1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

lundi 5 mars 2007

Tiểu sử Lm Nguyễn văn Lý đáng kính



SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CUỘC ĐẤU TRANH CHO TỰ DO TÔN GIÁO
CỦA LINH MỤC TAĐEÔ NGUYỄN VĂN LÝ
( Luật Sư Hoàng Duy Hùng )

Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngài là con út trong gia đình 5 người con. Theo nhiều người kể, mẹ ngài, lúc 48 tuổi, mới sinh ngài, nên cả gia đình cho rằng ngài là một món quà đặc biệt mà Thượng Đế ban cho gia đình. Danh sách gia đình của linh mục Lý như sau:

Thân phụ: Cụ ông Tađêô Nguyễn Văn Sản. Năm 1983, cụ Sản bị trúng gió, á khẩu, nằm liệt giường và mất khoảng năm 1984 trong lúc linh mục Lý còn ở tù, và linh mục Lý đã không có được gặp mặt ông thân sinh lần cuối.

Thân mẫu: Cụ bà Maria Trần Thị Kính. Cụ bà mất ở Quảng Biên, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, vào ngày 18 tháng 5 năm 2001, 1 ngày sau khi linh mục bị 600 công an đem roi điện và vũ trang đến giáo xứ An Truyền bắt ngài. Trước khi bị bắt khoảng 2 tiếng, linh mục Lý có linh tính, điện thoại cho cụ bà, thăm hỏi, và chúc lành cho cụ bà. Cụ bà lúc đó đã nằm bệnh hơn 1 tuần, rất mong được gặp mặt linh mục Lý lần cuối, nhưng, CSVN ngăn cấm.

Bốn (4) người anh và chị:

1. Ông Nguyễn San, cách linh mục Lý khoảng 20 tuổi, qua đời tại Quảng Biên, tỉnh Đồng Nai năm 1996. Ông San có đông con nhất, có nhiều người con đi tu nhất. Dịp này, linh mục Lý có về làm lễ an táng cho ông.

2. Bà Nguyễn Thị Qui, hiện đang ở Florida, Hoa Kỳ.

3. Ông Nguyễn Tri Hồng Ân, từng ở trong ngành Cảnh Sát của VNCH, hiện đang định cư ở Úc.

4. Bà Nguyễn Thị Hiểu. Bà Hiểu không lập gia đình, bà hành nghề y tá, chuyên chăm sóc cho cha mẹ, và là người thăm nuôi cha Lý trong những lần ngài ở tù trước đây cũng như bây giờ. Bà Hiểu có nhận một đứa con trai tên là Nguyễn Duy Hồng Phúc làm con nuôi, và chính CSVN tung tin nói Nguyễn Duy Hồng Phúc là “con rơi” của linh mục Lý.

Hai ông bà cố Tađêô Nguyễn Văn Sản và Maria Trần Thị Kính có nhận 2 người nghèo chuyên đi mót lúa làm con nuôi. Hai người này tên là Nguyễn Văn Chung và Nguyễn Văn Toàn, năm 1972, trong Mùa Hè Đỏ Lửa, đều hy sinh cho Chính Nghĩa Quốc Gia. 2 người con nuôi này đã có vợ, có con. Hiện nay, vợ của ông Nguyễn Văn Toàn, còn có căn nhà ở sau nhà bà cố tại Quảng Biên, Đồng Nai.

*****

Linh mục Lý sinh vào ngày 31/8/1947 tại Ba Bình, giáo xứ Ba Ngoạt, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Sau này, vì học giỏi, 2 lần nhảy lớp, nên ông bà cố Nguyễn Văn Sản khai lên tuổi lên cho linh mục Lý, do đó, trong giấy khai sinh, linh mục Lý sinh ngày 15/5/1946.

Hồi còn nhỏ, linh mục Lý theo anh ruột là Nguyễn Tri Hồng Ân đi vào Sài Gòn để học. Sau khi học xong Trung Học Đệ Nhất Cấp ở Sài Gòn, vào ngày 27/6/1963, linh mục tiến sĩ Giuse Nguyễn Như Tự, giới thiệu “cậu Nguyễn Văn Lý” vào tu học tại Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện. Năm 1966, “thày Lý” nhập học Đại Chủng Viện Xuân Bích, Phú Xuân, Kim Long, Huế. “Thày Lý” chịu các chức cắt tóc cho đến chức Phó Tế do hai Đức Giám Mục Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận và Phạm Ngọc Chi. Ngày 30 tháng 4 năm 1974, Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền truyền chức linh mục cho cha Lý. Sau khi chịu chức linh mục, cha Lý xin gia nhập vào Hội Thừa Sai của Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền. Cuộc đổi đời Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam năm 1975, Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền triệu hồi linh mục Lý về làm thư ký cho Đức Tổng Giám Mục.

Vào ngày 7 tháng 9 năm 1977, linh mục Lý bị công an bắt giam vào lao xá Thừa Phủ Huế vì ngài đã phổ biến 2 bài tham luận của Đức Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền lên án chủ trương tiêu diệt tôn giáo một cách tinh vi của ĐCSVN. Linh mục Tađeô Nguyễn Văn Lý bị tòa án CSVN kết án 20 năm tù, nhưng mấy tháng sau, vì khi ấy CSVN đang nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc, nên, để xoa dịu và để đánh lừa Liên Hiệp Quốc, vào ngày 24 tháng 12, 1977, CSVN trả tự do cho linh mục Hồ Văn Quý và linh mục Nguyễn Văn Lý. Linh mục Lý bị đưa về quản thúc ở 37 Phan Đình Phùng, Huế, không được thi hành chức vụ linh mục.

Năm 1978, dưới áp lực của Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, CSVN chấp thuận để cho linh mục Lý về làm cha xứ Đốc Sơ, xã Hương Sơ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Cuối năm 1981, linh mục Lý yếu bệnh, được đưa về điều trị ở bệnh viện Huế một thời gian, sau đó, lại được trở về coi sóc giáo xứ Đốc Sơ.

Theo lời kể của linh mục Phan Văn Lợi, vào ngày 15/8/1981, khoảng 3 giờ sáng, cùng với một số giáo dân thanh niên của giáo xứ Đốc Sơ, linh mục Lý âm thầm đạp xe đạp đi hành hương La Vang. Tới ngang trạm kiểm soát Mỹ Chánh, cách Huế khoảng 40 cây số và cách Quảng Trị khoảng 20 cây số, đoàn hành hương bị công an chận lại. Công an lấy cớ đoàn hành hương “vi phạm luật giới nghiêm” (lệnh bịa đặt đột xuất) di chuyển trước khi trời sáng! Công an lục soát giấy tờ, một số thanh niên không mang theo giấy Chứng Minh Nhân Dân, thế là công an lại càng làm khó dễ cha Lý và đoàn hành hương. Cha Lý nói: “Chúng tôi đi về trong ngày, cần gì phải đem theo giấy tờ.”

Khoảng 6-7 giờ sáng, một chiếc xe Lambretta (một loại xe chở hàng của Ý chở khoảng 8 người mà ở Thái hiện nay vẫn sử dụng để chở khách du lịch tà tà thăm quan thành phố) chở khá đông người bị công an chận lại. Trong xe Lambretta này có một vài nữ tu. Công an phạt hai lý do: Xe chở quá tải và xe đi sai tuyến đường vì xe này lúc đó chỉ được phép chở khách đi tuyến đường chợ Đông Ba – Ga Xe Lửa Huế mà thôi, trong khi đó, các nữ tu lại thuê xe này đi hành hương La Vang. Thấy công an làm khó dễ, cha Lý nói: “Nếu người ta không cho chúng ta ra thăm Mẹ La Vang vì buộc chúng ta lỗi luật giao thông, thì bây giờ chúng ta cùng quỳ xuống bên đường đây đọc kinh vậy. Nếu đọc cho tới trưa mà vẫn chưa được phép đi thì chúng ta đọc cho tới chiều. Chiều mà chưa được phép đi thì chúng ta đọc cho tới tối.” Thế là mọi người cùng quỳ bên đường đọc kinh Mân Côi. Dân chúng chợ Mỹ Chánh ùa ra xem, công an thấy vậy e ngại, sợ có biến ứng, nên cho cha Lý và phái đoàn hành hương đi.

Linh mục Phan Văn Lợi kể tiếp: Một tháng sau, vào ngày 21 tháng 9 năm 1981, lễ thánh Tôma Trần Văn Thiện là thánh bổn mạng của nhóm chủng sinh ngoại trú giáo xứ chính tòa Phủ Cam, cha quản xứ Phaolô Nguyễn Kim Bính tổ chức một cuộc họp phụ huynh, trao đổi ý kiến, có người nảy ra ý kiến đóng kịch lại sự kiện “Cha Lý Đi Hành Hương La Vang” với nhan đề “Dâng Con Cho Mẹ” để góp vui cho mọi người. Linh Mục Phan Văn Lợi, lúc ấy còn là chủng sinh, cùng với một vài chủng sinh khác, diễn tuồng này. Tuồng được diễn khoảng 10 phút, ai nấy cười vui. Ai dè, sau này, ngày 21 tháng 10 năm 1982, những người “đóng tuồng” đều bị công an CSVN truy ra tòa vì tội “tuyên truyền phản cách mạng” và “cả gan phổ biến bài học đấu tranh với chính quyền.” Công an kêu linh mục Lý ra làm nhân chứng. Linh mục Lý hết sức bênh vực cho các chủng sinh đã “diễn tuồng” và tuyên bố sẵn sàng một mình chịu trách nhiệm, yêu cầu nhà cầm quyền không trừng phạt những người diễn tuồng, nhưng, CSVN vẫn phạt những người diễn tuồng, người thì 4 năm tù ở, người thì 3 năm rưỡi, và 3 thày khác bị 2 năm tù giam.

Năm 1983, tại Quảng Biên, tỉnh Đồng Nai, sau một thánh lễ sớm, một giáo dân thấy một cái bọc có trẻ sơ sinh để trước cửa nhà thờ. Giáo dân thấy đứa bé bị cha mẹ bỏ rơi, xúc động, liền đi báo cho cha xứ biết để tìm cách giải quyết. Cha xứ và Hội Đồng Giáo Xứ họp, thấy cô Hiểu, chị của linh mục Lý đã lớn tuổi mà chưa lập gia đình, nên họ bàn thảo và trao cho cô Hiểu nhận em bé làm con nuôi. Cô Hiểu chấp thuận đề nghị này. Đứa bé về sau mang tên là Nguyễn Duy Hồng Phúc. Để trả thù việc linh mục Lý đấu tranh, CSVN và tay sai tung tin nói rằng Nguyễn Duy Hồng Phúc là “con rơi” của linh mục Lý, và linh mục Lý đấu tranh là để “rửa” cái “quá khứ xấu xa” này.

Ví dầu Nguyễn Duy Hồng Phúc là con rơi của linh mục Lý, thì đây cũng chỉ là chuyện cá nhân, không dính dáng gì đến nội dung tranh đấu của linh mục Lý. Hơn nữa, khi Cộng Sản mà nắm được “tẩy” của ai rồi, đó chính là “sinh tử phủ” và họ dùng sinh tử phủ này làm eo làm sách, khó dễ đủ điều, không ai dám can đảm tranh đấu chống đối lại họ. Chỉ có những người trong sạch không bị Cộng Sản nắm tẩy mới có những hành vi can đảm chỉ thẳng vào mặt Cộng Sản vạch rõ bộ mặt phi nhân của chúng. Do đó, khi cha Lý dám công khai can đảm tranh đấu chống lại bạo quyền Cộng Sản ngay khi ngài còn ở trong sự kiểm soát của họ, tức là cha Lý không có bị Cộng Sản nắm tẩy, tức là cha Lý không có làm chuyện mờ ám có con rơi con rớt, mà, tất cả chỉ là chiêu bài dơ bẩn chụp mũ của bạo quyền mà thôi. Bạo quyền càng la lối thì càng chứng minh bạo quyền tung hỏa mù, ăn gian nói dối bấy nhiêu, càng làm cho sự trong sạch của linh mục Lý sáng tỏ hơn.

Ngày 17 tháng 1 năm 1983, Cộng Sản trục xuất linh mục Lý ra khỏi nhà thờ giáo xứ Đốc Sơ vì ngài đã ngang nhiên cưỡng lại mệnh lệnh của công an là không được dạy giáo lý cho giáo dân. Linh mục Lý bị công an buộc phải về ở nhà cha mẹ tại xứ Quảng Biên, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Cha Lý không chịu tuân theo lệnh này. Công an kéo tới làm áp lực, lập tức rất đông giáo dân tràn ra bao bọc lấy nhà xứ bảo vệ linh mục Lý. Chuyện này làm rầm beng lên, nhiều người ở Huế nghe tiếng. Chính Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền phải đích thân điều đình cho linh mục về chuyện này. Công an khôn khéo, giả vờ thuận theo ý Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền, lập kế hoãn binh để đợi một thời cơ thuận lợi hơn. Vài tháng sau, vào 6 giờ sáng ngày 18 tháng 5 năm 1983, công an kéo một đội ngũ hùng hậu tới Đốc Sơ bắt cha Lý đi biệt giam.

Ngày 13 tháng 12 năm 1983, CSVN mở một phiên tòa. Nhiều người đến xem, âm thầm hỗ trợ cho cha Lý. Cộng Sản tuyên án linh mục Lý 10 năm tù giam và 4 năm quản chế. Trước đó không lâu, cụ cố thân sinh Tađeô Nguyễn Văn Sản bị trúng gió cấm khẩu, bất toại liệt giường 8 tháng rồi qua đời. Khi bị giam trong tù, linh mục Lý mới biết thân phụ của mình qua đời, không được gặp mặt thân phụ lần cuối, linh mục Lý rất đau xót, chỉ biết âm thầm dâng thánh lễ và cầu nguyện cho linh hồn cụ cố sớm hưởng nhan thánh Chúa.

Cộng Sản Việt Nam giam linh mục Lý ở nhiều trại giam như ở Thanh Cẩm (Thanh Hóa, và Ba Sao (Nam Hà). Nhiều người ở tù với linh mục Lý trong thời gian này cho biết linh mục Lý rất hiên ngang, bất khuất, sống rất đạo đức, khiêm nhường, chia xẻ miếng cơm manh áo với các bạn tù khác. Ngày 6/6/1988, CSVN đầu độc chết Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền, Tổng Giáo Phận Huế có sự sắp xếp thay đổi vị lãnh đạo, và sau này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cắt cử Đức Tổng Giám Mục Stephanô Nguyễn Như Thể lên thay thế nhiệm vụ của Đức cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền. Nghe tin Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền qua đời, ở trong tù, linh mục Lý rất đau xót, nhưng lại rất ngờ vực cái chết bí ẩn đó, quyết tâm sau này được tự do, sẽ tìm hiểu đến nơi đến chốn về cái chết của vị Đức Tổng Giám Mục rất thánh thiện này. Về sau, tìm hiểu nội vụ sự kiện này xong, chính linh mục Lý đã gọi cái chết của Đức cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền là một “cuộc tử đạo.”

Ngày 31 tháng 7 năm 1992, linh mục Lý được phóng thích, được cho về ở Nhà Chung mà không được thi hành chức vụ linh mục. 2 năm sau, ngày 24 tháng 11 năm 1994, linh mục Lý ra “Tuyên Ngôn Về Thực Trạng Công Giáo Tại Giáo Phận Huế,” lập tức bị công an kêu lên hỏi cung và “làm việc” 2 tháng liên tục, nhưng, ngài vẫn kiên vững lập trường, dứt khoát đòi tự do tôn giáo cho Việt Nam.

Năm 1995, Cộng Sản thỏa thuận với Đức Tổng Giám Mục Stephanô Nguyễn Như Thể đưa linh mục Lý về trông coi giáo xứ Nguyệt Biều với tính cách “an trí” vì nơi đây là một giáo xứ nhỏ bé, chỉ có vài chục gia đình Công Giáo, hẻo lánh, mà lại rất nghèo. Họ nghĩ rằng giam “con ngựa chứng” linh mục Lý ở một nơi xa xôi đó, chắc sẽ không còn có chuyện gì bất trắc xảy ra.

Năm 1997, Đức Tổng Giám Mục Stephanô Nguyễn Như Thể xin nhà cầm quyền CSVN cho linh mục Lý về trông coi giáo xứ An Truyền, CSVN không chấp thuận.

Tháng 7 năm 1999, trận lụt kinh hoàng của thế kỷ xảy ra ở Huế, mấy làng bị trôi giạt, hàng ngàn người bị chết, bị mất tích. Giáo xứ Nguyệt Biều ở ngay khúc ngoặc của giòng sông Hương, nên bị nước dâng cao, làm thiệt hại nặng nề. Linh mục Lý và các thanh niên phải trèo lên ngồi trên nóc nhà ba bốn ngày, chịu đói, chịu rét. Sau khi mưa tạm ngưng, nước vừa mới rút xuống đôi chút, chính linh mục Lý đã quên mình, lội xuống đi vớt các xác chết, có những xác đã chết 3 hoặc 4 ngày, hôi thối không thể tả nổi, mà linh mục vẫn không ngại ngùng, lo lắng tẩm liệm đàng hoàng cho họ, không phân biệt họ thuộc thành phần tôn giáo nào. Chính gương bác ái hy sinh này của linh mục Lý, nên sau trận lụt, xã Thủy Biều có 1% Công Giáo, vậy mà, dân chúng cả xã đều thương mến ngài.

Trong thời gian đó, linh mục Lý có một người bạn xưa ở nước ngoài, gởi về tặng cho ngài 3000 Mỹ Kim như một món quà cá nhân để giúp cho ngài “bồi dưỡng” và tu bổ giáo xứ. Linh mục Lý đã dùng số tiền này đổ bê tông xây đường cho xã, xây hố xí hai ngăn. Táo bạo hơn, linh mục Lý còn đi mua chịu để có cơm gạo cho dân chúng. Người bạn sau này về thăm linh mục Lý, thấy ngài vẫn lái chiếc xe Honda cũ kỹ đời 1968, vẫn ăn uống đạm bạc, nên về nói cho các bạn bè khác biết. Nhiều người ở nước ngoài cảm động, gom góp tiền gởi giúp cho cha Lý thanh toán các món nợ. Còn dư chút tiền, linh mục Lý cấp học bổng cho học sinh nghèo, mở lớp dạy Anh văn, vi tính, nhạc, thiên văn, v.v. (Cha Lý rất mê thiên văn). Đầu năm 2001, trước khi viết bài ủng hộ linh mục Lý, cho chắc ăn, tôi có nhờ một người quen ở trong nước và một người quen ở hải ngoại về Việt Nam, ra tới tận Nguyệt Biều hỏi thăm, và cả hai người báo lại đó là những gì tôi nghe về cha Lý là xác thực.

Ngày 24/11/2000, nhân dịp kỷ niệm 6 năm ra “Tuyên Ngôn Thực Trạng Công Giáo Tại Giáo Phận Huế,” linh mục Lý cho phổ biến Lời Kêu Gọi Số 1 đòi tự do tôn giáo cho Việt Nam với khẩu hiệu “Tự Do Tôn Giáo Hay là Chết” cắm ngay trên miếng đất của giáo xứ Nguyệt Biều mà ĐCSVN đã ngang nhiên cướp lấy từ năm 1976. Thời đại có thay đổi, mạng lưới toàn cầu được phổ thông, nên, Lời Kêu Gọi Số 1 của linh mục Lý nhanh chóng được phổ biến trên các báo chí và đài phát thanh Việt ngữ ở hải ngoại, sau đó, các cơ quan truyền thông quốc tế cũng nhảy vào cuộc, loan tin rộng rãi về chuyện này.

Ngày 8/12/2000, linh mục Lý phổ biến Lời Kêu Gọi số 2 khẩn xin Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lên tiếng đòi Tự Do Tôn Giáo, không chấp nhận những quy định phi lý của CSVN, quyền đạo phải tách rời khỏi quyền trần thế, các giám mục cứ truyền chức linh mục cho các chủng sinh có đủ đạo hạnh và khả năng mà không phải xin phép nhà cầm quyền CSVN. Có người xuyên tạc nói cha Lý chỉ trích HĐGMVN. Liên tiếp sau đó, ngài đưa ra các lời kêu gọi, và lời kêu gọi sau cùng, Lời Kêu Gọi Số 9 là vào ngày 26 tháng 2 năm 2001. Ngoài 9 Lời Kêu Gọi ra, vào ngày 30/1/2001, linh mục Lý công bố lời chứng về cái chết của Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền (1921-1988) trong đó linh mục Lý xác quyết CSVN đãụ ra lệnh cho một cô y tá ở bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, sáng ngày 6/6/1988, bỏ thuốc độc thủ tiêu Đức Giám Mục Nguyễn Kim Điền. Bài viết của linh mục Lý gây xúc động trong lòng nhiều người. Thêm vào đó, linh mục Lý còn viết 2 Lời Chứng:
1/ Lời Chứng Thứ Nhất để tường trình thực trạng vi phạm tôn giáo một cách trầm trọng ở Việt Nam, đọc trước Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Chính Phủ Hoa Kỳ tại Washington D.C vào ngày 13 tháng 2 năm 2001;
2/ Lời Chứng Thứ Hai, do mục sư Kiều Tuấn Nam đọc thay cho linh mục Lý, đọc trước Hạ Viện Hoa Kỳ vào ngày 16 tháng 5 năm 2001, lên án hành động chà đạp nhân quyền và những đàn áp dã man của ĐCSVN đối với các tôn giáo.

Ngoài 1 Tuyên Ngôn, 9 Lời Kêu Gọi, 2 Lời Chứng trước các cơ quan quốc tế, Chứng Thư Cái Chết của Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, từ ngày 27-2-2001 tới ngày 9/5/2001, mỗi lần công an đến chất vấn, lập biên bản, thì linh mục Lý lại lập biên bản lại với công an và ĐCSVN với tiêu đề “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam: Thiếu Độc Lập, Mất Tự Do, Không Hạnh Phúc” lên án ĐCSVN tội phản quốc, vi phạm nhân quyền, chà đạp tín ngưỡng, ức hiếp các Giáo Hội. Có lẽ đây là một trường hợp có một không hai xảy tra trong một chế độ tàn bạo phi nhân như CSVN mà CSVN chưa dám “bóp cổ” cho linh mục Lý chết ngay tại vì còn e ngại những con mắt quan sát của quốc tế và của cộng đồng người Việt hải ngoại.

Ngày 1 tháng 1 năm 2001, linh mục Lý được ông Elliot Abrams, Chủ Tịch Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ mời điều trần về vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam vào ngày 13 tháng 2 năm 2001. CSVN không cho linh mục Lý đi dự. Tuy nhiên, ở thời đại mạng lưới, kỹ thuật đã quá tinh vi, nên bản điều trần của ngài đã gởi ra từ trước, dịch sang tiếng Anh, đọc trước Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ theo đúng kỳ hẹn và sau đó đã phổ biến cho cả thế giới.

Tết Tân Tỵ, 24/1/2001, Đức Tổng Giám Mục Stephanô Nguyễn Như Thể đồng ý với Bộ Nội Vụ CSVN chuyển linh mục Lý ra khỏi Nguyệt Biều với điều kiện là để linh mục Lý về trông coi giáo xứ An Truyền, nơi mà 3 năm về trước ngài đã đề nghị với nhà cầm quyền. Bộ Nội Vụ CSVN dùng kế hoãn binh, đồng ý với Đức Tổng Giám Mục Stephanô Nguyễn Như Thế, mua thời gian để tìm kế hãm hại linh mục Lý, cho nên, họ đồng ý để linh mục Lý về trông coi giáo xứ An Truyền vào ngay chính ngày mồng một Tết. Giáo dân ở An Truyền đông hơn giáo dân Nguyệt Biều gấp 7 lần, nên, đây cũng là dịp để cho linh mục Lý gây ảnh hưởng tạo thế đấu tranh, mà đây cũng là cớ để cho CSVN “đâm bị thóc, thọc bị gạo,” gây sự ghen tuông, hiềm khích giữa các linh mục khác với linh mục Lý để rồi tìm lấy một cơ hội thuận tiện, nhất là khi thấy Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ở trong cũng như ở hải ngoại, không còn đoàn kết cách chặt chẽ để ủng hộ cuộc đấu tranh của linh mục Lý, chúng liền thẳng tay trừng trị linh mục Lý mà không sợ sự nổi dậy của quần chúng như đã từng xảy ra ở Đông Âu vào năm 1989.

Về giáo xứ An Truyền được một tháng, vào ngày 26/2/2001, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Thừa Thiên Nguyễn Văn Xuân ký quyết định 401/QĐUB, ra lệnh quản chế linh mục Lý 2 năm, hiệu lực từ ngày 27/2/2001, linh mục Lý nhất quyết không tuân thủ theo lệnh quản chế này.

Trong khi đó, ở hải ngoại, bắt đầu có những bài viết bôi nhọ cuộc đấu tranh của linh mục Lý. Cộng Đồng Công Giáo ở hải ngoại bị một cơn sóng gió dữ dội, phe bênh, phe chống linh mục Lý. Thấy sự phân hóa của Giáo Hội Công Giáo khá trầm trọng, và, có lẽ nắm bắt được “tẩy” của các vị chủ chăn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam là sẽ không phản ứng mạnh mẽ, nên, bắt đầu tháng 3, 2001, báo chí và đài phát thanh của Cộng Sản ở trong nước ra rả tuyên truyền, xuyên tạc, chụp mũ và bôi nhọ linh mục Lý. Một điều lạ lùng là những gì Cộng Sản ra rả trong nước thì một số báo chí Việt ngữ ở hải ngoại lại đăng tin y hệt như vậy, cho thấy rất rõ thế lực đen tối ở đàng trong đã móc ngoặc với nhau trước một cách rất chặt chẽ để triệt hạ một linh mục can đảm như linh mục Lý.

Ngày 9/4/2001, dân biêu Lars Rice, thành viên Quốc Hội Na Uy và Quốc Hội Âu Châu, đến thăm cha Lý tại An Truyền, đến thăm các thượng tọa Thích Quảng Độ và các vị lãnh đạo tinh thần khác, lập tức bị công an CSVN bắt giữ 2 ngày và trục xuất ông ra khỏi Việt Nam.

Nghe danh đấu tranh kiên cường của linh mục Lý, nữ Dân Biểu Zoe Lofgren, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền Hạ Viện Hoa Kỳ chính thức gởi thư mời linh mục Lý ra trước Hạ Viện Hoa Kỳ để trình bày việc đàn áp tôn giáo của CSVN. Đương nhiên linh mục Lý không thể ra đi được vì CSVN bao vây linh mục Lý một cách rất chặt chẽ. Mục sư Kiều Tuấn Nam thay linh mục Lý đọc Lời Chứng Thứ 2 của linh mục Lý trước Hạ Viện Hoa Kỳ vào ngày 16/5/2001.

Vào khoảng 11 giờ đêm ngày 16/5/2001, linh mục Lý nghe tiếng rùng rùng kỳ lạ ở trong ống nước nhà xứ, ngài linh cảm có chuyện không lành, sáng sớm 3 giờ ngày 17/5, ngài gọi điện thoại về Quảng Biên, Đồng Nai, thăm hỏi bà cố thân mẫu Maria Trần Thị Kính, chúc lành cho bà cố. Đây là lần cuối cùng ngài được tiếp chuyện với bà cố, vì 24 giờ sau, bà cố qua đời. Sau khi nói chuyện với bà cố trên điện thoại khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, lúc 5 giờ sáng, trước giờ dâng thánh lễ, CSVN đưa 600 công an có vũ khí, roi điện, đến giáo xứ An Truyền bắt linh mục Lý, đánh đập tàn nhẫn các giáo dân can đảm đứng ra can thiệp và ngăn cản cuộc ruồng bắt này. Một người 2 bàn tay nhỏ bé, không có một tấc sắt trong tay, mà nhà cầm quyền phải dùng tới một đội ngũ công an vũ trang hơn 600 người để bắt thì đủ để nói lên sự bạo tàn của chế độ này.

Công an đem linh mục Lý nhốt ở nhà lao, lập tức, linh mục Lý tuyệt thực cho đến ngất đi, CSVN âm thầm đưa ngài ra bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Mang Cá, thành nội Huế, điều trị. Thấy linh mục hơi có một chút sức khỏe, để tránh những bất trắc, vào ngày 19/10/2001, CSVN vội vàng đưa Linh Mục Lý ra xử bí mật, không có luật sư bào chữa, chỉ trong vòng có khoảng 2 tiếng họ kết án linh mục Lý 15 năm tù giam, và 5 năm quản chế. Sau đó, họ nhanh chóng chuyển ngài ra thụ án ở trại Ba Sao, Nam Hà.

19/10/2001, CSVN kết án Linh Mục Lý 15 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Từ lúc linh mục Lý bị đưa ra thụ án ở trại Ba Sao, Nam Hà, 3 người cháu ruột của ngài cũng bị đi tù vì liên quan đến việc thăm nuôi ngài. Riêng cậu út Việt, cháu linh mục Lý, con của người anh đầu là ông Nguyễn San, đậu cử nhân Anh Văn, ba lần thi đậu vào Đại Chủng Viện, một lần thi đậu thủ khoa, nhưng vì có liên hệ huyết thống với linh mục Lý, bị CSVN âm thầm làm áp lực, khó dễ, nên có tin đồn nói rằng Đức Cha Trần Đình Tứ của giáo phận Phú Cường không nhận anh Việt vào chủng viện.

Linh mục Tađeô Nguyễn Văn Lý là một người có nhiều ưu điểm như thông minh, can đảm, xả thân cho tha nhân, thánh thiện, uyên bác, v.v.

Nhưng, qua cuộc đấu tranh của ngài, ngài cũng tỏ ra một vài khuyết điểm, và chính vì một vài khuyết điểm đó, nên kẻ thù CSVN và những người ganh ghét đã khai thác làm chậm đi bước tiến đấu tranh của ngài. Người ta nói “nhân vô thập toàn,” tuy nhiên, nếu rút ra những khuyết điểm để làm một bài học và tránh né không vấp phạm, thì trong tương lai, cuộc đấu tranh sẽ kết quả hơn. Chính vì nhận định này, tôi mạo muội nêu lên một vài nhận xét, có thể không đúng, nhưng hy vọng giúp chúng ta rút ra một vài bài học:

Thứ nhất, một số người quen cho rằng linh mục Lý một người rất thẳng và tính, dễ tin người, nói khá nhiều vì sợ rằng “tư tưởng” không chuyển đạt “hết” cho kẻ khác thì sẽ bị “phí phạm” cho nên, có người nói cha Lý “nói dai và nói dài.”

Thứ hai, trong đấu tranh, người đầu tầu không nên “trả lời dông dài” nhiều trên các cơ quan truyền thông công chúng, dễ bị đối phương “canh me” sơ hở để trả đủa. Linh mục Lý trả lời phỏng vấn các phóng viên báo chí và đài phát thanh quá nhiều, trả lời nhiều đề tài không cần thiết, nhiều đề tài không thuộc phạm vi chuyên môn là phạm vi mục vụ của ngài, và nhiều khi hứng quá, ngài nói những từ ngữ “kém giao tế” như khi ngài tự xưng là “ngôn sứ của Chúa Thánh Thần.” Điều này, kẻ thù đã lợi dụng và xuyên tạc cho ngài là kẻ kiêu căng, một tiên tri giả! Hy vọng trong tương lai, nếu có linh mục nào phất cờ đấu tranh cho tự do tín ngưỡng, sẽ tránh được vết xe này để tăng hiệu năng đấu tranh cho công cuộc chung./.

Houston ngày 18/5/2002.
Luật Sư Hoàng Duy Hùng

1. Kỷ niệm sinh nhật thứ 82 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Cha Chung đã can đảm đặt quyền lợi Tổ Quốc Ba Lan trên hết sẵn sàng từ bỏ ngai Giáo Hoàng về nước đấu tranh nếu Hồng Quân Sô Viết dám đem quân vào xâm lăng nước Ba Lan của ngài vào năm 1979. Hơn nữa, chính vị Giáo Hoàng này tỏ ra rất quan tâm các vấn đề Việt Nam, và trong buổi hội kiến Ad liminia 22/1/2002 với 26 giám mục và 2 linh mục Việt Nam ở Vatican, ngài đã lên tiếng đòi tự do tôn giáo cho Việt Nam.

2. Kỷ niệm 1 năm 1 ngày (17/5/2001) CSVN đem 600 công an có vũ trang và roi điện đến giáo xứ An Truyền bắt giam linh mục Tađeô Nguyễn Văn Lý với hai bàn tay trắng, không có một tấc sắt trong tay, chỉ vì linh mục Lý noi gương Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dám đòi hỏi tự do tôn giáo cho Việt Nam.

Theo bước chân uy dũng của Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền, Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, và Cố Linh Mục Bửu Ðồng ngày nay, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, LM Phan Văn Lợi và LM Nguyễn Hữu Giải cùng giáo dân An Truyền, Nguyệt Biều đang tranh đấu đòi Tự Do Tôn Giáo.

Cố Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền
( Tổng Giám Mục Giáo Phận Huế, bị CSVN giết bằng thuốc độc, 1988 )

( http://ngothelinh.tripod.com/LM_NguyenVanLy.html )

------

Tiểu sử Lm Nguyễn văn Lý

Phỏng vấn Lm Nguyễn văn Lý (2006)

Aucun commentaire: