Việt Nam: Không Hòa Giải Có Hòa Hợp Được Không? PHẠM TRẦN .
Việt Báo Thứ Sáu, 3/9/2007, 12:02:00 AM
Việt Nam: Không Hòa Giải Có Hòa Hợp Được Không? Tại Sao Người Cộng Sản Sợ Hoà Giải?
Hoa Thịnh Đốn.- Đâu phải tự nhiên mà người Cộng sản Việt Nam rộ lên “phong trào” bàn về “hòa hợp dân tộc” sau 3 năm thi hành Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, nhưng tại sao lần đầu tiên động từ “hòa giải” giữa Chế độ và người Việt đối lập đã được công khai thảo luận trên báo chí?
Trước khi bàn sâu hơn những diễn biến vừa kể, ta nên tìm hiểu tại sao từ xưa đến nay phía Đảng và Nhà nước CSVN đã tránh không dám dùng động từ “hòa giải” khi nói đến “đòan kết dân tộc”.
Theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) “Hòa giải” có nghĩa “làm cho ổn thỏa tình trạng mâu thuẫn, xích mích giữa hai bên”. Và “Hòa hợp” là “Hợp lại thành một thể thống nhất hài hòa” như “hòa hợp dân tộc”.
Như vậy, muốn “Hòa hợp” thì phải “Hòa giải” trước. Nhưng đảng CSVN lại tự coi mình chưa hề gây “ mâu thuẫn, xích mích” với ai, dù đảng đã dùng bạo lực để đàn áp, khủng bố và giết hại những ai không đi theo đảng, không chấp nhận Chủ nghĩa Cộng sản ngay từ trước Cuộc Cách mạng Mùa Thu, tháng Tám năm 1945.
Lãnh đạo đảng lại luôn luôn tự cao coi lời nói của mình là không bao giờ sai; đường lối và chính sách đảng đưa ra là đúng đắn, dù về sau có nhìn nhận là sai lầm, vẫn không có can đảm xin lỗi dân hay đền bù thiệt hại như đối với các nạn nhân của Cuộc Cải cách ruộng đất ở miền Bắc từ 1953 đến 1956 và vụ thảm sát trên 3,000 dân lành tại Huế trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968.
Ngày nay, sau 32 năm chiếm được miền Nam và gây ra không biết bao nhiêu đau thương cho nhân dân Việt Nam Cộng Hòa sau 30-4-1975, đảng vẫn còn say sưa với chiến thắng nên nghĩ rằng họ không cần phải “hòa giải” với những người chẳng may thua trận miền Nam. Ngay cả đối với những người lính chết trận VNCH cũng đã bị đảng kỳ thị, trả thù từ đó.
Như vậy thì làm sao mà những nạn nhân của đảng CSVN có thể “hòa hợp” với chế độ để đóng góp khả năng xây dựng đất nước?
Nhưng khi Nghị quyết 36 viết rằng “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, không có nghĩa là họ thuộc “quyền cai trị”của đảng. Họ chỉ là những người cùng chung dòng máu, mầu da, tiếng nói với đồng bào trong nước. Và vì phần đông họ là nạn nhân của chế độ nên không có cùng tư duy chính trị với người Cộng sản.
Hơn thế nữa, ngay đối với những người đấu tranh ôn hoà bất đồng chính kiến với chế độ ở trong nước còn bị đàn áp, bắt giam, phong tỏa, đã không thể “hòa hợp” được với những người cầm quyền thì làm sao người Việt Nam ở nước ngoài, phần đông phải bỏ nước ra đi tìm tự do, có thể “Hợp lại thành một thể thống nhất hài hòa” với đảng cầm quyền?
Vì vậy, kể từ khi Bộ Chính trị công bố Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 chưa có mấy ai trong số trên 300 ngàn Trí thức “Việt kiều” chịu về giúp nước? Cũng chẳng có mấy ai chịu đem tiền về nước đầu tư và có bao nhiêu trong số trên 3 triệu người đã nghe theo đảng trở về sống trên quê cha, đất tổ ?
Báo Điện tử VNNET viết ngày 2/3//07: “Theo cảm nhận của nhiều nhân sĩ, trí thức Việt kiều, "trí tuệ kiều bào vẫn chưa được thử thách toàn diện để góp phần giải những bài toán hội nhập kinh tế quốc tế của VN".
“Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã đi vào cuộc sống được gần 3 năm nhưng theo GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều tại Bỉ, "vướng mắc cơ bản chính là rào cản tâm lý mà chưa có cơ chế phù hợp để xoá bỏ. Tôi có cảm tưởng là chưa có quyết tâm chính trị để thực thi Nghị quyết 36".
“GS. Nguyễn Đăng Hưng tâm sự "những tưởng sau Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, những vướng mắt trầm kha tồn đọng từ 30 năm nay sẽ được giải toả. Trên thực tế, từ hơn hai năm nay, việc huy động và sử dụng nguồn lực chất xám Việt kiều vẫn không được triển khai, dù chỉ một bước". "Cái hố tách rời do lịch sử để lại vẫn còn chưa được bồi lấp với một tốc độ cần thiết". Và vấn đề chất xám Việt kiều còn là "vấn đề quá nhạy cảm", liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, chưa có cơ quan tổng diện điều động được nhiều bộ, đủ quyền lực, đủ tâm, đủ tầm, đủ ý chí đứng ra gánh vác.»
“Có cách nhìn nhận, đánh giá lạc quan hơn, ông Tạ Nguyên Ngọc, cán bộ Ủy ban người VN ở nước ngoài cho rằng, 3 năm qua, điều lớn nhất mà VN đã làm được là tạo nên một sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, tư duy. "Làm được điều này là rất khó".
“Tuy nhiên, "việc thực thi (NQ 36) vẫn còn e dè, chưa có nhiều sáng kiến mới", ông Vương Vũ Đức, Việt kiều tại Mỹ nói.
“GS. Nguyễn Đăng Hưng làm rõ "hiện vẫn chưa thấy có những cơ chế hiệu quả, những hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện, kỳ vọng vẫn còn ở những khẩu hiệu, những trang giấy. Các cơ quan chức năng dường như đã ngừng lại, không quan tâm đúng mức cho vấn đề này nữa. VN vẫn chưa có được một "quyết tâm chính trị đủ lớn" để đề ra những cơ chế mới mang tính đột phá, đẩy lùi những rào cản tâm lý còn tồn đọng cũng như những quan niệm cũ kỹ có thể do hậu quả của lịch sử để lại", ông Hưng nói.”
Những người phát biều đã không dám nói thẳng ra những vướng mắc của phía Nhà nước khi thi hành Nghị quyết 36, nhưng đối với những người Tị nạn Cộng sản thì Nghị quyết này chẳng qua chỉ là “lời chào hàng” hào nhóang thiếu chân thật của đảng cấm quyền chỉ muốn người Việt ở nước ngoài “tự động chạy về phía mình” để xin được “hòa hợp”, xin được “phục vụ” vô điều kiện với đảng!
Nghị quyết 36 còn viết hàm hồ, thiếu thiện chí và xuyên tạc: “Một bộ phận đồng bào do chưa có dịp về thăm đất nước để tận mắt thấy được những thành tựu của công cuộc đổi mới hoặc do thành kiến, mặc cảm, nên chưa hiểu đúng về tình hình đất nước. Một số ít người đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, ra sức chống phá đất nước, phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam.”
Nhưng lợi ích chung của dân tộc không thể nào cũng là lợi ích riêng của đảng, và chống đảng Cộng sản không thể được đồng hóa với “chống phá đất nước” như đảng vẫn nhập nhằng đánh lận con đen từ bấy lâu nay.
SỨC MẠNH “VIỆT KIỀU”
Báo VNNET ngày 2/3 viết tiếp: “Trở lại với tình hình trong nước, nhìn vào thực tế chúng ta cũng thấy sức mạnh của nguồn lực kiều bào. Trong số hơn 3 triệu kiều bào thì có hơn 300 nghìn người Việt có trình độ cử nhân với khoảng 6 nghìn người có trình độ tiến sĩ. Trong số này có hàng trăm trí thức có tên tuổi được quốc tế và khu vực đánh giá cao. Đã có nhiều người Việt thành đạt trong lĩnh vực chính trị, xã hội, giữ cương vị nhất định trong các thể chế của nước sở tại.”
“Về kinh tế, ước tính tổng thu nhập của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thể lên tới 40 tỷ USD/năm, tương đương với mức thu nhập hàng năm của hơn 80 triệu người Việt đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.”
“Tại thời điểm này, khi Việt Nam đã trở thành thành viên WTO, nhu cầu về một nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu hội nhập đặt ra cấp thiết. Trong bài viết "Việt Nam đang chạy áp chót", Đại sứ Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại VN - Hoa Kỳ nhận định "VN đang là người chạy áp chót trong cuộc đua thời đại hội nhập".
“VN cần "nhìn thật sự thẳng thắn xem chúng ta đang ở đâu, ta đã bị bỏ xa đến đâu, ta có thể khai thác được những lợi thế nào và làm những gì để đưa đất nước tiến cùng thời đại. Đó là những bài toán rất cụ thể, phải dùng đến trí tuệ của cả dân tộc để tính toán". Đến lúc, phải soi chiếu bài học còn nguyên giá trị từ Trung Quốc, Ấn Độ. Và nguồn lực, trí tuệ của cả dân tộc phải tính đến nguồn lực, trí tuệ của Việt kiều.”
Thì ra ngày nay đảng CSVN đã sáng mắt nhận ra sức mạnh của “Việt kiều” không thể coi thường nên một số Trí thức “Việt kiều” đã hợp tác với Nhà nước khuyên Đảng cần thay đổi cách ứng xử để thu hút đồng Đô La và Trí Tuệ “Việt kiều”.
Nhưng nếu đảng CSVN chưa thật lòng muốn “hòa giải, xoá bỏ hận thù và thỏa hiệp” với những người Việt đối lập với chính sách cai trị độc đảng, độc tài của mình thì hy vọng “hòa hợp” với người Việt Nam ở nước ngoài và trong nước còn xa vời vợi.
ĐÃ ĐẾN LÚC CẦN HÒA GIẢI?
Đáng chú ý là những bài báo của VNNET viết ra vào dịp gọi là “Vinh Danh Nước Việt - 2006”, theo đó có 17 “Việt kiều” đã được Tập san Người Viễn Xứ (Ủy Ban Người Việt Nam ở nước ngoài) phối hợp với VNNET bình chọn vì “có những đóng góp thiết thực đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như với đất nước trong thời gian qua”.
Trong số này , lần đầu tiên, có bài viết đã nói cả đến vấn đề “Hòa giải” mà không bị Ban Tư tường – Văn hóa Trung ương kiểm duyệt, chẳng hạn như trong bài ngày 3/3/07: “Hòa giải, hòa hợp dân tộc là điều kiện tất nhiên để đất nước tồn tại và phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu. Hòa giải bằng cách hàn gắn những vết thương do cuộc xung đột để lại, gác bỏ hận thù, hướng tới tương lai.”
“Hòa giải dân tộc phải đi trước và là điều kiện bắt buộc để có hòa hợp, hay đoàn kết dân tộc. Truyền thống bốn ngàn năm của người Việt, ở trong nước cũng như đang sinh sống ở nước ngoài, dẫu có sự khác biệt về chính kiến nhưng đều chung một ngày Giỗ Tổ, đều chung một tình cảm tự nhiên, một khát vọng bay lên như hình ảnh con chim Hồng, chim Lạc được khắc sâu trên bề mặt trống Đồng như một biểu trưng vĩnh hằng của dân tộc.”
“Bài học lịch sử cho thấy, mỗi thành công của đất nước đều gắn liền với chính sách đại đoàn kết dân tộc. Ý thức được điều này, Chính phủ Việt Nam luôn coi cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Trong những năm qua, Nhà nước đã khuyến khích và tạo điều kiện tốt để bà con kiều bào về thăm quê hương, tham gia tích cực vào các hoạt động ở trong nước. Hưởng ứng chính sách đó, không chỉ những người dân bình thường mà cả những nhân vật cao cấp trong chính quyền cũ, giới văn nghệ sỹ, tăng ni phật tử... cũng đã lần lượt về thăm quê.”
“Như thông lệ hàng năm, vào dịp đầu năm, VietNamNet tổ chức tôn vinh những người Việt xa xứ có những đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng đất nước. Quan trọng hơn, họ là những chiếc cầu nối để hòa giải và hòa hợp dân tộc, là nhân tố quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc của người Việt Nam, dẫu ở phương trời nào trên thế giới.”
“Hòa hợp dân tộc để cùng nhau bay lên! Chúng ta có chung một niềm tự hào khi nói lên điều đó.”
Nhưng bằng cách nào để cùng nhau cất cánh, bay hướng nào để không bị mưa bão và đích đến là đâu thì cần phải thảo luận. Cuộc nói chuyện nào cũng phải có kẻ bắt đầu bằng lòng thành khẩn, thẳng thắn chứ không gian dối, điêu ngoa, hay giăng bẫy, một chiều, chỉ muốn thu lợi về cho mình như đảng CSVN đang làm đối với người Việt Nam ở nước ngoài và những người bất đồng chính kiến, tư tưởng trong nước.
Hố sâu ngăn cách giữa những người Việt Nam không chấp nhận chế độ Cộng sản độc tài và đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ lan rộng và sâu thẳm như ngày nay.
Thực tế đã chứng minh như thế. Điều kiện để cất cánh của Việt Nam, sau khi được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organizaytion, WTO), không có chỗ đứng cho những Lãnh đạo ù lì,chậm tiến và lạc hậu ở Thế kỷ 21.
Thời đại của các Nhà nước độc tài, đảng trị, phi dân chủ - tự do và chống đa nguyên đa đảng cũng đã bị nền văn minh tiến bộ của nhân loại phế thải cùng với tính ăn trùm của các chế độ Cộng sản tồi tệ. Những người cầm quyền CSVN và nhóm “ủng hộ viên” ồn ào nhỏ bé của họ ở nước ngoài nên tự xét vì sao mà sau 3 năm thi hành, Nghị quyết 36 vẫn không đem được dân tộc xích lại gần nhau hơn mà lại làm cho giãn ra?
(03/07)
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire