1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mardi 8 mai 2007

Thả Nguyễn Văn Đài, bắt Võ Văn Kiệt?

Thả Nguyễn Văn Đài, bắt Võ Văn Kiệt?

Lê Minh Nguyên


Ngày 11/5/2007 tới đây chính quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) sẽ đem hai luật sư (LS) Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân ra xử, hiện họ còn giam giữ chưa xét xử bốn luật sư khác nữa, đó là LS Bùi Kim Thành, LS Lê Quốc Quân, LS Nguyễn Bắc Truyển và LS Nguyễn Thị Thùy Trang. Riêng LS Bùi Kim Thành, họ cho vào nhà thương điên Biên Hòa, chích liên tục 20 mùi thuốc lạ trong 4 ngày đầu, mặc dù các bác sĩ ở bệnh viện tâm thần Chợ Quán chứng nhận bà bình thường.

Hai LS Đài và Công Nhân bị truy tố vi phạm Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong hai khỏan “(1a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;” và “(1c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Ngày 6/3/2207 Công An CSVN bắt hai LS Đài và Công Nhân và ngay sau đó là một chiến dịch đấu tố rầm rộ 2 luật sư này trên hầu hết các cơ quan truyền thông báo chí của họ, báo giấy cũng như báo điện tử, như báo Nhân Dân, Công An Nhân Dân, An Ninh Thế Giới, VNExpress v.v.. tố cáo hai LS này “tổ chức tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp lực lượng chống đối (dưới hình thức mở lớp đào tạo về dân chủ, nhân quyền, hỗ trợ tiền cho những người dân khiếu kiện)”.

Họ tố cáo Đài “là con bài để thực hiện dân chủ ở Việt Nam” và “làm ngọn cờ tập hợp lực lượng cái gọi là dân chủ.”

Họ tố cáo Công Nhân “tham gia ký tên ủng hộ Tuyên ngôn tự do, dân chủ cho Việt Nam 2006 và tham gia khối 8406”, “trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài, tuyên truyền xuyên tạc sự thật trên mạng, kích động tư tưởng đa nguyên theo kiểu phương Tây”, “soạn thảo nhiều bài giảng về dân chủ, nhân quyền với ý đồ tạo ra một lớp người có tư tưởng chống phá Đảng, Nhà nước đòi đa nguyên đa đảng.”

Nói chung, những bài đấu tố liên tục và rầm rộ này của hệ thống loa tuyên truyền cho chế độ nhằm mục đích kết tội hai LS này, trước khi tòa án xét xử, cho những họat động ôn hòa nhằm xiển dương tự do dân chủ và đa nguyên đa đảng. Việc làm này của các cơ quan truyền thông báo chí CS đã vi phạm trầm trọng Điều 72 Hiến Pháp và Điều 9 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự của họ nói rằng "Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.” Nó cũng vi phạm Điều 7 Bộ Luật TTHS quy định việc bảo hộ danh dự, nhân phẩm của người bị truy tố.

Bây giờ, ta thử so sánh những lời nói và hành động của hai vị LS này với những gì mà các đảng viên cao cấp của đảng CSVN đã viết và nói trên các cơ quan truyền thông báo chí của họ và của Tây Phương.

Ông giáo sư Trần Đình Bút, phó chủ tịch Hội khoa học Kinh tế và quản lý TP.HCM, cố vấn cho cựu thủ tướng Phan Văn Khải, trong một bài báo đăng trên tờ Pháp Luật ngày 17/3/2006, nói cần thay đổi điều Bốn Hiến pháp Việt Nam quy định Ðảng CSVN "là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội."

Ông Trần Quốc Thuận, phó chủ tịch văn phòng Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội, trả lời phỏng vấn trên đài Á Châu Tự Do ngày 24 và 25/5/2006 cho rằng cán bộ nói dối thành thói quen hàng ngày, tham nhũng là vấn đề cơ chế, "Cơ chế hiện nay đang tạo kẽ hở cho tham nhũng, vơ vét tiền của của Nhà nước. Không tham nhũng mới là lạ!”, "Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức.” Trả lời báo Thanh Niên, ông cho rằng Quốc hội phải thực sự đại diện cho nhân dân, vì quyền lợi nhân dân, nhưng trong thực tế các đại biểu QH đều biết rằng số phận của họ không gắn với sự tín nhiệm của cử tri, nó gắn với tín nhiệm của Đảng. Ông kêu gọi "Phải mở rộng quyền tự do ứng cử, bầu cử, tranh cử. Phải để cho Quốc hội có thực quyền.”

Các đại biểu khác trong Quốc hội CSVN như các ông Đổ Trọng Ngoan, Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Hiếu và những chuyên viên của chế độ như TS Lê Đăng Doanh, TS Phan Đình Diệu, cụ Trần Văn Hà v.v.. cũng đều có những tiếng nói xiển dương dân chủ tương tự.

Gần đây nhất là ông Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng của họ. Chính ông Kiệt là người yêu cầu đài BBC để xin được phỏng vấn và phóng viên Xuân Hồng đã thực hiện ngày 17/4/2007. Trong cuộc phỏng vấn này ông cho biết ông ủng hộ mạnh chuyện để các ứng viên tự ứng cử và muốn người dân được "tự do lựa chọn," ông chỉ trích cái khẩu hiệu “Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa” của đảng CSVN “cách nhìn méo mó từ phía một số người cộng sản rằng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội là đúng, còn những người yêu nước khác mà không yêu chủ nghĩa xã hội thì không yêu nước đủ như mình".

Ông nói "Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào". Ngòai ra, trước Đại Hội 10 của đảng CSVN ông đã viết nhiều lá thư đến Hội Nghi Trung Ương vào tháng 1/2006, tháng 4/2006, tháng 7/2006 kêu gọi dân chủ trong nội bộ đảng. Nói chung, những gì ông Kiệt và các đồng chí nêu trên của ông viết và nói, tính đến tháng 4/2007 thì không có gì khác LS Đài và Công Nhân, có nội dung xiển dương dân chủ và đa nguyên đa đảng.

Như vậy thì công lý của chế độ đang nằm ở đâu? Chế độ này có chính đáng tính để cai trị đất nước hay không ? Hiến Pháp của chế độ bắt nguồn từ HP 1946 và qua các kỳ tu chính cho đến HP 1992 có tính chính đáng hay không ? Hay là nó đã bị hà tì vì thiếu vắng ý chí của tòan dân? Cũng như nó đã từng bị hà tì vì không tuân thủ các thủ tục tu chính hiến pháp?

Ngòai sự thiếu chính đáng tính của chế độ và hiến pháp, một điều rõ ràng nữa là luật pháp của chế độ có quá nhiều điều khỏan vi hiến. Điển hình là Điều 53 HP nói rằng “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.” Điều 69, 70 HP đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, tự do tín ngưỡng, và Điều 146 HP nói rằng “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.” Như vậy Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự cấm đóan sự tham gia thảo luận rõ ràng là vi hiến.

Dưới Hiến Pháp là Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (TTHS) và Bộ Luật Hình Sự (LHS). Xét theo Luật TTHS Điều 5 “Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật.” thì hai LS Đài và Công Nhân không được hưởng quyền này vì chế độ không cho họ có quyền bình đẳng với công dân Võ Văn Kiệt và các công dân có đảng tịch của đảng CSVN. Điều 58 TTHS quy định là luật sư được tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ, trong thực tế thì chính quyền CSVN đã vi phạm điều này, không cho luật sư của bị can tham gia ngay từ đầu. Điều 107 TTHS quy định không được khởi tố vụ án hình sự khi “(1) không có sự việc phạm tội;” “(2) hành vi không cấu thành tội phạm;” và Điều 108(1) qui định rằng chỉ cần hội đủ một điều vừa nói thôi thì cũng phải hủy bỏ quyết định khởi tố. Các hành vi của LS Đài và Công Nhân không khác gì các hành vi của ông Kiệt và các đảng viên CS đã nói ở trên, cho nên nếu nó cấu thành tội phạm thì Công An cần phải bắt ông Kiệt và những đảng viên có cùng quan điểm như ông.

Điều 182(1) Luật TTHS qui định về “việc giao các quyết định của Tòa án”cần “phải được giao cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ và người bào chữa, chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa.” Trong khi đó, theo RFA, ngày 2/5/2007 chị Vũ Minh Khánh, vợ của LS Đài, đến Tòa án Nhân dân Hà Nội gặp ông Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, người phụ trách hồ sơ thụ lý vụ án, thì ông Chính cho biết là chị sẽ không được nhận giấy mời để đến tham dự phiên tòa và chỉ khi nào phiên tòa diễn ra, chị đến Tòa nói là vợ anh Đài thì nhân viên bảo vệ sẽ cho vào, chứ họ không có giấy mời nào cho chị cả. Lại một lần nữa thủ tục tố tụng đã bị vi phạm, mà theo nguyên tắc của luật pháp, khi thủ tục bị vi phạm thì vụ án phải bị hủy bỏ hay phiên xử phải được đình hõan, vì Điều 2 Luật TTHS nói rằng mọi họat động tố tụng hình sự phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

Bây giờ ta thử xét về nội dung của vụ án qua Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự với “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” khỏan “(1a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;” và “(1c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Tội danh này cũng như tội phá họai chính sách đòan kết (Điều 87), tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ (Điều 258) là các tội danh mơ hồ và bịa đặt nhằm bảo vệ sự độc tài đảng trị của đảng CSVN chứ không có trong luật hình sự của các nước dân chủ văn minh. Hơn nữa việc CSVN cố tình trộn lẫn đảng CSVN (của một nhóm người và không trường kỳ) với chính quyền hay Nhà Nước (của một đất nước và trường kỳ) và cho việc LS Đài và Công Nhân xiển dương dân chủ, mà đặc tính của dân chủ là không chấp nhận độc tài độc đảng, là chống Nhà Nước thì họ đã vi phạm trầm trọng Điều 5 Hiến Pháp ghi rằng “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.” LS Đài và Công Nhân không có chống “Nhà nước thống nhất của các dân tộc” thì Điều 88 không thể áp dụng được. Vã lại, nếu việc trả lời phỏng vấn trên các đài RFA, BBC để nói về dân chủ được coi là tuyên truyền xuyên tạc thì việc ông Võ Văn Kiệt yêu cầu được BBC phỏng vấn để ông trình bày về “tự do chọn lựa”, “Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng” v.v.. có phải là tuyên truyền xuyên tạc hay không? Nếu có thì tại sao Công An không bắt ông ta?

Bài viết này còn giới hạn vào những khía cạnh của Hiến Pháp và luật pháp Việt Nam, chứ chưa đem vào các luật của Công Pháp Quốc Tế như Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Điều 18, 19, 20), Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị (Điều 18, 19, 21, 22), Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa (Điều 5) mà chính quyền CSVN đã ký tham gia năm 1982 và cam kết tôn trọng. Chính quyền CSVN cũng đừng quên rằng chiếu theo Điều 2 khoản 3 của Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị quy định rằng những nước đã tham gia, như Việt Nam, phải bảo đảm cho những nạn nhân bị vi phạm nhân quyền được khiếu tố trước tòa án và được đền bù thỏa đáng dù rằng người vi phạm là viên chức chính quyền.

Trong Đại Hội của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế của Hoa Kỳ được tổ chức ở Milwaukee, Wicsonsin ngày 25/3/2007 đã thông qua Nghị Quyết Số 8 về “Sự Miễn Tố Vì Chủ Quyền Quốc Gia và Những Vi Phạm Nhân Quyền” mà lâu nay những quốc gia vi phạm luật quốc tế nhân quyền được hưởng sự bảo vệ không bị truy tố vì là chủ quyền quốc gia, khi bị kiện ở các tòa án quốc nội của những quốc gia khác. Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế xiển dương lập trường là các quốc gia thành viên của các công ước và hiệp định quốc tế sẽ không cung cấp sự bảo vệ miễn tố cho các quốc gia vi phạm những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Xét tòan bộ vụ án này trong bối cảnh của một chế độ chính trị thiếu tính cách chính thống, một nền pháp lý thiếu chính đáng tính, một cơ sở luật pháp chứa đầy sự vi hiến, một thủ tục tố tụng có quá nhiều hà tì và những điều luật với tội danh mơ hồ bịa đặt, thì liệu vụ xử án này có làm cho Việt Nam trở thành một công dân tốt trong cộng đồng thế giới của thời đại mới, Thời Đại Thông Tin (Information age) đang trãi ra phía trước cho dân tộc Việt Nam hay không?

Trước tiến trình dân chủ không thể đảo hồi ở Việt Nam, người viết muốn kết luận rằng thay vì bắt Kiệt thì chính quyền CSVN nên thả Đài và tất cả các tù nhân lương tâm, để thực sự phát huy nội lực của đất nước trước sự xâm lấn mới dưới nhiều hình thức của những dân tộc mạnh trên thế giới trước khi quá trễ. Cửa đã mỡ, gió đã vào, đón nhận và biến cải những cuồng phong này để làm mát Việt Nam, lịch sử các quốc gia văn minh cho thấy không ai làm hay hơn những nhà dân chủ.

4/5/2007

--------------------------------------------------------------------------------
Bài do tác giả gởi đến DCVOnline
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3346

Aucun commentaire: