1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

samedi 5 mai 2007

Võ Văn Kiệt nói rất đúng, Nhưng phải thể hiện bằng hành động và uy quyền cụ thể!

Nhiều điều Võ Văn Kiệt nói rất đúng.

Nhưng phải thể hiện bằng hành động và uy quyền cụ thể!


ÂU DƯƠNG THỆ

Vào dịp kỉ niệm 30.4 vừa qua cựu Thủ tướng (TT) Võ Văn Kiệt đã trả lời khá dài trong cuộc phỏng vấn của đài BBC. Trong đó ông Kiệt đã trình bày một số vấn đề quan trọng vừa có tính cách thời sự, vừa có tính cách nguyên tắc về lập trường…. Điểm rất đáng lưu ý là, cựu TT Võ Văn Kiệt đã dám nói thẳng một số điều từ trước tới nay vẫn coi là cấm kị đối với giới lãnh đạo CSVN (ít nhất là về mặt công khai). Nhưng nay chính những điều cấm kị này đã được một nhân vật quan trọng, trong nhiều năm đã từng giữ những chức vụ cao và hiện nay tuy đã về hưu nhưng vẫn còn một số ảnh hưởng nhất định, lần đầu tiên trình bày thẳng trong cuộc phỏng vấn của một đài phát thanh ngoại quốc tại ngay Văn phòng 2 Chính phủ ở Sài gòn, đó lại càng đáng lưu ý. Kì này cũng như sắp tới chúng tôi sẽ phân tích quan điểm, thái độ và nhất là động cơ cũng như thử xem ảnh hưởng những điều phát biểu của ông Kiệt vào hiện tình chính trị VN như thế nào.

Trong cuộc phát thanh mở đầu phần I của cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt được BBC truyền đi ngày 30.4.07, ông Kiệt đã đặt trọng tâm vào vấn đề hòa giải dân tộc. Sau khi ông Kiệt tự thuật về những mất mát rất lớn trong gia đình ông do cuộc chiến vừa qua để lại, ông nhìn nhận đây cũng là hoàn cảnh chung cho các gia đình VN. Không có gia đình nào lại không mất người thân, có những bà mẹ VN phải ngậm ngùi thắp nén nhang cho các con mình đã chết ở hai chiến tuyến đối đầu với nhau!

Ông nhìn nhận là, chiến tranh đã để lại hận thù khủng khiếp từ Bắc vào Nam. Nhưng ông Kiệt đã tự đặt câu hỏi rất quan trọng: Tại sao tới nay chế độ đã hòa giải với những thế lực thù địch bên ngoài từ Pháp, Mĩ đến Trung hoa, nhưng vì sao giữa người Việt chưa hòa giải được với nhau?

cựu TT Võ Văn Kiệt:
„… Kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù của Việt Nam là Mỹ sau này, kẻ thù của Việt Nam là Trung quốc trong thời đánh biên giới Việt Bắc. Chúng ta cũng khép lại quá khứ được thì tại sao chúng ta với chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy, mà chúng ta cứ đố kỵ với nhau, rồi có những sự chống đối?“

Sau khi phân bua ông là một người CS yêu nước. Nhưng liền đó cựu TT Võ Văn Kiệt đã đưa ra một khẳng định công khai rằng, điều đó không có nghĩa là những Việt Nam không CS là không yêu nước. Ông còn thẳng thắn phê bình và đả phá quan điểm của những người đang cầm quyền là vẫn coi, chỉ những người CS mới là người yêu nước và nhất là vẫn muốn bắt người khác làm theo mình „yêu nước là yêu CNXH!“:

cựu TT Võ Văn Kiệt:
„Tức là coi như cộng sản là yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Nhưng những người yêu nước khác không phải là cộng sản, không phải là chủ nghĩa xã hội thì gần như coi người ta không yêu nước đủ như mình. … Cái đó hoàn toàn không đúng. Tôi thường nói rằng, con đường yêu nước, yêu dân tộc, đất nước mình bằng nhiều đường. Hàng trăm đường chớ không phải chỉ một.“

Những nhận định trên đây của ông Kiệt được coi là rất thẳng thẳn và chính xác. Đối với những người dân chủ đa nguyên thì nó hoàn toàn không mới mẻ và từ ít năm nay đối với nhiều đảng viên CS cấp tiến cũng vậy. Nhưng đối với nhiều đảng viên CS bảo thủ thì việc một nhân vật từng giữ chức vụ quan trọng của chế độ nay đã nói thẳng và công khai trên một đài ngoại quốc về lập trường như thế thì phải nói đây lại là một việc rất mới. (Cho tới trước khi có cuộc phỏng vấn của BBC, người ta đã đọc được quan điểm tương tự của ông Kiệt trong một số tài liệu. Nhưng các tài liệu này phần lớn đều là các thư gởi cho Bộ chính trị (BCT) và Trung ương đảng (TUĐ) và đều là những tài liệu được xếp vào bí mật). Nhưng nay quan điểm trên đây của Võ Văn Kiệt đã được trình bày công khai, cho nên có thể dùng làm một trong số những cơ sở về tư tưởng để các bên bàn bạc với nhau về một VN tương lai. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề quan trọng này trong dịp tới.

Nhưng trước khi vươn tới tương lai thì phải vượt qua được hiện tại!

Nếu đây là những điều nói từ đáy lòng mình chứ không phải là những lời đầu môi chót lưỡi thì ông Kiệt, ít nhất là trong lời nói, có thể là người đã làm gương cho nhiều người bảo thủ CSVN. Ông đã dám nói những sự thực và những suy nghĩ của nhiều người CS còn có lòng và biết tự trọng. Nó khác với nhiều người CS bảo thủ độc tài, vì thiếu bản lĩnh nên cho tới nay vẫn còn ngượng ngùng, không dám mở miệng !

Nhưng trong chính trị, nhất là những vấn đề hệ trọng tới vận mạng chung của dân tộc, thì một chính khách có tinh thần trách nhiệm không thể chỉ đưa ra các tuyên bố lớn, những lời hay, lời ngọt, rồi chỉ dừng lại ở đấy. Nếu làm như thế thì không mấy người tin, nhất là với người Việt chúng ta. Vì trong suốt hơn nửa thế kỉ vừa qua nhiều thế hệ người Việt đã từng được nghe rất nhiều hứa hẹn rất tốt, rất đẹp, nhưng cuối cùng chỉ là những thùng rỗng, chỉ nói mà không làm, hoặc nguy hiểm hơn nữa là nói một đằng làm một nẻo!

Trong khi miệng thì tuyên bố „đoàn kết, đại đoàn kết“, nhưng thực tình thì lại thực hiện các biện pháp chia rẽ, đàn áp và khủng bố; tuyên bố „dân chủ, tự do“, nhưng thực tình là xây dựng chế độ độc tài toàn trị theo giáo điều „yêu nước là yêu CNXH“: Giai đoạn sau khi cướp chính quyền 1945, giai đoạn nắm chính quyền ở miền Bắc 1954 và giai đoạn chiếm miền Nam 1975 không thể nào kể siết những màn kịch được dàn dựng để đánh lừa nhân dân! Hoặc ngay cả hiện nay, người đứng đầu chế độ tuyên bố chống tham nhũng và bảo vệ những người tố tham nhũng, nhưng lại đang để cho thân nhân tham nhũng và bỏ tù những ai dám can đảm chống tham nhũng!

Chỉ nhắc một trường hợp điển hình thôi. Ông Kiệt hẳn còn nhớ lời tuyên bố của Phạm Văn Đồng, người tiền nhiệm của ông. Trong giai đoạn cuối của Hội nghị Paris về chiến tranh VN, giới lãnh đạo CSVN lúc đó đã đưa ra chiêu bài „Hòa hợp Hòa giải Dân tộc“ và „Chính phủ ba thành phần“. Vào chính dịp đó TT Phạm Văn Đồng đã được chỉ thị phải đưa ra những tuyên bố thích hợp. Vì thế, trong cuộc phỏng vấn dành cho báo chí quốc tế lúc đó, Phạm Văn Đồng đã nhìn nhận rằng, cuộc chiến VN đã để lại những thảm khốc cho toàn dân tộc từ Nam ra Bắc, không một gia đình VN nào lại không bị mất mát trong chiến tranh…!

Vẫn cái ý này, trong cuộc phỏng vấn của BBC ông Kiệt đã lập lại vào năm 2007, sau 32 năm chiến tranh chấm dứt.

Nhưng thử hỏi trong suốt mấy chục năm đó đã diễn ra những gì ở VN từ thời TT Phạm Văn Đồng đến thời TT Võ Văn Kiệt?

Sau khi chiếm đóng miền Nam thì không thấy hòa giải dân tộc mà chỉ thấy hàng trăm ngàn người phải đi cải tạo mút mùa; không thấy tự do dân chủ mà chỉ thấy „đảng cử dân bầu“, „yêu nước là yêu CNXH“; không thấy tự do tôn giáo mà chỉ thấy các nhà tu hành có lương tâm bị tù đày, rồi phe chiến thắng lại còn dựng lên các tổ chức tôn giáo quốc doanh; không thấy tự do buôn bán làm ăn mà lại chỉ thấy „đánh đổ tư sản mại bản“, „kinh tế mới“, bắt nông dân phải „làm ăn tập thể“ và tự do lập xí nghiệp quốc doanh; cả cái gọi là MTGPMN và CPCMLTMNVN cũng bị cưỡng bách phải giải tán…!

Ông Kiệt thừa biết, chính trong thời gian này ông đã từng là Ủy viên BCT (cho tới cuối 1997) và giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Sài gòn cũng như cả nước: Bí thư thành ủy TPHCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng….Đấy là chưa kể, trước khi rời chức TT chính Ông cũng từng kí NĐ 31/CP để giam giữ tại gia các nhà tu hành và những người dân chủ không muốn „yêu nước là yêu CNXH“! Suốt trong mấy chục năm cầm quyền đó Ông đã ngậm miệng và tuân lệnh „yêu nước là yêu CNXH“, một điều mà mãi tới nay khi không còn giữ một chức vụ gì thì Ông mới dám công khai lên tiếng coi là sai lầm!

Kể lại những việc trên đây không phải là gợi dậy quá khứ hay khơi hận thù, nhưng chính là để nhắc nhở Ông là, cần phải nói và làm đi đôi với nhau. Nếu giả thử trong cuộc phỏng vấn của BBC ông Kiệt có dụng tâm dùng tình cảm vào dịp 30.4 để khơi dậy lòng trắc ẩn của con người thì chẳng mấy ai nghe và tin nữa!

Giữ thái độ thận trọng là cái quyền và trách nhiệm của những ai làm việc có tinh thần trách nhiệm, không thể cẩu thả tin mù quáng…. Nhất là trong chính trị, không thể hành động theo cảm tính.

Thật vậy, chính vào lúc ông Kiệt đưa ra lời kêu gọi các thành phần dân tộc cần „hòa giải dân tộc“ với nhau. Có nghĩa là trong đó có cả thành phần đang cầm quyền hiện nay và cần phải nhấn mạnh ở đây, chính thành phần này phải đứng ra làm gương trước hết. Vì họ đang cầm quyền và đang nắm trong tay tất cả phương tiện sinh sát. Nhưng ông Kiệt giải thích như thế nào về một sự thực mà Ông và tất cả mọi người đang phải chứng kiến là: Chính lúc này đây, thành phần đang cầm quyền lại đang thi thố một loạt những biện pháp tàn bạo hoàn toàn đi ngược với những đòi hỏi của ông Kiệt và đông đảo nhân dân? Vì thế, những vấn đề này cần phải có những giải thích thỏa đáng. Nó đòi hỏi những người dân chủ đa nguyên phải thận trọng, cân nhắc để đánh giá những lời tuyên bố và hành động của các bên:

1. Tại sao trong thời gian vừa qua hàng loạt những người dân chủ hoạt động bằng phương pháp phi bạo lực cho tự do dân chủ và nhân quyền, trong đó có nhiều người trẻ, đã bị bắt giữ, bị bôi nhọ và đối xử tàn tệ?

2. Tại sao tuyên bố bầu cử Quốc hội dân chủ, nhưng trong thực tế lại đang tiến hành lối bầu „đảng cử dân bầu“, bằng cách loại những người ngoài đảng và cả những đảng viên trong sạch và có uy tín làm ứng cử viên để chỉ cho những cán bộ đảng viên thuộc phe cánh ra ứng cử, dù họ đang tham nhũng và lộng quyền?

3. Hiện nay chế độ đang chuẩn bị ráo riết cho chuyến đi Mĩ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Có phải vì sợ sự chống đối mãnh liệt của cộng đồng lớn VN ở Hoa kì nên lại tìm cách ra một chiêu „hòa giải hòa hợp“ mới?

Do đó, trước khi nói tới hòa giải dân tộc thì phải tạo một không khí trong lành, thiết lập một sân chơi bình đẳng, nghĩa là phải trả lại ngay các quyền công dân của những người VN đang bị chèn ép bất công và giam giữ oan trái! Việc này ông Kiệt cũng đã thừa nhận trong cuộc phỏng vấn của BBC truyền đi ngày 4.5. Đây không phải là điều kiện tiên quyết, mà là những nguyên tắc làm việc „sòng phẳng, công bình“, ngay thẳng và thành thực ở trong tất cả các cuộc làm việc chung…

Trong các thành phần dân tộc VN thì mọi người đang chờ đợi và đòi hỏi ở thành phần đang cầm quyền phải chứng minh bằng việc làm cụ thể để chứng tỏ là, họ biết tôn trọng những nguyên tắc cơ bản này. Vì trong suốt nửa thế kỉ qua nhiều thành phần dân tộc đã bị phía đảng cầm quyền đánh lừa rất quỉ quyệt nhiều lần. Cho nên nay không còn ai tin vào lời nói xuông của phía cầm quyền. Họ phải chứng minh bằng hành động!

Trong việc này ông Kiệt có thể giúp phía cầm quyền được nhiều chuyện. Vì nay ông Kiệt tuy không còn là Thủ tướng và cũng chẳng còn giữ chức vụ gì trong chính phủ, nhưng ông còn uy thế và uy quyền đối với nhiều giới, nhất là đối với TT Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết…Do đó, ông Kiệt nên dùng uy tín và ảnh hưởng của mình, yêu cầu họ hãy trả tự do ngay cho những người dân chủ đang bị giam giữ. Cụ thể là một số người vừa bị bắt trong các tháng gần đây, như các LS Nguyễn Văn Đài, Lê Thi Công Nhân, Lê Quốc Quân, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, LM Nguyễn Văn Lý, BS Lê Nguyên Sang, các ông Nguyễn Bắc Truyển, Huỳnh Nguyên Đạo và Trần Quốc Hiền…, cũng như chấm dứt ngay việc giam cầm tại gia các HT Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, BS Nguyễn Đan Quế, GS Nguyễn Thanh Giang, TS Nguyễn Xuân Tụ…

Như chính Ông và nhiều đảng viên CS tiến bộ cũng đều biết, họ là những người yêu nước, yêu dân chủ và chỉ đấu tranh bằng con đường phi bạo lực. Đây là những cách yêu nước mà trong bài phỏng vấn ông Kiệt cho là một trong những cách yêu nước chân thành. Nếu ông Kiệt có quyền tự nhìn nhận mình là người CS cũng yêu nước, thì những người dân chủ đang bị tù cũng có cái quyền yêu nước theo cách của họ. Họ không làm hại dân, hại nước; có chăng là họ đã can đảm tố cáo những phần tử tham nhũng, độc tài trong bộ máy đảng và nhà nước. Một việc mà chính ông Kiệt cũng đã nhiều lần kết án trong các thư gởi cho BCT và TUĐ. Họ cũng như ông đang chống bầu cử phản dân chủ … Rõ ràng là nhiều người trẻ đang dùng nhiệt tình của tuổi trẻ, chỉ vì lí tưởng… Chả lẽ lại nhẫn tâm, yên lặng để cho những người trẻ này phải bị tù tội bất công phi lí như thế?

Những vị tu hành và nhiều người dân chủ đang làm và làm rất nhiệt thành, những gì ông Kiệt đang cổ võ hay đang chống đối. Như thế, một cách gián tiếp họ là đồng minh của Ông. Vì thế, một khi bênh vực và bảo vệ những người này, Ông sẽ chứng tỏ rằng, Ông đang bảo vệ một cách thành thực và quyết tâm quan điểm và lập trường của Ông. Chỉ làm như thế thì người ngoài mới tin được những lời của Ông.

Nếu không thể hiện bằng hành động cụ thể mà chỉ dừng lại bằng những lời tuyên bố ngon ngọt thì ông Kiệt không thể trách được người khác là không tin vào lời của ông . Bởi một lẽ dễ hiểu là, người Việt đã bị đánh lừa quá nhiều trong suốt nửa thể kỉ vừa qua. Nhưng nay họ đã trưởng thành và tự tin. Họ chỉ tin và trọng những ai dám nói dám làm. Còn những đòn tỉnh cảm để phỉnh gạt chắc chắn không còn ăn khách nữa. Những ai đang mưu tính như vậy thì đang tính toán sai lầm rất nguy hiểm!

Những người dân chủ đa nguyên đồng ý „cần phải có sự đối thoại“, và các bên cần biết „nghe những lời phê phán“. Nhưng đối thoại phải bình đẳng và công bằng! Người ta không thể đối thoại với nhau khi bên kia chĩa mũi súng vào mình! Tự do trước hết phải là tự do cho những người đang mất tự do! Ông Kiệt đang được tự do nói. Nhưng Ông phải dùng ảnh hưởng và uy tín của Ông để đòi tự do cho những người Việt khác đang bị mất tự do!

Những người Dân chủ Đa nguyên, những người yêu nước không theo Chủ nghĩa Xã hội, đang chăm chú theo dõi để xem quyết tâm và lòng thành thực của ông Kiệt như thế nào!

Ghi chú: Những chữ trong ngoặc kép và in nghiêng là trích lời của cựu TT Võ Văn Kiệt trong cuộc phỏng vấn của đài BBC mới đây.

Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
http://www.dcpt.org/ hay http://www.dcvapt.net/

01.05.2007- Ông Võ Văn Kiệt kêu gọi hòa giải

http://www.doi-thoai.com/baimoi0507_036.html

Xếp lại quá khứ? (II)
Xếp lại quá khứ? (I)
Thư Gửi Ông Võ Văn Kiệt sau khi nghe phần phỏng vấ...
TỔ QUỐC ĐÃ THẤY ÔNG VÀ ĐANG MONG CHỜ ÔNG?
HÃY HOÀ GIẢI VỚI HIỆN TẠI ĐỂ XÂY DỰNG TƯƠNG LAI

Aucun commentaire: