1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

vendredi 27 avril 2007

Nhìn lại các Hiến Pháp Việt Nam

Nhìn lại các Hiến Pháp Việt Nam


Nguyễn Quang Duy

Phạm Đỉnh: Gần đây, trong những thảo luận về hướng đi tương lai của một số những người quan tâm đến dân chủ trong nước, có ý kiến cổ vũ cho việc quay trở lại Hiến Pháp 1946. Đó chẳng qua chỉ là một phản ứng lại với một bản Hiến Pháp hiện nay có tính cách chuyên chính giai cấp triệt để. Tính cách chuyên chính thể hiện đầy đủ trong điều 4, quy định độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản.

Hiến pháp tương lai của Việt Nam sẽ phải đặt trên cơ sở nào, và có diện mạo ra sao? Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên quan niệm là bản Hiến pháp của Việt Nam tương lai cần vượt bỏ những thể nghiệm thất bại của thế kỷ XX, do vậy cần phải hội đủ những tính cách nền tảng cho một thể chế dân chủ đa nguyên. Mời bạn đọc tham khảo thêm Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên.



Hiến Pháp Xô-viết và Các Hiến Pháp Việt Nam
Nguyễn Quang Duy
Ngày 1/1/2006, ông Trần Xuân Bách, nguyên ủy viên bộ chính trị, bí thư trung ương đảng cộng sản, qua đời. Ông đã được ĐCS giao nhiệm vụ nghiên cứu về lý luận trong hoàn cảnh các nước cộng sản, đặc biệt là Liên Xô, lúc ấy đang phải đối đầu với khủng hoảng xã hội toàn diện. Qua quá trình nghiên cứu và thực tế, ông đã đặt thẳng vấn đề :"... quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là như thế nào? Có nước tự coi mình không cần đổi mới đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị đã bục to. Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tập tễnh đi một chân." Mặc dù thất bại trong việc thuyết phục những người cầm quyền trao trả lại quyền làm chủ đất nước cho người dân, ông đã đi vào chính sử Việt Nam như một nhà đấu tranh cải cách chính trị.

Ngày 1/1 hằng năm cũng nên là ngày kỷ niệm (hay ngày giỗ) cuả hiến pháp 1946. Ngày này năm 1960 Hồ chí Minh đã ban hành hiến pháp 1959 không qua trưng cầu dân ý. Bài viết này cho thấy các hiến pháp sau chỉ là bản sao cuả hiến pháp Xô-viết được sử dụng trong thời Stalin và hậu quả cuả nó.

Hiến Pháp Cộng Hòa Liên Bang Xô-viết.

Karl Marx cho rằng hiến pháp và luật pháp chỉ là những công cụ cuả giai cấp thống trị tư sản, không cần thiết trong nền chuyên chế vô sản, cho việc xóa bỏ các giai cấp và thành lập một xã hội không có nhà nước. Xã hội này được Marx đặt tên là xã hội cộng sản.

Cách mạng tháng mười thành công. Một Quốc hội lập hiến đã được thành lập nhằm mục đích soạn ra một hiến pháp cho nước Nga. Đảng Bolshevik chỉ chiếm thiểu số 175 trong tổng số 707 đại diện. Nhưng bằng tẩy chay và bạo lực, Lenin và những người Bolshevik đã giải tán Quốc hội lập hiến. Sau đó thành lập một chính quyền Xô-viết, chỉ gồm đại diện cuả giai cấp vô sản, không có các đại diện tư sản và qúy tộc.

Lenin đã giải thích cho việc giải tán Quốc hội lập hiến như sau: "... lợi ích cuả cách mạng cao hơn các quyền hạn hình thức cuả Quốc Hội Lập Hiến (...). Quan điểm dân chủ thuần túy hình thức chính là quan điểm của dân chủ tư sản, là kẻ không thừa nhận rằng lợi ích của giai cấp vô sản và của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản cao hơn hết." và "Chuyên chính là chính quyền dựa trực tiếp vào bạo lực và không bị luật pháp nào hạn chế cả." (Lenin, Cách mạng Vô sản và tên phản bội Cau-xky, các trang 71 và 76, trích lại từ Mai Thái Lĩnh)

Khác với Marx và Lenin, Stalin sử dụng hiến pháp để che đậy chế độ độc tài toàn trị Xô-viết. Tháng 2 năm 1935, một ủy ban soạn thảo hiến pháp đã được thành lập. Bản hiến pháp Xô-viết đầu tiên đã được chính thức ban hành vào tháng 11 năm 1936, và được tự nhận như một bản hiến pháp "dân chủ nhất thế giới". Dân chủ đến độ Bukharin và Radek, hai soạn giả cuả hiến pháp nói trên, đã bị kết án tử hình vào tháng 3 năm 1938. Chỉ trong hai năm 1937 và 1938, để củng cố quyền lực, Stalin đã đạo diễn một cuộc đại thanh trừng đẫm máu, với hàng loạt những vụ án công khai và bí mật. Dẫn đến việc đày ải, tàn sát hay thủ tiêu hàng chục triệu nạn nhân bị Stalin và đồng bọn coi là bất lợi cho việc cầm quyền.

Hiến pháp Xô-viết 1936 (và hiến pháp tu chính 1977) đã đề cập rất rõ mối quan hệ giữa đảng và nhà nước. Điều 6 cuả hiến pháp 1977 ghi rõ "Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo và hướng dẫn cuả xã hội Xô-viết và là hạt nhân cuả hệ thống chính trị".

Theo những hiến pháp Xô-viết, nền chính trị cuả Liên Bang Xô-viết được tạo thành bởi các Xô-viết đại biểu nhân dân. Xô-viết có thể được dịch là các hội đồng. Các hội đồng được thành lập ở mọi cấp trong hệ thống hành chính tòan trị. Quyền lực, trên lý thuyết, tập trung trong tay Xô-viết tối cao bao gồm hai viện: Xô-viết Liên Bang và Xô-viết các dân tộc. Cử tri lại chỉ được phép chọn lựa những người đã được đảng cộng sản giới thiệu vào hai viện trên.

Về hình thức, việc ban hành luật pháp phải có sự phê chuẩn của cả hai viện Xô-viết tối cao. Trên thực tế mọi việc đã được đoàn chủ tịch quyết định. Đoàn chủ tịch thì lại bị trực tiếp điều khiển bởi bộ chính trị đảng cộng sản.

Do đó, hiến pháp chỉ được soạn ra cho có hình thức. Các nghị quyết cuả đảng mới là các văn bản có giá trị. Đây là những nguyên tắc vận hành cả guồng máy Xô-viết.

Mô hình này hiện tại vẫn còn được sử dụng tại Việt Nam.

Hiến Pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa

Nhật đầu hàng đồng minh. Trần Trọng Kim từ nhiệm. Các tổ chức chính trị đã liên tiếp tổ chức các cuộc biểu tình ở khắp nơi đòi thay đổi chế độ quân chủ. Nhân cơ hội này, ĐCS đã chủ động cướp chính quyền để thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình Hà Nội, Hồ Chí Minh đã đọc bản "Tuyên Ngôn Độc Lập" lấy tên nước là VNDCCH.

Ngay ngày hôm sau 3/9/1945 trong phiên họp của chính phủ, HCM đã tuyên bố "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu". Ngày 20/9/1945, chính phủ lâm thời đã ban hành sắc lệnh số 34 thành lập ban dự thảo hiến pháp gồm 7 người đứng đầu là HCM.

Ngày 6/1/1946, cuộc tổng tuyển cử đã được tiến hành. Kết quả là Việt Minh đã chiếm đại đa số trong số 333 đại biểu. Ngày 20/2/1946, nhân dân Hà Nội biểu tình phản đối kết quả bầu cử có nhiều bằng cớ gian lận, đả đảo chính phủ HCM, yêu cầu cựu hòang Bảo Đại ra cầm quyền để kết hợp tòan dân. Ngày 2/3/1946, trước áp lực của dân chúng và cũng như sức mạnh quân sự của người Pháp và người Trung Hoa, HCM đã phải thu xếp mở rộng thêm 70 đại biểu (không qua bầu cử) từ các nhân sỹ và các nhà cách mạng không thuộc ĐCS vào Quốc hội.

Trong kỳ họp Quốc hội lần thứ nhất này, HCM đã thành lập được chính phủ Liên hiệp Kháng Chiến, do HCM làm chủ tịch. Và Quốc Hội cũng đã bầu lại một Ủy ban dự thảo hiến pháp gồm 11 người thuộc các đảng phái, tổ chức và dân tộc cũng do HCM chủ trì.

Trong kỳ họp lần thứ hai, từ 28/10 đến 9/11/1946, Quốc Hội đã thông qua hiến pháp 1946. Hiến pháp này được xây dựng trên 3 nguyên tắc: đòan kết dân tộc, bảo đảm các quyền tự do dân chủ và xây dựng một nhà nước pháp trị. Trong lời mở đầu, hiến pháp này không đề cập gì đến công trạng hay vai trò của ĐCS. Mà nói rõ độc lập là công lao cuả toàn dân. Về nội dung các quyền tự do dân chủ và quyền mưu cầu hạnh phúc của công dân được ghi thật rõ ràng minh bạch. Hiến Pháp này đã được một Quốc Hội hợp pháp, đa nguyên, đa đảng soạn thảo và thông qua.

Sau tám mươi năm Pháp thuộc và việc chấm dứt chế độ quân chủ, hiến pháp 1946 đã thể hiện rõ nét cuả một hiến pháp cộng hoà, đề cao tự do và bình đẳng dân tộc. Hiến pháp cũng đề cao vai trò của người lãnh đạo quốc gia, chủ tịch và quốc hội. Hiến pháp này cũng thể hiện tính dân chủ như trong các điều 32 "Những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý." và điều 70 "Sửa đổi hiến pháp phải theo những cách thức sau đây: ... c/ Những điều thay đổi khi đã được nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết."

Tuy nhiên, Hiến Pháp 1946 đã không đề ra một cơ quan có thẩm quyền giải thích hiến pháp, phán quyết về tính cách hợp hiến hay bất hợp hiến cuả các đaọ luật, sắc luật, sắc lệnh, nghị quyết và quyết định hành chánh. Để dẫn đến tình trạng ĐCS sử dụng và hủy bỏ Hiến Pháp này một cách tùy tiện chỉ nhằm mục đích phục vụ mưu đồ chính trị cuả họ.

Ngày 18/12/1959, tại kỳ họp thứ 11 Quốc Hội khoá I, Hồ Chí Minh đã đọc báo cáo về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1946. Ngày 31/12/1959, quốc hội đã đồng ý thông qua hiến pháp sửa đổi. Và ngày 1/1/1960, HCM đã ký sắc lệnh công bố ban hành hiến pháp 1959. Đây là một việc làm vi phạm hiến pháp 1946. Vì đã không làm đúng cách thức sửa đổi hiến pháp như điều thứ 70 đã nêu bên trên. Như vậy các hiến pháp 1959, 1980 và 1992, chẳng qua chỉ là những cương lĩnh của ĐCS vì đã không được "tòan dân phúc quyết" còn gọi là "trưng cầu dân ý".

Qua Đài Á Châu Tự do, luật sư Trần Thanh Hiệp đã nhấn mạnh hiến pháp 1946 là một đạo luật không được ban hành. Dựa trên điều 49, về quyền hạn của chủ tịch, khoản đ/ "Ban bố các đạo luật đã được nghị viện quyết định." và điều thứ 31 "Những luật đã được Nghị viện biểu quyết, Chủ tịch nước phải ban bố chậm nhất là 10 hôm sau khi nhận được thông tri. Nhưng trong thời hạn ấy, Chủ tịch có quyền yêu cầu nghị viện thảo luận lại. Những luật đem ra thảo luận lại, nếu vẫn được nghị viện ưng chuẩn thì bắt buộc chủ tịch phải ban bố." Ban hành hiến pháp là một thủ tục luật pháp để xác nhận rằng hiến pháp này đã được biểu quyết một cách hợp lệ. Hiến pháp này sẽ có hiệu lực từ lúc được ban hành và mọi người phải tuân theo. Do không được ban hành bản hiến pháp năm 1946 coi như không có giá trị pháp lý. Có chăng là chỉ có giá trị về mặt chính trị. Cũng theo luật sư Hiệp, quyền lập hiến hay quyền soạn thảo hiến pháp cuả người dân đã bị ĐCS sang đoạt qua hiến pháp 1946 và bị chiếm đoạt trong các hiến pháp cộng sản sau này.

Cho mãi đến những năm 1980, trường Luật mới được mở lại tại Việt Nam. Điều này hỗ trợ cho lập luận hiến pháp 1946 chưa bao giờ được mang ra sử dụng.

Về nội dung, khuyết điểm nặng nề nhất của bản hiến pháp này là một mặt điều thứ 49 đã cho phép chủ tịch nước những quyền hạn tối cao, quyền lực tối thượng. Mặt khác hiến pháp 1946 lại có thêm điều thứ 50 hết sức phi lý "Chủ tịch nước Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc."

Cũng cần quan tâm tại Hội Nghị Versailles, năm 1919, Nguyễn ái Quốc đã gởi bản "Yêu sách của Nhân Dân Việt Nam" với yêu sách thứ bẩy mong người Pháp ban hành hiến pháp cho Việt Nam. Có lẽ yêu sách này là của cả "nhóm" Nguyễn ái Quốc. Nếu là cuả cá nhân Hồ chí Minh thì khi ấy HCM chưa là một thành viên cuả quốc tế cộng sản. Trong thời gian hiến pháp Liên Bang Xô-viết 1936 được sửa soạn và ban hành, HCM cũng đang được tái huấn luyện tại Liên Sô.

Qua việc nghiên cứu Hiến Pháp 1946, người viết đã phát hiện thêm một mặt trái về con người của Hồ Chí Minh. Khi chưa cầm quyền HCM đã hết sức tuyên truyền cho việc ban hành một bản hiến pháp dân. Khi nắm được quyền hành, HCM vận động để vừa làm chủ tịch nước lại vừa chủ trì Ủy ban dự thảo hiến pháp. Với kết qủa là hiến pháp 1946 đã cho HCM một quyền uy tối thượng "không phải chịu một trách nhiệm nào". Quyền uy này đã vượt trên cả hiến pháp và luật pháp quốc gia.

HCM làm việc này không ngoài mục đích sửa soạn cho cả một guồng máy chuyên chế thần thánh hoá lãnh tụ đảng và sưả soạn cho một thể chế đảng trị. Thế mà HCM chưa thoả mãn để ban hành hiến pháp 1946. Ngày 1/1/1960, HCM đã ký sắc lệnh ban hành cương lĩnh 1959 cuả ĐCS lấy "chuyên chế bạo lực" làm "công lý" đưa cả dân tộc vào con đường mòn đầy chông gai chưa rõ lối ra.

Hiến Pháp Cộng Hoà Xã Hội chủ Nghiã Việt Nam

Như đã đề cập ở trên các hiến pháp 1980, hiến pháp 1992 và hiến pháp bổ sung 2001, cuả nước CHXHCNVN đều dựa trên mô hình Liên Bang Xô-viết, ra đời dưới chế độ độc tài Stalin. Theo đó vai trò cuả đảng và guồng máy được ghi rất rõ trong các hiến pháp kể trên. Điều 4 ghi "ĐCSVN, đội tiên phong cuả giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành của giai cấp công nhân Việt Nam, nhân dân lao động và cuả cả dân tộc, theo chủ nghiã Mác - Lênin và tư tưởng Hồ chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội." Còn điều 6 lại ghi rõ hơn "Quốc hội, hội đồng nhân dân và các cơ quan khác cuả nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ." Mọi quyền công dân được ghi trong hiến pháp đều đi kèm với các hạn chế do hiến pháp và luật pháp quy định.

Theo ông Nguyễn Văn An, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung hiến pháp 1992 thì "Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 phải tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy Nhà nước đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992, và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương đổi mới của Ðảng. ... Ðồng thời cần sửa đổi, bổ sung một số điều khác về kinh tế, giáo dục, khoa học và công nghệ cho phù hợp những nội dung mới đã được Nghị quyết Ðại hội lần thứ IX của Ðảng xác định." (Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 12/9/2001)

Điều ông An tuyên bố đồng nghĩa với việc hiến pháp cũng chỉ là một công cụ cai trị cuả ĐCS. Hiếp pháp và luật pháp chỉ là hình thức. Các nghị quyết cuả đảng mới là các văn bản thực sự có giá trị. Hiến pháp thì đặt dưới nghị quyết cuả đảng. Luật pháp thì lại được đặt dưới kỷ luật cuả đảng.

Trên lý thuyết thì quyền lực thuộc về nhân dân mà đaị diện là quốc hội. Trên thực tế việc đảng độc quyền lãnh đạo đã được thể chế hoá qua hiến pháp. Nguyên tắc chọn đại diện quốc hội thì lại theo kiểu "đảng cử dân bầu". Cử tri chỉ được phép chọn lựa những người đã được ĐCS giới thiệu.

Về hình thức, việc ban hành luật pháp phải có sự phê chuẩn của quốc hội. Trên thực tế mọi việc đã được bộ chính trị và ban chấp hành trung ương đảng sưả soạn thông qua các nghị quyết cuả đảng, trước khi đưa ra quốc hội.

Đây là một mô hình mà người soạn luật, người ra lệnh bắt giam, khởi tố cũng chính là người nắm quyền kết án và thi hành án. Các cơ quan điều tra, xét xử và trừng phạt cũng là một. Hành pháp, lập pháp, tư pháp, quân đội và cảnh sát là một. Ngay cả tổ chức dân sự như công đoàn, tôn giáo, từ thiện, phi chính phủ,... nằm trong tổ chức ngoại vi mặt trận tổ quốc. Và tất cả đều đặt dưới sự độc quyền lãnh đạo cuả đảng.

Cố luật sư đại biểu quốc hội Ngô Bá Thành đã than rằng "Việt Nam ngày nay có cả một rừng lụât. Nhưng lại chỉ sài luật rừng." Để thể hiện một nhà nước pháp quyền, phường, huyện, tỉnh, thành phố, bộ, quốc hội, chính phủ và các đảng ủy cộng sản thi đua nhau ban hành luật. Luật rừng này chỉ áp đặt lên người dân, còn đảng và các đảng viên cầm quyền không cần tôn trọng và thi hành. Cao điểm cuả luật này đã được thể hiện qua việc đảng ra lệnh cho đàn em xử công dân Hoàng Minh Chính, trước sự chứng kiến cuả công an.

ĐCS lại muốn quay về thời cách mạng tháng tám hay học theo mô hình quốc hội đang được áp dụng tại Trung cộng. Sáng ngày 20/1, chủ nhiệm ủy ban đối ngoại Vũ Mão đã đề đạt tới Ủy ban thường vụ quốc hội :"Nên chọn các Việt kiều về nước công tác đã có cống hiến lớn cho đất nước làm đại biểu quốc hội dù họ còn chính kiến nào khác." Theo ông các đại biểu này sẽ được ĐCS chọn không qua bầu cử vì "khó ép họ vào đơn vị bầu cử nào".

Thật rõ, mô hình tập trung dân chủ kiểu Stalin vẫn còn được thử nghiệm tại Việt Nam. Chả trách dư luận cho rằng, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ là tàn dư của chế độ độc tài Stalin. Đổi mới kinh tế nưả vời đi liền với mô hình dân chủ này là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng xã hội toàn diện tại Việt Nam. Mô hình này đã bị đào thải tại chính nơi đã sản sinh ra nó và trên hầu hết các quốc gia đã thử nghiệm nó. Mô hình này cần phải được đào thải càng sớm càng tốt.

Hiến pháp Việt Nam Cộng Hoà

Khi nói về hiến pháp Việt Nam mà không nhắc đến hiến pháp 1956 và hiến pháp 1967 cuả VNCH thì qủa là điều thiếu sót. Các hiến pháp này được các Quốc hội lập hiến VNCH soạn ra nhằm xây dựng và bảo vệ chế độ cộng hoà tại miền Nam.

Sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước, ngày 23/10/1955, tại miền Nam dưới thời thủ tướng Ngô Đình Diệm một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức. Người dân miền Nam đã được quyết định chọn nền cộng hòa thay vì tiếp tục thể chế quân chủ. Và quốc trưởng Bảo Đại đã tôn trọng ý dân để nền Đệ Nhất Cộng Hoà ra đời. Tiếp theo đó là một cuộc bầu cử để thành lập một Quốc hội lập hiến nhằm soạn ra Hiến Pháp 1956.

Viết đến đây người viết chợt nghĩ. Chỉ trong vòng 2 năm đầu, miền Nam đã trải qua một cuộc trưng cầu dân ý và một cuộc bầu Quốc hội lập hiến. Trong khi miền Bắc, do ảnh hưởng cuả cải cách ruộng đất, cuả thanh trừng nội bộ, cuả cải tạo tư sản, cải cách văn hóa, ... mãi đến năm đầu cuả thập niên 1960, Quốc hội khoá 2 mới được ĐCS thành lập thay thế cho Quốc Hội khoá 1 được được bầu từ cách mạng tháng tám. Điều này đồng nghiã với nếu một cuộc tổng tuyển cử nhằm thống nhất Việt Nam xảy ra năm 1956, đa số dân Việt có thể đã chọn một thể chế tự do, khác với dự đoán hay nhận xét cuả một số người, kể cả Ngô đình Diệm.

Sau khi chính quyền Ngô đình Diệm bị đảo chánh, một Quốc hội lập hiến lại được bầu ra nhằm soạn ra Hiến Pháp 1967.

Việc nghiên cứu các hiến pháp kể trên rất hữu ích cho việc soạn thảo một Hiến Pháp mới cho Việt Nam. Thí dụ điều 81 cuả hiến pháp Việt Nam Cộng Hoà 1967 diễn giải vai trò cuả Tối Cao Pháp Viện. Viện này có thẩm quyền giải thích hiến pháp, phán quyết về tính cách hợp hiến hay bất hợp hiến cuả các đaọ luật, sắc luật, sắc lệnh, nghị quyết và quyết định hành chánh. TCPV có thẩm quyền ngăn cản chính phủ thi hành các chính sách vi hiến, như cải cách ruộng đất, cải taọ công thương nghiệp, cải tạo văn nghệ sỹ, đối xử bất công (xét lý lịch), vi phạm tự do cư trú (hộ khẩu), vi phạm quyền tư hữu (như đất đai, tài sản...), ... hay độc quyền, đảng trị đã và đang xảy ra ở Việt Nam. Viện này cũng có thẩm quyền phủ quyết việc ĐCS chiếm đoạt quyền phúc quyết cuả dân tộc như việc sửa đổi hiến pháp không thông qua trưng cầu dân ý.

Hay điều 88 cuả Hiến pháp Việt Nam Cộng Hoà 1967 diễn giải vai trò cuả Giám Sát Viện với thẩm quyền:
1-Thanh tra, kiểm soát và điều tra nhân viên các cơ quan công quyền và tư nhân đồng phạm hay tòng phạm về mọi hành vi tham nhũng, đầu cơ, hối mại quyền thế hoặc phương hại đến quyền lợi quốc gia.
2-Thẩm tra kế toán đối với các cơ quan công quyền và hợp doanh.
3-Kiểm kê tài sản các nhân viên các cơ quan công quyền kể cả Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Thủ Tướng, Dân Biểu, Nghị Sỹ, Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện.
4-Riêng đối với Chủ tịch Giám Sát Viện và các Giám Sát Viên, việc kiểm kê tài sản do Tối Cao Pháp Viện đảm trách.

Vai trò của hai viện này là chống lạm quyền. Hai viện chỉ có thể hoạt động một cách hiệu quả dưới một thể chế dân chủ và pháp trị.

Vài sự kiện quan trọng

Điều 2 cuả hiến pháp CHXHCNVN ghi rõ đảng và nhà nước cộng sản "xây dựng trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức". Nông dân đã nổi dậy ở nhiều nơi trong nhiều lúc khác nhau. Trí thức cũng càng ngày càng nhiều vị lên tiếng.

Tuy nhiên việc trên 40 ngàn công nhân khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đồng loạt đình công đúng là một bước tiến trong diễn trình dành lại quyền làm chủ đất nước cho dân tộc. Đình công như vậy có hợp pháp hay không? công đoàn sao không hay biết gì cả ? công an mật vụ đâu cả? tự phát? ai lãnh đạo? ai tổ chức? ai vận động? ... Phan văn Khải đã phải làm ngơ với những câu hỏi như trên để vội vã ký sắc lệnh tăng mức lương tối thiểu một lúc 40 %. Việc làm này chỉ rõ sự yếu kém trong việc điều hành kinh tế quốc gia và sự thiếu quan tâm quyền lợi và đời sống công nhân cuả Phan văn Khải nói riêng và cuả ĐCS nói chung.

Ít người còn nhớ hay biết được, bộ luật lao động Việt Nam hiện hành đã được một công ty luật Úc, soạn ra. Bộ luật này vì thế rất tương tự với bộ luật đang được áp dụng tại Úc. Chúng ta cần nghiên cứu và sử dụng bộ luật này đấu tranh cho quyền lợi cuả công nhân.

Riêng về mặt kinh tế vĩ mô tăng lương cho hằng triệu công nhân một lúc 40%, đồng nghĩa với lạm pháp phi mã trong những ngày sắp tới. Và như thế đời sống cuả nông dân, hưu trí, công chức, công nhân, sinh viên, ... đã khổ sẽ lại khổ hơn.

Việt Nam sẽ phải gia nhập WTO, điều này cũng đồng nghĩa với việc khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân sẽ phải cạnh tranh sống còn với sản phẩm các quốc gia khác. Thiếu khả năng và chính sách rõ ràng sẽ dẫn tới nạn thất nghiệp trầm trọng trong thời gian chuyển tiếp sắp tới.

Cao trào đòi quyền làm chủ đất nước và làm chủ cuộc sống cuả mình đang bùng nổ. Phương pháp đấu tranh thoạt nhìn lại có nhiều ngã rẽ. Phương Nam vận động cho một cuộc trưng cầu dân ý, Phong trào dân chủ Việt Nam hướng bầu cử 2007 là bầu cử tự do, các linh mục Công giáo vận động tẩy chay cuộc bầu cử này, bác sỹ Nguyễn đan Quế với tách đảng ra khỏi chính quyền, nhiều đảng viên cấp tiến và trí thức trong nước đòi ĐCS phải tôn trọng những gì ghi trong hiến pháp và luật pháp hiện hành. Thực ra đây chỉ là phát khởi cuả đa nguyên để dẫn đến đa đảng. ĐCS nhận rõ điều này nhưng đang lúng túng trong định hướng, chưa biết đánh đỡ cách nào, đàn áp thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự ủng hộ cuả quốc tế, cuả người dân... Và như thế cách mạng sẽ xảy ra sớm hơn.

Kết Luận

Ông Trần xuân Bách đã từng tiết lộ :"Tập thể bộ chính trị phân định có hai loại mâu thuẫn cần chú trọng: mâu thuẫn nội tại tích tụ lâu ngày cuả chủ nghiã xã hội và mâu thuẫn giữa hai hệ thống. Nguyên nhân khủng hoảng là lãnh đạo sai lầm, vi phạm dân chủ, duy ý chí, bảo thủ, trì trệ, đổi mới lệch lạc, đội ngũ đảng viên thoái hoá hư hỏng." Và ông đã xác định "Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ (mở rộng). Đó là quyền cuả dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ hoá là khơi động trí tuệ của toàn dân tộc để thaó gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên kịp thời đại." Ông đã từ bỏ đặc quyền đặc lợi đảng ban đứng về phía dân tộc. Tư cách cuả ông là một tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Ngày nay bộ chính trị vẫn còn cố bám víu học thuyết Marx, nhưng quên rằng Marx đã tuyên bố:"Kinh tế quyết định chính trị, cơ sở hạ tầng quyết định ý thức thượng tầng."

Dân chúng càng ngày càng nhận rõ việc ĐCS chỉ mang đến chiến tranh, nghèo đói, hận thù, chia rẽ, thay vì cơm no, áo ấm, công ăn việc làm, ý tế, giáo dục... Cũng cần nhớ một điều trong chế độ cộng sản không thành phần nào đói khổ hơn những bộ đội tại ngũ. Cũng như trong thế hệ trẻ nhiều bạn đã nhận ra đảng là vật cản bước tiến cuả mình và của dân tộc. Ngày mà người dân đứng lên đòi có một thể chế nhân bản và dân chủ đã gần kề.

Hiến pháp là nền tảng để xây dựng một chính phủ dân chủ. Hiến pháp là bộ luật tối cao quy định các quyền và nghĩa vụ của người công dân. Hiến pháp cũng quy định các nguyên tắc xây dựng quyền lực cho chính phủ, các giới hạn của chính phủ và đề ra các thủ tục họat động cơ bản cho chính phủ. Nói một cách bình dân hiến pháp là một hợp đồng giữa dân và chính phủ. Bài viết chỉ rõ người dân Việt Nam chưa bao giờ ký bất cứ một hợp đồng nào với ĐCSVN.

Hiến pháp cũng là nền tảng xây dựng các chính sách xã hội, giáo dục, chính trị, kinh tế, văn hoá, ..., các quyết định pháp lý, các đạo luật quốc gia. Nói cách khác hiến pháp là một định hướng mà một dân tộc chọn lưạ cho mình.

Một hiến pháp cho Việt Nam, với sự tham gia đóng góp xây dựng (thông qua một quốc hội lập hiến) và với đồng thuận cuả đại đa số dân chúng Việt Nam sẽ là nền tảng vững bền cho một nước Việt Nam dân chủ, nhân bản, pháp trị và cường thịnh.
Nguyễn Quang Duy

Tài Liệu Tham Khảo:
- Mai Thái Lĩnh, "Huyền thoại về một nhà nước tự tiêu vong - Bàn về lý thuyết nhà nước cuả Karl Marx", http://www.talawas.org
- Trần Thanh Hiệp và Nguyễn An "RFA Phỏng Vấn LS Trần Thanh Hiệp: Hiến Pháp Việt Nam", http://www.doi-thoai.com/baimoi0905_91.html
- Trần Xuân Bách, Chủ Nghĩa Xã Hội thật sự là gì? http://www.talawas.org
- Báo Nhân dân, ngày 12/9/2001, "Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An chủ trì Hội nghị lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992"-Văn Tiến, Vietnamnet 20/1/2006, "Việt kiều sẽ có ghế trong quốc hội?"

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=510

Aucun commentaire: