Lực lượng nào sẽ đi bầu cử Quốc hội ?
Phạm Mai Hoa
Viết từ Hưng Yên, Việt Nam
Nhà nước nói 350 tỷ đồng được bỏ ra cho cuộc bầu cử Quốc hội 2007
Chắc chẳng cần nói lại những gì đang diễn ra thì cử tri Việt Nam đều nhận thấy ĐCSVN vẫn diễn đi diễn lại cái trò hề cũ trong lần bầu cử và ứng cử ĐBQH khoá 12 tới.
Đại đa số người dân, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn đều không biết các vị đại biểu tương lai đại diện bảo vệ cho quyền lợi cho mình là ai bởi người ta đã tạo ra những rào cản ngăn cách giữa các ứng cử viên và cử tri.
Thật là kỳ quặc bởi các ứng cử viên sau khi đã được sàng lọc kỹ lưỡng qua các hội nghị hiệp thương, thông qua các cuộc “tiếp xúc”, “góp ý” của cử tri tại địa phương mà thực chất như những cuộc đấu tố nhằm sàng lọc các ứng cử viên ít nhiều không tuân phục với đường lối chính trị độc tài, hay cái cách chống tham nhũng và cải cách thủ tục hành chính như hiện nay. Khi các ứng cử viên đã nằm trong danh sách bầu cử thì họ lại không có quyền cạnh tranh, vận động bầu cử. Nếu ai thực sự quan tâm chỉ có thể biết được thông tin về các ứng cử viên ở các tụ điểm bầu cử mà thôi. Liệu có thể kiểm chứng được các thông tin đang đăng tải về các ứng cử viên này không? Còn lại mấy cái trò “tiếp xúc cử tri” đang làm hiện nay thì cử tri VN đã quá hiểu thực chất nó đã và sẽ diễn ra như thế nào.
Có lẽ cái nổi bật nhất ở các tụ điểm bầu cử là bản danh sách các cử tri như có ngầm ý rằng ông, bà đang có tên trong danh sách, liệu liệu mà đi bầu cử nếu không muốn bị gọi tên trên các phương tiện truyền thông, không muốn bị làm khó dễ sau này. Và như vậy cử tri VN vẫn phải đi bầu những người về cơ bản đã được sắp đặt từ trước, mặc dù cũng có một số ít những người tự ứng cử nằm trong danh sách bầu cử (30 người).
Người dân VN hiện nay đã hiểu ra rằng đi bầu hay không là quyền ở mỗi người. Không ai có quyền gọi tên người ta trên các loại phương tiện truyền thông cũng như không có quyền gây khó dễ vì chuyện đó.
Ở các kỳ bầu cử trước số người được người khác bầu hộ cho khỏi gặp phiền toái là không nhỏ. Trong gia đình thì một người đi bầu cho cả nhà, ở các cơ quan hay trường học tình trạnh một người đi bầu cho nhiều người là rất phổ biến. Mong rằng ở kỳ bầu cử lần này người dân cần cảnh giác cao độ với lối làm ăn gian dối không minh bạch đang ngày càng phổ biến trong xã hội của VN. Tôi nói ý này không phải kêu gọi mọi người tẩy chay bầu cử, ai thấy trong đó quyền lợi của mình thì đi bầu hay không là quyền của mỗi người. Bản thân tôi sống giữa thành phố mà chưa một lần biết mặt mũi của một vị ĐBQH, cũng chẳng biết khi nào họ xuất hiện mà nghe chương trình hành động. Phải chăng khi cần thì tôi phải tìm họ? và nếu muốn tìm thì biết tìm họ ở đâu ?
Mâu thuẫn
Cho đến nay vẫn chỉ thấy lối giải thích lòng vòng đầy mâu thuẫn của các vị quan chức. Nào là “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất…”, nào là “Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay cho Nhà nước”, rồi “Quốc hội VN dưới sự lãnh đạo của đảng” vv…và vv.
Thật đáng ngạc nhiên là ở các vùng nông thôn ở VN, người dân đã và đang bàn tán rất nhiều chuyện xung quanh chủ đề bầu cử ĐBQH lần này.
“Họ nói dân biết, dân bàn dân kiểm tra nhưng dân có bao giờ được biết, được kiểm tra đâu! Chúng nó chỉ giả dối thôi! Nói thật với anh nhé: Chúng tôi bây giờ không còn tin ai hết. Chúng nó chỉ tài ‘đớp’ rồi tài bao che cho nhau thôi ” - Một cán bộ thuỷ nông đã về hưu nói.
Khi được hỏi là ông bà có biết những ai để bầu là đại diện cho mình trong Quốc hội không thì họ nói không hề biết ai với ai, họ gặp gỡ nhau ở đâu chứ chúng tôi không được biết. “Lần này tôi không đi bầu xem họ làm gì tôi nào!” - Một ông nói vẻ thách thức.
“350 tỷ đồng! Thà rằng họ không tổ chức bầu cử hình thức như thế này để giành số tiền ấy ủng hộ cho dân nghèo lại có ý nghĩa, số tiền ấy có lẽ cứu bao nhiêu con người khỏi kiếp ngheo khổ” - Một bác nông dân nói.
Thực ra số tiền chi cho cuộc bầu cử lần này không chỉ có thế.
Quả thật không biết đến bao giờ người dân VN sẽ được hưởng quyền công dân theo đúng nghĩa của từ này. Hiện họ vẫn đang bị lừa dối, mà nói như một số người là họ đã và đang bị cho ăn bánh vẽ.
Có lẽ đứng trước nguy cơ này mà ĐCSVN thông qua Uỷ ban bầu cử đang vận động lực lượng Quân đội, Công an và Sinh viên các trường Đại học Cao đẳng… đi bầu cử. Các lực lượng này hầu như phải phục tùng cấp trên gần như tuyệt đối. Riêng lực lượng học sinh sinh viên lại diễn trò một người bầu cho nhiều người để tránh bị phiền phức. Nhiều trí thức cũng chán nản phó mặc cho ai bầu hộ mình hay không, họ hầu như không quan tâm đến bầu cử.
Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra rằng người nông dân chân lấm tay bùn đang phải lao động cật lực với đủ thứ sưu cao thuế nặng và hàng bao khoản phải đóng góp và người công nhân đang phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ với đồng lương rẻ mạt thì họ quan tâm đến bầu cử ĐBQH để làm gì? Khi họ bị đối xử bất công thì ai sẽ đứng ra đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho họ? Họ có thể ngây thơ mà tin vào mấy ông bà Đại biểu QH do đảng cử rồi bắt mình đi bầu không? Mấy ông bà ĐBQH với đa số là quan chức trong bộ máy công quyền và là ĐVCS đó có sẵn sàng đứng ra bảo vệ họ hay chỉ biết làm theo chỉ thị của ĐCS? Những câu hỏi này không khó để tìm ra lời đáp.
Liệu có quá sớm để có thể nói rằng, nếu vẫn cứ cái kiểu bầu cử và ứng cử như hiện nay, nếu QH không hoạt động độc lập theo đúng nghĩa của nó thì sẽ đến lúc cử tri đi bầu Đại biểu QH và hội đồng nhân dân các cấp sẽ chủ yếu là các đảng viên cộng sản ?
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire