1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

samedi 19 mai 2007

Bộ Ba Nguyễn Minh Triết - Ng.Tấn Dũng-Trương Tấn Sang

Bộ Ba Nguyễn Minh Triết - Ng.Tấn Dũng-Trương Tấn Sang

LÝ THÁI HÙNG . Việt Báo Thứ Bảy, 5/19/2007, 12:02:00 AM

Ngày 25 tháng 4 năm 2007 vừa qua, đánh dấu đúng một năm ngày bế mạc đại hội lần thứ X của đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức từ ngày 18 đến 25 tháng 4 năm 2006. Đây có thể coi là một đại hội khác thường nhất trong tất cả các đại hội đã triệu tập từ trước đến nay, khi nó không có đại hội trù bị để cho các phe nhóm tự quyết định lấy thành phần nhân sự trong Trung ương đảng mà phải giao cho 1,176 đại biểu biểu quyết ngay tại đại hội, cũng như cho các đảng viên tự ứng cử mà không cần thông qua sự đề bạt của ban tổ chức Trung Ương.

Nhưng quan trọng hơn, đại hội lần thứ X còn đánh dấu sự cáo chung của bộ ba Thái thượng hoàng gồm Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt ra khỏi vị trí quyền lực, sau gần 10 năm (1997 - 2006) làm mưa làm gió trong hậu trường chính trị giữa họ với nhau. Nhưng sự cáo chung quyền lực của bộ ba Thái Thượng Hoàng lại tạo ra một sự tranh chấp mới trong đảng Cộng sản Việt Nam mà lần này không chủ yếu ở nhân sự cầm đầu giữa các phe nhóm mà chuyển theo khuynh hướng địa phương Bắc - Trung - Nam. Bài viết này có chủ đích lượng giá tình hình nhân sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sau đại hội X.

Đại hội X của đảng Cộng sản Việt Nam đã bầu ra 160 uỷ viên Trung ương đảng và 21 ủy viên trung ương dự khuyết. Đây là thành phần quyết định về chính sách chung của đảng nhưng bị chi phối bởi 14 ủy viên Bộ chính trị gồm 1/Nông Đức Mạnh (Tổng bí thư); 2/ Lê Hồng Anh (Bộ Trưởng Công An); 3/Nguyễn Tấn Dũng (Thủ Tướng); 4/Nguyễn Minh Triết (Chủ Tịch Nước); 5/Trương Tấn Sang (Thường Trực Ban Bí Thư); 6/Nguyễn Phú Trọng (Chủ Tịch Quốc Hội); 7/Phạm Gia Khiêm (Phó Thủ Tướng_Bộ Trưởng Ngoại Giao); 8/Phùng Quang Thanh (Bộ Trưởng Quốc Phòng); 9/Trương Vĩnh Trọng (Phó Thủ Tướng); 10/ Lê Thanh Hải (Bí Thư Sài Gòn); 11/Nguyễn Sinh Hùng (Phó Thủ Tướng Thường Trực); 12/Nguyễn Văn Chi (Chủ Nhiệm Ban Kiểm Tra Trung Ương); 13/Hồ Việt Đức (Ban Bí Thư); 14/Phạm Quang Nghị (Bí Thư Hà Nội). Quan điểm và tầm nhìn của 14 thành viên bộ chính trị không đồng nhất và chia làm ba khuynh hướng hiện đang chi phối trong nội bộ Trung Uơng Đảng.

Khuynh hướng thứ nhất tạm gọi là muốn gia tốc sự thay đổi. Nhóm này muốn đẩy nhanh cải cách kinh tế - tài chánh, mở rộng quan hệ với Phương Tây, đặc biệt là muốn tạo quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ, cân bằng các ảnh hưởng hiện nay từ phía Trung Quốc. Tiêu biểu cho nhóm này gồm có Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm, Lê Thanh Hải.

Khuynh hướng thứ hai tạm gọi là muốn thay đổi chậm. Nhóm này không muốn tạo những sứt mẻ quan hệ với Bắc Kinh và chủ trương tạo khoảng cách với Hoa Kỳ vì không tin vào các chủ trương của Mỹ đối với CSVN. Tiêu biểu cho nhóm này gồm có Nguyễn Phú Trọng, Trương Vĩnh Trọng, Phạm Quang Nghị, Hồ Việt Đức.

Khuynh hướng thứ ba tạm gọi là đứng giữa. Nhóm này không có quan điểm rõ ràng và luôn luôn chọn thái độ đứng giữa trong mọi cuộc thảo luận, tranh chấp trong nội bộ liên quan đến Mỹ hay Trung Quốc. Tiêu biểu cho nhóm này gồm có Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn Chi.

Trong ba nhóm nói trên, khuynh hướng đẩy nhanh tốc độ thay đổi được nhiều người ủng hộ và đang chiếm nhiều ưu thế ở trong đảng, đặc biệt là trong chính phủ và các tỉnh miền Nam. Nhóm này cho rằng, Trung Quốc hiện đang dựa vào Mỹ để phát triển kinh tế, vậy thì Việt Nam không thể chỉ dựa vào Bắc Kinh mà nên 'đối thoại' trực tiếp với Mỹ, đặc biệt là với giới kinh doanh Mỹ đã quan tâm và đánh giá Việt Nam là một trong những nước ưu tiên ở Á Châu về hợp tác kinh tế và đầu tư. Nhóm muốn thay đổi nhanh còn dựa vào hai thành quả gần đây là gia nhập WTO và được Mỹ ban cho quy chế PNTR để thuyết phục trong nội bộ là không nên 'quá sợ' Hoa Kỳ mà cần hợp tác để tiến tới những quan hệ chiến lược giữa hai nước. Trong khi đó, phe chủ trương thay đổi chậm cho rằng nếu đẩy nhanh đà thay đổi kinh tế sẽ kéo theo những biến đổi cấu trúc chính trị mà bản thân đảng và lãnh đạo chưa có thể đáp ứng, thì sẽ tạo ra những rối loạn. Do lối lý luận này, nhóm này chủ trương là mọi cải tổ phải học và đi sau Trung Quốc một bước để giữ sự an toàn cho đảng. Nhóm này được sự hỗ trợ của Hội đồng lý luận trung ương, trước đây do Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch nay giao lại cho Tô Huy Rứa, Trưởng ban văn hóa tư tưởng trung ương đảng đảm trách, có nhiệm vụ tham vấn các quan điểm chiến lược cho Bộ chính trị.

Sự khác biệt quan điểm của hai khuynh hướng nói trên, vô hình chung đã tạo ra vị trí cầm chịch quyền lực và ưu thế hoạt động của phe cán bộ miền Nam hiện nay đối với phe cán bộ miền Bắc, vốn phe miền Bắc đã khuynh loát nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam suốt từ năm 1988 kéo dài đến năm 2006, dưới ba triều đại Tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và nhiệm kỳ đầu của Nông Đức Mạnh. Nói cách khác, từ sau khi tiếng nói của Đỗ Mười, Lê Đức Anh không còn nhiều ảnh hưởng qua vụ sắp xếp nhân sự của đại hội X và nhất là từ sau khi được Mỹ ủng hộ gia nhập WTO, rút tên ra khỏi danh sách CPC và ban cho quy chế tối huệ quốc (PNTR), các tiếng nói 'thân Mỹ' đã chiếm ưu thế trong nội bộ đảng, kéo theo sự tán đồng của thành phần tư bản đỏ ở miền Nam nên tư thế lãnh đạo của Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang đã lên như diều gặp gió.

Chỉ cần nhìn vào những bản tin loan tải về các chuyến đi thị sát địa phương, tham dự các Hội nghị và tiếp kiến giới lãnh đạo các quốc gia đến thăm Hà Nội, người ta thấy đa số đề cập đến Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang. Hình ảnh của Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng rất lu mờ và xuất hiện ở những nơi không có tầm vóc lớn. Ngoài ra, trong vai trò Thường trực Ban bí thư, Trương Tấn Sang đã trở thành một nhân vật then chốt trong các sinh hoạt nội bộ đảng và hiện diện hầu hết các Hội nghị; trong khi Nông Đức Mạnh lại chỉ xuất hiện ở những hội nghị mang tính nghi lễ nhiều hơn là thực chất.

Nhiều nguồn dư luận tại Hà Nội cho là Trương Tấn Sang đang thực hiện một sứ mạng nhằm chuẩn bị cho bước tiến của mình trong vòng vài năm tới. Đó là vận động để trong Hội nghị giữa nhiệm kỳ của khóa X, Trung ương đảng bầu Nguyễn Minh Triết lên làm Tổng Bí Thư thay thế Nông Đức Mạnh như trường hợp Hồ Cẩm Đào bên Trung Quốc đã kiêm nhiệm cả hai vừa là Chủ tịch nước, vừa là Tổng bí thư đảng. Nếu thực hiện được điều này, sau nhiệm kỳ của Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang có thể sẽ lên thay thế trong vai trò Chủ tịch nước và Tổng bí thư đảng vào năm 2011.

Tóm lại, sự chi phối quyền lực của bộ ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt trong nội bô đảng Cộng sản Việt Nam kéo dài từ năm 1991 cho đến năm 2006 đã chấm dứt và hiện đang chuyển sang sự chi phối trực tiếp của bộ ba Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang của phe cánh miền Nam. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là bộ ba Thái Thượng Hoàng đã chi phối được quyền lực trong một thời gian dài vì họ đã có một quá trình 'cách mạng' trong đảng mà những người lãnh đạo sau này không có thể so sánh. Ngày nay, sự vươn lên cầm quyền của một vài nhân sự lãnh đạo trong đảng Cộng sản Việt Nam, không do quá trình cách mạng hay sự tài giỏi - mà thường là do sự cấu kết phe nhóm trong một giai đoạn nhất định. Liên minh quyền lực của phe nhóm Triết - Dũng - Sang là sự cấu kết của một xu thế 'thân Mỹ' do nhu cầu cải tổ kinh tế; vì thế mà liên minh này sẽ rất bấp bênh vì sẽ gặp những chống đối từ phe nhóm miền Bắc và cả Bắc Kinh trong thời gian tới.

Aucun commentaire: