1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

lundi 30 avril 2007

Đôi điều suy nghĩ về ‘tự trọng’ và ‘nhân quyền’

Đôi điều suy nghĩ về ‘tự trọng’ và ‘nhân quyền’
PHẠM PHÚ ĐỨC


Nhân quyền là một giá trị phổ quát

Từ lâu nay, chúng ta cảm nhận về nhân quyền trên bình diện rất thực tế. Nghĩa là, đối với người Việt, đặc biệt tại hải ngoại, dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có đưa ra bao nhiêu Sách trắng về nhân quyền để đánh bóng các thành tựu về quyền con người tại Việt Nam đi nữa, cũng chẳng hề thay đổi được sự nhận xét và thấu hiểu của nhiều người, qua kinh nghiệm và bằng chứng thực tế, rằng nhân quyền tại Việt Nam vẫn bị chà đạp một cách tồi tệ có hệ thống. Tất nhiên, có những luận cứ cho rằng đời sống đã tốt hơn nhiều kể từ khi đổi mới. Đúng, điều đó không thể phủ nhận. Nhưng điều cũng không thể phủ nhận khác, là các quyền tự do về chính trị và tôn giáo, từ tự do thông tin ngôn luận đến hoạt động đảng phái hay phục hoạt giáo hội, ngoài những “tự do” trong tầm kiểm soát của Đảng, thì vẫn còn bị kiềm kẹp như thời toàn trị. Tức là vẫn chưa có một sự tiến bộ đúng nghĩa nào về nhân quyền, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn trên bình diện xã hội, khi nhân phẩm bị chà đạp và coi rẻ chưa từng thấy. Điển hình như hàng trăm ngàn cô dâu và công nhân Việt Nam phải đi làm lao động tại Đài Loan không khác gì dưới thời còn nô lệ.

Thật ra, nếu chỉ nói về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam thôi thì cũng thiếu công bằng và khách quan, bởi vì nhân quyền là vấn đề của thế giới, của nhân loại. Thêm vào đó, cũng cần nhìn nhận rằng học thuyết nhân quyền còn khá mới, chỉ chính thức hiện hữu như một văn bản là “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” từ ngày 10/12/1948. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, không riêng gì Việt Nam mà còn nhiều nơi trên thế giới, nhân quyền vẫn còn bị vi phạm một cách trầm trọng và hệ thống. Đọc báo cáo nhân quyền từ các tổ chức như Amnesty International, Human Rights Watch, Liên Hiệp Quốc hay từ các quốc hội châu Âu, Hoa Kỳ, Úc v.v... thì tình trạng vi phạm nhân quyền ở nhiều nơi vẫn còn rất nghiêm trọng. Ngay tại Úc này, được xem là quốc gia văn minh tiến bộ hàng đầu [1] , thế nhưng chỉ vài thập niên nay thổ dân Úc mới chính thức được coi như những con người với đầy đủ giá trị và nhân phẩm. Trong lịch sử Úc, ngay từ ban đầu khi đến định cư, những người “khai hoang” đã đối xử với thổ dân như thú vật, và xem đất nước này như không có con người sống ở đó, nên đã bắn giết, đầu độc thổ dân một thời gian dài (khoảng 1788-1900). Sau đó một thời gian, họ khám phá rằng những người này có thể làm các việc nhà, nên từ đó đối xử với thổ dân giống như trẻ con. Rồi sau đó đối xử giống như vị thành niên khi khám phá rằng những người này có thể cầm súng chiến đấu tại châu Âu... Mãi cho đến giữa thập niên 1960, thổ dân Úc mới thật sự được đối xử như người lớn, người trưởng thành, bằng các văn bản pháp luật hẳn hoi. Tất nhiên bản thân người thổ dân luôn là con người, và trưởng thành, nhưng vấn đề là đầu óc của người da trắng (settler) không nhìn nhận người thổ dân đúng như thế, nên một thời gian dài đã không công nhận và đối xử với họ một cách văn minh, bình đẳng.

Sự đối xử bất công và nhiều khi tàn bạo với người cùng sắc tộc, và hơn nữa, với các sắc tộc khác, là một vấn đề khá phức tạp, liên hệ đến lịch sử, văn hoá, và ý thức hệ (chính trị, tôn giáo...). Tuy nhiên, để tìm hiểu bản chất của các vấn đề nêu trên, và thêm vào đó, để nhìn nhân quyền ở một khiá cạnh triết lý, bổ túc cho phần thực tế, chúng ta cần đi từ căn nguyên nhận thức về con người và quyền.

Tự trọng là nền tảng của nhân quyền

Theo giáo sư chính trị học Ralph Pettman [2] của đại học Melbourne, nhân quyền liên hệ mật thiết đến tính tự trọng (self-esteem), cho nên không thể giáo dục bất cứ ai về nhân quyền nếu người đó không có tính tự trọng. Với tư cách là một chuyên gia về chính trị thế giới (International politics) và kinh tế chính trị (Political economy), từng là một nhà quản lý cao cấp trong Ủy hội Nhân quyền Úc (Australian Human Rights Commission) cũng như Trung tâm Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (United Nations Centre for Human Rights), giáo sư Pettman được xem là người có thẩm quyền trong lãnh vực nhân quyền quốc tế. Ông đã dành 5 năm để nghiên cứu và soạn thảo chương trình giáo dục về nhân quyền cho học sinh Úc (sau này ông cũng soạn thảo chương trình giáo dục tương tự cho Liên Hiệp Quốc) từ tiểu học đến trung học. Úc là một nơi mà nhân quyền luôn được đề cao tối đa, và tự bản thân các chương trình giáo dục này cũng phần nào nói lên điều đó. Ông cho biết rằng qua 400 trường tiểu và trung học trên toàn Úc, ông đã gặp phải một trường hợp đặc biệt khi một giáo viên muốn thực hiện chương trình giáo dục nhân quyền với học sinh ở lứa tuổi 14. Lúc đó họ thực hiện một thử nghiệm nho nhỏ về lòng tự trọng của học sinh, và khám phá ra rằng những học sinh này không có lòng tự trọng nào cả. Do đó, họ quyết định là không có lý do gì để tiến hành chương trình giáo dục nhân quyền, mà phải trở lại từng bước căn bản để thực tập về lòng tự trọng, sự đồng cảm cũng như sự kính trọng người khác và chính mình. Từ đó mới có căn bản để được giáo dục về nhân quyền.

Mặc dầu “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” chính thức hiện hữu cách đây 58 năm, nhưng chủ thuyết nhân quyền bằt nguồn từ thời đại Khai Sáng (The Age of Enlightenment, thế kỷ 18). Học thuyết nhân quyền xuất phát từ chủ nghĩa duy lý (Rationalism), đặc biệt từ chủ nghĩa phóng khoáng (Liberalism), với chủ trương đề cao sức mạnh của lý lẽ (thảo luận hợp lý), giá trị cá nhân, quyền tự do ngôn luận, hội họp, và thờ phượng. Toàn bộ học thuyết nhân quyền (thí dụ như 30 điều trong TNQTNQ, đặc biệt 3 điều căn bản là 1, 2 và 30) [3] được xác định trên khái niệm rằng chúng ta trân quý bản thân mình, cái Tôi của mình, cái cá tính của mình... Và chúng ta đều là những cá nhân biết suy nghĩ, biết lý luận, biết quyết định vận mạng của chính mình. Và không ai có thể thay thế hay cướp đi quyền đó (tất nhiên cũng có ngoại lệ như trẻ em, vị thành niên hay những ai không thể tự lo, ví dụ như mắc bệnh tâm thần...).
Tuy nhiên, để làm được việc đó, chúng ta phải có khả năng tách rời tinh thần và thể xác (Mind and Body), đầu óc phải “tách rời” (detached) khỏi thân thể để từ đó có thể nhìn thế giới, và nhìn lại mình, từ một khoảng cách tinh thần. Điều này có thể dễ cho những ai sống trong nền văn hoá Tây phương (như Úc, Mỹ, Anh v.v...) được xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa phóng khoáng, nên được giáo dục một cách có hệ thống về sự tách rời (separation), cách biệt (alienation), khả năng tự quyết, hay nói chung là những chủ thể được khách quan hoá. Làm được như thế, chúng ta có thể để đầu óc tự do tách khỏi thân thể mình, để tầm nhìn của chúng ta vượt xa, vượt khỏi khuôn khổ gia đình mình, cộng đồng mình, đất nước mình, và như thế mới nhìn thấy được những con người khác, tuy khác bản sắc văn hoá với mình, nhưng vẫn là những con người đúng nghĩa và xứng đáng được đối xử một cách nhân bản. Và khi nào chúng ta làm được như thế thì rất dễ nhận diện ra được chính bản thân mình từ chủ điểm khách quan. Từ đó chúng ta dễ suy luận về vấn đề nhân quyền hơn.

Cho nên, khi nhìn ở khía cạnh này, nhân quyền không phải là một vấn đề hiển nhiên, dễ hiểu, rõ ràng, mà cần phải suy nghĩ khoa học, khách quan mới có thể đi đến một định nghĩa phổ quát được chấp nhận, trong đó nhận diện ra ai được bảo vệ (inclusion) quyền con người và ai không được (exclusion). Nhìn ở góc cạnh này, chúng ta cũng dễ nhận diện ra ai đang thật sự tôn trọng nhân quyền và ai đang chà đạp lên nó.
Nói cách khác, học thuyết nhân quyền đặt trên nền tảng rằng nếu chúng ta không biết trân quý bản thân mình thì không thể nào trân quý bản thân của người khác. Cho nên nếu không có tính tự trọng thì không thể tôn trọng nhân quyền, của mình cũng như của người khác. Điều đó cũng có nghĩa rằng khủng bố và nhân quyền là hoàn toàn đối nghịch nhau. Do đó, những nơi nào chuyên dùng bạo lực, khủng bố để cai trị dân, hay những nơi bọn khủng bố chuyên dùng vũ khí, ôm bom tự sát…, cho dù “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, thì ở đó nhân quyền vẫn thường bị chà đạp trắng trợn.

Nhân quyền và cộng sản
Từ trong căn bản, chủ nghĩa phóng khoáng (Liberalism, nền tảng của xã hội tư bản ngày nay) và chủ nghĩa Mác-xít (Marxism, nền tảng của xã hội cộng sản, được Lenin cũng như Stalin và Mao khai triển thêm theo chiều hướng có lợi hơn cho họ sau này) đã đối nghịch nhau về vấn đề cưỡng bách và bạo lực. Tuy cả hai khuynh hướng đều đề cao mục tiêu giành tự do, dân chủ, công bằng, nhưng khác biệt các điểm như:

1) Liberalism đề cao giá trị cá nhân và tự do cá nhân trong khi Marxism đề cao tính tập thể, tính đảng;
2) Liberalism phản đối mọi biện pháp cưỡng bức, bạo lực lên người khác (trừ khi phải kiềm chế những thành phần dùng bạo lực) trong khi các tư tưởng gia hàng đầu của chủ nghĩa cộng sản thì luôn nhấn mạnh đến việc thực hiện cuộc cách mạng bằng bạo lực để lật đổ giai cấp tư sản. Trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng, [4] Lenin biện luận một cách đầy mâu thuẫn để kết luận rằng không còn con đường nào khác để lật đổ giai cấp tư sản ngoài bạo lực cách mạng, sau đó chuyên chính vô sản thay mặt toàn dân lên nắm chính quyền (giai đoạn 1), tiến đến chủ nghĩa xã hội (giai đoạn 2) và sau cùng tiến lên chủ nghĩa cộng sản (giai đoạn 3, lúc mà người dân sẽ “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, và sẽ có được nền dân chủ không có ngoại lệ, tức là tuyệt đối)!

Đối với những người cộng sản, bạo lực và cưỡng bách tuy được biện minh là phương tiện, nhưng trong tư tưởng, và nhất là hành động của họ, nó được sử dụng như một phương tiện quan trọng nhất để đạt kết quả, và gần như không thể thiếu trong các chương trình hành động. Cho nên mọi cuộc cách mạng do các đảng cộng sản tiến hành, đều mang tính bạo động. Cuộc cách mạng tháng Tám (19/8/1945) không có lý do gì để mang tính bạo động vì lúc đó là khoảng trống chính trị (đúng ra là vì Việt Minh, mà nòng cốt là Đảng Cộng sản Đông Dương lúc đó, không có đủ lực để gây bạo động). Nhưng sau khi đã củng cố chính quyền thì họ bắt đầu các thủ đoạn thủ tiêu lãnh tụ của các đảng phái quốc gia, đưa đến cuộc chiến tranh Quốc - Cộng vẫn còn ảnh hưởng sâm đậm mãi cho đến nay. Nền độc lập chưa thành tựu thì Đảng lại tiếp tục đưa dân tộc Việt Nam qua ba cuộc chiến tranh Đông Dương, chưa kể chiến tranh biên giới với Trung Quốc vào năm 1979. Sau ngày 30/4/1975, và mãi cho đến nay, bạo lực vẫn là phương tiện để “ổn định” xã hội, nói đúng hơn là để trấn áp người dân. Bạo lực đi song song với bưng bít và tuyên truyền, bởi rằng không thể tuyên truyền nếu không bưng bít, không thể bưng bít nếu không dùng bạo lực, và không thể dùng bạo lực nếu không tuyên truyền “chính nghĩa” như ổn định xã hội v.v... Nói chung, đó là phương pháp mang tính chiến lược mà các đảng cộng sản ở khắp nơi đã đang và sẽ tiếp tục dùng, trong đó bốn chế độ hà khắc nhất còn tồn tại là Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam. Công an trị vẫn là chiến thuật chủ yếu cho sự sống còn. Sự vi phạm nhân quyền ở các nước cộng sản này xảy ra trên nền tảng ý thức hệ, và do đó, trầm trọng và hệ thống hoá hơn hẳn ở những nơi khác. Tất nhiên, sự vi phạm nhân quyền ở châu Phi hay Trung Đông cũng rất tồi tệ và ở nơi nào cũng đáng bị lên án, nhưng khi bị ý thức hệ chi phối (chính trị hoá, tôn giáo hoá...) một cách có hệ thống thì việc giải quyết các vi phạm nhân quyền, thí dụ như trả tự do cho các nhà tranh đấu cho dân chủ thật ra chỉ là giải quyết cái ngọn của vấn đề. Tự do cho toàn dân tộc mới là lời giải cho cái gốc của vấn đề.

Nếu tự trọng là giá trị nền tảng của nhân quyền, thì cũng có lắm điều để suy ngẫm về tính tự trọng của người Việt Nam [5] . Trường hợp rất đặc biệt không thể không nhắc đến, là việc lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh, người đã không ngần ngại dùng bút hiệu Trần Dân Tiên qua tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, để tự đề cao mình không khác gì một ông thánh, dù có khiêm nhường. Nó chỉ chứng minh một điều, rằng một chính trị gia đầy kinh nghiệm và thủ đoạn như ông, lại không có một sự tự trọng tối thiểu nào nên sẵn sàng lừa đảo dư luận, coi thường sự hiểu biết của người khác, hầu đạt cho được mục tiêu của mình. Cả cuộc đời hoạt động của ông phản ảnh tính tráo trở của một điệp viên được đào tạo từ Liên Xô, mặc dầu trong chính trị của thời điểm đó, cũng không thể nào hoàn toàn lương thiện, quân tử, như các cụ nho Trần Trọng Kim, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ v.v... Tuy nhiên, những thủ đoạn mà Hồ Chí Minh đã dùng và truyền đạt lại cho thế hệ kế thừa – một thứ di sản đầy bệnh hoạn - đã trở thành một thứ cẩm nang mà các thế hệ từ Lê Duẩn đến Nông Đức Mạnh hôm nay lại tiếp tục áp dụng đối với nhân dân Việt Nam. Người ngoại quốc hay các tổ chức nhân quyền cũng khó thể nào hiểu thấu đáo những biện pháp thâm độc trong việc xâm phạm nhân quyền như thế nếu không biết những nguyên nhân sâu xa từ ý thức hệ đến bệnh quan lại phong kiến trong giới lãnh đạo Việt Nam. Có thể kết luận tổng quát rằng không có mấy ai trong giới lãnh đạo Việt Nam có lòng tự trọng tối thiểu, bởi vì nếu có thì họ phải biết rằng họ đang cầm quyền một cách bất chính. Chưa bao giờ từ lúc họ cầm quyền đến nay lại có một cuộc bầu cử tự do đúng nghĩa hay một cuộc trưng cầu dân ý. Cũng vì không có lòng tự trọng tối thiểu nên họ cứ cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”, coi dân chúng và kể cả giới trí thức không ra gì, trong khi họ không biết rằng về mặt tư tưởng thì họ chỉ là một học trò của Marx và Lenin, những tư tưởng mà thế giới hôm nay không còn mấy trọng dụng, nếu không là đã bị vứt vào sọt rác.
Một người thiếu tính tự trọng tối thiểu như Hồ Chí Minh, mà lại được Đảng Cộng sản xem như “vĩ nhân” như thế, rồi cứ cố nhào nặn ra thứ “tư tưởng Hồ Chí Minh” được đề cao từ đầu thập niên 1990 cho đến nay, và thứ “đạo đức cách mạng” của ông lại được đưa lên làm thần tượng, thì làm sao nhân cách, nhân phẩm và nhân quyền tại Việt Nam có thể mang một ý nghĩa đích thực nào!

Vài kết luận
Theo tinh thần của các quốc gia ký vào bản “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”, nó phải được truyền bá và trưng bày rộng rãi, và được đọc và giải nghĩa tại các trường học và các cơ sở giáo dục... Đặc biệt, đối với những quốc gia từng là nạn nhân của các chế độ độc tài trong đó nhân quyền bị chà đạp nặng nề, thì điều đáng làm nhất là tổ chức các khoá hướng dẫn đề cao lòng tự trọng và giá trị nhân quyền. Thế nhưng, kể từ khi Việt Nam ký vào bản TNQTNQ [6] , có lẽ chưa bao giờ nhà cầm quyền Việt Nam tổ chức các chương trình giáo dục về nhân quyền cho học sinh tiểu và trung học. Cho nên, Việt Nam thời hậu cộng sản chắc chắn phải dồn rất nhiều nỗ lực cho việc thông tin và giáo dục sinh viên, học sinh nói riêng và công dân Việt Nam nói chung về lòng tự trọng và giá trị nhân quyền. Một công việc mang tính giáo dục để truyền đạt giá trị lâu dài, phổ quát, và không bị chính trị hoá, sẽ giúp cho thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau biết hành xử văn minh để sống chung với nhau trong hoà bình.
Nói tóm lại, căn bản của nhân quyền là lòng tự trọng. Nhưng lòng tự trọng không tự nhiên mà có. Người ta chỉ tự trọng khi được tôn trọng, và được giáo dục để tự trọng từ lúc còn bé. Cơ bản nhất là phải được giáo dục về sự tự tin. Nếu cha mẹ hoặc xã hội chung quanh không tôn trọng trẻ con và không dạy chúng tự trọng thì khó mà chúng có lòng tự trọng. Cho nên, để phát triển lòng tự trọng, trong trường hợp của người Việt Nam, chúng ta cần ít nhất hai điều kiện cơ bản: 1) giáo dục: không những nội dung giáo dục mà còn ở cách giáo dục. Ví dụ, người ta không thể nào phát triển lòng tự trọng nếu chỉ học theo lối nhồi sọ, đặc biệt về lãnh vực nhân văn, như tại Việt Nam hiện nay. Nhồi sọ là thiếu tôn trọng khả năng suy nghĩ độc lập của học sinh. Cho nên chúng ta cần một hệ thống giáo dục khoa học và nhân bản, tách rời mọi khuynh loát của chính trị. 2) chính trị: tự do cá nhân và quyền cá nhân phải được tôn trọng. Không ai phải bị guồng máy nhà nước sỉ nhục khi có ý kiến riêng (khoan bàn đến chuyện đúng hay sai). Cho nên chúng ta cần một thể chế chính trị dân chủ đa nguyên thật sự.

Nói tóm lại, muốn tôn trọng nhân quyền thì trước hết phải xây dựng lòng tự trọng trong mỗi công dân, và để làm được việc này thì điều kiện tiên quyết là phải xây dựng một hệ thống giáo dục và chính trị mới, bởi cái mà Việt Nam có bấy lâu nay hoàn toàn đối nghịch lại nền tảng giá trị nhân quyền. Có được ý niệm như thế, nó sẽ giúp cho người Việt Nam nâng cao ý thức công dân, từ đó sẽ không bao giờ chấp nhận các chế độ độc tài phản động hay các suy nghĩ hẹp hòi độc đoán, đặc biệt từ thành phần lãnh đạo, trên đất nước Việt Nam.
Melbourne 12/12/2006

[1]Úc là quốc gia có nền văn minh rất cao, trong đó giáo dục là một trong những lãnh vực “xuất cảng” mang lại lợi tức lớn cho Úc. Hơn 300 ngàn sinh viên du học ở khắp nơi trên thế giới ghi danh học tại Úc vào năm 2003, và tiếp tục gia tăng, đứng thứ ba trong những quốc gia có số sinh viên quốc tế đến học, sau Mỹ và Anh. Kỹ nghệ này đã đem lại thu nhập 4.2 tỷ đô la cho Úc vào năm 2002-2003, cao hơn cả xuất cảng len, lúa mì và thịt bò. http://www.dfat.gov.au/facts/growth_and_diversity.html
[2]Xin xem http://www.politics.unimelb.edu.au/aboutus/pettman.html .
[3]Có thể tham khảo bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền có trên website của Liên Hiệp Quốc. Bản tiếng Anh có thể tìm tại: http://www.unhchr.ch/udhr/lang/eng.htm
và bản tiếng Việt tại:
http://www.unhchr.ch/udhr/lang/vie.htm
[4]V.I. Lenin, The State and Revolution, Selected Works, In Three Volumes, Vol 2, Progress Publishers, Moscow 1970.

[5]Đây là một đề tài lớn, cần sự nghiên cứu nghiêm túc, và nằm ngoài phạm vi của bài này. Tác giả chỉ đưa ra gợi ý để chúng ta khách quan nhìn vấn đề nhân quyền của dân tộc Việt Nam, không riêng gì với Đảng Cộng sản. Xin chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân. Mỗi lần đi vận động cho nhân quyền tại Việt Nam, thí dụ như ký vào các thỉnh nguyện thư gửi cho Liên Hiệp Quốc hay chính phủ Úc, nếu tính trung bình vận động 10 người không phải Việt Nam (người Úc và các sắc tộc khác) thì có đến 5-6 người sẵn sàng ký tên ủng hộ nhân quyền, trong khi đó chỉ có khoảng 2-3 người Việt ký tên. Nhiều người Việt còn không biết gì về sự đàn áp tại Việt Nam hoặc không quan tâm gì đến lãnh vực này.
[6]Việt Nam đã ký vào bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền khi gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1977, và đến năm 1982 ký vào hai công ước có tính cách pháp lý và cưỡng hành cao nhất: Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị, và Công ước quốc tế về những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

V W

Miền Nam những ngày sau 30 tháng 4 qua mắt một người dân

Miền Nam những ngày sau 30 tháng 4 qua mắt một người dân
TRẦN TRUNG ĐẠO


Theo Niên giám Thống kê Di dân (Yearbook of Immigration Statistics) của chính phủ Mỹ, tôi là một trong 280,728 người Việt Nam đến Mỹ trong thập niên 1980-1990. Nói như vậy để phân biệt với 135 ngàn bà con trong đợt di dân đầu tiên vào những ngày trước 30 tháng 4 năm 1975, với khoảng 100 ngàn chú bác anh chị cựu tù nhân chính trị, với diện ODP và nhiều diện khác đến sau. Chúng tôi được báo chí gọi chung cho một cái tên là Thuyền nhân (Boat people). Hai chữ đó đã là nguồn sáng tác của nhiều bài thơ, bút ký, nhạc phẩm mang đầy ký ức bi thương và hãi hùng trên biển Đông. Chuyến hải hành của chúng tôi gồm 83 người trên một chiếc ghe chiều dài 10 mét rưỡi và chiều ngang một mét tư được sửa lại từ chiếc ghe chỉ dùng để đi sông. Sau 2 ngày và 2 đêm trên biển, chúng tôi được chiến hạm USS White Plains vớt ngoài biển Đông. Nếu không được vớt, có lẽ chúng tôi đã chết trong một thời gian sau đó. Vì quá vội vã ra đi, tất cả đồ ăn và phần lớn nước ngọt của chúng tôi đều bị bỏ quên trên bờ kinh Chu Hải. Khi lên tàu Mỹ, chúng tôi còn lại 82 người, một em bé đã chết âm thầm trong tay mẹ mà bà không hay biết.

Tôi đến thành phố Boston, miền Đông Bắc Mỹ, vào mùa đông năm 1981. Năm đó, những người Việt không thân nhân, độc thân và vào tuổi thanh niên được chuyển đến vùng Đông Bắc. Cuộc sống của tôi, giống như hầu hết “Boat people” khác, rất khó khăn. Những ngày nghỉ học vào mùa Đông, tôi đi theo các bạn học đến tiểu bang Main, một trong những tiểu bang lạnh nhất nước Mỹ, để xếp cá vào hộp cho một công ty cung cấp hải sản nhỏ với lương 3 đô-la một giờ. Để giữ cá được tươi, chủ hãng không cho phép mở máy sưởi. Thời tiết mùa đông ở Main rất khắc nghiệt, mặc bao nhiều áo cũng không đủ ấm. Ban đêm chúng tôi ngủ nhờ trong một nhà kho không có lò sưởi. Ngay cả sàn nhà cũng đông lạnh. Nửa đêm bước xuống giường là bị trượt té. Hàng trăm câu chuyện cười ra nước mắt khác trong những ngày đầu trên xứ lạ, kể hoài không hết. Dù sao, nhìn chung cảnh đời tị nạn, chúng tôi vẫn may mắn hơn nhiều người. Khác với các chú bác lớn tuổi choáng váng trước những đổi thay trong cách sống, phần lớn chúng tôi mới ngoài 20 tuổi, đã học xong hay gần xong các chương trình đại học ở bên nhà, có ít vốn liếng ngoại ngữ, dễ thích nghi và có khả năng đối phó với hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi ghi danh vào các trường đại học công trong thành phố. Hầu hết theo học các ngành kỹ thuật. Ngồi trong lớp học nhìn ra biển mà buồn lo trăm thứ, thi cử rớt lên rớt xuống, nhưng tôi không có chọn lựa nào khác. Tôi biết mình đang đứng ngọn núi cuộc đời đầy chông gai thử thách. Nếu vượt không qua được, đời tôi sẽ coi như bỏ đi. Đi học là con đường duy nhất để có thể tồn tại và vươn lên trong xã hội Mỹ còn đầy tệ nạn phân biệt màu da sắc tộc.

Nhưng cũng từ những khó khăn vất vả đó, những người tị nạn như tôi đã tìm đến nhau, giúp đỡ nhau và xây dựng nên một tập thể được gọi là Cộng đồng Việt Nam. Không giống như cộng đồng các sắc dân khác tại Mỹ, cộng đồng Việt Nam được ra đời sau một cuộc chiến tranh dài với quá nhiều đau thương và chịu đựng. Đọc lịch sử nước Mỹ, chúng ta biết rằng những người Đức, người Ý, người Ba Lan khi đặt chân đến Mỹ, họ chỉ mang trên vai gánh nặng của tương lai. Khi còi tàu rú lên báo hiệu giờ vào cảng Boston, New York, San Francisco, cuộc đời họ được lật sang một chương khác. Họ dễ dàng hội nhập vào xã hội kỹ nghệ Hoa Kỳ bởi họ đã đến từ một quốc gia kỹ nghệ. Họ dễ dàng hội nhập vào lối sống, tập tục, văn hóa Mỹ bởi vì chính họ cũng từ phong tục tập quán Châu Âu. Cộng đồng Việt Nam thì khác. Đa số người Việt đến đây từ một nền văn hóa phương Đông khép kín, với những phong tục tập quán hoàn toàn khác với các sinh hoạt trong xã hội Tây phương. Người Việt ra đi mang trên hai vai cả quá khứ đầy u uất và một tương lai còn nhiều bất định. Trong hàng triệu người Việt vượt biên bằng đường biển, bao nhiêu người khi ngồi trên ghe biết mình sẽ trôi dạt về đâu? Tôi tin không ai biết chắc. Nhiều trong số họ đến được bến bờ tự do khi chiếc áo chưa phai mùi khói súng và những vết thương trên da thịt vẫn còn đang mưng mủ. Bom đạn đã thôi rơi nhưng sức chấn động như vẫn còn nghe trong giấc ngủ quê người.

Dù sao, sau vài năm vất vả, chúng tôi ra trường, có công ăn việc làm, lập gia đình, sinh con cái, mua nhà cửa và như ông bà chúng ta thường nói “sau cơn mưa trời lại sáng”. Vâng, nhưng cái ánh sáng soi vào căn nhà của tôi ở Boston vẫn không làm tôi quên những căn nhà đầy bóng tối ở Việt Nam. Tôi còn nhớ 20 năm trước, ngồi trên bậc thềm của tòa nhà lịch sử Fanueil Hall ở Boston sau khi tuyên thệ trở thành công dân Mỹ tôi có làm bốn câu thơ để tự nhắc nhở mình:

Mặt mày hớn hở vui tươi
Sao lòng nghe thẹn làm người tự do
Của nầy là của trời cho
Của ta đánh mất không lo đi tìm.

Sau 32 năm, đội ngũ người Việt như tôi đến trước hay đến sau thuộc nhiều diện khác nhau, đã lên đến gần 3 triệu người, sống rải rác trên hàng trăm quốc gia, từ Brazil đến Moroco, từ Cộng Hòa Nam Phi đến Do Thái. Họ đã góp phần làm thay đổi khuôn mặt của những nơi họ ở, biến những khu thải phế liệu thành những trung tâm thương mại khang trang, biến những con đường vốn đầy tội ác thành những khu phố sầm uất. Họ đứng trước những hàng rào về ngôn ngữ, văn hóa, thói quen, tập quán nhưng đa số đã vượt qua. Họ tận dụng mọi cơ hội trong xã hội mới, đi làm hai ba việc một ngày để lo cho con cái ăn học thành tài. Người Việt hải ngoại thành công bởi vì họ biết rõ một điều rằng không ai có thể thay đổi quá khứ nhưng chắc chắn sẽ làm chủ được tương lai.
Chỉ riêng tại Mỹ theo công bố của cơ quan thống kê dân số Mỹ, tính đến thời điểm cuối năm 2006, thu nhập bình quân của một gia đình người Việt tại Mỹ là 54.227 đô-la so với mức thu nhập trung bình của một gia đình Mỹ là 55,832 đô-la. Số người Việt hưởng trợ cấp xã hội thấp nhất (10%) so với các sắc dân thiểu số vùng Đông Nam Á.

Theo ước lượng của tổ chức American Community Survey (ACS), hiện có 1,521,353 người Việt Nam sinh sống tại Mỹ. Trong lãnh vực giáo dục, cũng theo thống kê của ACS, năm 2005, khoảng 18.2% người Việt trên 25 tuổi đã tốt nghiệp đại học so với 17.2% người Mỹ. Đó là những thành tựu to lớn đối với một cộng đồng còn khá non trẻ như Việt Nam.
Dù thành công ở xứ người, nhưng tình yêu quê hương trong lòng người Việt bao giờ cũng thể hiện rất rõ nét và sâu đậm. Những ngày mới ra đi nhớ quê hương là chuyện đã đành, nhưng càng đi xa, càng sống lâu trong êm ấm càng thấy thương những người còn chịu đựng gian nan. Nơi tôi làm việc quy tụ dân tứ xứ, không ít cũng đến từ các nước nghèo và chiến tranh như tôi nhưng hiếm khi nghe họ nói về những gì xảy ra trên đất nước họ. Người Việt thì khác, một cơn bão, một cơn lụt xảy ra ở bên nhà như bão Xangsane vừa rồi chẳng hạn, mức độ thiệt hại không bao nhiêu so với Tsunami hay Katrina, cũng làm cho bà con bên này lo lắng, bàn tán, họp hành tổ chức lạc quyên cứu trợ. Chỉ riêng mấy ngày Tết Đinh Hợi năm nay, đã có khoảng 140 ngàn bà con về thăm nhà và trong năm 2006 số tiền người Việt hải ngoại gởi về cho thân nhân lên đến trên 4 tỉ đô-la. Mặc dù không đóng góp trực tiếp vào giai đoạn sản xuất, nhưng bằng việc tham gia vào quá trình lưu thông tiền tệ, số tiền đó cũng góp một phần vào sự phát triển nền kinh tế nói chung. Cộng đồng người Việt hải ngoại là một tiềm năng vô cùng to lớn đối với tương lai thịnh vượng của đất nước Việt Nam. Rất tiếc, sau 32 năm, tiềm năng to lớn đó vẫn chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Nếu chỉ nhìn vào việc bà con về thăm nhà hay gởi tiền về cho thân nhân mà gọi đó là “đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước” hay chấp nhận chế độ chính trị tại Việt Nam thì quả thật là những đánh giá hời hợt. Bầy cá hồi bơi bao xa cũng nhớ đường về sông cũ và những chiếc lá rơi hướng nào rồi cũng tụ về cội. Dòng sông và nguồn cội của của người Việt về thăm quê là gia đình cha mẹ, mồ mả tổ tiên, thân bằng quyến thuộc và tình nghĩa đồng bào. Người Do Thái có khẩu hiệu “Người Do Thái mua hàng Do Thái” để khuyến khích sản xuất cho nước họ, nhưng tôi tin không bao nhiêu người Việt đi chợ ở Mỹ có được tinh thần đó. Chẳng những thế, cái gì có bàn tay nhà nước Việt Nam dính vào là họ không ưa. Thái độ “giận cá chém thớt” đó chưa hẳn đúng, nhưng lỗi không phải bắt nguồn từ người dân. Cái hố sâu hoài nghi ngăn cách do Đảng đào ra thì chính Đảng phải là người lấp lại.

Trong bài trước tôi có viết “không một người Việt Nam có lương tâm nào mà không khỏi đau lòng khi nhìn lại đất nước sau 32 năm chấm dứt chiến tranh nhưng lòng người vẫn còn ngăn cách, anh em nhìn nhau thù hằn xa lạ”. Có người cho đó là một nhận xét chủ quan, một lập luận thiếu khoa học, thiếu dẫn chứng. Thưa không, tôi không trích dẫn chỉ vì đó là một thực tế quá hiển nhiên mà từ những chuyên viên kinh tế quốc tế, những người phê bình các chính sách của Đảng trong và ngoài nước, cho đến những người giữ trách nhiệm kinh tế chính trị quan trọng trong hệ thống lãnh đạo cũng đã nhiều lần đồng ý như thế. Nhận xét giống nhau thì rất nhiều, nhưng tôi chỉ giới thiệu vài ý kiến có tính cách tiêu biểu của những người đại diện cho Đảng, nhà nước và quốc hội Việt Nam.

Về phía Đảng, trong hội nghị tổng kết diễn đàn thảo luận “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ” tôi trích dẫn trong bài trước, ông Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng bộ Thương mại, thay vì vặn hỏi ông Nguyễn Trí Dũng đào ở đâu ra nhận xét thiếu khách quan, thiếu khoa học, thiếu dữ kiên khi cho rằng “người Việt đang bỏ lỡ một nguồn nhân tài đáng quý là 3 triệu kiều bào sống khắp nơi trên thế giới, mà nguồn thu nhập của họ ngang ngửa với tổng số GDP của cả nước”, đành hứa hẹn với ông Dũng rằng sau “Đại hội Đảng lần thứ X, thì những chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng người VN ở nước ngoài sẽ được triển khai một cách hiệu quả.”. Câu trả lời của ông bộ trưởng thương mại và cũng là một ủy viên trung ương Đảng, là một cách thừa nhận rằng chính sách của Đảng 32 năm qua là một chuỗi dài của những sai lầm nghiêm trọng.
Về phía nhà nước, trước Hội nghị bàn biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt kiều vào tháng 7 năm 2005, ông Lương Văn Lý, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, người chịu trách nhiệm quan trọng trong việc phát họa các kế hoạch đầu tư của thành phố Sài Gòn, phát biểu: “Nếu đối chiếu tổng số vốn đầu tư với tiềm năng tài chính kiều bào thì không phản ánh đúng thực lực của Việt kiều ở nước ngoài”. Bài tường thuật hội cũng ghi lại lời ông Lý: “Theo ông Lý, lượng kiều hối hằng năm được Việt kiều từ nước ngoài gởi về nước ước tính khoảng 3,7 tỷ USD (trên cả nước), riêng TP HCM nhận khoảng 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên lượng kiều hối này không chảy vào các dự án đầu tư kinh tế mà phần lớn lại sử dụng cho tiêu dùng của gia đình. Nếu so sánh với tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện nay trên cả nước là khoảng 2 tỷ USD, thì mới thấy rõ được giá trị của nguồn kiều hối gởi về nước qua các nguồn khác nhau lớn đến mức nào.”

Trong cùng một hội nghị, ông Nguyễn Chơn Trung, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, nói đến lượng đầu tư còn quá khiêm nhượng của người Việt hải ngoại vào các đề án kinh tế tại Sài Gòn: “Tính từ năm 1988 đến nay, tổng vốn đầu tư theo Luật doanh nghiệp của Việt kiều là hơn 2.000 tỷ đồng Việt Nam và 62,39 triệu USD vốn theo Luật đầu tư nước ngoài. Song hầu hết đều là những dự án nhỏ với quy mô vài trăm nghìn USD, duy chỉ có một dự án đầu tư khu vui chơi giải trí có vốn lớn nhất là 48,7 triệu USD. So sánh với số lượng 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố thì con số doanh nghiệp do Việt kiều thành lập hay góp vốn đầu tư chỉ bằng 1% và chiếm chỉ 1,2% tổng số vốn đăng ký.”

Nếu không nghe từ chính miệng ông Nguyễn Chơn Trung nói ra thì khó tin đó là con số thật. Chúng ta đều biết lượng đầu tư kinh tế của người Việt hải ngoại vào Việt Nam còn thấp nhưng không ngờ thấp đến mức như vậy. Một cộng đồng người Việt có tổng thu nhập bằng cả nước Việt Nam mà suốt mười bảy năm, từ 1988 đến 2005, chỉ đầu tư vào các đề án kinh tế tại thành phố lớn nhất Việt Nam vỏn vẹn hơn 62 triệu đô-la trong lúc nhiều chục tỉ đô-la khác gởi về cho thân nhân sử dụng vào các mục đích tiêu dùng. Nhân dịp Xuân Đinh Hợi năm nay, ông Nguyễn Chơn Trung, khi trả lời câu hỏi của báo Sài Gòn Giải Phóng, một lần nữa xác định thực tế đáng buồn đó: “Tôi khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài không thiếu người tài. Vấn đề là chúng ta đang thiếu chính sách thu hút, sử dụng và phát huy hiệu quả nhất.”

Về phía quốc hội, hôm 19 tháng 2 năm 2007 vừa qua, trong bài phỏng vấn dành cho báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp, ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, than thở: “Điều đó đâu có xa lạ! Thời chiến tranh, trong điều kiện hết sức gian khổ, chúng ta đã thu hút được không ít Việt kiều về giúp đất nước. Chả có lý gì mà trong điều kiện phát triển đất nước hiện nay, chúng ta lại không thu hút được họ. Đó là một suy nghĩ nghiêm túc, chính đáng và phải có bước đi, được biểu hiện từ hai phía: Nhà nước phải thể hiện rõ chính sách, thái độ đối với kiều bào; bản thân đội ngũ Việt kiều cũng phải thể hiện quan điểm, chính kiến và chứng minh năng lực của mình.”

Tôi đồng ý với ông Nguyễn Chơn Trung khi cho rằng “Vấn đề là chúng ta đang thiếu chính sách thu hút, sử dụng và phát huy hiệu quả nhất” cũng như với ông Dương Trung Quốc qua nhận xét “Nhà nước phải thể hiện rõ chính sách, thái độ đối với kiều bào”, thế nhưng chính sách và thái độ đó là gì, cho đến nay, đối với những người quan tâm tương lai đất nước vẫn còn là một chờ đợi như đã từng chờ đợi trong nhiều năm trước.
Sức mạnh tổng hợp của hơn 83 triệu người Việt, trong và ngoài nước, là một sức mạnh có thực, và khả năng Việt Nam có thể đuổi theo kịp các nước láng giềng là một khả năng trong tầm tay chứ không đến nỗi phải cần tới hai thế kỷ mới theo kịp Singapore như ông Il Houng Lee, trưởng nhiệm sở của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (INF) tại Việt Nam phát biểu: “Nếu những giả thiết rằng các quốc gia trên (các quốc gia giàu có hơn thuộc hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) duy trì một mức phát triển trung bình như 10 năm qua, thời gian Việt Nam cần phải có để đuổi kịp họ sẽ lâu hơn. Chẳng hạn, Việt Nam có thể phải cần 18 năm để bắt kịp Indonesia, 34 năm để bắt kịp Thái Lan, và 197 năm mới bắt kịp Singapore”. Thật đáng đau buồn cho một dân tộc với hơn bốn ngàn năm văn hiến, đã giữ được nền văn hóa riêng sau một ngàn năm Bắc thuộc, đã giành được quyền tự chủ sau gần trăm năm trong bàn tay sắt của thực dân nhưng lại không vượt qua được sự lạc hậu chậm tiến của chính mình. Sức cản chủ yếu trên con đường phát triển Việt Nam về mọi lãnh vực cho đến nay vẫn là cơ chế chính trị độc tài lạc hậu và tư duy hẹp hòi thiển cận của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giới lãnh đạo Đảng đã đặt quyền lợi của Đảng lên trên quyền lợi dân tộc. Với họ, độc quyền lãnh đạo là ưu tiên tối thượng, và tất cả chính sách, dù đổi mới kinh tế hay cải cách văn hóa xã hội, đều nhằm phục vụ cho quyền cai trị hay ít ra không đi ngược với quyền lợi của Đảng. Họ thà để cho đất nước lạc hậu hay tiến chậm còn hơn thực hiện các cải cách chính trị căn bản có thể đe dọa cho quyền lãnh đạo của họ. Đảng chăn dân như chăn một bày cừu, cho ăn tạm đủ no, cho uống bớt khát, nhưng đàn cừu tội nghiệp kia 32 năm qua vẫn chưa thấy một thảo nguyên xanh tươi hay một dòng suối mát. Sống như thế không phải là sống trong “yên vui hưởng phúc thái bình” và “ổn định” như một vài người nhắm mắt bưng tai biện minh cho Đảng. Kết luận như thế là khinh thường nhận thức chính trị của người dân Việt Nam. Người dân trong nước không có điều kiện thực thi nhân quyền và dân chủ chứ không phải họ không hiểu thế nào là nhân quyền và dân chủ. Không phải đợi đọc xong Jean-Jacques Rousseau, Alexis Tocqueville, John Locke, John Stuart Mill mới hiểu rằng con người có quyền phát biểu những gì họ nghĩ, có quyền sống nơi họ chọn lựa, có quyền bầu ra người đại diện cho mình trong chính phủ và quốc hội. Nhân quyền là quyền bẩm sinh của con người chứ không phải do ai ban phát. Việc cho rằng người dân trong nước đang “yên vui hưởng phúc thái bình” là lặp lại giọng điệu tuyên truyền của cha con Kim Nhật Thành lừa dối người dân Bắc Hàn rằng họ đang sống trong thiên đường trên mặt đất chứ không phải địa ngục giữa trần gian. Một dân tộc bốn ngàn năm không ngừng tranh đấu nhưng cho đến hôm nay, ngoại trừ một thời gian ngắn ở miền Nam, đại bộ phận dân tộc vẫn chưa có được những quyền tự do chính trị căn bản mà các bộ lạc ở Ghana, Congo đang có. Một dân tộc như thế đang “hưởng phúc” hay đang cắn răng chịu đựng thiệt thòi?
Đó là nói về nhận thức, còn trong thực tế thì sao? 32 năm qua nhân dân Việt Nam có thật sự “yên vui hưởng phúc thái bình” không? Đánh tư sản mại bản chưa xong là cải tạo công thương nghiệp, rồi kinh tế mới, trại tập trung cải tạo, chiến tranh Kampuchia 1979, chiến tranh với Trung Quốc lần thứ nhất 1979, nạn đói từ 1976 đến 1981, đụng độ với Trung Quốc lần nữa và mất một phần lãnh thổ phía Bắc trong trận Lão Sơn 1984, bị hải quân Trung Quốc đánh bại tại Trường Sa 1988. Có một thời cây kim đồng hồ tại Việt Nam như đứng lại, dân tộc Việt như một đàn chim bay tán loạn bốn phương trời. Và khi nội lực tiêu tan, khả năng kiệt quệ, cố mở mắt nhìn ra bên ngoài thì than ôi nhân loại đã bỏ xa mình hàng thế kỷ. Một nước 83 triệu dân nhưng quân đội chỉ được trang bị bằng võ khí còn lại từ thời Liên-Xô chưa tan rã, một ít Mig-21 không phụ tùng thay thế, vài chục chiếc trực thăng và dăm chiếc hải thuyền không đủ khả năng bảo vệ ngư dân thì làm sao bảo vệ đất nước khi một biến cố quân sự trong vùng Đông Nam Á xảy ra? Giang sơn gấm vóc nhuộm bằng mồ hôi nước mắt của tổ tiên, từ biên giới phía Bắc đến các hải đảo thân yêu, đang từng mảnh rơi vào tay Trung Quốc. Sở dĩ đến hôm nay Việt Nam còn giữ được vài đảo trong quần đảo Trường Sa bởi vì cuộc tranh chấp chủ quyền của quần đảo liên quan đến nhiều nước, nếu đó chỉ là cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam thôi thì Trường Sa đã mất lâu rồi. Làm người Việt Nam mà không biết cái nhục yếu hèn, không lo cái họa mất nước, mà còn gọi đó là “thái bình” và “ổn định” sao?

Với chủ trương bảo vệ quyền cai trị bằng mọi giá nên mặc dù ngoài miệng hô hào hòa giải để cùng nhau xây dựng đất nước, trong tư duy của giới lãnh đạo Đảng, khối người Việt nước ngoài vẫn là những kẻ đáng nghi ngờ, vẫn là lực lượng phản động đang chờ cơ hội lật đổ quyền lãnh đạo của Đảng. Chuyến đi Mỹ của ông Phan Văn Khải, trong đó ông đã không đến California là một bằng chứng.

Tại sao ông Phan Văn Khải không đến California?

Một số ý kiến cho rằng ông Khải lo ngại người Việt biểu tình chống đối, một số khác cho rằng ông Khải ngại an ninh cho bản thân ông và cũng có người cho rằng ông ta không đến chỉ vì “tôi không thích đến, tôi chưa thích đến” nói theo kiểu ông Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Nguyễn Xuân Hiển khi trả lời đài BBC trước đây.
Nếu giới lãnh đạo Đảng thực tâm hòa giải với người Việt hải ngoại thì ông Phan Văn Khải, thay vì quanh quẩn với những người chỉ biết tung hô nịnh bợ, lẽ ra ông nên đến California nơi có trên nửa triệu người Mỹ gốc Việt đang sinh sống để thẳng thắng trình bày và, nếu cần, đối thoại công khai các chính sách của Đảng và nhà nước đối với người Việt hải ngoại. Những buổi đối thoại như thế có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, không nhất thiết phải đứng trên đại lộ Bolsa trước rừng cờ vàng ba sọc đỏ có thể làm ông khó chịu, hay trong các hội trường rộng lớn ở San Jose ít nhiều nguy hiểm cho bản thân ông. Ông đã không làm như thế.
Nếu giới lãnh đạo Đảng muốn gác qua một bên quá khứ và hướng đến tương lai thì lẽ ra ông Phan Văn Khải nên đến với những người lính cũ miền Nam, những bác HO già, những người mà Đảng đã đày ải, trấn áp, đối xử tàn tệ suốt mấy chục năm trong những trại tù khắp ba miền đất nước và nói với họ rằng Đảng của các ông thật tâm muốn sửa đổi. Lịch sử như một dòng sông, tuy trong quá khứ phải đau nhức chảy qua nhiều ghềnh đá nhọn, nhưng không phải vì thế mà tiếp tục nuôi dưỡng hận thù, anh em nhìn nhau xa lạ. Giới lãnh đạo Đảng luôn hãnh diện họ là những người nắm trong tay chính nghĩa, những người thật tâm yêu nước thì đó là cơ hội để ông Phan Văn Khải giương cao ngọn cờ chính nghĩa, phát huy lòng yêu nước thương dân của Đảng. Ông đã không làm như thế.
Nếu giới lãnh đạo Đảng muốn kêu gọi trí thức hải ngoại về xây dựng đất nước thì lẽ ra ông Phan Văn Khải nên đến California thăm các chuyên viên Việt Nam đang làm việc cho hàng trăm công ty kỹ thuật cao cấp trong vùng thung lũng Silicon. Những chuyên viên khoa học kỹ thuật kia một thời là những đứa bé lê lết trên vỉa hè Sài Gòn, Đà Nẵng, nhặt đậu mót khoai trên các vùng kinh tế mới, chào đời trên chiến hạm, che giấu tuổi thơ bên trong hàng kẽm gai của các trại tị nạn và họ đang chờ nghe ông nói về một “giấc mơ Phù Đổng” mà Đảng đang dùng để dụ dổ tuổi trẻ trong nước. Ông đã không làm như thế.
Theo quan điểm của tôi, ông Phan Văn Khải không đến California không phải ông ta ngại cho an ninh bản thân, mà cũng chẳng phải vì ông không thích đến, nhưng vì ông ta sợ đối diện với sự thật. Ông Phan Văn Khải quên rằng sự thật như ánh sáng mặt trời, có thể tạm thời làm chói mắt những ai sống lâu năm trong bóng tối nhưng không thể lấy tay che hay trốn tránh mãi được.
Sự thật và bao dung là chính sách tốt nhất và là con đường đẹp nhất để cứu vãn dân tộc mình. Mỗi người Việt Nam trong thế hệ chiến tranh, bên này hay bên kia, có thể đã phải chịu nhiều mất mát, đau thương cho bản thân và gia đình, nhưng không phải vì thế mà họ có quyền bắt cả nước phải đau như cái đau của họ, phải căm thù giống như họ căm thù và phải trả lại cả vốn lẫn lời cho những mất mát riêng tư của đời họ, của Đảng họ.

Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ toàn diện và triệt để là một tiến trình không thể nào tránh khỏi tại Việt Nam. Nỗ lực của những người Việt yêu nước, dù trong hay ngoài nước, dù tạm thời còn trong Đảng hay đang trực diện đấu tranh chống Đảng, không phải là ngăn cản hay đẩy lùi tiến trình đó, nhưng nên chung lưng góp sức với nhau để cách mạng được diễn ra trong hòa bình, thuận lợi và ít lãng phí tài nguyên dân tộc.
Việt Nam hơn bao giờ hết đang cần nhiều Phù Đổng vươn vai cứu nước, nhưng để trở thành Phù Đổng, các thế hệ trẻ phải can đảm bước xuống khỏi chiếc nôi đang ru ngủ họ và nhận ra đâu là chướng ngại trên con đường phục hưng và phát triển Việt Nam. Giặc Ân ngày nay không phải ở đâu xa mà chính trong tư duy cực kỳ lạc hậu của những người đang lãnh đạo đất nước.ª

Trả lời bà Tôn Nữ Thị Ninh về nhiều vấn đề

Trả lời bà Tôn Nữ Thị Ninh về nhiều vấn đề
AMY DƯƠNG (Thành viên của Women For Hillary Clinton Network)


Sau khi đọc bài phỏng vấn bà từ báo Việt Weekly San Jose, ngày 12 tháng Tư năm 2007, tôi, một phụ nữ Việt Nam đã từng là thuyền nhân xin tỵ nạn tại Hoa Kỳ gần 30 năm về trước, bây giờ chỉ là một phụ nữ trí thức làm thương mại bình thường lo cho gia đình. Nhưng tôi quyết định đối thoại với bà qua bài viết này dựa trên nền tảng chung là mong muốn những điều tốt đẹp cho quê hương Việt Nam. Tôi tin chắc nền tảng chung đó không phải chỉ một mình bà mong muốn, mà tôi và hơn 3 triệu người Việt hải ngoại đang định cư trên toàn thế giới cũng tha thiết hoài vọng. Tuy chúng tôi đã và đang có một đời sống ổn định vững vàng tại xứ người, đang làm việc chăm chỉ để trả nợ công dân cho xứ sở đã cưu mang chúng tôi; nhưng vì dòng máu Việt vẫn tuôn chảy trong châu thân, nên chúng tôi vẫn luôn hướng về đất Mẹ, làm đủ mọi điều, từ giúp đỡ từ thiện cho đến vận động chính trị, trong khả năng của mỗi người, để đất nước và người dân (trong đó có rất đông gia đình, người thân, bạn bè của chúng tôi) có được tương lai vững chắc ngày một tốt đẹp hơn.

Tôi phải bắt đầu như thế, để sau khi đọc bài viết này, bà hay đảng/nhà nước VN không chụp mũ tôi là người của những tổ chức người Việt lưu vong, cực đoan, phản động, hết thời, thất thế, v.v. và v.v… Và cũng không chụp mũ tất cả người Việt hải ngoại yêu nước đang nỗ lực giúp đỡ, tranh đấu và vận động qua những tổ chức vô vị lợi, đoàn thể, đảng phái,… cho một Việt Nam có tự do dân chủ thật sự là người của Việt Tân, một đảng chính trị tại Hoa Kỳ mà báo An Ninh Thế Giới đã chụp mũ một cách ấu trĩ là đảng khủng bố. Tôi nói ấu trĩ, đơn giản vì nếu Việt Tân là tổ chức khủng bố, họ làm sao tồn tại được trong xứ sở Hoa Kỳ, một quốc gia đang lãnh đạo thế giới chống bạo lực khủng bố? Tôi khác bà ở chỗ tôi không phải là nhà chính trị, không phải là nhà ngoại giao, nhưng tôi giống bà cùng là trí thức được ăn học, có bằng cấp, có kinh nghiệm nói chuyện và làm việc với người nước ngoài. Hy vọng chúng ta sẽ đối thoại trong tinh thần cởi mở, thẳng thắn và đi vào trọng tâm của những vấn đề hơn.

Vấn đề #1: (Bà nói dân biểu Loretta Sanchez cần lắng nghe ý kiến của mọi cử tri, chứ không phải là những người to tiếng, thường xuyên cầu cạnh…). Thưa bà Ninh, Loretta Sanchez là dân biểu vùng Nam California từ năm 1997. Và là một nữ dân biểu được sự thương yêu và tín nhiệm của hầu hết đồng hương Việt-Mỹ trong và ngoài California. Đó là những người Việt hải ngoại có lương tri đang tha thiết tranh đấu và vận động cho quê hương sớm có được tự do, dân chủ, nhân quyền thực sự. Số cử tri to tiếng, thường lên tiếng yêu cầu bà Loretta để ý đến nhân quyền VN, những quyền căn bản thiết yếu cho người dân Việt ở cách xa nửa vòng trái đất đó, tiếc thay, không phải là số ít đâu bà Ninh ạ! Mà là đông lắm, nhiều lắm, hầu như gần hết người Việt hải ngoại ở khắp 5 châu 4 bể này. Và vì là dân biểu của một thể chế chính trị “dân cử dân bầu”, chứ không phải “đảng cử dân bầu” đâu bà Ninh nhé. Nên bà Loretta đã làm đúng chức năng của mình khi mang vào Việt Nam nguyện vọng của hầu hết cử tri Việt tại California đã tín nhiệm bỏ phiếu cho bà, đó là: Loretta thân mến, làm ơn tìm gặp để an ủi, nâng đỡ tinh thần của những người vợ, người mẹ tội nghiệp của những nhà bất đồng chính kiến, những nhà tranh đấu dân chủ, đang hy sinh thân mình cho tương lai nước Việt!

Vấn đề #2: (Bà và dư luận của đảng/nhà nước Việt Nam cho rằng vấn đề bắt giữ, đàn áp, sách nhiễu và thậm chí dùng cả côn đồ hành hung về thể xác, dùng nguyên cả bộ máy công an trị tìm đủ mọi cách dập tắt những phản ánh trung thực, những việc làm mang lại lợi ích mai hậu cho quê hương dân tộc Việt của các nhà dân chủ là công việc nội bộ của Việt Nam. Các người mẹ, người vợ của họ không nên cho người nước ngoài biết.) Thưa bà, là một phụ nữ được đào tạo từ nước ngoài, được đi đây đi đó khắp nơi trên thế giới, tôi thật sự không hiểu tại sao tư duy của bà còn mang nặng tính phong kiến, lạc hậu và phi nhân bản đến thế! Thời đại văn minh, thế giới lên án khủng bố, gia đình và xã hội ở bất cứ nơi nào cũng lên án những hình thức hành hạ từ tinh thần đến thể xác giữa con người với con người, xem đó là tội hình sự nếu đứng về mặt pháp luật, và là vô nhân đạo, mất nhân tính, nếu đứng về phía nhân bản. Đảng/Nhà nước VN ỷ mình nắm quyền lực trong tay, tha hồ hành hạ, đàn áp, bắt những nhà trí thức dân chủ phải từ bỏ khát vọng tranh đấu cho một tương lai tốt đẹp hơn của dân tộc Việt. Dập tắt không được, bèn hô lên những người này làm nguy hại an ninh quốc gia, (an ninh quốc gia hay an toàn về đặc quyền đặc lợi của thiểu số cầm quyền?) Xin bà Ninh, đảng/nhà nước thành thật và công tâm xác định rõ ràng lại). Thế rồi, bắt họ bỏ tù không cho gia đình, luật sư gặp mặt. Không cho gia đình và luật sư của họ có cơ hội trình bày trước công chúng nguồn gốc và bản chất của sự việc. Chỉ có truyền thông nhà nước với những bồi bút thiếu lương tri viết bài xuyên tạc sự thật, đánh lừa dư luận, qua đó chuẩn bị “pháp trường” cho nhà nước “chém dân” bằng những phiên tòa bịt miệng, xử án không muốn cho truyền thông trong và ngoài nước chứng kiến, không cho gia đình người thân tham dự, không có sự hiện diện của luật sư, v.v. và v.v… Bà Ninh à, bà còn có lương tâm của một con người và lương tri của một trí thức có bằng cấp ở Anh Quốc hay không? Một nhà cầm quyền toàn trị đang đẻ ra một thể chế hành hạ và đàn áp dân bằng đủ mọi hình thức và phương tiện như thế, bà vẫn muốn làm loa tuyên truyền và cải chính cho họ? Bà vẫn nói những chính sách, pháp luật đó là chuyện nội bộ của Việt Nam? Không cho thế giới bên ngoài biết để đảng/nhà nước ta có thể thủ tiêu họ một cách bí mật ư? Trên www.danchimviet.com ngày 16/4/07, nhà văn Dương Thu Hương đã, tố cáo: đảng/nhà nước ra lệnh mồm, mượn tay tội phạm trong tù “hạ độc thủ” một cách kinh hoàng và ghê tởm hàng nghìn cựu chiến binh, lãnh đạo những cuộc xuống đường của nông dân tỉnh Thái Bình vào thập niên 1990’s, (xem link: http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3245 ). Bà vẫn nói hãy chờ đợi để được giải quyết cho dù thời gian chờ đợi có lâu. Chờ cho đến khi nào? Cho đến khi vợ của phóng viên Nguyễn Vũ Bình phải nhận xác chồng? Hay như bác sĩ Phạm Hồng Sơn phải khóc hận vì ông không được vuốt mắt thân phụ lúc lâm chung? Theo ý bà, ánh sáng công lý, đèn trời ở đâu để giúp cho những người dân thấp cổ bé miệng, để binh vực cho những trí thức yêu nước như Cha Lý, luật sư Đài, luật sư Công Nhân, luật sư Lê Quốc Quân, bác sĩ Lê Nguyên Sang, nhà báo Huỳnh Nguyên Đạo và hàng trăm tù nhân lương tâm đang bị chế độ giam giữ vì đã can đảm thể hiện lòng yêu nước trung thực của mình??? Ở một đất nước có dân chủ, báo chí truyền thông là đệ tứ quyền, thường đưa những tin tức trung thực phản ánh những vấn đề của người dân và xã hội. Tiếc thay, báo chí truyền thông VN hiện nay không làm đúng chức năng của mình trong “khu vực cấm” của đảng/nhà nước, đó là “khu vực chính trị”, nhất là loại chính trị đối lập, cạnh tranh công khai với đảng/nhà nước CSVN. Chẳng những không đăng tin tức trung thực, một số bồi bút lại còn giẫm lên lương tri của người cầm bút để vu khống, bóp méo sự thật về những nhà tranh đấu dân chủ này như ông nhà báo Bảo Sơn của Tờ An Ninh thế Giới. Và sau đó, ông này đã bị bà Trần Thị Lệ, mẹ của luật sư Lê Thị Công Nhân làm kiến nghị gởi đi khắp các cửa quyền của đảng/nhà nước để lấy lại công luận cho con gái mình. Thế mà báo An Ninh Thế Giới có dám đăng thư của bà Lệ đâu? Đến độ truyền thông báo chí cũng là thứ một chiều, một thứ công cụ của “quyền lực đen”, bà Ninh ơi, bà khuyên người dân ngậm miệng im tiếng để chờ giải quyết nội bộ, thật là… hết thuốc chữa! Cũng may nhờ có internet và nhờ có đồng hương ruột thịt ở khắp năm châu bốn bể giúp đỡ, người dân mới đưa được những oan trái, những chính kiến của mình ra thế giới bên ngoài. Cho nên mới nói, vấn đề không nằm ở giới hạn nội bộ được nữa là do ở tính cách chuyên quyền, cách hành xử độc tài thiếu văn minh của đảng/nhà nước VN đã đẩy người dân đi đến tuyệt lộ, bi phẫn la to cho cả nhân loại cùng nghe. Nếu có trách, bà Ninh nên trách những đồng chí của bà!
Vấn đề #3: (Bà Ninh cho rằng Hoa Kỳ nên quan tâm những gì xảy ra trong nước mình hơn là quan tâm đến nước ngoài). Ở đây, tôi xin nhắc lại 2 điều để bà Ninh đừng quên: Thứ nhất, Việt Nam đang trở thành đối tác chiến lược của Hoa Kỳ. Tôi chắc bà Ninh, đảng/nhà nước đã chiêm nghiệm lịch sử các nước đồng minh với Hoa Kỳ để phải hiểu rằng: làm kẻ thù với Hoa Kỳ thì dễ, còn làm bạn (đồng minh), dù là bạn về kinh tế hay quân sự cũng đều rất khó. Bởi vì truyền thống tự do dân chủ, nguyên tắc cạnh tranh công bằng trong cả kinh tế lẫn chính trị là những nhân tố làm phát triển và tạo sức mạnh cho đất nước Hoa Kỳ này. Cho nên, hệ thống chính trị của nước Mỹ cần có đối lập và hệ thống xã hội rất quan tâm tự do, dân chủ và nhân quyền, dĩ nhiên cho chính quốc gia này và cho luôn cả đồng minh của họ. Vì nếu Hoa Kỳ làm ăn buôn bán hoặc đồng minh với một nhà cầm quyền độc đảng, đưa đến độc quyền và độc tài, đàn áp dân, tham nhũng hối lộ, làm chênh lệch giàu nghèo gây ra bất ổn xã hội, chắc chắn các công ty Hoa Kỳ khó lòng an hưởng lợi nhuận, chính phủ Hoa Kỳ khó ăn khó nói với công luận. Và công dân Hoa Kỳ chứ không phải ai khác, sẽ lên tiếng và làm áp lực với chính phủ này để có biện pháp thích đáng thay đổi tình hình. Thứ hai, khối người Việt-Hoa Kỳ gần 2 triệu người đang là một thực thể chính trị và kinh tế trên đất nước này. Người Việt ở đây, hầu hết, ngoài việc làm tốt bổn phận công dân để trả ơn xứ sở đã cưu mang mình. Việc còn lại là hướng tâm tư, trí óc của mình về VN và luôn mưu cầu một thể chế tốt đẹp tự do dân chủ thật sự cho đồng bào ruột thịt của mình. Thực thể này không phản đối chiến tranh Iraq, không đòi bảo hiểm sức khỏe, không yêu cầu điều này điều nọ ngoại trừ một điều duy nhất: Hoa Kỳ phải giúp cho dân tộc Việt Nam của chúng tôi được hưởng tự do dân chủ và có nhân quyềnthật sự. Bà Ninh chắc đã nhận ra những quan hệ hỗ tương đưa đến việc không chỉ một mình Loretta Sanchez mà còn vô số các dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ như Frank Wolf, Chris Smith, John Kerry, Zoe Lofgren, Mike Honda, Edward Kennedy, … nói riêng và Hoa kỳ nói chung đang quan tâm và sẽ quan tâm hơn nữa đến vấn đề VN?

Vấn đề #4: (Bà Ninh trách Loretta Sanchez không lắng nghe ý kiến của những cử tri “keep silent”, chỉ giữ im lặng và lo làm ăn…) Tôi không hiểu lắm ý bà muốn nói gì trong vấn đề này. Tôi nghĩ bà, đảng/nhà nước chắc chỉ được đọc, được nghe những báo cáo chủ quan, nịnh bợ của tay sai hoặc con cháu, gia đình ở ngoài này nên không am tường chính nghĩa và chính kiến của người Việt hải ngoại. Tôi có thể khẳng định với bà là hầu hết người Việt ở California nói riêng và ở hải ngoại nói chung không thích và khó lòng chập nhận chế độ của đảng cộng sản/nhànước xã hội chủ nghĩa hiện nay. Chứng minh ư? Đơn giản lắm, nếu thích và chấp nhận, họ đã không tỵ nạn chính trị và tìm cách thoát ra ngoài để làm kinh tế từ năm 1975 cho đến nay, bằng đủ mọi cách, mọi phương tiện: thuyền nhân, du học, du lịch, hôn nhân giả, lao động tình dục, lao động nhân công,… Và gần hết đều không muốn trở lại quê hương xứ sở nơi chôn nhau cắt rún của mình. Tại sao vậy hả bà Ninh? Và tôi cũng đoan chắc với bà nếu có thành phần người Việt hải ngoại nào lâu nay giữ im lặng bên ngoài và đồng tình với bà, đảng/nhà nước csVN một cách “lén lút” bên trong, tôi có thể thẳng thắn cho bà biết, đó chính là lũ con cháu hư đốn của nhóm đặc quyền đặc lợi đang chạy trốn ra nước ngoài để giữ của cho ông, cha, chú, anh của họ. Thành phần này chỉ muốn kiếm tiền cho thật mau, thật nhanh bằng những phương tiện bỉ ổi nhất, rồi tìm cách “hạ cánh an toàn” trên những xa lộ nước ngoài. Thành phần thứ hai là đám tay sai ăn lương của các vị, tớ theo chủ, đó là điều hiển nhiên. Thành phần thứ ba là những người đi qua lại VN làm ăn buôn bán. Tôi cho bà Ninh biết nhóm người này cực chẳng đã phải nói lời đồng tình với chế độ chẳng qua chỉ vì muốn yên thân để làm ăn. Nhóm này cũng còn lại rất ít vì đa số đã bị lừa lọc, bị quyền lực đen trấn lột làm cho trắng tay và nhiều người phải mất mạng hoặc vào tù, (xin tham khảo vụ án của thương gia Trịnh Vĩnh Bình tại Hòa Lan),… Thành phần thứ tư là những người lang thang về nước xin chức, xin quyền, xin một chỗ đứng trong xã hội vì họ đã bị đào thải hoặc bất mãn vì bị cộng đồng hải ngoại tẩy chay. Và thành phần thứ năm, nhóm người làm đau lòng tủi hổ cho người Việt trong và ngoài nước nhất: những Việt kiều “hư thân mất nết” góp phần với sâu mọt của xã hội VN, đang đóng góp váo sự băng hoại của văn hóa và đạo đức dân Việt. Năm thành phần đó, tỷ lệ rất nhỏ trong cộng đồng ở đây bà Ninh ạ, họ đã và đang đồng tình với bà, đảng/nhà nước của bà theo cách của họ đấy. Nhưng tôi xin can bà, nếu bà có ý định dựa trên những thành phần đó để đối thoại và mong cầu tìm kiếm một tương lai tốt đẹp cho đất nước qua họ, đúng là bà và các đồng chí của bà đã đi hết từ lầm lẫn này sang lầm lẫn khác. Người xưa có những câu: Giao trứng cho ác; Kẻ cắp gặp bà già; hay triết lý: Kẻ chê ta là bạn ta, kẻ khen ta là hại ta. Hy vọng các vị nên để thì giờ chiêm nghiệm lại những đạo lý đó.
Vấn đề #5: (Ý Bà Ninh: Dân chủ là một quá trình nội sinh. Vấn đề Đảng phái đối lập sẽ được quyết định ở một thời điểm nào đó qua luật “trưng cầu dân ý”). Hai điểm này của bà đưa ra tương đối hợp lý. Tôi nói tương đối vì tôi đồng ý với bà quá trình dân chủ đòi hỏi thời gian để được hoàn chỉnh qua kinh nghiệm và kiến thức của người dân. Nhưng thử hỏi nhà cầm quyền cứ đàn áp các nhà dân chủ (những người đi tiên phong khai phóng kiến thức dân chủ cho người dân), và tìm cách chận đầu này, chận đầu kia 3 nhân quyền cơ bản nhất là tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do lập hội, làm sao người dân Việt có cơ hội học hỏi kiến thức và trau giồi kinh nghiệm cho việc thực hiện dân chủ. Và làm sao luật “trưng cầu dân ý” về vấn đề đảng phái đối lập được thực hiện một cách trung thực và công bằng khi nhà nước VN bắt hết đảng viên của các đảng đối lập? Các vị muốn hỏi ý kiến người dân về những ban quản trị đất nước khác (là đảng đối lập), nhưng lại tìm cách dập tắt, không cho những ban quản trị mới này lên tiếng trình bày những quan điểm của họ, những hành động đúng sai của ban quản trị hiện hành (là đảng của các vị), thỉ thử hỏi dân làm sao có ý kiến đúng đắn??? Bà Ninh ơi, bà lại tính chuyện phủ dụ và lừa những người Việt yêu nước nữa hay sao? Kinh nghiệm chính trị VN đã đau thương nhiều với chính sách “vắt chanh bỏ vỏ”, “cứu cánh biện minh cho phương tiện” của người cộng sản! Bài học của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là bài học lịch sử để đời! Sự trở mặt của đảng/nhà nước của bà sau WTO đang làm gần 40 quốc gia trên thế giới và người Việt có lương tri trong và ngoài nước kinh tởm và phẫn uất! Lời kêu gọi hàn gắn quá khứ, xây dựng tương lai của đảng/nhà nước VN trong phút chốc trở thành vô nghĩa, một thứ bánh vẽ cho con nít không hơn không kém!

Lời cuối gởi bà Tôn Nữ thị Ninh, đảng/nhà nước của bà:

* Nếu không sợ làn sóng của hàng ngàn, hàng trăm ngàn dân oan khiếu kiện, của công nhân đang biểu tình đình công mỗi ngày, (theo báo chí VN, 35 vụ đình công trong tháng 3, 2007).
*Nếu không quan tâm đến đất nước ngày một thất thoát nhân tài, trí thức giả, mafia trong và ngoài nước, phường giá áo túi cơm đang lũng đoạn đất nước.
* Nếu không quan ngại đến xã hội VN ngày một suy đồi (cờ bạc, ma túy, rượu bia, phá thai, nô lệ tình dục, nô lệ lao động… đã vượt qua đèn đỏ), đạo đức người dân chỉ còn lại tiền bạc và sự lừa dối, (làm sao trách dân được khi cha mẹ dân đi tiên phong và làm đủ mọi cách để tiếp tục đạo đức giả, dối gạt con dân, tiền đổ vào đất nước không phải để lo an sinh xã hội mà bị móc ngoặc, tham nhũng, lãng phí làm đầy túi quan tham. (Theo báo chí VN, hơn 1,000 tỉ đồng VN đã bị tham nhũng trong năm 2006. Than ôi, ước gì số tiền đó được dùng cho an sinh xã hội, cho dân nghèo và trẻ em nước Việt học đủ chữ và ăn đủ no!).
* Nếu không coi trọng khối lượng chất xám của trí thức hải ngoại, không thèm để ý đến chất xám trong nước ra đi và không muốn trở về phục vụ đất nước.
* Nếu vẫn muốn thách thức sức mạnh vận động chính trị và kinh tế của người Việt hải ngoại tại Hoa Kỳ, châu Âu, Úc châu, Hòa Lan, Na Uy,… (Cho bà Ninh hay những vận động sơ khởi: không cho đảng viên cộng sản VN nhập cư Hoa Kỳ, cho dù có con cháu có quốc tịch của họ bảo lãnh; đưa VN trở lại CPC list; hạn chế viện trợ quân sự và kinh tế từ Hoa Kỳ và các nước, v.v. và v.v…
* Nếu vẫn muốn con cháu của các vị ra nước ngoài giữ của và tiếp tục sống một cuộc đời nhục nhã, lén lút, không thể tự hào giới thiệu tên cha, chú, anh chị của mình,… vì sợ nỗi uất hận của cộng đồng người Việt hải ngoại trút lên đầu lên cổ họ.
* Nếu không nhận ra chân lý của thời đại: Cạnh tranh về kinh tế giúp cho người tiêu thụ. Cạnh tranh về chính trị giúp cho người dân.
* Và xa hơn nữa, nếu các vị cứ tiếp tục ru ngủ lương tri của mình đến mức quên đi những đạo lý: thiên bất dung nhan; đời cha ăn mặn, đời con khát nước; gieo gió gặt bão,… mà tổ tiên ta bao đời truyền lại.

Thì: Xin các vị cứ bảo thủ đi trên con đường cũ.
Còn không, xin hãy thay đổi lộ trình. Và xin hãy trung thực, đừng ngụy biện, đừng đạo đức giả, đừng xảo quyệt lừa dối! Quyết tâm thay đổi lộ trình mới của các vị chỉ có thể tin được qua các thiện chí ban đầu như sau: Tự do hóa truyền thông báo chí; thả hết các nhà tranh đấu dân chủ; hợp pháp hóa các đảng phái, đoàn thể, tổ chức đối lập,…
Có như thế, mới mong nhân tài hải ngoại và quốc nội hợp nhất với nhau để xây dựng đất nước, đưa VN trở thành một trong những con Rồng Á châu!
Chào bà và mong lắm thay!
Amy Dương

Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 Và Thế Hệ Trẻ - Phùng ngọc Sa

Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 Và Thế Hệ Trẻ - Phùng ngọc Sa -

Trích từ báo Con Ong Việt số tháng 5.2007


Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi Cộng Sản BắcViệt cưỡng chiếm được miền Nam thì bọn cầm quyền Hà Nội lập tức đưa ra áp dụng nhiều biện pháp rừng rú không những có chủ đích là trả thù các tầng lớp quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa, mà còn để tìm cách vơ vét cướp dựt tài sản của người dân lương thiện ở miền Nam.

Bọn cộng sản Bắc Việt đã phá hoại hệ thống kinh tế vốn đang phát triễn tại miền Nam bằng cách tung ra những đợt đổi tiền, đánh tư sản mại bản, tịch thu văn hóa phẩm mà bọn chúng chụp mũ nói là "văn hóa đồi trụy" , thực chất đó là tài sản văn hóa vô cùng quý báu cướp từ miền Nam đem về Bắc. Những hành động dã man mà chúng chủ trương không ngoài mục đích giựt sập nền kinh tế tự do hầu hạ mức sống của người dân miền Nam xuống thấp như cuộc sống khốn cùng tại miền Bắc, để rồi toàn thể nhân dân hai miền phải chịu bị đọa đày dưới ách thống trị bằng đường lối "kiểm soát bao tử" của đảng CSVN.

Chính những cái được gọi là "cải cách" ngu xuẩn nói trên đã làm cho cuộc sống của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hoàn toàn bị đổ vở và mất phương hướng.
Trước đây, nhân chúng miền Nam tuy bị nạn cộng sản phá hoại triền miên, cuộc sống do đó không được sung túc cho lắm, nhưng mọi người đều có cái ăn, đủ cái mặc và hưởng một cuộc sống đầy đủ thoải mái. Nhưng kể từ khi bọn quỷ đỏ đưa ra áp đặt chủ thuyết ngoại lai và tiến hành những luật lệ của thời tiền sử đã làm cho cuộc sống đồng bào đã bị xáo trộn và thay đổi tận gốc rễ.

I -/ Tình trạng bi thảm của tuổi thơ sau ngày 30-4-75:

Sau 30-4-75, không phải chỉ có gia đình quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa bị trả thù mà cả những gia đình không hề theo bất cứ tổ chức nào cũng cùng chung một số phận; nghĩa là phải gánh chịu biết bao tang thương đổ vỡ, chúng đặt cho tầng lớp nầy là ngụy dân.
Ai cũng biết, CSVN chỉ có sở trường về khủng bố và phá hoại, nhưng lại dốt nát trong việc quản lý kinh tế, cuộc sống vì thế mỗi ngày một thêm khó khăn; dân chúng càng ngày càng nghèo khổ nên con em không được săn sóc đầy đủ. Các bậc cha mẹ vì phải đầu tắt mặt tối đi lo kiếm sống, chỉ cầu mong cho có đủ bữa cơm bữa cháo nên mọi việc giáo dục con em đều phú cho trời. Tuổi thơ đáng lý phải được hưởng cuộc sống vui tươi ở nơi trường học, trong yêu thương dưới mái ấm gia đình, nay phải gánh vác việc phụ lo vào đời sống hàng ngày. Các em thay vì cắp sách đến trường, thì phải đi bán vé số hay đào xới những bãi rác để tìm kiếm những bao nylon phế thải, những mảnh đồng mảnh nhôm, đem về bán phụ giúp cho gia đình. Bao nhiêu trẻ em đã phải lao động cực nhọc, đi theo các toán người tìm phế liệu chiến tranh như đầu đạn và cũng vì thế đã bị vong thân hay tàn phế vì tai nạn bom đạn nổ; biết bao trẻ em đi theo những toán đào tìm quặng vàng và cũng đã bị chôn sống vì hầm mỏ sụp và đất lở.
Do trường sở không đủ, giáo viên lại thiếu, chương trình học lại không hấp dẫn được các em. Lý thuyết Mác-Lê, một chủ nghĩa vong bản và ngoại lai đã được đưa vào học đường, trong khi đó thì chương trình giáo dục về lịch sử và luân lý lại bị thiếu vắng hẳn; cụ thể tên các vị anh hùng dân tộc, danh nhân đất nước đều không được nhắc nhỡ đến. Hơn nữa, muốn đi học phải đóng học phí, nên một số lớn trẻ em phải chịu cảnh thất học và ra đời làm đủ mọi thứ nghề, miễn sao kiếm được chút ít tiền nuôi thân và phụ giúp gia đình.

Chính sách học hành thi cử theo lý lịch của CSVN đã làm mất đi biết bao học sinh xuất sắc, những tài năng tương lai của đất nước. Những học sinh dù có giỏi bao nhiêu đi nữa mà có thân nhân liên hệ đến chính quyền cũ đều không được tiếp tục lên đại học. Những năm về sau này tuy có một ít thay đổi; những học sinh có liên hệ đến chính quyền cũ cũng được theo học cấp bậc đại học, nhưng sau khi tốt nghiệp vẫn không được tin dùng.
Do chính sách "hồng hơn chuyên" nên những người tài giỏi mà không có đảng tịch, hay thuộc các tổ chức ngoại vi của Cộng Sản tỉ như Mặt Trận Tổ Quốc; Đoàn Thanh Niên Hồ Chí Minh, v.v. đều không được dùng. Mặt khác, CSVN chỉ biết lo thi hành nghĩa vụ quốc tế, đưa vô số thanh niên thanh nữ Việt Nam sang chiến trường Kampuchia, tầng lớp nầy đã bị tàn phế hay chôn xác trong rừng sâu của xứ người, đúng như câu ca dao mới được xuất hiện sau khi giặc cộng chiếm miền Nam:


"Đôi dép râu dẫm nát đời trai trẻ
Nón tai bèo che lấp nẽo tương lai"


Vì phải vét sạch hết tài nguyên trong nước để làm nghĩa vụ quốc tế nên dân không đủ ăn đủ mặc. Theo báo cáo của cơ quan Liên Hiệp Quốc thì sự thiếu dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam rất trầm trọng.

Đến thời kỳ đổi mới, dân chúng có được dễ thở hơn đôi chút nhưng đời sống cùng cực của đại đa số dân nghèo vẫn không được thay đổi bao nhiêu. Đảng cố lo thu góp hết gạo để xuất cảng thu ngoại tệ nên mặc dầu Việt Nam đứng hàng thứ nhì trên thế giới về việc xuất cảng gạo nhưng dân trong nước tại nhiều vùng lại không có gạo để ăn. Những vùng sơn cước và vùng núi thiếu ăn là chuyện thường, nhưng ngay đến những vùng đồng bằng như Bà Rịa, Cần Giờ, Tây Ninh ... vẫn có một số người bị đói.
Sự nghèo khổ đã đưa đẩy một số đông thanh thiếu nữ vào con đường bán thân nuôi miệng, không cần tình yêu, chỉ cần có tiền để nuôi sống bản thân và gia đình nên chấp nhận lấy chồng ngoại quốc để mong thoát khỏi cảnh nghèo nàn khổ cực ở Việt Nam, dù chẳng biết người chồng của mình ra sao và tương lai của mình sẽ đi về đâu. Do đó, một số lớn thanh thiếu nữ Việt Nam đã sa vào những tổ chức buôn bán gái và trở thành những gái điếm ở các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Hồng Kông, Đại Hàn, Nam Dương và Mã Lai.
Một số thanh niên phải lo đút lót để được đi lao động tại nước ngoài, nhưng cũng bị đảng ăn chận tiền đầu, trừ bơtù tiền lương vì thế sau khi hết hạn giao kèo họ cũng tìm cách ở lì lại ngoại quốc, hiện Đông Âu cũ, Liên Bang Nga và Đức còn vô số nạn nhân này.

II -/ Do chính sách ưu đãi cán bộ của CSVN mà con cái chúng bị hư hỏng.
Thành phần thanh thiếu niên hiện được xã hội Cộng Sản ưu đãi chính là bọn con cha cháu ông và thân nhân cán bộ các cấp:


* - Trong nước, một số con em các cán bộ cao cấp, sẵn tiền bạc tham nhũng hối lộ của cha mẹ, mặc sức ăn chơi cờ bạc, lập bè kết băng đảng phá phách, hoang dâm trụy lạc. Xì ke ma túy lan tràn đến các trường trung học và đại học. Bệnh AIDS mà tại Việt Nam gọi theo tiếng Pháp là Sida, một bệnh thời đại cực kỳ nguy hiểm đã xâm nhập Việt Nam và bành trướng rất nhanh mà nạn nhân phần lớn là các thanh thiếu niên.

* - Ở ngoài nước, số con cái thân nhân cán bộ được ưu tiên đi du học thì phần lớn thiếu căn bản, thiếu khả năng nên đa số trong hơn 25.000 nghiên cứu sinh không theo kịp chương trình học, mặc dầu đó là chương trình đặc biệt cho học sinh yếu kém về sinh ngữ. Do không theo kịp chương trình nên một số đâm ra chán nãn việc học, bỏ trốn ra ngoài tìm việc làm, mong kiếm vợ có cớ ở lại ngoại quốc. Số này đi làm bất cứ nghề gì, miễn là có được việc làm như làm nails, giặt ủi, làm cỏ, làm bồi bàn, buôn lậu, ngoài ra, một số nhờ tiền tiếp tế doi dào của gia đình nên tìm cách quen biết bạn gái, tạo cơ hội để có thể tránh trở về lại Việt Nam.
Với một thế hệ trẻ trong nước như vậy thì thử hỏi tương lai đất nước sẽ đi về đâu?


III-/ Thế hệ trẻ của người Việt quốc giả hải ngoại: Niềm hy vọng và tương lai đất nước.

May mắn cho đất nước, còn lại một phần tuổi trẻ khác nhờ theo cha mẹ và thân nhân mà được sống tại ngoại quốc:

* - Sau khi Cộng Sản chiếm Miền Nam, một số thanh thiếu niên đã theo gia đình vượt biên để tránh nạn độc tài Cộng Sản. Một số không may đã phải vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng đại dương hay là nạn nhân của hải tặc cướp bóc hãm hiếp; số khác đến được bến bờ tự do cũng đã cố gắng vươn lên và thành công đáng kể. Đến lượt những đợt ra đi có trật tự, một số con em của các gia đình cựu tù nhân hay những người có thân nhân bảo lãnh đã đạt được nhiều thành quả tại các nước tạm cư trên thế giới.
Tuy lớn lên trên đất nước quê người, cách biệt với làng nước xã thôn, nhưng nhờ những người lớn tuổi có trách nhiệm đã tạo cho các em một đời sống không lai căn mất gốc. Những Trung tâm Việt ngữ như Văn Lang, Âu Lạc, Lam Sơn, đã dạy cho các em đọc và viết được tiếng Việt, học lịch sử, địa lý Việt Nam, biết được truyền thống dân tộc. Những lễ hội, kỷ niệm các danh nhân lịch sử, đã tạo cho các em một tinh thần yêu nước, yêu quê hương xứ sở, yêu mến đồng bàoViệt Nam. Dù lớn lên hay sinh ra tại ngoại quốc, các em cũng biết mình là con rồng cháu tiên, cũng biết đến các vua Hùng, các bà Trưng bà Triệu, biết các nhà ái quốc Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học,... Ngoài ra, những lớp học tại các chùa, nhà thờ, thánh thất do đoàn thể tôn giáo, chính trị tổ chức cũng tạo cho các em một đời sống tinh thần phong phú.
Trong cái rủi lại có cái may. Nhờ các yếu tố trên, chưa bao giờ đất nước Việt Nam lại có một số sinh viên học sinh học tại ngoại quốc đông đảo như bây giờ và chưa có khi nào có được nhiều chuyên viên được đào tạo với trình độ kỹ thuật cao như hiện nay.
Sau khi vượt thoát được khỏi hỏa ngục Cộng Sản Việt Nam, các em đã vươn lên trên mảnh đất tự do. Do được hưởng những phương tiện giáo dục tân kỳ, đồng đều, thích hợp với thời đại mới, được sự giúp đỡ tối đa trong chương trình tỵ nạn, cộng với trí thông minh, đức tính cần năng và lòng quả cảm cùng với sự chăm sóc của phụ huynh, các em đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Học sinh Việt Nam đã được thầy bạn kính nễ. Theo thống kê, số thanh niên phụ nữ Việt Nam tại hải ngoại hiện có trên mấy trăm ngàn người có trình độ đại học, bác sĩ, dược sĩ, chuyên viên khoa học đủ ngành nghề. Đó là một kho tàng quí báu của đất nước, một lực lượng hùng hậu để tái tạo quê hương.

* - Sống ở những nước tự do dân chủ, lực lượng thanh thiếu niên này đã hưởng được cuộc sống tự do, hiểu biết được thế nào là nhân quyền, là tinh thần phục vụ xã hội, tinh thần cưu mang giúp đỡ đồng loại, vì chính sự thành công của họ cũng là nhờ sự cưu mang giúp đở của các nước tạm cư. Và, chính nhờ hun đúc bởi tinh thần đó mà tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại đã trưởng thành rất sớm về chính trị cũng như về mặt xã hội. Chính nhờ sự thúc đẩy đó mà Tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại đã thành tựu được rất nhiều cuộc vận động chính trị: tỉ như việc đấu tranh đòi tự do tôn giáo cho Việt Nam, đấu tranh đòi hỏi nhân quyền cho đồng bào trong nước; đấu tranh cho sự tồn tại và hợp pháp của lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ; Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Tuy chưa được thành công một cách toàn hảo, nhưng việc làm của giới trẻ tại đây đã gây được một niềm hứng khởi và phản ứng giây chuyền, khiến bất cứ đâu có sự hiện diện của đồng hương Việt Nam đều có sự vận động tích cực để lá quốc kỳ biểu trưng cho người Việt quốc gia được tự do tung bay trên mảnh đất tạm dung.
Qua những thành quả trên trên đây cho chúng ta phải thấy tuổi trẻ hải ngoại đã tạo được nhiều thành công đáng khích lệ. Và, chính nhờ kết quả và sự hiểu biết đó, nên một số thanh thiếu niên Việt Nam khi thành tài, nô nức trở về thăm lại quê hương để tìm hiểu và điều nghiên phương cách có thể giúp tái thiết đất nước. Nhưng sau chuyến về thăm lại quê nhà, tận mắt nhìn thấy hiện tình đất nước cùng những khổ cực mà đồng bào đã gánh chịu dưới chế độ Cộng Sản thì họ phải xác nhận rằng hành động mà các cha anh của mình đã chống Cộng trong bao nhiêu năm trước đây, và vẫn còn tiếp tục chống Cộng tại hải ngoại bây giờ là một việc làm đúng và hợp tình hợp lý.

Sau gần nửa thế kỷ thống trị Miền Bắc và hơn ba mươi hai năm "đô hộ" Miền Nam, người Cộng Sản đã tước đoạt tất cả những quyền căn bản của người dân, và đưa đất nước đến chỗ kiệt quệ để trở thành một trong các quốc gia nghèo nhất trên thế giới.

* - Các bạn trẻ cần thấy rằng, muốn đem tài lực của mình phục vụ đất nước một cách hữu hiệu, trước tiên người dân phải được hưởng tự do dân chủ, và nhân quyền phải được tôn trọng. Vì vậy, việc đầu tiên để giúp nước là phải làm thế nào tạo cho quê hương được một không khí tự do và có nhân quyền, rồi sau đó mới nói đến việc đem tài năng ra phụng sự đất nước. Với lực lượng chuyên viên khoa học hùng hậu, và với sự hiểu biết về điều hành quản lý đã học được ở các trường đại học tại các nước tân tiến cũng như ý thức về dân chủ, tự do, nhân quyền đã thấm sâu vào tâm não, chúng ta tin rằng tuổi trẻ Việt Nam sẽ đấu tranh đem lại được tự do no ấm và nhân quyền cho hơn tám mươi mấy triệu đồng bào tại quốc nội đang bị bè lũ tham tàn bạo ngược Cộng Sản áp chế.

*- Chúng ta phải tin vào tuổi trẻ vì kinh nghiệm cho thấy là tuổi trẻ Việt Nam đã từng làm nên lịch sử: Phù Đổng Thiên Vương đã đánh đuổi giặc Ân đem lại độc lập an bình cho đất nước. Bà Trưng và Triệu, vào độ chỉ trên hai mươi tuổi, đã chiêu mộ quân sĩ đứng lên chống ngoại xâm. Trần Quốc Toản mới 16 tuổi đã tập họp bạn bè đồng lứa đứng lên giúp triều đình nhà Trần diệt giặc Nguyên-Mông. Những sinh viên học sinh trong mọi thời kỳ đã tham gia chống xâm lăng: Phạm Hồng Thái đã tuẩn tiết sau khi ám sát hụt tên toàn quyền thực dân Merlin tại Sa Điện bên Trung Hoa; sinh viên Nguyễn Thái Học, sinh viên Trương Tử Anh mà tuổi đời chưa tới 25, đã kết nạp bạn bè lập đảng mưu cầu đánh đuổi thực dân Pháp đem lại độc lập tự do hạnh phúc cho đồng bào. Nhiều thanh niên phụ nữ trên dưới hai mươi tuổi đã để tên lại trên sử sách như Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Tâm, Ký Con ĐoànTrần Nghiệp v.v. kể ra không bao giờ hết những thanh thiếu niên và thanh nữ làm nên lịch sử Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 chỉ gồm toàn thanh thiếu niên phụ nữ từ 17 tuổi đến 40 tuổi mà đã làm cho quân Pháp phải kinh hồn khiếp vía và thế hệ trẻ này đã ghi một trang sử đấu tranh chống thực dân xâm lược vẻ vang cho dân Việt Nam.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đất nước đã bị biến chuyển toàn bộ, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua bao đau thương tang tóc gây ra bởi CSVN. Ngày 30 tháng 4 năm 2007, sau 32 năm, tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại cương quyết tiếp nối những bậc đàn anh đi trước, đấu tranh cho tự do dân chủ để giải thoát đồng bào khỏi ách thống trị tàn bạo của cộng sản Hà Nội và xây dựng lại một nước Việt Nam tươi đẹp giàu mạnh, đem lại cho hơn 80 triệu đồng bào tại quê nhà một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Điều đáng vui mừng và khích lệ, là hiện nay một số lớn thanh niên thanh nữ của thế hệ trẻ đã và đang lần lượt thay thế các bậc cha anh trong các công tác lãnh đạo cộng đồng cũng như đoàn thể và hội đoàn. Hy vọng rằng, với ý thức và sức mạnh trí tuệ của tầng lớp tuổi trẻ thì không lâu nữa cộng đồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản Hải Ngoại sẽ là một lực lượng vững mạnh; không những có khả năng chận đứng sự xâm nhập phá hoại của CSVN tại hải ngoại, mà còn sức đủ sức hỗ trợ nhân dân trong nước đứng dậy lật đổ chế độ độc tài toàn trị của CSVN. Hy vọng thay - PNS

dimanche 29 avril 2007

Mua điện Trung Quốc trong 10 năm

29 Tháng 4 2007 - Cập nhật 13h52 GMT

Mua điện Trung Quốc trong 10 năm


Hiện đang có bốn mạng lưới tải điện từ Trung Quốc sang Việt Nam

Trung Quốc sẽ xuất 2,5 tỷ kWh điện sang Việt Nam trong năm nay 2007 thông qua năm hệ thống tải điện, hãng Lưới Điện Nam Trung Hoa (China Southern Power Grid Company) tuyên bố hôm Chủ Nhật.
Ông Viên Mậu Trăn, chủ tịch công ty nói rằng hãng đã nâng năng lực truyền tải với việc khai trương đường dẫn 220 kV thứ nhì.

Lưới điện mới này sẽ nối Văn San thuộc tỉnh Vân Nam ở tây nam Trung Quốc với tỉnh Hà Giang của Việt Nam.

Hãng tin Tân Hoa Xã trích lời ông Viên nói: "Mạng lưới sẽ cung ứng điện cho Việt Nam trong thời gian 10 năm, sẽ truyền với mức trung bình 1 tỷ kWh điện mỗi năm."

Đường dây tải điện Văn San - Hà Giang kéo dài 300 km, trong đó gồm 170 km chạy trên lãnh thổ Trung Quốc, được xây dựng với chi phí 53 triệu đô la Mỹ.

Đường dây tải điện 220 kV đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc được khánh thành hồi tháng Chín năm ngoái tại Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam.

Bên cạnh đó, có ba đường dây 110kV đã được đưa vào hoạt động từ tháng Chín 2004 để cung ứng điện cho Việt Nam qua ngả tỉnh Vân Nam và Khu Tự Trị Quảng Tây Choang.

Theo ông Viên, tính tới cuối tháng Ba, bốn lưới điện hiện thời đã chuyển 1,84 tỷ kWh sang Việt Nam, với tổng trị giá 80,76 triệu đô la Mỹ.

Việc xây dựng hệ thống tải điện thứ năm là một phần trong hợp đồng cung ứng điện năng trị giá 500 triệu đô la Mỹ được ký hồi tháng Mười 2005 giữa Hãng Lưới Điện Nam Trung Hoa với Tổng Công Ty Điện Lực Việt Nam EVN.

Theo hợp đồng này, hãng điện Trung Quốc sẽ cung ứng cho sáu tỉnh miền bắc Việt Nam trong thời gian ít nhất là mười năm.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/04/070429_china_electricity.shtml

Vệ Tinh: 14 Vệt Dầu Đổ Vào VN Cả Trăm Ngàn Mét Khối Dầu

14 Vệt Dầu Đổ Vào VN

Việt Báo Chủ Nhật, 4/29/2007, 12:02:00 AM
Vệ Tinh: 14 Vệt Dầu Đổ Vào VN Cả Trăm Ngàn Mét Khối Dầu

Nhà nứớc CSVN vẫn chưa dò ra thủ phạm vụ dầu loang các bờ biển Việt Nam.


Đặc biệt, báo Tuổi Trẻ hôm Thứ Bảy cho biết thêm những kết quả kinh hoàng tính được từ các không ảnh vệ tinh, rằng số lượng dầu tràn vào bờ biển VN có thể đã tới hàng trăm ngàn mét khối -- dựa theo 26 ảnh vệ tinh, dò ra 14 vệt dầu.

Ai đã cố ý hay vô tình đổ ra hàng trăm ngàn mét khối dầu để sóng xô vào bờ VN? Có phải là “đế quốc Mỹ đổ dầu từ ven biển California để cho trôi vượt qua Thái Bình Dương tấn công kẻ thù CSVN?

Bản tin báo Tuổi Trẻ trích như sau.

“Vẫn chưa tìm được "thủ phạm"

... Hôm qua 27-4, Bộ Tài nguyên - môi trường cùng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tổ chức hội thảo khoa học "Phát hiện và xử lý sự cố tràn dầu trên biển". Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Mai Ái Trực nhấn mạnh: "Yêu cầu số một là phải tìm ra nguyên nhân và nguồn gốc dầu gây ô nhiễm vùng biển nước ta"...

Tuy nhiên, việc quan trọng nhất hiện vẫn chưa làm được là tìm nguyên nhân gây ô nhiễm dầu trên biển. Trong khi đó, theo báo cáo từ các cơ quan chức năng, vệt dầu đầu tiên xuất hiện tại Quảng Nam từ cuối tháng 1-2007, đến nay số tỉnh, thành bị ảnh hưởng đã lên đến 20. Còn khối lượng dầu thu gom được trên 1.700 tấn, trong đó Quảng Nam bị dầu "tấn công" nhiều nhất, lượng thu gom trên 700 tấn.

Báo cáo tại hội thảo, Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) cho biết đã có kết quả phân tích và nhận dạng của 20 mẫu dầu ô nhiễm thu được tại các tỉnh miền Trung và miền Nam. Kết quả này cho thấy có đến sáu nhóm dầu. Theo đó, dầu xuất hiện ở vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế là loại dầu thô có cùng nguồn gốc, song những mẫu dầu thô này khác với dầu thô của VN. Dầu xuất hiện tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đông Hòa (Phú Yên) cũng là dầu thô có cùng nguồn gốc và cũng không giống với dầu thô VN...”

Một điều hết sức đặc biệt là cac1 nhà khoa học VN nhận xét là dầu loang phần lớn nằm ngoài lãnh hải VN.

Bản tin báo Tuổi Trẻ viết:

“...Phần lớn dầu loang nằm ngoài lãnh hải Việt Nam.

Đáng chú ý nhất ở hội thảo này là công bố của nhóm tác giả Viện Địa lý do PGS.TS Nguyễn Đình Dương đứng đầu, phân tích từ 26 ảnh của vệ tinh Alos (Nhật Bản) có bộ cảm Palsar từ tháng 12-2006 đến 4-2007 cho thấy có bảy ảnh phát hiện 14 vệt dầu.

1. Ảnh vệ tinh ngày 6-12-2006 cho thấy hai vệt dầu tại tây nam đảo Hải Nam với chiều dài khoảng 20km.

2. Vệt dầu thứ ba có trên ảnh vệ tinh ngày 16-1-2007 tại ven biển Khánh Hòa.

3. Vệt thứ tư và thứ năm có trên ảnh ngày 26-1 lại ở tây nam đảo Hải Nam, ngoài khơi Quảng Bình.

4. Cũng trong ngày 26-1 ảnh vệ tinh ở khu vực thấp hơn phát hiện ven bờ Huế và đèo Hải Vân thêm vệt dầu thứ sáu và thứ bảy.

5. Ảnh vệ tinh ngày 31-1 cho thấy có đến ba vệt khác nhau ở khu vực cảng Hải Phòng và ngoài khơi đảo Bạch Long Vĩ.

6. Cũng trong ngày 31-1, trên một ảnh vệ tinh khác nhóm tác giả phát hiện hai vệt dầu ở ngoài khơi Thanh Hóa và Quảng Bình.

7. Trên ảnh vệ tinh ngày 8-3-2007 nhóm tác giả lại phát hiện hai vệt dầu ở tây nam đảo Hải Nam, trong đó một vệt dài 50km, rộng 1km (đây là vệt lớn nhất), và một vệt dài 10km, rộng 1km.

Trong các vệt dầu này rất đáng chú ý là các vệt dầu ở khu vực ven bờ Huế và đèo Hải Vân và ngoài khơi Quảng Bình, thời điểm này trùng với thời điểm mà các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi liên tục hứng chịu thảm họa tràn dầu vào thời gian từ 28-1 đến 10-2. Điểm đặc biệt khác là các vệt dầu này cũng nằm từ vĩ tuyến 16 trở ra.

Căn cứ theo đường lãnh hải thì có hai vệt dầu lớn vào ngày 6-12-2006 và 8-3-2007 đều nằm ngoài lãnh hải VN. Chỉ riêng hai vệt dầu này đã có diện tích đến 4.450ha, với lượng dầu dự tính khoảng 22.250 - 44.500m3. Trong khi các vệt dầu còn lại được xếp vào loại một chỉ có diện tích 3.195ha với lượng dầu từ 3.195 - 15.972m3.

Tính chung 14 vệt dầu khoảng 25.444 - 60.172m3 và với cách tính 1m3 tương đương 850kg thì lượng dầu nhìn thấy trên bảy ảnh vệ tinh này có khối lượng rất lớn từ 21.620 - 51.400 tấn.“

Vẫn không thấy nhà nứơc Trung Quốc lên tiếng gì về tình hình dầu loang ở VN.

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=4&nid=106836

samedi 28 avril 2007

Chiến tranh VN: nội chiến ?

Chiến tranh VN: nội chiến ?

Trao đổi :

Chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến

--------------------------------------------------------------------------------

Hẳng một số người được trung ương mị dân cũng như vô số thanh niên đồng bào cho rằng cuộc chiến đẫm máu 32 năm về trước là cuộc chiến tranh chống xâm lược. Nhưng bây giờ, chúng ta nhìn trên góc độ trung lập thì cuộc chiến đó như thế này đây

Miền nam: Việt Nam Cộng Hòa:
-Chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản là ưu tiên hàng đầu
-Sau khi cũng cố được toàn miền nam họ sẽ tiến ra bắc để dẹp sạch tàn dư cộng sản
-Được sự yểm trợ về vũ khí đạn dược tài chính và lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ

Miền bắc: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
-Ý thức hệ tất cả phải đi lính vào miền nam chiến đấu
-Muốn thống nhất đất nước đi theo chế độ cộng sản
-Được sự yểm trợ về vũ khí khoa học kỹ thuật của Liên Xô và Trung Quốc (có cả chuyên gia sang để giúp) nhưng không có lực lượng chiến đấu


Như vậy ta có thể thấy cuộc chiến này những người trực tiếp đánh lẫn nhau là người VN. Nhưng cả 2 bên đều có viện trợ của nước khác chứ không hẳng là tự lực như cộng sản vẫn hô hào là họ đánh Mỹ và "Ngụy" để giải phóng dân tộc.

Nhưng cộng sản thể hiện bản chất chính nghĩa của họ bằng những bài tuyên truyền mị dân trên báo đài, mà dấu nhẹm là họ đã bán đất đai của tổ tiên cho Trung Quốc.

Người Mỹ vào miền nam, giúp đỡ tài chính quân đội miền nam, nhưng khi rút đi, chúng không đòi một mảnh đất nào của tổ tiên ta đem về đất chúng. Còn cộng sản thì dâng đất của tổ tiên cho Trung Quốc để đổi lấy súng ống và đạn dược.

Như thế cuộc chiến này theo tôi là cuộc chiến của người Việt với nhau, và cuối cùng chủ nghĩ cộng sản thắng, nhưng cả dân tộc VN đã thua !
----

Đây là cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ vì các lý do sau:
Đây là một cuộc chiến giữa một bên muốn thực hiện việc bảo toàn lãnh thổ và thế lực nước ngoài muốn chia cắt lãnh thổ. Việc bảo toàn hay chia cắt là chiếu theo hiệp định Giơ-ne-vơ và hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Một bên xâm phạm các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc về can thiệp quân sự, một bên thực hiện theo hiến chương Liên Hiệp Quốc. Hiến chương Liên Hiệp Quốc có nguyên tắc cấm can thiệp vũ trang bất hợp pháp vào nước khác và cũng có nguyên tắc, một dân tộc nằm dưới sự chiếm đóng bất hợp pháp của nước ngoài được quyền nhận được sự giúp đỡ của những quốc gia khác. Không thể đồng nhất sự chiếm đóng bất hợp pháp và sự giúp đỡ hợp pháp. Không thể đồng nhất chiến tranh chống xâm lược và chiến tranh can thiệp.
về hiệp định biên giới vớ Trung Quốc đã có một topic và đang tranh cãi trên topic ấy.
Cuộc chiến Việt Nam tuy có người Việt đánh lẫn nhau nhưng thực chất là cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược nước ngoài, và sự can thiệp bất hợp pháp vào Việt Nam. Đó bởi vì có thế lực xâm phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Một hiến chương có giá trị quốc tế, và đặc biệt Hoa Kỳ không những là thành viên mà còn là thành viên sáng lập của Hiến Chương
----
Cuộc chiến 2 miền Nam - Bắc là nội chiến hay chống xâm lược cũng còn nhiều điều đáng đem ra bàn cãi :

1. Theo như hiệp định Genevo, khi chia cắt 2 miền theo vĩ tuyến 17, miền Bắc theo chế độ XHCN còn miền Nam thì theo chế độ Cộng hòa. Tổng tuyển quân được được diễn ra 2 bến cảng Hải Phòng và Cà Mau thì phải, nhưng lúc đó Lê Duẩn lúc đó vốn là xứ ủy Nam Kỳ, nói đại khái là chức rất to trong Nam lên tàu thì nửa đêm quay lại, nằm vùng du kích, quấy phá ở miền Năm gần 3, 4 năm cho nên nói là bên nào qui phạm hiệp định trước thì còn là điều đáng nói.

2. Theo nhiều tài liệu thì nghị quyết tiến đánh miền Nam ko phải là do đại đa số đảng viên trong trương ương đảng quyết định, rất nhiều cán sự cao cấp, trong đó có cụ Hồ chủ hòa hơn chủ đánh nhưng Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thực hiện âm mưu chia rẻ, khủng bố để buộc trung ương đảng ra nghị quyết đánh. Cho nên đó là cuộc chiến chống Mỹ cứu nước hay là đấu đá trong nội bộ đảng thì còn là điều mà lịch sử sẽ ghi nhận

3. Nói về miền Nam, sau khi đảo chánh trút phế vua Bảo Đại và đuổi sự nắm quyền của thực dân Pháp, ông Diệm được bầu lên làm tổng thống và miền Nam lúc đó hoàn toàn độc lập. Nhưng do ông Diệm quá cứng đầu ko cho Mỹ và Pháp đem quân vào miền Nam mà lần thứ 3 ông đã bị ám sát và đưa chính phủ bù nhìn lun. Câu hỏi đặt ra là liệu miền Bắc ko chủ đánh thì quân Mỹ có mún vào Nam ko hay vì miền Bắc đòi đánh trước nên quân Mỹ mới đòi vào Nam?
-----
Hôm Noel vừa rồi tôi về VN chơi. Khi ra nhà sách Phú Thọ sẵn tay bốc cuốn sách sử giáo khoa ra xem. Tôi tìm phần nói về hiệp định Paris 73 để xem sách giáo khoa giáo dục tư tưởng các em học sinh trong nước thế nào. Nếu tôi không lầm thì đại khái sách khi thế này: Sau khi chúng ta kí hiệp định Paris với quân xâm lược Mỹ, chúng vẫn còn hiện diện trên lãnh thổ của chúng ta. Vì thế Bộ chính trị đã quyết tâm làm một cuộc hành quân cuối cùng để đuổi chúng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Tôi đọc xong mà miệng cười thầm, đầu thì lắc qua lắc lại. Khi tôi còn nhỏ thầy cô sử dạy sao thì mình học vậy, không người lớn nào nói trường dạy sai hay đúng và tôi cũng không biết là sử trong nước đã không tôn trọng sự thật (cứ như là Nhật Bản bây giờ ấy). Bây giờ khi đã biết được những gì thật sự đã xảy ra vào ngày đó tháng đó năm đó, tôi không thể nào chấp nhận cái kiểu viết lịch sử láo cá như thế này.

Trở lại vấn đề trong đoạn 1, những gì được dạy trong sách giáo khoa sử là vi phạm tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử một cách trắng trợn. Cộng Sản muốn vào chiếm miền Nam thì nói ngay, cần gì phải diện cớ này cớ nọ. Tôi nghĩ người dân miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ chẳng cần bọn "Bắc kỳ cá rô cây" này vào giải phóng tí nào cả. Thế mà bộ đội cứ vượt Trường Sơn ầm ầm. Khi người khác không muốn mà mình vẫn làm thì gọi là cưỡng bức. Không hơn không kém!

Tôi có một câu hỏi muốn trao đổi với đồng chí nkbhtkt. Đồng chí nói rằng:


Trích:
Đây là một cuộc chiến giữa một bên muốn thực hiện việc bảo toàn lãnh thổ và thế lực nước ngoài muốn chia cắt lãnh thổ. Việc bảo toàn hay chia cắt là chiếu theo hiệp định Giơ-ne-vơ và hiến chương Liên Hiệp Quốc.

lại còn:


Trích:
Một bên xâm phạm các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc về can thiệp quân sự, một bên thực hiện theo hiến chương Liên Hiệp Quốc.


Bạn dựa vào đâu, lấy tư cách gì để nói cả lãnh thổ của Việt Nam (gồm cả miền Bắc và Nam khi đó) là thuộc chủ quyền của đảng cộng sản Việt Nam ? Lại còn "một bên thực hiện theo hiến chương Liên Hiệp Quốc"? Nghe mà thấy dóc khiếp!

Nếu bạn dùng các văn bản hiệp định mà CHXHCNVN đã ký kết với quốc tế để làm lý lẽ, tôi xin hỏi bạn lại rằng tại sao Việt Nam đã ký kết các hiệp ước về nhân quyền dân chủ với thế giới, thế sao trong nước vẫn còn bắt bớ những người bất đồng chánh kiến? Ở đây rõ ràng cho thấy CSVN thiệt là quỷ quyệt! Một bên thì "thực hiện theo hiến chương Liên Hiêp Quốc", song song đó một bên thì "vi phạm hiệp ước của Liên Hiệp Quốc".

Tôi không phải là một fan của ông Nguyễn Văn Thiệu, nhưng tôi thấy ổng có một câu nói mà thời này đọc lại vẫn còn thấy ý nghĩa, chính xác: Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm.

Chừng nào còn Cộng Sản, chừng đó không có dân chủ đâu các bạn!
----
Trích:
Bạn dựa vào đâu, lấy tư cách gì để nói cả lãnh thổ của Việt Nam (gồm cả miền Bắc và Nam khi đó) là thuộc chủ quyền của đảng cộng sản Việt Nam ? Lại còn "một bên thực hiện theo hiến chương Liên Hiệp Quốc"? Nghe mà thấy dóc khiếp!

Chủ quyền là sự toàn vẹn lãnh thổ, không để nước ngoài can thiệp hay chiếm đóng bác ah. ĐCS thì làm sao có chủ quyền ?.

Trích:
Nếu bạn dùng các văn bản hiệp định mà CHXHCNVN đã ký kết với quốc tế để làm lý lẽ, tôi xin hỏi bạn lại rằng tại sao Việt Nam đã ký kết các hiệp ước về nhân quyền dân chủ với thế giới, thế sao trong nước vẫn còn bắt bớ những người bất đồng chánh kiến? Ở đây rõ ràng cho thấy CSVN thiệt là quỷ quyệt! Một bên thì "thực hiện theo hiến chương Liên Hiêp Quốc", song song đó một bên thì "vi phạm hiệp ước của Liên Hiệp Quốc".

Tôi thấy có một topic bàn về các hiệp định Việt Nam tham gia ký kết rồi, ở đây nói về Chiến tranh Việt Nam là xâm lược hay nội chiến thôi.
Xâm lược là từ thường được các nước bị xâm lược nó về các nước xâm lược, còn bản thân các nước đó thì đâu có chịu như vậy. Lúc thì họ nói là khai hóa, lúc thì nói là giúp đỡ Lê CHiêu Thống, ...Ở đây tôi chỉ muốn nói là một khía cạnh thôi, một số nước đã sáng lập nên luật quốc tế hiện đại, lập nên LHQ, soạn ra Hiến chương rồi lại vi phạm bằng cách xâm lược. Nếu một số bác nhất định đây là một cuộc nội chiến thì tôi ráng chứng minh đó là cách nghĩ không đúng với luật quốc té6 hiện đại, vi phạm hiến chương.

Trích:
Tôi không phải là một fan của ông Nguyễn Văn Thiệu, nhưng tôi thấy ổng có một câu nói mà thời này đọc lại vẫn còn thấy ý nghĩa, chính xác: Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm.

Ở đây đang tranh luận về luật quốc tế nói thế nào và một số bác suy nghĩ như thế nào mà.
----
Việc vi phạm hiệp định Geneve là cái cớ tốt cho bộ sậu Lê Duẩn-Lê Đức Thọ đưa ra kế hoạch Nam tiến... ngay cả nhà lãnh đạo vĩ đại của chúng ta và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tài ba cũng chủ trương xây dựng XHCN trước (lý tưởng của học thuyết mà) nhưng 2 cái "thằng" kia vẫn đòi wính...

1 điều quan trọng cần chú ý... VNCH lúc đó là 1 nhà nước được thế giới công nhận trừ VNDCCH (miền Bắc)

vậy là đối thế giới chiến tranh VN là cuộc nội chiến VNCH>
như vậy ta thấy rõ ràng là chiến sự khởi phát trong lòng miền Nam rồi miền Bắc nhảy vào... sau đó Mỹ mới ham hố nhảy vô...
Vậy đây có là nội chiến ko nhỉ?
---
Trích:
nkbhtkt viết:
To bác Truller: tôi chỉ muốn biết Hoa Kỳ có xâm lược Việt Nam hay không thôi. Còn về VHCN thì có nhiều người bàn rồi.
Chiến tranh Việt Nam là cuộc đấu đa trong nội bộ đảng hay cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tôi thấy là cuộc kháng chiến chống Mỹ.
ĐCS muốn phá hiệp định Giơnevo hay không?. Thực hiện hiệp định Giơnevo là mục đích của họ, đấu tranh đòi thi hành hiệp định Giơnevo7 cũng là mục đích của họ. Đất nước được thống nhất bằng con đường hòa Bình và Pháp phải chấm dứt sự xâm lược ở Việt Nam đây là điều mong muốn trước tiên của người Cộng sản
.

Cái chủ trương và dụng ý thật sự của Mỹ như thế nào thì tui ko bít, nhưng tui đoán rằng Mỹ chỉ mún dùng Vn để mà chống lại sự bành trướng của China cũng như là phong trào Cộng sản.

Chiến tranh Nam Bắc gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ thì rất khó tại vì cả miền Nam Việt Nam được sự ủng hộ của Mỹ, Thái Lan, Singapore, Úc, NZ đổ vào.v.v... mà chiến đấu với quân Cộng sản Bắc Việt được ủng hộ của TQ và Liên Xô. Cho nên nói rộng ra thì VN là con cờ trong cuộc chiến của 2 phe CS và TB vào thời điểm đó.

Hiệp định Genevo* chưa bao giờ là hiệp định của Bắc Việt cả, mà là sản phẩm của Tàu. Theo 1 số tài liệu thì trong buổi họp đó, phía Tàu đề nghị chia cắt Vn thành 2 miền từ vĩ tuyến 17 , lúc đó đi có cụ Hồ , dù nghe thế ko ưng theo nhưng vì thế yếu nên đành phải chấp nhận.

Hiệp định Genevo qui định rằng miền Bắc theo XHCN còn miền Nam theo Cộng Hòa và lúc đó ông Diệm cũng đã đảo chánh và dẹp bỏ sự ảnh hưởng của thực dân Pháp tại miền Nam. Miền Nam lúc đó hoàn toàn độc lập tự cường. Miền Bắc, cụ Hồ và cụ Giáp 2 người đứng đầu và uy tín của Vn ta lúc đó cũng ko chủ đánh mà chỉ chủ hòa. Vậy ai là người xách động cho 2 vùng đánh nhau trước khi Mỹ vào Nam? Nếu quân Bắc Việt ko gây hấn thì làm sao Mỹ đòi vào Nam cho bằng được? Ông Diệm ko cho vào, Mỹ cứ đòi vào, Mỹ nói rằng cốt yếu chỉ để bảo vệ và chống quân Bắc Việt thui.

Lúc đó VNCH là được thế giới hoàn toàn công nhận là quốc gia độc lập. Nếu Mỹ xâm lược VNCH thì hãy để VNCH đứng lên đấu tranh chống lại, quân Bắc Việt có muốn hỗ trợ thì tốt thui chứ đâu có quyền can thiệp hay xua quân âm ầm vào Nam đâu, nhưng chỉ thấy là quân VNCH lại sát cánh bên lính Mỹ chống quân Bắc Việt. Ngày nay bên Mỹ còn có cái tượng đài của lính VNCH và lính Mỹ sát cánh bên nhau. Cứ cho là họ cực đoan đi, nhưng họ xây như vậy thì cũng phải hiểu phần nào tâm tư tình cảm của họ chứ.



vtl: x-cafe

Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã vi phạm pháp luật Việt Nam như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã vi phạm pháp luật Việt Nam như thế nào?
Quang Nguyễn

Vụ việc bắt giữ Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân gần đây được đưa tin một cách đầy đủ và công khai trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã chứng tỏ một bước tiến rõ nét trong việc xử lý những người thường được gọi là "chống đối Nhà nước". Quan điểm nhất quán mà Nhà nước Việt Nam đưa ra là họ bị bắt vì vi phạm luật pháp Việt Nam và sẽ được xét xử tại toà án chứ không phải do bất đồng chính kiến.

Những quan điểm này đã được đưa ra đối thoại một cách trực diện trong cuộc gặp mới đây giữa thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Văn Hưởng và phó đại sứ Hoa kỳ Johnathan Aloisi. Tuy nhiên, nhìn vào những cáo buộc đó, tôi cho rằng vẫn chứa đựng rất nhiều tính quy chụp, chung chung, hạ thấp nhân phẩm, … giống như những vụ án tương tự trước đó.

Những cáo buộc được đưa ra một cách công khai, mà có thể coi như bản "tiền cáo trạng", tập trung vào những vấn đề sau:

1. Phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên đa đảng:

Trước hết phải nói rõ ở đây là phủ nhận sự lãnh đạo "duy nhất" của Đảng, chứ không phải sự lãnh đạo nói chung của Đảng cộng sản. Phủ nhận hay không phủ nhận, điều này tuỳ thuộc vào quan điểm và sự đánh giá của mỗi người. Sự lãnh đạo của Đảng đối với người này có thể tốt, hợp lý, đúng đắn,… nhưng đối với người khác lại hoàn toàn ngược lại. Một xã hội đa nguyên, đa ý kiến là một điều hoàn toàn tự nhiên, không ai có quyền tước bỏ quan điểm của một người khác chỉ vì nó không cùng quan điểm với mình. Trên quan điểm không tán thành những thành tích lãnh đạo của Đảng, Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân có quyền "phủ nhận" sự lãnh đạo duy nhất này, đó là ý kiến cá nhân của họ. Phủ nhận sự lãnh đạo duy nhất cũng đồng nghĩa với việc đòi đa nguyên đa đảng.

Những yêu cầu này có vi phạm luật pháp Việt Nam hay không? Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng có lập luận: "Hiến pháp VN quy định: thể chế chính trị VN chỉ có một đảng. Nhưng có người lại đòi lập một đảng khác nữa, như vậy là bất hợp pháp." Trước hết đó không phải là một câu trả lời cho yêu cầu thành lập đảng mà là một sự nguỵ biện, tránh né. Tại sao lại không cho phép thành lập đảng ? Thay vì phân tích những hạn chế, không phù hợp,… của việc thành lập đảng thì ông Hưởng lại đá quả bóng sang hệ thống pháp luật (vốn đã yếu kém).
Điều này cũng giống hệt cách trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước câu hỏi về báo chí tự nhân: Do luật quy định. Đúng, luật thì ai cũng biết, tôi có thể tra ngay được. Nhưng câu hỏi là vì sao lại có luật đấy, vì sao nhà nước lại không cho phép báo chí tư nhân ra đời thì hoàn toàn bỏ ngỏ. Luật phải xuất phát từ cuộc sống chứ không phải để áp đặt lên cuộc sống. Nếu luật chưa đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc sống thì những người làm luật phải nghiên cứu, tìm hiểu để thay đổi, hoàn thiện nó. Và do vậy thì đòi hỏi cần có đa đảng là một vấn đề cần phải được nghiên cứu. Nếu trong khung pháp luật hiện hành chưa cho phép thực thi thì ít nhất cũng không được phép cấm đoán những người có quan điểm đó.

Hơn nữa, chính xác là điều 4 Hiến pháp quy định "Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất" chứ không phải quy định chỉ cho phép tồn tại một đảng. Cũng chính luật sư Đài đã lập luận rằng điều này không mâu thuẫn với việc thành lập đảng tại Việt Nam mà chỉ cấm các đảng phái đó tham gia chính trị. Một bằng chứng rất rõ ràng là từ khi điều 4 xuất hiện trong hiến pháp 1980 thì vẫn tồn tại hai đảng khác, đảng Xã hội và đảng Dân chủ trong hệ thống chính trị Việt Nam (hai đảng này giải tán năm 1987). Điều này không hề mâu thuẫn với điều 4 Hiến pháp. Nếu luật sư Đài vi phạm điều này thì chính Đảng Cộng sản cũng vi phạm vì cho phép tồn tại 2 đảng này trong suốt 7 năm.

2. Một phần lớn trong các cáo buộc là luật sư Đài có quan hệ với những đối tượng cực đoan, tổ chức thù địch nước ngoài, bọn phản động lưu vong, … và nhận tiền từ họ:

Đây là cách lập luận mang tính quy chụp rất thường thấy: "Anh chơi với những người xấu, tức là anh xấu, những hành động của anh là xấu". Không ai có quyền cấm tôi quan hệ, trao đổi, liên lạc, với những người khác. Thậm chí ngay cả với tử tù tôi vẫn có thể thăm, viết thư và trao đổi được. Thay vì phân tích những hành động của luật sư Đài thì nhà nước lại mất rất nhiều thời gian vào phân tích những quan hệ của họ.

Việc nhận tiền và cho tiền là quan hệ xã hội thông thường và tự nguyện, người cho tiền có thể có dụng ý và tác động nhưng người nhận tiền hoàn toàn chịu trách nhiệm về những việc làm của mình. Không phải cứ nhận tiền của người khác thì mới có động cơ làm những việc xấu. Trong xã hội ta có quá nhiều người làm việc xấu mà chẳng phải do nhận tiền hay nghe lời xúi giục của người khác, cũng như nhiều người nhận tiền của những người khác, tổ chức khác để làm những việc tốt. Một xã hội phát triển thì việc trao tặng tiền phải được coi là một hoạt động xã hội rất bình thường, không nên cho rằng luôn có một cái gì đó sau đó.

3. Việc Văn phòng Thiên Ân hoạt động yếu kém, không bào chữa cho bất kỳ thân chủ nào mà vẫn có tiền trả lương cho nhân viên, chi phí hoạt động, mua sắm phương tiện, trong đó Nguyễn Văn Đài lĩnh lương cứng 700$/tháng:

Trước hết cần phân biệt hai vấn đề sau: Văn phòng Thiên Ân hoạt động kém và việc có tiền để trả lương. Cả hai vấn đề này đều không thể là yếu tố cấu thành nên tội "tuyên truyền chống Nhà nước".

Việc một văn phòng luật sư hoạt động kém, không bào chữa cho ai là việc riêng của cơ sở này. Nếu trong luật hành nghề quy định rõ ràng phải có bao nhiêu bào chữa trong một năm (?) thì sở Tư pháp có quyền xem xét giấy phép hành nghề của văn phòng. Nếu một văn phòng không bào chữa nhưng vẫn có tiền trang trải nhờ vào tiền tài trợ thì cũng vẫn không hề vi phạm pháp luật, nếu họ tuân thủ mọi quy định hoạt động và đóng thuế đầy đủ.

Việc nêu rõ Nguyễn Văn Đài lĩnh lương cứng 700$/tháng là một sự hạ thấp nhân phẩm. Luật sư Đài có thể lĩnh lương bao nhiêu, từ nguồn nào là thuộc phạm vi hoạt động kinh tế của văn phòng Thiên Ân, miền là đóng thuế đầy đủ. Cáo buộc trên đối với nhiều người có thể rất nghiêm trọng vì số tiền 700$/tháng so với thu nhập tại Việt Nam là khá lớn, nhưng đối với những ai đã từng đi ra nước ngoài thì sẽ thấy thật khôi hài. Luật sư Đài cũng đã từng ở Mỹ nên anh ta cũng thừa hiểu mức thu nhập của một luật sư tại Mỹ là bao nhiêu. Cho dù chi phí cuộc sống có cao hơn thì việc dành dụm ra 700$/tháng đối với một luật sư trung bình (mà tôi tin là anh Đài ở trên mức đó) chẳng phải là điều quá khó khăn. Nếu vì ham muốn vật chất luật sư Đài đã chẳng phải chọn con đường "vất vả, khó khăn" đến như hiện nay.

4. Việc tham gia thành lập các tổ chức "bất hợp pháp": khối "8406", "Công đoàn độc lập", "Uỷ ban nhân quyền Việt Nam", "Liên minh dân chủ nhân quyền VN",…

Hiến pháp Việt Nam đã quy định công dân có quyền lập hội nhưng trên thực tế mọi quyết định lập hội đều phải được sự cho phép của nhà nước. Sự cho phép này mang tính chủ quan, tuỳ tiện, không có căn cứ pháp luật. Không có điều luật nào quy định tổ chức thế này là bất hợp pháp hay không. Nếu không có văn bản pháp quy thì việc công dân lập hội là đúng luật.

5. Việc tàng trữ tài liệu có nội dung tuyên truyền xuyên tạc tình hình đất nước, phỉ báng chống đối chế độ, Nhà nước,…

Điều quan trọng nhất là phải công bố những tài liệu đó là gì, viết như thế nào về tình hình đất nước thì lại không có, do vậy cáo buộc trên mang tính rất chung chung, không có căn cứ. Tài liệu đó nói gì về tình hình đất nước, có xuyên tạc hay không? Chưa nói đến việc tình hình đất nước qua cái nhìn, quan điểm của mỗi người cũng rất khác nhau. Việc chống đối chế độ, Nhà nước còn cần phải được xem xét chống đối ở mức độ nào. Một Nhà nước không đáp ứng nguyện vọng của nhân dân thì việc chống lại nó là việc cần làm.

6. Có nhưng cáo buộc rất vu vơ như: thu thập thông tin các mặt chính sách xã hội của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực tôn giáo để cung cấp cho nước ngoài

***

Tóm lại, với những lập luận kiểu như "thu được 5 ổ cứng chứa đựng những tài liệu chống Nhà nước XHCN,…" mà không công khai những tài liệu đó, nhà nước có thể quy chụp cho bất cứ ai trong xã hội này vào điều 88 BLHS. Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân hay ai khác chỉ là những cái tên để điền vào một bản cáo trạng đã viết sẵn.


Tham khảo:
Bộ mặt thật của hai kẻ chống đối Nhà nước
Tin tức trên Công An Nhân Dân
Vấn đề dân chủ và nhân quyền ở VN cần được hiểu như thế nào?