21/12/2006
Đỗ Hoàng Điềm trả lời Võ Văn Kiệt
Ô QUAN HẠ °Ảnh: ETCETERA
LTS: Cuộc phỏng vấn của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đang được dư luận bàn tán khá nhiều. Để có tiếng nói phản trả lại những phát biểu của ông Võ Văn Kiệt, chúng tôi đã phỏng vấn Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch đảng Việt Tân, một đảng có thế lực mạnh tại hải ngoại. Đảng Việt Tân là hậu thân của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, và Đỗ Hoàng Điềm là cháu gọi ông Hoàng Cơ Minh là cậu ruột. Đỗ Hoàng Điềm năm nay 43 tuổi, rời Việt Nam vào năm 1975, tham gia Mặt Trận vào năm 1981, học ngành quản trị kinh doanh (MBA) ở Houston. Hiện nay, với chức vụ chủ tịch, anh hoạt động chính trị toàn thời gian.
VW: Phản ứng của anh như thế nào khi đọc bài phỏng vấn cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt?
ĐHĐ: Có một số điều, tôi chờ đợi ông ta nói rõ hơn. Một số điều quan trọng ông ta chỉ nói phớt qua. Có những điều khác, tôi tôn trọng đó là ý kiến của họ, nhưng tôi không đồng ý. Thí dụ, như ông nói tại sao người hải ngoại không thể hòa hợp được với Việt Nam, tôi nghĩ rằng hoặc là ông ta không đồng ý, hoặc ông ta không nói hết vấn đề tại sao như vậy. Điều đó cũng dễ hiểu, mình cũng không chờ đợi ông ta đứng ở cương vị đó lại nói một cách trung thực quan điểm của chúng ta được. Tựu chung lại, tôi thấy rằng đây là một cơ hội đặc biệt, một biến cố đặc biệt, khi ông ta lên tiếng trên một tờ báo tại hải ngoại.
VW: Bài phỏng vấn có tiết lộ một điều gì mới mẻ về tư duy của nhà cầm quyền Việt Nam không?
ĐHĐ: Đối với tôi thì không. Tựu chung, những điều ông ta nói cũng nằm trong phạm vi của những điều chúng tôi đã được biết. Hoặc là do những dữ kiện mình đã có được, hoặc là do sự phân tích, thành ra không có điều gì khác lạ. Trong một chiều hướng nào đó, với những câu hỏi Việt Weekly đã đặt ra với ông Võ Văn Kiệt, những câu trả lời hoàn toàn nằm trong sự chờ đợi của tôi.
VW: Tại sao họ chọn lựa lên tiếng trên một tờ báo hải ngoại như thế vào thời điểm này?
ĐHĐ: Tuy rằng ông Võ Văn Kiệt đã về hưu, ngày hôm nay không còn là thủ tướng nữa, nhưng chúng ta cũng biết, cả ông ta, ông Đỗ Mười, nguyên tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, và ông Lê Đức Anh, lúc trước là chủ tịch nhà nước, tuy rằng 3 người này không còn tại chức, nhưng chúng ta đều biết ảnh hưởng của họ trong đảng còn nhiều lắm, còn rất lớn. Cho nên tiếng nói của họ một phần nào phản ảnh quan niệm chung của họ. Sự kiện họ lên tiếng trong hoàn cảnh như thế này trên một tờ báo tại hải ngoai, tôi nghĩ rằng đó là một chọn lựa khá khôn ngoan. Nó giúp tạo một ấn tượng hài hòa cởi mở giữa họ đối với dư luận của tập thể người Việt tại hải ngoại. Hành động này, tôi nghĩ, nó nằm trong khuôn khổ của một sự tính toán. Chúng ta biết rằng, phía bên nhà nước Việt Nam có đưa ra nghị quyết 36, trong đó đặt trọng tâm rất nặng lên nỗ lực tiếp cận với cộng đồng tại hải ngoại. Xét về phía họ, tôi nghĩ sự kiện này có lợi cho họ.
VW: Với động tác đó, anh có nghĩ rằng phía Việt Nam có thực tâm muốn thương lượng với cộng đồng hải ngoại, hay chỉ để tạo sự hòa dịu trong quan hệ, nhưng họ sẽ vẫn chủ động trong việc sử dụng cộng đồng hải ngoại cho mục đích nào đó của họ?
ĐHĐ: Tôi không tin tưởng rằng họ có thực tâm. Họ có nỗ lực tạo sự hòa dịu, nhưng nhằm mục đích tranh thủ sức đóng góp, sự hậu thuẫn của cộng đồng tại hải ngoại.
VW: Anh không nghĩ rằng họ có thể thỏa mãn những yêu sách của cộng đồng hải ngoại?
ĐHĐ: Ngay cả với hơn 80 triệu người dân ở trong nước, họ còn không thỏa mãn, không chấp nhận được, lý cớ gì, họ làm điều đó với 3 triệu người ở ngoài nước. Sự hòa dịu này chỉ nhằm tạo cơ hội cho họ có thể vận dụng được sức của người Việt tại hải ngoại, làm việc cộng tác với họ trong lãnh vực khoa học, kỹ thuật, tài chánh, nhưng về mặt quan điểm chính trị, ít ra về phần tôi, cho tới giờ phút này chưa thấy có chỉ dấu gì gọi là họ sẵn sàng lắng nghe hay tương nhượng gì cả.
VW: Trong bài phỏng vấn, khi được hỏi về điều 4 hiến pháp, ông Võ Văn Kiệt mặc dầu không nói thẳng, nhưng cũng hé mở ra một xu hướng có thể xảy ra, là không cần thiết phải được giữ nguyên như thế. Có nghĩa là đây là lần đầu tiên họ hé lộ việc có thể tái cứu xét việc này. Đối với anh, điều này có ý nghĩa gì lớn lao không?
ĐHĐ: Thực sự điều 4 hiến pháp của Việt Nam đã có một sự thay đổi. Nếu tôi nhớ không lầm, ấn bản nguyên thủy xác định, “đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước.” Trong kỳ sửa đổi lại hiến pháp cách đây vài năm, từ “duy nhất” đã được gạch bỏ đi rồi. Sự kiện bỏ chữ “duy nhất” đó đánh dấu một động tác lùi bước, mặc dầu một bước lùi rất là nhỏ, đối với tôi, cũng chỉ là thuật ngữ thôi. Chúng ta nên dựa vào thực tế. Thực tế ngày hôm nay, đảng cộng sản vẫn là đảng duy nhất nắm toàn quyền lãnh đạo đất nước Việt Nam. Đảng cộng sản vẫn không chấp nhận luật chơi dân chủ, vẫn không chấp nhận đa nguyên, đa đảng, điều 4 hiến pháp vẫn còn đó. Vấn đề quan trọng, là liệu Việt Nam có bối cảnh sinh hoạt đa nguyên đa đảng hay không? Nếu không có, việc điều 4 có hiện hữu hay mất đi vẫn không thay đổi được điều gì cả.
VW: Theo tôi hiểu ý của ông Võ Văn Kiệt muốn nói là, có thể đảng cộng sản đã từng sai lầm, nhưng bắt nguồn từ động cơ vì dân tộc. Và quan trọng hơn hết, trong 20 năm đổi mới vừa qua, họ đã đi đúng đường trong việc đưa đất nước đi lên, không có lý do gì bắt họ phải bị thay thế cả, nhất là khi đất nước đang cần ổn định chính trị để phát triển kinh tế. Anh nghĩ sao về lập luận đó?
ĐHĐ: Khi tôi đọc câu hỏi và cách ông ta trả lời, không đi sâu vào, nhưng chúng ta cũng hiểu được chính vì sự độc tài, mới mang lại sự ổn định. Đọc qua đoạn đó, tôi có 3 nhận xét. Ở đây tôi phải nói ngay, tôi không dám võ đoán là cả 3 triệu người cộng sản Việt Nam đều xấu cả, tôi tin rằng có nhiều người đã chọn chủ thuyết đó, bởi vì họ nghĩ rằng là đó là điều tốt nhất cho dân tộc, nhưng nếu nói rằng đảng cộng sản đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết, tôi rất là không đồng ý. Bởi vì, đã có rất nhiều đặt quyền lợi của đảng cộng sản trên hết, ví dụ, như trong lúc có nhu cầu đoàn kết toàn dân để chống Pháp vào năm 1945, họ lại chọn thanh trừng những đảng phái không phải là cộng sản. Có rất nhiều người Việt Nam yêu nước nằm trong hàng ngũ của Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đại Việt Dân Chính, kể cả những người không đảng phái nằm trong các lực lượng đấu tranh khác, đã bị họ thủ tiêu. Một thí dụ thứ hai, là sau năm 1975, nếu lúc đó đảng cộng sản Việt Nam thực sự làm công việc hàn gắn vết thương chiến tranh, đừng có thi hành chính sách cải tạo, trả thù, có thể đất nước chúng ta đã lật qua một chương khác. Chính vì sự đặt quyền lợi đảng lên trên hết, họ đã sẵn sàng thủ tiêu, bỏ tù hàng mấy trăm ngàn người. Gần đây nhất, họ ký hiệp ước lãnh thổ với Trung Quốc, và có nhiều dấu hiệu cho thấy họ đã nhượng bộ rất lớn. Cho nên, khi nói rằng, người cộng sản đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, phải xét lại.
Điều thứ hai, họ cho rằng đảng cộng sản Việt Nam đã làm được rất nhiều, mang lại được sự phồn vinh cho đất nước, cho nên họ được tiếp tục nắm quyền, tôi cho rằng lập luận đó cũng không đứng vững được. Bởi vì, nếu nói rằng, sự phát triển của một dân tộc, của một đất nước, chỉ là sự phát triển về kỹ thuật, về miếng cơm manh áo, hóa ra, những con người Việt Nam chỉ là những vật vô tri, chỉ cần có cơm no, áo ấm là đủ hay sao? Thế còn các lĩnh vực khác phát triển như thế ào, về mặt tinh thần, về mặt luân lý, đạo đức, về mặt tư duy con người? Sự phát triển của một dân tộc đâu có thể đo bằng GDP (chỉ số tổng sản lượng quốc gia) hay per capita income (thu nhập bình quân đầu người) là được. Sự phát triển của dân tộc phải được đánh giá trên một bình diện context (môi trường) rộng lớn. Một điều rõ ràng, sự phát triển của Việt Nam ngày hôm nay là một sự phát triển lệch lạc, méo mó. Tình trạng tham nhũng, và tệ nạn xã hội là những di hại trực tiếp từ chính sách cai trị của đảng cộng sản Việt Nam. Nếu nói rằng họ có công, điều đó cũng cần phải xét lại luôn nữa.
Điểm thứ ba, họ muốn chứng minh rằng với tất cả những thành tựu đó, họ xứng đáng được tiếp tục cầm quyền. Đây là một điều lý thú, ông ta nói, “ngày nào dân tộc Việt Nam còn chấp nhận, ngày đó đảng còn cầm quyền.” Khi đọc điều đó, tôi không khỏi cười thầm, là dân tộc Việt Nam có thực sự được chọn lựa hay không? Tôi cho rằng cái nhìn đó cũng không chính xác, bởi vì cho tới giờ phút này, vẫn chưa chắc là dân tộc Việt Nam đã có sự chọn lựa. Trong một thể chế dân chủ, người dân trao quyền cho chính quyền qua một lá phiếu, trong một cuộc bầu cử tự do. Trong một chế độ độc tài, sự trao quyền đó đến từ một sự cưỡng bức.
VW: Còn về lập luận cần có sự ổn định về chính trị để phát triển kinh tế?
ĐHĐ: Tôi hoàn toàn bác bỏ lập luận cần có sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế. Tôi biết người cộng sản thích viện dẫn thí dụ của Trung Quốc, Tân Gia Ba, hay ngay cả Đài Loan, Hàn Quốc, hay Thái Lan. Trong bài phỏng vấn của ông Võ Văn Kiệt, như một mẫu mực, nhờ có độc tài mới có ổn định và phát triển. Nhưng ông Kiệt đã quên một điều rằng, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc và ngay cả Tân Gia Ba, đã đang phải bước vào con đường dân chủ. Họ phải chọn đi vào dân chủ trên con đường dài. Ông ta quên mất một điều rằng, dân chủ là xu hướng tất yếu của thời đại. Đồng thời, cũng có hàng chục ví dụ của những quốc gia không có độc tài mà vẫn phát triển được, cho nên lập luận đó không thể đứng vững được. Đất nước là đất nước của chung, dân tộc là dân tộc của chung, đảng cộng sản Việt Nam lấy quyền gì mà bảo rằng, tôi sẽ thay đổi theo kiểu của tôi. Thôi các anh đợi đó, dân tộc đợi đó, chừng nào chúng tôi sẵn sàng, chúng tôi sẽ thay đổi. Cách thức thay đổi, tốc độ thay đổi, nhịp độ thay đổi phải là quyết định chung của dân tộc, chứ không phải là quyết định riêng của một đảng nào. Nếu cho rằng vì dân trí kém, họ mặc nhiên coi thường dân tộc Việt Nam hay sao. Đó chỉ là một sự ngụy biện mà thôi.
VW: Quay sang chiến lược hành động của đảng Việt Tân, các anh muốn tiếp cận với Việt Nam như thế nào trong một thực tế mới về sự bang giao giữa Mỹ và Việt Nam trở nên thân thiện hơn, và vai trò của Việt Nam trên thế giới cũng được công nhận hơn?
ĐHĐ: Chủ trương căn bản của chúng tôi là làm sao trong một cách nhanh chóng chấm dứt tình trạng cai trị độc tài ngày hôm nay để xây dựng dân chủ. Bởi vì chúng tôi quan niệm, dân chủ là nền tảng cần thiết để có thể phát triển lâu dài. Mục tiêu đấu tranh của đảng Việt Tân là canh tân đất nước, xây dựng lại con người Việt Nam, xã hội Việt Nam, không những về mặt vật chất, mà cả mặt tư duy, tinh thần. Sự cai trị của đảng cộng sản Việt Nam chỉ là một chướng ngại vật cản trở đi đến cái đích sau cùng đó. Chướng ngại vật đó phải được chấm dứt. Để tháo gỡ chướng ngại đó, chúng tôi quan niệm rằng sức mạnh duy nhất chúng ta còn có được ngày hôm nay là sức mạnh của quần chúng. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng đấu tranh bằng bạo lực là lỗi thời, những phương pháp đó không còn thích hợp, không còn ứng dụng được nữa. Bài toán của chúng tôi là làm sao đánh thức được sức mạnh và tiềm năng đấu tranh đó. Chúng tôi muốn người dân Việt Nam ý thức được rằng, cho dù họ đã bị cưỡng bức trao quyền cho đảng cộng sản, họ vẫn có thể lấy lại được. Chúng tôi muốn huy động người dân tham gia đấu tranh, từ những việc rất nhỏ, từ việc đòi hỏi những quyền lợi thiết thực cho họ, đòi hỏi sự bình đẳng trong xã hội, đòi hỏi chống bất công, đòi hỏi chống tham nhũng. Từ những quyền lợi nho nhỏ đó, chúng ta sẽ từ từ huy động người dân đòi hỏi những cái xa hơn, rộng hơn về mặt chính trị. Cũng vì thế, trong xã hội ngày hôm nay, đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát hết các sinh hoạt trong xã hội với ô dù của Mặt Trận Tổ Quốc. Vấn đề của chúng ta là làm sao cho người dân thoát ra khỏi ô dù kiểm soát đó, có những tổ chức độc lập, có những hội độc lập, hoạt động ngoài sự kiểm soát của đảng. Chính họ sẽ là những hạt nhân đứng lên đòi hỏi tự do dân chủ, đòi hỏi công bằng xã hội, đòi hỏi chấm dứt độc tài. Tôi nghĩ rằng, phương thức đấu tranh bất bạo động là phương thức hữu hiệu nhất trong lúc này để huy động toàn dân. Một cách ngắn gọn, đó là những phương thức đấu tranh vừa tầm tay của mọi người, ôn hòa nhưng hữu hiệu. Quần chúng là một sức mạnh tiềm ẩn nhưng vô song.
VW: Tại sao anh không thương lượng với đảng cộng sản Việt Nam?
ĐHĐ: Tôi không tin là đảng cộng sản Việt Nam có thiện chí muốn thương lượng gì với ai cả. Công bằng mà nói, họ đang ở thế thượng phong. Chúng ta biết điều đó. Họ biết điều đó. Nếu có thương lượng, tôi không nghĩ họ sẽ thương lượng trong một tinh thần nhường nhịn hay tương nhượng gì cả. Sự thương lượng trong tình hình này sẽ không giải quyết được gì cả.
VW: Anh chưa về Việt Nam lần nào sau khi rời nơi đó vào năm 1975?
ĐHĐ: Tôi chưa về Việt Nam lần nào, kể từ năm 1975.
VW: Anh có bao giờ hoài nghi về cái nhìn của mình có thể là không chính xác so với hiện thực ở Việt Nam hiện nay hay không?
ĐHĐ: Đương nhiên. Tôi không phủ nhận nếu mình có cơ hội về tận nơi, nhìn tận mắt, vẫn tốt hơn. Nhưng anh cũng thông cảm, chuyện về của tôi, có lẽ chính quyền Việt Nam sẽ không có một mong muốn nào như thế cả. Thậm chí có những người chỉ biết quen tôi sơ sơ thôi, khi về cũng bị họ lôi lên thẩm vấn, hạch sách. Điều đó cho thấy rằng, chuyện tôi về cũng chẳng mấy an toàn gì. Tuy nhiên, tôi thấy cũng không sao, với thời đại của ngày hôm nay, thông tin đầy đủ, có những người cộng tác đảng viên Việt Tân ở trong nước, cùng những đảng viên ở ngoài này về công tác trong nước. Có những đảng viên ở trong đó, sống trong guồng máy đó, sống trong lòng chế độ, sống trong lòng dân tộc, với tất cả thông tin dữ kiện phân tích đó, cũng có thể làm việc được. Và sau cùng, mọi quyết định của Việt Tân không phải là quyết định cá nhân, mà là quyết định của bộ phận trách nhiệm. Đó là quyết định có sở cứ của nhiều người chứ không phải của một mình tôi. Dĩ nhiên, tôi đi khỏi nước 31 năm, tôi rất mong có dịp được về thăm quê hương, có dịp được về sống, làm việc phụng sự đất nước, đó là sở nguyện của tôi. Đó là lý do tại sao tôi chọn con đường này. Bởi vì tôi vẫn ước mong có một ngày nào đó, tôi được về Việt Nam làm việc, săn tay áo lên, cùng với dân tộc Việt Nam xây dựng lại đất nước. Tôi mong ngày đó không còn xa. Và tôi chỉ chấp nhận về Việt Nam làm việc trong khung cảnh có tự do dân chủ.
http://65.45.193.26:8026/cms/acct/vietweekly/issues/vw4n52/doHoanDiem.html
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire