1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

lundi 21 mai 2007

Đối thoại với ông Võ Văn Kiệt - HỒ PHÚ BÔNG

Đối thoại với ông Võ Văn Kiệt nhân bài phỏng vấn trên BBC dịp 30-4-07


HỒ PHÚ BÔNG

Nhân dịp 30-4 phóng viên đài BBC đã cho phổ biến bài phỏng vấn đặc biệt cựu Thủ Tướng Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt, một cuộc phỏng vấn mà BBC gọi là “hiếm hoi” và “Một kỷ niệm khó quên với Xuân Hồng là dù chính ông Võ Văn Kiệt đã đồng ý để BBC phỏng vấn nhưng phóng viên BBC đã phải mất nhiều cuộc gặp với cơ quan chức năng mới gặp được ông chỉ một giờ trước khi ra phi trường về Anh.”

Những vấn đề ông Võ Văn Kiệt nêu ra không phải là mới, nhưng tại sao cứ nêu ra hoài mà 32 năm trôi qua cũng chưa ai làm được? Ai nên làm trước?

Chuyện hòa giải

CSVN đi bước trước bằng cách thừa nhận cuộc chiến vừa qua là cuộc chiến nồi da xáo thịt giữa anh em với nhau. Vì sự thống nhất đất nước đâu phải chỉ có VN? Thế nhưng VN phải tốn xương máu nhiều nhất! Và sau khi thống nhất thì dân tình ly tán nhất! Hai cái “nhất” nầy làm kiệt quệ sinh lực quốc gia. Công nhận điều đó CÔNG KHAI thì tự nó đã là sự hòa giải rồi! Người Việt hải ngoại đã bị nguyền rũa thậm tệ từ những ngày đầu (xin dở lại hồ sơ truyền thông Việt Nam sau 30-4-75) rồi ngôn từ thay đổi nhẹ dần, nhờ thời gian làm loãng bớt không khí đậm đặc thù hằn ban đầu, điều nầy có thể hiểu là một hình thức giải hòa nhưng với tư cách kẻ cả! Khi còn giữ quan niệm kẻ thắng, người bại thì không thể gọi là hòa giải được. CSVN chỉ nghĩ đến “THA THỨ” chứ không phải hòa giải. Trong lúc chính dân tộc VN là nạn nhân. Nạn nhân giữa hai thế lực chính trị đối nghịch của những nước lớn. CSVN, cho đến lúc nầy, vẫn nghĩ mình là cha đẻ của chiến thắng, còn chuyện núi xương sông máu đã đổ, được hiểu là sự hy sinh cần thiết, cho nên họ vẫn độc quyền lãnh đạo. Cái giá cho 4-5 triệu người chết như vậy có xứng đáng với “tài lãnh đạo” hay không? Giữ vững quan niệm như vậy thì làm sao nói chuyện hòa giải được? Chiếm nước, chiếm thành, nhưng chiếm sao được lòng người? Cho nên khi nói đến hòa giải thì phải thành thật.

Không có kẻ thắng và người bại. Trước đây ông Võ Văn Kiệt đã nói về kết quả cuộc chiến Bắc-Nam: “có triệu người vui và cũng có triệu người buồn”. Câu nói nầy đã được rất nhiều người nhắc lại vì đây là sự thật. Một chia cắt lớn như vậy trong dân tộc, một vết thương sâu đậm đến như vậy nhưng chữ với nghĩa các cấp lãnh đạo đảng CSVN cứ luôn luôn loanh quanh, làm người nghe có cảm tưởng đây chỉ là chuyện hóa giải, có tính cách chiến thuật, trong cảnh tứ bề thọ địch của đảng, trước phong trào đòi dân chủ trong nước và trước sự đồng tình và cỗ vũ của thế giới, chứ không phải chuyện hòa giải thật lòng.

Nếu ông Võ Văn Kiệt nói thật lòng, thay cho đảng của ông, thì nên thừa nhận công khai, hơn là chỉ thăm dò phản ứng. Người dân đã chứng kiến rất nhiều về sự tráo trở ngôn từ của đảng, cho nên rất khó có thể tin thêm nữa.

Ngôn ngữ đảng CSVN thường dùng không bao giờ sòng phẳng. Thí dụ như thông cáo học tập cải tạo sau 30-4 và mới đây, Quyết Định của chính phủ về việc nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa.
Điều 1 viết: Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 hecta đất khu nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân Khu 7, Bộ Quốc Phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương! Giao cho tỉnh Bình Dương để “sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế - xã hội” thì có thể hiểu nhiều cách khác nhau. Thí dụ: tỉnh Bình Dương sẽ xếp nghĩa trang nầy thành một nghĩa trang bình thường như mọi nghĩa trang khác. Cũng có thể hiểu là dưới chế độ XHCN thì đất đai thuộc quản lý của nhà nước nên tỉnh Bình Dương vì nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sẽ cho di dời các mộ đi một nơi khác (điều nầy đã xảy ra rất nhiều). Đưa vấn đề hài cốt của hơn 16.000 quân nhân QL/VNCH, vốn đã bị “quân quản” suốt hơn 32 năm qua, vào việc bất an như vậy có thể là vô tình không? Người chết vẫn chưa được yên thì người sống có yên được hay không? Như vậy làm sao gọi là hòa hợp, hòa giải? Nếu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa không còn tồn tại thì đồng nghĩa với việc CSVN xóa bỏ dấu vết cuối cùng của chế độ VNCH.

Trích bài phỏng vấn của BBC:

Xuân Hồng: Nhưng cũng có một số người ở ngoại quốc thì họ nói rằng dân sự hóa tức là sau này sẽ chuyển giao cái đó cho một chính quyền địa phương, rồi chính quyền địa phương sẽ hợp thức hóa đất đai ở đó để mà chiếm dụng. Ông thấy có khả năng đó xảy ra không ạ?

Võ Văn Kiệt: Trước hết tôi khẳng định không có khả năng ấy bởi lẽ tôi gặp sau quyết định của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tôi gặp Bình Dương là người của thủ tướng giao vùng đất này cho Bình Dương quản lý. Tôi nhớ là bao gồm diện tích của nghĩa trang cũ và một số diện tích của người dân ở đó để đơn vị đóng ở đó, nói chung lại là 58 hét ta và hiện nay năm 2005 thì mồ mã ở đây còn 12800, thế thì tới đầu năm nay khi tôi làm việc với anh em để coi lại mồ mã của anh em quân đội trước đây của miền Nam thì còn lại 12600, số 200 trong thời gian này bà con xin đưa về quê.

12600 này tôi hỏi anh em Bình Dương dự kiến như thế nào và quyết định của thủ tướng đã nói rằng quản lý theo hình thức mồ mả tập trung chớ không hề có quyết định nào, xóa nó đi để làm kinh tế hay xây cất những công trình khác.

Như vậy thì nên tin vào lời ông Võ Văn Kiệt, chỉ trả lời trong một cuộc phỏng vấn, hay tin vào văn bản pháp lý của nhà nước?

Thử nhìn lại quá khứ. Thời ông Lê Duẫn Tổng Bí Thư, thì khẩu hiệu “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH” tràn ngập trên các nẻo đường, trên báo, đài, nhưng đến năm 1986 thì ông Nguyễn Văn Linh Tổng Bí Thư, lại bẻ bánh lái, chuyển hướng qua con đường tư bản chủ nghĩa (mà ai cũng thấy rõ) nhưng nhà nước chơi chữ “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”, cho dù cái dòng chữ dài lòng thòng nầy chưa hề có trước đó hay trong sách vở về kinh tế học. Lúc đó, nền kinh tế miền Nam đang do tư nhân tư hữu bị chết cứng. Đổi tiền, đánh tư sản mại bản, vào tập thể, hợp tác xã, kinh tế mới, người dân đang ăn ngon mặc đẹp bỗng tán gia bại sản, đói rách tả tơi. Người miền quê sống với ruộng vườn, đang ăn nên làm ra, bỗng bị mất đất, mất thế đứng. Thay vì thừa gạo để xuất cảng thì nhà nước phải nhập cảng, ăn bo bo, khoai sắn. Trong thập niên sau 75, đời sống của người dân đói khổ như vậy, sao không thấy đảng nhận trách nhiệm? Đảng không có một lời xin lỗi! Đảng chỉ âm thầm bẻ bánh lái con tàu kinh tế nhưng cũng không bao giờ chịu công khai xác nhận sự thất bại! Và ngược lại, khi nền kinh tế đất nước (không theo con đường XHCN) được thay da đổi thịt thì đảng lại kể công đổi mới! Cho nên, khi kế hoạch, chủ trương của đảng bị thất bại, thì dân phải âm thầm chịu hy sinh. Còn thành công, thì đó là công lao của đảng và người dân phải mang ơn.

Lịch sử sự chối bỏ trách nhiệm và kể công của đảng như vậy, thì một văn bản với chữ nghĩa mơ hồ của Quyết Định về nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa, cộng thêm lời nói miệng giữa ông Võ Văn Kiệt với chính quyền Bình Dương, liệu có tồn tại được với thời gian?

Vì vậy, Quyết Định về nghĩa trang QĐBH cũng có thể hiểu là đảng CSVN sẽ giải quyết theo từng giai đoạn. Nếu người Việt hải ngoại chống đối mạnh mẽ thì sẽ giải thích như cách giải thích của ông Võ Văn Kiệt. Nhưng chờ một ngày nào đó chuyện chống đối không còn sôi nổi như hiện tại thì chính quyền Bình Dương sẽ lặng lẽ thực hiện theo “mục đích dân sự để phát triển kinh tế - xã hội”.

Chữ và nghĩa trong các văn kiện của đảng CSVN bao giờ cũng có hai mặt, thì hẳn nhiên phải có dụng ý. Đã là một quyết định, thì tại sao không giải quyết hẳn được vấn đề, mà lại đặt ra thêm nhiều tranh cãi khác?

Người VN ngày trước chân thật, không đa nghi, nhưng hơn nửa thế kỷ qua, từ khi đảng áp dụng chủ trương tạo ra sự nghi ngờ để dễ kiểm soát nhau trong nội bộ cũng như ngoài xã hội, bây giờ đặc tính đó đã trở thành bản chất của đảng viên và “bản chất mới” của người Việt trong nước. Chữ TÍN giữa người dân đã mất. Đạo đức căn bản xã hội đã bật gốc. Đảng CSVN đang gặt hái được thành quả của chính mình gây ra.

Đã biết là lịch sử thường không phải chỉ xảy ra một lần, nhưng đảng CSVN thì lại công khai tái diễn. Do đó sự kêu gọi hòa giải của CSVN cũng chỉ có trên lời nói, chứ chưa, hoặc không thể, biến thành hành động. Mà CSVN không hành động thì ai là người bắt đầu?

Chỉ việc hai tấm bia tưởng niệm thuyền nhân người Việt ở hai nước Malaysia và Indonesia, xa ngàn dặm, cũng đã bị bàn tay của CSVN vói sang đục bỏ thì một nghĩa trang lớn 58 ha đất sờ sờ trước cửa ngõ vào thành phố Sài Gòn liệu có được yên hay không?

Nghe giọng ông Võ Văn Kiệt, qua cuộc đàm thoại, tôi tin là ông có chút thật lòng nhưng cái nghị định 31/CP lịch sử (cho phép công an bắt giam tùy tiện) của ông đã ký, vẫn còn đó. Nên, thí dụ, hiện tại ông Võ Văn Kiệt đã nhận ra một con đường mới để hòa giải, thì xin ông xắn tay áo bắt tay ngay, nếu không thì đã quá muộn màng, vì tuổi đời của ông. Hình ảnh của ông sẽ tồn tại trong lịch sử VN, cũng giống như hình ảnh một Yeltsin trước kia của Nga, dám nói dám làm, đứng hẳn trên xe tăng hô hào, dứt khoát chống lại cuộc nổi dậy sau cùng của đảng CS Nga. Cho dù ông Võ Văn Kiệt không còn quyền lực, nhưng ít ra cũng còn một số ảnh hưởng, thì con đường đi vào lịch sử dân tộc của ông là con đường tướng Trần Độ đã đi.

Bầu cử

Về việc bầu cử Quốc Hội ông Võ Văn Kiệt nói:

" Tôi và một số không ít anh em khuyến khích là nên có đổi mới, khuyến khích có tình trạng tự ứng cử để cho các ứng viên có trách nhiệm "

"Một quốc hội có người tự ứng cử và được dân bầu lên một cách tự do sẽ tốt hơn quốc hội bây giờ”

" chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng."

Phải chăng vì ý kiến nêu trên nên đảng cho phép ông Phó Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Văn Yểu lên tiếng, thông qua “trực tuyến” trên Việt Nam Net online ngày 2-5-07 vừa rồi để trả lời:

"Ở các nước khác có chế độ tranh cử, ở Việt Nam không có tranh cử mà là vận động bầu cử và theo quy định".

"Bầu cử khác với tranh cử, ứng cử viên không ai tranh ai, khi thực hiện vận động thì không làm phương hại đến lợi ích chung của các cơ quan, đơn vị khác. Có thể nói tốt về các đại biểu khác hoặc các cơ quan khác nhưng ứng cử viên không được nói gì phương hại đến ứng cử viên khác."

Cùng dịp nầy, sinh viên Nguyễn Tiến Trung, đang du học ở Pháp, đã có một bài viết đăng tải trên BBC, dẫn chứng cách giải thích tùy tiện của CSVN về bản Hiến Pháp do chính đảng viết ra. Đây là một việc làm vui. Nhưng vui hơn, là cách giải thích của ông Phó Chủ Tịch QH Nguyễn Văn Yểu về việc ở VN chỉ có bầu cử chứ không có tranh cử! Nghe kiểu giải thích nầy thì bài viết công phu của anh Trung thua xa là cái chắc! Ông PCT/QH đã giải thích như trên rồi thì những người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền không nên phí thì giờ dùng luận điểm lý luận về luật pháp để đấu lý với CSVN nữa. Cứ đem cái tranh cử Tổng Thống sôi nổi vừa qua ở Pháp mà bàn với CSVN thì chắc chắn họ chẳng hiểu gì ráo trọi! Cách giải thích về QH, bầu cử, ứng cử, tự do, dân chủ, đa nguyên… của đảng CSVN là chỉ có người CS hiểu với nhau thôi. Thế giới còn lại làm sao hiểu được “đỉnh cao trí tuệ của loài người”!

Kết thúc cuộc chiến vào 30-4-75 thì rõ ràng lực lượng quân sự của VNCH thua. Nhưng cũng rất rõ ràng rằng thể chế chính trị dân chủ của VNCH đang thắng và càng ngày người dân VN càng ý thức quyền công dân mạnh mẽ hơn, qua các phong trào đấu tranh cho tự do báo chí, dân chủ, đa nguyên. Những cuộc đình công ngày một lan rộng, điều đặc biệt là chính CSVN xác nhận khi mới xảy ra, là không mang màu sắc chính trị, nhưng là phản ứng tự nhiên của những người bị bóc lột. Đảng nhân danh “đại diện cho tầng lớp công nhân, nông dân bị bóc lột” tại sao lại ra lệnh cho quốc hội phải ráo riết hoàn tất bộ luật mới, trong đó có luật bắt công nhân đình công “bất hợp pháp” phải bị trừ tiền lương trả lại cho chủ?

Đảng CSVN phải từng bước cởi trói. Danh từ “cởi trói” mà báo chí nhà nước nêu ra đã tự nói lên tính độc tài lạc hậu của đảng với văn minh hiện tại trên thế giới.

Cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ, sau chiến thắng của người miền Bắc, thì di sản của những người miền Nam, kẻ bị chiến bại, cũng được tôn trọng và gìn giữ. Đất nước Hoa Kỳ đã thật sự hòa hợp và hoàn toàn không có cảnh thống trị của người chiến thắng. Chính điều nầy đã đưa đất nước Hoa Kỳ hùng mạnh như hiện tại.

Còn tại VN, trong cuộc chiến vừa qua, sự thật, chỉ có đảng CSVN chiến thắng, điều mà chính ông Võ Văn Kiệt cũng như đảng của ông, chẳng bao giờ dám công khai xác nhận trước dân tộc!

Câu nói của ông Võ Văn Kiệt: "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả" tôi nghĩ chắc sẽ được nhiều người nhắc lại.

“Ông già chợ Đệm” Nguyễn Văn Trấn, theo đảng cho đến cuối đời đã để lại trong tác phẩm “Viết cho Mẹ và Quốc Hội” một số điều đáng suy nghĩ:

“Tội ác của chế độ này, từ 40 năm nay thật nói không hết…” (trang 345)

“Đã nói tự do báo chí sao lại phải xin phép? Chúng tôi rất khó hiểu về quan niệm tự do của các anh. Đã xin phép thì không còn gì là tự do.” (trang 390)

“(Dạ thưa quốc hội, ngày xưa, dưới thời Pháp thuộc việc xuất bản một quyển sách dễ như cơm bữa)” (trang 447)

Còn vụ Cái Cách Ruộng Đất “long trời lở đất” ông kể:

Nếu má tôi đội mồ ngồi dậy mà hỏi: “Tại sao con đồng ý cái luật ác nhân ác đức ấy?” Tôi sẽ thưa: - Luật ấy có ác nhơn, cũng tại người làm. Nè nghe má. Có lần anh chị em Nam Bộ “đại biểu” biểu tôi đến gặp ông già Tôn (Tôn Đức Thắng-NV) mà hỏi, tại sao ổng để cho cải cách ruộng đất giết người như vậy?” Bác Tôn đang ngồi, nghe tôi hỏi, liền đứng dậy bước ra khỏi ghế, vừa đi và nói:
- Đụ mẹ, tao cũng sợ nó, mày biểu tao còn dám nói cái gì?” (trang 266-267)

Còn ông Võ Văn Kiệt, có lẽ sẽ để lại mấy câu nói:

.."Tôi đã đặt vấn đề này và cũng viết trong một số bài rằng có một cách nhìn méo mó từ phía một số người cộng sản rằng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội là đúng, còn những người yêu nước khác mà không yêu chủ nghĩa xã hội thì không yêu nước đủ như mình".

.."Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào".

..''Kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù Việt Nam là Mỹ sau này, kẻ thù Việt Nam là Trung Quốc đánh biên giới phía bắc, chúng ta cũng khép lại quá khứ được, thì tại sao chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy mà lại cứ đố kỵ lẫn nhau.

có đủ không? Phải chăng ông Võ Văn Kiệt đang ở vào “cái thế” luẫn quẫn của ông Nguyễn Văn Trấn ngày trước, nên phóng viên BBC Xuân Hồng phải than thở: “Một kỷ niệm khó quên với Xuân Hồng là dù chính ông Võ Văn Kiệt đã đồng ý để BBC phỏng vấn nhưng phóng viên BBC đã phải mất nhiều cuộc gặp với cơ quan chức năng mới gặp được ông chỉ một giờ trước khi ra phi trường về Anh.” ?

Thưa ông Võ Văn Kiệt,

Trang sử mới Việt Nam vào Thế Kỷ 21 đã mở ra, và vẫn đang đợi người viết.

(May 16, 07)

Aucun commentaire: