Trang web Đối Thoại Online phỏng vấn luật sư Lê Thị Công Nhân
Thưa quý thính giả, sau khi đại họi APEC bế mạc, tuân hành chỉ thị của Bộ Chính trị đảng CS Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký chỉ thị số 37 vào ngày 29/11/2006 qui định một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí. Chỉ thị 37 có hai mục đích rõ rệt là quản lý truyền thông bà báo chí thuộc viện nhà nước vốn đã chặc chẽ lại càng chặc chẽ hơn và nhất quyết ngăn cấm báo tư nhân. Đối Thoại Online rất hân hạnh được luật sư trẻ Lê Thị Công Nhân tại Hà Nội, phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến Việt Nam cho biết một số vấn đề liên quan đến chỉ thị 37 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.Mời quý thính giả theo dõi phần trao đổi của chúng tôi sau đây:
Duy Khang: Thưa luật sư, như luật sư đã biết, theo chỉ thị của Bộ Chính trị thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký chỉ thị số 37 vào ngày 29/11/2006 về báo chí, qui định sự kiểm soát chặt chẽ truyền thông và báo chí, cũng như cương quyết không chấp nhận báo tư nhân. Như vậy thì phát xuất từ thực tế như thế nào mà Bộ Chính trị và thủ tướng Dũng đã quyết định như vậy, thưa luật sư?
Ls Lê Thị Công Nhân: Xin chào anh Duy Khang. Theo tôi thì trong bối cảnh nào mà nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra một chỉ thị đang gây xôn xao dư luận như vậy. Như chúng ta đều biết thì thông báo số 41 của Bộ Chính trị đã được ra đời vào ngày 11/10/2006, tức là trước hội nghị APEC một thời gian tương đối dài là khoảng 1 tháng rưỡi. Sau khi hội nghị APEC kết thúc cũng như Việt Nam đã được kết nạp vào WTO thì nhà cầm quyền Việt Nam mà cụ thể là chính phủ đã cho ra chỉ thị số 37 TTg ngày 29/11. Trong chỉ thị này thì có hai nội dung chính, đó là tăng cường quản lý triệt để tất cả các báo chí ở trong nước thuộc quyền quản lý của nhà nước.
Thứ hai là một lần nữa nhà cầm quyền Việt Nam thể hiện môt thái độ ấu trỉ và ngoan cố, nhứt quyết không cho có báo chí tư nhân tại Việt Nam. Tôi nghĩ rằng việc này hoàn toàn không phải là vô tình mà đều đã được chuẩn bị vào sắp xếp kế hoạch cũng như thời điểm để công bố việc làm này.
Như tôi đã nói, chỉ thị 37 thì hoàn toàn ra đời trên cơ sở thông báo 41 của Bộ Chính trị mà thôi. Tại sao khi có thông báo này thì chỉ thị 37 chưa ra đời ngay? Có lẽ nhà cầm quyền Việt Nam người ta muốn cho sự kiện APEC cũng như việc Việt Nam gia nhập WTO được thuận lợi. Ngay sau đó, như tất cả chúng ta đều biết thì Việt Nam đã gia nhập WTO và thế giới rất quan tâm về vấn đề các giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu các ấn phẩm, báo chí cũng như văn học và những sản phẩm liên quan đến văn hóa – gọi tắt là văn hóa phẩm. Trong quá trình đàm phán WTO, như chúng ta đã biết trong thông báo của Bộ Ngoại giao về nội dung chính đàm phán gia nhập WTO thì cũng đã nói rằng Việt Nam không cho tự do về báo chí, nhưng có lẽ vì nhà cầm quyền Việt Nam người ta vẫn cảm thấy có một cái gì đó bất an, rằng những cam kết đó chưa phải là triệt để lắm, cho nên nó cũng chỉ là mới quốc tế thôi, cho nên người ta cho ra đời chỉ thị 37 này nhằm đối phó phần lớn với mặt trận báo chí ở trong nước mà hiện nay đang có một khuynh hướng, theo tôi là không thể đảo ngược, đó là tự do hóa về báo chí.
Duy Khang: Với tư cách là một luật sư thì luật sư đánh giá chỉ thị 37 như thế nào về mục đích cũng như về phương diện pháp lý?
Ls Lê Thị Công Nhân: Cảm ơn anh, đây quả thật là một câu hỏi rất là hay. Trước mặt tôi là hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992 hiện nay có hiệu lực thực thi. Có thể nói ngắn gọn một câu thôi là chị thị 37 này là một sự thể hiện sự độc tài tuyệt đối của đảng CSVN trên hệ thống bộ máy nhà nước của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là hệ thống hành pháp (tức chính phủ) cũng như hệ thống tư pháp. Gần như tất cả các hệ thống này, kể cả lập pháp, quốc hội đều nằm hoàn toàn dưới quyền cai trị của đảng CSVN mà cơ quan có quyền lực nhất chính là Bộ Chính trị.
Tôi nói vậy là vì sao? Như chúng ta đều biết, quốc hội trong pháp luật thì được qui định là một cơ quan quyền lực cao nhất của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam thì cũng có một qui định như vậy, và hiến pháp là luật cao nhất trong tất cả các luật, còn gọi là luật gốc hoặc luật mẹ trong hệ thống pháp luật của một quốc gia. Và tất cả văn bản luật khác đều nằm dưới hiến pháp và đều phải tuân thủ hiến pháp. Nếu nó trái với hiến pháp thì người ta gọi đó là vi hiến và cần phải được loại bỏ ngay.
Là một luật sư thì tôi xin khẳng định với những hiểu biết cá nhân của mình rằng chỉ thị 37-TTG ngày 29/11/2006 là hoàn toàn vi hiến. Nói vậy là vì sao? Tôi xin trích dẫn điều 33 hiến pháp Việt Nam năm 1992:
Ðiều 33:
Nhà nước phát triển công tác thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thư viện và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nghiêm cấm những hoạt động văn hoá, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam. Vậy thì điều 33 này có lẽ là cũng không cần gì phải phân tích nhiều hay bàn cãi, nó đã nói rất rõ. Đó là nhà nước có nghĩa vụ là phải phát triển báo chí và thông tin. Bên cạnh đó nhà nước có thẩm quyền cấm những hoạt động văn hóa và thông tin làm tổn hại đến lợi ích quốc gia và những vấn đề liên quan đến đạo đức v.v… Đó không có nghĩa rằng là nhà nước cấm hoặc không cho phép báo chí tư nhân phát triển.
Ở đây chúng ta phải hiểu nguyên tắc của pháp luật là phía cơ quan công quyền thì chỉ được thực thi những gì nằm trong sự cho phép mà thôi. Còn công dân cũng như với những tổ chức tư nhân thì người ta được quyền làm tất cả những gì không cấm. Vậy thì điều 33 của hiến pháp đã nói rất rõ trách nhiệm của nhà nước là phải phát triển thông tin báo chí, truyền thanh và tất cả những loại hình báo chí khác. Tôi xin được trích dẫn một điều nói rõ hơn để cho thấy tính vi hiến của chị thị số 37. Đó chính là điều 60, 69.
Điều 60 thì liên quan ở phương diện rộng hơn một chút. Điều 60 hiến pháp Việt Nam qui định:
Ðiều 60 Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hoá khác. Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp.Ở đây chúng ta quan tâm tới khía cạnh sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác. Ở một khía cạnh, báo chí cũng thuộc lãnh vực của hoạt động văn hóa.
Tiếp theo tôi xin trích dẫn điều 69. Điều 69 hiến pháp Việt Nam là một điều khoảng rất ngắn gọn và qui định rất cụ thể và đầy đủ những quyền liên quan đến báo chí của công dân mà cụ thể là tư nhân.
Điều 69 ghi: Ðiều 69 Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Vậy mà trong chỉ thị 37CT-TTg vừa mới được ra đời thì lại có một điều khoản không thể nào chấp nhận được và hoàn toàn vi phạm pháp luật, vi phạm ở đây là vi phạm bộ luật mẹ của cả quốc gia – đó là hiến pháp. Tại điểm D điều 2 của chỉ thị 37 ghi rằng: Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước. Như thế nào là lợi dụng báo chí để phục vụ lợi ích riêng hoặc gây tổn hại cho đất nước thì thiết nghĩ việc làm này của Bộ Văn hóa thông tin hoặc của những cơ quan an ninh bây giờ người ta làm bây giờ, theo tôi thì đã rất triệt để và chặt chẽ, phục vụ cho lợi ích của đất nước cũng như đảng CSVN rồi.
Vậy ở đây vấn đề là cương quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức. Điều này đã xâm phạm vào quyền được tự do báo chí của tất cả công dân Việt Nam cũng như của mỗi một công dân Việt Nam – là một quyền đã được hiến định bởi điều 69 của hiến pháp Việt Nam. Bên cạnh đó thì tôi cũng xin được trích dẫn Công ước về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc năm 1966 mà Việt Nam đã là thành viên tham gia vào ngày 24/9/1982.
Về nguyên tắc thì trong hệ thống pháp luật nội địa của một đất nước thì không ai có quyền ép buộc một quốc gia tham gia một điều ước quốc tế, nhưng nguyên tắc vàng của luật quốc tế đó là khi mà anh đã tham gia thì anh phải tuân thủ. Vấn đề là Việt Nam đã tham gia công ước của LHQ về các quyền dân sự cũng như quyền chính trị và luật Việt Nam cũng qui định rất rõ nếu như giữa luật quốc nội và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và ký kết có những sự mâu thuẩn hoặc trái ngược thì ưu tiên áp dụng theo nguyên tắc là luật quốc tế áp dụng trước hết và trên hết. Chính vì vậy tôi xin được trích dẫn điều 19 của Công ước LHQ về các quyền dân sự và chính trị năm 1966:
Ðiều 19:
1. Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp.
2. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
3. Việc hành sử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu:
a. Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác.
b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý. Như những điều vừa rồi thì chúng ta đều thấy rõ chỉ thị 37 đã vi phạm nghiêm trọng không những luật của chính nhà cầm quyền Việt Nam ban hành mà cả luật quốc tế. Ở đây chúng ta phải phân biệt hai khía cạnh khi chúng ta nhìn vào một điều luật.
Thứ nhất là việc ban hành một văn bản pháp luật hoặc điều luật như vậy nó có đúng trình tự tư pháp, luật pháp của một quốc gia hay không, và đã được kiểm tra hay chưa. Và trong mối quan hệ của hệ thống văn bản pháp luật của một quốc gia thì nó cũng có quan hệ với pháp luật quốc tế, ở đây cụ thể là những điều ước quốc tế, là tên gọi chung của công ước quốc tế hoặc là những thỏa thuận quốc tế, mà quốc gia đó đã tham gia.
Cái thứ hai chúng ta mới quan tâm đến, đó là nội dung của điều luật là như thế nào. Cho nên ở đây, ngay từ vấn đề hình thức của văn bản pháp luật này cũng như trình tự của mối quan hệ pháp lý giữa các văn bản khác thì chỉ thị 37 này đã thể hiện sự sai lầm nghiêm trọng của nhà cầm quyền Việt Nam là nó đã vi hiến, tức là vi phạm chính pháp luật của nội địa Việt Nam và vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Câu hỏi này thuần túy mang tính chất pháp lý cho nên tôi trả lời có phần khô khan, mong quý vị thông cảm.
Duy Khang: Xin luật sư cho biết ảnh hưởng của chỉ thị 37 đối với báo chí và truyền thông thuộc viện nhà nước quản lý như thế nào?
Ls Lê Thị Công Nhân: Hiện giờ chúng ta cũng đã thấy rằng nó đã gây những phản ứng hết sức mạnh mẽ từ báo giới, đây là cả báo giới ở trong nước cũng như giới làm báo của quốc tế đang có mặt tại Việt Nam và cũng đã gây những phản ứng không phải nhỏ đối với báo giới quốc tế đang có mặt tại Việt Nam. Cá nhân tôi thì cho rằng quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận là quyền đầu tiên của nhân quyền là cũng là quyền có chức năng như một phương tiện để thực hiện những nhân quyền khác. Vậy mà một chỉ thị với nội dung như vậy thì từ trước tới nay chúng ta đều biết hơn 600 tờ báo của Việt Nam vẫn đã và đang nằm dưới một tên gọi là “quốc doanh”, tức là sự kiểm soát của nhà nước là tuyệt đối. Tôi cũng thấy khó hiểu vì nếu tôi là nhà cầm quyền Việt Nam thì không cần thiết phải cho ra đời thêm một chỉ thị 37 như thế này làm gì. Bởi vì hiện tại, như chúng ta đã biết ở tại Việt Nam cũng làm gì đã có báo chí tư nhân. Nhưng có lẽ là chỉ thị này đã được ra đời trong một bối cảnh việc Việt Nam gia nhập WTO đã xong và người ta bắt đầu có những hoạt động thực tế, những giao dịch thực tế đối với thế giới về khía cạnh thương mại mà trong đó những giao dịch thương mại về văn hóa phẩm mà trong đó báo chí là một phần lớn. Tôi nghĩ rằng chỉ thị 37 này là một sự bất công rất lớn đối với báo giới Việt Nam. Báo giới Việt Nam trong thời gian qua chúng ta cũng phải ghi nhận là họ đã có những đóng góp lớn đối với sự phát triển của đất nước cũng như đóng góp vào một công cuộc mà trước hết là đã chỉ ra những điều xấu, những điều sai của các cơ quan công quyền, trong việc chống tham nhũng, chống tiêu cực của bộ máy hành chánh nhà nước. Và hơi thở tự do thì đang được thổi vào rộng khắp báo giới của Việt Nam. Mặc dù chịu sự quản lý gần như tuyệt đối của nhà nước nhưng khuynh hướng đó trong khoảng 5 năm trở lại đây thì đã mang đến niềm lạc quan tích cực cho báo giới. Và tôi nghĩ rằng chỉ thị này giống như – không phải là một gáo nước lạnh – mà là một sô nước lạnh tạt vào mặt của báo giới Việt Nam. Khi có rất nhiều thậm chí còn đang nghĩ đến việc cổ phần hóa các tờ báo hoặc tự mình cho ra đời những tờ báo riêng v.v… Người ta nói đến sự bất công là ở chỗ nếu như những tờ báo hiện đang được nhập khẩu một cách chính ngạch vào Việt Nam thì đa phần chúng ta đều biết, đều là của những tập đoàn truyền thông tư nhân hoặc hoặc của những hãng thông tấn tư nhân. Vậy thì tại sao báo chí tư nhân của nước ngoài, người ta có một thị trường rất lớn tại Việt Nam như vậy, người ta cũng có một cơ hội rất lớn để phát triển nghề nghiệp, phát triển chức năng của người ta thì chỉ thị 37 này lại đập bẹp tất cả những điều đó đối với báo giới của nội địa Việt Nam. Việt Nam có gần 9,000 nhà báo làm cho hơn 600 tờ báo. Vậy thì bao giờ báo giới Việt Nam mới có một sự tự do phát triển, sáng tạo và có một phong cách cũng như một bản lĩnh, một trình độ báo chí tương đương với khu vực ĐNÁ thôi, chưa nói đến thế giới. Điều này sẽ gây nên một sự thiệt thòi rất lớn cho báo giới Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng những nhà báo của Việt Nam không phải người ta không có khả năng để có thể học tập hoặc phát triển năng lực của mình để có thể phấn đấu phát triển ngang hàng với các nhà báo ở trình độ quốc tế. Chỉ thị này, theo tôi, nó sẽ làm lụi tàn đi rất nhiều những ý tưởng hoặc những niềm mong muốn phát triển và sáng tạo của báo giới Việt Nam. Cái này là một ảnh hưởng mà tôi muốn nhấn mạnh là trước tiên nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đối với báo giới quốc nội đang hành nghề dưới qui định của pháp luật CSVN hiện nay.
Duy Khang: Theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay đang có 3 tờ báo tư nhân. Thứ nhất là tờ Tự Do Ngôn Luận do linh mục Chân Tín làm Tổng biên tập, tờ Tự Do Dân Chủ do nhà văn Hoàng Tiến làm Tổng Biên Tập, và tờ Tổ Quốc có sự hiện diện của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Thưa luật sư, những tờ báo này chịu ảnh hưởng của chỉ thị 37 như thế nào ạ?
Ls Lê Thị Công Nhân: Về khía cạnh pháp lý thì như thế này. Ba tờ báo mà anh vừa nêu tên là những tờ báo có thể nói là đặc biệt nhất của đất nước Việt Nam hiện nay. Đặc biệt là bởi vì nó không được nhà cầm quyền Việt Nam thừa nhận. Chúng ta cứ nói thẳng ra là “báo chui” – vâng, nó là một tờ báo chui. Ở đây tôi chưa xét về nội dung mà là hình thức thôi, mà tại sao nó lại là báo chui. Là bởi vì những thủ tục để có được một giấy phép do Bộ Văn hóa Thông tin ban hành thì những tờ báo này chắc chắn là sẽ không bao giờ có được giấy phép đó. Về nội dung thì chắc chúng ta khỏi phải bàn. Những tờ báo này đều là những tờ báo lương tâm, đều là những tờ báo có tính chất từ thiện, không hề vì một lợi nhuận gì cả và đều có một nội dung chung, đó là phát biểu chính kiến và lương tâm của những người có trách nhiệm với đất nước, Đang nhìn thấy đất nước lâm nguy trước nạn độc tài của đảng CSVN và họ đòi hỏi, yêu cầu và họ đấu tranh cho một nền dân chủ đa nguyên tại Việt Nam. Chỉ thị 37 này ra đời sau khi 3 tờ báo đó đã được phát hành trong nước mà cụ thể có một tờ phát hành là báo giấy là Tự Do Ngôn Luận. Đến thời điểm này với một chỉ thị như vậy, tôi đang nói thuần túy về mặt pháp lý thôi thì có lẽ cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến 3 tờ báo đó. Bởi vì sao? Trước khi có chỉ thị này, hay sau khi có thì 3 tờ báo này – thời điểm chúng ta đang trò chuyện thì vẫn là 3 tờ báo không được nhà nước thừa nhận và là những tờ báo chui. Nhưng thực tế với một tuyên bố rất ngoan cố như vậy của nhà cầm quyền Việt Nam trong chỉ thị 37 thì chắc chắn trong thực tế 3 tờ báo mà chúng ta vừa nêu sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Chắc chắn là những người đứng tên trong ban biên tập sẽ phải chịu những sóng gió đầu tiên. Bởi vì 600 tờ báo của Việt Nam có những phát triển rất lớn trong khoảng 5-6 năm gần đây nhưng tuyệt đối những tờ báo này gần như không đả động gì đến vấn đề yêu cầu có một nền dân chủ tại Việt Nam. Thường là những tờ báo chuyên ngành, hoặc về văn hóa, xã hội, vui chơi giải trí hoặc kỹ thuật thuần túy v.v… Tất nhiên thỉnh thoảng cũng có một vài bài mang tính chính trị - Nhưng tôi xin nhắc lại là chỉ mang tính chính trị nói chung, chớ chưa có một bài viết hoặc một tờ báo nào dám đưa ra một yêu cầu là đất nước cần phải có dân chủ và đa nguyên. Lạc quan thì tôi vẫn lạc quan bởi vì như tôi đã nói, 3 tờ báo này có trước, và sau chỉ thị 37 thì vẫn là những tờ báo không được công nhận hợp pháp. Nhưng lo lắng một chút thì cũng có. Bởi vì trên cơ sở chị thị 37 này thì người ta sẽ ra tiếp những nghị định để pháp hiệu hóa chỉ thị đó. Và trên cơ sở đó mà những cơ quan bảo vệ cho nền độc tài của đảng CSVN, người ta sẽ làm những việc để đàn áp 3 tờ báo này. Riêng cá nhân tôi thì tôi lại nghĩ đến một khía cạnh hơi khác một chút, là chúng ta chưa có được những việc làm đàn áp thực tế từ khi chỉ thị 37 này ra đời. Bởi vì đến hôm nay thì nó chỉ có được chưa tới một tuần. Nhưng sức phản ứng của thế giới đã thể hiện. Chính nhà cầm quyền Việt Nam đã giơ xấu bộ mặt của họ cho thế giới xem mà chẳng cần những người đấu tranh dân chủ hoặc phong trào đấu tranh dân chủ trong quốc nội cũng như ở hải ngoại người ta phải lên tiếng nhiều về chỉ thị này. Chúng ta theo dõi báo chí trong nước trong những ngày qua, nhất là báo chí điện tử thì chúng ta thấy rằng họ đã phản ứng hết sức dữ dội. Nhưng chỉ có điều là mức độ công khai hay chính thức thì chưa được nhiều. Chúng ta phân biệt hình thức cũng như mức độ của sự phản ứng. Mức độ, theo tôi thì hết sức kinh khủng chỉ có điều sống trong quốc nội này thì lời ăn tiếng nói phải hết sức cẩn trọng thôi. Tôi cảm thấy đây, xét ở một gốc độ nào đó có phần lạc quan và mỉa mai vì nó như là một món quà mà đảng CSVN tặng cho phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam. Một bằng chứng hết sức sống động chính là chỉ thị 37 này cho thấy việc nhà cầm quyền Việt Nam hết sức ngoan cố để ôm lấy, giữ chặc lấy quyền quản lý thông tin. Chỉ cho biết những gì mà đảng CS muốn cho người dân biết mà thôi – và cũng không cần gì nhiều. Một sự phản ứng quá gay gắt và mãnh liệt hiện nay đối với phong trào dân chủ trong nước. Chính việc làm này của nhà cầm quyền CSVN đã vô tình đẩy báo giới – hợp pháp và công khai – tại Việt Nam hiện nay đứng về phe dân chủ, theo một phương diện nào đó, cho dù cá nhân một vài người chưa chắc là đã muốn lắm. Việc làm này nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến quyền lợi của những người làm báo, cũng như những người đang hết sức giàu có mà có ý tưởng muốn có những tờ báo riêng của mình.Nói chung là tôi không cảm thấy quá bi quan hay tiêu cực về chỉ thị 37 này.
Duy Khang: Theo luật sự thì phong trào dân chủ Việt Nam trong nước đã có phản ứng nào về chỉ thị 37 chưa ạ?
Ls Lê Thị Công Nhân: Trước đây, cũng như hiện nay thì phong trào đấu tranh dân chủ chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình để có thể xóa bỏ dần dần sự bưng bít thông tin đã được nhà cầm quyền CSCN tạo dựng trong suốt bao năm dài đằng đẳng vừa qua. Việc bưng bít thông tin đó đã làm cho dân tộc chúng ta bị lạc hậu, bị ấu trỉ đi rất nhiều bởi vì không có những thông tin đa chiều và đa dạng để có thể phát triển được sự hiểu biết cũng như trình độ kiến thức và trí óc của mình. Như tôi đã nói, việc tố cáo những việc làm sai trái, những việc đàn áp phong trào đấu tranh trong nước từ phía nhà cầm quyền Việt Nam thì chúng tôi làm một cách trường kỳ và thường xuyên. Chỉ thị 37 này, tự nhà cầm quyền Việt Nam, như tôi đã nói, giơ mặt xấu của họ cho cả thế giới biết. Phong trào đấu tranh dân chủ trong nước cũng không cần phải làm gì nhiều để cho thế giới người ta tự phản ứng về việc này. Mà trước hết là báo giới quốc nội người ta sẽ phản ứng. Đến thời điểm hiện nay thì các tổ chức cũng như những cá nhân đấu tranh công khai trong phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam, ví dụ như Liêm Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, Khối 8406, các đảng chính trị phi cộng sản tại Việt Nam như Đảng Dân Chủ Thế Kỷ 21, Đảng Dân Chủ Nhân Dân và Đảng Thăng Tiến mà tôi hiện là người phát ngôn. Chúng tôi chưa có một văn bản chính thức nào để thể hiện phản ứng của mình về chỉ thị 37 này.Về cá nhân của từng người thì chúng tôi đều chưa đưa ra một phát ngôn chính thức nào để phản ứng lại chỉ thị 37 này, có chăng là những cuộc phỏng vấn. Thái độ đó cũng không có gì là khó hiểu cả bởi vì chúng tôi thiết nghĩ trong 4, 5 ngày vừa qua thì cũng chưa cần có một phản ứng mạnh mẽ từ phía chúng tôi. Nó cũng giống như một thời gian “tạm nghỉ” để cho thế giới và báo giới quốc nội Việt Nam người ta phản ứng với chính quyền Việt Nam là đủ rồi. Nhưng tất nhiên, trước mắt chúng ta cũng chưa biết điều gì có thể xảy đến và những mưu mẹo, những sự lương lẹo của nhà cầm quyền Việt Nam thì nó đã thể hiện quá nhiều bằng chứng trong quá khứ rồi. Phong trào đấu tranh dân chủ sẽ luôn hết sức tỉnh táo và cảnh giác để chuẩn bị cho những trường hợp xấu có thể xảy ra.Mặc dầu vậy nhưng chúng tôi cũng luôn nhìn nhận một sự việc hoặc một hiện tượng nào đó trong một bối cảnh tổng thể - tức là đối chiếu với trong nước cũng như nhìn ra sự quan hệ với chính trường quốc tế để có thể nhận biết và có thể rút ra được những kết luận, đánh giá sáng suốt để có những hành xử phù hợp và đúng lúc.Cho đến thời điểm này cá nhân tôi cũng nghĩ là như vậy. Những cuộc phỏng vấn hoặc trả lời trên phương diện cá nhân thì đã có nhiều, nhưng chưa có phản ứng chính thức nào bằng văn bản của phong trào đấu tranh dân chủ trong nước đối với chỉ thị. Bởi vì chúng tôi muốn cho thế giới phản ứng trước đã rồi chúng tôi có nói sau thì cũng không có gì là muộn.
Duy Khang: Chúng tôi, Duy Khang, xin thay mặt cho độc giả và thính giả của Đối Thoại Online xin cám ơn luật sư Lê Thị Công Nhân đã dành thì giờ chia sẻ quan điểm của luật sư với chỉ thị 37 của thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến truyền thông, báo chí và ra báo tư nhân. Trước khi dứt lời, luật sư có điều gì cần trình bày thêm với độc giả và thính giả của Đối Thoại Online?
Ls Lê Thị Công Nhân: Tôi chỉ muốn nói một điều ngắn gọn là cuộc đấu tranh để giành tự do dân chủ cho Việt Nam chắc chắn sẽ còn dài và muôn vàn những khó khăn. Tôi mong rằng với sự quan tâm, sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt tại hải ngoại và trước tiên chính là vấn đề thông tin báo chí và hỗ trợ về tinh thần sẽ góp một phần lớn, một phần cực kỳ quan trọng để có thể truyền bá, phổ biến về cuộc đấu tranh dân chủ cho toàn thể người dân ở trong nước biết. Cuộc phỏng vấn hôm nay thì cũng liên quan trực tiếp đến những công việc mà chúng tôi đang làm trước tiên, và cũng gần như là một nhiệm vụ. Tôi nghĩ rằng thời điểm này là duy nhất để Việt Nam có một nền dân chủ, đó là chúng ta phải phá bỏ được sự bưng bít thông tin và độc quyền về tự do ngôn luận, báo chí của nhà cầm quyền Việt Nam. Chỉ khi nào chúng ta làm được việc đó thì đa số hơn 80 triệu dân Việt Nam mới có thể biết một cách thật sự về phong trào đấu tranh dân chủ này một cách đầy đủ nhất và từ đó người ta sẽ có những hiểu biết và sự quan tâm đúng đắn dành cho phong trào này. Tôi cũng mong lực lượng người Việt của chúng ta tại hải ngoại có cuộc sống hết sức thoải mái và tự do, có những phương tiện về mặt kỹ thuật rất tốt và những trình độ và những kỹ năng về thông tin, báo chí tốt như vậy thì chúng ta cũng sẽ góp phần liên lạc và thông tin với báo giới quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế, chính phủ nước ngoài về hiện trạng đấu tranh dân chủ tại Việt Nam một cách kịp thời và đầy đủ bằng chính báo chí, cụ thể là báo chí trên mạng như thế này.Như cá nhân tôi đây, tôi biết đến phong trào đấu tranh dân chủ trong nước một phần lớn là cũng qua mạng internet. Và tôi mong rằng ngày càng có nhiều những tờ báo hay, tốt và trung thực để phổ biến được nhiều hơn, giúp nâng cao dân trí của người Việt Nam.Cá nhân tôi rất thích một câu, đó là “trong sự dối trá, chúng ta chỉ có một điều duy nhất – đó là dốt nát. Và sự thật, dù có phủ phàng đến mấy thì cũng đáng được trân trọng”. Tôi xin được cám ơn báo Đối Thoại đã dành cho tôi thời gian để tâm sự và trò chuyện với quý vị và xin hẹn gặp lại vào dịp khác. D
uy Khang: Quý thính giả đang theo dõi cuộc trao đổi của chúng tôi với luật sư Lê Thị Công Nhân tại Hà Nội và là phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến Việt Nam liên quan đến vấn đề chỉ thị 37/2006/CT-TTg của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Xin hẹn gặp lại quý thính giả.
-------------
SỰ THẬT VỀ VIỆC BÃI BỎ
NGHỊ ĐỊNH 31/CP NGÀY 14.4.1997
Ls Lê Thị Công Nhân – 11-11-2006
Hiện nay, giới làm nghề luật tại Việt Nam, những người quan tâm đến tình hình đấu tranh dân chủ của Việt Nam, và ngay cả một số ít trong những người đang trực tiếp đấu tranh Dân chủ cho Việt Nam hiện thời đang vui mừng trước thông tin về việc nhà cầm quyền cộng sản sắp hủy bỏ Nghị định 31/CP do ông Võ Văn Kiệt ký ngày 14-4-1997.
Nghị định này có tên gọi đầy đủ là Nghị định của Chính phủ số 31/CP ngày 14 tháng 4 năm 1997 ban hành Quy chế quản chế Hành chính, sau đây gọi tắt là NĐ31. Đây là Nghị định được áp dụng đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến an ninh quốc gia được quy định tại Chương I phần các tội phạm của Bộ luật hình sự nhưng “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” (điều 2). Đây là một trong những văn bản pháp luật được coi là hữu hiệu nhất để nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp phong trào đấu tranh Dân chủ trong Nước kể từ khi nó được ra đời cho đến nay. Vì, NĐ31 này gần như được lập ra chỉ để áp dụng cho một loại đối tượng duy nhất là các nhà đấu tranh dân chủ ôn hòa bất bạo động, dùng tiếng nói lương tâm và hiểu biết của mình để đòi tự do, nhân quyền và một nền chính trị văn minh đa nguyên cho Việt Nam.
Trong quá khứ, cũng như hiện tại, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn luôn chụp cho những người đấu tranh dân chủ cái mũ “xâm phạm an ninh quốc gia” hoặc “liên quan đến an ninh quốc gia” với những “tội danh” như : chống đối chính sách, tuyên truyền phản cách mạng, lợi dụng dân chủ, phá hoại chính sách đoàn kết, gây rối trị an, xúc phạm lãnh tụ, v.v…, để từ đó thực hiện những việc đàn áp, như : bắt bớ, thẩm vấn, ép buộc công ty/tổ chức nơi những người đấu tranh này làm việc đuổi việc họ, kết án là tội phạm hình sự rồi bỏ tù, quản chế họ…v.v…. Và như chúng ta đều biết, biện pháp quản chế là một trong những biện pháp bị lạm dụng nhiều nhất và tùy tiện nhất so với những biện pháp khác để đàn áp những người đấu tranh dân chủ.
Quản chế được nhà cầm quyền Việt Nam quy định là một biện pháp Hành chính mà thôi !?!? Tức là không cần phải khởi tố và xét xử vụ án như là đối với một vụ án chính thức, mà nhà cầm quyền vẫn có thể áp dụng ngay biện pháp “bỏ tù tại gia” từ 6 tháng đến 2 năm (điều 1) đối với cá nhân đã bị chụp mũ là “xâm phạm an ninh quốc gia”. Điều kinh khủng nhất và cũng là tăm tối nhất của NĐ31 chính là nội dung “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. nhà cầm quyền quy định như vậy, nhưng lại không hề nói rõ như thế nào là “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Sự thiếu sót này hoàn toàn do cố ý nhằm tạo điều kiện áp dụng trong bất kỳ trường hợp nào với bất kỳ cá nhân nào mà nhà cầm quyền thấy rằng cần phải trừng trị người đó với tội danh có nội dung “xâm phạm đến an ninh quốc gia”, nhưng cố kiếm cũng không ra nổi một bằng chứng buộc tội nào, hoặc cũng có thể do nhà cầm quyền e sợ một thế lực hoặc dư luận nào đó mà không thể đưa người này ra để buộc tội. Vì vậy, quản chế hành chính đã được ưu tiên lựa chọn áp dụng cho những người này, vì nhà cầm quyền CSVN thấy không nên / không thể xét xử đối tượng một cách công khai !!!
Cũng vì quy định mơ hồ như vậy mà đã có rất nhiều những người đấu tranh dân chủ ôn hòa bất bạo động bị áp dụng quyết định quản chế hành chính và bị cưỡng chế phải sống trong cảnh tù đày tại gia trong suốt những năm qua.
Và khi bị quản chế như vậy, nạn nhân sẽ phải sống trong cảnh đi đâu cũng “phải có lý do chính đáng” và phải làm đơn xin phép và phải đợi có được sự chấp thuận của nhà cầm quyền bằng một “giấy phép” (điều 17). Quy định nghe ra có vẻ rất kỹ và chi tiết như vậy, nhưng đó chỉ là quy định cho phía người bị áp dụng quyết định mà thôi. Còn về phía cơ quan công quyền, là phía “có quyền ra quyết định” và “cấp giấy phép” thì tìm mỏi mắt trong NĐ31 cũng không thấy một điều nào nói như thế nào là lý do chính đáng và những trường hợp nào thì được cấp giấy phép và trường hợp nào không.
Quy định chỉ chặt chẽ một chiều cho phía đối tượng bị áp dụng như vậy vì tinh thần làm luật đã được thiết lập trên cơ sở là luật phục vụ cho quyền lợi và sự tùy tiện của nhà cầm quyền chứ không phải cho dân sinh.
Đọc đến đây, quý vị sẽ thắc mắc sao chưa thấy mối liên hệ giữa tiêu đề của bài viết với nội dung của nó, vì ở trên mới chỉ thấy phân tích nội dung cơ bản của NĐ31 mà thôi.
Vấn đề chính là ở chỗ, ngày 5 tháng 9 năm 2006 vừa qua, nhà cầm quyền Việt Nam trong phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2006 đã ra Nghị quyết số 22/NQ-CP gây xôn xao dư luận trong và ngoài Nước, người Việt cũng như người nước ngoài, cũng bởi vì cái khoản 5 của nó, ghi rằng :
“5. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình về việc bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính và hủy bỏ Nghị định số 31/CP ngày 14 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ về quản chế hành chính.
Chính phủ thống nhất, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thực hiện cải cách tư pháp hiện nay thì việc bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính và hủy bỏ Nghị định số 31/CP về quản chế hành chính là cần thiết. Để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc hủy bỏ hoặc đình chỉ áp dụng một số điều, khoản liên quan đến quản chế hành chính của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, trên cơ sở đó huỷ bỏ Nghị định số 31/CP về quản chế hành chính.”
Có lẽ không cần phải nói nhiều rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã có những việc làm tiến bộ nhất định nhằm sửa chữa những sai lầm do chính họ tạo ra trước đây !?!?, như trong khoản 5 nêu trên, là “xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thực hiện cải cách tư pháp thì việc bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính và hủy bỏ Nghị định 31/CP về quản chế hành chính là cần thiết.”
Nhưng họ có thật tâm muốn làm như vậy không ?
Xin thưa rằng không, đơn giản là vì, việc sẽ hủy bỏ Nghị định 31/CP thật sự không hề có nhiều ý nghĩa như nhà cầm quyền Việt Nam vẫn đang tuyên truyền để đánh lạc hướng dư luận. Vì, từ rất lâu rồi NĐ31 này không còn được áp dụng nữa, mà chính xác là từ ngày 01 tháng 10 năm 2002 khi Pháp lệnh Xử lý Vi phạm Hành chính 2002 có hiệu lực thi hành.
Như tất cả chúng ta đều biết, Pháp lệnh có hiệu lực rất cao, chỉ sau Hiến pháp và Luật. Còn về nguyên tắc áp dụng, thì nguyên tắc về thời gian là, nếu 2 hoặc nhiều văn bản luật điều chỉnh về cùng một vấn đề thì văn bản nào ra đời sau sẽ có hiệu lực áp dụng. Do đó, Pháp lệnh Xử lý Vi phạm Hành chính vừa là văn bản ở cấp cao hơn vừa ra đời sau so với NĐ31. Vấn đề là toàn bộ quy định về quản chế hành chính của NĐ31/CP đã được đã được đưa vào Pháp lệnh 2002 một cách “êm ái hơn, gọn gàng hơn và sắc bén hơn” mà vẫn bảo toàn đầy đủ tất cả những nội dung đáng lên án của NĐ31/CP. Cụ thể là các điều trong Pháp lệnh bao trùm toàn bộ NĐ31 gồm những điều sau :
- Điều 6, khoản 2 ghi “Đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác là những người được quy định tại các điều 23, 24, 25, 26 và 27 của Pháp lệnh này.”
- Điều 22 quy định các biện pháp xử lý hành chính khác bao gồm : giáo dục tại xã phường, thị trấn ; đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh và quản chế hành chính.
- Điều 27 quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với người có hành vi vi phạm pháp luật phương hại đến an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Và thời hạn quản chế Hành chính là từ 6 tháng đến 2 năm.
Nội dung về quản chế Hành chính của NĐ31 đã được quy định một cách tinh vi hơn, với giá trị hiệu lực cao hơn khi được đưa vào trong Pháp lệnh. Bên cạnh đó thì các biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục (điều 25) và đưa vào cơ sở chữa bệnh (điều 26) cũng đã được đưa vào trong Pháp lệnh mới này với một phạm vi áp dụng rất rộng. Hai biện pháp này cũng là những hình thức đàn áp được nhà cầm quyền Việt Nam áp dụng khá phổ biến đối với những người đấu tranh dân chủ. Vì cơ sở giáo dục ở đây chính là một trại giam trá hình, mặc dù chúng cũng có tác dụng giáo dục nhất định đối với những kẻ xấu, nhưng trong thực tế bị nhà cầm quyền lạm dụng không ít để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Còn đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh quy định trong Pháp lệnh là người nghiện ma túy và bán dâm (khoản 2 điều 26 Pháp lệnh), nhưng trong thực tế nhà cầm quyền Việt Nam vẫn thường dùng thủ đoạn rêu rao một số người bất đồng chính kiến là mắc bệnh tâm thần và cưỡng chế đưa họ vào các bệnh viện tâm thần nhằm mục đích thâm độc là hãm hại những người này làm cho họ không bệnh cũng thành bệnh.
Vì vậy, nếu nhà cầm quyền Việt Nam nói rằng “việc bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính và hủy bỏ NĐ 31/CP về quản chế hành chính là cần thiết” thì họ phải thật sự hủy bỏ tất cả các quy định pháp luật liên quan đến quản chế hành chính, chứ không thể nào lại chỉ là bãi bỏ một nghị định mà cái nghị định đó đã “chết” từ lâu rồi !!!
Sự thật thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ làm một việc đơn giản là cho NĐ 31/CP ngày 14-4-1997 “chết một lần nữa” mà thôi. Còn mục đích thật sự của họ là thế nào thì ai cũng đã rõ. Hiện nay, Pháp lệnh Xử lý Vi phạm Hành chính 2002, Nghị định 38/CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 về việc tập hợp đông người và Nghị định 56/CP về văn hóa và thông tin vừa mới ra đời ngày 6 tháng 6 năm 2006, còn tinh vi hơn và đang còn có hiệu lực đầy đủ và ghê gớm trong việc đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ dũng cảm nói lên bất đồng chính kiến của mình và những hiện trạng tiêu cực của xã hội do sự độc tài của Đảng cộng sản gây ra. Và biện pháp quản chế, cái tên gọi mỹ miều của việc bắt bỏ tù tại gia, vẫn hoàn toàn còn đầy đủ hiệu lực của nó trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002.
Hơn nữa, nếu năm 1991, Quốc hội CSVN đã huỷ bỏ “Lệnh tập trung cải tạo” 1 lệnh kéo dài 3 năm (cho đến năm 1991, có những người bị 5 lệnh liên tiếp phải ở tù 15 năm liền) thì với Pháp lệnh năm 2002, nhà cầm quyền CSVN đã tái lập “Lệnh tập trung cải tạo” này qua việc “đưa vào cơ sở giáo dục từ 6 tháng đến 2 năm và có thể gia hạn một cách tuỳ tiện”.
Vì vậy, các nhà đấu tranh Dân chủ và công luận hãy nhận thức thật đầy đủ và chuẩn xác những chiêu đòn của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
Hà Nội, 11-11-2006
Luật sư Lê Thị Công Nhân
------------------------------
Bản tin của FNA từ Hà Nội
Mật vụ cộng sản thẩm vấn luật sư Lê Thị Công Nhân
Phóng viên FNA từ Hà Nội cho biết: Vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 31-10-2006, nhân viên mật vụ khu vực tên Sơn của phường Phương Mai, quận Đống Đa đã đưa ba mật vụ của A42 gồm hai nam: Trung và Hồng, một nữ mật vụ là Doãn Anh Thuỷ đến nhà nữ luật sư Lê Thị Công Nhân, phát ngôn nhân của đảng Thăng Tiến Việt Nam. Trong lúc luật sư Nhân đang ốm mệt và đã phản đối, nhưng cả bốn nhân viên mật vụ đã cưỡng bức luật sư Nhân ra
chiếc xe ô tô biển số 80B-2530 và đưa đến trụ sở tại số 1 ngõ 34 đường Âu Cơ để thẩm vấn.
Nội dung mà những nhân viên mật của đảng cộng sản thẩm vấn luật sư Nhân xoay quanh đảng Thăng Tiến, chuyến đi Ba Lan không thành và mối quan hệ của luật sư Nhân với những người trong phong trào dân chủ.
Những câu hỏi về đảng Thăng Tiến là: Ai phân công làm phát ngôn nhân? Đảng Thăng Tiến có cung cấp tiền không? Việc tham gia đảng Thăng Tiến có liên quan đến Văn phòng luật sư Thiên Ân của luật sư Nguyễn Văn Đài không? Sau khi vào đảng Thăng Tiến thì luật sư Đài và kỹ sư Bạch Ngọc Dương có bình luận gì không?
Những câu hỏi về chuyến đi Ba Lan: Văn phòng luật sư Thiên Ân có phân công đi không? Nếu không thì ai phân công? Lấy tiền đâu ra để đi? Nội dung của bài tham luận?...
Tất cả câu trả lời của luật sư Nhân là do những suy nghĩ và việc làm của cá nhân của cô, mật vụ cộng sản cảm thất vọng khi nhận được những câu trả lời như vậy.
Buổi trưa các nhân viên mật vụ mua cơm hộp về, nhưng luật sư Nhân phản đối không ăn. Trong suốt quá trình thẩm vấn luật sư Nhân luôn đề nghị dừng lại vì lý do sức khoẻ những nhân viên mật vụ không để ý đến những đề nghị của luật sư Nhân.
Sau những câu hỏi thẩm vấn, nhân viên mật vụ giở bài giáo huấn với luật sư Nhân, nào là chị đã được học hành, nhưng nay đã có những hành động vượt rào,…
Cuối buổi làm việc, họ yêu cầu luật sư Nhân ký biên bản lời khai, nhưng luật sư Nhân từ chối không ký, thì họ lại lập biên bản về việc không ký biên bản lời khai và yêu cầu luật sư Nhân ký, những luật sư Nhân cương quyết không ký vào cả hai biên bản.
Cuối giờ chiều, họ đưa luật sư Nhân về và yêu cầu ngày mai đến làm việc tiếp. Luật sư Lê Thị Công Nhân một lần nữa phản đối, cô nêu rõ rằng những nhân viên mật vụ này đã không tôn trọng pháp luật và áp dụng pháp luật một cách tuỳ tiện, nhưng những nhân viên mật vụ này nói rằng đó là quyền của họ và biện pháp hành chính của họ.
Theo những qui định của luật pháp Việt Nam hiện hành thì mật vụ cộng sản không có căn để triệu tập luật sư Lê Thị Công Nhân, nhưng họ đã bất chấp luật pháp để cưỡng bức luật sư Nhân phải đến trụ sở của họ để thẩm vấn.
Những thông tin trên giúp quí vị độc giả hiểu thêm về những khó khăn của những người đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền trong nước đang phải chịu cũng như thấy được bản chất xấu xa của chế độ cộng sản.
Free News Agency – Hà Nội, ngày 31-10-2006.
-----------------------------------
Dưới đây là bài viết của luận sư Lê Thị Công Nhân, "dự tính" phát biểu tại Hội Nghị về Lao động tổ chức tại Warsaw, Poland, tuy nhiên tới giờ phút chót, luật sư bị Công An CSVN ngăn chặn không cho rời khỏi phi trường Nội Bài. phần tường trình chi tiết phía dưới bài viết)
KHÍA CẠNH PHÁP LÝ VỀ ĐÌNH CÔNG &
YÊU CẦU CẦN CÓ HỆ THỐNG CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP TẠI VIỆT NAM
Luật sư Lê Thị Công Nhân - Việt NamWarsaw-Poland, 10/2006
Kính thưa Quý Vị,
Tôi rất hân hạnh được tham dự một hội nghị về lao động lại được tổ chức tại cái nôi của phong trào công nhân đoàn kết của thế giới. Đến từ Việt Nam, một đất nước cộng sản độc quyền đảng trị, nhưng thật éo le, tôi lại không có nhiều thông tin tốt đẹp về đời sống và việc làm của giới công nhân tại Việt Nam để mang đến cho quí vị.
Trong tham luận ngắn này, tôi không đi sâu vào cuộc sống khốn khó, đồng lương rẻ mạt và việc bị đối xử thiếu tôn trọng của người công nhân Việt Nam, mà tôi muốn đề cập tới khía cạnh pháp lý của đình công và nhu cầu bức thiết cần phải có các công đoàn độc lập của người lao động so với công đoàn nhà nước đảng trị ở Việt Nam hiện nay.
Phong trào đấu tranh của công nhân để giành lấy những quyền cơ bản thiết yếu của mình đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với rất nhiều những cuộc đình công diễn ra trên khắp đất nước. Nhưng hơn 90% trong tổng số hơn 1200 cuộc đình công trong 10 năm qua luôn bị chính tổ chức công đoàn và Toà án coi là bất hợp pháp, từ đó dẫn đến những cuộc đàn áp không thương tiếc phong trào đấu tranh chính nghĩa này của giới công nhân, vì những lý do sau :
I- Pháp luật VN hiện hành không hỗ trợ cho đình công
Pháp luật Việt Nam hiện hành thiếu những quy định đúng đắn và khả thi về quyền đình công của công nhân thậm chí không hề có một định nghĩa về đình công. Quy định duy nhất nói đến quyền được đình công của người lao động là khoản 1 điều 172 Bộ luật lao động năm 2002, ghi rằng “Trong trường hợp tập thể lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động, thì có quyền yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết hoặc đình công.”
Nhưng để công nhân thực hiện được quyền đình công này, Nhà nước Việt Nam lại quy định những thủ tục rất nhiêu khê và bất khả thi. Luật lao động Việt Nam hiện nay quy định các tranh chấp lao động tập thể, là lý do duy nhất được coi là hợp pháp để người lao động có quyền đình công, bắt buộc phải qua 2 bước hoà giải tại Hội đồng hoà giải cơ sở được tổ chức trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận đơn, và nếu không hoà giải được thì đưa tiếp lên Trọng tài lao động cấp tỉnh để hoà giải trong 10 ngày kể từ khi nhận được đơn. Sau đó, nếu vẫn không hoà giải được thì có thể kiện tiếp ra Toà hoặc đình công (điều 170, 171). Quy định như vậy là quá lâu đối với các bên, đặc biệt là với người lao động, vì cuộc sống của họ phụ thuộc vào từng ngày lương ít ỏi đó.
Luật lại quy định đến 17 ngày kể từ ngày nộp đơn đã thu thập được đủ số chữ ký cần thiết của hơn 1/2 số lao động trong tập thể có tranh chấp đó (làm sao mà thu thập nổi số chữ ký này, ai có thời gian để đi thu thập, và doanh nghiệp nào cho phép việc thu thập chữ ký này diễn ra trong doanh nghiệp mình ???) , và sau đó phải cử 3 người trong ban chấp hành công đoàn cơ sở để trao bản thông báo về việc đình công cho 3 nơi là: Sở lao động tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh và cho giới chủ thì mới được đình công. Mặc dù quy định một khoảng thời gian dài và thủ tục rườm rà như vậy, nhưng luật lại không quy định chế tài cho Hội đồng hoà giải và Trọng tài lao động này sẽ phải chịu trách nhiệm gì nếu không tổ chức được việc hoà giải trong thời hạn. Do vậy, các Hội đồng hoà giải và Trọng tài lao động này làm việc chậm chạp thiếu trách nhiệm, càng làm dồn nén những bức xúc của người lao động. Và cũng vì lý do chờ đợi quá lâu này mà người lao động càng bức xúc và càng có nhu cầu đình công.
Đã là quyền thì người lao động phải được thực hiện quyền đó khi thấy cần thiết và có đủ điều kiện chứ không phải đi xin phép ai đó với các thủ tục rườm rà và kéo dài như vậy.
II- Pháp luật VN hiện hành cản trở đình công
Luật Việt Nam không định nghĩa đình công là gì, nhưng lại quy định thế nào là một cuộc đình công bất hợp pháp !!!
Điều 176 Bộ luật lao động năm 2002 của Việt Nam quy định những cuộc đình công bất hợp pháp là những cuộc đình công mà “không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể, vượt ra ngoài phạm vi quan hệ lao động; vượt ra ngoài phạm vi doanh nghiệp” và không được đình công trong khi chờ kết quả giải quyết của Hội đồng hoà giải lao động và Hội đồng trọng tài lao động (điều 173).
Quy định như vậy đã thu hẹp tối đa những trường hợp mà người lao động có quyền đình công. Ví dụ: trường hợp nhà nước sắp ban hành một luật mà người lao động cho rằng sẽ có những ảnh hưởng xấu đến họ; hoặc khi một cá nhân công nhân bị xâm phạm nặng nề về sức khoẻ hay danh dự, thì giới công nhân lẽ ra cũng phải có quyền đình công trong những trường hợp này. Nhưng ở Việt Nam thì nhà nước lại cho rằng chỉ có những cuộc đình công xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể mới được coi là hợp pháp. Điều này không phù hợp với quy định khoa học và nhân văn của Tổ chức Lao động Quốc tế, cho rằng trong một số trường hợp đình công xuất phát từ những vấn đề chính trị nhằm gây sức ép với nhà cầm quyền hoặc một đảng phái chính trị về một vấn đề nào đó có thể không liên quan trực tiếp hay không liên quan ngay tức thì đến quyền lợi của công nhân, nhưng chứa đựng nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến quyền lợi của người lao động, thì họ có quyền đình công.
Mục tiêu của đình công là nhằm tạo sức ép lên giới chủ và/hoặc nhà cầm quyền bằng cách gây những thiệt hại về kinh tế ở một mức độ nhất định, nhằm đòi hỏi ở mức độ cao hơn về quyền và lợi ích cho người lao động. Và sự kiện nào dẫn đến đình công cũng chỉ là khía cạnh hình thức của đình công. Vì vậy, bản chất của đình công là luôn gắn với chính trị theo nghĩa rộng, chứ không chỉ nằm trong quan hệ lao động trực tiếp thuần tuý mà cụ thể là các tranh chấp lao động tập thể, nhưng tuỳ từng sự kiện, bối cảnh, phạm vi và quy mô của cuộc đình công mà đặc điểm chính trị này có nổi bật hay không. Nhưng luật Việt Nam lại độc đoán đặt đình công trong một phạm vi rất hạn hẹp là đình công phải xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể, tức chỉ thuần tuý là vấn đề kinh tế. Quy định như vậy là đã làm què cụt đi bản chất và vai trò của đình công được cả thế giới công nhận là luôn gắn liền với chính trị. Và ngay cả học thuyết của cộng sản, khi tuyên truyền cũng luôn công nhận như vậy, nhưng trong thực tế lại quy định và làm ngược lại.
Luật Việt Nam quy định cuộc đình công vượt quá phạm vi doanh nghiệp là bất hợp pháp, là một điều rất mơ hồ và sai lầm. Mơ hồ là vì, nếu quy định như vậy thì lại phải có một định nghĩa về “phạm vi doanh nghiệp” là gì ? Là phạm vi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay phạm vi lãnh thổ địa lý của doanh nghiệp ? Sai lầm là vì, dù quy định như thế nào về cái “phạm vi” này thì cũng không đúng cho vấn đề đình công. Người lao động hoàn toàn có quyền đình công khi họ thấy quyền lợi của họ có nguy cơ bị xâm phạm, chứ không thể lại chỉ từ mỗi tranh chấp trực tiếp trong phạm vi doanh nghiệp của mình. Ngoài ra, thì khi đình công đương nhiên không thể nào mà người lao động lại chỉ đình công trong phạm vi lãnh thổ địa lý của doanh nghiệp mà mình đang làm việc được. Và thực tế hiện nay, những trường hợp đình công đồng thời là tuần hành, biểu tình ngày càng phổ biến trên thế giới.
Và cũng từ cái căn cứ pháp luật về “đình công bất hợp pháp” vô cùng vững chắc này mà ở Việt Nam, tuyệt đại đa số các cuộc đình công cũng như cá nhân người lao động trực tiếp tham gia đình công đều bị nhà cầm quyền đàn áp một cách thảm khốc mà đôi khi chính giới chủ cũng cảm thấy bất ngờ. Và dần theo thời gian, với chính sách và pháp luật như vậy, công nhân Việt Nam không còn dám nghĩ tới những cuộc đình công vì mục đích chính trị, điều vốn được coi là rất bình thường tại các nước văn minh và phát triển. Vì thế họ gần như không còn vai trò gì trong nền chính trị cả, chỉ còn làm bình vôi để Đảng cộng sản Việt Nam sử dụng cho bài ca mỵ dân những khi cần thiết.
Tôi đặc biệt chú trọng đến khía cạnh này của pháp luật Việt Nam vì trong thực tế có chưa đến 10% số cuộc đình công ở Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn là một cuộc đình công hợp pháp. Nhưng tiếc là những cuộc đình công hợp pháp này lại không mang đến kết quả như mong đợi, và quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động vẫn tiếp tục bị xâm hại sau những cuộc đình công được coi là lý tưởng trong mắt nhà cầm quyền này.
III- Hệ quả từ phán quyết của Toà án về cuộc đình công bất hợp pháp
3.1 Những phán quyết của Toà án Việt Nam mà đa phần là kết luận một cuộc đình công nào đó là bất hợp pháp, đã làm căn cứ cho các cơ quan an ninh, cảnh sát khi thẳng tay đàn áp thảm khốc các cuộc đình công là đã làm đúng với pháp luật của Việt Nam. Nhưng xin quý vị nhớ cho rằng căn cứ đó lại được thực hiện trên một nền tảng pháp luật vô lý và hạn hẹp của Việt Nam hiện nay.
3.2 Hệ quả cụ thể từ những phán quyết Toà án kết luận rằng một cuộc đình công là bất hợp pháp là làm cho những người công nhân tham gia đình công trở thành những người vi phạm pháp luật. Họ bị cắt lương thậm chí là sa thải, vì giới chủ dựa vào kết luận cuộc đình công bất hợp pháp của Toà án để quy kết người công nhân tham gia đình công là “tự ý bỏ việc” và làm căn cứ sa thải họ một cách “đúng luật” (điểm c khoản 1 điều 85).
3.3 Điều chúng ta cần đặc biệt quan tâm là số phận của những người lãnh đạo các cuộc đình công này. Đa số họ đều chính là những người lao động chứ không phải là những cán bộ công đoàn. Sau những cuộc đình công bị coi là bất hợp pháp này, họ luôn bị trù dập, đàn áp, mất việc làm, túng quẫn về kinh tế, và thậm chí không ít trường hợp bị quy kết là tội phạm hình sự một cách oan nghiệt, với những tội mơ hồ nhưng nặng nề như gây rối trật tự công cộng, xúi giục, lôi kéo người khác gây rối trật tự công cộng ,chống người thi hành công vụ .v.v.
Bây giờ có lẽ quý vị đang thắc mắc về vai trò của Công đoàn Việt Nam ở đâu ? Họ đông đảo, lớn, nhiều tiền và lại được Đảng cộng sản yêu quý lắm, nhưng dưới cơ chế độc quyền cai trị hiện nay của Đảng cộng sản Việt Nam thì Công đoàn được coi là một bộ phận của Đảng cộng sản Việt Nam, chịu sự lãnh đạo và phục vụ cho đảng này. Vì vậy, công đoàn Việt Nam không còn là một tổ chức công đoàn bình thường và thuần khiết đúng với bản chất vốn có của nó như công đoàn ở các nước trên thế giới. Một công đoàn đúng nghĩa phải do người lao động tự lập ra, duy trì và phát triển. Chỉ như vậy thì công đoàn đó mới có được sự độc lập và có thể phục vụ tối đa cho quyền lợi của người lao động. Cũng vì lý do không độc lập này mà ở Việt Nam hiện nay, không có Ban chấp hành công đoàn cơ sở nào dám quyết định và tổ chức cho công nhân đình công theo quy định tại khoản 2 điều 173. Điều này khiến người lao động tự đình công vì không chờ nổi quyết định của công đoàn. Và đây cũng là một trong những lý do làm cho cuộc đình công đó bị chụp mũ là tự phát, vô tổ chức và bất hợp pháp dẫn đến những hậu quả ghiêm trọng như nói ở trên.
IV- Hệ quả nghiêm trọng từ quy định về đình công bất hợp pháp trong pháp luật Việt Nam hiện nay
Chính những quy định bất khả thi nêu trên đã làm cho hơn 90% các cuộc đình công tại Việt Nam đều là bất hợp pháp. Điều này dẫn đến 04 hệ quả tất yếu là :
Quan hệ giữa giới chủ và người lao động càng trở nên căng thẳng vì giới chủ dựa vào việc tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp để trừng phạt thậm chí là sa thải người lao động, làm cho người lao động trở nên túng quẫn, bế tắc và bị dồn vào bước đường cùng.
Khi cuộc đình công bị coi là bất hợp pháp thì những yêu sách của người lao động cũng sẽ không được giải quyết như là một hệ quả tất yếu. Và do vậy, vấn đề cốt lõi là các tranh chấp lao động tập thể vẫn tiếp tục tồn tại và dồn nén chồng chất càng dễ dẫn đến những cuộc đình công khác.
Cách giải quyết cứng nhắc dựa trên những quy định pháp luật ấu trĩ và hạn hẹp đó của Toà án càng làm người lao động mất lòng tin vào pháp luật và nhà nước, từ đó lại càng dễ manh động và có những hành vi bất tuân thủ làm cho hiện trạng đình công ở Việt Nam càng trở nên phức tạp, rối ren.
Người lao động không những mất lòng tin vào Toà án và Cơ quan Nhà nước mà còn mất lòng tin đối với cả tổ chức công đoàn vì công đoàn đảng trị đó không còn đại diện cho họ và giúp ích được gì cho người lao động. Không những vậy, người lao động tại Việt Nam hiện nay lại không được lập công đoàn độc lập của chính mình, do đó càng thiếu tổ chức và đấu tranh càng khó khăn. Cơ quan quản lý nhà nước cũng vì thế mà càng khó nắm bắt tình hình và khó thực hiện chức năng quản lý của mình hơn.
Đã có rất nhiều người lao động và ngay cả một số nhà lập pháp yêu cầu cần có một hệ thống công đoàn độc lập tại Việt Nam, do chính người lao động lập ra, đóng góp công sức tiền bạc để duy trì nó, và cử/thuê những người có năng lực phù hợp làm việc chuyên nghiệp cho công đoàn đó. Nhưng đến nay, những ý tưởng tuy không mới nhưng rất tốt đẹp và đúng với xu thế phát triển tất yếu của thế giới về tổ chức công đoàn vẫn chưa có dấu hiệu gì sớm được nhà cầm quyền Việt Nam ủng hộ và thông qua.
V- Cần phải cải tổ luật pháp VN về đình công và phải có Công đoàn độc lập của công nhân
Đình công là quyền của người lao động được không làm việc mà vẫn được bảo toàn quyền lợi một cách bình thường trong thời gian không lao động này, nhằm gây thiệt hại kinh tế nhất định cho bên chủ lao động hoặc cho bên thứ ba, khi quyền lợi của người lao động bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại. Người lao động được thực hiện quyền này một cách nhanh chóng, đúng thời cơ, tức là họ phải có quyền chuẩn bị một cách bí mật cuộc đình công để tránh bị giới chủ dập tắt cuộc đình công. Nhưng luật Việt Nam quy định thời gian xin phép và đợi chuẩn y cho cuộc đình công kéo dài gần 1 tháng, cán bộ công đoàn thì hưởng lương nhà nước thực hiện theo sự chỉ đạo của đảng cộng sản lại vừa làm việc trong chính doanh nghiệp có đình công thì họ không thể thực hiện được vai trò là người đại diện và phục vụ cho quyền lợi của người lao động. Do vậy, gần như không có cuộc đình công nào là hợp pháp tại Việt Nam, vì muốn thực hiện đúng pháp luật thì không thể đình công được, và ngược lại, muốn đình công thì không thể tuân thủ pháp luật. Việc nhà cầm quyền dựa vào căn cứ pháp luật lạc hậu này để kết luận cuộc đình công là bất hợp pháp đã mang lại những hệ quả tồi tệ, chồng chất và đào sâu thêm mâu thuẫn giữa các bên, làm tiền đề cho những cuộc đình công khác nối tiếp.
Luật pháp Việt Nam không còn theo kịp thực tế đời sống và cản trở xã hội phát triển. Việt Nam cần phải có những quy định pháp luật về đình công phù hợp và tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là quy định của tổ chức Lao động quốc tế, và nhất thiết phải bám sát được đời sống xã hội đang diễn tiến không ngừng, với mục tiêu tối thượng là phục vụ cho quyền lợi của người lao động với 04 nội dung cụ thể là :
Phải có định nghĩa pháp lý về đình công và phân biệt rõ đình công với bỏ việc hàng loạt;
Quy định về thời hạn thông báo và chuẩn y thực hiện cuộc đình công không quá 72 giờ (đề xuất). Quy định chỉ cần một bước đàm phán hoà giải tại cơ sở mà không thành thì người lao động có quyền đình công ngay hoặc lựa chọn con đường Toà án để giải quyết. Quy định như vậy mới bảo đảm được tính thời cơ để cuộc đình công khả thi và có hiệu quả, và đồng thời nâng cao thái độ và trách nhiệm của giới chủ và những người đại diện cho công quyền có liên quan.
Chỉ coi cuộc đình công là bất hợp pháp khi cuộc đình công đó không liên quan gì đến lao động và quan hệ lao động (như giới chủ thay đổi đồng phục cho công nhân nhưng không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ hay gây khó khăn trong khi làm việc, hay không để công nhân đi cổng chính mà chỉ cho đi cổng bên .v.v.), còn cuộc đình công dù không xuất phát từ tranh chấp lao động trực tiếp, mà liên quan đến pháp luật, chính sách của nhà nước về lao động thì phải được coi là hợp pháp.
Người lao động có quyền thành lập công đoàn độc lập của mình, được đóng quỹ, quản lý và thuê người chuyên nghiệp điều hành tổ chức công đoàn của mình. Người lao động có quyền tự do thành lập các tổ chức công đoàn theo nghành, công đoàn theo lãnh thổ và tự do liên kết với các tổ chức công đoàn khác.
Kính thưa Quý Vị,
Cuộc đấu tranh này sẽ ngày càng phát triển vì đây là một hiện thực khách quan, là hệ quả tất yếu xuất phát từ những bất công tràn lan trong xã hội Việt Nam hiện nay, một xã hội cộng sản nhưng người công nhân lầm than nghèo khổ vẫn đang ngày đêm bị bóc lột thậm tệ và bị đối xử thiếu tôn trọng về nhân phẩm. Cuộc đấu tranh này rất gian khó nhưng sẽ được tiếp tục một cách trường kỳ và vững chắc cho đến khi nào có được sự công bằng trong quy đổi giá trị lao động và nhân phẩm của người công nhân được tôn trọng.
Tôi hoàn toàn hiểu rằng mình chỉ là một cá nhân góp tiếng nói nhỏ nhoi ủng hộ và đang tìm kiếm giải pháp cho cuộc tranh đấu này. Tôi tin tưởng chính những nỗ lực không ngừng của lực lượng công nhân và dân chủ tại quốc nội Việt Nam sẽ nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các bạn, những người có bề dày kinh nghiệm đấu tranh của công nhân, do công nhân và vì công nhân, giúp đỡ chúng tôi hiệu quả và kịp thời bằng những hành động cụ thể và thiết thực tạo thành một áp lực đủ lớn từ bên ngoài tác động làm biến chuyển pháp luật hiện tại của Việt Nam về đình công, để người lao động có thể đình công hợp pháp và có công đoàn độc lập của chính mình. Đây là tâm huyết của tôi mang đến Hội nghị này và mong muốn Hội nghị này mang lại cho Việt Nam.
Xin cảm ơn quý vị đã dành thời gian quý báu cho tôi.
Công An nhà nước CSVN bắt cóc Luật Sư Lê Thị Công Nhân tại phi cảng Nội Bài – Hà Nội
Lúc 00 giờ 30 nữa đêm về sáng ngày 27 tháng 10 năm 2006, phái viên chúng tôi liên lạc và được biết công an CSVN đã dùng quyền lực xâm nhập đến tận trước cửa chuyến phi cơ Hàng không Việt Nam mang số VN535 dự tính cất cánh lúc 23:35 nữa đêm 26/10/2006 đi Paris, để bắt cóc LS Lê Thị Công Nhân đưa vào phòng kín hỏi cung mà không trưng dẫn được 1 văn bản pháp luật nào. Khi chúng tôi liên lạc được với LS Lê Thị Công Nhân thì đúng vào lúc LS đang bị sách nhiểu trong phòng giam của công an tại phi cảng Nội Bái - Hà Nội lúc 00: 53 phút giờ Hà Nội, và chuyến phi cơ đã cất cánh đi Paris hơn 20 phút. Như vậy đảng và nhà nước CSV đã thành công trong âm mưu dùng bạo lực cản trở quyền tự do đi lại của một công dân VN, ngay cả vị đó là một LS đang hành nghề tại Hà Nội, chỉ vì LS Lê Thị Công Nhân đáp lời mời của Ban Tổ Chức lên đường hôm nay để kịp đến dự Hội Nghị Quốc Tế Về Quyền Lao Động tại Warsaw thủ đô Ba-Lan vào hai ngày 28 và 29 Tháng 10 năm 2006, do công đoàn Đoàn Kết (Solidanosc) và Quốc Hội Ba-Lan bảo trợ.
Tại phòng giam và trấn áp dân chủ tại phi cảng, ông Nguyễn văn Thống, Phó Trưởng Phòng Công An Xuất Cãnh phi cảng Nội Bài đã không xuất trình được 1 văn bản pháp luật nào của nhà nước CSVN cấm 1 công dân vô tội như LS Công Nhân đi xuất cãnh, mà chỉ tuyên bố là lệnh của Tổng Cục An Ninh của nhà nước CSVN không cho LS Lê Thị Công Nhân lên máy bay. Viên công an nầy cũng đã tự ý lập một biên bản khủng bố và trấn áp đòi LS LTCN ký vào nhưng LS Công Nhân nhất định không ký vì Luật Sư vô tội, đi xuất cãnh có đầy đủ giấy tờ và không làm gì sai trái với pháp luật. Hơn nữa biên bản nầy còn ghi là không thu giữ bất cứ thứ gì, nhưng thất sự thì hành lý của LS Công Nhân đã bị công an âm thầm thu giữ trước đó. Khi bị LS Lê Thị Công Nhân chất vấn là tại sao không ngăn chận ngay từ khi LS làm thủ tục lên máy bay tại phi cảng cách đó 3 tiếng đồng hồ, mà lại đợi đến lúc sắp bước lên phi cơ thì công an ùa ra dùng bạo lực bắt người không cho lên máy bay một cách trái phép như vậy, thì viên công an nầy trả lời: rằng: “Đó là quyền của chúng tôi, chúng tôi muốn làm gì thì làm”. Điếu nầy chứng tỏ công an CSVN đứng trên pháp luật và muốn làm gì thì tự ý.
Vì LS Lê Thị Công Nhân đã bị bắt cóc và đang bị giam giữ tại phi cảng Nội Bài – Hà Nội để ngăn chặn Luật Sư tham gia Hội Nghị Quốc Tế Về Quyền Lao Động tại Warsaw thủ đô Ba-Lan vào hai ngày 28 vá 29 Tháng 10 năm 2006 do công đoàn Đoàn Kết (Solidanosc) và Quốc Hội Ba-Lan bảo trợ, cho nên chúng tôi bắt buộc phải công bồ rộng rãi trước dư luận bài diễn văn Việt Ngữ và Anh Ngữ mà LS LTCN dự định sẽ đọc tại Hội Nghị, kèm theo bàn tin khẩn cấp nầy, vì nhà cầm quyền CSVN đã vi phạm trắng trợn quyền tự do phát biểu và tự do đi lại của nhà dân chủ trẻ tuổi nầy. Mấy tuần và mấy ngày trước đây LS Nguyển Văn Đài và KS Bạch Ngọc Dương cũng đã bị công an CSVN đàn áp quyền tự do đi lại để ngăn chận quyền tự do phát biều (Freedom of Speech) y như trường hợp của LS Lê Thị Công Nhân ngày hôm nay.
Có tin gì thêm chúng tôi sẽ thông báo ngay.
Người đưa tin từ Sái Gòn1 giờ sáng ngày 27/10/2006
Về chuyến đi không thành của Luật sư Lê Thị Công Nhân
27.10.2006
Nhà cầm quyền CSVN lại ngăn chận quyền tự do đi lại của công dân VNHãng tin FNA tường thuật
Đây là tin tức chúng tôi mới nhận được về chuyến công du của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân đến Ba Lan, là phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến Việt Nam, luật sư Nhân đã nhận được lời mời tham dự hội nghị Công đoàn tự do được tổ chức tại Warsawa, thủ đô của Ba Lan diễn ra từ ngày 28-30/10/2006. Hoàn tất mọi giấy tờ thủ tục xuất cảnh để lên đường đi Ba Lan tham dự hội nghị công đoàn, tối ngày 27/10/2006, luật sư Nhân ra phi trường Nội Bài để lên máy bay, cùng ra tiễn nữ luật sư Nhân lên đường có bà Trần Thị Lệ, mẹ của luật sư Nhân cùng một số anh em dân chủ như luật sư Nguyễn Văn Đài, kỹ sư Bạch Ngọc Dương, anh Lương Duy Phương và anh Nguyễn Xuân Đệ. Mọi người đưa tiễn luật sư Nhân ra phi trường Nội Bài lúc 21 giờ 45 phút tối ngày thứ năm 26/10/2006, tại phi trường Nội Bài mọi thủ tục xuất cảnh đã được thực hiện như gửi đồ đạc vali, mua lệ phí sân bay, qua các vòng kiểm tra, cửa soát vé cuối cùng để lên máy bay, đến lúc luật sư Nhân vào đến khu vực cách ly phòng chờ, vẫy tay chào mọi người thân, bạn bè đưa tiễn cho một chuyến đi tốt đẹp khởi hành lúc 23 giờ 30 phút trên chuyến bay mang số hiệu VN535 đi Paris.
Nhưng đánh đùng một cái, chỉ còn cách cửa máy bay vài bước, thì hai nhân viên an ninh của phi trường Nội Bài đã đứng sẵn ở đó giang tay ngăn cản nữ luật sư Nhân lại, khi luật sư Nhân phản ứng vì chỉ còn 15 phút nữa là đến giờ máy bay cất cánh thì hai người sỹ quan an ninh này đã dùng áp lực buộc cô luật sư Nhân quay trở vào phòng kín để "làm việc". Tại đây, thượng tá Nguyễn Văn Thống, chức vụ là phó trưởng đồn công an cửa khẩu Nội Bài và Hoàng Anh Tuấn, chức vụ là cán bộ công an cửa khẩu Nội Bài đã đưa cho nữ luật sư Lê Thị Công Nhân một biên bản dừng xuất cảnh, với lý do đưa ra là theo đề nghị của Tổng cục An ninh-Bộ Công An. Nguồn tin cho chúng tôi biết cuộc đối đáp giữa nữ luật sư Nhân và các công an an ninh cộng sản Việt Nam tại phi trường Nội Bài như sau:
Lê Thị Công Nhân: lý do dừng xuất cảnh của tôi là gì?
Công An Nội Bài: theo yêu cầu không có lý do, chúng tôi chỉ làm theo yêu cầu của cấp trên
LTCN: tôi yêu cầu phải cho biết lý do!
CANB: lý do cụ thể như thế nào thì chị tự liên hệ với Bộ Công An, chúng tôi không biết, tự chị đi mà giải quyết!
LTCN: thế còn hành lý của tôi đã gửi theo máy bay thì sao, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường tiền vé máy bay của tôi?
CANB: tiền vé máy bay thì đại lý sẽ bồi thường, lần sau thì chị sẽ được đi bình thường, lúc này chưa đi được, khi nào giải quyết xong thì có thể đi được. Việc dừng xuất cảnh của chị là theo lệnh của Tổng Cục An Ninh.
LTCN: tại sao không dừng trước, đến khi tôi sắp bước vào cửa máy bay rồi thì ngăn tôi lại?
CANB: chỉ cần máy bay chưa cất cánh là chúng tôi dừng được.
LTCN: thế lệnh của Tổng Cục An Ninh đâu, cho tôi xem cái lệnh đó?
CANB: không có lệnh bằng văn bản, chỉ có lệnh miệng từ cấp trên thôi.
LTCN: Vậy các anh đang tuân thủ theo cái không có à? Tôi yêu cầu phải có công văn tống đạt về việc này gửi cho tôi. Tôi không chấp nhận lệnh bằng miệng, đề nghị ghi vào trong biên bản là chỉ có lệnh bằng miệng! Tôi thấy là công quyền các anh không có tôn trọng công dân , rất tồi tệ, tạm dừng xuất cảnh chỉ bằng một tờ giấy A4! Tôi yêu cầu phải bồi thường cho tôi!
CANB: chị bị dừng xuất cảnh theo yêu cầu của Tổng Cục An Ninh.
LTCN: tôi yêu cầu phải ghi vào biên bản về việc bồi thường, tôi lên án về hành vi ngăn chặn việc xuất cảnh của tôi. Chuyện này có thường xuyên xảy ra với công dân Việt Nam không vậy? Tôi không chấp nhận sự xem thường công dân Việt Nam như thế, tôi yêu cầu phải có quyết định hành chính, các anh giải thích làm sao cách cư xử đối với tôi như vậy, tôi hoàn toàn là một công dân Việt Nam đàng hoàng, không vi phạm điều gì cả!.....
Trên đây chúng tôi ghi lại tóm lược cuộc đối đáp giữa luật sư Nhân và công an Nội Bài, tất nhiên là công an Nội Bài không có lý lẽ gì để trả lời cho được những câu hỏi của luật sư Nhân, mà họ chỉ làm theo mệnh lệnh bằng miệng từ cấp trên là Tổng Cục An Ninh của nhà cầm quyền CSVN.
Theo nguồn tin cho biết công an Việt Nam biết trước việc xuất cảnh đi Ba Lan của luật sư Nhân, cho nên đã bố trí các loại đặc vụ, mật thám ngồi theo dõi ngay trước cửa nhà riêng của cô, đồng thời cử hàng chục công an mật vụ, đặc tình trà trộn trong đám đông tại phi trường Nội Bài để theo dõi cô Nhân cùng phái đoàn đi tiễn chân. Buổi tối ngày hôm nay tại phi trường Nội Bài người ta cũng thấy lảng vảng trong đám đông có các khuôn mặt của các sỹ quan an ninh của Cục bảo vệ chính trị A42. Như chúng ta đã biết, luật sư Nguyễn Văn Đài cũng đã bị ngăn chặn hai lần trong việc xuất cảnh đi nước ngoài, trong đó có một chuyến đi Bangkok, Thái Lan, và gần đây là một chuyến đi Ấn Độ để tham dự hội nghị luật sư Cơ Đốc quốc tế. Tuy nhiên, những lần đó, công an tại phi trường Nội Bài theo sự chỉ đạo của cấp trên đã ngăn chặn luật sư Đài ngay từ cửa soát vé đầu tiên, họ đã mời luật sư Đài vào phòng kín để "làm việc" và đưa cho anh cái biên bản tạm dừng xuất cảnh. Nhưng lần này, có lẽ do ưu ái luật sư Lê Thị Công Nhân là nữ giới cho nên họ mới để cho cô Nhân chuẩn bị bước chân vào máy bay rồi mới ra tay ngăn chặn, mặc dù họ thừa sức ngăn cản cô Nhân ngay từ vòng ngoài! Đây quả là một trò đùa theo kiểu con nít !!!
Như vậy là chúng ta đã quá rõ với bản chất độc tài toàn trị của nhà cầm quyền CSVN, họ đã vi phạm một cách trắng trợn nhân quyền, ngang nhiên cướp đoạt quyền tự do đi lại của công dân Việt Nam, đặc biệt là đối với những người lên tiếng mạnh mẽ cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Mặc dù trước thềm hội nghị APEC sắp diễn ra, rồi Việt Nam sẽ bước chân vào sân chơi chung WTO của thế giới, tuân thủ luật chơi công bằng, đòi hỏi phải có tự do dân chủ và nhân quyền của WTO, thế nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn phớt lờ tất cả, vẫn dùng bộ máy chuyên chế cộng sản để đàn áp và tước đoạt các quyền tự do cản bản của công dân Việt Nam.
Công luận thế giới văn minh tự do dân chủ cần lên tiếng mạnh mẽ để đòi nhà cầm quyền CSVN phải nghiêm chỉnh thực thi đảm bảo nhân quyền cho chính công dân Việt Nam, phải trả lại các quyền tự do căn bản của con người mà bấy lâu nay đã bị nhà cầm quyền CSVN dùng các thủ đoạn tinh vi để tước đoạt !
Hãng tin FNA tường thuật27-10-2006.
Bà Công Nhân bị chặn ở Nội Bài
BBC - 26 Tháng 10 2006 - Cập nhật 17h23 GMT
Chính quyền Việt Nam vừa cấm xuất cảnh đối với một trong các nhân vật bất đồng chính kiến, ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC tổ chức tại Hà Nội.Luật sư Lê Thị Công Nhân, người phát ngôn cho đảng Thăng Tiến Việt Nam, bị công an chặn lại tại cửa khẩu Nội Bài khi đang lên đường đi Ba Lan để tham dự một hội nghị về công đoàn.''Sau bốn thủ tục kiểm tra cả về an ninh và vé máy bay, tôi đã đi gần tới chân máy bay thì bị hai nhân viên an ninh chặn lại theo đúng nghĩa đen.''Đầu tiên họ dừng tôi lại và nói 'đề nghị cho xem hộ chiếu'
Nghe 3'00 phỏng vấn bà Lê Thị Công Nhân''Tôi kiên quyết phản đối và nói rằng 'chỉ còn 10 phút nữa là tôi bay và nếu có những việc này xảy ra thì tôi sẽ bị lỡ chuyến bay và không có một lý do gì hết.' 'Họ lại bảo 'yêu cầu cho xem hộ chiếu'. Tôi lại kiên quyết phản đối và cương quyết đi, thì họ giơ hẳn cánh tay ra và chặn tôi lại. Tất nhiên với cái vũ lực như vậy tôi đành phải đi theo họ.''Bà Công Nhân đáng ra đã phải lên chuyến bay VN 535 khởi hành đi Paris lúc 2300 tối thứ Năm.
... Họ giơ hẳn cánh tay ra và chặn tôi lại. Tất nhiên với cái vũ lực như vậy tôi đành phải đi theo họ.Bà là người đại diện cho đảng Thăng Tiến Việt Nam tham dự hội thảo về công đoàn được tổ chức trong hai ngày cuối tuần này tại Vac-sa-va, Ba Lan. Được biết bà cũng có một tham luận về tình hình công nhân tại Việt Nam đọc tại hội thảo.Bà Công Nhân nói với BBC bà đã phải làm việc khoảng 40 phút với công an ở sân bay Nội Bài và bất chấp chuyện bà yêu cầu được cho xem lệnh cấm xuất cảnh của Bộ Công an, những người tiếp chuyện bà đã không đưa ra bất kỳ một văn bản nào mà chỉ nói rằng đó là lệnh miệng.Bà Công Nhân cũng tỏ ra bất bình và cho rằng việc bắt người không hề có giấy tờ là một hành vi ''đen tối'' và nhằm để trốn tránh trách nhiệm về sau.Bà cũng nói việc Bộ Công an phải dùng tới các biện pháp như vậy với một người như bà đã khiến bà đặt câu hỏi ''phải chăng họ quá yếu ớt.''
Quyền công nhân
Hội thảo Công đoàn Vac-sa-va 2006 do Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan và Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân Ba Lan cùng tổ chức với sự bảo trợ của một số nhà lập pháp Ba Lan.Trong hội thảo này có mặt của các nhà hoạt động công đoàn không chỉ của Ba Lan, Việt Nam mà còn từ Hoa Kỳ và nhiều nước khác.Hội thảo này, được tổ chức sau khi một số nhà hoạt động tại Việt Nam tuyên bố thành lập công đoàn độc lập với mục đích 'bảo vệ quyền lợi cho công nhân', có nội dung chính xoay quanh luật lao động tại Việt Nam và kinh nghiệm công đoàn nước ngoài, đặc biệt là Ba Lan.Được biết luật sư Lê Thị Công Nhân dự định mang tới hội thảo bản tham luận trong nói rõ luật lao động Việt Nam hiện thời không ủng hộ việc đình công, không bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và do vật cần phải được cải tổ.Luật sư Công Nhân cũng là người phát ngôn của đảng Thăng Tiến Việt Nam, thành lập hôm 8/9/2006, với mục đích thúc đẩy dân chủ, xã hội đa đảng đa nguyên ở Việt Nam.Trước ngày Hội nghị thượng đỉnh APEC khai mạc tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nguyên thủ quốc gia, phong trào đấu tranh dân chủ của các nhà đối kháng cũng tăng cường áp lực lên chính quyền trong nước.
Thêm một nhân vật tranh đấu dân chủ VN bị ngăn không cho xuất cảnh
VOA - 27/10/2006
Lại có thêm một nhân vật tranh đấu cho dân chủ Việt Nam bị giới hữu trách Hà Nội ngăn chận không cho xuất cảnh. Theo hãng tin trên mạng FNA, luật sư Lê Thị Công Nhân, phát ngôn viên đảng Thăng Tiến Việt Nam, đã bị công an ở phi trường Nội Bài chận lại hồi tối thứ Năm trong lúc bà sắp sửa đáp máy bay đi Ba Lan để tham dự một hội nghị công đoàn ở Warsawa.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho ban Việt Ngữ đài VOA, bà Nhân nói rằng bà và người trong gia đình đã được công an cảnh báo trước là họ không cho bà rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, bà vẫn ra phi trường để đáp máy bay đi Ba Lan vì bà nghĩ rằng việc bà xuất cảnh là một phần trong quyền tự do đi lại của người dân, được hiến pháp bảo đảm. Điều làm bà ngạc nhiên là công an chỉ chận bà lại sau khi mọi thủ tục xuất cảnh đã hoàn tất và chỉ còn khoảng 15 phút là máy bay cất cánh.
Vụ nữ luật sư Nhân bị cấm xuất cảnh diễn ra chỉ vài ngày sau khi một luật sư khác ở Hà Nội, là ông Nguyễn Văn Đài, bị công an ngăn không cho xuất cảnh đi Ấn Ðộ để tham dự hội nghị thường niên của Tổ chức Luật sư Cơ đốc Quốc tế.
Sau khi bị ngăn chận tại phi trường Nội Bài hôm thứ tư vừa qua, Luật sư Đài, một thành viên của Khối 8406, cho biết rằng ông quyết định không rời khỏi Việt Nam cho tới khi nào đất nước có được dân chủ thật sự.
Tường trình về chuyến đi không thành của Luật sư Lê Thị Công Nhân
2006.10.27 Nguyễn An, phóng viên đài RFA
Ngày mai và sẽ kéo dài trong ba ngày, một hội nghị về quyền lao động của công nhân Việt Nam diễn ra tại thủ đô Warsava của Ba Lan với sự tham dự của các đại biểu đến từ nhiều nước. Luật sư Lê Thị Công Nhân trên đường tham dự hội nghị đã bị chặn lại ngay trước khi bước lên máy bay.
Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này
Tải xuống để nghe
Mời quý thính giả theo dõi sự việc qua các cụôc trao đổi qua điện thoại giữa biên tập viên Nguyễn An của ban Việt ngữ và luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân.
Trước hết là cuộc trao đổi diễn ra vào lúc 10 giờ tối ngày hôm qua: “Chiếc xe đưa cô Lê Thị Công Nhân ra sân bay đây, còn khoảng 15 phút nữa thì tới. Có khoảng 10 công an theo dõi ngay từ cầu thang nhà cô Công Nhân, và đang đi theo sau, ông ạ.”
Gần một giờ sau, tại phi trường Nội bài Hà Nội: “Bây giờ đang đến cửa trình hộ chiếu.”
Khi được hỏi về diễn tiến từ sáng nay, Luật sư Đài thuật lại: “Em chỉ biết lúc em đến nhà cô ấy khoảng 8 giờ tối nay. Khi em đến thì đã thấy khoảng 10 công an đứng ở cầu thang rồi. Khi em đưa hành lý của cô ra xe ô tô, thì họ (công an) đi xe máy khoảng chừng 10 người đuổi theo sau.
Lên đến cầu Thăng Long, có sẵn một xe ô tô đứng chờ ở đó, và một số người công an lên xe ô tô này đi theo đến sân bay. Hiện nay có 8 người công an đang đứng theo dõi. Bây giờ cô Công Nhân đang trình hộ chiếu và có một sĩ quan đang đứng chờ sẵn rồi. Anh chờ khoảng 2 phút thì sẽ có kết quả.
Thường thường thì chỉ mất 1 phút để trình hộ chiếu thôi, nhưng bây giờ thì hơi lâu rồi.
Cô Công Nhân đã qua cửa an ninh rồi, còn một cửa thứ hai nữa là cửa hải quan. Chỉ khi nào bước lên máy bay thì mới biết được. Và cô Công Nhân sẽ phải chờ trong phòng cách ly khoảng chừng 1 tiếng đồng hồ.
Trước đây có những người mặc dầu đã ngồi chờ trong phòng cách ly rồi, được một lát thì bị mời ra ngoài.”
Lúc 12 giờ rưỡi đêm, tức rạng sáng hôm nay “Cô Công Nhân đến cửa máy bay thì đã bị chặn lại rồi. Bây giờ họ đưa về phòng ở trong sân bay và đang làm việc trong đó. Như vậy chắc chắn cô Công Nhân không đi được chuyến bay này.”
Và sau cùng là cuộc trao đổi với luật sư Lê Thị Công Nhân ngay sau khi cô ra khỏi phòng làm việc của công an tại phi trường:
“Tôi không gặp trở ngại gì hết cho đến khi tôi bước lên cầu thang máy bay, thì có 2 người nhân viên chặn tôi lại và đề nghị xem hộ chiếu. Tôi không đồng ý vì lúc đó giờ bay của tôi chỉ còn 10 phút thôi. Nhưng họ kiên quyết giơ tay ra chặn không cho tôi đi, và bắt tôi phải đi về phòng làm việc của họ. Tôi đã lỡ chuyến bay hoàn toàn rồi.
Khi về phòng làm việc, họ không yêu cầu tôi làm gì cả. Họ chỉ đưa tôi một biên bản. Trong đó viết tôi bị dừng xuất cảnh theo lệnh của Tổng cục An ninh Bộ Công an. Và họ bắt buộc phải tuân thủ.
Sau đó tôi đề nghị rằng tôi bị áp dụng quyết định hành chính đó thì quyết định đó phải tống nạp cho tôi. Thì họ nói không có quyết định đó, khi tôi hỏi muốn xem bản photo thì họ nói không có bản photo nào hết. Thế thì tôi nói là tôi không thể chấp nhận kiểu làm việc như vậy. Thì họ nói là họ không biết và không cần phải làm điều đó. Và tôi không có quyền yêu cầu những thứ như vậy.
Và sau đấy tôi hỏi thế thực sự có quyết định đó hay không. Thì họ bảo là không. Họ không làm phiền gì tôi, nhưng họ không trả lời được bất cứ câu hỏi nào của tôi. Họ chỉ nói là tôi không được bay và việc còn lại là tôi phải làm việc với Tổng cục An ninh. Họ không liên quan gì đến việc đó, và tôi phải tự làm những việc này.”
Vừa rồi là các cuộc trao đổi qua điện thoại giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ và hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, liên quan đến chuyến đi Ba Lan tham dự hội nghị về quyền lao động của công nhân Việt Nam của luật sư Lê Thị Công Nhân. Luật sư Nhân là phát ngôn viên của đảng Thăng Tiến Việt Nam mới thành lập hồi đầu tháng trước.
Phóng sự v/v Tổng Cục An Ninh đã chận giữ luật sư Lê Thị Công NhânNguyễn Hoàng-Thanh Tâm
Kính thưa quý vị
Vào khuya hôm qua Thứ Năm 26, rạng sáng Thứ Sáu 27/10/2006, nhà cầm quyền CSVN qua Tổng Cục An Ninh đã chận giữ không cho luật sư Lê Thị Công Nhân, phát ngôn nhân của đảng Thăng Tiến Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài.
Chúng tôi đã theo dõi sự việc và thực hiện cuộc phóng sự đặc biệt về việc này. Xin mời quý vị lắng nghe đoạn âm thanh qua các địa chỉ link sau đây:
Âm thanh tốt:http://danlentieng.net/audio/061026_ltcnhan_nhttam.mp3
hoặc âm thanh trung bình:http://danlentieng.net/audio/061026_ltcnhan_nhttam_lofi.mp3
Xin quý vị tiếp tay phổ biến thông tin này cùng thân hữu, đồng bào khắp nơi.Thân kính,Nguyễn Hoàng-Thanh Tâm
Phỏng vấn nữ luật sư Lê thị Công Nhân,
phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến
2006.09.21 Gia Minh, phóng viên đài RFA
Sau khi phong trào ủng hộ dân chủ tại Việt Nam, khối 8406, ra đời, nhiều thanh niên và trí thức trẻ đã ký tên tham gia. Nữ luật sư Lê thị Công Nhân tại Hà Nội là một trong số những bạn trẻ đó; và không chỉ tham gia Khối 8406, cô còn là phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến, một đảng mới ra đời tại Việt Nam vào đầu tháng chín này.
Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này
Tải xuống để nghe
Ngay sau khi tên tuổi của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân được công khai trong đảng Thăng Tiến, thì cô đã bị công an tại Hà Nội mời đi làm việc.
Gia Minh hỏi chuyện nữ luật sư Lê Thị Công Nhân về một số thông tin liên quan họat động ủng hộ và đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam của bản thân cô. Trước hết, nữ luật sư Lê thị Công Nhân nhận định về những cuộc làm việc với công an vừa qua:
Tinh thần những buổi gặp đó theo tôi là; tôi cho đó là cơ hội để học cách ứng xử với cơ quan an ninh vì từ trước đến nay tôi chưa có bao giờ làm việc với công an.
Gia Minh: Vì sao cô lại cho là tốt?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Vì tôi có cơ hội để nói cho họ rõ hơn về Đảng Thăng Tiến, mục tiêu và đuờng lối đấu tranh của Đảng Thăng Tiến Việt Nam.
Tinh thần này không cần cảm nhận mơ hồ, chính các công an đã chính thức nói với tôi là sau này nếu họ triệu tập nếu tôi không đi thì họ sẽ đến nhà đưa tôi đi. Mà anh biết đưa đi với còng số 8 và súng gí vào đầu thì không phải đưa đi.
Luật sư Lê thị Công Nhân
Gia Minh: Sau khi trình bày như vậy thì họ trả lời cô ra sao?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Họ vẫn nói tôi phạm điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam là lật đổ chính quyền, và Đảng Thăng Tiến phạm vào điều 4 hiến pháp.
Qua những ngày làm việc với khá nhiều cán bộ an ninh điều tra, vì một mình tôi làm việc với bốn năm người; thì tôi thấy đó là do miếng cơm manh áo nên họ phải làm thế là đương nhiên; tôi cũng cảm nhận một thiểu số nhỏ trong họ có nhận thấy tình hình hiện nay.
Gia Minh: Sau ba ngày làm việc thì họ có đưa ra quyết định giải quyết ra sao?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Họ không có giải quyết gì về tư cách của tôi hết; họ chỉ nói tôi là ngừoi liên quan đến an ninh chính trị quốc gia và bắt tôi lên làm việc.
Gia Minh: Cô có nói làm việc với công an là dịp tốt?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Đó là tôi nói trên tinh thần thiện chí và đối thọai, nhưng tất cả những sự trình bày và cố gắng của tôi sắp hết giới hạn rồi, vì trình bày một lúc cũng hết vấn đề; còn sau này là tùy vào ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam.
Gia Minh: Hai bên không thể có một điểm chung nào?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Có, nếu mà nhà cầm qyền Việt Nam hành xử theo đúng pháp luật; tức công dân có thể làm những điều gì mà nhà nước không cấm. Nếu họ làm thế thì hai bên có thể nói chuyện; nhưng họ cố tình không thực thi pháp luật. Tôi có thể khẳng định như thế vì tôi là luật sư nên tôi cũng có hiểu biết về pháp luật.
Đảng Thăng Tiến Việt Nam mới ra đời 7 ngày tuổi đời và những cuộc gặp của tôi với cơ quan an ninh mới ba ngày thôi; nên so với những sự việc từng xảy ra cho những nhà đấu tranh cho dân chủ khác thì trường hợp của tôi được đánh giá là nhẹ nhàng nhất và ít có những phiền nhiễu nhất, nên tôi chưa thể nói gì khác những điều mới nói.
Cuộc sống ở Việt Nam khó khăn, thế hệ chúng tôi sinh ra trong hòan cảnh nền độc tài được hình thành và nay còn tồn tại. Tôi thấy vào thời điểm này đấu tranh công khai là cách tốt nhất để cho thanh niên biết chúng tôi. Sự công khai này là một sự dũng cảm lắm rồi. Phương tiện truyền thông phổ biến là cách thức phổ biến đường lối của chúng tôi.
Nữ luật sư Lê thị Công Nhân
Gia Minh: Tinh thần cô chuẩn bị cho những cuộc gặp sắp đến khác thế nào?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Tinh thần này không cần cảm nhận mơ hồ, chính các công an đã chính thức nói với tôi là sau này nếu họ triệu tập nếu tôi không đi thì họ sẽ đến nhà đưa tôi đi. Mà anh biết đưa đi với còng số 8 và súng gí vào đầu thì không phải đưa đi.
Họ đã vẽ ra cho tôi viễn cảnh nhà tù với 300 người với 2 toilét, ví dụ vậy. Tôi nghĩ tinh thần đó thì không phải cảm nhận nữa, mà tương lai sẽ rất căng thẳng.
Gia Minh: Cô đón nhận những điều đó ra sao?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Tôi đón nhận với tất cả những hiểu biết và những khả năng chủân bị tốt nhất có thể; nhưng nếu những điều đó xảy ra thì tôi kịch liệt lên án, phản đối đến tận cùng.
Tôi nay là đảng viên của Đảng Thăng Tiến nên họat động của tôi công khai hơn những người đấu tranh trong phong trào khác. Công an luôn theo dõi tôi và họ dọa sẽ cắt e-mail và Internet của tôi. Tôi biết có những người theo dõi, gương mặt của họ xa lạ trong khu dân cư của tôi.
Gia Minh: Cơ duyên nào đưa cô đến với Đảng Thăng Tiến, vì trụ sở của Đảng ở Huế?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Tôi tham gia ký tên vào Tuyên Ngôn dân chủ tự do ngày 8 tháng 4 năm 2006. Khi ghi tên thì ghi rõ địa chỉ e-mail, số điện thọai, sau đó tôi nhận được hồi âm từ khối 8406.
Sau đó là quá trình giao dịch qua e-mail và tôi biết Đảng Thăng Tiến sắp thành lập; tôi thấy phù hợp với lý tưởng của tôi là đấu tranh bất bạo động cho một nền dân chủ, đa nguyên tại Việt Nam. Đó là tóm tắt quá trình tôi tham gia Đảng Thăng Tiến.
Cuộc sống ở Việt Nam khó khăn, thế hệ chúng tôi sinh ra trong hòan cảnh nền độc tài được hình thành và nay còn tồn tại. Tôi thấy vào thời điểm này đấu tranh công khai là cách tốt nhất để cho thanh niên biết chúng tôi. Sự công khai này là một sự dũng cảm lắm rồi. Phương tiện truyền thông phổ biến là cách thức phổ biến đường lối của chúng tôi.
Đấu tranh công khai thì sẽ thu hút được sự chú ý của cả người không quan tâm.
Gia Minh: Xin cám ơn Luật sư.
Thưa quý thính giả, sau khi đại họi APEC bế mạc, tuân hành chỉ thị của Bộ Chính trị đảng CS Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký chỉ thị số 37 vào ngày 29/11/2006 qui định một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí. Chỉ thị 37 có hai mục đích rõ rệt là quản lý truyền thông bà báo chí thuộc viện nhà nước vốn đã chặc chẽ lại càng chặc chẽ hơn và nhất quyết ngăn cấm báo tư nhân. Đối Thoại Online rất hân hạnh được luật sư trẻ Lê Thị Công Nhân tại Hà Nội, phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến Việt Nam cho biết một số vấn đề liên quan đến chỉ thị 37 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.Mời quý thính giả theo dõi phần trao đổi của chúng tôi sau đây:
Duy Khang: Thưa luật sư, như luật sư đã biết, theo chỉ thị của Bộ Chính trị thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký chỉ thị số 37 vào ngày 29/11/2006 về báo chí, qui định sự kiểm soát chặt chẽ truyền thông và báo chí, cũng như cương quyết không chấp nhận báo tư nhân. Như vậy thì phát xuất từ thực tế như thế nào mà Bộ Chính trị và thủ tướng Dũng đã quyết định như vậy, thưa luật sư?
Ls Lê Thị Công Nhân: Xin chào anh Duy Khang. Theo tôi thì trong bối cảnh nào mà nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra một chỉ thị đang gây xôn xao dư luận như vậy. Như chúng ta đều biết thì thông báo số 41 của Bộ Chính trị đã được ra đời vào ngày 11/10/2006, tức là trước hội nghị APEC một thời gian tương đối dài là khoảng 1 tháng rưỡi. Sau khi hội nghị APEC kết thúc cũng như Việt Nam đã được kết nạp vào WTO thì nhà cầm quyền Việt Nam mà cụ thể là chính phủ đã cho ra chỉ thị số 37 TTg ngày 29/11. Trong chỉ thị này thì có hai nội dung chính, đó là tăng cường quản lý triệt để tất cả các báo chí ở trong nước thuộc quyền quản lý của nhà nước.
Thứ hai là một lần nữa nhà cầm quyền Việt Nam thể hiện môt thái độ ấu trỉ và ngoan cố, nhứt quyết không cho có báo chí tư nhân tại Việt Nam. Tôi nghĩ rằng việc này hoàn toàn không phải là vô tình mà đều đã được chuẩn bị vào sắp xếp kế hoạch cũng như thời điểm để công bố việc làm này.
Như tôi đã nói, chỉ thị 37 thì hoàn toàn ra đời trên cơ sở thông báo 41 của Bộ Chính trị mà thôi. Tại sao khi có thông báo này thì chỉ thị 37 chưa ra đời ngay? Có lẽ nhà cầm quyền Việt Nam người ta muốn cho sự kiện APEC cũng như việc Việt Nam gia nhập WTO được thuận lợi. Ngay sau đó, như tất cả chúng ta đều biết thì Việt Nam đã gia nhập WTO và thế giới rất quan tâm về vấn đề các giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu các ấn phẩm, báo chí cũng như văn học và những sản phẩm liên quan đến văn hóa – gọi tắt là văn hóa phẩm. Trong quá trình đàm phán WTO, như chúng ta đã biết trong thông báo của Bộ Ngoại giao về nội dung chính đàm phán gia nhập WTO thì cũng đã nói rằng Việt Nam không cho tự do về báo chí, nhưng có lẽ vì nhà cầm quyền Việt Nam người ta vẫn cảm thấy có một cái gì đó bất an, rằng những cam kết đó chưa phải là triệt để lắm, cho nên nó cũng chỉ là mới quốc tế thôi, cho nên người ta cho ra đời chỉ thị 37 này nhằm đối phó phần lớn với mặt trận báo chí ở trong nước mà hiện nay đang có một khuynh hướng, theo tôi là không thể đảo ngược, đó là tự do hóa về báo chí.
Duy Khang: Với tư cách là một luật sư thì luật sư đánh giá chỉ thị 37 như thế nào về mục đích cũng như về phương diện pháp lý?
Ls Lê Thị Công Nhân: Cảm ơn anh, đây quả thật là một câu hỏi rất là hay. Trước mặt tôi là hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992 hiện nay có hiệu lực thực thi. Có thể nói ngắn gọn một câu thôi là chị thị 37 này là một sự thể hiện sự độc tài tuyệt đối của đảng CSVN trên hệ thống bộ máy nhà nước của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là hệ thống hành pháp (tức chính phủ) cũng như hệ thống tư pháp. Gần như tất cả các hệ thống này, kể cả lập pháp, quốc hội đều nằm hoàn toàn dưới quyền cai trị của đảng CSVN mà cơ quan có quyền lực nhất chính là Bộ Chính trị.
Tôi nói vậy là vì sao? Như chúng ta đều biết, quốc hội trong pháp luật thì được qui định là một cơ quan quyền lực cao nhất của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam thì cũng có một qui định như vậy, và hiến pháp là luật cao nhất trong tất cả các luật, còn gọi là luật gốc hoặc luật mẹ trong hệ thống pháp luật của một quốc gia. Và tất cả văn bản luật khác đều nằm dưới hiến pháp và đều phải tuân thủ hiến pháp. Nếu nó trái với hiến pháp thì người ta gọi đó là vi hiến và cần phải được loại bỏ ngay.
Là một luật sư thì tôi xin khẳng định với những hiểu biết cá nhân của mình rằng chỉ thị 37-TTG ngày 29/11/2006 là hoàn toàn vi hiến. Nói vậy là vì sao? Tôi xin trích dẫn điều 33 hiến pháp Việt Nam năm 1992:
Ðiều 33:
Nhà nước phát triển công tác thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thư viện và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nghiêm cấm những hoạt động văn hoá, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam. Vậy thì điều 33 này có lẽ là cũng không cần gì phải phân tích nhiều hay bàn cãi, nó đã nói rất rõ. Đó là nhà nước có nghĩa vụ là phải phát triển báo chí và thông tin. Bên cạnh đó nhà nước có thẩm quyền cấm những hoạt động văn hóa và thông tin làm tổn hại đến lợi ích quốc gia và những vấn đề liên quan đến đạo đức v.v… Đó không có nghĩa rằng là nhà nước cấm hoặc không cho phép báo chí tư nhân phát triển.
Ở đây chúng ta phải hiểu nguyên tắc của pháp luật là phía cơ quan công quyền thì chỉ được thực thi những gì nằm trong sự cho phép mà thôi. Còn công dân cũng như với những tổ chức tư nhân thì người ta được quyền làm tất cả những gì không cấm. Vậy thì điều 33 của hiến pháp đã nói rất rõ trách nhiệm của nhà nước là phải phát triển thông tin báo chí, truyền thanh và tất cả những loại hình báo chí khác. Tôi xin được trích dẫn một điều nói rõ hơn để cho thấy tính vi hiến của chị thị số 37. Đó chính là điều 60, 69.
Điều 60 thì liên quan ở phương diện rộng hơn một chút. Điều 60 hiến pháp Việt Nam qui định:
Ðiều 60 Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hoá khác. Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp.Ở đây chúng ta quan tâm tới khía cạnh sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác. Ở một khía cạnh, báo chí cũng thuộc lãnh vực của hoạt động văn hóa.
Tiếp theo tôi xin trích dẫn điều 69. Điều 69 hiến pháp Việt Nam là một điều khoảng rất ngắn gọn và qui định rất cụ thể và đầy đủ những quyền liên quan đến báo chí của công dân mà cụ thể là tư nhân.
Điều 69 ghi: Ðiều 69 Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Vậy mà trong chỉ thị 37CT-TTg vừa mới được ra đời thì lại có một điều khoản không thể nào chấp nhận được và hoàn toàn vi phạm pháp luật, vi phạm ở đây là vi phạm bộ luật mẹ của cả quốc gia – đó là hiến pháp. Tại điểm D điều 2 của chỉ thị 37 ghi rằng: Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước. Như thế nào là lợi dụng báo chí để phục vụ lợi ích riêng hoặc gây tổn hại cho đất nước thì thiết nghĩ việc làm này của Bộ Văn hóa thông tin hoặc của những cơ quan an ninh bây giờ người ta làm bây giờ, theo tôi thì đã rất triệt để và chặt chẽ, phục vụ cho lợi ích của đất nước cũng như đảng CSVN rồi.
Vậy ở đây vấn đề là cương quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức. Điều này đã xâm phạm vào quyền được tự do báo chí của tất cả công dân Việt Nam cũng như của mỗi một công dân Việt Nam – là một quyền đã được hiến định bởi điều 69 của hiến pháp Việt Nam. Bên cạnh đó thì tôi cũng xin được trích dẫn Công ước về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc năm 1966 mà Việt Nam đã là thành viên tham gia vào ngày 24/9/1982.
Về nguyên tắc thì trong hệ thống pháp luật nội địa của một đất nước thì không ai có quyền ép buộc một quốc gia tham gia một điều ước quốc tế, nhưng nguyên tắc vàng của luật quốc tế đó là khi mà anh đã tham gia thì anh phải tuân thủ. Vấn đề là Việt Nam đã tham gia công ước của LHQ về các quyền dân sự cũng như quyền chính trị và luật Việt Nam cũng qui định rất rõ nếu như giữa luật quốc nội và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và ký kết có những sự mâu thuẩn hoặc trái ngược thì ưu tiên áp dụng theo nguyên tắc là luật quốc tế áp dụng trước hết và trên hết. Chính vì vậy tôi xin được trích dẫn điều 19 của Công ước LHQ về các quyền dân sự và chính trị năm 1966:
Ðiều 19:
1. Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp.
2. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
3. Việc hành sử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu:
a. Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác.
b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý. Như những điều vừa rồi thì chúng ta đều thấy rõ chỉ thị 37 đã vi phạm nghiêm trọng không những luật của chính nhà cầm quyền Việt Nam ban hành mà cả luật quốc tế. Ở đây chúng ta phải phân biệt hai khía cạnh khi chúng ta nhìn vào một điều luật.
Thứ nhất là việc ban hành một văn bản pháp luật hoặc điều luật như vậy nó có đúng trình tự tư pháp, luật pháp của một quốc gia hay không, và đã được kiểm tra hay chưa. Và trong mối quan hệ của hệ thống văn bản pháp luật của một quốc gia thì nó cũng có quan hệ với pháp luật quốc tế, ở đây cụ thể là những điều ước quốc tế, là tên gọi chung của công ước quốc tế hoặc là những thỏa thuận quốc tế, mà quốc gia đó đã tham gia.
Cái thứ hai chúng ta mới quan tâm đến, đó là nội dung của điều luật là như thế nào. Cho nên ở đây, ngay từ vấn đề hình thức của văn bản pháp luật này cũng như trình tự của mối quan hệ pháp lý giữa các văn bản khác thì chỉ thị 37 này đã thể hiện sự sai lầm nghiêm trọng của nhà cầm quyền Việt Nam là nó đã vi hiến, tức là vi phạm chính pháp luật của nội địa Việt Nam và vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Câu hỏi này thuần túy mang tính chất pháp lý cho nên tôi trả lời có phần khô khan, mong quý vị thông cảm.
Duy Khang: Xin luật sư cho biết ảnh hưởng của chỉ thị 37 đối với báo chí và truyền thông thuộc viện nhà nước quản lý như thế nào?
Ls Lê Thị Công Nhân: Hiện giờ chúng ta cũng đã thấy rằng nó đã gây những phản ứng hết sức mạnh mẽ từ báo giới, đây là cả báo giới ở trong nước cũng như giới làm báo của quốc tế đang có mặt tại Việt Nam và cũng đã gây những phản ứng không phải nhỏ đối với báo giới quốc tế đang có mặt tại Việt Nam. Cá nhân tôi thì cho rằng quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận là quyền đầu tiên của nhân quyền là cũng là quyền có chức năng như một phương tiện để thực hiện những nhân quyền khác. Vậy mà một chỉ thị với nội dung như vậy thì từ trước tới nay chúng ta đều biết hơn 600 tờ báo của Việt Nam vẫn đã và đang nằm dưới một tên gọi là “quốc doanh”, tức là sự kiểm soát của nhà nước là tuyệt đối. Tôi cũng thấy khó hiểu vì nếu tôi là nhà cầm quyền Việt Nam thì không cần thiết phải cho ra đời thêm một chỉ thị 37 như thế này làm gì. Bởi vì hiện tại, như chúng ta đã biết ở tại Việt Nam cũng làm gì đã có báo chí tư nhân. Nhưng có lẽ là chỉ thị này đã được ra đời trong một bối cảnh việc Việt Nam gia nhập WTO đã xong và người ta bắt đầu có những hoạt động thực tế, những giao dịch thực tế đối với thế giới về khía cạnh thương mại mà trong đó những giao dịch thương mại về văn hóa phẩm mà trong đó báo chí là một phần lớn. Tôi nghĩ rằng chỉ thị 37 này là một sự bất công rất lớn đối với báo giới Việt Nam. Báo giới Việt Nam trong thời gian qua chúng ta cũng phải ghi nhận là họ đã có những đóng góp lớn đối với sự phát triển của đất nước cũng như đóng góp vào một công cuộc mà trước hết là đã chỉ ra những điều xấu, những điều sai của các cơ quan công quyền, trong việc chống tham nhũng, chống tiêu cực của bộ máy hành chánh nhà nước. Và hơi thở tự do thì đang được thổi vào rộng khắp báo giới của Việt Nam. Mặc dù chịu sự quản lý gần như tuyệt đối của nhà nước nhưng khuynh hướng đó trong khoảng 5 năm trở lại đây thì đã mang đến niềm lạc quan tích cực cho báo giới. Và tôi nghĩ rằng chỉ thị này giống như – không phải là một gáo nước lạnh – mà là một sô nước lạnh tạt vào mặt của báo giới Việt Nam. Khi có rất nhiều thậm chí còn đang nghĩ đến việc cổ phần hóa các tờ báo hoặc tự mình cho ra đời những tờ báo riêng v.v… Người ta nói đến sự bất công là ở chỗ nếu như những tờ báo hiện đang được nhập khẩu một cách chính ngạch vào Việt Nam thì đa phần chúng ta đều biết, đều là của những tập đoàn truyền thông tư nhân hoặc hoặc của những hãng thông tấn tư nhân. Vậy thì tại sao báo chí tư nhân của nước ngoài, người ta có một thị trường rất lớn tại Việt Nam như vậy, người ta cũng có một cơ hội rất lớn để phát triển nghề nghiệp, phát triển chức năng của người ta thì chỉ thị 37 này lại đập bẹp tất cả những điều đó đối với báo giới của nội địa Việt Nam. Việt Nam có gần 9,000 nhà báo làm cho hơn 600 tờ báo. Vậy thì bao giờ báo giới Việt Nam mới có một sự tự do phát triển, sáng tạo và có một phong cách cũng như một bản lĩnh, một trình độ báo chí tương đương với khu vực ĐNÁ thôi, chưa nói đến thế giới. Điều này sẽ gây nên một sự thiệt thòi rất lớn cho báo giới Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng những nhà báo của Việt Nam không phải người ta không có khả năng để có thể học tập hoặc phát triển năng lực của mình để có thể phấn đấu phát triển ngang hàng với các nhà báo ở trình độ quốc tế. Chỉ thị này, theo tôi, nó sẽ làm lụi tàn đi rất nhiều những ý tưởng hoặc những niềm mong muốn phát triển và sáng tạo của báo giới Việt Nam. Cái này là một ảnh hưởng mà tôi muốn nhấn mạnh là trước tiên nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đối với báo giới quốc nội đang hành nghề dưới qui định của pháp luật CSVN hiện nay.
Duy Khang: Theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay đang có 3 tờ báo tư nhân. Thứ nhất là tờ Tự Do Ngôn Luận do linh mục Chân Tín làm Tổng biên tập, tờ Tự Do Dân Chủ do nhà văn Hoàng Tiến làm Tổng Biên Tập, và tờ Tổ Quốc có sự hiện diện của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Thưa luật sư, những tờ báo này chịu ảnh hưởng của chỉ thị 37 như thế nào ạ?
Ls Lê Thị Công Nhân: Về khía cạnh pháp lý thì như thế này. Ba tờ báo mà anh vừa nêu tên là những tờ báo có thể nói là đặc biệt nhất của đất nước Việt Nam hiện nay. Đặc biệt là bởi vì nó không được nhà cầm quyền Việt Nam thừa nhận. Chúng ta cứ nói thẳng ra là “báo chui” – vâng, nó là một tờ báo chui. Ở đây tôi chưa xét về nội dung mà là hình thức thôi, mà tại sao nó lại là báo chui. Là bởi vì những thủ tục để có được một giấy phép do Bộ Văn hóa Thông tin ban hành thì những tờ báo này chắc chắn là sẽ không bao giờ có được giấy phép đó. Về nội dung thì chắc chúng ta khỏi phải bàn. Những tờ báo này đều là những tờ báo lương tâm, đều là những tờ báo có tính chất từ thiện, không hề vì một lợi nhuận gì cả và đều có một nội dung chung, đó là phát biểu chính kiến và lương tâm của những người có trách nhiệm với đất nước, Đang nhìn thấy đất nước lâm nguy trước nạn độc tài của đảng CSVN và họ đòi hỏi, yêu cầu và họ đấu tranh cho một nền dân chủ đa nguyên tại Việt Nam. Chỉ thị 37 này ra đời sau khi 3 tờ báo đó đã được phát hành trong nước mà cụ thể có một tờ phát hành là báo giấy là Tự Do Ngôn Luận. Đến thời điểm này với một chỉ thị như vậy, tôi đang nói thuần túy về mặt pháp lý thôi thì có lẽ cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến 3 tờ báo đó. Bởi vì sao? Trước khi có chỉ thị này, hay sau khi có thì 3 tờ báo này – thời điểm chúng ta đang trò chuyện thì vẫn là 3 tờ báo không được nhà nước thừa nhận và là những tờ báo chui. Nhưng thực tế với một tuyên bố rất ngoan cố như vậy của nhà cầm quyền Việt Nam trong chỉ thị 37 thì chắc chắn trong thực tế 3 tờ báo mà chúng ta vừa nêu sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Chắc chắn là những người đứng tên trong ban biên tập sẽ phải chịu những sóng gió đầu tiên. Bởi vì 600 tờ báo của Việt Nam có những phát triển rất lớn trong khoảng 5-6 năm gần đây nhưng tuyệt đối những tờ báo này gần như không đả động gì đến vấn đề yêu cầu có một nền dân chủ tại Việt Nam. Thường là những tờ báo chuyên ngành, hoặc về văn hóa, xã hội, vui chơi giải trí hoặc kỹ thuật thuần túy v.v… Tất nhiên thỉnh thoảng cũng có một vài bài mang tính chính trị - Nhưng tôi xin nhắc lại là chỉ mang tính chính trị nói chung, chớ chưa có một bài viết hoặc một tờ báo nào dám đưa ra một yêu cầu là đất nước cần phải có dân chủ và đa nguyên. Lạc quan thì tôi vẫn lạc quan bởi vì như tôi đã nói, 3 tờ báo này có trước, và sau chỉ thị 37 thì vẫn là những tờ báo không được công nhận hợp pháp. Nhưng lo lắng một chút thì cũng có. Bởi vì trên cơ sở chị thị 37 này thì người ta sẽ ra tiếp những nghị định để pháp hiệu hóa chỉ thị đó. Và trên cơ sở đó mà những cơ quan bảo vệ cho nền độc tài của đảng CSVN, người ta sẽ làm những việc để đàn áp 3 tờ báo này. Riêng cá nhân tôi thì tôi lại nghĩ đến một khía cạnh hơi khác một chút, là chúng ta chưa có được những việc làm đàn áp thực tế từ khi chỉ thị 37 này ra đời. Bởi vì đến hôm nay thì nó chỉ có được chưa tới một tuần. Nhưng sức phản ứng của thế giới đã thể hiện. Chính nhà cầm quyền Việt Nam đã giơ xấu bộ mặt của họ cho thế giới xem mà chẳng cần những người đấu tranh dân chủ hoặc phong trào đấu tranh dân chủ trong quốc nội cũng như ở hải ngoại người ta phải lên tiếng nhiều về chỉ thị này. Chúng ta theo dõi báo chí trong nước trong những ngày qua, nhất là báo chí điện tử thì chúng ta thấy rằng họ đã phản ứng hết sức dữ dội. Nhưng chỉ có điều là mức độ công khai hay chính thức thì chưa được nhiều. Chúng ta phân biệt hình thức cũng như mức độ của sự phản ứng. Mức độ, theo tôi thì hết sức kinh khủng chỉ có điều sống trong quốc nội này thì lời ăn tiếng nói phải hết sức cẩn trọng thôi. Tôi cảm thấy đây, xét ở một gốc độ nào đó có phần lạc quan và mỉa mai vì nó như là một món quà mà đảng CSVN tặng cho phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam. Một bằng chứng hết sức sống động chính là chỉ thị 37 này cho thấy việc nhà cầm quyền Việt Nam hết sức ngoan cố để ôm lấy, giữ chặc lấy quyền quản lý thông tin. Chỉ cho biết những gì mà đảng CS muốn cho người dân biết mà thôi – và cũng không cần gì nhiều. Một sự phản ứng quá gay gắt và mãnh liệt hiện nay đối với phong trào dân chủ trong nước. Chính việc làm này của nhà cầm quyền CSVN đã vô tình đẩy báo giới – hợp pháp và công khai – tại Việt Nam hiện nay đứng về phe dân chủ, theo một phương diện nào đó, cho dù cá nhân một vài người chưa chắc là đã muốn lắm. Việc làm này nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến quyền lợi của những người làm báo, cũng như những người đang hết sức giàu có mà có ý tưởng muốn có những tờ báo riêng của mình.Nói chung là tôi không cảm thấy quá bi quan hay tiêu cực về chỉ thị 37 này.
Duy Khang: Theo luật sự thì phong trào dân chủ Việt Nam trong nước đã có phản ứng nào về chỉ thị 37 chưa ạ?
Ls Lê Thị Công Nhân: Trước đây, cũng như hiện nay thì phong trào đấu tranh dân chủ chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình để có thể xóa bỏ dần dần sự bưng bít thông tin đã được nhà cầm quyền CSCN tạo dựng trong suốt bao năm dài đằng đẳng vừa qua. Việc bưng bít thông tin đó đã làm cho dân tộc chúng ta bị lạc hậu, bị ấu trỉ đi rất nhiều bởi vì không có những thông tin đa chiều và đa dạng để có thể phát triển được sự hiểu biết cũng như trình độ kiến thức và trí óc của mình. Như tôi đã nói, việc tố cáo những việc làm sai trái, những việc đàn áp phong trào đấu tranh trong nước từ phía nhà cầm quyền Việt Nam thì chúng tôi làm một cách trường kỳ và thường xuyên. Chỉ thị 37 này, tự nhà cầm quyền Việt Nam, như tôi đã nói, giơ mặt xấu của họ cho cả thế giới biết. Phong trào đấu tranh dân chủ trong nước cũng không cần phải làm gì nhiều để cho thế giới người ta tự phản ứng về việc này. Mà trước hết là báo giới quốc nội người ta sẽ phản ứng. Đến thời điểm hiện nay thì các tổ chức cũng như những cá nhân đấu tranh công khai trong phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam, ví dụ như Liêm Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, Khối 8406, các đảng chính trị phi cộng sản tại Việt Nam như Đảng Dân Chủ Thế Kỷ 21, Đảng Dân Chủ Nhân Dân và Đảng Thăng Tiến mà tôi hiện là người phát ngôn. Chúng tôi chưa có một văn bản chính thức nào để thể hiện phản ứng của mình về chỉ thị 37 này.Về cá nhân của từng người thì chúng tôi đều chưa đưa ra một phát ngôn chính thức nào để phản ứng lại chỉ thị 37 này, có chăng là những cuộc phỏng vấn. Thái độ đó cũng không có gì là khó hiểu cả bởi vì chúng tôi thiết nghĩ trong 4, 5 ngày vừa qua thì cũng chưa cần có một phản ứng mạnh mẽ từ phía chúng tôi. Nó cũng giống như một thời gian “tạm nghỉ” để cho thế giới và báo giới quốc nội Việt Nam người ta phản ứng với chính quyền Việt Nam là đủ rồi. Nhưng tất nhiên, trước mắt chúng ta cũng chưa biết điều gì có thể xảy đến và những mưu mẹo, những sự lương lẹo của nhà cầm quyền Việt Nam thì nó đã thể hiện quá nhiều bằng chứng trong quá khứ rồi. Phong trào đấu tranh dân chủ sẽ luôn hết sức tỉnh táo và cảnh giác để chuẩn bị cho những trường hợp xấu có thể xảy ra.Mặc dầu vậy nhưng chúng tôi cũng luôn nhìn nhận một sự việc hoặc một hiện tượng nào đó trong một bối cảnh tổng thể - tức là đối chiếu với trong nước cũng như nhìn ra sự quan hệ với chính trường quốc tế để có thể nhận biết và có thể rút ra được những kết luận, đánh giá sáng suốt để có những hành xử phù hợp và đúng lúc.Cho đến thời điểm này cá nhân tôi cũng nghĩ là như vậy. Những cuộc phỏng vấn hoặc trả lời trên phương diện cá nhân thì đã có nhiều, nhưng chưa có phản ứng chính thức nào bằng văn bản của phong trào đấu tranh dân chủ trong nước đối với chỉ thị. Bởi vì chúng tôi muốn cho thế giới phản ứng trước đã rồi chúng tôi có nói sau thì cũng không có gì là muộn.
Duy Khang: Chúng tôi, Duy Khang, xin thay mặt cho độc giả và thính giả của Đối Thoại Online xin cám ơn luật sư Lê Thị Công Nhân đã dành thì giờ chia sẻ quan điểm của luật sư với chỉ thị 37 của thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến truyền thông, báo chí và ra báo tư nhân. Trước khi dứt lời, luật sư có điều gì cần trình bày thêm với độc giả và thính giả của Đối Thoại Online?
Ls Lê Thị Công Nhân: Tôi chỉ muốn nói một điều ngắn gọn là cuộc đấu tranh để giành tự do dân chủ cho Việt Nam chắc chắn sẽ còn dài và muôn vàn những khó khăn. Tôi mong rằng với sự quan tâm, sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt tại hải ngoại và trước tiên chính là vấn đề thông tin báo chí và hỗ trợ về tinh thần sẽ góp một phần lớn, một phần cực kỳ quan trọng để có thể truyền bá, phổ biến về cuộc đấu tranh dân chủ cho toàn thể người dân ở trong nước biết. Cuộc phỏng vấn hôm nay thì cũng liên quan trực tiếp đến những công việc mà chúng tôi đang làm trước tiên, và cũng gần như là một nhiệm vụ. Tôi nghĩ rằng thời điểm này là duy nhất để Việt Nam có một nền dân chủ, đó là chúng ta phải phá bỏ được sự bưng bít thông tin và độc quyền về tự do ngôn luận, báo chí của nhà cầm quyền Việt Nam. Chỉ khi nào chúng ta làm được việc đó thì đa số hơn 80 triệu dân Việt Nam mới có thể biết một cách thật sự về phong trào đấu tranh dân chủ này một cách đầy đủ nhất và từ đó người ta sẽ có những hiểu biết và sự quan tâm đúng đắn dành cho phong trào này. Tôi cũng mong lực lượng người Việt của chúng ta tại hải ngoại có cuộc sống hết sức thoải mái và tự do, có những phương tiện về mặt kỹ thuật rất tốt và những trình độ và những kỹ năng về thông tin, báo chí tốt như vậy thì chúng ta cũng sẽ góp phần liên lạc và thông tin với báo giới quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế, chính phủ nước ngoài về hiện trạng đấu tranh dân chủ tại Việt Nam một cách kịp thời và đầy đủ bằng chính báo chí, cụ thể là báo chí trên mạng như thế này.Như cá nhân tôi đây, tôi biết đến phong trào đấu tranh dân chủ trong nước một phần lớn là cũng qua mạng internet. Và tôi mong rằng ngày càng có nhiều những tờ báo hay, tốt và trung thực để phổ biến được nhiều hơn, giúp nâng cao dân trí của người Việt Nam.Cá nhân tôi rất thích một câu, đó là “trong sự dối trá, chúng ta chỉ có một điều duy nhất – đó là dốt nát. Và sự thật, dù có phủ phàng đến mấy thì cũng đáng được trân trọng”. Tôi xin được cám ơn báo Đối Thoại đã dành cho tôi thời gian để tâm sự và trò chuyện với quý vị và xin hẹn gặp lại vào dịp khác. D
uy Khang: Quý thính giả đang theo dõi cuộc trao đổi của chúng tôi với luật sư Lê Thị Công Nhân tại Hà Nội và là phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến Việt Nam liên quan đến vấn đề chỉ thị 37/2006/CT-TTg của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Xin hẹn gặp lại quý thính giả.
-------------
SỰ THẬT VỀ VIỆC BÃI BỎ
NGHỊ ĐỊNH 31/CP NGÀY 14.4.1997
Ls Lê Thị Công Nhân – 11-11-2006
Hiện nay, giới làm nghề luật tại Việt Nam, những người quan tâm đến tình hình đấu tranh dân chủ của Việt Nam, và ngay cả một số ít trong những người đang trực tiếp đấu tranh Dân chủ cho Việt Nam hiện thời đang vui mừng trước thông tin về việc nhà cầm quyền cộng sản sắp hủy bỏ Nghị định 31/CP do ông Võ Văn Kiệt ký ngày 14-4-1997.
Nghị định này có tên gọi đầy đủ là Nghị định của Chính phủ số 31/CP ngày 14 tháng 4 năm 1997 ban hành Quy chế quản chế Hành chính, sau đây gọi tắt là NĐ31. Đây là Nghị định được áp dụng đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến an ninh quốc gia được quy định tại Chương I phần các tội phạm của Bộ luật hình sự nhưng “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” (điều 2). Đây là một trong những văn bản pháp luật được coi là hữu hiệu nhất để nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp phong trào đấu tranh Dân chủ trong Nước kể từ khi nó được ra đời cho đến nay. Vì, NĐ31 này gần như được lập ra chỉ để áp dụng cho một loại đối tượng duy nhất là các nhà đấu tranh dân chủ ôn hòa bất bạo động, dùng tiếng nói lương tâm và hiểu biết của mình để đòi tự do, nhân quyền và một nền chính trị văn minh đa nguyên cho Việt Nam.
Trong quá khứ, cũng như hiện tại, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn luôn chụp cho những người đấu tranh dân chủ cái mũ “xâm phạm an ninh quốc gia” hoặc “liên quan đến an ninh quốc gia” với những “tội danh” như : chống đối chính sách, tuyên truyền phản cách mạng, lợi dụng dân chủ, phá hoại chính sách đoàn kết, gây rối trị an, xúc phạm lãnh tụ, v.v…, để từ đó thực hiện những việc đàn áp, như : bắt bớ, thẩm vấn, ép buộc công ty/tổ chức nơi những người đấu tranh này làm việc đuổi việc họ, kết án là tội phạm hình sự rồi bỏ tù, quản chế họ…v.v…. Và như chúng ta đều biết, biện pháp quản chế là một trong những biện pháp bị lạm dụng nhiều nhất và tùy tiện nhất so với những biện pháp khác để đàn áp những người đấu tranh dân chủ.
Quản chế được nhà cầm quyền Việt Nam quy định là một biện pháp Hành chính mà thôi !?!? Tức là không cần phải khởi tố và xét xử vụ án như là đối với một vụ án chính thức, mà nhà cầm quyền vẫn có thể áp dụng ngay biện pháp “bỏ tù tại gia” từ 6 tháng đến 2 năm (điều 1) đối với cá nhân đã bị chụp mũ là “xâm phạm an ninh quốc gia”. Điều kinh khủng nhất và cũng là tăm tối nhất của NĐ31 chính là nội dung “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. nhà cầm quyền quy định như vậy, nhưng lại không hề nói rõ như thế nào là “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Sự thiếu sót này hoàn toàn do cố ý nhằm tạo điều kiện áp dụng trong bất kỳ trường hợp nào với bất kỳ cá nhân nào mà nhà cầm quyền thấy rằng cần phải trừng trị người đó với tội danh có nội dung “xâm phạm đến an ninh quốc gia”, nhưng cố kiếm cũng không ra nổi một bằng chứng buộc tội nào, hoặc cũng có thể do nhà cầm quyền e sợ một thế lực hoặc dư luận nào đó mà không thể đưa người này ra để buộc tội. Vì vậy, quản chế hành chính đã được ưu tiên lựa chọn áp dụng cho những người này, vì nhà cầm quyền CSVN thấy không nên / không thể xét xử đối tượng một cách công khai !!!
Cũng vì quy định mơ hồ như vậy mà đã có rất nhiều những người đấu tranh dân chủ ôn hòa bất bạo động bị áp dụng quyết định quản chế hành chính và bị cưỡng chế phải sống trong cảnh tù đày tại gia trong suốt những năm qua.
Và khi bị quản chế như vậy, nạn nhân sẽ phải sống trong cảnh đi đâu cũng “phải có lý do chính đáng” và phải làm đơn xin phép và phải đợi có được sự chấp thuận của nhà cầm quyền bằng một “giấy phép” (điều 17). Quy định nghe ra có vẻ rất kỹ và chi tiết như vậy, nhưng đó chỉ là quy định cho phía người bị áp dụng quyết định mà thôi. Còn về phía cơ quan công quyền, là phía “có quyền ra quyết định” và “cấp giấy phép” thì tìm mỏi mắt trong NĐ31 cũng không thấy một điều nào nói như thế nào là lý do chính đáng và những trường hợp nào thì được cấp giấy phép và trường hợp nào không.
Quy định chỉ chặt chẽ một chiều cho phía đối tượng bị áp dụng như vậy vì tinh thần làm luật đã được thiết lập trên cơ sở là luật phục vụ cho quyền lợi và sự tùy tiện của nhà cầm quyền chứ không phải cho dân sinh.
Đọc đến đây, quý vị sẽ thắc mắc sao chưa thấy mối liên hệ giữa tiêu đề của bài viết với nội dung của nó, vì ở trên mới chỉ thấy phân tích nội dung cơ bản của NĐ31 mà thôi.
Vấn đề chính là ở chỗ, ngày 5 tháng 9 năm 2006 vừa qua, nhà cầm quyền Việt Nam trong phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2006 đã ra Nghị quyết số 22/NQ-CP gây xôn xao dư luận trong và ngoài Nước, người Việt cũng như người nước ngoài, cũng bởi vì cái khoản 5 của nó, ghi rằng :
“5. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình về việc bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính và hủy bỏ Nghị định số 31/CP ngày 14 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ về quản chế hành chính.
Chính phủ thống nhất, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thực hiện cải cách tư pháp hiện nay thì việc bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính và hủy bỏ Nghị định số 31/CP về quản chế hành chính là cần thiết. Để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc hủy bỏ hoặc đình chỉ áp dụng một số điều, khoản liên quan đến quản chế hành chính của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, trên cơ sở đó huỷ bỏ Nghị định số 31/CP về quản chế hành chính.”
Có lẽ không cần phải nói nhiều rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã có những việc làm tiến bộ nhất định nhằm sửa chữa những sai lầm do chính họ tạo ra trước đây !?!?, như trong khoản 5 nêu trên, là “xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thực hiện cải cách tư pháp thì việc bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính và hủy bỏ Nghị định 31/CP về quản chế hành chính là cần thiết.”
Nhưng họ có thật tâm muốn làm như vậy không ?
Xin thưa rằng không, đơn giản là vì, việc sẽ hủy bỏ Nghị định 31/CP thật sự không hề có nhiều ý nghĩa như nhà cầm quyền Việt Nam vẫn đang tuyên truyền để đánh lạc hướng dư luận. Vì, từ rất lâu rồi NĐ31 này không còn được áp dụng nữa, mà chính xác là từ ngày 01 tháng 10 năm 2002 khi Pháp lệnh Xử lý Vi phạm Hành chính 2002 có hiệu lực thi hành.
Như tất cả chúng ta đều biết, Pháp lệnh có hiệu lực rất cao, chỉ sau Hiến pháp và Luật. Còn về nguyên tắc áp dụng, thì nguyên tắc về thời gian là, nếu 2 hoặc nhiều văn bản luật điều chỉnh về cùng một vấn đề thì văn bản nào ra đời sau sẽ có hiệu lực áp dụng. Do đó, Pháp lệnh Xử lý Vi phạm Hành chính vừa là văn bản ở cấp cao hơn vừa ra đời sau so với NĐ31. Vấn đề là toàn bộ quy định về quản chế hành chính của NĐ31/CP đã được đã được đưa vào Pháp lệnh 2002 một cách “êm ái hơn, gọn gàng hơn và sắc bén hơn” mà vẫn bảo toàn đầy đủ tất cả những nội dung đáng lên án của NĐ31/CP. Cụ thể là các điều trong Pháp lệnh bao trùm toàn bộ NĐ31 gồm những điều sau :
- Điều 6, khoản 2 ghi “Đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác là những người được quy định tại các điều 23, 24, 25, 26 và 27 của Pháp lệnh này.”
- Điều 22 quy định các biện pháp xử lý hành chính khác bao gồm : giáo dục tại xã phường, thị trấn ; đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh và quản chế hành chính.
- Điều 27 quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với người có hành vi vi phạm pháp luật phương hại đến an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Và thời hạn quản chế Hành chính là từ 6 tháng đến 2 năm.
Nội dung về quản chế Hành chính của NĐ31 đã được quy định một cách tinh vi hơn, với giá trị hiệu lực cao hơn khi được đưa vào trong Pháp lệnh. Bên cạnh đó thì các biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục (điều 25) và đưa vào cơ sở chữa bệnh (điều 26) cũng đã được đưa vào trong Pháp lệnh mới này với một phạm vi áp dụng rất rộng. Hai biện pháp này cũng là những hình thức đàn áp được nhà cầm quyền Việt Nam áp dụng khá phổ biến đối với những người đấu tranh dân chủ. Vì cơ sở giáo dục ở đây chính là một trại giam trá hình, mặc dù chúng cũng có tác dụng giáo dục nhất định đối với những kẻ xấu, nhưng trong thực tế bị nhà cầm quyền lạm dụng không ít để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Còn đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh quy định trong Pháp lệnh là người nghiện ma túy và bán dâm (khoản 2 điều 26 Pháp lệnh), nhưng trong thực tế nhà cầm quyền Việt Nam vẫn thường dùng thủ đoạn rêu rao một số người bất đồng chính kiến là mắc bệnh tâm thần và cưỡng chế đưa họ vào các bệnh viện tâm thần nhằm mục đích thâm độc là hãm hại những người này làm cho họ không bệnh cũng thành bệnh.
Vì vậy, nếu nhà cầm quyền Việt Nam nói rằng “việc bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính và hủy bỏ NĐ 31/CP về quản chế hành chính là cần thiết” thì họ phải thật sự hủy bỏ tất cả các quy định pháp luật liên quan đến quản chế hành chính, chứ không thể nào lại chỉ là bãi bỏ một nghị định mà cái nghị định đó đã “chết” từ lâu rồi !!!
Sự thật thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ làm một việc đơn giản là cho NĐ 31/CP ngày 14-4-1997 “chết một lần nữa” mà thôi. Còn mục đích thật sự của họ là thế nào thì ai cũng đã rõ. Hiện nay, Pháp lệnh Xử lý Vi phạm Hành chính 2002, Nghị định 38/CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 về việc tập hợp đông người và Nghị định 56/CP về văn hóa và thông tin vừa mới ra đời ngày 6 tháng 6 năm 2006, còn tinh vi hơn và đang còn có hiệu lực đầy đủ và ghê gớm trong việc đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ dũng cảm nói lên bất đồng chính kiến của mình và những hiện trạng tiêu cực của xã hội do sự độc tài của Đảng cộng sản gây ra. Và biện pháp quản chế, cái tên gọi mỹ miều của việc bắt bỏ tù tại gia, vẫn hoàn toàn còn đầy đủ hiệu lực của nó trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002.
Hơn nữa, nếu năm 1991, Quốc hội CSVN đã huỷ bỏ “Lệnh tập trung cải tạo” 1 lệnh kéo dài 3 năm (cho đến năm 1991, có những người bị 5 lệnh liên tiếp phải ở tù 15 năm liền) thì với Pháp lệnh năm 2002, nhà cầm quyền CSVN đã tái lập “Lệnh tập trung cải tạo” này qua việc “đưa vào cơ sở giáo dục từ 6 tháng đến 2 năm và có thể gia hạn một cách tuỳ tiện”.
Vì vậy, các nhà đấu tranh Dân chủ và công luận hãy nhận thức thật đầy đủ và chuẩn xác những chiêu đòn của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
Hà Nội, 11-11-2006
Luật sư Lê Thị Công Nhân
------------------------------
Bản tin của FNA từ Hà Nội
Mật vụ cộng sản thẩm vấn luật sư Lê Thị Công Nhân
Phóng viên FNA từ Hà Nội cho biết: Vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 31-10-2006, nhân viên mật vụ khu vực tên Sơn của phường Phương Mai, quận Đống Đa đã đưa ba mật vụ của A42 gồm hai nam: Trung và Hồng, một nữ mật vụ là Doãn Anh Thuỷ đến nhà nữ luật sư Lê Thị Công Nhân, phát ngôn nhân của đảng Thăng Tiến Việt Nam. Trong lúc luật sư Nhân đang ốm mệt và đã phản đối, nhưng cả bốn nhân viên mật vụ đã cưỡng bức luật sư Nhân ra
chiếc xe ô tô biển số 80B-2530 và đưa đến trụ sở tại số 1 ngõ 34 đường Âu Cơ để thẩm vấn.
Nội dung mà những nhân viên mật của đảng cộng sản thẩm vấn luật sư Nhân xoay quanh đảng Thăng Tiến, chuyến đi Ba Lan không thành và mối quan hệ của luật sư Nhân với những người trong phong trào dân chủ.
Những câu hỏi về đảng Thăng Tiến là: Ai phân công làm phát ngôn nhân? Đảng Thăng Tiến có cung cấp tiền không? Việc tham gia đảng Thăng Tiến có liên quan đến Văn phòng luật sư Thiên Ân của luật sư Nguyễn Văn Đài không? Sau khi vào đảng Thăng Tiến thì luật sư Đài và kỹ sư Bạch Ngọc Dương có bình luận gì không?
Những câu hỏi về chuyến đi Ba Lan: Văn phòng luật sư Thiên Ân có phân công đi không? Nếu không thì ai phân công? Lấy tiền đâu ra để đi? Nội dung của bài tham luận?...
Tất cả câu trả lời của luật sư Nhân là do những suy nghĩ và việc làm của cá nhân của cô, mật vụ cộng sản cảm thất vọng khi nhận được những câu trả lời như vậy.
Buổi trưa các nhân viên mật vụ mua cơm hộp về, nhưng luật sư Nhân phản đối không ăn. Trong suốt quá trình thẩm vấn luật sư Nhân luôn đề nghị dừng lại vì lý do sức khoẻ những nhân viên mật vụ không để ý đến những đề nghị của luật sư Nhân.
Sau những câu hỏi thẩm vấn, nhân viên mật vụ giở bài giáo huấn với luật sư Nhân, nào là chị đã được học hành, nhưng nay đã có những hành động vượt rào,…
Cuối buổi làm việc, họ yêu cầu luật sư Nhân ký biên bản lời khai, nhưng luật sư Nhân từ chối không ký, thì họ lại lập biên bản về việc không ký biên bản lời khai và yêu cầu luật sư Nhân ký, những luật sư Nhân cương quyết không ký vào cả hai biên bản.
Cuối giờ chiều, họ đưa luật sư Nhân về và yêu cầu ngày mai đến làm việc tiếp. Luật sư Lê Thị Công Nhân một lần nữa phản đối, cô nêu rõ rằng những nhân viên mật vụ này đã không tôn trọng pháp luật và áp dụng pháp luật một cách tuỳ tiện, nhưng những nhân viên mật vụ này nói rằng đó là quyền của họ và biện pháp hành chính của họ.
Theo những qui định của luật pháp Việt Nam hiện hành thì mật vụ cộng sản không có căn để triệu tập luật sư Lê Thị Công Nhân, nhưng họ đã bất chấp luật pháp để cưỡng bức luật sư Nhân phải đến trụ sở của họ để thẩm vấn.
Những thông tin trên giúp quí vị độc giả hiểu thêm về những khó khăn của những người đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền trong nước đang phải chịu cũng như thấy được bản chất xấu xa của chế độ cộng sản.
Free News Agency – Hà Nội, ngày 31-10-2006.
-----------------------------------
Dưới đây là bài viết của luận sư Lê Thị Công Nhân, "dự tính" phát biểu tại Hội Nghị về Lao động tổ chức tại Warsaw, Poland, tuy nhiên tới giờ phút chót, luật sư bị Công An CSVN ngăn chặn không cho rời khỏi phi trường Nội Bài. phần tường trình chi tiết phía dưới bài viết)
KHÍA CẠNH PHÁP LÝ VỀ ĐÌNH CÔNG &
YÊU CẦU CẦN CÓ HỆ THỐNG CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP TẠI VIỆT NAM
Luật sư Lê Thị Công Nhân - Việt NamWarsaw-Poland, 10/2006
Kính thưa Quý Vị,
Tôi rất hân hạnh được tham dự một hội nghị về lao động lại được tổ chức tại cái nôi của phong trào công nhân đoàn kết của thế giới. Đến từ Việt Nam, một đất nước cộng sản độc quyền đảng trị, nhưng thật éo le, tôi lại không có nhiều thông tin tốt đẹp về đời sống và việc làm của giới công nhân tại Việt Nam để mang đến cho quí vị.
Trong tham luận ngắn này, tôi không đi sâu vào cuộc sống khốn khó, đồng lương rẻ mạt và việc bị đối xử thiếu tôn trọng của người công nhân Việt Nam, mà tôi muốn đề cập tới khía cạnh pháp lý của đình công và nhu cầu bức thiết cần phải có các công đoàn độc lập của người lao động so với công đoàn nhà nước đảng trị ở Việt Nam hiện nay.
Phong trào đấu tranh của công nhân để giành lấy những quyền cơ bản thiết yếu của mình đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với rất nhiều những cuộc đình công diễn ra trên khắp đất nước. Nhưng hơn 90% trong tổng số hơn 1200 cuộc đình công trong 10 năm qua luôn bị chính tổ chức công đoàn và Toà án coi là bất hợp pháp, từ đó dẫn đến những cuộc đàn áp không thương tiếc phong trào đấu tranh chính nghĩa này của giới công nhân, vì những lý do sau :
I- Pháp luật VN hiện hành không hỗ trợ cho đình công
Pháp luật Việt Nam hiện hành thiếu những quy định đúng đắn và khả thi về quyền đình công của công nhân thậm chí không hề có một định nghĩa về đình công. Quy định duy nhất nói đến quyền được đình công của người lao động là khoản 1 điều 172 Bộ luật lao động năm 2002, ghi rằng “Trong trường hợp tập thể lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động, thì có quyền yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết hoặc đình công.”
Nhưng để công nhân thực hiện được quyền đình công này, Nhà nước Việt Nam lại quy định những thủ tục rất nhiêu khê và bất khả thi. Luật lao động Việt Nam hiện nay quy định các tranh chấp lao động tập thể, là lý do duy nhất được coi là hợp pháp để người lao động có quyền đình công, bắt buộc phải qua 2 bước hoà giải tại Hội đồng hoà giải cơ sở được tổ chức trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận đơn, và nếu không hoà giải được thì đưa tiếp lên Trọng tài lao động cấp tỉnh để hoà giải trong 10 ngày kể từ khi nhận được đơn. Sau đó, nếu vẫn không hoà giải được thì có thể kiện tiếp ra Toà hoặc đình công (điều 170, 171). Quy định như vậy là quá lâu đối với các bên, đặc biệt là với người lao động, vì cuộc sống của họ phụ thuộc vào từng ngày lương ít ỏi đó.
Luật lại quy định đến 17 ngày kể từ ngày nộp đơn đã thu thập được đủ số chữ ký cần thiết của hơn 1/2 số lao động trong tập thể có tranh chấp đó (làm sao mà thu thập nổi số chữ ký này, ai có thời gian để đi thu thập, và doanh nghiệp nào cho phép việc thu thập chữ ký này diễn ra trong doanh nghiệp mình ???) , và sau đó phải cử 3 người trong ban chấp hành công đoàn cơ sở để trao bản thông báo về việc đình công cho 3 nơi là: Sở lao động tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh và cho giới chủ thì mới được đình công. Mặc dù quy định một khoảng thời gian dài và thủ tục rườm rà như vậy, nhưng luật lại không quy định chế tài cho Hội đồng hoà giải và Trọng tài lao động này sẽ phải chịu trách nhiệm gì nếu không tổ chức được việc hoà giải trong thời hạn. Do vậy, các Hội đồng hoà giải và Trọng tài lao động này làm việc chậm chạp thiếu trách nhiệm, càng làm dồn nén những bức xúc của người lao động. Và cũng vì lý do chờ đợi quá lâu này mà người lao động càng bức xúc và càng có nhu cầu đình công.
Đã là quyền thì người lao động phải được thực hiện quyền đó khi thấy cần thiết và có đủ điều kiện chứ không phải đi xin phép ai đó với các thủ tục rườm rà và kéo dài như vậy.
II- Pháp luật VN hiện hành cản trở đình công
Luật Việt Nam không định nghĩa đình công là gì, nhưng lại quy định thế nào là một cuộc đình công bất hợp pháp !!!
Điều 176 Bộ luật lao động năm 2002 của Việt Nam quy định những cuộc đình công bất hợp pháp là những cuộc đình công mà “không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể, vượt ra ngoài phạm vi quan hệ lao động; vượt ra ngoài phạm vi doanh nghiệp” và không được đình công trong khi chờ kết quả giải quyết của Hội đồng hoà giải lao động và Hội đồng trọng tài lao động (điều 173).
Quy định như vậy đã thu hẹp tối đa những trường hợp mà người lao động có quyền đình công. Ví dụ: trường hợp nhà nước sắp ban hành một luật mà người lao động cho rằng sẽ có những ảnh hưởng xấu đến họ; hoặc khi một cá nhân công nhân bị xâm phạm nặng nề về sức khoẻ hay danh dự, thì giới công nhân lẽ ra cũng phải có quyền đình công trong những trường hợp này. Nhưng ở Việt Nam thì nhà nước lại cho rằng chỉ có những cuộc đình công xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể mới được coi là hợp pháp. Điều này không phù hợp với quy định khoa học và nhân văn của Tổ chức Lao động Quốc tế, cho rằng trong một số trường hợp đình công xuất phát từ những vấn đề chính trị nhằm gây sức ép với nhà cầm quyền hoặc một đảng phái chính trị về một vấn đề nào đó có thể không liên quan trực tiếp hay không liên quan ngay tức thì đến quyền lợi của công nhân, nhưng chứa đựng nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến quyền lợi của người lao động, thì họ có quyền đình công.
Mục tiêu của đình công là nhằm tạo sức ép lên giới chủ và/hoặc nhà cầm quyền bằng cách gây những thiệt hại về kinh tế ở một mức độ nhất định, nhằm đòi hỏi ở mức độ cao hơn về quyền và lợi ích cho người lao động. Và sự kiện nào dẫn đến đình công cũng chỉ là khía cạnh hình thức của đình công. Vì vậy, bản chất của đình công là luôn gắn với chính trị theo nghĩa rộng, chứ không chỉ nằm trong quan hệ lao động trực tiếp thuần tuý mà cụ thể là các tranh chấp lao động tập thể, nhưng tuỳ từng sự kiện, bối cảnh, phạm vi và quy mô của cuộc đình công mà đặc điểm chính trị này có nổi bật hay không. Nhưng luật Việt Nam lại độc đoán đặt đình công trong một phạm vi rất hạn hẹp là đình công phải xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể, tức chỉ thuần tuý là vấn đề kinh tế. Quy định như vậy là đã làm què cụt đi bản chất và vai trò của đình công được cả thế giới công nhận là luôn gắn liền với chính trị. Và ngay cả học thuyết của cộng sản, khi tuyên truyền cũng luôn công nhận như vậy, nhưng trong thực tế lại quy định và làm ngược lại.
Luật Việt Nam quy định cuộc đình công vượt quá phạm vi doanh nghiệp là bất hợp pháp, là một điều rất mơ hồ và sai lầm. Mơ hồ là vì, nếu quy định như vậy thì lại phải có một định nghĩa về “phạm vi doanh nghiệp” là gì ? Là phạm vi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay phạm vi lãnh thổ địa lý của doanh nghiệp ? Sai lầm là vì, dù quy định như thế nào về cái “phạm vi” này thì cũng không đúng cho vấn đề đình công. Người lao động hoàn toàn có quyền đình công khi họ thấy quyền lợi của họ có nguy cơ bị xâm phạm, chứ không thể lại chỉ từ mỗi tranh chấp trực tiếp trong phạm vi doanh nghiệp của mình. Ngoài ra, thì khi đình công đương nhiên không thể nào mà người lao động lại chỉ đình công trong phạm vi lãnh thổ địa lý của doanh nghiệp mà mình đang làm việc được. Và thực tế hiện nay, những trường hợp đình công đồng thời là tuần hành, biểu tình ngày càng phổ biến trên thế giới.
Và cũng từ cái căn cứ pháp luật về “đình công bất hợp pháp” vô cùng vững chắc này mà ở Việt Nam, tuyệt đại đa số các cuộc đình công cũng như cá nhân người lao động trực tiếp tham gia đình công đều bị nhà cầm quyền đàn áp một cách thảm khốc mà đôi khi chính giới chủ cũng cảm thấy bất ngờ. Và dần theo thời gian, với chính sách và pháp luật như vậy, công nhân Việt Nam không còn dám nghĩ tới những cuộc đình công vì mục đích chính trị, điều vốn được coi là rất bình thường tại các nước văn minh và phát triển. Vì thế họ gần như không còn vai trò gì trong nền chính trị cả, chỉ còn làm bình vôi để Đảng cộng sản Việt Nam sử dụng cho bài ca mỵ dân những khi cần thiết.
Tôi đặc biệt chú trọng đến khía cạnh này của pháp luật Việt Nam vì trong thực tế có chưa đến 10% số cuộc đình công ở Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn là một cuộc đình công hợp pháp. Nhưng tiếc là những cuộc đình công hợp pháp này lại không mang đến kết quả như mong đợi, và quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động vẫn tiếp tục bị xâm hại sau những cuộc đình công được coi là lý tưởng trong mắt nhà cầm quyền này.
III- Hệ quả từ phán quyết của Toà án về cuộc đình công bất hợp pháp
3.1 Những phán quyết của Toà án Việt Nam mà đa phần là kết luận một cuộc đình công nào đó là bất hợp pháp, đã làm căn cứ cho các cơ quan an ninh, cảnh sát khi thẳng tay đàn áp thảm khốc các cuộc đình công là đã làm đúng với pháp luật của Việt Nam. Nhưng xin quý vị nhớ cho rằng căn cứ đó lại được thực hiện trên một nền tảng pháp luật vô lý và hạn hẹp của Việt Nam hiện nay.
3.2 Hệ quả cụ thể từ những phán quyết Toà án kết luận rằng một cuộc đình công là bất hợp pháp là làm cho những người công nhân tham gia đình công trở thành những người vi phạm pháp luật. Họ bị cắt lương thậm chí là sa thải, vì giới chủ dựa vào kết luận cuộc đình công bất hợp pháp của Toà án để quy kết người công nhân tham gia đình công là “tự ý bỏ việc” và làm căn cứ sa thải họ một cách “đúng luật” (điểm c khoản 1 điều 85).
3.3 Điều chúng ta cần đặc biệt quan tâm là số phận của những người lãnh đạo các cuộc đình công này. Đa số họ đều chính là những người lao động chứ không phải là những cán bộ công đoàn. Sau những cuộc đình công bị coi là bất hợp pháp này, họ luôn bị trù dập, đàn áp, mất việc làm, túng quẫn về kinh tế, và thậm chí không ít trường hợp bị quy kết là tội phạm hình sự một cách oan nghiệt, với những tội mơ hồ nhưng nặng nề như gây rối trật tự công cộng, xúi giục, lôi kéo người khác gây rối trật tự công cộng ,chống người thi hành công vụ .v.v.
Bây giờ có lẽ quý vị đang thắc mắc về vai trò của Công đoàn Việt Nam ở đâu ? Họ đông đảo, lớn, nhiều tiền và lại được Đảng cộng sản yêu quý lắm, nhưng dưới cơ chế độc quyền cai trị hiện nay của Đảng cộng sản Việt Nam thì Công đoàn được coi là một bộ phận của Đảng cộng sản Việt Nam, chịu sự lãnh đạo và phục vụ cho đảng này. Vì vậy, công đoàn Việt Nam không còn là một tổ chức công đoàn bình thường và thuần khiết đúng với bản chất vốn có của nó như công đoàn ở các nước trên thế giới. Một công đoàn đúng nghĩa phải do người lao động tự lập ra, duy trì và phát triển. Chỉ như vậy thì công đoàn đó mới có được sự độc lập và có thể phục vụ tối đa cho quyền lợi của người lao động. Cũng vì lý do không độc lập này mà ở Việt Nam hiện nay, không có Ban chấp hành công đoàn cơ sở nào dám quyết định và tổ chức cho công nhân đình công theo quy định tại khoản 2 điều 173. Điều này khiến người lao động tự đình công vì không chờ nổi quyết định của công đoàn. Và đây cũng là một trong những lý do làm cho cuộc đình công đó bị chụp mũ là tự phát, vô tổ chức và bất hợp pháp dẫn đến những hậu quả ghiêm trọng như nói ở trên.
IV- Hệ quả nghiêm trọng từ quy định về đình công bất hợp pháp trong pháp luật Việt Nam hiện nay
Chính những quy định bất khả thi nêu trên đã làm cho hơn 90% các cuộc đình công tại Việt Nam đều là bất hợp pháp. Điều này dẫn đến 04 hệ quả tất yếu là :
Quan hệ giữa giới chủ và người lao động càng trở nên căng thẳng vì giới chủ dựa vào việc tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp để trừng phạt thậm chí là sa thải người lao động, làm cho người lao động trở nên túng quẫn, bế tắc và bị dồn vào bước đường cùng.
Khi cuộc đình công bị coi là bất hợp pháp thì những yêu sách của người lao động cũng sẽ không được giải quyết như là một hệ quả tất yếu. Và do vậy, vấn đề cốt lõi là các tranh chấp lao động tập thể vẫn tiếp tục tồn tại và dồn nén chồng chất càng dễ dẫn đến những cuộc đình công khác.
Cách giải quyết cứng nhắc dựa trên những quy định pháp luật ấu trĩ và hạn hẹp đó của Toà án càng làm người lao động mất lòng tin vào pháp luật và nhà nước, từ đó lại càng dễ manh động và có những hành vi bất tuân thủ làm cho hiện trạng đình công ở Việt Nam càng trở nên phức tạp, rối ren.
Người lao động không những mất lòng tin vào Toà án và Cơ quan Nhà nước mà còn mất lòng tin đối với cả tổ chức công đoàn vì công đoàn đảng trị đó không còn đại diện cho họ và giúp ích được gì cho người lao động. Không những vậy, người lao động tại Việt Nam hiện nay lại không được lập công đoàn độc lập của chính mình, do đó càng thiếu tổ chức và đấu tranh càng khó khăn. Cơ quan quản lý nhà nước cũng vì thế mà càng khó nắm bắt tình hình và khó thực hiện chức năng quản lý của mình hơn.
Đã có rất nhiều người lao động và ngay cả một số nhà lập pháp yêu cầu cần có một hệ thống công đoàn độc lập tại Việt Nam, do chính người lao động lập ra, đóng góp công sức tiền bạc để duy trì nó, và cử/thuê những người có năng lực phù hợp làm việc chuyên nghiệp cho công đoàn đó. Nhưng đến nay, những ý tưởng tuy không mới nhưng rất tốt đẹp và đúng với xu thế phát triển tất yếu của thế giới về tổ chức công đoàn vẫn chưa có dấu hiệu gì sớm được nhà cầm quyền Việt Nam ủng hộ và thông qua.
V- Cần phải cải tổ luật pháp VN về đình công và phải có Công đoàn độc lập của công nhân
Đình công là quyền của người lao động được không làm việc mà vẫn được bảo toàn quyền lợi một cách bình thường trong thời gian không lao động này, nhằm gây thiệt hại kinh tế nhất định cho bên chủ lao động hoặc cho bên thứ ba, khi quyền lợi của người lao động bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại. Người lao động được thực hiện quyền này một cách nhanh chóng, đúng thời cơ, tức là họ phải có quyền chuẩn bị một cách bí mật cuộc đình công để tránh bị giới chủ dập tắt cuộc đình công. Nhưng luật Việt Nam quy định thời gian xin phép và đợi chuẩn y cho cuộc đình công kéo dài gần 1 tháng, cán bộ công đoàn thì hưởng lương nhà nước thực hiện theo sự chỉ đạo của đảng cộng sản lại vừa làm việc trong chính doanh nghiệp có đình công thì họ không thể thực hiện được vai trò là người đại diện và phục vụ cho quyền lợi của người lao động. Do vậy, gần như không có cuộc đình công nào là hợp pháp tại Việt Nam, vì muốn thực hiện đúng pháp luật thì không thể đình công được, và ngược lại, muốn đình công thì không thể tuân thủ pháp luật. Việc nhà cầm quyền dựa vào căn cứ pháp luật lạc hậu này để kết luận cuộc đình công là bất hợp pháp đã mang lại những hệ quả tồi tệ, chồng chất và đào sâu thêm mâu thuẫn giữa các bên, làm tiền đề cho những cuộc đình công khác nối tiếp.
Luật pháp Việt Nam không còn theo kịp thực tế đời sống và cản trở xã hội phát triển. Việt Nam cần phải có những quy định pháp luật về đình công phù hợp và tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là quy định của tổ chức Lao động quốc tế, và nhất thiết phải bám sát được đời sống xã hội đang diễn tiến không ngừng, với mục tiêu tối thượng là phục vụ cho quyền lợi của người lao động với 04 nội dung cụ thể là :
Phải có định nghĩa pháp lý về đình công và phân biệt rõ đình công với bỏ việc hàng loạt;
Quy định về thời hạn thông báo và chuẩn y thực hiện cuộc đình công không quá 72 giờ (đề xuất). Quy định chỉ cần một bước đàm phán hoà giải tại cơ sở mà không thành thì người lao động có quyền đình công ngay hoặc lựa chọn con đường Toà án để giải quyết. Quy định như vậy mới bảo đảm được tính thời cơ để cuộc đình công khả thi và có hiệu quả, và đồng thời nâng cao thái độ và trách nhiệm của giới chủ và những người đại diện cho công quyền có liên quan.
Chỉ coi cuộc đình công là bất hợp pháp khi cuộc đình công đó không liên quan gì đến lao động và quan hệ lao động (như giới chủ thay đổi đồng phục cho công nhân nhưng không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ hay gây khó khăn trong khi làm việc, hay không để công nhân đi cổng chính mà chỉ cho đi cổng bên .v.v.), còn cuộc đình công dù không xuất phát từ tranh chấp lao động trực tiếp, mà liên quan đến pháp luật, chính sách của nhà nước về lao động thì phải được coi là hợp pháp.
Người lao động có quyền thành lập công đoàn độc lập của mình, được đóng quỹ, quản lý và thuê người chuyên nghiệp điều hành tổ chức công đoàn của mình. Người lao động có quyền tự do thành lập các tổ chức công đoàn theo nghành, công đoàn theo lãnh thổ và tự do liên kết với các tổ chức công đoàn khác.
Kính thưa Quý Vị,
Cuộc đấu tranh này sẽ ngày càng phát triển vì đây là một hiện thực khách quan, là hệ quả tất yếu xuất phát từ những bất công tràn lan trong xã hội Việt Nam hiện nay, một xã hội cộng sản nhưng người công nhân lầm than nghèo khổ vẫn đang ngày đêm bị bóc lột thậm tệ và bị đối xử thiếu tôn trọng về nhân phẩm. Cuộc đấu tranh này rất gian khó nhưng sẽ được tiếp tục một cách trường kỳ và vững chắc cho đến khi nào có được sự công bằng trong quy đổi giá trị lao động và nhân phẩm của người công nhân được tôn trọng.
Tôi hoàn toàn hiểu rằng mình chỉ là một cá nhân góp tiếng nói nhỏ nhoi ủng hộ và đang tìm kiếm giải pháp cho cuộc tranh đấu này. Tôi tin tưởng chính những nỗ lực không ngừng của lực lượng công nhân và dân chủ tại quốc nội Việt Nam sẽ nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các bạn, những người có bề dày kinh nghiệm đấu tranh của công nhân, do công nhân và vì công nhân, giúp đỡ chúng tôi hiệu quả và kịp thời bằng những hành động cụ thể và thiết thực tạo thành một áp lực đủ lớn từ bên ngoài tác động làm biến chuyển pháp luật hiện tại của Việt Nam về đình công, để người lao động có thể đình công hợp pháp và có công đoàn độc lập của chính mình. Đây là tâm huyết của tôi mang đến Hội nghị này và mong muốn Hội nghị này mang lại cho Việt Nam.
Xin cảm ơn quý vị đã dành thời gian quý báu cho tôi.
Công An nhà nước CSVN bắt cóc Luật Sư Lê Thị Công Nhân tại phi cảng Nội Bài – Hà Nội
Lúc 00 giờ 30 nữa đêm về sáng ngày 27 tháng 10 năm 2006, phái viên chúng tôi liên lạc và được biết công an CSVN đã dùng quyền lực xâm nhập đến tận trước cửa chuyến phi cơ Hàng không Việt Nam mang số VN535 dự tính cất cánh lúc 23:35 nữa đêm 26/10/2006 đi Paris, để bắt cóc LS Lê Thị Công Nhân đưa vào phòng kín hỏi cung mà không trưng dẫn được 1 văn bản pháp luật nào. Khi chúng tôi liên lạc được với LS Lê Thị Công Nhân thì đúng vào lúc LS đang bị sách nhiểu trong phòng giam của công an tại phi cảng Nội Bái - Hà Nội lúc 00: 53 phút giờ Hà Nội, và chuyến phi cơ đã cất cánh đi Paris hơn 20 phút. Như vậy đảng và nhà nước CSV đã thành công trong âm mưu dùng bạo lực cản trở quyền tự do đi lại của một công dân VN, ngay cả vị đó là một LS đang hành nghề tại Hà Nội, chỉ vì LS Lê Thị Công Nhân đáp lời mời của Ban Tổ Chức lên đường hôm nay để kịp đến dự Hội Nghị Quốc Tế Về Quyền Lao Động tại Warsaw thủ đô Ba-Lan vào hai ngày 28 và 29 Tháng 10 năm 2006, do công đoàn Đoàn Kết (Solidanosc) và Quốc Hội Ba-Lan bảo trợ.
Tại phòng giam và trấn áp dân chủ tại phi cảng, ông Nguyễn văn Thống, Phó Trưởng Phòng Công An Xuất Cãnh phi cảng Nội Bài đã không xuất trình được 1 văn bản pháp luật nào của nhà nước CSVN cấm 1 công dân vô tội như LS Công Nhân đi xuất cãnh, mà chỉ tuyên bố là lệnh của Tổng Cục An Ninh của nhà nước CSVN không cho LS Lê Thị Công Nhân lên máy bay. Viên công an nầy cũng đã tự ý lập một biên bản khủng bố và trấn áp đòi LS LTCN ký vào nhưng LS Công Nhân nhất định không ký vì Luật Sư vô tội, đi xuất cãnh có đầy đủ giấy tờ và không làm gì sai trái với pháp luật. Hơn nữa biên bản nầy còn ghi là không thu giữ bất cứ thứ gì, nhưng thất sự thì hành lý của LS Công Nhân đã bị công an âm thầm thu giữ trước đó. Khi bị LS Lê Thị Công Nhân chất vấn là tại sao không ngăn chận ngay từ khi LS làm thủ tục lên máy bay tại phi cảng cách đó 3 tiếng đồng hồ, mà lại đợi đến lúc sắp bước lên phi cơ thì công an ùa ra dùng bạo lực bắt người không cho lên máy bay một cách trái phép như vậy, thì viên công an nầy trả lời: rằng: “Đó là quyền của chúng tôi, chúng tôi muốn làm gì thì làm”. Điếu nầy chứng tỏ công an CSVN đứng trên pháp luật và muốn làm gì thì tự ý.
Vì LS Lê Thị Công Nhân đã bị bắt cóc và đang bị giam giữ tại phi cảng Nội Bài – Hà Nội để ngăn chặn Luật Sư tham gia Hội Nghị Quốc Tế Về Quyền Lao Động tại Warsaw thủ đô Ba-Lan vào hai ngày 28 vá 29 Tháng 10 năm 2006 do công đoàn Đoàn Kết (Solidanosc) và Quốc Hội Ba-Lan bảo trợ, cho nên chúng tôi bắt buộc phải công bồ rộng rãi trước dư luận bài diễn văn Việt Ngữ và Anh Ngữ mà LS LTCN dự định sẽ đọc tại Hội Nghị, kèm theo bàn tin khẩn cấp nầy, vì nhà cầm quyền CSVN đã vi phạm trắng trợn quyền tự do phát biểu và tự do đi lại của nhà dân chủ trẻ tuổi nầy. Mấy tuần và mấy ngày trước đây LS Nguyển Văn Đài và KS Bạch Ngọc Dương cũng đã bị công an CSVN đàn áp quyền tự do đi lại để ngăn chận quyền tự do phát biều (Freedom of Speech) y như trường hợp của LS Lê Thị Công Nhân ngày hôm nay.
Có tin gì thêm chúng tôi sẽ thông báo ngay.
Người đưa tin từ Sái Gòn1 giờ sáng ngày 27/10/2006
Về chuyến đi không thành của Luật sư Lê Thị Công Nhân
27.10.2006
Nhà cầm quyền CSVN lại ngăn chận quyền tự do đi lại của công dân VNHãng tin FNA tường thuật
Đây là tin tức chúng tôi mới nhận được về chuyến công du của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân đến Ba Lan, là phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến Việt Nam, luật sư Nhân đã nhận được lời mời tham dự hội nghị Công đoàn tự do được tổ chức tại Warsawa, thủ đô của Ba Lan diễn ra từ ngày 28-30/10/2006. Hoàn tất mọi giấy tờ thủ tục xuất cảnh để lên đường đi Ba Lan tham dự hội nghị công đoàn, tối ngày 27/10/2006, luật sư Nhân ra phi trường Nội Bài để lên máy bay, cùng ra tiễn nữ luật sư Nhân lên đường có bà Trần Thị Lệ, mẹ của luật sư Nhân cùng một số anh em dân chủ như luật sư Nguyễn Văn Đài, kỹ sư Bạch Ngọc Dương, anh Lương Duy Phương và anh Nguyễn Xuân Đệ. Mọi người đưa tiễn luật sư Nhân ra phi trường Nội Bài lúc 21 giờ 45 phút tối ngày thứ năm 26/10/2006, tại phi trường Nội Bài mọi thủ tục xuất cảnh đã được thực hiện như gửi đồ đạc vali, mua lệ phí sân bay, qua các vòng kiểm tra, cửa soát vé cuối cùng để lên máy bay, đến lúc luật sư Nhân vào đến khu vực cách ly phòng chờ, vẫy tay chào mọi người thân, bạn bè đưa tiễn cho một chuyến đi tốt đẹp khởi hành lúc 23 giờ 30 phút trên chuyến bay mang số hiệu VN535 đi Paris.
Nhưng đánh đùng một cái, chỉ còn cách cửa máy bay vài bước, thì hai nhân viên an ninh của phi trường Nội Bài đã đứng sẵn ở đó giang tay ngăn cản nữ luật sư Nhân lại, khi luật sư Nhân phản ứng vì chỉ còn 15 phút nữa là đến giờ máy bay cất cánh thì hai người sỹ quan an ninh này đã dùng áp lực buộc cô luật sư Nhân quay trở vào phòng kín để "làm việc". Tại đây, thượng tá Nguyễn Văn Thống, chức vụ là phó trưởng đồn công an cửa khẩu Nội Bài và Hoàng Anh Tuấn, chức vụ là cán bộ công an cửa khẩu Nội Bài đã đưa cho nữ luật sư Lê Thị Công Nhân một biên bản dừng xuất cảnh, với lý do đưa ra là theo đề nghị của Tổng cục An ninh-Bộ Công An. Nguồn tin cho chúng tôi biết cuộc đối đáp giữa nữ luật sư Nhân và các công an an ninh cộng sản Việt Nam tại phi trường Nội Bài như sau:
Lê Thị Công Nhân: lý do dừng xuất cảnh của tôi là gì?
Công An Nội Bài: theo yêu cầu không có lý do, chúng tôi chỉ làm theo yêu cầu của cấp trên
LTCN: tôi yêu cầu phải cho biết lý do!
CANB: lý do cụ thể như thế nào thì chị tự liên hệ với Bộ Công An, chúng tôi không biết, tự chị đi mà giải quyết!
LTCN: thế còn hành lý của tôi đã gửi theo máy bay thì sao, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường tiền vé máy bay của tôi?
CANB: tiền vé máy bay thì đại lý sẽ bồi thường, lần sau thì chị sẽ được đi bình thường, lúc này chưa đi được, khi nào giải quyết xong thì có thể đi được. Việc dừng xuất cảnh của chị là theo lệnh của Tổng Cục An Ninh.
LTCN: tại sao không dừng trước, đến khi tôi sắp bước vào cửa máy bay rồi thì ngăn tôi lại?
CANB: chỉ cần máy bay chưa cất cánh là chúng tôi dừng được.
LTCN: thế lệnh của Tổng Cục An Ninh đâu, cho tôi xem cái lệnh đó?
CANB: không có lệnh bằng văn bản, chỉ có lệnh miệng từ cấp trên thôi.
LTCN: Vậy các anh đang tuân thủ theo cái không có à? Tôi yêu cầu phải có công văn tống đạt về việc này gửi cho tôi. Tôi không chấp nhận lệnh bằng miệng, đề nghị ghi vào trong biên bản là chỉ có lệnh bằng miệng! Tôi thấy là công quyền các anh không có tôn trọng công dân , rất tồi tệ, tạm dừng xuất cảnh chỉ bằng một tờ giấy A4! Tôi yêu cầu phải bồi thường cho tôi!
CANB: chị bị dừng xuất cảnh theo yêu cầu của Tổng Cục An Ninh.
LTCN: tôi yêu cầu phải ghi vào biên bản về việc bồi thường, tôi lên án về hành vi ngăn chặn việc xuất cảnh của tôi. Chuyện này có thường xuyên xảy ra với công dân Việt Nam không vậy? Tôi không chấp nhận sự xem thường công dân Việt Nam như thế, tôi yêu cầu phải có quyết định hành chính, các anh giải thích làm sao cách cư xử đối với tôi như vậy, tôi hoàn toàn là một công dân Việt Nam đàng hoàng, không vi phạm điều gì cả!.....
Trên đây chúng tôi ghi lại tóm lược cuộc đối đáp giữa luật sư Nhân và công an Nội Bài, tất nhiên là công an Nội Bài không có lý lẽ gì để trả lời cho được những câu hỏi của luật sư Nhân, mà họ chỉ làm theo mệnh lệnh bằng miệng từ cấp trên là Tổng Cục An Ninh của nhà cầm quyền CSVN.
Theo nguồn tin cho biết công an Việt Nam biết trước việc xuất cảnh đi Ba Lan của luật sư Nhân, cho nên đã bố trí các loại đặc vụ, mật thám ngồi theo dõi ngay trước cửa nhà riêng của cô, đồng thời cử hàng chục công an mật vụ, đặc tình trà trộn trong đám đông tại phi trường Nội Bài để theo dõi cô Nhân cùng phái đoàn đi tiễn chân. Buổi tối ngày hôm nay tại phi trường Nội Bài người ta cũng thấy lảng vảng trong đám đông có các khuôn mặt của các sỹ quan an ninh của Cục bảo vệ chính trị A42. Như chúng ta đã biết, luật sư Nguyễn Văn Đài cũng đã bị ngăn chặn hai lần trong việc xuất cảnh đi nước ngoài, trong đó có một chuyến đi Bangkok, Thái Lan, và gần đây là một chuyến đi Ấn Độ để tham dự hội nghị luật sư Cơ Đốc quốc tế. Tuy nhiên, những lần đó, công an tại phi trường Nội Bài theo sự chỉ đạo của cấp trên đã ngăn chặn luật sư Đài ngay từ cửa soát vé đầu tiên, họ đã mời luật sư Đài vào phòng kín để "làm việc" và đưa cho anh cái biên bản tạm dừng xuất cảnh. Nhưng lần này, có lẽ do ưu ái luật sư Lê Thị Công Nhân là nữ giới cho nên họ mới để cho cô Nhân chuẩn bị bước chân vào máy bay rồi mới ra tay ngăn chặn, mặc dù họ thừa sức ngăn cản cô Nhân ngay từ vòng ngoài! Đây quả là một trò đùa theo kiểu con nít !!!
Như vậy là chúng ta đã quá rõ với bản chất độc tài toàn trị của nhà cầm quyền CSVN, họ đã vi phạm một cách trắng trợn nhân quyền, ngang nhiên cướp đoạt quyền tự do đi lại của công dân Việt Nam, đặc biệt là đối với những người lên tiếng mạnh mẽ cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Mặc dù trước thềm hội nghị APEC sắp diễn ra, rồi Việt Nam sẽ bước chân vào sân chơi chung WTO của thế giới, tuân thủ luật chơi công bằng, đòi hỏi phải có tự do dân chủ và nhân quyền của WTO, thế nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn phớt lờ tất cả, vẫn dùng bộ máy chuyên chế cộng sản để đàn áp và tước đoạt các quyền tự do cản bản của công dân Việt Nam.
Công luận thế giới văn minh tự do dân chủ cần lên tiếng mạnh mẽ để đòi nhà cầm quyền CSVN phải nghiêm chỉnh thực thi đảm bảo nhân quyền cho chính công dân Việt Nam, phải trả lại các quyền tự do căn bản của con người mà bấy lâu nay đã bị nhà cầm quyền CSVN dùng các thủ đoạn tinh vi để tước đoạt !
Hãng tin FNA tường thuật27-10-2006.
Bà Công Nhân bị chặn ở Nội Bài
BBC - 26 Tháng 10 2006 - Cập nhật 17h23 GMT
Chính quyền Việt Nam vừa cấm xuất cảnh đối với một trong các nhân vật bất đồng chính kiến, ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC tổ chức tại Hà Nội.Luật sư Lê Thị Công Nhân, người phát ngôn cho đảng Thăng Tiến Việt Nam, bị công an chặn lại tại cửa khẩu Nội Bài khi đang lên đường đi Ba Lan để tham dự một hội nghị về công đoàn.''Sau bốn thủ tục kiểm tra cả về an ninh và vé máy bay, tôi đã đi gần tới chân máy bay thì bị hai nhân viên an ninh chặn lại theo đúng nghĩa đen.''Đầu tiên họ dừng tôi lại và nói 'đề nghị cho xem hộ chiếu'
Nghe 3'00 phỏng vấn bà Lê Thị Công Nhân''Tôi kiên quyết phản đối và nói rằng 'chỉ còn 10 phút nữa là tôi bay và nếu có những việc này xảy ra thì tôi sẽ bị lỡ chuyến bay và không có một lý do gì hết.' 'Họ lại bảo 'yêu cầu cho xem hộ chiếu'. Tôi lại kiên quyết phản đối và cương quyết đi, thì họ giơ hẳn cánh tay ra và chặn tôi lại. Tất nhiên với cái vũ lực như vậy tôi đành phải đi theo họ.''Bà Công Nhân đáng ra đã phải lên chuyến bay VN 535 khởi hành đi Paris lúc 2300 tối thứ Năm.
... Họ giơ hẳn cánh tay ra và chặn tôi lại. Tất nhiên với cái vũ lực như vậy tôi đành phải đi theo họ.Bà là người đại diện cho đảng Thăng Tiến Việt Nam tham dự hội thảo về công đoàn được tổ chức trong hai ngày cuối tuần này tại Vac-sa-va, Ba Lan. Được biết bà cũng có một tham luận về tình hình công nhân tại Việt Nam đọc tại hội thảo.Bà Công Nhân nói với BBC bà đã phải làm việc khoảng 40 phút với công an ở sân bay Nội Bài và bất chấp chuyện bà yêu cầu được cho xem lệnh cấm xuất cảnh của Bộ Công an, những người tiếp chuyện bà đã không đưa ra bất kỳ một văn bản nào mà chỉ nói rằng đó là lệnh miệng.Bà Công Nhân cũng tỏ ra bất bình và cho rằng việc bắt người không hề có giấy tờ là một hành vi ''đen tối'' và nhằm để trốn tránh trách nhiệm về sau.Bà cũng nói việc Bộ Công an phải dùng tới các biện pháp như vậy với một người như bà đã khiến bà đặt câu hỏi ''phải chăng họ quá yếu ớt.''
Quyền công nhân
Hội thảo Công đoàn Vac-sa-va 2006 do Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan và Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân Ba Lan cùng tổ chức với sự bảo trợ của một số nhà lập pháp Ba Lan.Trong hội thảo này có mặt của các nhà hoạt động công đoàn không chỉ của Ba Lan, Việt Nam mà còn từ Hoa Kỳ và nhiều nước khác.Hội thảo này, được tổ chức sau khi một số nhà hoạt động tại Việt Nam tuyên bố thành lập công đoàn độc lập với mục đích 'bảo vệ quyền lợi cho công nhân', có nội dung chính xoay quanh luật lao động tại Việt Nam và kinh nghiệm công đoàn nước ngoài, đặc biệt là Ba Lan.Được biết luật sư Lê Thị Công Nhân dự định mang tới hội thảo bản tham luận trong nói rõ luật lao động Việt Nam hiện thời không ủng hộ việc đình công, không bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và do vật cần phải được cải tổ.Luật sư Công Nhân cũng là người phát ngôn của đảng Thăng Tiến Việt Nam, thành lập hôm 8/9/2006, với mục đích thúc đẩy dân chủ, xã hội đa đảng đa nguyên ở Việt Nam.Trước ngày Hội nghị thượng đỉnh APEC khai mạc tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nguyên thủ quốc gia, phong trào đấu tranh dân chủ của các nhà đối kháng cũng tăng cường áp lực lên chính quyền trong nước.
Thêm một nhân vật tranh đấu dân chủ VN bị ngăn không cho xuất cảnh
VOA - 27/10/2006
Lại có thêm một nhân vật tranh đấu cho dân chủ Việt Nam bị giới hữu trách Hà Nội ngăn chận không cho xuất cảnh. Theo hãng tin trên mạng FNA, luật sư Lê Thị Công Nhân, phát ngôn viên đảng Thăng Tiến Việt Nam, đã bị công an ở phi trường Nội Bài chận lại hồi tối thứ Năm trong lúc bà sắp sửa đáp máy bay đi Ba Lan để tham dự một hội nghị công đoàn ở Warsawa.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho ban Việt Ngữ đài VOA, bà Nhân nói rằng bà và người trong gia đình đã được công an cảnh báo trước là họ không cho bà rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, bà vẫn ra phi trường để đáp máy bay đi Ba Lan vì bà nghĩ rằng việc bà xuất cảnh là một phần trong quyền tự do đi lại của người dân, được hiến pháp bảo đảm. Điều làm bà ngạc nhiên là công an chỉ chận bà lại sau khi mọi thủ tục xuất cảnh đã hoàn tất và chỉ còn khoảng 15 phút là máy bay cất cánh.
Vụ nữ luật sư Nhân bị cấm xuất cảnh diễn ra chỉ vài ngày sau khi một luật sư khác ở Hà Nội, là ông Nguyễn Văn Đài, bị công an ngăn không cho xuất cảnh đi Ấn Ðộ để tham dự hội nghị thường niên của Tổ chức Luật sư Cơ đốc Quốc tế.
Sau khi bị ngăn chận tại phi trường Nội Bài hôm thứ tư vừa qua, Luật sư Đài, một thành viên của Khối 8406, cho biết rằng ông quyết định không rời khỏi Việt Nam cho tới khi nào đất nước có được dân chủ thật sự.
Tường trình về chuyến đi không thành của Luật sư Lê Thị Công Nhân
2006.10.27 Nguyễn An, phóng viên đài RFA
Ngày mai và sẽ kéo dài trong ba ngày, một hội nghị về quyền lao động của công nhân Việt Nam diễn ra tại thủ đô Warsava của Ba Lan với sự tham dự của các đại biểu đến từ nhiều nước. Luật sư Lê Thị Công Nhân trên đường tham dự hội nghị đã bị chặn lại ngay trước khi bước lên máy bay.
Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này
Tải xuống để nghe
Mời quý thính giả theo dõi sự việc qua các cụôc trao đổi qua điện thoại giữa biên tập viên Nguyễn An của ban Việt ngữ và luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân.
Trước hết là cuộc trao đổi diễn ra vào lúc 10 giờ tối ngày hôm qua: “Chiếc xe đưa cô Lê Thị Công Nhân ra sân bay đây, còn khoảng 15 phút nữa thì tới. Có khoảng 10 công an theo dõi ngay từ cầu thang nhà cô Công Nhân, và đang đi theo sau, ông ạ.”
Gần một giờ sau, tại phi trường Nội bài Hà Nội: “Bây giờ đang đến cửa trình hộ chiếu.”
Khi được hỏi về diễn tiến từ sáng nay, Luật sư Đài thuật lại: “Em chỉ biết lúc em đến nhà cô ấy khoảng 8 giờ tối nay. Khi em đến thì đã thấy khoảng 10 công an đứng ở cầu thang rồi. Khi em đưa hành lý của cô ra xe ô tô, thì họ (công an) đi xe máy khoảng chừng 10 người đuổi theo sau.
Lên đến cầu Thăng Long, có sẵn một xe ô tô đứng chờ ở đó, và một số người công an lên xe ô tô này đi theo đến sân bay. Hiện nay có 8 người công an đang đứng theo dõi. Bây giờ cô Công Nhân đang trình hộ chiếu và có một sĩ quan đang đứng chờ sẵn rồi. Anh chờ khoảng 2 phút thì sẽ có kết quả.
Thường thường thì chỉ mất 1 phút để trình hộ chiếu thôi, nhưng bây giờ thì hơi lâu rồi.
Cô Công Nhân đã qua cửa an ninh rồi, còn một cửa thứ hai nữa là cửa hải quan. Chỉ khi nào bước lên máy bay thì mới biết được. Và cô Công Nhân sẽ phải chờ trong phòng cách ly khoảng chừng 1 tiếng đồng hồ.
Trước đây có những người mặc dầu đã ngồi chờ trong phòng cách ly rồi, được một lát thì bị mời ra ngoài.”
Lúc 12 giờ rưỡi đêm, tức rạng sáng hôm nay “Cô Công Nhân đến cửa máy bay thì đã bị chặn lại rồi. Bây giờ họ đưa về phòng ở trong sân bay và đang làm việc trong đó. Như vậy chắc chắn cô Công Nhân không đi được chuyến bay này.”
Và sau cùng là cuộc trao đổi với luật sư Lê Thị Công Nhân ngay sau khi cô ra khỏi phòng làm việc của công an tại phi trường:
“Tôi không gặp trở ngại gì hết cho đến khi tôi bước lên cầu thang máy bay, thì có 2 người nhân viên chặn tôi lại và đề nghị xem hộ chiếu. Tôi không đồng ý vì lúc đó giờ bay của tôi chỉ còn 10 phút thôi. Nhưng họ kiên quyết giơ tay ra chặn không cho tôi đi, và bắt tôi phải đi về phòng làm việc của họ. Tôi đã lỡ chuyến bay hoàn toàn rồi.
Khi về phòng làm việc, họ không yêu cầu tôi làm gì cả. Họ chỉ đưa tôi một biên bản. Trong đó viết tôi bị dừng xuất cảnh theo lệnh của Tổng cục An ninh Bộ Công an. Và họ bắt buộc phải tuân thủ.
Sau đó tôi đề nghị rằng tôi bị áp dụng quyết định hành chính đó thì quyết định đó phải tống nạp cho tôi. Thì họ nói không có quyết định đó, khi tôi hỏi muốn xem bản photo thì họ nói không có bản photo nào hết. Thế thì tôi nói là tôi không thể chấp nhận kiểu làm việc như vậy. Thì họ nói là họ không biết và không cần phải làm điều đó. Và tôi không có quyền yêu cầu những thứ như vậy.
Và sau đấy tôi hỏi thế thực sự có quyết định đó hay không. Thì họ bảo là không. Họ không làm phiền gì tôi, nhưng họ không trả lời được bất cứ câu hỏi nào của tôi. Họ chỉ nói là tôi không được bay và việc còn lại là tôi phải làm việc với Tổng cục An ninh. Họ không liên quan gì đến việc đó, và tôi phải tự làm những việc này.”
Vừa rồi là các cuộc trao đổi qua điện thoại giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ và hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, liên quan đến chuyến đi Ba Lan tham dự hội nghị về quyền lao động của công nhân Việt Nam của luật sư Lê Thị Công Nhân. Luật sư Nhân là phát ngôn viên của đảng Thăng Tiến Việt Nam mới thành lập hồi đầu tháng trước.
Phóng sự v/v Tổng Cục An Ninh đã chận giữ luật sư Lê Thị Công NhânNguyễn Hoàng-Thanh Tâm
Kính thưa quý vị
Vào khuya hôm qua Thứ Năm 26, rạng sáng Thứ Sáu 27/10/2006, nhà cầm quyền CSVN qua Tổng Cục An Ninh đã chận giữ không cho luật sư Lê Thị Công Nhân, phát ngôn nhân của đảng Thăng Tiến Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài.
Chúng tôi đã theo dõi sự việc và thực hiện cuộc phóng sự đặc biệt về việc này. Xin mời quý vị lắng nghe đoạn âm thanh qua các địa chỉ link sau đây:
Âm thanh tốt:http://danlentieng.net/audio/061026_ltcnhan_nhttam.mp3
hoặc âm thanh trung bình:http://danlentieng.net/audio/061026_ltcnhan_nhttam_lofi.mp3
Xin quý vị tiếp tay phổ biến thông tin này cùng thân hữu, đồng bào khắp nơi.Thân kính,Nguyễn Hoàng-Thanh Tâm
Phỏng vấn nữ luật sư Lê thị Công Nhân,
phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến
2006.09.21 Gia Minh, phóng viên đài RFA
Sau khi phong trào ủng hộ dân chủ tại Việt Nam, khối 8406, ra đời, nhiều thanh niên và trí thức trẻ đã ký tên tham gia. Nữ luật sư Lê thị Công Nhân tại Hà Nội là một trong số những bạn trẻ đó; và không chỉ tham gia Khối 8406, cô còn là phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến, một đảng mới ra đời tại Việt Nam vào đầu tháng chín này.
Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này
Tải xuống để nghe
Ngay sau khi tên tuổi của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân được công khai trong đảng Thăng Tiến, thì cô đã bị công an tại Hà Nội mời đi làm việc.
Gia Minh hỏi chuyện nữ luật sư Lê Thị Công Nhân về một số thông tin liên quan họat động ủng hộ và đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam của bản thân cô. Trước hết, nữ luật sư Lê thị Công Nhân nhận định về những cuộc làm việc với công an vừa qua:
Tinh thần những buổi gặp đó theo tôi là; tôi cho đó là cơ hội để học cách ứng xử với cơ quan an ninh vì từ trước đến nay tôi chưa có bao giờ làm việc với công an.
Gia Minh: Vì sao cô lại cho là tốt?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Vì tôi có cơ hội để nói cho họ rõ hơn về Đảng Thăng Tiến, mục tiêu và đuờng lối đấu tranh của Đảng Thăng Tiến Việt Nam.
Tinh thần này không cần cảm nhận mơ hồ, chính các công an đã chính thức nói với tôi là sau này nếu họ triệu tập nếu tôi không đi thì họ sẽ đến nhà đưa tôi đi. Mà anh biết đưa đi với còng số 8 và súng gí vào đầu thì không phải đưa đi.
Luật sư Lê thị Công Nhân
Gia Minh: Sau khi trình bày như vậy thì họ trả lời cô ra sao?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Họ vẫn nói tôi phạm điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam là lật đổ chính quyền, và Đảng Thăng Tiến phạm vào điều 4 hiến pháp.
Qua những ngày làm việc với khá nhiều cán bộ an ninh điều tra, vì một mình tôi làm việc với bốn năm người; thì tôi thấy đó là do miếng cơm manh áo nên họ phải làm thế là đương nhiên; tôi cũng cảm nhận một thiểu số nhỏ trong họ có nhận thấy tình hình hiện nay.
Gia Minh: Sau ba ngày làm việc thì họ có đưa ra quyết định giải quyết ra sao?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Họ không có giải quyết gì về tư cách của tôi hết; họ chỉ nói tôi là ngừoi liên quan đến an ninh chính trị quốc gia và bắt tôi lên làm việc.
Gia Minh: Cô có nói làm việc với công an là dịp tốt?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Đó là tôi nói trên tinh thần thiện chí và đối thọai, nhưng tất cả những sự trình bày và cố gắng của tôi sắp hết giới hạn rồi, vì trình bày một lúc cũng hết vấn đề; còn sau này là tùy vào ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam.
Gia Minh: Hai bên không thể có một điểm chung nào?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Có, nếu mà nhà cầm qyền Việt Nam hành xử theo đúng pháp luật; tức công dân có thể làm những điều gì mà nhà nước không cấm. Nếu họ làm thế thì hai bên có thể nói chuyện; nhưng họ cố tình không thực thi pháp luật. Tôi có thể khẳng định như thế vì tôi là luật sư nên tôi cũng có hiểu biết về pháp luật.
Đảng Thăng Tiến Việt Nam mới ra đời 7 ngày tuổi đời và những cuộc gặp của tôi với cơ quan an ninh mới ba ngày thôi; nên so với những sự việc từng xảy ra cho những nhà đấu tranh cho dân chủ khác thì trường hợp của tôi được đánh giá là nhẹ nhàng nhất và ít có những phiền nhiễu nhất, nên tôi chưa thể nói gì khác những điều mới nói.
Cuộc sống ở Việt Nam khó khăn, thế hệ chúng tôi sinh ra trong hòan cảnh nền độc tài được hình thành và nay còn tồn tại. Tôi thấy vào thời điểm này đấu tranh công khai là cách tốt nhất để cho thanh niên biết chúng tôi. Sự công khai này là một sự dũng cảm lắm rồi. Phương tiện truyền thông phổ biến là cách thức phổ biến đường lối của chúng tôi.
Nữ luật sư Lê thị Công Nhân
Gia Minh: Tinh thần cô chuẩn bị cho những cuộc gặp sắp đến khác thế nào?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Tinh thần này không cần cảm nhận mơ hồ, chính các công an đã chính thức nói với tôi là sau này nếu họ triệu tập nếu tôi không đi thì họ sẽ đến nhà đưa tôi đi. Mà anh biết đưa đi với còng số 8 và súng gí vào đầu thì không phải đưa đi.
Họ đã vẽ ra cho tôi viễn cảnh nhà tù với 300 người với 2 toilét, ví dụ vậy. Tôi nghĩ tinh thần đó thì không phải cảm nhận nữa, mà tương lai sẽ rất căng thẳng.
Gia Minh: Cô đón nhận những điều đó ra sao?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Tôi đón nhận với tất cả những hiểu biết và những khả năng chủân bị tốt nhất có thể; nhưng nếu những điều đó xảy ra thì tôi kịch liệt lên án, phản đối đến tận cùng.
Tôi nay là đảng viên của Đảng Thăng Tiến nên họat động của tôi công khai hơn những người đấu tranh trong phong trào khác. Công an luôn theo dõi tôi và họ dọa sẽ cắt e-mail và Internet của tôi. Tôi biết có những người theo dõi, gương mặt của họ xa lạ trong khu dân cư của tôi.
Gia Minh: Cơ duyên nào đưa cô đến với Đảng Thăng Tiến, vì trụ sở của Đảng ở Huế?
Luật sư Lê Thị Công Nhân: Tôi tham gia ký tên vào Tuyên Ngôn dân chủ tự do ngày 8 tháng 4 năm 2006. Khi ghi tên thì ghi rõ địa chỉ e-mail, số điện thọai, sau đó tôi nhận được hồi âm từ khối 8406.
Sau đó là quá trình giao dịch qua e-mail và tôi biết Đảng Thăng Tiến sắp thành lập; tôi thấy phù hợp với lý tưởng của tôi là đấu tranh bất bạo động cho một nền dân chủ, đa nguyên tại Việt Nam. Đó là tóm tắt quá trình tôi tham gia Đảng Thăng Tiến.
Cuộc sống ở Việt Nam khó khăn, thế hệ chúng tôi sinh ra trong hòan cảnh nền độc tài được hình thành và nay còn tồn tại. Tôi thấy vào thời điểm này đấu tranh công khai là cách tốt nhất để cho thanh niên biết chúng tôi. Sự công khai này là một sự dũng cảm lắm rồi. Phương tiện truyền thông phổ biến là cách thức phổ biến đường lối của chúng tôi.
Đấu tranh công khai thì sẽ thu hút được sự chú ý của cả người không quan tâm.
Gia Minh: Xin cám ơn Luật sư.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire