Tại sao không cho tranh cử?
Tuesday, May 08, 2007
Ngô Nhân Dụng
Bài “Ðảng cử, không cần tranh cử” đăng trong mục này cuối tuần trước. Sau đó một độc giả góp ý, hỏi rằng ở các nước tự do các ứng cử viên cũng đều do các đảng chính trị cử ra, rồi được dân chúng bầu, đâu có khác gì ở Việt Nam? Tại sao lại chê trách chế độ cộng sản là “Ðảng cử, dân bầu?”
Người viết quả có lối hài hước độc đáo. Ở bên Pháp, hai ứng cử viên tổng thống vào chung kết tuần trước là đại diện của hai chính đảng. Ở Mỹ các ứng cử viên Quốc Hội năm ngoái thường cũng thuộc hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Té ra ở đâu cũng có cảnh “Ðảng cử, dân bầu” hết!
Vậy thì tại sao ở Việt Nam người dân lại than phiền cảnh “Ðảng cử, dân bầu?”
Lý do dân phải than phiền, ai cũng thấy là ở Việt Nam nó khác các nước. Bên Pháp, bên Mỹ có rất nhiều đảng, trong khi ở nước ta chỉ có một. Ở các nước khác, người dân có quyền tự do lập đảng, đảng nào cũng có quyền cử người ra tranh làm đại biểu Quốc Hội, và những người không đảng phái cũng có quyền tranh cử. Trong một đảng nếu hai người không đồng ý họ có thể cùng tranh cử một chức vụ. Ở Việt Nam thì ai muốn tranh cử phải được MỘT ÐẢNG DUY NHẤT chấp nhận, giao cho Mặt Trận Tổ Quốc của họ giới thiệu. Ngay cả các đảng viên cộng sản, nếu không được cấp trên cho phép mà vẫn nộp đơn ứng cử, rồi cũng phải rút lui. Cuối cùng, các cử tri chỉ được chọn trong danh sách do đảng Cộng Sản đưa ra! Chẳng khác gì một hãng xe hơi quảng cáo: Quý vị mua xe có thể lựa chọn bất cứ màu xe nào mình thích, miễn chọn màu đen là được!
Chính vì thế mà người dân, và ngay cả các đảng viên cộng sản, mới than là bầu cử ở Việt Nam là “Ðảng cử, dân bầu.” Ðảng Cộng Sản xếp đặt ai vào Quốc Hội, ai ở, ai đi, cũng giống như xưa kia họ xếp đặt cho các cửa hàng quốc doanh bày bán những thứ gì. Ðó là những chức vụ được phân phối theo tiêu chuẩn trung thành với đảng. Vậy cái “quốc hội phân phối” đó đại diện cho ai?
Theo bản hiến pháp mà đảng Cộng Sản Việt Nam đang dùng, họ viết rằng Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước. Nghe to lắm. Trong thực tế, các đại biểu Quốc Hội do đảng chọn chỉ là những cán bộ bỏ phiếu. Quyền lực cao nhất của quốc hội là “gật đầu” theo chỉ thị của đảng. Khi nào dân Việt Nam chưa có quyền tự do lập đảng, các đảng chính trị chưa được tự do hoạt động, người dân chưa được tự do ứng cử, thì các cuộc bầu cử vẫn chỉ là một trò hề. Ngay các đảng viên cộng sản cũng thấy xấu hổ trước trò hề đó. Vì vậy, trong tuần qua ông Nguyễn Văn Yểu, phó chủ tịch Quốc Hội, đã “đối thoại trực tuyến” trên mạng lưới điện tử của đảng Cộng Sản, để giải thích và răn đe. Trước hết, ông Yểu giải thích hiến pháp theo lối của đảng.
Trong bài “đối thoại” có câu hỏi, “Thực tế hiện nay Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất hay là Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng (là cơ quan quyền lực cao nhất)?”
Chúng ta phải đọc lời giải thích của ông Nguyễn Văn Yểu, có thể thấy rất hài hước. Ông ấy nói rằng, “Quốc Hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Ðảng Cộng Sản Việt Nam, với đại diện cao nhất là Ban Chấp Hành Trung Ương, Bộ Chính Trị, theo điều 4 hiến pháp năm 1992 là lãnh đạo nhà nước và xã hội.”
Quý vị độc giả có hiểu ông Nguyễn Văn Yểu nói gì không? Ðồng bào ở Việt Nam đọc rồi có hiểu ông ấy nói cái gì không? Quý vị đảng viên Cộng Sản có hiểu ý kiến ông ấy thế nào không?
Câu hỏi đặt ra rất rõ ràng: “Giữa Quốc Hội và Bộ Chính Trị, bên nào là cơ quan quyền lực cao nhất?” Ông Nguyễn Văn Yểu không trả lời trực tiếp câu hỏi đó mà lại nói vòng vo. Phải nói vòng vo, vì hiến pháp viết rằng Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Trong hiến pháp không nói gì đến quyền lực của Trung Ương Ðảng và Bộ Chính Trị. Hai cơ quan đó không hề có mặt. Nhưng trong thực tế, Bộ Chính Trị nắm đầu tất cả nhà nước và Quốc Hội. Vậy cái nào có quyền lực cao nhất?
Câu trả lời của ông Nguyễn Văn Yểu tách riêng hai lãnh vực, nhân dân và đảng. Quốc Hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đó là một vế. Vế thứ hai, Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng là đại diện cao nhất của Ðảng. Ông Yểu đã dứt khoát, không chút ngần ngại tách riêng hai thực thể đó, nhân dân và Ðảng, như hai lãnh vực tách biệt, đối lập với nhau.
Nhưng, trong câu hỏi người ta nhấn mạnh đến những chữ “quyền lực cao nhất.” Hỏi: Bên nào có quyền lực cao nhất? Ông Nguyễn Văn Yểu lờ tịt đi không trả lời. Nhưng ông xác định rằng Ðảng lãnh đạo cả nhà nước và xã hội. Không những nắm đầu nhà nước, mà con nắm đầu cả xã hội nữa, cả hai thứ, nói đầy đủ không bỏ sót. Và như vậy, thằng dân nếu đủ thông minh thì biết khôn hồn suy ra rằng Ðảng ở trên, nhân dân ở dưới. Cho nên Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng ở trên, Quốc Hội ở dưới.
Nhưng tại sao không nói thẳng một câu như vậy cho dễ hiểu, mà lại nói vòng vo Tam Quốc Chí làm gì? Ðiều này cũng dễ hiểu. Không nói kiểu lòng thòng như vậy thì đâu phải là Việt Cộng!
Sau khi đã xác định danh phận Ðảng ở trên Quốc Hội rồi, ông Nguyễn Văn Yểu chắc vẫn lo khi về nhà còn bị vợ con thắc mắc hỏi, rằng ông là phó chủ tịch của Quốc Hội, là cái cơ quan quyền lực cao nhất nước, mà sao ông vẫn cứ chịu khúm núm cúi đầu trước người ta như vậy. Thế cái Quốc Hội của ông nó làm cái việc gì, ngoài chuyện gật?
Cho nên, trong đoạn sau ông Nguyễn Văn Yểu lại nói thêm mấy câu nữa. Ông nói: “Trong hệ thống nhà nước, Quốc Hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân sẽ thực hiện ba chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát tối cao, và quyết định những vấn đề quan trọng nhất.” Ðể cho lời nói của ông Yểu được sáng tỏ, chúng tôi xin giúp ông nhắc lại để nhấn mạnh lần nữa những chữ này: “Quốc Hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân,” “giám sát tối cao,” và “quyết định những vấn đề quan trọng nhất.” Nghe kinh khủng như vậy đó.
Nhưng nếu đọc kỹ những lời lẽ, sẽ vỡ mộng. Ông Yểu nói Quốc Hội là “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân” nhưng vì ở trên đã xác định nhân dân nằm dưới, đảng ngồi trên, cho nên cái cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân cũng nằm dưới đảng nốt! Dù “giám sát tối cao,” hay “quyết định những vấn đề quan trọng nhất” thì cũng vẫn nằm trong cái rọ ở bên dưới mà thôi.
Câu trả lời đã mở đầu: “Trong hệ thống nhà nước, Quốc Hội với tư cách...” Nhấn mạnh: Quốc Hội vẫn chỉ là một bộ phận trong hệ thống nhà nước. Mà đảng thì tự nhận đóng vai “lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Cho nên Quốc Hội muốn làm gì thì làm, giống như một đàn cua trong rọ, dù cựa quậy đến đâu cũng vẫn bò quanh quẩn trong cái giỏ, cho Ðảng lãnh đạo. Muốn chấm dứt tình trạng mâu thuẫn giữa hiến pháp và thực tế thì chỉ có cách là bỏ cái điều 4 trong hiến pháp đi.
Vài tuần nữa đồng bào ta ở trong nước phải đi bỏ phiếu, họ dư biết cái Quốc Hội bầu lên sẽ chỉ là những con cua nằm trong rọ mà thôi. Nhiều người đã nhìn thấy cảnh đáng xấu hổ đó, lên tiếng kêu gọi tẩy chay bầu cử, cho đỡ nhục. Họ đã bị bắt, bị giam và còn bị ra tòa xử về tội không chịu nằm yên cho đảng lãnh đạo! Những người được đảng phát cho chức “ứng cử viên” thì cũng bị hạn chế, không được phép tranh cử.
Chúng ta phải tự hỏi tại sao đảng Cộng Sản Việt Nam không cho tranh cử. Họ có thể bắt chước nhiều chế độ độc tài khác, cho các tay sai ra sân khấu đóng trò tranh cử gay go, hào hứng, tại sao lại cấm? Khi tất cả các ứng cử viên đều do đảng sàng sảy, lựa chọn kỹ rồi, cứ cho họ cãi nhau công khai để dân được dịp giải trí mua vui, có sao đâu? Cho họ nói bậy nói bạ trong mấy tháng, những nỗi bực bội, uất ức của dân chúng lâu lâu có dịp được xì hơi, cũng tốt chứ? Mà dù dân có bỏ phiếu cách nào, trước sau đảng vẫn nắm đa số trong Quốc Hội, dù có để cho một thiểu số đối lập cuội cũng đâu có mất gì? Tại sao đảng Cộng Sản lại thận trọng quá đáng như vậy?
Chỉ có thể tạm giải thích như thế này: Ðảng Cộng Sản đang sống trong tâm trạng lo sợ. Họ sợ thật chứ không phải chơi. Họ biết dân Việt Nam không có ngu. Dân đã chán cái trò dân chủ giả hiệu lắm rồi. Những người lên tiếng chống trò hề bầu cử mạnh mẽ nhất chính là những người trẻ tuổi đã lớn lên trong chế độ cộng sản. Sống trong giả dối mãi họ biết hổ thẹn, cho nên đòi thực hiện tự do dân chủ thực sự. Nhiều người dân khác cũng muốn như vậy, chỉ đợi cơ hội là lên tiếng. Ðảng Cộng Sản phải đóng chặt các cánh cửa trước khi cơn nước lũ đó trào ra.
Tuần trước, ông Nguyễn Văn Yểu nói Việt Nam không có chế độ tranh cử, ông bảo, “Hiện nay là giai đoạn tuyên truyền, giới thiệu về các ứng cử viên.” Chỉ có “tuyên truyền, giới thiệu” thôi. Việc tuyên truyền đã có đảng lo liệu hết rồi, ứng cử viên không cần ra trước mặt người dân mà tranh cử. Ðảng Cộng Sản sợ người dân sẽ nhân cơ hội có những cuộc tranh cử mà đứng ra chất vấn các ứng cử viên, gián tiếp chất vấn cả cái quyền ngồi trên đầu trên cổ dân của đảng. Ðảng sợ không kiểm soát nổi tất cả các ứng cử viên. Dù người nào cũng là do đảng cử nhưng biết đâu có người bỗng cảm thấy xấu hổ mà lại hứa với dân rằng mình sẽ không chịu gật đầu theo lệnh đảng, thì sao? Sẽ không có nhiều người can đảm như vậy đâu, nhưng Ðảng vốn tính cẩn thận, cứ ngăn chặn trước vẫn hơn!
Chính vì mối lo xa đó cho nên đảng Cộng Sản Việt Nam mới phải dùng mạng lưới điện tử mà phóng ra bài “đối thoại trực tuyến” cho ông Nguyễn Văn Yểu nói. Ông Nguyễn Văn Yểu có trách nhiệm xác định hai điều, trước ngày dân bỏ phiếu:
Thứ nhất, đảng vẫn đứng trên đầu trên cổ nhân dân. Nhiệm vụ của Quốc Hội chỉ là gật mà thôi, đừng tưởng bở.
Thứ hai, đảng sẽ lo tuyên truyền, giới thiệu các ứng cử viên, các cậu phải biết phận, không được bày trò tranh cử.
Ðảng Cộng Sản phải xác định hai điều đó, cho dân nghe mà giữ nguyên tính sợ hãi cố hữu được đảng rèn luyện nửa thế kỷ nay. Chính vì Ðảng cũng đang sợ. Những người cưỡi trên cổ người khác mãi cũng có khi sợ té nếu cái thằng bên dưới nó cảm thấy nhục quá, nó đòi được quyền lắc đầu!
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire