Một Quốc hội “vô đạo” có ích gì
cho đời sống tâm linh của Dân tộc ?
Phạm Trần
“… Nhưng với phí tổn 350 tỉ đồng tiền mồ hôi, nước mắt của nhân dân, Quốc hội XII được bầu ra có đáng “đồng tiền bát gạo” không …”
BẦU CỬ – TIỀN MẤT TẬT MANG
Cái giá bầu bán Quốc hội XII ngày 20-5-2007 đã ngả ngũ: 876 người được chọn cho dân bỏ phiếu lấy 500 ghế Đại biểu với chi phí 350 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi phí tổn bầu khoá XI (chỉ mất có 230 tỉ đồng). Số người ngoài đảng và tự ứng cử có 30 người được chọn, trên tổng số 238 người nạp đơn, kể cả Lê Kiên Thành, 32 tuổi, con trai cựu Tổng bí thư đảng Lê Duẩn. Thành được bố trí ra ứng cử tại Đơn vị 7 (Quận 9, Thủ Đức và Gò Vấp), Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), cùng với 5 người khác, kể cả Linh mục Công giáo Trần Minh Cẩm (Thiện Cẩm) của Giáo xứ Mai Khôi, để cho dân chọn lấy 3 Đại biểu. L.M. Cẩm thuộc nhóm các Linh mục thân Nhà nước trong Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn của báo đ iện tử ViệtNamNet ngày 09/03/2007, Lê Kiên Thành, Tiến sĩ, 31 tuồi đảng, chủ công ti Thiên Minh, đã có những nhận xét không thiện cảm với lối bầu bán trong quá khứ. Ông Thành nói: “Đã đến lúc Quốc hội cần sự đóng góp không chỉ của 10% đại biểu ngoài Đảng. Bầu cử phải chọn ra được những đại biểu có tầm và có tâm để hài hòa lợi ích các tầng lớp trong xã hội".
Trả lời câu hỏi: “ Ông có nói: “Nếu có điều kiện tôi sẽ tham gia QH”. Vậy điều kiện đó là gì ?
Ông Thành đáp: “ Qua tìm hiểu tôi thấy như thế này. Bản thân tôi làm doanh nghiệp, có tham gia MTTQ TP.HCM, khi tôi hỏi những người có trách nhiệm: “Trong điều kiện nào thì tôi tham gia QH được?”, người ta nói: Trên Trung ương có ngần này suất, địa phương, rồi hội đoàn thì có ngần này… Tính ra thì mình chả rơi vào suất nào cả.”
“Mình chỉ có một cửa duy nhất, là tự ứng cử. Và những người có trách nhiệm nói: “Khi cậu tự ứng cử, gần như cậu là bước đệm, cho người ta gạch tên để người khác trúng thôi”.
Gần như tất cả mọi người đều hiểu rằng xác suất thành công của một người tự ứng cử vô cùng thấp.”
“Như vậy, cái điều kiện mà mình nói không có. Khi anh không có điều kiện mà cứ cố tình làm thì người ta rất dễ hiểu nhầm động cơ của anh.
Một điều nữa cũng khó vượt qua: tôi là đảng viên. Theo điều lệ Đảng, đảng viên muốn tự ứng cử, phải được phép của các tổ chức Đảng.”
Sau lời phê bình “bộc toạc” này của ông Thành, anh con trai cả của ông Lê Duẩn đã “lọt vào mắt xanh” của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ngoại vi được đảng trao quyền chọn người để cho dân bỏ phiếu trong ngày bầu cử ! Nhưng liệu ông Thành có bị dùng làm kẻ lót đường cho người khác vào Quốc hội hay không thì sau ngày 20-5 (07) sẽ rõ.
Nhưng lý do “rơi đài” như sung rụng của số đông người tự ứng cử đang gây vẩn đục cho việc tổ chức bầu cử khoá XII, từng được nhiều người nổi tiếng ở Việt Nam, kể cả cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu cố vấn Nguyễn Trung, giáo sư Phan Đình Diệu v.v. hy vọng sẽ diễn ra trong tự do, dân chủ và những người được bầu thật sự sẽ là “của dân, do dân và vì dân”.
Nhưng những “thói xưa, nếp cũ” của bệnh chậm tiến,lạc hậu, độc tài, phản dân chủ và cường điệu của các cuộc bầu cử trước đã tái diễn y trang trong kỳ bầu cử này khiến cho ý nghĩa của Quốc hội đầu tiên của thời hội nhập thành vô nghĩa.
Vậy mà phe Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, đại biểu cho nhóm bảo thủ, giáo điều trong đảng vẫn có thể phản ảnh trên báo Nhân Dân ngày 27-3-2007:
“Ngày 20-5 tới đây sẽ diễn ra một sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị nước ta. Ðó là ngày toàn thể cử tri Việt Nam thực hiện quyền lựa chọn những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân bầu vào Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam…”
“… Tuy nhiên, trong tình hình công tác chuẩn bị bầu cử đang được tổ chức nghiêm túc và trong không khí hồ hởi của toàn dân, thì trên một số vài cái gọi là diễn đàn, nhất là trên mạng in-tơ-nét, xuất hiện một số ý kiến thiếu xây dựng, nhân danh "tinh thần tiến bộ" theo lối mô phỏng, hoặc so sánh một cách hời hợt và thiển cận với các chế độ chính trị khác đang tồn tại trên thế giới để xuyên tạc nguyện vọng lành mạnh, chính đáng của nhân dân ta, xuyên tạc tính chất dân chủ và sự nghiêm minh trong công tác tổ chức bầu cử... Thậm chí có người còn đưa ra những đánh giá tùy tiện nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam - một vai trò được khẳng định rất rõ ràng trong bản Hiến pháp đã được toàn dân thảo luận và thông qua - để từ đó tiến công vào uy tín của Ðảng, phục vụ các mưu đồ, tham vọng chính trị đen tối. Có người lập lờ đòi xoá bỏ "sự bao cấp về chính trị", hòng che giấu tâm địa của mình. Nhưng họ không những không lòe được ai, mà còn bị dư luận bất bình, bác bỏ.”
Không biết trong “mớ tư tưởng” cường điệu này, có chút gì “nói cạnh nói khóe” đến số người có bộ óc tiến bộ muốn đảng phải can đảm nhìn nhận quyền bầu cử của người dân như cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, hay giáo sư Phan Đình Diệu ?
Nhưng trước tiên, thứ “quyền lựa chọn những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân bầu vào Quốc hội” mà Nhân Dân đề cập trong bài viết có thật là của dân hay của đảng ? Nếu là của dân thì tại sao Đảng lại tổ chức chọn người cho dân bỏ phiếu bằng các cuộc “hiệp thương” của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tại 182 đơn vị bầu cử trên cả nước ?
Thứ hai, khi Nhân Dân phê bình: “Thậm chí có người còn đưa ra những đánh giá tùy tiện nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam - một vai trò được khẳng định rất rõ ràng trong bản Hiến pháp đã được toàn dân thảo luận và thông qua…” thì cũng là lý luận một chiều, chủ quan, vô căn cứ. Bởi lẽ chưa bao giờ người dân được đảng hỏi họ có bằng lòng trao quyền lãnh đạo đất nước và dân tộc cho đảng CSVN hay chính đảng này, chỉ có trên 3 triệu đảng viên, đã đặt lãnh đạo lên đấu dân ?
Còn về chuyện điều 4 Hiến pháp viết rằng“ Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” là do Quốc hội của đảng viết chứ không phải do dân làm ra nên chuyện Nhân Dân bảo quyền lãnh đạo của đảng đã được Hiến pháp “khẳng định” như thế là nói bừa, nói bậy.
ĐẢNG BỎ NGOÀI TAI
Nhưng trước khi báo Nhân Dân viết bài phê bình, lên án những ý kiến chỉ trích lề lối “đảng cử, dân bầu” thì ngành Tư tưởng - Văn hoá có biết, ngay trong đảng, cũng đã có nhiều người muốn “cứu đảng” bằng các lời khuyên chí tình ?
Chẳng hạn như cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói với báo Tuổi Trẻ ngày 29-2-2007: “Tôi đề nghị nên mở rộng cửa cho ứng cử viên ngoài Đảng và giảm số kiêm nhiệm tối đa. Trong số ứng cử viên đảng viên nên lựa chọn những người có trình độ, kiến thức khoa học và hoạt động thực tiễn trong các lĩnh vực, ở các vùng miền; có điều kiện và thời giờ hoạt động cho QH đúng với chức trách đại diện cử tri.”
“Theo tôi, đảng viên cũng là công dân, có số do Đảng giới thiệu và cũng có số tự ứng cử, không nên gò bó. Đó cũng là cách để đảng viên có trách nhiệm lựa chọn chỗ đứng của mình nếu được sự tín nhiệm của dân.”
“Còn những ứng cử viên ngoài Đảng, nên khuyến khích và ủng hộ tất cả những ai tự thấy có khả năng, có lòng yêu nước chân thành. Những người này có thể chịu hay chưa chịu một số mặt nào đó về quan điểm nhưng chấp nhận đoàn kết, không gây chia rẽ dân tộc bằng nhiều con đường yêu nước khác nhau. Họ có thể là các nhân sĩ tiêu biểu, chức sắc tôn giáo, chuyên gia đầu ngành, những nhà kinh doanh tâm huyết...”
“Đây là cơ hội Đảng huy động rộng rãi trí tuệ tham gia cơ quan quyền lực của nhân dân. Tôi nghĩ nếu Đảng tập hợp được một lực lượng như vậy thì cho dù không chiếm đa số tuyệt đối trong QH, Đảng vẫn được đa số chấp nhận, ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng. Một đảng cầm quyền mà phát huy dân chủ tốt chứng tỏ là một đảng mạnh.”
Dù ý kiến thông thoáng của ông Kiệt đã bị đảng bỏ ngoài tai, nhưng trong cuộc phỏng vấn của chương trình tiếng Việt của BBC sau đó, ông Kiệt vẫn giữ quan điểm “ủng hộ mạnh chuyện để các ứng viên tự ứng cử và muốn người dân được "tự do lựa chọn"
Sau ông Kiệt là tiếng nói của giáo sư Phan Đình Diệu, một trí thức nổi tiếng của Việt Nam. Ông nói: “Việc hiệp thương để thỏa thuận phân phối số ĐBQH cho các cơ quan và tổ chức thuộc “hệ thống chính trị” trước khi tiến hành bầu cử là phủ định quyền tối cao quyết định của cử tri (tức của toàn dân) trong việc lựa chọn ĐBQH thông qua bầu cử. Do đó, hội nghị hiệp thương hoàn toàn mất tính chất “hiệp thương lựa chọn ứng cử viên” mà trở thành hiệp thương để chia ghế trong Quốc hội trước khi bầu cử.”
“Với việc tổ chức bầu cử và “hiệp thương” như vậy, không có chỗ cho việc ứng cử tự do của công dân. Các ứng cử viên tự do không do một cơ quan nhà nước hoặc một tổ chức nào trong “hệ thống chính trị” giới thiệu sẽ không có phần trong cơ cấu ĐBQH do “hiệp thương” thỏa thuận, và vì thế, dù có thể được đưa ra để bầu cũng khó trúng cử!”
“Về cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước đều khẳng định cần phải tổ chức thật sự tự do và dân chủ. Tôi thiển nghĩ điều đó trước hết cần được thực hiện ở giai đoạn Hiệp thương giới thiệu người ứng cử. Hiến pháp nước ta đã qui định rõ ràng quyền tự do ứng cử và bầu cử của mọi công dân. Cần xoá bỏ chăng chỉ là xoá bỏ một vài qui định tuy có tính luật pháp nhưng là vi Hiến, đi ngược lại các quyền tự do đó.” (Tạp chí Tia Sáng số 5, ngày 5-3-2007)
Người thứ ba, ông Nguyễn Trung, cựu Đại sứ, cựu trợ lý của Võ Văn Kiệt cũng gay gắt với đảng, trong bài phỏng vấn của VietNamNet ngày 2/3/2007.
Trả lời câu hỏi: “Có ý kiến cho rằng: “Phương thức “cử và bầu” có lẽ không còn hợp”. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Trung đáp: “Nên kết luận dứt khoát ngay: Vì lợi ích của đất nước, vì sự tồn vong của chế độ chính trị do Đảng lãnh đạo, nên quyết tâm bỏ lối “cử và bầu” – vì làm như thế chế độ chính trị sẽ yếu, trong tình hình đó Đảng sẽ ngày càng yếu nhanh hơn. Nguy hiểm lắm. Đảng phải tự rèn luyện để tiếp tục được thừa nhận vai trò lãnh đạo như lịch sử cách mạng của Đảng đã chứng minh.”
Được yêu cầu nhận xét về Quốc hội khoá XI vừa mãn nhiệm, ông Trung nói: “Tại điểm này, tôi xin lấy tư cách công dân phê bình Quốc hội khoá XI không làm tốt công việc chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khoá XII. Vấn đề cơ cấu đại biểu trong Quốc hội, vấn đề thực hiện vai trò là cơ quan lập pháp và cơ quan quyền lực tối cao của cả nước, mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng và cơ quan quyền lực tối cao của cả nước... và còn biết bao nhiêu vấn đề khác nữa của Quốc hội phải đổi mới cho kịp với đà phát triển của đất nước, song Quốc hội khoá XI chưa làm được gì nhiều đối với những vấn đề hệ trọng bậc nhất này...”
“…Bầu cử Quốc hội không thể chỉ đơn thuần mỗi một việc hiệp thương danh sách người được bầu và vận động dân đi bỏ phiếu! Chúng ta vẫn nói nhân dân là người chủ của đất nước, thì việc đầu tiên là phải đưa ra cho người chủ bàn về những việc lớn của đất nước, rồi để người chủ dựa vào đấy quyết định việc đi bỏ phiếu. Đó mới là bầu cử và là quy trình đúng...”
“…Khoảng 90% đại biểu Quốc hội khoá XI là đảng viên, tại sao Quốc hội khoá XI vẫn chưa làm tốt vai trò là cơ quan lập pháp và cơ quan quyền lực tối cao của cả nước? Mặt trận đứng ra tổ chức hiệp thương, song đa số trong bộ máy của các đoàn thể đứng trong Mặt trận là đảng viên, gần như đang có hiện tượng hiệp thương trên thực tế là giữa các đảng viên với nhau!”
ĐẠI BIỂU HỌP ÍT CHƠI NHIỀU
Liên quan đến trình độ và khả năng của Đại biểu Quốc hội khoá XI, bài báo ngày 23-3-07 của VietNamNet đã để lại nhiều điều xấu hổ.
Bài báo viết: “ Phát biểu của GS. Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của QH Nguyễn Ngọc Trân... đều nhận xét, tính gương mẫu của Quốc hội (QH) và đại biểu QH đều chưa thể hiện rõ. Một trong những bằng chứng là đại biểu QH vắng mặt quá nhiều trong các cuộc họp.”
“Tại phiên thảo luận ở Hội trường về Báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khoá XI của QH, các cơ quan của QH, diễn ra sáng nay (23/3), GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết, một số đại biểu không tham dự đều đặn các kỳ họp. GS ví dụ, ngay trong phiên thảo luận này đã thiếu khoảng 80 người, mặc dù đây là kỳ họp cuối và là những ngày đầu của kỳ họp.”
"Tính gương mẫu của QH, của các đại biểu QH chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân", GS. Dũng nói. Thậm chí, theo GS, "nhiều đại biểu đã ghi tên tham gia các Uỷ ban nhưng cả khoá hầu như không đi họp".
“Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của QH Nguyễn Ngọc Trân bổ sung, Uỷ ban Đối ngoại có 34 đại biểu, trong đó có 4 chuyên trách. Vậy mà đi họp từ đầu nhiệm kỳ được 18-19/34, cuối nhiệm kỳ còn 12-13 vị. Một số đại biểu được đề bạt lên chức vụ cao hơn, rút cuộc lại là không đi họp nữa…”
“Hơn nữa, GS Dũng nói thẳng, có đại biểu tham dự đầy đủ nhưng không phát biểu. Sự có mặt của đại biểu đó, do vậy cũng rất hạn chế. Số đại biểu này chủ yếu trong ngành quân đội, công an, lãnh đạo hay đại biểu dân tộc ít người.”
“Điều này dẫn đến một thực trạng, nói như ông Nguyễn Ngọc Trân, đó là sự dĩ hòa vi quý. Đó là tính chiến đấu của các đại biểu trong tranh luận chưa cao. Theo ông Trân, có tình trạng cài răng lược với nhau, người phát biểu ở đây thì chỗ khác lại hãm lại. Hiện tượng này dẫn tới chỗ đại biểu không dám phát biểu, bởi hễ phát biểu là đụng chạm, hễ đụng chạm thì như vậy có vấn đề quyền lợi trong này.”
Nếu lấy “quá khứ” làm gương cho tương lai thì dân trông mong gì vào Quốc hội khoá XII khi tự nó không do dân bầu ra mà lại của đảng dựng lên ?
Cơ quan tuyên truyền Đảng còn khoe các ứng viên Quốc hội kỳ này có học vấn cao, trẻ và có “tâm” và có “tầm” hơn các khoá trước, nhưng liệu số 500 người “đắc cử” theo phương pháp “đảng cử dân bầu” có đổi mới được Toà nhà Lập pháp hay sẽ tiếp tục làm con bùi nhùi hình nộm cho chế độ ?
Có điều nếu người nước ngoài nhìn vào danh sách 876 người được chọn thì họ sẽ thắc mắc hỏi tại sao chỉ có 29 ứng viên có theo đạo, số còn lại đều ghi “không” trong tờ khai lý lịch ?
Phía Công giáo có 3 Linh mục Thiện Cẩm (Sài Gòn) , Trần Mạnh Cường (Tỉnh Đắk Lắk) và Lê Ngọc Hoàn (Nam Định) được ứng cử.
Bên Phật giáo có Hoà thượng Thích Thanh Tứ (Trần Văn Long), Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Nhà nước, ứng cử tại đơn vị 6, Hà Nội; Hòa thượng Thích Chơn Thiện (Nguyễn Hội), Trưởng Ban Giáo dục Tăng ni GHPGVN, ứng cử tại Đơn vị 2, Huế.
Phật giáo Khmer có hai Hòa Thương Danh Nhưỡng và Danh Quyên cùng được bố trí ứng cử tại Đơn vị 1, tỉnh Kiên Giang.
Phật giáo Hoà Hảo có Nguyễn Tấn Đạt, Phó Ban Thường trực Ban trị sự Trung ương Phật giáo Hoà Hảo thân Nhà nước được đưa ra ứng cử tại Đơn vị 3, Long Xuyên.
Đại diện cao cấp nhất của đạo Cao Đài được ứng cử kỳ này tại Đơn vị 2, tỉnh Tây Ninh là Nguyễn Thành Tám (Đầu sư Thượng Tám Thanh), Hội trưởng Hội đồng Chưởng qủan.
Như vậy, số người vô đạo chiếm đa số trong Quốc hội vẫn không thay đổi so với các khoá trước. Số đông tuyệt đối đảng viên đắc cử cũng sẽ tiếp tục “đè đầu bóp cổ” thiếu số không đáng kể của 30 người “tự ứng cự” hay ngoài đảng, nếu họ được may mắn cho trúng cử kỳ này.
Trong khoá Quốc hội XI, chỉ có 10 phần trăm người ngoài đảng được vào Quốc hội là một bằng chứng khác làm nổi bật tính “bù nhìn” của cơ cấu quyền lực cao nhất của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa việt Nam.
Nhưng với phí tổn 350 tỉ đồng tiền mồ hôi, nước mắt của nhân dân, Quốc hội XII được bầu ra có đáng “đồng tiền bát gạo” không hay chỉ là một việc làm phí phạm “tiền mất” mà nhân dân vẫn tiềp tục phải “mang tật” không có dân chủ và tự do trên lưng ?
Phạm Trần
26/4/2007
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1749
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire