1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

vendredi 27 avril 2007

"Lịch sử" tư tưởng Hồ Chí Minh

"Lịch sử" tư tưởng Hồ Chí Minh
Hàn Lệ Nhân
« ...năm chữ Tư Tưởng Hồ Chí Minh huyễn hoặc được lòng vòng lòng thòng bằng ê hề vải vụn bấu víu từ áo Marx-Lê-Mao- Stalin… và u ê «công dân giáo dục», «đạo lý làm người» nồng mùi…Nho Giáo cấp phổ thông... »



Cho tới tháng Tư 2007, Việt Nam dưới sự lãnh đạo ưu việt của ĐCSVN quang vinh có tổng cộng bốn bản Hiến Pháp: 1946, 1959, 1980 và 1992.

Hiến Pháp VNDCCH-1946 được sửa đổi lần thứ nhất vào năm 1959, tại sao ?

– Trước thành tựu to lớn trong chính sách Cải Cách Ruộng Đất quá ghê rợn khiến toàn Miền Bắc sôi sục vùng lên, Chủ tịch Hồ Chí Minh bèn buộc lòng đẩy TBT kiêm trưởng ban CCRĐ Trung ương là ông Trường Chinh Đặng Xuân Khu ra làm bia "hy sinh". Ông Trường Chinh bị cách chức nhưng được "hạ cánh an toàn". (Hai năm sau [1958], ông Trường Chinh trở lại làm phó thủ tướng, chủ tịch Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội [1960-1981]… rồi Tổng Bí Thư lần thứ nhì, kế vị ông Lê Duẩn qua đời năm 1986). Ông Hồ Chí Minh sụt sùi, nghẹn ngào rơi lệ đọc diễn văn thú nhận "sai lầm", "xin lỗi" nhân dân Miền Bắc, hứa "sửa sai" và cho "sửa đổi" Hiến Pháp hầu xoa dịu quốc dân.

Hiến Pháp VNDCCH / CHXHCNVN-1959 được sửa đổi vào năm 1980, tại sao ?

– Năm 1979, trong lúc CSVN đánh chiếm xứ Miên Cộng ở phía Nam (1979-1989) thì ở phía Bắc, Tàu Cộng đưa quân qua "dạy cho Việt Cộng" bài học thứ nhất, do đó «tình hữu nghị Việt-Trung đời đời bất diệt» đã được hiến định thành bản kết án «bọn bá quyền Trung Quốc và bè lũ tay sai của chúng ở Kampuchia». Thực chất của việc sửa đổi Hiến Pháp lần nầy là phe thân Nga thanh trừng phe thân Tàu trong nội bộ ĐCSVN, đồng thời vừa ve vuốt dân chúng bằng hàng loạt mỹ từ như Dân Chủ, Tự Do…nhưng chưa bao giờ được áp dụng.

Hiến Pháp CHXHCNVN-1980 được sửa đổi vào năm 1992, tại sao ?

– Điều 38, bản Hiến Pháp-1980 ghi: «Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ tư tưởng chỉ đạo sự phát triển của xã hội Việt Nam».

Cuối năm 1991, chế độ CS muôn năm sụp đổ (chỉ sau 74 năm hiện hữu) và trong khi Liên Bang Xô Viết rã thành 12 mảnh, thì ở Tây Âu 12 mảnh khác hợp lại thành một. Sự phá sản toàn diện của XHCN tại Nga và Đông Âu là nhát Búa-Liềm chí mạng đối với ĐCSVN «bách chiến bách thắng», nhất là trên phương diện «tư tưởng chỉ đạo». Ngày Chết của cơ sở tư tưởng chỉ đạo Marx-Lênin tại thành trì Liên Xô vĩ đại lại là ngày Nghén của Tư Tưởng Hồ Chí Minh khởi từ bản Hiến Pháp CHXHCNVN-1992, được thông qua «để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới».

Năm chữ Tư Tưởng Hồ Chí Minh không hề có trong ba bản Hiến Pháp 1946, 1959 và 1980.

Tư Tưởng Hồ Chí Minh

Câu rằng «dưới ánh sáng (đã lịm) của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng (mới ló) Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (ngụ ý trụ giữ chế độ) trong thời kỳ quá độ (ngụ ý thời kỳ khủng hoảng toàn diện) lên chủ nghĩa xã hội (ngụ ý chủ nghĩa tư bản với ngụy danh Kinh tế thị trường định hướng XHCN) ;


… cấp bách "sáng tạo" ra bằng được…


Câu rằng «lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam trong hành động» chỉ xuất hiện từ 1992: "Lịch sử" Tư Tưởng Hồ Chí Minh thực sự được bắt đầu như thế. Nhưng TTHCM là gì ? Các cán bộ lý luận chính trị mọi cấp được chỉ thị phải ráo riết động não, vận dụng mọi cách, cấp bách "sáng tạo" ra bằng được "nội dung" cho cái tựa TTHCM, trong cơn đại địa chấn tư duy đang lao thẳng vào Ba Đình.

Trong Tạp chí Cộng Sản số 435 (03/1992) có bài «Để tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành kim chỉ nam cho hành động», ký tên Song Thành, có nội dung cực kỳ «lúng túng, gượng gạo». Lúng túng là phải, gượng gạo cũng đúng thôi, vì «khó quá», vì từ hồi cậu Ba dưới Bến Nhà Rồng biến thành Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bắc Bộ Phủ, cho đến ngày chấm hết của chủ nghĩa Marx-Lênin ở Liên Xô, cả thế giới và ở Việt Nam nói riêng, có ai nghe nói tới cái gọi là Tư Tưởng Hồ Chí Minh bao giờ?

Cán bộ Song Thành lý giải «cũng như mọi sự vật mới ra đời, Tư Tưởng Hồ Chí Minh không phải ngay từ đầu đã được thừa nhận và khẳng định». Lời của tác giả Song Thành hoàn toàn hợp lý, hợp lẽ. Đúng vậy, chủ nghĩa Marx đã phải trần thân kinh qua nhiều biến thiên chính trị, kinh tế, xã hội… trên thế giới mới được «thừa nhận, khẳng định» và áp dụng tại Nga năm 1917, nghĩa là 34 năm sau khi Karl Marx qua đời (năm 1883). Có điều, chủ nghĩa Marx có cuốn Tư Bản Luận (Das Kapital / Le Capital) làm nền tư tưởng cho phong trào Cộng Sản quốc tế, còn Tư Tưởng Hồ Chí Minh dựa vào trước tác, bút tích nào của nhân vật có tên họ khai sinh là Nguyễn Sinh Cung / Nguyễn Tất Thành ?

Tôi đã rà đọc đâu mươi lần Hồ Chí Minh Toàn Tập và riêng bản thân tôi nhận thấy phần «sâu sắc» hầu hết nằm trong những bài huấn thị, diễn văn, những lời kêu gọi thông thường, chấm phá cơ man trích đoạn, vay ý mượn tứ của người khác nhưng triền miên lơ đãng quên ghi xuất xứ. Chẳng lẽ Tư Tưởng Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ được rút ra từ ruột Nhật Ký Trong Tù (1), Thơ Chúc Tết… hoặc từ Vừa Đi Đường Vừa Kể… , Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động của Hồ Chủ Tịch mà tôi u mê không thấy ? Còn nếu «tinh thần tự lực, tự cường» là «cốt lõi của Tư Tưởng Hồ Chí Minh» như lời ông Trần Đình Hoan (Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) trả lời báo VietNamNet-21/05/2003, thì tội nghiệp cho hai chữ Tư Tưởng dăm phần, tủi cho Tư Tưởng Marx bội phần, nhưng bù lại con Rồng, cháu Tiên càng vững tin, hãnh diện và bái phục tinh thần tự lực, tự cường từ ngàn xưa của hai Bà Trưng, một Bà Triệu...!

Lâu ni tôi thường xuyên "tham quan" các trang Web chính thống của ĐCSVN để tiếp tục theo dõi họ phù phép biến tu hú ra phượng hoàng, để rình xem họ kiên trì mày mò xác lập Tư Tưởng Hồ Chí Minh ra sao, tới đâu rồi nhưng cá nhân tôi vẫn không "cầu thị" được gì ngoài nỗi chua xót rằng họ, ĐCSVN, vẫn trường kỳ khinh nhờn trình độ dân trí của con dân nước Việt vốn đã có bề dày « mấy nghìn năm lịch sử » và năm chữ Tư Tưởng Hồ Chí Minh huyễn hoặc được lòng vòng lòng thòng bằng ê hề vải vụn bấu víu từ áo Marx-Lê-Mao, Stalin… và u ê « công dân giáo dục », « đạo lý làm người » nồng mùi…Nho Giáo cấp phổ thông, có thể tóm gọn nhưng không sợ thiếu trong tám chữ Cần Kiệm Liêm Chính Chí Công Vô Tư, mà đặc biệt trong hiện tình đất nước, vẫn chỉ có giá trị trên giấy ấy vì có «học mà không hành» nên «càng học tập càng tăm tối» (Phạm Trần). Tuy nhiên, TTHCM, theo họ, « có hạn chế » song nhất định « không có sai lầm» ! Nhưng, một cách cụ thể - dù tương đối - TTHCM đích thị là gì thì chưa thấy ai «tinh lọc», «hệ thống hoá» để nó «sải bước cùng thời đại». Chẳng biết rồi đây phải truy tìm tận cõi nào khác.

Như vậy:

• Phải chăng «ở đây sự kiên định còn có dáng dấp của các nhà nho e ngại đụng chạm đến những tín điều đã (lỡ) dấn thân phụng sự và có thể là những lợi ích nhất thời (?)...» (Dương Trung Quốc, TTK Hội Khoa Học Lịch Sử VN, Đại biểu Quốc Hội-XI CHXHCNVN: Đóng góp ý kiến văn kiện ĐH-X, 12/05/2005).

• [ «Phải chăng đây chỉ là một cách dễ dãi để che giấu thất bại về tư tưởng, che giấu một sự bất lực trong tư duy: dùng những tên tuổi gắn liền với nhiều thắng lợi lịch sử để.… đi ngược lại con đường những người ấy đã vạch ra ?

• Phải chăng tư tưởng Mác-Lênin không những không có khả năng ngăn chận những sai lầm, thất bại của những đảng cộng sản cầm quyền, nó còn không có khả năng rút kinh nghiệm, phân tích, vạch ra những nguyên nhân thất bại, vạch ra đường lối mới để tiếp tục tiến lên chủ nghĩa xã hội, nên phải thêm vào đó Một cái Tên để khơi ý !»] (Phạm Huy Đường: đọc sách Tư Tưởng HCM và Con Đường Cách Mạng VN, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp chủ biên, nxb Chính Trị Quốc Gia, HN 2000)

Theo chân và thánh hoá một lãnh tụ vĩ đại cỡ cụ Hồ Chí Minh suốt thời gian tròm trèm nửa thế kỷ mà mãi đến 23 năm sau ngày "Người" qua đời (1969) người ta mới rục rịch phát giác ra rằng « Bác vô vàn kính yêu » của người ta có... Tư Tưởng ! Quả là chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thật, rất xứng đáng được đưa vào chương trình Chuyện Lạ Việt Nam XHCN !
Hàn Lệ Nhân
(Tản mạn qua đêm 22)



Ghi chú: (1) Xem : Hàn Lệ Nhân, "Đọc lại thơ Bác""Lại đọc thơ Bác". Tài liệu tham khảo chính:- Hoàng Lê Khổng Doãn Hợi, Chủ nghĩa Mao không có Mao. Nxb Thông Tin Lý Luận, HN 1982.- Hồ Chí Minh Toàn Tập. Nxb Sự Thật, HN 1978.- Nguyễn Hữu Nghĩa, Dọn Đường Về Nước. Nxb Làng Văn, Canada 1992- Bốn bản Hiến Pháp của VNDCCH / CHXHCNVN

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1752

Aucun commentaire: