Đôi điều suy nghĩ về ‘tự trọng’ và ‘nhân quyền’
PHẠM PHÚ ĐỨC
Nhân quyền là một giá trị phổ quát
Từ lâu nay, chúng ta cảm nhận về nhân quyền trên bình diện rất thực tế. Nghĩa là, đối với người Việt, đặc biệt tại hải ngoại, dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có đưa ra bao nhiêu Sách trắng về nhân quyền để đánh bóng các thành tựu về quyền con người tại Việt Nam đi nữa, cũng chẳng hề thay đổi được sự nhận xét và thấu hiểu của nhiều người, qua kinh nghiệm và bằng chứng thực tế, rằng nhân quyền tại Việt Nam vẫn bị chà đạp một cách tồi tệ có hệ thống. Tất nhiên, có những luận cứ cho rằng đời sống đã tốt hơn nhiều kể từ khi đổi mới. Đúng, điều đó không thể phủ nhận. Nhưng điều cũng không thể phủ nhận khác, là các quyền tự do về chính trị và tôn giáo, từ tự do thông tin ngôn luận đến hoạt động đảng phái hay phục hoạt giáo hội, ngoài những “tự do” trong tầm kiểm soát của Đảng, thì vẫn còn bị kiềm kẹp như thời toàn trị. Tức là vẫn chưa có một sự tiến bộ đúng nghĩa nào về nhân quyền, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn trên bình diện xã hội, khi nhân phẩm bị chà đạp và coi rẻ chưa từng thấy. Điển hình như hàng trăm ngàn cô dâu và công nhân Việt Nam phải đi làm lao động tại Đài Loan không khác gì dưới thời còn nô lệ.
Thật ra, nếu chỉ nói về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam thôi thì cũng thiếu công bằng và khách quan, bởi vì nhân quyền là vấn đề của thế giới, của nhân loại. Thêm vào đó, cũng cần nhìn nhận rằng học thuyết nhân quyền còn khá mới, chỉ chính thức hiện hữu như một văn bản là “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” từ ngày 10/12/1948. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, không riêng gì Việt Nam mà còn nhiều nơi trên thế giới, nhân quyền vẫn còn bị vi phạm một cách trầm trọng và hệ thống. Đọc báo cáo nhân quyền từ các tổ chức như Amnesty International, Human Rights Watch, Liên Hiệp Quốc hay từ các quốc hội châu Âu, Hoa Kỳ, Úc v.v... thì tình trạng vi phạm nhân quyền ở nhiều nơi vẫn còn rất nghiêm trọng. Ngay tại Úc này, được xem là quốc gia văn minh tiến bộ hàng đầu [1] , thế nhưng chỉ vài thập niên nay thổ dân Úc mới chính thức được coi như những con người với đầy đủ giá trị và nhân phẩm. Trong lịch sử Úc, ngay từ ban đầu khi đến định cư, những người “khai hoang” đã đối xử với thổ dân như thú vật, và xem đất nước này như không có con người sống ở đó, nên đã bắn giết, đầu độc thổ dân một thời gian dài (khoảng 1788-1900). Sau đó một thời gian, họ khám phá rằng những người này có thể làm các việc nhà, nên từ đó đối xử với thổ dân giống như trẻ con. Rồi sau đó đối xử giống như vị thành niên khi khám phá rằng những người này có thể cầm súng chiến đấu tại châu Âu... Mãi cho đến giữa thập niên 1960, thổ dân Úc mới thật sự được đối xử như người lớn, người trưởng thành, bằng các văn bản pháp luật hẳn hoi. Tất nhiên bản thân người thổ dân luôn là con người, và trưởng thành, nhưng vấn đề là đầu óc của người da trắng (settler) không nhìn nhận người thổ dân đúng như thế, nên một thời gian dài đã không công nhận và đối xử với họ một cách văn minh, bình đẳng.
Sự đối xử bất công và nhiều khi tàn bạo với người cùng sắc tộc, và hơn nữa, với các sắc tộc khác, là một vấn đề khá phức tạp, liên hệ đến lịch sử, văn hoá, và ý thức hệ (chính trị, tôn giáo...). Tuy nhiên, để tìm hiểu bản chất của các vấn đề nêu trên, và thêm vào đó, để nhìn nhân quyền ở một khiá cạnh triết lý, bổ túc cho phần thực tế, chúng ta cần đi từ căn nguyên nhận thức về con người và quyền.
Tự trọng là nền tảng của nhân quyền
Theo giáo sư chính trị học Ralph Pettman [2] của đại học Melbourne, nhân quyền liên hệ mật thiết đến tính tự trọng (self-esteem), cho nên không thể giáo dục bất cứ ai về nhân quyền nếu người đó không có tính tự trọng. Với tư cách là một chuyên gia về chính trị thế giới (International politics) và kinh tế chính trị (Political economy), từng là một nhà quản lý cao cấp trong Ủy hội Nhân quyền Úc (Australian Human Rights Commission) cũng như Trung tâm Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (United Nations Centre for Human Rights), giáo sư Pettman được xem là người có thẩm quyền trong lãnh vực nhân quyền quốc tế. Ông đã dành 5 năm để nghiên cứu và soạn thảo chương trình giáo dục về nhân quyền cho học sinh Úc (sau này ông cũng soạn thảo chương trình giáo dục tương tự cho Liên Hiệp Quốc) từ tiểu học đến trung học. Úc là một nơi mà nhân quyền luôn được đề cao tối đa, và tự bản thân các chương trình giáo dục này cũng phần nào nói lên điều đó. Ông cho biết rằng qua 400 trường tiểu và trung học trên toàn Úc, ông đã gặp phải một trường hợp đặc biệt khi một giáo viên muốn thực hiện chương trình giáo dục nhân quyền với học sinh ở lứa tuổi 14. Lúc đó họ thực hiện một thử nghiệm nho nhỏ về lòng tự trọng của học sinh, và khám phá ra rằng những học sinh này không có lòng tự trọng nào cả. Do đó, họ quyết định là không có lý do gì để tiến hành chương trình giáo dục nhân quyền, mà phải trở lại từng bước căn bản để thực tập về lòng tự trọng, sự đồng cảm cũng như sự kính trọng người khác và chính mình. Từ đó mới có căn bản để được giáo dục về nhân quyền.
Mặc dầu “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” chính thức hiện hữu cách đây 58 năm, nhưng chủ thuyết nhân quyền bằt nguồn từ thời đại Khai Sáng (The Age of Enlightenment, thế kỷ 18). Học thuyết nhân quyền xuất phát từ chủ nghĩa duy lý (Rationalism), đặc biệt từ chủ nghĩa phóng khoáng (Liberalism), với chủ trương đề cao sức mạnh của lý lẽ (thảo luận hợp lý), giá trị cá nhân, quyền tự do ngôn luận, hội họp, và thờ phượng. Toàn bộ học thuyết nhân quyền (thí dụ như 30 điều trong TNQTNQ, đặc biệt 3 điều căn bản là 1, 2 và 30) [3] được xác định trên khái niệm rằng chúng ta trân quý bản thân mình, cái Tôi của mình, cái cá tính của mình... Và chúng ta đều là những cá nhân biết suy nghĩ, biết lý luận, biết quyết định vận mạng của chính mình. Và không ai có thể thay thế hay cướp đi quyền đó (tất nhiên cũng có ngoại lệ như trẻ em, vị thành niên hay những ai không thể tự lo, ví dụ như mắc bệnh tâm thần...).
Tuy nhiên, để làm được việc đó, chúng ta phải có khả năng tách rời tinh thần và thể xác (Mind and Body), đầu óc phải “tách rời” (detached) khỏi thân thể để từ đó có thể nhìn thế giới, và nhìn lại mình, từ một khoảng cách tinh thần. Điều này có thể dễ cho những ai sống trong nền văn hoá Tây phương (như Úc, Mỹ, Anh v.v...) được xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa phóng khoáng, nên được giáo dục một cách có hệ thống về sự tách rời (separation), cách biệt (alienation), khả năng tự quyết, hay nói chung là những chủ thể được khách quan hoá. Làm được như thế, chúng ta có thể để đầu óc tự do tách khỏi thân thể mình, để tầm nhìn của chúng ta vượt xa, vượt khỏi khuôn khổ gia đình mình, cộng đồng mình, đất nước mình, và như thế mới nhìn thấy được những con người khác, tuy khác bản sắc văn hoá với mình, nhưng vẫn là những con người đúng nghĩa và xứng đáng được đối xử một cách nhân bản. Và khi nào chúng ta làm được như thế thì rất dễ nhận diện ra được chính bản thân mình từ chủ điểm khách quan. Từ đó chúng ta dễ suy luận về vấn đề nhân quyền hơn.
Cho nên, khi nhìn ở khía cạnh này, nhân quyền không phải là một vấn đề hiển nhiên, dễ hiểu, rõ ràng, mà cần phải suy nghĩ khoa học, khách quan mới có thể đi đến một định nghĩa phổ quát được chấp nhận, trong đó nhận diện ra ai được bảo vệ (inclusion) quyền con người và ai không được (exclusion). Nhìn ở góc cạnh này, chúng ta cũng dễ nhận diện ra ai đang thật sự tôn trọng nhân quyền và ai đang chà đạp lên nó.
Nói cách khác, học thuyết nhân quyền đặt trên nền tảng rằng nếu chúng ta không biết trân quý bản thân mình thì không thể nào trân quý bản thân của người khác. Cho nên nếu không có tính tự trọng thì không thể tôn trọng nhân quyền, của mình cũng như của người khác. Điều đó cũng có nghĩa rằng khủng bố và nhân quyền là hoàn toàn đối nghịch nhau. Do đó, những nơi nào chuyên dùng bạo lực, khủng bố để cai trị dân, hay những nơi bọn khủng bố chuyên dùng vũ khí, ôm bom tự sát…, cho dù “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, thì ở đó nhân quyền vẫn thường bị chà đạp trắng trợn.
Nhân quyền và cộng sản
Từ trong căn bản, chủ nghĩa phóng khoáng (Liberalism, nền tảng của xã hội tư bản ngày nay) và chủ nghĩa Mác-xít (Marxism, nền tảng của xã hội cộng sản, được Lenin cũng như Stalin và Mao khai triển thêm theo chiều hướng có lợi hơn cho họ sau này) đã đối nghịch nhau về vấn đề cưỡng bách và bạo lực. Tuy cả hai khuynh hướng đều đề cao mục tiêu giành tự do, dân chủ, công bằng, nhưng khác biệt các điểm như:
1) Liberalism đề cao giá trị cá nhân và tự do cá nhân trong khi Marxism đề cao tính tập thể, tính đảng;
2) Liberalism phản đối mọi biện pháp cưỡng bức, bạo lực lên người khác (trừ khi phải kiềm chế những thành phần dùng bạo lực) trong khi các tư tưởng gia hàng đầu của chủ nghĩa cộng sản thì luôn nhấn mạnh đến việc thực hiện cuộc cách mạng bằng bạo lực để lật đổ giai cấp tư sản. Trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng, [4] Lenin biện luận một cách đầy mâu thuẫn để kết luận rằng không còn con đường nào khác để lật đổ giai cấp tư sản ngoài bạo lực cách mạng, sau đó chuyên chính vô sản thay mặt toàn dân lên nắm chính quyền (giai đoạn 1), tiến đến chủ nghĩa xã hội (giai đoạn 2) và sau cùng tiến lên chủ nghĩa cộng sản (giai đoạn 3, lúc mà người dân sẽ “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, và sẽ có được nền dân chủ không có ngoại lệ, tức là tuyệt đối)!
Đối với những người cộng sản, bạo lực và cưỡng bách tuy được biện minh là phương tiện, nhưng trong tư tưởng, và nhất là hành động của họ, nó được sử dụng như một phương tiện quan trọng nhất để đạt kết quả, và gần như không thể thiếu trong các chương trình hành động. Cho nên mọi cuộc cách mạng do các đảng cộng sản tiến hành, đều mang tính bạo động. Cuộc cách mạng tháng Tám (19/8/1945) không có lý do gì để mang tính bạo động vì lúc đó là khoảng trống chính trị (đúng ra là vì Việt Minh, mà nòng cốt là Đảng Cộng sản Đông Dương lúc đó, không có đủ lực để gây bạo động). Nhưng sau khi đã củng cố chính quyền thì họ bắt đầu các thủ đoạn thủ tiêu lãnh tụ của các đảng phái quốc gia, đưa đến cuộc chiến tranh Quốc - Cộng vẫn còn ảnh hưởng sâm đậm mãi cho đến nay. Nền độc lập chưa thành tựu thì Đảng lại tiếp tục đưa dân tộc Việt Nam qua ba cuộc chiến tranh Đông Dương, chưa kể chiến tranh biên giới với Trung Quốc vào năm 1979. Sau ngày 30/4/1975, và mãi cho đến nay, bạo lực vẫn là phương tiện để “ổn định” xã hội, nói đúng hơn là để trấn áp người dân. Bạo lực đi song song với bưng bít và tuyên truyền, bởi rằng không thể tuyên truyền nếu không bưng bít, không thể bưng bít nếu không dùng bạo lực, và không thể dùng bạo lực nếu không tuyên truyền “chính nghĩa” như ổn định xã hội v.v... Nói chung, đó là phương pháp mang tính chiến lược mà các đảng cộng sản ở khắp nơi đã đang và sẽ tiếp tục dùng, trong đó bốn chế độ hà khắc nhất còn tồn tại là Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam. Công an trị vẫn là chiến thuật chủ yếu cho sự sống còn. Sự vi phạm nhân quyền ở các nước cộng sản này xảy ra trên nền tảng ý thức hệ, và do đó, trầm trọng và hệ thống hoá hơn hẳn ở những nơi khác. Tất nhiên, sự vi phạm nhân quyền ở châu Phi hay Trung Đông cũng rất tồi tệ và ở nơi nào cũng đáng bị lên án, nhưng khi bị ý thức hệ chi phối (chính trị hoá, tôn giáo hoá...) một cách có hệ thống thì việc giải quyết các vi phạm nhân quyền, thí dụ như trả tự do cho các nhà tranh đấu cho dân chủ thật ra chỉ là giải quyết cái ngọn của vấn đề. Tự do cho toàn dân tộc mới là lời giải cho cái gốc của vấn đề.
Nếu tự trọng là giá trị nền tảng của nhân quyền, thì cũng có lắm điều để suy ngẫm về tính tự trọng của người Việt Nam [5] . Trường hợp rất đặc biệt không thể không nhắc đến, là việc lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh, người đã không ngần ngại dùng bút hiệu Trần Dân Tiên qua tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, để tự đề cao mình không khác gì một ông thánh, dù có khiêm nhường. Nó chỉ chứng minh một điều, rằng một chính trị gia đầy kinh nghiệm và thủ đoạn như ông, lại không có một sự tự trọng tối thiểu nào nên sẵn sàng lừa đảo dư luận, coi thường sự hiểu biết của người khác, hầu đạt cho được mục tiêu của mình. Cả cuộc đời hoạt động của ông phản ảnh tính tráo trở của một điệp viên được đào tạo từ Liên Xô, mặc dầu trong chính trị của thời điểm đó, cũng không thể nào hoàn toàn lương thiện, quân tử, như các cụ nho Trần Trọng Kim, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ v.v... Tuy nhiên, những thủ đoạn mà Hồ Chí Minh đã dùng và truyền đạt lại cho thế hệ kế thừa – một thứ di sản đầy bệnh hoạn - đã trở thành một thứ cẩm nang mà các thế hệ từ Lê Duẩn đến Nông Đức Mạnh hôm nay lại tiếp tục áp dụng đối với nhân dân Việt Nam. Người ngoại quốc hay các tổ chức nhân quyền cũng khó thể nào hiểu thấu đáo những biện pháp thâm độc trong việc xâm phạm nhân quyền như thế nếu không biết những nguyên nhân sâu xa từ ý thức hệ đến bệnh quan lại phong kiến trong giới lãnh đạo Việt Nam. Có thể kết luận tổng quát rằng không có mấy ai trong giới lãnh đạo Việt Nam có lòng tự trọng tối thiểu, bởi vì nếu có thì họ phải biết rằng họ đang cầm quyền một cách bất chính. Chưa bao giờ từ lúc họ cầm quyền đến nay lại có một cuộc bầu cử tự do đúng nghĩa hay một cuộc trưng cầu dân ý. Cũng vì không có lòng tự trọng tối thiểu nên họ cứ cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”, coi dân chúng và kể cả giới trí thức không ra gì, trong khi họ không biết rằng về mặt tư tưởng thì họ chỉ là một học trò của Marx và Lenin, những tư tưởng mà thế giới hôm nay không còn mấy trọng dụng, nếu không là đã bị vứt vào sọt rác.
Một người thiếu tính tự trọng tối thiểu như Hồ Chí Minh, mà lại được Đảng Cộng sản xem như “vĩ nhân” như thế, rồi cứ cố nhào nặn ra thứ “tư tưởng Hồ Chí Minh” được đề cao từ đầu thập niên 1990 cho đến nay, và thứ “đạo đức cách mạng” của ông lại được đưa lên làm thần tượng, thì làm sao nhân cách, nhân phẩm và nhân quyền tại Việt Nam có thể mang một ý nghĩa đích thực nào!
Vài kết luận
Theo tinh thần của các quốc gia ký vào bản “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”, nó phải được truyền bá và trưng bày rộng rãi, và được đọc và giải nghĩa tại các trường học và các cơ sở giáo dục... Đặc biệt, đối với những quốc gia từng là nạn nhân của các chế độ độc tài trong đó nhân quyền bị chà đạp nặng nề, thì điều đáng làm nhất là tổ chức các khoá hướng dẫn đề cao lòng tự trọng và giá trị nhân quyền. Thế nhưng, kể từ khi Việt Nam ký vào bản TNQTNQ [6] , có lẽ chưa bao giờ nhà cầm quyền Việt Nam tổ chức các chương trình giáo dục về nhân quyền cho học sinh tiểu và trung học. Cho nên, Việt Nam thời hậu cộng sản chắc chắn phải dồn rất nhiều nỗ lực cho việc thông tin và giáo dục sinh viên, học sinh nói riêng và công dân Việt Nam nói chung về lòng tự trọng và giá trị nhân quyền. Một công việc mang tính giáo dục để truyền đạt giá trị lâu dài, phổ quát, và không bị chính trị hoá, sẽ giúp cho thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau biết hành xử văn minh để sống chung với nhau trong hoà bình.
Nói tóm lại, căn bản của nhân quyền là lòng tự trọng. Nhưng lòng tự trọng không tự nhiên mà có. Người ta chỉ tự trọng khi được tôn trọng, và được giáo dục để tự trọng từ lúc còn bé. Cơ bản nhất là phải được giáo dục về sự tự tin. Nếu cha mẹ hoặc xã hội chung quanh không tôn trọng trẻ con và không dạy chúng tự trọng thì khó mà chúng có lòng tự trọng. Cho nên, để phát triển lòng tự trọng, trong trường hợp của người Việt Nam, chúng ta cần ít nhất hai điều kiện cơ bản: 1) giáo dục: không những nội dung giáo dục mà còn ở cách giáo dục. Ví dụ, người ta không thể nào phát triển lòng tự trọng nếu chỉ học theo lối nhồi sọ, đặc biệt về lãnh vực nhân văn, như tại Việt Nam hiện nay. Nhồi sọ là thiếu tôn trọng khả năng suy nghĩ độc lập của học sinh. Cho nên chúng ta cần một hệ thống giáo dục khoa học và nhân bản, tách rời mọi khuynh loát của chính trị. 2) chính trị: tự do cá nhân và quyền cá nhân phải được tôn trọng. Không ai phải bị guồng máy nhà nước sỉ nhục khi có ý kiến riêng (khoan bàn đến chuyện đúng hay sai). Cho nên chúng ta cần một thể chế chính trị dân chủ đa nguyên thật sự.
Nói tóm lại, muốn tôn trọng nhân quyền thì trước hết phải xây dựng lòng tự trọng trong mỗi công dân, và để làm được việc này thì điều kiện tiên quyết là phải xây dựng một hệ thống giáo dục và chính trị mới, bởi cái mà Việt Nam có bấy lâu nay hoàn toàn đối nghịch lại nền tảng giá trị nhân quyền. Có được ý niệm như thế, nó sẽ giúp cho người Việt Nam nâng cao ý thức công dân, từ đó sẽ không bao giờ chấp nhận các chế độ độc tài phản động hay các suy nghĩ hẹp hòi độc đoán, đặc biệt từ thành phần lãnh đạo, trên đất nước Việt Nam.
Melbourne 12/12/2006
[1]Úc là quốc gia có nền văn minh rất cao, trong đó giáo dục là một trong những lãnh vực “xuất cảng” mang lại lợi tức lớn cho Úc. Hơn 300 ngàn sinh viên du học ở khắp nơi trên thế giới ghi danh học tại Úc vào năm 2003, và tiếp tục gia tăng, đứng thứ ba trong những quốc gia có số sinh viên quốc tế đến học, sau Mỹ và Anh. Kỹ nghệ này đã đem lại thu nhập 4.2 tỷ đô la cho Úc vào năm 2002-2003, cao hơn cả xuất cảng len, lúa mì và thịt bò. http://www.dfat.gov.au/facts/growth_and_diversity.html
[2]Xin xem http://www.politics.unimelb.edu.au/aboutus/pettman.html .
[3]Có thể tham khảo bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền có trên website của Liên Hiệp Quốc. Bản tiếng Anh có thể tìm tại: http://www.unhchr.ch/udhr/lang/eng.htm
và bản tiếng Việt tại:
http://www.unhchr.ch/udhr/lang/vie.htm
[4]V.I. Lenin, The State and Revolution, Selected Works, In Three Volumes, Vol 2, Progress Publishers, Moscow 1970.
[5]Đây là một đề tài lớn, cần sự nghiên cứu nghiêm túc, và nằm ngoài phạm vi của bài này. Tác giả chỉ đưa ra gợi ý để chúng ta khách quan nhìn vấn đề nhân quyền của dân tộc Việt Nam, không riêng gì với Đảng Cộng sản. Xin chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân. Mỗi lần đi vận động cho nhân quyền tại Việt Nam, thí dụ như ký vào các thỉnh nguyện thư gửi cho Liên Hiệp Quốc hay chính phủ Úc, nếu tính trung bình vận động 10 người không phải Việt Nam (người Úc và các sắc tộc khác) thì có đến 5-6 người sẵn sàng ký tên ủng hộ nhân quyền, trong khi đó chỉ có khoảng 2-3 người Việt ký tên. Nhiều người Việt còn không biết gì về sự đàn áp tại Việt Nam hoặc không quan tâm gì đến lãnh vực này.
[6]Việt Nam đã ký vào bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền khi gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1977, và đến năm 1982 ký vào hai công ước có tính cách pháp lý và cưỡng hành cao nhất: Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị, và Công ước quốc tế về những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
V W
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire