mị dân. Tự cho chế độ XHCN là cao hơn chế độ tư bản, nhưng trên thực tế nó thấp hơn hẳn một tầng văn minh–chính trị, là sự phủ định mọi quyền tự do cá nhân, là sự đày đoạ con người cá thể, chà đạp nhân cách con người.

Ở ba nước xã hội chủ nghĩa châu Á – Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Triều Tiên (Bắc Hàn) - tình hình còn tồi tệ hơn, vì cộng với chế độ độc quyền độc đảng phản dân chủ còn có sự trì trệ đến hủ lậu về văn hoá do tàn tích của Khổng học và Nho giáo, với tệ phân chia ngôi thứ, tàn dư khinh thị phụ nữ, coi khinh tự do và bình đẳng cá nhân, coi tự do cá nhân là không cần thiết, thậm chí coi đó là chủ nghĩa cá nhân xấu xa, nguồn gốc của muôn vàn tội ác. Các nước này thờ ơ, quay lưng lại với cuộc cách mạng chính trị-văn hoá ở phương Tây từ thế kỷ 18 đã giải phóng triệt để con người cá thể khỏi mọi áp bức bất công, nâng cao phẩm giá, nhân cách, thân phận con người cá thể lên tầm cao mới.

Cần nhận định ngay thẳng rằng thật đáng tiếc đây là một lỗ hổng chính trị-văn hoá toang hoác trong xã hội nước ta suốt một thời gian dài. Cho nên đến nay ta vẫn chưa có tư thế của người công dân dân chủ theo đúng nghĩa, đứng thẳng, đầu đội trời chân đạp đất, không sợ một ai, dám nói to điều mình nghĩ, yên tâm không một ai dám động đến mình - từ thân thể và nhân cách đến bất cứ tài sản lớn nhỏ nào của mình, tự do hoàn toàn đi bất cứ đâu, quan hệ với ai, làm điều gì mình muốn và luật không cấm, đàng hoàng chững chạc, ăn ngon ngủ yên, tự do chọn người đại diện bằng lá phiếu thật sự tự do của chính mình.

Xã hội công dân theo đúng nghĩa là xã hội đẹp, ổn định, hài hoà, gồm toàn bộ những công dân hiểu rõ quyền hạn và nghĩa vụ theo luật định, lấy luật do ý chí chung của xã hội thảo nên bởi những đại biểu được cử ra qua bầu cử dân chủ làm chuẩn mực, gắn bó với nhau bằng tình thương anh chị em (Fraternité - còn gọi là tình hay lòng bác ái). Trong xã hội công dân không một ai có thể làm ngơ, bàng quan khi một công dân khác bị đối xử bất công, vì hôm nay bất công với công dân này thì ngày mai có thể bất công với chính mình, với người thân của mình hay với bất cứ công dân nào khác. Trong xã hội công dân, báo chí của công dân tự do đua nhau phục vụ xã hội để nói lên sự thật, hình thành công luận, bảo vệ công lý, được gọi là đệ tứ quyền - quyền lực thứ tư - để nói lên tầm quan trọng và hiệu quả xã hội của nền báo chí tự do. Nét phong phú nữa của xã hội công dân là công dân tự do thực hiện quyền lập hội, tổ chức ra vô vàn hội, nảy nở như hoa xuân, từ hội, câu lạc bộ giải trí (như đánh cá, đánh cờ, bắn chim, chơi tem, hoà nhạc, múa hát, du lịch…), thể thao (đánh võ, đánh vật, bơi lội, quần vợt, đá bóng, chèo thuyền…), từ thiện (cứu đói, cứu bão lụt, giúp trẻ mồ côi, người già, người bệnh…), bảo vệ môi trường, thiên nhiên, động vật hiếm, cũng như những hội lâm thời ngắn hạn nhằm một mục tiêu cụ thể trong một sự kiện cụ thể, khi cần hợp sức của nhiều công dân có chung mối quan tâm…


Kết luận

Trên đây đã trình bày một số vấn đề về cuộc cách mạng dân tộc–dân chủ, đặc biệt là về cách mạng dân chủ, về lý luận cũng như về thực tiễn, và đặt ra một số vấn đề để cùng nhau trao đổi.

Phải chăng ở Việt Nam vấn đề này chưa được nghiên cứu đến nơi đến chốn và đã có một số ngộ nhận?

Phải chăng ở nước ta vẫn chưa thật sự hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ? Đã có nhiều khoảng cách, nhiều lỗ hổng trong lý luận và thực tiễn cần được xác định, bổ cứu. Lấp đầy những lỗ hổng khá lớn còn tồn tại mới có thể nói là hoàn thành cách mạng dân chủ.

Phải chăng ở nước ta, nói đã chuyển lên cách mạng XHCN là khiên cưỡng, vội vàng, thậm chí không xác đáng, vì XHCN với chuyên chính một đảng, bỏ qua thực hiện một xã hội công dân là đốt cháy giai đoạn, lầm lẫn và nguy hiểm; cũng như chủ trương kinh tế thị trường với định hướng XHCN - với nội hàm XHCN gắn với kinh tế quốc doanh, với kế hoạch tập trung, chỉ huy bao cấp, - là không thực tế và khoa học?

Nếu vậy thì cuộc cách mạng ở nước ta có cần xác định lại cho chính xác, khoa học và vững chắc hay không? Nhất là khi ta đã hoà nhập với thế giới hiện tại sau khi nước ta vào WTO, khi các nước dân chủ tiên tiến hiện nay vẫn chỉ xác định là đang ở thời kỳ hoàn thiện cuộc cách mạng dân chủ (như ở Pháp qua 5 nền cộng hoà) - hoàn thiện xã hội công dân, với nhiều mô hình, mà mô hình Bắc Âu ở Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển do các đảng xã hội dân chủ lãnh đạo là những điển hình hấp dẫn nhất, với tên gọi là nhà nước phúc lợi (năng suất cao, giá trị sản phẩm theo đầu người cao, tham nhũng gần bằng không, môi trường được bảo vệ tốt nhất, ít bất trắc cho đầu tư, sự nghiệp giáo dục y tế có chất lượng cao, phúc lợi xã hội đứng hàng đầu thế giới… Tôi sẽ có dịp trở lại đề tài lý thú này).

Nhiều nhà lý luận kinh điển và các nghệ sĩ viết sách và làm thơ cho rằng cuộc cách mạng dân chủ ở phương Tây đã chặt đứt hết mọi gông cùm và xiềng xích – theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen - từng nô lệ hoá, tha hoá, chà đạp phẩm giá con người, và trong xã hội công dân sẽ không còn có thể tồn tại bất cứ một thứ gông cùm xiềng xích nào nữa. Điều này hình như trên đất nước ta chưa được thành sự thật, kể cả từ 1945, hay từ 1975 cho đến nay, khi mà những chữ "cách mạng" và "giải phóng" được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần.

Tôi suy nghĩ để chuẩn bị viết bài này từ ba năm nay (đầu 2004) rồi bắt đầu viết từ đầu năm 2006. Gần đây tôi mừng khi thấy nhiều bạn trong nước nhắc đến nhà chí sĩ Phan Chu Trinh (1872- 1926). Nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà báo Phạm Ngọc Uyển, nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng.… đều nhắc đến Cụ Tây Hồ một cách trân trọng và hào sảng. Cụ là người Việt Nam sớm đọc Voltaire, Rousseau và Montesquieu qua bản dịch sang Hán văn, rồi đọc thẳng tiếng Pháp, còn tắm mình trong không khí chính trị, văn hoá của nước Pháp của thời Cộng hoà thứ III. Phải mê say tư tưởng Khai sáng của các nhà tư tưởng thời đại Khai sáng cuối thế kỷ 18 ở châu Âu và phải đau lòng lắm lắm về những gông cùm xiềng xích mà dân ta phải chịu do ách thống trị của thực dân Pháp cùng vua quan phong kiến bản xứ cũng như do những tập tục cổ hủ bảo thủ của xã hội theo đạo Khổng và Nho giáo, Cụ Phan mới sáng tác nên những áng thơ văn bất hủ, tiêu biểu là gần nghìn câu thơ trong tập Tỉnh quốc hồn ca. Đây là tiếng thét căm giận, là hàng nước mắt đau thương, là ngọn đuốc chỉ đường, là lời hịch toàn dân thức tỉnh làm cách mạng dân chủ thứ thật. Xin tìm đọc lời chân tình Cụ khuyên anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đừng có hăng máu bạo động - ngựa non háu đá - mà nên theo phương hướng khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

Ai sẽ đứng lên cùng toàn dân ta bổ cứu những khiếm khuyết, những lỗ hổng tồn tại trong cuộc cách mạng dân chủ còn dở dang, để Việt Nam khơi dậy sức mạnh hùng hậu vô tận tiến kịp năm châu, cất mình bay bổng trên đôi cánh tự do và nhân quyền, phóng con tàu ra biển lớn bằng động lực tự do và la bàn dân chủ, giải phóng thật sự nhân dân yêu quý khỏi mọi gông cùm xiềng xích của lầm lẫn và ngộ nhận?

Gần đây, nhân bầu Quốc hội khóa 12 đã có một số ý kiến về ứng cử bầu cử, tỷ lệ và cơ cấu…Bên Trung quốc cũng vừa có quyết định về sở hữu tư nhân. Nhưng đó chỉ là những chắp vá bộ phận, chỉ lấp được vài lỗ hổng và khiếm khuyết trong khi cần lấp cả một loạt hố sâu rộng lớn liên hoàn; sao không bỏ công sức lấp hết một lần để xây một mặt bằng kiên cố của nền văn minh chính trị mới, trên đó sẽ là công trình dân chủ của thời đại.

Vậy bằng cách thức nào đây, đường đi nước bước nào đây? Đây là chuyện khó khăn, lại là then chốt nhất, rất cần đến cao kiến của các vị, các bạn có lòng và có trí tuệ đang lo âu trước hiện tình đất nước và nhân dân ta.

Xin được các anh chị em và đồng bào suy nghĩ và cho ý kiến.

Xin các vị trí thức, nhà nghiên cứu, giáo sư, nhà báo, nhà hoạt động chính trị, các bạn sinh viên, tuổi trẻ trong và ngoài nước cho ý kiến.

Xin kính mời đích danh các vị và các bạn: Phan Đình Diệu, Dương Trung Quốc, Nguyễn Huệ Chi, Lại Nguyên Ân, Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng, Dương Tường, Trần Quốc Thuận, Phạm Ngọc Uyển, Đặng Phong, Nguyễn Trung, Nguyễn Lân Dũng, Phan Huy Lê, Hoàng Tuỵ… (trật tự theo ngẫu nhiên của trí nhớ). Tôi đặc biệt mời quý vị giáo sư và các bạn sinh viên ngành Sử và Thông tin Báo chí nữa. Tôi cũng mong được sự góp ý của nhà lý luận/nhà báo kỳ cựu Hoàng Tùng, ông bạn cũ Mười Hương và Cụ Cao Hồng Lĩnh.

Với anh chị em đang đấu tranh cho dân chủ ở trong nước, xin có lời mời các vị và các bạn: Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khải Thanh Thuỷ, Vũ Cao Quận, Nguyễn Khắc Toàn… Với các vị, các bạn ở ngoài nước tôi sẽ có liên lạc với từng người.

Để có diễn đàn trao đổi, tôi mong mạng talawas sẽ vui lòng yểm trợ cho cuộc trao đổi ý kiến mà tôi mong là sẽ sôi nổi và bổ ích này. Xin đa tạ.

Paris 24-3-2007

© 2007 talawas
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9552&rb=0401

Aucun commentaire: