1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mercredi 25 avril 2007

Những tiết lộ có thể thấy được qua cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt

Những tiết lộ có thể thấy được qua cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt
21/12/06
DỐC THƯỢNG °Ảnh: VŨ HOÀNG LÂN


Sự kiện cựu thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đồng ý tiếp xúc và cho phép Việt Weekly, một tờ báo Việt ngữ của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại phỏng vấn, đã tạo ra nhiều chấn động xôn xao và là đề tài bàn tán của rất nhiều người. Hậu chấn của nó vẫn còn đang được nhiều phe phái theo dõi và đo lường.

Sở dĩ có sự chấn động, vì đây là lần đầu tiên có một sự đối thoại của lãnh đạo cao cấp của nhà nước Việt Nam và cộng đồng tỵ nạn Việt Nam tại hải ngoại. Sự lên tiếng của ông Võ Văn Kiệt không có tính cách chính thức, nhưng những tiết lộ của ông cho thấy được đường hướng và suy nghĩ của nhà nước Việt Nam ở tầng cao nhất. Bởi vì mặc dù ông không còn giữ chức vụ thủ tướng nữa, nhưng trong vai trò nhà thiết kế công cuộc đổi mới của Việt Nam và cố vấn chính phủ Việt Nam, ông vẫn là người rất có thẩm quyền để nói về đường hướng của Việt Nam hiện nay.

Trong hơn 30 năm qua, từ sau ngày Sài Gòn thất thủ, gần như không có một cuộc đối thoại có tính cách chính thức nào giữa cộng đồng tỵ nạn hải ngoại và nhà nước Việt Nam. Phía cộng đồng tỵ nạn Việt Nam, qua các cơ quan báo chí, đảng phái, và các chính trị gia, đã liên tục đưa ra nhiều tuyên ngôn, nghị quyết, tường trình, báo cáo, thông tin, hay bình luận, nhưng hoàn toàn không nhận được hồi âm phản biện nào từ phía Việt Nam. Phía Việt Nam lờ đi, không hề có thái độ ghi nhận những phản ứng từ phía cộng đồng hải ngoại, với lý do rằng, đó là phản ứng cực đoan của một số ít những người thua trận hay đã bị mất mát trong chiến tranh. Mỗi khi đưa ra những vấn đề, chính sách có liên quan đến người Việt hải ngoại, họ đều qua các cơ quan báo chí chính thức ở trong nước.

Tình trạng đó tiếp tục dai dẳng cho đến khi có sự lên tiếng của ông Võ Văn Kiệt trên một tờ báo của cộng đồng tỵ nạn. Sự lên tiếng đó đã làm mọi người chấn động và suy gẫm.

Phản ứng của người dân hải ngoại

Về phía người dân, bài phỏng vấn cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được đón nhận một cách nồng nhiệt, vì những câu hỏi gai góc nhất đã được đặt ra từ góc độ quan điểm của cộng đồng hải ngoại. Dù bênh hay chống Việt Nam, hầu hết người dân đã công nhận sự hữu ích trong việc một tờ báo hải ngoại đã tiếp xúc trực tiếp với cấp lãnh đạo Việt Nam để có những câu trả lời cần thiết về đường hướng và chính sách quốc gia. Trừ một nhà sách từ chối không bán số báo Việt Weekly có hình ông Võ Văn Kiệt trên bìa, và một vài độc giả lo mua báo sớm bởi vì sợ sẽ có biểu tình, ngoài ra hầu như không có những phản ứng tiêu cực nào khác.

Phản ứng của giới truyền thông hải ngoại

Về phía giới truyền thông hải ngoại, chấn động đáng ghi nhận đầu tiên nhất là sự im lặng hoàn toàn gần như đồng loạt - không thấy, không nghe, không viết, không nói.

Giống như, đang pháo kích về phía bên kia đồi, không biết trúng trật ra sao, bất ngờ thấy đối phương xuất hiện ngay tận chân tường, nhảy xuống giao thông hào đòi cận chiến, cho nên nhất thời còn đang định thần, suy nghĩ cách đối phó.

Vào thời thập niên 1980, sau khi thống nhất đất nước, xâm lăng Campuchia, và đánh nhau với Trung Cộng, Việt Nam bị cộng đồng hải ngoại chỉ trích là sai lầm, đi theo chủ nghĩa cộng sản, đưa đất nước vào cô lập, lụn bại, và chiến tranh triền miên. Vào thập niên 1990, khi Việt Nam đi vào đổi mới, lại bị chỉ trích là ngu dốt, độc đảng, và tham nhũng.
Đến thập niên 2000, khi tình hình kinh tế Việt Nam bắt đầu khả quan hơn và nối lại được quan hệ ngoại giao với quốc tế, lại bị chỉ trích còn đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền. Mặc dù càng ngày càng bớt toàn diện và bớt quyết liệt hơn, những chỉ trích như thế đều đúng và có sức thuyết phục đối với người dân tại hải ngoại, nhất là khi không có sự phản biện từ phía Việt Nam. Với những vận dụng lý lẽ đặt trên nền tảng lý tưởng xã hội được cả thế giới đề cao, giới truyền thông tại hải ngoại tự tin rằng không có cách chi nhà nước Việt Nam có thể bào chữa về những sai lầm và bế tắt của mình. Chính vì thế, cho nên họ cho rằng nhà nước Việt Nam đã không dám ra mặt tranh luận một cách công khai.

Quả đúng vậy, không thể nào và không có ai muốn bào chữa cho một chủ nghĩa đang sụp đổ ở khắp nơi, với tất cả những sai lầm đã được chứng nhận. Phía Việt Nam đã nhẫn nhục chịu đựng, nỗ lực “đổi mới” để sống còn, và cuối cùng, khi thoát ra giai đoạn nguy hiểm, đạt những thắng lợi kinh tế, ngoại giao, được cả thế giới ghi nhận, tiêu biểu như qua các sự kiện WTO và APEC, khi đó họ mới lên tiếng qua ông Võ Văn Kiệt.

Họ nói rằng, có thể là chúng tôi đã sai lầm, nhưng 20 năm qua, từ khi đổi mới, chúng tôi đã “đúng”, mang lại những thành tựu cụ thể cho đất nước ngày hôm nay. Nếu đồng ý với nhau như thế, rõ là không công bình khi đòi hỏi chúng tôi phải bị thay thế.

Không thể có chuyện thay thế được trong khi kinh tế đang đi lên, an ninh ổn định, và thế giới đang đầu tư vào. Hơn nữa, phía các anh, chẳng có thế lực chính trị nào có vẻ có khả năng thực sự để thay thế chúng tôi cả.

Phía Việt Nam đưa ra tiền đề rằng, “nguy cơ lớn nhất của Việt Nam là tụt hậu.” Những lý tưởng như đa nguyên, đa đảng, dân chủ, hay nhân quyền chưa phải là ưu tiên số một. Nếu quốc gia không thoát ra khỏi được tình trạng nghèo khó và nâng cao dân trí càng sớm càng tốt, sẽ không có đa nguyên, đa đảng, dân chủ, nhân quyền gì cả. Các anh hải ngoại mà vào đây ngay giờ phút này, lập nên đa nguyên, đa đảng, các thế lực kinh tế hỗn tạp của xã hội sẽ lợi dụng tình trạng dân trí thấp để mị dân, tranh thủ vai trò chính trị, chống nhau, cãi nhau tanh bành xí quách, đầu tư thế giới sẽ bỏ chạy hết.

Nếu đã đồng ý rằng, “tụt hậu là nguy cơ số một”, các anh phải để yên cho chúng tôi làm việc, bởi vì, chính sự kềm kẹp độc đảng của chúng tôi, mới mang lại sự ổn định cho quốc gia, và vì thế mới hấp dẫn đầu tư của quốc tế vào Việt Nam, nhất là trong tình hình chiến tranh khủng bố toàn cầu. Ở giai đoạn này, phát triển kinh tế là trên hết, vả lại chúng tôi cũng đang tự cải tổ để càng ngày càng dân chủ hơn. Còn chuyện các anh đòi hỏi ... ừ ừ, sao cũng được, phải cần có thời gian, tương lai rồi sẽ tính ... cái nào phải thì làm ... toàn dân sẽ quyết định.

Lối lý luận dựa trên thành tựu cụ thể và nhu cầu thực tế đó được phía Việt Nam đưa ra để đối trả lại những lý luận có tính cách lý thuyết của phía cộng đồng hải ngoại, đã khiến cho giới lý luận báo chí ở hải ngoại hơi bị bất ngờ và đang tìm cách trả lời.

Cuộc phỏng vấn để lộ nhu cầu của phía Việt Nam

Nếu đối phương án binh không động thủ, sẽ khó thấy được ưu khuyết điểm của họ. Ngược lại, khi động thủ, họ sẽ tiết lộ rất nhiều về nhu cầu, động cơ, và đường hướng của mình. Người đọc có thể thấy được những gì qua cuộc phỏng vấn của ông Võ Văn Kiệt?

Ấn tượng đầu tiên là thái độ cởi mở, ôn hòa và thẳng thắn tiếp cận những vấn đề, kể cả những vấn đề gai góc nhất như điều 4 hiến pháp, hay đa nguyên, đa đảng. Sự thẳng thắn bày tỏ một sự tự tin vào tình trạng ổn định của chế độ. Với những thành quả như thắt chặt bang giao với Mỹ, vào WTO, tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC, kinh tế phát triển nhanh ở tốc độ đứng hàng thứ nhì trên thế giới, thế giới đang đổ đầu tư vào, có lẽ giờ phút này, không có ai trên thế giới còn muốn thấy chế độ cầm quyền của Việt Nam bị lật đổ nữa, trừ một số thế lực chính trị của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Vì thế cho nên, phía Việt Nam đã có sự tự tin và yên tâm để tiếp cận với mặt trận cuối cùng này.

Vai trò của cộng đồng hải ngoại trong quan hệ bang giao Mỹ-Việt

Đây là một mặt trận khá quan trọng, có thể ảnh hưởng đến của quan hệ chiến lược Mỹ-Việt, cho cả Mỹ lẫn Việt Nam. Quan hệ này có thể gặp phải nhiều khó khăn và trục trặc, nếu cộng đồng Việt Nam tại Mỹ vẫn tiếp tục quyết liệt chống đối Việt Nam. Vai trò của cộng đồng Việt Nam tại Mỹ, mặc dầu không được đặt ra một cách chính thức ở bàn hội nghị, nhưng vẫn có sự hiện diện và được nhắc tới khá nhiều lần trong cuộc viếng thăm của tổng thống Bush tại Việt Nam vào tháng 11 năm 2006 vừa qua.
Ông Bush nhắc đến việc con của các cấp lãnh đạo Việt Nam đang du học tại Mỹ và có quan hệ với cộng đồng hải ngoại. Bà ngoại trưởng Rice, trong một câu trả lời với giới thương mại đã khuyến khích giới thương gia hải ngoại thuyết phục cộng đồng tạo một quan hệ tốt đẹp hơn với Việt Nam. Nhiều nhân vật chính trị của cộng đồng Việt Nam nắm giữ những vai trò cố vấn cho các vấn đề Việt Nam với chính quyền Mỹ. Báo chí Việt ngữ tại hải ngoại đã được chính quyền Mỹ giúp tạo áp lực để được có mặt tại Việt Nam trong dịp hội nghị APEC.

Để kinh tế Việt Nam có thể phát triển, xâm nhập được vào thị trường Mỹ, Việt Nam sẽ cần rất nhiều nhân sự, kiến thức, kinh nghiệm và quan hệ đã có sẵn trong cộng đồng hải ngoại. Để Việt Nam không gặp khó khăn và đạt được thắng lợi về mặt đối ngoại với Mỹ, không những họ cần cộng đồng hải ngoại có một thái độ ôn hòa và thân thiện với Việt Nam, mà họ còn cần tập thể cử tri Việt ở Mỹ tích cực vận động ủng hộ những đòi hỏi của họ về mặt chính trị với Washington D.C.

Chính vì tầm quan trọng đó, cho nên ông Võ Văn Kiệt đã có một thái độ ôn hòa và gọi mời một sự hòa giải. Ông nói, “cũng phải cho người cộng sản một chỗ đứng yêu nước chứ!”, một lời nói có vẻ khiêm tốn, bởi vì người cộng sản đang cầm quyền, xưa nay đâu cần phải hạ mình cầu xin việc gì. Ông xác nhận có sai lầm về việc đi theo chủ nghĩa đại đồng, nhưng đồng thời cũng nêu ra, phần lớn những nỗ lực từ trước tới nay của đảng cộng sản Việt Nam là cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam. Ông mong muốn người hải ngoại cho người cộng sản đứng chung trong cộng đồng dân tộc. Ông cầu mong cộng đồng hải ngoại ghi nhận những thành tựu của đảng cộng sản trong việc phát triển đất nước hiện nay và cho họ có thêm thời gian để hoàn chỉnh việc dân chủ hóa đất nước. Giữ hay không giữ điều 4 hiến pháp trong việc độc quyền chính trị cũng không là quan trọng.

Nhiều người đọc bài phỏng vấn, cho rằng, đây là một chiêu thức của một chính trị gia thượng thừa của Việt Nam, chỉ nhằm ru ngủ cộng đồng hải ngoại và mua thêm thời gian cho một mục đích cuối cùng là ổn định sự cầm quyền tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng thế nào đi nữa, thái độ của ông Võ Văn Kiệt thể hiện rất rõ nhu cầu cần hòa giải với cộng đồng hải ngoại trong giai đoạn này.

Cộng đồng hải ngoại nên làm gì?

Đứng trước một cơ hội chính trị này, cộng đồng Việt Nam nên tỉnh táo phân tích vấn đề. Có hai chọn lựa.
Một là tiếp tục chống đối theo cách quyết liệt không nhân nhượng. Giải pháp này chỉ có một hiệu quả là làm trì trệ sự phát triển của Việt Nam về mặt kinh tế và chính trị mà thôi. Nó sẽ không lật đổ được chế độ cầm quyền Việt Nam như những đảng phái ở hải ngoại mong muốn. Bởi vì Mỹ đã nối lại bang giao với Việt Nam và không chấp nhận những chống đối có tính cách bạo lực. Việc giải giao Võ Văn Đức về Thái Lan là một tín hiệu cụ thể về xu hướng này. Bởi vì đa số người dân Việt Nam hiện nay hài lòng với những tiến triển kinh tế đang có, và mong muốn có sự ổn định về chính trị, để tiếp tục kéo dài trạng thái phát triển kinh tế. Giai đoạn chín muồi để lật đổ chính quyền Việt Nam đã qua rồi, đó là những năm đói khát bần cùng, người dân phải bỏ nước ra đi, của thập niên 1970-1980, nhưng những thế lực chính trị ở hải ngoại đã không làm được điều đó.

Lựa chọn thứ hai là nắm lấy cơ hội mời gọi của ông Võ Văn Kiệt và đẩy mạnh cuộc đối thoại. Bắt phía Việt Nam phải công nhận tư thế chính thống và sự đúng đắn của các vấn đề do phía hải ngoại đưa ra. Khi đạt được tư thế đối thoại như một đối tác chính thức, phía hải ngoại đã ngẫu nhiên trở thành tiếng nói đối lập chính thức với nhà cầm quyền Việt Nam. Đây là tiếng nói đối lập có thể chấp nhận được đối với nhà cầm quyền Việt Nam bởi vì nó cách xa Việt Nam tới một Thái Bình Dương, không tạo những đe dọa cấp thời tới sự an ninh mà phía Việt Nam rất lo lắng.

Dĩ nhiên, chính trị là một trò chơi thương lượng những quan hệ quyền lợi của nhau.
Phía Việt Nam muốn phát triển kinh tế và tiếp tục cầm quyền. Phía hải ngoại muốn nới lỏng chính trị và cho nhiều đảng phái tham gia. Phía Việt Nam không phản đối trên nguyên tắc, nhưng viện dẫn lý do cần ổn định để phát triển kinh tế, và đòi hỏi cần có nhiều thời gian hơn.

Đứng trước tình trạng này, phía hải ngoại có thể làm gì? Có thể nhiều lắm, bởi vì họ có nhiều chọn lựa, họ có nhiều lợi thế để mặc cả. Giả dụ họ có thể nói rằng, chúng tôi đồng ý sẽ hợp tác trên khía cạnh kinh tế, nhưng các anh phải từng bước cho chúng tôi tham gia vào chính sách quốc gia, nhất là có tiếng nói trong tiến trình dân chủ hóa đất nước, chẳng hạn.

Đó là nếu cộng đồng hải ngoại có những lãnh đạo giỏi, có tầm vóc, có viễn kiến, có khả năng, còn nếu không có, phía Việt Nam sẽ không cần phải mặc cả với ai hết mà vẫn có thể khống chế được cộng đồng hải ngoại một cách dễ dàng.

Aucun commentaire: