Luật Lao Động Và Vấn Đề Đình Công Trong Chế Độ CSVN
--------------------------------------------------------------------------------
• Nguyễn Cao Quyền
Đình công tại Bình Dương, Sài Gòn.
Tại Việt Nam, từ 1995 đến nay, đã có hơn 1100 cuộc đình công của công nhân mà hầu hết bị coi là bất hợp pháp. Đặc biệt trong tháng 3 năm nay ( 2007 ) đã xảy ra 35 vụ đình công, trong số đó có 33 vụ ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ( FDI). Phần lớn các vụ đình công xảy ra tại hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, là nơi có các khu công nghiệp với nhiều FDI nhất.
Báo chí trong nước cho biết rằng các vu đình công xảy ra vì công nhân bị bóc lột sức lao động và bị đối xử tàn bạo. Người sử dụng lao động không những trả lương thấp , chậm trả lương, nợ lương, định mức lao động quá cao, mà còn xúc phạm nhân phẩm người lao động.
Những đoạn viết sau đây sẽ trình bày vấn đề đình công dưới hai khía cạnh luật pháp và thực tế để độc giả tiện theo dõi những diễn tiến hiện đang xảy ra ở trong nước và đồng thời phối hợp đấu tranh để bảo vệ người lao động Việt Nam.
I/- Luật lao động về đình công tại VN
Mặc dầu không công nhận quyền lập hội nhưng luật lao động CSVN cho phép đình công. Sự cho phép này được minh thị trù liệu tại điều 7 bộ luật Lao Động năm 1994. Đoạn chót của điều 7 xác nhận: “Người lao động có quyền đình công theo sự quy định của luật pháp”.
Sự quy định của luật pháp nằm trong các điều 172,173,174,175,176,177,178 và 179 của bộ luật nói trên và có thể được tóm tắt như sau:
“Đình công là sự ngưng việc tạm thời, tự nguyên và có tổ chức của tập thể lao động để giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Đình công phải đươc quyết định bởi Ban Chấp Hành Công Đoàn Cơ Sở sau khi được đa số lao động chuẩn nhận bằng chữ ký.
Không được đình công ở một số doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm và dịch vụ công ích, doanh nghiệp thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân hoặc an ninh quốc phòng, theo danh mục do chính phủ quy định.
Đình công được coi là bất hợp pháp nếu không xuất phát từ tranh chấp lao động. Tòa án nhân dân có tiếng nói sau cùng để chấm dứt đình công và tranh chấp lao động.
Nếu đình công trở thành một hiểm họa nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc gia hay cho an ninh công cộng thì thủ tướng chính phủ có quyềì hoãn lại hoặc chấm dứt đình công.
Với sự quy định này, 10 điều khoản nói trên đã nằm yên trong bộ luật Lao Động của CSVN từ năm 1994 cho đến ngày 29 tháng 11 năm 2006, mới được sửa đổi và bổ sung do luật số 74/2006/QH11 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2007.
Ngay cả đạo luật rất quan trọng số 35/2002/QH10 năm 2002, với 56 mục bổ sung và sửa đổi luật Lao Động năm 1994, cũng không nhắc gì tới vấn đề đình công tại Việt Nam.
II/- Đình công trong luật pháp CSVN
Luật số 74/2006 quy định chi tiết và chặt chẽ hơn về vấn đề đình công, nhưng chặt chẽ hơn đối với người lao động chứ không phải đối với người sử dụng lao động. Những điều khoản mới của luật 74/2006 có thể viết lại vắn tắt như sau:
“Điều 172a :Đình côngphải do BCH công đoàn cơ sở hoặc do BCH công đoàn lâm thời tổ chức và lãnh đạo. Đối với doanh nghiệp chưa có BCH công đoàn cơ sở thì việc tổ chức lãnh đạo đình công phải do đại diện được tập thể lao động cử và việc cử này đã được thông báo với công đoàn cấp trên.
Điều 173 bổ sung : Cuộc đình công thuộc một trong những trường hợp sau đây là bất hợp pháp : không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể - không do những người cùng làm việc trong một doanh nghiệp tiến hành – khi vụ tranh chấp lao động đang được hay chưa được giải quyết – không lấy ý kiến của người lao động theo luật định – không tuân theo luật về tổ chức và lãnh đạo đình công – tiến hành tại các doanh nghiệp không được đình công – khi đã có quyết định hoặc ngưng đình công của thủ tướng chính phủ.
Điều 174a : Việc lấy ý kiến để đình công phải theo quy định sau đây : Đối với doanh nghiệp có dưới 300 lao động thì lấy ý kiến trực tiếp của người lao động, - đối với doanh nghiệp có trên 300 lao động thì lấy ý kiến của thành viên BCH công đoàn cơ sở, tổ trưỏng tổ công đoàn và tổ trưởng tổ sản xuất – trường hợp không có công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của tổ trưởng, tổ phó tổ sản xuất.
Điều 174b: Quyết định đình công phải có sự đồng ý của trên 50% tổng số người lao động nếu doanh ngiệp có dưới 300 lao động. Con số này là trên 75% nếu doanh nghiệphoặc bộ phận doanh nghiệpcó trên 300 lao động.
Điều 175 : Tranh chấp lao động tập thể do Hội Đồng Trọng Tài Lao Động giải quyết. Nếu một hoặc cả hai bên không đồng ý với Hội Đồng Trọng Tài thì có quyền yêu cầu Tòa Án Nhân Dân giải quyết.
Điều 177: Tòa án nhân dân có thẩm quyền là tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra đình công. Tòa Phúc Thẩm thuộc Tòa Án Nhân Dân Tối Cao có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công cuả tòa nhân dân cấp tỉnh.
III/- Thực trạng đình công tại VN
Bô Luật Lao Động 1994 ra đời được một năm thì hiện tượng đình công xuật hiện tại Việt nam. Lúc đầu đình công chỉ nổ ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng dần dần lan qua cả các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân.
Giữa năm 1995 và năm 2000 đã nổ ra khoảng 450 vụ công nhân xuống đường. Chỉ riệng năm 2000 đã có tới 70 vu đình công. Người ta không nghĩ rằng sự gia tăng của đình công là hậu qủa của sự gia tăng hoạt động thương mại mà chính là hậu qủa của ý thức về nhân quyền và về gía trị của lao động trong đầu óc lớp công nhân trẻ trong nước.
Đình công, xuất hiện nhiều nhất tại các tỉnh miền Nam, với lý do là lương qúa thấp và không được thanh toán xòng phẳng. Tuy nhiên đình công, cho đến nay, mới chỉ có tính cách tượng trưng (kéo dài chỉ 1 hay 2 ngày) chứ chưa có áp lực thật sự đối với giới chủ hoặc đối với chính quyền.
Cho đến năm 2002, chính quyền CSVN vẫn không coi đình công là một hiểm họa đe dọa sinh mạng chính trị của họ, nên mặc dù toàn bộ các cuộc đình công đều có tính cách bất hợp pháp, chính quyền vẫn ủng hộ ngầm. Nếu để ý ta có thể thấy là luật số 35 ngày 2 tháng 4 năm 2002, sửa đổ va bổ xung tới 56 điều của bộ Luật Lao Động năm 1994, nhưng không hề đả động gì đến những điều khoản về đình công.
Chỉ tới thời gian gần đây, với đà hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu mỗi ngày một gia tăng và với sự xuất hiện của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động VN ở Warsaw vào tháng 10 năm 2006, CSVN mới cho ra đời luật số 74 ngày 29 tháng 11 năm 2006 để sửa đổi và xiết chặt thêm một số điều khoản liên quan đến tranh chấp lao động và đình công.
Trong luật 74 ngàỳ 29-11-1006, CSVN quy định rằng đình công phải do Ban Chấp Hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp Hành công đoàn lâm thời tổ chức và lãnh đạo. ( Điều 172a ) Khi trù liệu điều này chế độ toàn trị muốn toàn thể giai cấp công nhân phải ngoan ngoan tuân theo mệnh lệnh của đảng để đảng ngự trị muôn năm ở vị thế chính quyền. Tuy nhiên ý muốn của đảng đã bị thực tế ruồng bỏ.
Vì không thể tổ chức công đoàn cơ sở ở khắp mọi nơi nên điều 174a của luật 74 cho phép các doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có dưới 300 lao động thì có thể lấy ý kiến trực tiếp của người lao động để đình công (nghiã là không phải lấy kiến của Ban Chấp Hành công đoàn cơ sở). Đây là một điểm trọng yếu mà những người VN đấu tranh cho dân chủ cần lưu ý dể nghiên cứu và khai thác.
Một điểm thứ hai cũng cần lưu ý là , mặc dầu có sự kiểm soát rất chặt chẽ từ phía chính quyền, các nghiệp đoàn độc lập vẫn xuất hiện và hoạt động riêng rẽ. Đó là những nghiệp đoàn xe taxi, xe môtô ôm, đầu bếp và lao động khuân vác. Những nghiệp đoàn này xuất hiện nhiều nhất tại Saigon, trước mắt của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.
Theo tài liệu chính thức của chính quyền CS thì vùng nông thôn VN chiếm đa số lao động chuyên làm công việc cày cấy và không tham gia công đoàn . Đây là một kẽ hở thứ ba có thể giúp ích cho những nhà dân chủ soạn thảo những kế hoạch đấu tranh hữu hiệu.
Trước khi chấm dứt bài này, xin phép được nhắc lại một lần nữa là tại Đông Âu, và điển hình nhất là tại Ba Lan, cách đây không lâu, chính bàn tay công nhân đã kết thúc cuộc đới chính trị của những người cộng sản độc tài, tham nhũng, thối nát và bất lực.
Nguyễn Cao Quyền, Maryland 25.4.2007
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2007/20070426_08.htm
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire