Một khái niệm cần xét và minh định lại:
"Yêu nước" là yêu gì ? - Thế nào là yêu nước ?
Tôn Thất Thiện
“… Làm sao một người yêu nước Việt Nam lại đi bắn giết một người khác cũng yêu nuớc Việt Nam, mà nói rằng mình tranh đấu vì Tổ Quốc Việt Nam được ?…”
Một sự lẫn lộn về tư tuởng
Gần đây, một tập san mới xuất hiện. Nó mang tên Tổ Quốc. Ban cố vấn và Ban biên tập gồm một số người trước đây thuộc phe cộng sản; và một số người trước đây thuộc phe quốc gia. Họ đều tự coi là người "yêu nước", vì họ đã tranh đấu cho Việt Nam, "vì Tổ Quốc". Nhưng họ cũng đã nhân danh Tổ Quốc Việt Nam bắn giết người Việt Nam khác cũng tranh đấu cho Tổ Quốc Việt Nam.
Câu hỏi được đặt ra ngay là : "Làm sao một người yêu nước Việt Nam lại đi bắn giết một người khác cũng yêu nuớc Việt Nam, mà nói rằng mình tranh đấu vì Tổ Quốc Việt Nam được ?".
Như vậy Tổ Quốc là gì ? "Yêu nước" là yêu gì ? Thế nào là "yêu nước" ?
Tình trạng thiếu rõ ràng trên đây có từ lâu, và nó không gây vấn đề vì ai cũng cho rằng mình yêu nước là một điều dĩ nhiên. Không ai nghĩ rằng mình kém yêu nước hơn người khác. Và nhất là không ai có thể quả quyết rằng những điều mình làm thực sự là những hành động yêu nước hay không yêu nước, vì không ai có thể nói rõ rằng: "yêu nước" là yêu gì, thế nào là "yêu nước", và thế nào là "không yêu nước" ? Không ai chấp nhận rằng mình không "yêu nước", nhưng cũng không ai có thể tố cáo một người khác là "không yêu nuớc" !
Nguyên do là có một sự lẫn lộn căn bản về tư tưởng, và sự lẫn lộn này bắt nguồn từ sự thiếu rõ ràng của các từ ngữ liên hệ với "nước" : "quốc", Tổ Quốc, "ái quốc", "yêu nước", "đất nước", "nhà nước", "chính quyền", "chính phủ", "cách mạng", v.v.
Ở đây, tôi xin dẫn một ví dụ cụ thể : kinh nghiệm của chính bản thân tôi, và tôi chắc rằng đó cũng là kinh nghiệm của rất nhiều người thuộc thế hệ tôi, những người sinh ra trong những năm 1920-1930, đã mục kích những biến chuyển trong gần suốt thế kỷ 20, và đã được nghe những từ ngữ trên đây, nhưng chưa hằng có một ý niệm rõ ràng về nội dung và ý nghĩa gần, và nhất là xa, của những từ ngữ đó.
Tôi nghe nói đến hai chữ "ái quốc", Tổ Quốc lần đầu tiên trong đời tôi năm tôi 11 tuổi. Lúc đó là năm 1935. Người thốt ra hai chữ đó là người quản gia của thân phụ tôi. Ông ta đọc báo mỗi ngày, và buổi tối thường kể cho chúng tôi nghe những sự viêc vừa xảy ra ở Việt Nam và trên thế giới. Một hôm, ông nói đến ông Ngô Đình Diệm, và nói : "Ông ấy thiệt là một nhà ái quốc". Cũng năm đó, tôi đi hướng đạo. Theo thể lệ của hướng đạo, sau một thời gian, để tỏ quyết định gia nhập thí sinh phải đặt tay trên cờ hướng đạo tuyên thệ ba điều. Điều thứ nhất là "trung thành với tổ quốc".
Tôi không được giải thích rõ ràng Tổ Quốc là gì, và "trung thành với tổ quốc" thì phải làm những gì; tôi chỉ hiểu rằng Tổ Quốc là một cái gì cao quý, tuy trừu tượng nhưng phải tôn kính vì thiêng liêng.
Những năm tiếp theo là những năm tình hình quốc tế sôi động, dẫn đến Chiến Tranh Thế Giới, với một hậu quả lớn đối với Việt Nam: Pháp yếu đi vì bị Đức đánh bại và bị Nhựt Bản ép phải cho họ đóng quân ở Việt Nam. Tất nhiên sự kiện này ảnh hưởng đến Việt Nam. Ai cũng cảm thấy một cơ hội lớn để giành lại độc lập đang mở ra cho Việt Nam. Nhiều tổ chức, phong trào, hoạt động mạnh. Rõ ràng rằng họ nhằm hung đúc tinh thần "ái quốc", nhưng không làm một cách công khai được vì Pháp vẫn còn năm quyền lực. Sau khi Nhựt lật đổ chính quyền bảo hộ Pháp vào tháng 3 năm 1945, các hoạt đông "ái quốc" mới bùng lên.
Cùng với những hoạt động "ái quốc" từ 1945 và trong những năm chiến tranh chống Pháp, những từ ngữ và cụm từ liên quan đến cuộc chiến tranh giành độc lập, đặc biệt là "quốc", trở thành thông dụng, và mang những nghĩa độc đáo hơn. Những người như các cụ Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu được nhắc đến như là những nhà "ái quốc", và "ái quốc" ở đây nặng nghĩa chống Pháp giành lại độc lập cho Việt Nam. Tổ Quốc là Việt Nam, nhưng thường được ghép với "hy sinh", trong cụm từ "hy sinh vì tổ quốc". Nó vẫn là một cái gì cao quý, thiêng liêng, khiến người ta sẵn sàng hy sinh tính mạng vì nó, nhưng không định nghĩa được một cách thật chính xác vì nó quá trừu tượng.
Ngoài ra, với sự trở lại chính trường của cựu hoàng Bảo Đại, từ ngữ "quốc gia" thành phổ cập. Đồng thời, từ năm 1950, với sự tái xuất của đảng cộng sản dưới danh hiệu "Đảng Lao Động", từ ngữ "cách mạng" và "yêu nước" cũng được dùng thường hơn là "tổ quổc và "ái quốc". Ngoài tội "phản quốc", chính quyền cộng sản đặt thêm một tội nữa để thanh toán địch thủ : tội "phản cách mạng". Ở miền Nam, tội nặng nhất là tội "theo cộng sản". Trong cuộc chiến 1954-1975, từ ngữ Tổ Quốc ít được dùng đến. Ở miền Bắc "hy sinh vì tổ quốc” thành "hy sinh vì cách mạng" (hiểu theo nghĩa Cách Mạng Vô Sản Thế Giới), tính chất chiến tranh là "chống Mỹ cứu nước". Ở miền Nam tính chất chiến tranh là "bảo vệ tự do", cuộc chiến là "chống cộng".
Tình trạng kéo dài như trên đến khi Việt Nam "thống nhất" năm 1975. Đây là một dịp đặc biệt về phương diện xác định nghĩa của khái niệm «Tổ Quốc». "Yêu nước" được định nghĩa chính thức.
Tại Đại hội IV của Đảng Cộng Sản Việt Nam, năm 1976, báo cáo chính trị của đại hội tuyên bố rằng : "Ngày nay tổ quốc ta đã hoàn toàn độc lập thì dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một", và nghị quyết của đại hội thì nói rằng : "Ngày nay nước nhà đã hoàn toàn độc lập thì tổ quốc và chủ nghĩa xã hội là một", nghĩa là : yêu tổ quốc là yêu xã hội chủ nghĩa.
Thật là rõ ràng !
Tổ quốc của nguời Việt Nam là xã hội chủ nghĩa ?
Rõ ràng, nhưng lại làm cho vấn đề rắc rối thêm ! Nhiều câu hỏi mới được đặt ra !
Vì "xã hội chủ nghĩa" chỉ là một chủ nghĩa, làm sao dân tộc Việt Nam lại là một chủ nghĩa được ? Phần khác, nó là một chủ nghĩa ngoại lai và đồng hóa với Liên Xô, và Liên Xô đồng hóa với Stalin, nên «Tổ Quốc» của người Việt Nam là Liên Xô ! "Yêu nước" là yêu Liên Xô, và "trung quân" là trung với Stalin !
Lại nữa, chủ nghĩa xã hội là một lý thuyết về xã hội do Mác và Lênin đề xướng, được quảng bá nhờ Stalin, mà lý thuyết xã hội thì thay đổi qua thời gian. Nếu Stalin không còn, và nhứt là nếu Liên Xô cũng không còn - một sự kiện thực sự đã xảy ra vào năm 1990 - thì người Việt phải yêu cái gì và trung với ai đây ? Nhà thi sĩ quốc doanh Tố Hữu sẽ bảo người Việt thương ai hơn cha, hơn mẹ, hơn chồng mình đây ?
Tuy nhiên, từ 1975 tập đoàn cầm quyền cộng sản vẫn khăng khăng "kiên trì" chủ nghĩa Mác-Lê và nhất quyết theo "định hướng xã hội chủ nghĩa", đưa Việt Nam vào cảnh càng ngày càng bế tắc về chính trị - xã hội và suy đồi về đạo đức, như mọi người đều biết. Cho nên, sự áp đặt chế độ "xã hội chủ nghĩa" lên toàn lãnh thổ Việt Nam và buộc người Việt phải lấy "xã hội chủ nghĩa" làm «Tổ Quốc» tạo ra một tình trạng buộc mọi người phải xét lại vấn đề "yêu nước" một cách nghiêm túc, tìm cho ra câu trả lời chính xác cho những câu hỏi căn bản : "Yêu nước" là yêu gì ? Tổ Quốc là gì ? Ai "yêu nước", ai "không yêu nước" ? Thế nào là "yêu nước" ?, v.v.
Vấn đề rất phức tạp, tế nhị. Những giải đáp đưa ra phải đúng, hợp lý, hợp tình, nhất là có thể dùng để làm cơ sở chỉ đạo tư tưởng đúng và hành động hữu hiệu, có thể thu hút được sự đồng thuận rộng rãi, tạo điều kiện cho một sự đoàn kết hoà hợp cố gắng chung để đưa xứ sở ra khòi bế tắc hiện nay, và vươn lên trong tương lai. Công việc này đòi hỏi sưu khảo rộng rãi, và suy nghiệm chính chắn.
Một trong những người tiên phong trong công cuộc sưu khảo suy nghiệm trên đây là anh Nguyễn Gia Kiểng, với tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn (Paris, 2001) do anh sáng tác, và Thành Công Thế Kỷ 21 (Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên, 2001) mà anh là một biên tập viên then chốt. Hai tác phẩm này đã soi sáng rất nhiều nhất vấn đề "yêu nước". Luận đề chính của nó là: nói rằng người Việt Nam yêu nước là "một sự lầm lẫn". Lòng yêu nuớc của người Việt nói chung "rất yếu". Theo anh, thật ra, "Người Việt Nam hoặc không yêu nước, hoặc chỉ yêu nước một cách tương đối". (Tổ Quốc Ăn Năn, tr. 66-69), và điều mà anh ấy muốn làm sáng tỏ là "lòng yêu nước rất mờ nhạt trong lòng người Việt, dù cộng sản hay không cộng sản" (tr. 66).
Quan điểm trên đây làm cho một số người thắc mắc, khó chịu, hoặc phản đối, vì nó là một quan điểm kỳ lạ, ngược ngạo, và chạm tự ái. Điểm này sẽ được bàn đến một cách chi tiết ở đoạn dưới. Có một điểm rất quan trọng phải đề cập đến ngay. Đó là vấn đề định nghĩa một số từ ngữ và cụm từ liên hệ đến "nước" : nước, đất nước, tổ quốc, nước non, giang sơn, lãnh thổ, ái quốc, yêu nước, quốc gia, nhà nước, chính phủ, chính quyền.
Từ Điển Tiếng Việt của Trung Tâm Từ Điển Học thuộc Viện Ngôn Ngữ Việt Nam (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2001), định nghĩa những từ ngữ trên như sau:
«1. Nước: Vùng đất trong đó những người thuộc một hay nhiều dân tộc cùng sống chung dưới một chế độ chính trị - xã hội và cùng thuộc về một nhà nước nhất định.
2. Đất nước: Miền đất đai quan hệ với dân tộc làm chủ và sống trên đó.
3. Nước non: Sông núi, nước non ; thường dùng để chỉ đất nước.
4. Giang sơn: Sông núi, dùng để chỉ đất đai thuộc chủ quyền của một nước.
5. Lãnh thổ: Đất đai thuộc chủ quyền của một nước.
6. Ái quốc: (cũ) : yêu nuớc.
7. Yêu nuớc: …………………….
8. Quốc gia: Nước.
9. Tổ quốc: Đất nước được bao đời trước xây dựng và để lại, trong quan hệ với người dân có tình cảm gắn bó với nó
10. Nhà nước: Tổ chức, đứng đầu là chính phủ, quản lý công việc chung của một nước.
11. Chính phủ: Cơ quan hành pháp và hành chính cao nhất của một nước, thực hiện việc quản lí nhà nước ở cấp trung ương.
12. Chính quyền: Bộ máy điều khiển, quản lí công việc của nhà nước.
(Xin lưu ý : Ở mục "Ái quốc", Từ Điển Tiếng Việt ghi rằng đó là "yêu nước" cũ, nhưng mục "yêu nước" lại không có, cho nên ta vẫn không biết "yêu nước" là gì…).
Các từ ngữ 1-9 đều có một thành tố chung, thuộc về địa lý : đất đai. Từ ngữ 1 có thêm những thành tố : người, chế độ chính tri-xã hội. Từ ngữ 9 nói đến quá khứ/tổ tiên, dân, và tình cảm giữa các người dân. Ba từ ngữ 10-12 có một thành tố chung, là nhà nước.
Nếu ta góp chung các định nghĩa 1-9 thì ta thấy "yêu nước" hay "yêu tổ quốc" là tỏ lòng quyến luyến với một vùng đất quen thuộc, do tổ tiên xây dựng và bảo vệ để lại, và với những người cùng sống với mình nên có tình gắn bó với nhau. Nhưng theo những định nghĩa (8), (1) thì những người sống trên đất đai đó sống trong một "quốc gia", thuộc quyền một "nhà nước", một "chánh quyền", và liên hệ với "chính phủ". Theo 10-12 thì "chính phủ", "chính quyền", và "nhà nước" coi như đồng nghĩa.
Thấy rõ những liên hệ chằng chịt giữa những thành tố trên mới hiểu tại sao, như tác giả Tổ Quốc Ăn Năn ghi, có thể nói rằng người Việt Nam không yêu nước hoặc chỉ yêu nước một cách tương đối, đa số người Việt đã quay lưng lại với đất nước, và tệ hơn nữa, hai tiếng "yêu nước" trở thành "tục tĩu", "thô bỉ", "nhảm nhí"…, và tại sao lại có chuyện Tổ Quốc phải "Ăn Năn" ?
Những điều trên đây được anh Nguyễn Gia Kiểng giải thích, nhưng những giải thích này rải rác trong tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn, và một phần trong Thành Công Thế Kỷ 21, cần phải bỏ công thâu góp, sắp xếp lại, mới thấy rõ. Bài này chỉ trình bày một vài chi tiết có tác dụng làm sáng tỏ những điểm vừa nêu ra ở trên. Độc giả nào muốn thấy đầy đủ các chi tiết khác để nắm vững vấn đề xin xem những chương "Yêu nước" (tr. 65-75), "Tổ quốc của kẻ sĩ" (tr. 343-356), "Tổ quốc ăn năn" (tr. 567-585).
Chính quyền cộng sản là «Tổ Quốc» ?
«Tổ Quốc» là vĩnh cửu, cao cả, thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nhưng tổ quốc là một thực thể trừu tượng. Người dân có thể cảm nhận về tổ quốc thế nào tùy ý, nhưng họ chỉ tiếp xúc với "chính quyền". Chính quyền là hiện thân của tổ quốc. Nó là bộ máy điều khiển công việc của "nhà nước". Mà nhà nước là tổ chức quản lý chung của một nước ; đứng đầu tổ chức đó là "chính phủ". "Nhà nước" là từ ngữ cũ chỉ định "nước nhà" ; và "nước nhà" là từ ngữ cũ chỉ định "quốc gia". Như vậy, trong thực tế, chính phủ là chính quyền, và chính quyền là nhà nước, là quốc gia, là tổ quốc. Trong cuộc sống hàng ngày, người dân chỉ biết tổ quốc, quốc gia, nhà nước, chính quyền qua chính phủ, nghĩa là qua sự tiếp xúc với các công chức nhà nước, hoặc cán bộ đảng, nếu chính quyền là đảng cộng sản, và có sự lẫn lộn giữa bộ máy đều khiển công việc của đảng và bộ máy điều khiển công việc của nhà nước, như tình trạng hiện tại của Việt Nam.
Những điều trên đây làm cho ta hết ngạc nhiên khi ta nghe nói rằng "đa số người Việt Nam quay lưng lại với đất nước" : người Việt kiều về thăm nhà chỉ muốn làm khách du lịch, nguời trong nước không muốn nghe nói đến chuyện đất nuớc. Như đã nói ở trên, hai tiếng "yêu nước" bây giờ thành "tục tĩu", "thô bỉ", "nhảm nhí"…
Đa số người Việt Nam đã mất đi lòng yêu nước vì họ quá thất vọng với đất nước (= tổ quốc) nghĩa là với chính quyền (= chính phủ). Đối với người dân, thời Việt Nam theo Khổng giáo chính quyền là vua, "ái quốc" là "trung quân", và "nuớc" chỉ là một gánh nặng ; thời Pháp thuộc, "nước" đã bị tước đoạt, bộc lộ lòng yêu nước là một điều nguy hiểm ; gần đây, nếu tổ quốc của phe quốc gia là "một tổ quốc tầm phào", thì tổ quốc của phe cộng sản lại là một "một tổ quốc gian ác" (tr. 573).
Từ 1975, chính quyền ở Việt Nam hoàn toàn nằm trong tay đảng cộng sản, cho nên trách nhiệm về tình trạng nói trên hoàn toàn thuộc về đảng này. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã hủy diệt lòng yêu nuớc của người Việt Nam vì dưới quyền cai trị của họ, họ đã nhân danh tổ quốc tàn sát những người không chấp nhận chủ nghĩa của họ, biến tổ quốc thành "một tổ quốc đao phủ" ; họ đã phát động chiến tranh thôn tính miền Nam, làm cho nước nhà kiệt quệ, "tổ quốc Việt Nam đồng nghĩa với chiến tranh và chết chóc" ; họ đã dùng công an biến Việt Nam thành "một tổ quốc khống chế và hăm dọa… hành động như bọn giặc cướp… đểu cáng và lật lọng"… ; họ đã làm cho hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, vì đối với những người này "tổ quốc là sóng gió, hải tặc, cái chết trong bụng cá… là môt dĩ vãng cần quên đi".
Tình trạng trên đây làm cho việc đòi tổ quốc phải phải "ăn năn" không phải là vô lý. Khi anh Nguyễn Gia Kiểng viết : "Tổ quốc phải là một tổ quốc trách nhiệm… biết hội hận và ăn năn…" (tr. 585), nếu ta thay từ ngữ «Tổ Quốc» bằng "chính quyền", nghĩa là chính quyền cộng sản, thì câu đó thành "chính quyền [cộng sản] phải là một chính quyền trách nhiệm… biết hối hận và ăn năn…".
Phục hồi lòng yêu nước
Ăn năn, sám hối thế nào là một vấn đế đã được nhiều người bàn đến nên không cần bàn ở đây. Tóm tắt, tổ quốc (= chính quyền cộng sản) phải trở nên một tổ quốc thiền hòa, khiêm tốn", tự coi mình không phải là một cứu cánh, mà là một công cụ đứng trong và đứng dưới quốc gia, chỉ có sứ mệnh phục vụ quốc gia, mang lại phúc lợi và niềm tự hào cho dân tộc trong công cuộc xây dựng lại đất nước.
Một điều kiện nữa không kém quan trọng trong công cuộc xây dựng lại đất nước là lòng yêu nước thật sự của người dân. Lòng yêu nước đó đã mất đi thì nay phải phục hồi. Một ưu tư lớn trong việc phục hồi này là tránh những những đỗ vỡ về tinh thần, vật chất và nhân mạng cho đất nước. Hơn 30 năm chiến tranh đã gây "phí phạm kinh khủng" về tài nguyên của nước, và tài sản và nhân mạng của dân Việt Nam. Phần khác, qua chiến tranh người Việt đã tỏ ra không yêu nhau : họ đã xung đột nhau gay gắt, phủ nhận, mạt sát, lên án, tiêu diệt nhau. Mà "không yêu nhau là không yêu nước" (tr. 351) Họ đã không có tự hào dân tộc, không dấn thân tranh đấu, tránh gian nguy, không chấp nhận rủi ro, chấp nhận thỏa hiệp với chế độ độc tài tham nhũng, không chấp nhận một hy sinh nào cả, không gắn bó và trách nhiệm với cộng đồng…
Trong hơn 100 năm qua, thâu hồi độc lập, thống nhứt đất nước, xóa bỏ quá khứ nhục nhã được coi như là những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của dân tộc. Tranh đấu để đạt những mục tiêu đó là nhiệm vụ cao cả của mọi người Việt Nam, Tổ Quốc trở thành một cái gì thiêng liêng. "Hy sinh tất cả cho tổ quốc" không chỉ là một khẩu hiệu, mà là một cái gì có một sức lực vô biên. Nhân danh Tổ Quốc người ta sẵn sàng làm tất cả, vô điều kiện, kể cả thù ghét, bắn giết người đồng hương,hăng say đập phá tan tành xứ sở.
Ngày nay, không còn lý do để quan niệm đất nước như một chủng tộc hay quá khứ, "một tổ quốc thiêng liêng mà mọi người phải phục tùng, tôn kính, và phải phục vụ vô điều kiện" nữa, mà phải coi đất nước như là một quốc gia, "một không gian liên đới giữa những người hiểu nhau, quí trọng nhau, và hợp tác với nhau để xây dựng và chia sẻ một tương lai chung" (Thành Công Thế Kỷ 21, tr. 30). Quốc gia phải quan niệm như một cứu cánh, phải thực sự tự do, dân chủ, "tập thể của những người tự do, bình đẳng". Trong môt quốc gia như vậy nhà nuớc/chính quyền chỉ là công cụ của quốc gia, phải khiêm tốn hiền hòa, đem lại phúc lợi và niềm tự hào cho người dân (Thành Công Thế Kỷ 21, tr. 28).
Trong công cuộc dựng nước, quốc gia cần có một thái độ lo lắng và thận trọng trong việc bảo vệ tài nguyên và nhân mạng, phải "quý trọng từng con đường nhỏ, từng cây cầu, từng dãy phố, từng căn nhà…, phải tránh những sự phí phạm và những chiến tranh làm chết hàng triệu người". Trong quốc gia này, người Việt sẽ thương yêu kính trọng lẫn nhau và ngồi lại với nhau để giải quyết những vấn đề bất đồng thay vì khinh miệt lẫn nhau và chỉ tìm giải quyết với người ngoại quốc, hay cầu cạnh người ngoại quốc giải quyết những vấn để của mình. Đó là tỏ ra tinh thần hòa giải, và tự hào dân tộc.
Một quốc gia như vậy mới có thể đem lại cho mọi người Việt Nam lý do để yêu nước, chung sức dựng nước, để cùng tồn tại, và vươn lên. Có một quốc gia như vậy ai cũng có thể yêu nước được mà khỏi phải cần yêu chũ nghĩa xã hội.
Tôn Thất Thiện
(Ottawa, tháng 12-2006)
"Yêu nước" là yêu gì ? - Thế nào là yêu nước ? (Tôn Thất Thiện) (TL 210)
- Vài nhận xét về «thay đổi xã hội» (Tôn Thất Thiện) (TL 207)
- Đọc hồi kí của Vy Thanh: "Lớn Lên Với Đất Nước" (TL 204)
- Cần thẩm định lại giá trị của ông Ngô Đình Diệm và chế độ VNCH I (TL 203)
- Hải ngoại ủng hộ Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006
- Muốn bài trừ tham nhũng phải có dân chủ tự do (TL 201)
- Nhìn lại mình thêm lần nữa...
- Lại vấn đề dòng họ (TL 195)
- Thay đổi văn hóa và phát triển kinh tế
- Tiến trình chuyển biến văn hóa (Tôn Thất Thiện)
-
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
1 commentaire:
Lê Nhất Thiện: Ở đây tại địa chỉ này http://cttmmd.wordpress.com/2007/06/07/leadership-la-gi/ có một bài blog mới lên web xin mời tác giả cũng như đọc giả bài trên đến xem và phê bình giúp hoàn thiện cho sinh viên du học tham khảo nhất là những ai đang học cách ra kế hoạch kinh doanh - lenhatthien@gmail.com - http://lenhatthien.danhthieptoi.com
Enregistrer un commentaire