HÃY HOÀ GIẢI VỚI HIỆN TẠI ĐỂ XÂY DỰNG TƯƠNG LAI
Đoàn Viết Hoạt
Trong thời gian gần đây tin tức được phổ biến trên các cơ quan truyền thông hải ngoại cho thấy đảng và chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã tiến hành một số công việc nhằm cố gắng hòa giải với cộng đồng người Việt hải ngoại nói riêng và với thành phần quốc gia ở miền Nam Việt Nam trước đây nói chung. Có hai sự việc được dư luận quan tâm nhiều: chính quyền trung ương ở Hà Nội quyết định "dân sự hóa" nghĩa trang quân đội VNCH và giao về cho địa phương (Biên Hòa) quản lý, và chương trình “Đại Trai Đàn Giải Oan” cho nạn nhân chiến cuộc do Tăng Đoàn Làng Mai tổ chức vào tháng Hai tới đây tại Hà Nội, Huế và Saigon. Ngay trước đó, chính quyền Hà Nội lần đầu tiên cho phép ký giả của một tờ báo hải ngoại (Việt Weekly) về Việt Nam và phỏng vấn cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong cuộc phỏng vấn này ông Kiệt đưa ra lời kêu gọi, chủ yếu nhắm tới hải ngoại, xóa bỏ hận thù, quên đi quá khứ, hướng về tương lai, chấp nhận sự lãnh đạo của một đảng CS đã đổi mới và đang thành công.
Những sự việc trên đây xẩy ra dồn dập ngay sau khi Việt Nam vào được WTO, được bầu làm thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ, và ngay sau Hội Nghị APEC và chuyến viếng thăm Việt Nam của TT George W. Bush và Ngọai Trưởng Mỹ Condoleezza Rice. Những sự việc ấy không thể không nằm trong một sách lược chung của đảng và chính quyền CS nhằm điều chỉnh đường lối và chính sách văn hóa, chính trị đối nội và đối ngoại (mà công đồng người Mỹ gốc Việt là đối tượng chính). Kế hoạch điều chỉnh sách lược này cũng không phải là mới mà đã bắt đầu từ nhiều năm nay, với các chuyến đi thăm dò, tạo các đường dây quan hệ với hải ngoại dưới nhiều hình thức đa dạng, từ thương mại, xã hội đến văn hóa, tôn giáo và chính trị. Những người theo dõi xát và sâu kế hoạch này đều dễ dàng "nhận diện" được những bước đi thực tế đã, đang và sắp xẩy ra ở trong và ngoài nước, trong đó ba sự việc nổi bật được nêu ra ở trên chỉ là một trong những "phần nổi" của tảng băng mà thôi. Phần chìm của tảng băng mới quan trọng, và dù khó thấy được cụ thể cho đến khi nó trồi lên, những phân tích tinh tế có thể giúp chúng ta "nhận diện" ra được. Nhận diện được không phải để công kích hay ủng hộ, dù đúng hay sai. Nhận diện được để phát huy những yếu tố tích cực và triệt tiêu những yếu tố tiêu cực, không phải vì và cho một chính đảng nào, nhât là chính đảng đang cầm quyền. Nhận diện được chính là vì tiến trình hiện đại hóa con người, xã hội và vị thế của dân tộc Việt và của quốc gia Việt Nam trước nhân loại, thế giới và thời đại. Dân tộc Việt và quốc gia Việt Nam đã chậm tiến quá lâu, đã bỏ mất quá nhiều thời gian và cơ hội để hưng thịnh. Người dân Việt đã bị thua thiệt quá nhiều, quá lâu để không còn thể chấp nhận được nữa bất cứ một thứ "chính trị" đảng tranh, độc quyền, mọi mưu đồ mị dân, đến từ bất cứ phía nào. Mọi phân tích và nhận xét về cơ hội và thách thức của đất nước nói chung và của đường lối và kế hoạch hoạt động của đảng và chính quyền CS hiện nay nói riêng, chỉ có ý nghĩa nếu đặt trên lập trường căn bản và chân thực đó.
Trong tinh thần đó, tôi hoan nghênh mọi cố gắng nhằm xoá bỏ hận thù, quên đi quá khứ, để đoàn kết toàn dân xây dựng tương lai cho dân tộc. Tôi luôn tin tưởng rằng đây là ý nguyện chung của mọi người Việt thật tâm yêu nước dù chính kiến, tôn giáo có khác biệt như thế nào. Nhưng giữa ý nguyện chung và thực hiện được đúng ý nguyện thường có một khoảng cách mà nếu không nối kết được thì ý nguyện chung dễ dàng bị bội phản. Thực tế chính trị ở Việt Nam, trong quá khứ, và ngay hiện tại, có quá nhiều sự kiện hiển nhiên chứng minh điều đó. Mà hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, những thực tế “bội phản” ý nguyện chung đó, lại do chính giới cầm quyền tạo ra. Do đó, đảng CS đang cầm quyền có trách nhiệm, trên hết và trước hết, trong việc tạo môi trường và điều kiện cụ thể để có thể thực sự hòa giải và hoà hợp được dân tộc, để thật sự mở đường đưa đất nước “cất cánh” bay vào thời đại phục hưng mới, vinh quang hưng thịnh hơn thời kỳ Đại Việt 1000 -mà thành cổ Thăng Long vừa sừng sững hiện lên từ lòng đất như một nhắc nhở tha thiết của Tổ Tiên cho cháu con Hồng Lạc thời đại 2000. Tôi cho rằng lòng người dân Việt đã sẵn sàng, cả hải ngoại và trong nước, rằng môi trường và điều kiện khách quan của thế giới và khu vực đã thuận lợi, cho sự hòa giải chân thực, một lần và vĩnh viễn, giữa người Việt với người Việt. Chỉ còn thiếu những hành động chân thực của đảng CS và chính quyền hiện nay nữa mà thôi. Những gì mà đảng và chính quyền CS đã làm và đang làm đối với người dân trong nước, cũng như hải ngoại, cho đến nay, chưa cho thấy sự chân thật đó. Những gì mà họ đang dự định sẽ làm có chân thực hay không còn tùy thuộc nhiều chữ “nếu” (như những chữ “nếu” của chính ông Võ văn Kiệt).
Nếu đảng và chính quyền CS thật sự muốn hòa giải thì trước hết hãy hòa giải ngay với người dân trong nước, nhất là với những người đã và vẫn tiếp tục bị đàn áp và trù dập. Cụ thể là chính thức công nhận Giáo Hội Phật Gíáo Việt Nam Thống Nhất, để GH này đóng góp tích cực vào việc xây dựng đất nước, và ngay cả vào việc giải oan cho những người đã chết trong cuộc chiến trước đây. Năm 2000, nhân kỷ niệm 25 năm chấm dứt cuộc chiến, HT Thích Huyền Quang lúc đó đã chủ động đề nghị nhà nước cho phép GHPGVNTN đứng ra tổ chức đàn trai giải oan cho những người đã chết của cả hai miền, để thực hiện “linh quyền cho người đã chết” cùng với “nhân quyền cho người đang sống”. Nhà nước không những đã không cho phép mà còn tăng cường cấm đoán và giam lỏng HT cũng như các nhà lãnh đạo GHPGVNTN khác từ đó đến nay. Tăng Đoàn Làng Mai là một tổ chức Phât Giáo hải ngoại thì được phép nhưng GHPGVNTN ở ngay trong nước thì lại bị cấm. Như vậy làm sao chứng tỏ rằng việc cho phép tổ chức giải oan là một việc làm không manh tính chất tuyên truyền chính trị mà thật sự nhằm hòa giải dân tộc ?
Về nghĩa trang quân đội VNCH cũng thế. Nếu chính quyền hiện nay thật sự muốn khép lại quá khứ, xoá bỏ hận thù thì nên thực hiện một số việc làm cụ thể để xóa tan những nghi ngờ hiện nay rằng chính quyền muốn từng bước xoá bỏ dần nghĩa trang này. Trước hết chính quyền cần tuyên bố rõ ràng minh bạch, được phổ biến rộng rãi trên báo chí trong nước, về chính sách lâu dài đối với nghĩa trang này. Nếu chính quyền hiện nay thật tâm muốn hoà giải với người Việt truớc đây là cựu thù, ít nhất cũng phải hòa giải tương đương như việc hòa giải với người Mỹ, cựu thù ngoại quốc. Chẳng hạn như cho phép và hỗ trợ việc tìm kiếm hài cốt những quân nhân VNCH đã chết hay mất tích trong chiến tranh; chính thức cho phép những nhóm cựu quân nhân VNCH trong nước và hải ngoại cùng nhau chỉnh trang lại nghĩa trang quân đội VNCH và làm một tấm bia kỷ niệm, coi nghĩa trang này như một di tích lịch sử cần được tôn trọng. Có thế vết thường của quá khứ mới hy vọng nhanh chóng được khép lại, và linh hồn của tử sĩ cả hai bên mới thật sự được siêu linh. Một đàn giải oan cho người chết chưa dễ dàng làm tan đi được nghi kỵ hận thù giữa những người đang sống. Chỉ có những đối xử “tử tế” văn minh, chân tình, giữa con người với con người, giữa người Việt với người Việt, giữa chính quyền với người dân, mới thật sự giải oan được cho những người đang sống.
Và trên tất cả những điều đó, tôi kêu gọi ban lãnh đạo đảng CSVN hiện nay hãy thực hiện một số biện pháp mang tính “cách mạng” ở tầm vĩ mô để thật sự tạo được sự hòa giải chân thực giữa người Việt với người Việt. Trong những biện pháp này có hai việc mà tôi tin rằng sẽ tạo đươc một không khí phấn chấn mới cho đất nước. Một là ban lãnh đạo hiện nay công khai và minh bạch công nhận trước quốc dân trong ngoài nước về những sai lầm quá khứ của đảng và chính quyền cộng sản, những sai lầm đã gây ra tang tóc, tan nát cho hàng triệu nhân mạng, hàng triệu gia đình từ Bắc đến Nam, từ cải cách ruộng đất đến Nhân Văn Giai Phẩm, đến Mậu Thân, cải tạo, và vượt biên. Hai là một đạo luật được Quốc Hội thông qua hủy bỏ giá trị pháp lý của tất cả những vụ án chính trị, tư tưởng và tôn giáo đã có từ thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đến nay, phục hồi danh dự cho tất cả những người đã bị xét xử và tù đầy, đồng thời thả hết những người đang bị giam giữ vì các lý do như thế. Ngay sau hai sự việc trọng đại trên đây, ban lãnh đạo đảng CS và chính quyền công nhận và đối thoại cởi mở với thành phần đối lập và bất đồng chính kiến ở trong nước và hải ngoại, như là bước mở đầu cho một cuộc đối thoại dân tộc để tìm một giải pháp và cơ chế chính trị-xã hội thích hợp với Việt Nam trong thời đại toàn cầu, trong đó mọi thành phần dân tộc, mọi đoàn thể và xu hướng tư tưởng, chính trị khác nhau, đều phát huy được năng lực của mình trong việc xây dựng và phát trền đất nước. Tôi tin rằng những hành động hóa giải quá khứ và hoà giải với hiện tại chân thực và cỗi gốc như thế sẽ hội tụ và phát huy được sức mạnh của toàn dân trong ngoài nước để đưa Việt Nam “cất cánh” bay vào tương lai tươi sáng của thời kỳ hưng thịnh trong thiên niên kỷ mới.
Đoàn Viết Hoạt
Hoa Thịnh Đốn, 24.1.2007
Xếp lại quá khứ? (II)
Xếp lại quá khứ? (I)
Thư Gửi Ông Võ Văn Kiệt sau khi nghe phần phỏng vấ...
TỔ QUỐC ĐÃ THẤY ÔNG VÀ ĐANG MONG CHỜ ÔNG?
HÃY HOÀ GIẢI VỚI HIỆN TẠI ĐỂ XÂY DỰNG TƯƠNG LAI
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire