1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

dimanche 6 mai 2007

Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã vi phạm pháp luật Việt Nam như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã vi phạm pháp luật Việt Nam như thế nào?
Nguyễn Quang
“… những bài báo phát xuất từ lò báo công an đầy tình cáo buộc đó, xét cho kĩ, vẫn chứa đựng rất nhiều tính quy chụp, chung chung, hạ thấp nhân phẩm …”



Vụ việc bắt giữ Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân gần đây được đưa tin một cách đầy đủ và công khai trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã chứng tỏ một bước tiến rõ nét trong việc xử lý những người thường được gọi là "chống đối Nhà nước". Quan điểm nhất quán mà nhà nước Việt Nam đưa ra là họ bị bắt vì vi phạm luật pháp Việt Nam và sẽ được xét xử tại toà án về tội hình sự chứ không phải do bất đồng chính kiến. Những quan điểm này đã được đưa ra “đối thoại” một cách trực diện trong cuộc gặp mới đây giữa thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Văn Hưởng và phó đại sứ Hoa Kỳ Johnathan Aloisi.

Tuy nhiên, những bài báo phát xuất từ lò báo công an đầy tình cáo buộc đó, xét cho kĩ, vẫn chứa đựng rất nhiều tính quy chụp, chung chung, hạ thấp nhân phẩm …, giống như những vụ án tương tự trước đó. Những cáo buộc được đưa ra một cách công khai, mà có thể coi như bản "tiền cáo trạng", tập trung vào những vấn đề sau:

1. Phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên đa đảng:


Ls Nguyễn Văn Đài


Trước hết phải nói rõ ở đây là phủ nhận sự lãnh đạo "duy nhất" của Đảng, chứ không phải sự lãnh đạo nói chung của Đảng cộng sản. Phủ nhận hay không phủ nhận, điều này tuỳ thuộc vào quan điểm và sự đánh giá của mỗi người. Sự lãnh đạo của Đảng đối với người này có thể tốt, hợp lý, đúng đắn, nhưng đối với người khác lại hoàn toàn ngược lại. Một xã hội đa nguyên, đa ý kiến là một điều hoàn toàn tự nhiên, không ai có quyền tước bỏ quan điểm của một người khác chỉ vì nó không cùng quan điểm với mình. Trên quan điểm không tán thành những thành tích lãnh đạo của Đảng, Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân có quyền "phủ nhận" sự lãnh đạo duy nhất này, đó là ý kiến cá nhân của họ. Phủ nhận sự lãnh đạo duy nhất cũng đồng nghĩa với việc đòi đa nguyên đa đảng.

Những yêu cầu này có vi phạm luật pháp Việt Nam hay không? Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng có lập luận: "Hiến pháp VN quy định: thể chế chính trị VN chỉ có một đảng. Nhưng có người lại đòi lập một đảng khác nữa, như vậy là bất hợp pháp". Trước hết đó không phải là một câu trả lời cho yêu cầu thành lập đảng mà là một sự nguỵ biện, tránh né. Tại sao lại không cho phép thành lập đảng ? Thay vì phân tích những hạn chế, không phù hợp của việc thành lập đảng thì ông Hưởng lại đá quả bóng sang hệ thống pháp luật (vốn đã yếu kém). Điều này cũng giống hệt cách trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước câu hỏi về báo chí tự nhân: Do luật quy định. Đúng, luật thì ai cũng biết, tôi có thể tra ngay được. Nhưng câu hỏi là vì sao lại có luật đấy, vì sao nhà nước lại không cho phép báo chí tư nhân ra đời thì hoàn toàn bỏ ngỏ. Luật phải xuất phát từ cuộc sống chứ không phải để áp đặt lên cuộc sống. Nếu luật chưa đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc sống thì những người làm luật phải nghiên cứu, tìm hiểu để thay đổi, hoàn thiện nó. Và do vậy thì đòi hỏi cần có đa đảng là một vấn đề cần phải được nghiên cứu. Nếu trong khung pháp luật hiện hành chưa cho phép thực thi thì ít nhất cũng không được phép cấm đoán những người có quan điểm đó.

Hơn nữa, chính xác là điều 4 Hiến pháp quy định "Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất" chứ không phải quy định chỉ cho phép tồn tại một đảng. Cũng chính luật sư Đài đã lập luận rằng điều này không mâu thuẫn với việc thành lập đảng tại Việt Nam mà chỉ cấm các đảng phái đó tham gia chính trị. Một bằng chứng rất rõ ràng là từ khi điều 4 xuất hiện trong hiến pháp 1980 thì vẫn tồn tại hai đảng khác, đảng Xã hội và đảng Dân chủ trong hệ thống chính trị Việt Nam (hai đảng này giải tán năm 1987). Điều này không hề mâu thuẫn với điều 4 Hiến pháp. Nếu luật sư Đài vi phạm điều này thì chính Đảng Cộng sản cũng vi phạm vì cho phép tồn tại hai đảng này trong suốt 7 năm.

2. Một phần lớn trong các cáo buộc là luật sư Đài có quan hệ với những đối tượng cực đoan, tổ chức thù địch nước ngoài, bọn phản động lưu vong và nhận tiền từ họ :

Đây là cách lập luận mang tính quy chụp rất thường thấy: "Anh chơi với những người xấu, tức là anh xấu, những hành động của anh là xấu". Không ai có quyền cấm tôi quan hệ, trao đổi, liên lạc, với những người khác. Thậm chí ngay cả với tử tù tôi vẫn có thể thăm, viết thư và trao đổi được. Thay vì phân tích những hành động của luật sư Đài thì nhà nước lại mất rất nhiều thời gian vào phân tích những quan hệ của họ.

Việc nhận tiền và cho tiền là quan hệ xã hội thông thường và tự nguyện, người cho tiền có thể có dụng ý và tác động nhưng người nhận tiền hoàn toàn chịu trách nhiệm về những việc làm của mình. Không phải cứ nhận tiền của người khác thì mới có động cơ làm những việc xấu. Trong xã hội ta có quá nhiều người làm việc xấu mà chẳng phải do nhận tiền hay nghe lời xúi giục của người khác, cũng như nhiều người nhận tiền của những người khác, tổ chức khác để làm những việc tốt. Một xã hội phát triển thì việc trao tặng tiền phải được coi là một hoạt động xã hội rất bình thường, không nên cho rằng luôn có một cái gì đó sau đó.

3. Việc Văn phòng Thiên Ân hoạt động yếu kém, không bào chữa cho bất kỳ thân chủ nào mà vẫn có tiền trả lương cho nhân viên, chi phí hoạt động, mua sắm phương tiện, trong đó Nguyễn Văn Đài lĩnh lương cứng 700$/tháng:

Trước hết cần phân biệt hai vấn đề sau: Văn phòng Thiên Ân hoạt động kém và việc có tiền để trả lương. Cả hai vấn đề này đều không thể là yếu tố cấu thành nên tội "tuyên truyền chống Nhà nước".

Việc một văn phòng luật sư hoạt động kém, không bào chữa cho ai là việc riêng của cơ sở này. Nếu trong luật hành nghề quy định rõ ràng phải có bao nhiêu bào chữa trong một năm (?) thì sở Tư pháp có quyền xem xét giấy phép hành nghề của văn phòng. Nếu một văn phòng không bào chữa nhưng vẫn có tiền trang trải nhờ vào tiền tài trợ thì cũng vẫn không hề vi phạm pháp luật, nếu họ tuân thủ mọi quy định hoạt động và đóng thuế đầy đủ.


Ls Lê Thị Công Nhân


Việc nêu rõ Nguyễn Văn Đài lĩnh lương cứng 700$/tháng là một sự hạ thấp nhân phẩm. Luật sư Đài có thể lĩnh lương bao nhiêu, từ nguồn nào là thuộc phạm vi hoạt động kinh tế của văn phòng Thiên Ân, miền là đóng thuế đầy đủ. Cáo buộc trên đối với nhiều người có thể rất nghiêm trọng vì số tiền 700$/tháng so với thu nhập tại Việt Nam là khá lớn, nhưng đối với những ai đã từng đi ra nước ngoài thì sẽ thấy thật khôi hài. Luật sư Đài cũng đã từng ở Mỹ nên anh ta cũng thừa hiểu mức thu nhập của một luật sư tại Mỹ là bao nhiêu. Cho dù chi phí cuộc sống có cao hơn thì việc dành dụm ra 700$/tháng đối với một luật sư trung bình (mà tôi tin là anh Đài ở trên mức đó) chẳng phải là điều quá khó khăn. Nếu vì ham muốn vật chất luật sư Đài đã chẳng phải chọn con đường "vất vả, khó khăn" đến như hiện nay.

4. Việc tham gia thành lập các tổ chức "bất hợp pháp": khối "8406", "Công đoàn độc lập", "Uỷ ban nhân quyền Việt Nam", "Liên minh dân chủ nhân quyền VN"

Hiến pháp Việt Nam đã quy định công dân có quyền lập hội nhưng trên thực tế mọi quyết định lập hội đều phải được sự cho phép của nhà nước. Sự cho phép này mang tính chủ quan, tuỳ tiện, không có căn cứ pháp luật. Không có điều luật nào quy định tổ chức thế này là bất hợp pháp hay không. Nếu không có văn bản pháp quy thì việc công dân lập hội là đúng luật.

5. Việc tàng trữ tài liệu có nội dung tuyên truyền xuyên tạc tình hình đất nước, phỉ báng chống đối chế độ, nhà nước

Điều quan trọng nhất là phải công bố những tài liệu đó là gì, viết như thế nào về tình hình đất nước thì lại không có, do vậy cáo buộc trên mang tính rất chung chung, không có căn cứ. Tài liệu đó nói gì về tình hình đất nước, có xuyên tạc hay không? Chưa nói đến việc tình hình đất nước qua cái nhìn, quan điểm của mỗi người cũng rất khác nhau. Việc chống đối chế độ, nhà nước còn cần phải được xem xét chống đối ở mức độ nào. Một nhà nước không đáp ứng nguyện vọng của nhân dân thì việc chống lại nó là việc cần làm.

6. Có những cáo buộc rất vu vơ như: thu thập thông tin các mặt chính sách xã hội của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực tôn giáo để cung cấp cho nước ngoài….

Tóm lại, với những lập luận kiểu như "thu được 5 ổ cứng chứa đựng những tài liệu chống Nhà nước XHCN,…" mà không công khai những tài liệu đó, nhà nước có thể quy chụp cho bất cứ ai trong xã hội này vào điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân hay ai khác chỉ là những cái tên để điền vào một bản cáo trạng đã viết sẵn.
Nguyễn Quang

Aucun commentaire: