1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mercredi 16 mai 2007

Ðối thoại với ai?

Ðối thoại với ai?
Ngô Nhân Dụng

“Ðiều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng.” Ðó là lời ông Võ Văn Kiệt mới nói nhân dịp nhớ lại ngày 30 Tháng Tư.

Nghe bài phỏng vấn ông trên đài BBC thì mọi người hiểu rằng ông Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng, đề nghị phải có đối thoại giữa những người cộng sản như ông và những người quốc gia chống cộng, đặc biệt là đồng bào tị nạn cộng sản ở nước ngoài. Nhưng đặt vấn đề như vậy là nhắm sai trọng điểm. Có những cuộc đối thoại khác quan trọng hơn và có hiệu quả hơn. Một là Ðảng Cộng Sản Việt Nam nên cho nhân dân Việt Nam được phép “đối thoại một cách sòng phẳng” với đảng. Hai là, nếu những người lãnh đạo Ðảng Cộng Sản không chịu làm như vậy thì các đảng viên như ông Võ Văn Kiệt nên buộc họ phải cho ông được đối thoại với họ. Ðó là những cuộc đối thoại cần thiết nhất bây giờ. Việc ông Võ Văn Kiệt muốn đối thoại với những người quốc gia chống cộng là một thiện chí đáng khen ngợi, nhưng nếu đặt vấn đề đó ra trong những năm 1972, 74 thì tốt, còn bây giờ 32 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, chuyện đó không cần thiết nữa.

Tại sao không còn cần thiết nữa? Vì cuộc tranh chấp “quốc cộng” đã diễn ra từ thập kỷ 1930 đến năm 1975 coi như đã chấm dứt. Những người quốc gia bị thua, phe quốc tế đã thắng. Bây giờ những “chiến sĩ quốc gia” thời 1975 nếu còn sống thì cũng đã trên 50, 60 tuổi rồi. Ðại đa số những người đó sống ở trong nước Việt Nam chứ không phải ở nước ngoài. Dù có một triệu người đã vượt biển tìm tự do chịu sống ở nước ngoài, nhưng hồi 1975 còn bao nhiêu triệu người “quốc gia” khác ở lại, họ đâu có chạy hết? Họ ở lại, họ chấp nhận phải sống dưới một chế độ mà họ không thích, không thích vẫn phải chịu.

Những người quốc gia này, 32 năm sau, họ có gì khác biệt so với những người dân khác trong hơn 80 triệu đồng bào hay không? Không có gì khác cả. Họ chấp nhận muốn sống phải lấy chứng minh thư, khai hộ khẩu, làm gì thì xin phép, khai báo với công an, muốn sống thì phải theo luật lệ của nhà nước cộng sản, hoặc lệnh của các cán bộ giải thích luật lệ tùy tiện. Họ là những người dân Việt bình thường, chịu chung số phận của đất nước.

Nếu có những điều mà họ vẫn không đồng ý với Ðảng Cộng Sản, thì đại đa số những người dân Việt Nam cũng bất đồng ý kiến như vậy. Ai cũng muốn kinh tế phát triển. Nhưng muốn phát triển kinh tế và xã hội công bằng thì phải thay đổi chính trị để bài trừ tham nhũng, lạm quyền. Ðại đa số người dân muốn được tự do, được làm ăn tự do, được đi lại tự do, được nói năng, hội họp tự do, không nơm nớp sợ công an. Và mọi người dân Việt Nam đều mong muốn được tự do bỏ phiếu bầu những đại biểu của mình để kiểm soát người cầm quyền, từ thôn xã lên tới trung ương, dù những người cầm quyền theo Ðảng Cộng Sản hay bất cứ một đảng phái nào. Những người “quốc gia cũ” đó có suy nghĩ gì khác những người dân Việt bình thường đâu?

Vậy nếu đảng Cộng Sản Việt Nam có cần đối thoại, thì không cần đối thoại với “phe quốc gia chống cộng” nữa. Trước hết, đảng Cộng Sản hãy đối thoại với nhân dân Việt Nam, tự nhiên trong đó cũng có những “người quốc gia” cũ.

Cho nên tôi xin mạn phép nói rằng ông Võ Văn Kiệt đã đặt nhầm vấn đề. Nhu cầu đối thoại khẩn thiết bây giờ là cuộc đối thoại giữa Ðảng Cộng Sản và tất cả nhân dân Việt Nam.

Bây giờ còn nói đến việc đối thoại giữa những người cộng sản và những người chống cộng tức là nói chuyện cũ, dùng thời giờ như vậy không có ích lợi. Cuộc tranh chấp quốc cộng bắt đầu từ khi ông Hồ Chí Minh giành lấy quyền lãnh đạo và giết các thủ lãnh đảng phái, tôn giáo không cộng sản từ năm 1945. Khi Trương Tử Anh, Lý Ðông A, Huỳnh Phú Sổ, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Khái Hưng... bị Ðệ Tam sát hại, cuộc tranh chấp quốc cộng đã trở thành một mất một còn. Hồ Chí Minh đẩy tất cả những người có ý thức chính trị quốc gia sang phía đối nghịch, và nhiều người đã phải hợp tác với người Pháp. Vì họ biết thế nào cũng có ngày người Việt Nam sẽ đuổi được quân Pháp đi, còn nếu để cộng sản độc quyền thống trị thì cả dân tộc sẽ trở thành đạo quân tiền phong của Ðệ Tam Quốc Tế trong cuộc chiến tranh thế giới giữa tư bản với cộng sản, rồi không biết bao giờ nước ta mới thoát được chế độ độc tài chuyên chính vô sản. Mà mối lo đó bây giờ thấy là đúng. Cuối cùng năm 1975 ở Việt Nam, phe quốc gia thua, phe cộng sản quốc tế thắng. Sau năm 1989 bàn cờ quay ngược lại, phe cộng sản đang đổi mới để tự cải tạo trở thành tư bản. Và bây giờ ở nước ta chỉ có một chính quyền độc tài đảng trị, bên dưới là hơn 80 triệu người dân bị trị. Nếu quý vị đảng viên cộng sản muốn đối thoại, trước hết hãy đối thoại với nhân dân Việt Nam đi.

Còn người Việt tị nạn cộng sản sống ở nước ngoài thì sao? Tất cả những gì họ không đồng ý với đảng Cộng Sản họ đều đã nói rõ ràng hết từ lâu rồi, nhưng phía đảng Cộng Sản không ai chịu lắng nghe hết. Họ không đồng ý việc một đảng chính trị độc quyền nắm quyền trên tất cả nhân dân, dù đảng đó theo chủ nghĩa Cộng Sản hay không cũng vậy. Cho nên người tị nạn nhất thiết yêu cầu bãi bỏ điều 4 trong hiến pháp quý vị đang sử dụng. Nếu điều đó không thực hiện được thì không có chuyện gì khác có thể đối thoại được. Vì tất cả những yêu cầu khác, như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do bầu cử và ứng cử, đều sẽ bị đảng Cộng Sản gạt bỏ lấy cớ rằng chỉ riêng họ có quyền lãnh đạo mà thôi.

Nhưng không phải chỉ có những người tị nạn ở nước ngoài mới yêu cầu đảng Cộng Sản rút bỏ độc quyền cai trị nước Việt Nam. Bao nhiêu người dân Việt ở trong nước cũng nghĩ như vậy. Có những người lên tiếng công khai, có hàng triệu người khác chỉ dám nói khi ngồi nói chuyện với nhau trên vỉa hè Hà Nội, Sài Gòn, Ðà Nẵng. Họ cũng đều muốn nước Việt Nam là của chung dân Việt Nam, không thể là vật sở hữu độc quyền cho một đảng nào cả. Người Việt tị nạn cũng chỉ bất đồng ý kiến với đảng Cộng Sản ở điểm căn bản đó mà thôi, còn lại là tiểu tiết. Không một “người quốc gia” nào đang tị nạn ở nước ngoài mà lại nghĩ chuyện lật đổ đảng Cộng Sản để chính họ lên nắm quyền cai trị ở Việt Nam. Họ luống tuổi hết cả để nghĩ đến những chuyện như thế. Nếu có tự do để được về nước phục vụ, người ta cũng chỉ mong được góp trí tuệ, khả năng vào việc xây dựng quê hương chứ không ai muốn tranh bá đồ vương làm gì cả. Có những người lập đảng, họ cũng chỉ muốn tranh đấu cho người dân Việt ở trong nước được làm chủ thân phận của mình mà thôi. Khi những nước Tiệp Khắc, Ba Lan thoát khỏi nạn cộng sản, có người Tiệp, người Ba Lan nào ở nước ngoài về đòi cầm quyền cai trị đâu? Người dân trong nước họ đủ trí khôn, đủ hiểu biết, và lại giầu kinh nghiệm hơn nhiều.

Cho nên, nếu cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt thấy chuyện đối thoại là cần thiết thì ông nên yêu cầu đảng Cộng Sản hãy đối thoại ngay với những đồng bào trong nước đang yêu cầu được sống tự do dân chủ. Hãy đối thoại với Luật Sư Nguyễn Văn Ðài hay những người đang đòi dân chủ tự do như ông ta. Không cần phải mất công đối thoại với những cựu tù nhân mà quý vị đã nhốt trong trại cải tạo làm gì. Những người đó cũng không cần phải oán hận các vị quản giáo cũ đâu, có khi còn thương xót nữa. Họ chỉ mang những thao thức, những ước vọng cho đồng bào trong nước được sống tự do như người dân miền Nam Việt Nam vẫn tranh đấu đòi quyền sống trước năm 1975. Nhưng họ biết rằng khi còn một Ðảng Cộng Sản độc quyền cai trị thì những ước mong đó không bao giờ thực hiện được.

Nếu Ðảng Cộng Sản đối thoại được với ông Nguyễn Văn Ðài, bà Lê Thị Công Nhân, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế, Bác sĩ Lê Nguyên Sang, Nhà Thơ Bùi Minh Quốc, v.vv..; nếu Ðảng Cộng Sản chịu lắng nghe các ý kiến của những người đòi dân chủ, chịu thực hiện các ý kiến đó, thì ngay cả các cựu tù nhân cải tạo cũng thấy các ước vọng của họ được thỏa mãn gần đầy đủ. Vì những người yêu nước và tin tưởng ở chế độ dân chủ tự do thì dù ở trong nước hay ở ngoài cũng suy nghĩ giống nhau. Họ chỉ muốn đòi cho đồng bào trong nước được hưởng các quyền tự do dân chủ xứng đáng phẩm giá con người.

Ông Võ Văn Kiệt đã nói những lời rất cảm động. Ông nói rằng, “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng người Cộng Sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả.” Chúng tôi tin rằng ông rất chân thành khi nói những lời quý báu đó. Quan niệm như vậy, người ta gọi là đa nguyên. Nhưng hiện nay Ðảng Cộng Sản có chia sẻ quan niệm này hay không? Chắc chắn là không. Nhìn vào hành động của họ thì thấy. Họ coi nước Việt Nam là lãnh địa mà họ nắm độc quyền thống trị. Trong câu ông Kiệt nói “Việt Nam là của mình,” chữ “mình” họ hiểu nghĩa là “Ðảng ta” chứ không phải bất cứ người Việt Nam nào cả. Ngay trong việc đang chọn người cho vào ngồi trong quốc hội, Ðảng Cộng Sản vẫn nắm độc quyền phân phối những cái ghế đại biểu, giống như hồi xưa họ phân phối tem phiếu, gạo, muối. Hãy coi mấy phiên tòa mà họ mới đem các chiến sĩ dân chủ tự do ra xử. Hễ ai nói ý kiến khác với Ðảng, là họ vu cho tội “chống lại tổ quốc.” Họ coi tổ quốc là một thứ gia tài mà họ được độc chiếm. Ai không đồng ý với Ðảng Cộng Sản tức là chống đảng, chống nhà nước, và họ gán cho tội chống lại Tổ Quốc Việt Nam! Họ coi tổ quốc là của riêng!

Ông Võ Văn Kiệt có đồng ý với đường lối độc quyền yêu nước như vậy hay không? Nếu ông không đồng ý thì ông phải mở ngay một cuộc đối thoại với các người lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Cuộc đối thoại đó cần thiết lắm, cần thiết hơn cả việc đối thoại với người dân ở ngoài đảng nữa. Ông nên mời Bộ Chính Trị với Trung Ương Ðảng đối thoại với ông, theo tinh thần “nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng” mà ông đã nói.

Chúng tôi viết những lời trên vì tin tưởng ông Võ Văn Kiệt đã nói với tấm lòng chân thành. Chúng ta nên “đối thoại sòng phẳng.” Trước hết, những lãnh tụ và đảng viên có ý kiến giống ông Võ Văn Kiệt cần đối thoại với những người vẫn coi nước Việt Nam là của triêng Ðảng Cộng Sản. Sau đó, Ðảng Cộng Sản hãy đối thoại sòng phẳng với những ông Nguyễn Văn Ðài, Nguyễn Xuân Tụ, Lê Quốc Quân, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Ðan Quế, Nguyễn Thanh Giang, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, v.vv.. Ðó là những cuộc đối thoại cần thiết và phải làm ngay tức khắc.

Ngô Nhân Dụng (@nguoivietonline)

- Chỉ có một con đường : thư gởi ông VV Kiệt
- Toàn bộ phỏng vấn với cựu TT Võ văn Kiệt

- Về VVK: Vài lời của người đọc và nghe

- Trần Bình Nam: Nhận diện sách lược đấu tranh (Xem Tiếp...)
NHẬN XÉT VỀ BÀI“VẬN HỘI LỚN CỦA DÂN TỘC, CƠ HỘI LỚN ĐẢNG TỰ ĐỔI MỚI MÌNH”Phỏng vấn Võ văn Kiệt đăng trong TẠP CHÍ CỘNG SẢN số tháng 2/07

Aucun commentaire: