1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

samedi 28 avril 2007

Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là cái gì?

Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là cái gì?
Duy Anh


Đọc cụm từ “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, với tư cách một người dân bình thường, tôi thú thật không hiểu rõ lắm ý nghĩa muốn nói lên cái gì. Tôi chắc là các vị lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam đã phải hao tổn tâm trí nhiều lắm, cộng thêm sự góp ý của đảng viên các cấp từ cơ sở đưa lên, ý nghĩa hẳn nhiên phải là rất cao siêu và vạch được một con đường đúng đắn nhất cho đất nước vươn lên ngang tầm với các nước láng giềng Đông Nam Châu Á!

Tuy nhiên, tôi (và rất nhiều người dân bình thường khác) vẫn có những thắc mắc đặt ra là:

- Như vậy, từ nay Việt Nam sẽ dứt khoát phát triển kinh tế theo lối tư bản chủ nghĩa chưa?

- Định hướng xã hội chủ nghĩa có nghĩa là hướng về dân tộc, hướng về công bằng xã hội… là những điều mà ai cũng thích thú hay lại “chập chờn” hướng về chủ nghĩa cộng sản, là một ý thức hệ đã bị lên án khắp nơi trên thế giới?

- Có trường hợp nào những từ ngữ trên chỉ là những mỹ từ không có ý nghĩa gì rõ rệt, ai muốn hiểu sao thì hiểu, chẳng qua chỉ là một tập hợp các ý tưởng để chiều theo các khuynh hướng suy nghĩ khác nhau trong nội bộ của đảng cộng sản Việt Nam?

Có lẽ việc làm hợp lý đầu tiên là thử tìm hiểu các văn kiện chính thức của nhà nước hiện nay của Việt Nam nói gì về điều này.

Đặc trưng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam

Theo Phó Trưởng ban kinh tế trung ương Nguyễn Văn Đặng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có những đặc trưng như sau (nhandan.com.vn ):

Tóm tắt một số ý chính:

1- Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường, phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của Việt Nam.

2- Tính chất xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế ngày càng được hình thành rõ nét hơn trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

3- Ðây là nền kinh tế thị trường có tổ chức, có sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản.

4- Là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Ðảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng.

5- Thực hiện xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển lâu dài.

6- Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng không ngừng tìm tòi, đổi mới và tổng kết lý luận - thực tiễn để có nhận thức ngày càng đúng đắn hơn và đầy đủ hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng thời tìm tòi, đổi mới để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Triển khai nghị quyết Đại Hội X của Đảng Cộng Sản, báo của đảng khẳng định ( http://cpv.org.vn ):

Từ thực tiễn 20 năm đổi mới, một trong những bài học lớn Đại hội X của Đảng đã rút ra là: “Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn”.

Và báo Quân đội nhân dân (tất nhiên cũng của đảng) cũng phụ họa theo ( http://www.qdndqdnd.vn ):

Đến Đại hội IX, Đảng ta khẳng định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Gần đây nhất, tại Đại hội X, Đảng ta tiếp tục nhất trí quan điểm: “Để đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Kết luận của Viện kinh tế thành phố Hồ Chí Minh thì nói rằng (http://vienkinhte.hochiminhcity.gov.vn ):

Tóm lại, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là mô hình chưa có tiền lệ trong lịch sử cả về lý luận lẫn thực tiễn. Vì vậy, vừa phải tiến hành trong thực tiễn, nhưng đồng thời cũng phải không ngừng nghiên cứu để khái quát thành lý luận. Và đây là quá trình phát triển lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn; đòi hỏi phải thực thi có hiệu quả cao đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách khác nhau một cách linh hoạt, uyển chuyển .

Các nhận xét

Ý thứ nhất và ý thứ sáu có vẻ cho thấy là Việt Nam đang thử nghiệm một mô hình kinh tế mới chưa có trên thế giới, chưa có tiền lệ cả về lý luận lẫn thực tiễn. Thoạt nghe qua thì người dân thường như tôi không khỏi nức lòng, Việt Nam ta dám làm những chuyện chưa có trên thế giới!

Nhưng người lo xa thì không khỏi giât mình khi nghĩ đến chuyện nếu thử nghiệm thất bại thì ai chịu trách nhiệm đây? Mà thông thường muốn đánh giá kết quả của một chính sách kinh tế thường phải có một thời gian thật dài hàng chục năm mới có thể kết luận thành quả được.

Từ đó tôi chợt nghĩ tại sao trên thế giới đã có biết bao nhiêu bài học, bao nhiêu kinh nghiệm, bao nhiêu trường hợp có thể học hỏi mà tại sao đảng cộng sản Việt Nam cứ phải nhất quyết bắt dân tộc phải làm vật thí nghiệm cho một lý thuyết chưa có tiền lệ trong lịch sử cả về lý luận lẫn thực tiễn? Nghĩ không ra.

Đành rằng mô hình nào cũng phải phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của Việt Nam, mình không thể bắt chước 100% ai được, nhưng cái chuyện “Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng không ngừng tìm tòi, đổi mới và tổng kết lý luận - thực tiễn để có nhận thức ngày càng đúng đắn hơn và đầy đủ hơn”, nghe giống như đảng vẫn còn …đi học và chưa biết phải thực hành như thế nào. Tìm tòi đã gần mấy chục năm rồi mà nhận thức vẫn chưa thật đúng đắn và đầy đủ thì khổ dân quá!

Ý thú hai và ý thứ tư thì khá rõ ràng:

- “Phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

- Nghĩ đến đây thì tôi toát mồ hôi. Như vậy mục tiêu cuối cùng vẫn là tiến lên chủ nghĩa xã hội theo kiểu Mác-Lê, nghĩa là chủ nghĩa cộng sản! Không thể nào lầm được, đọc đi đọc lại, rõ ràng cụm chữ “chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin” nó sờ sờ ra đó. Nghe đến chủ nghĩa Mác- Lênin không thể nào không liên tưởng đến chuyên chính vô sản, đến đấu tranh giai cấp v.v…sợ hãi lắm rồi. Điểm quan trọng nhất là đảng cộng sản Việt Nam vẫn quan niệm giai đoạn hiện nay chỉ là “thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

- Điều này làm nản lòng những người mong muốn có một sự chuyển đổi triệt để trong đường lối của cấp lãnh đạo hiện nay của Việt Nam. Như vậy chẳng qua cũng chỉ là “bình mới, rượu cũ” mà thôi. Những ai còn lạc quan tin tưởng: “Hồi này hết cộng sản rồi, nhà nước cho tự do làm ăn buôn bán thoải mái” cần xem kỹ lại chuyện này.

- Nhiều người lý giải sự kiện các văn kiện của đảng cộng sản vẫn nhắc lại sự kiên định đi lên xã hội chủ nghĩa trên nền tảng triết lý Mác – Lê chẳng qua để bảo vệ sự thống nhất của chế độ độc đảng toàn trị chứ thật ra ý không phải như vậy. Điều này cũng vô lý nữa vì hóa ra nghị quyết nói một đàng, triển khai một nẻo hay sao?

Ý thứ ba thì rất cụ thể:

- Đảng lãnh đạo tuyệt đối. Không chấp nhận đa nguyên dân chủ. Bản thân tôi thiệt tình không phản đối độc đảng hay đa đảng, thể chế nào cũng tốt miễn là người dân được cơm no áo ấm, nhân quyền được bảo đảm. Nhưng vấn đề đặt ra là lấy gì bảo đảm đảng lãnh đạo không sai lầm? Tôi không thấy một qui chế hay đạo luật nào có thể qui trách nhiệm những sự sai lầm cho đảng cả. Đảng là trên hết, có quyền lãnh đạo nhưng không bị trách nhiệm ràng buộc!

- Có lẽ để bảo đảm hàng ngũ đảng sẽ không tha hoá, tham ô hối lộ nên nghị quyết ghi là “Tư tưởng Hồ chí Minh (sẽ) làm kim chỉ nam cho hành động cách mạng”. Thật là đơn giản đến mức kinh ngạc. Tệ nạn tham nhũng hoành hành đến mức độ có thể làm sụp đổ cả một xã hội mà phương thuốc cứu chữa chỉ là “xin” các cán bộ hãy học tập tư tưởng Hồ chí Minh mà tự giác đừng tham nhũng nữa… Gần đây, để triển khai nghị quyết, Bộ Chính trị vừa ra chỉ thị 06-CT/TW , yêu cầu toàn dân học tập để nhận thức về những "nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ chí Minh", bắt đầu từ tháng Hai 2007 và kéo dài trong năm năm, đến 2011. Như thể toàn dân tộc Việt Nam với 4 ngàn năm văn hiến còn thiếu sót nhiều lắm về mặt đạo đức vậy.

Ý thứ năm thì có vẻ mâu thuẫn với các ý khác:

- Thực hiện xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển lâu dài.

- Đã kiên định tiến lên chủ nghĩa xã hội Mác – Lê mà lại công nhận lâu dài các hình thức sở hữu, trong đó có sở hữu cá nhân các mức độ khác nhau (làm ăn cá thể, xí nghiệp tư nhân, xí nghiệp cỗ phần, tư bản thương mãi v.v…) thì rõ ràng là một sự mơ hồ khó ai có thể hiểu được.
Thôi thì cứ coi như thời kỳ quá độ một cách lâu dài để tiến lên chủ nghĩa xã hội cho nó chắc ăn vậy. Lâu dài bao lâu thì không ai biết.

- Nhưng khi triển khai nghị quyết, cho phép đảng viên được làm kinh tế, được làm chủ xí nghiệp tư nhân, được thuê mướn và bóc lột công nhân, được “ưu tiên” tham gia cỗ phần doanh nghiệp nhà nước, thì mọi chuyện có vẻ dễ hiểu hơn. Đảng viên có quyền hiểu “xoá bỏ phân biệt” ở đây là xóa bỏ ranh giới đảng viên hay không đảng viên, ai cũng có quyền “tham gia” kinh tế thị trường cả. Đảng viên được làm kinh tế, được trở nên giàu có, thì bao giờ tiến lên chủ nghĩa mà chả được, vội chi.

Kết luận

Đọc các ý chính của nghị quyết đảng cộng sản Việt Nam lần này, tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến nỗi thống khổ của người dân Việt Nam đã phải chịu dưới sự cai trị của giai cấp đảng viên đảng cộng sản hàng mấy chục năm qua.

Một văn kiện có tính cách chiến lược, vạch đường lối cho cả một dân tộc mà mù mờ như một bản văn tế như thế này thì quả thật đã coi thường dân trí quá sức.

Tôi tin là những người Việt Nam yêu nước rất lấy làm buồn cho hiện tại và tương lai của đất nước Việt Nam. Tôi không tin là giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay và tập thể trí thức xã hội chủ nghĩa thực sự không hiểu kinh tế thị trường là gì mà chẳng qua vì lợi ích nhóm và muốn duy trì một trật tự xã hội cũ, họ lại một lần nữa vẽ ra một hướng đi mà quyền lợi nhóm được đặt lên trên quyền lợi của dân tộc và của Tổ Quốc Việt Nam.

Aucun commentaire: