Hai luật sư bất đồng chính kiến ở Hà Nội
Bill Hayton
BBC News, London
LS Nguyễn Văn Đài bắt đầu hết ảo tưởng về đảng cộng sản từ 1989
Thứ Sáu tuần sau hai luật sư tranh đấu cho nhân quyền sẽ ra trước tòa về tội tuyên truyền chống nhà nước và có thể phải chịu đến 20 năm tù.
Phải ra trước vành móng ngựa cùng ngày nhưng con đường của hai người có khác nhau.
Nguyễn Văn Đài năm nay 38 tuổi, bắt đầu hết ảo mộng về đảng cộng sản Việt Nam từ khi chế độ cộng sản bắt đầu sụp đổ ở châu Âu năm 1989, khi anh đang lao động hợp tác ở Đông Đức.
Anh nhìn thấy diễn biến tương tự ở Việt Nam và khi nhà máy ở Đức đóng cửa thì về Việt Nam và theo học trường luật Hà Nội với ý định "làm gì đó cho nước tôi".
Năm 1997 anh cùng người bạn là các ứng cử viên độc lập đầu tiên trong cuộc bầu cử quốc hội.
Khoảng cuối năm 1999 luật sư Nguyễn Văn Đài đại diện cho một phụ nữ bị tù về tội làm lễ Thánh trái phép tại nhà.
Thân chủ thua kiện nhưng sau đó anh "cảm thấy lời Chúa gọi" cho nên gia nhập Hội thánh Tin lành hợp pháp ở Hà Nội.
Tháng Tư năm 2004 anh cùng tham gia nhóm "Luật sư vì công lý" gồm 12 thành viên nhưng sau đó tất cả 11 luật sư còn lại đều rút tên vì sợ bị thu giấy phép hành nghề luật.
APEC giúp các nhà bất đồng chính kiến "dễ thở"
Cuối năm đó luật sư Đài lại nhận bào chữa tiếp cho 6 thành viên của một giáo hội Mennonite bất hợp pháp phạm tội "chống người thi hành công vụ", và đến tháng Tư năm 2005 đứng ra bào chữa cho những người bất đồng chính kiến.
Từ đó trở đi Nguyễn Văn Đài trở thành một trong số ít những nguồn tin chính về những gì xảy ra đối với phong trào bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Nhiều người tự hỏi tại sao anh có thể duy trì hoạt động lâu như vậy và không bị bắt như những người được anh biện hộ.
Một số người trong các tổ chức quốc tế thậm chí còn nghĩ rằng anh là người của cơ quan an ninh Việt Nam.
Trong những năm qua, phong trào bất đồng chính kiến ở Việt Nam, dù còn rất nhỏ, bắt đầu có các hành động thống nhất, điển hình là khối 8406.
Lê Thị Công Nhân, nữ luật sư trẻ hơn Nguyễn Văn Đài chừng 10 tuổi, cảm thấy thích thông điệp của khối 8406.
"Tôi xếp hàng giữ chỗ cho bố mẹ trước hiệu bách hóa năm 1986 và tự hỏi tại sao phải làm như vậy". - Cô nói với phóng viên BBC Bill Hayton mùa thu năm ngoái rằng cô trở thành nhà bất đồng chính kiến từ năm 7 tuổi.
Luật sư Công Nhân nói thành người bất đồng chính kiến từ năm lên bảy
Lê Thị Công Nhân chính thức là luật sư từ tháng Tám năm 2006 và trở thành thành viên của 8406 "sau một thời gian dài suy nghĩ".
Gần như ngay tức thời cô được các sĩ quan của A42 viếng thăm, cơ quan phụ trách chính trị của Bộ công an.
Cảnh sát đưa cô về đồn, nói cô phạm tội âm mưu lật đổ chính quyền và thẩm vấn trong vòng 3 ngày.
Sau đó Lê Thị Công Nhân không chịu đi thẩm vấn và bị công an gọi điện và gửi hàng loạt tin nhắn dọa bắt.
Nhưng bất ngờ chiến thuật của công an lại thay đổi, 'họ tặng hoa, mời đi ăn tối và xem phim, thậm chí còn tặng điện thoại mới".
Mọi chuyện thay đổi khi cô Công Nhân định sang Warszawa để dự hội thảo phát động lập công đoàn độc lập ở Việt Nam.
Ra đến chân máy bay thì cô bị chặn lại và ngày hôm sau khi phóng xe máy đi đổi vé thì bị đẩy gần ngã, mà cô tin là do người của A42 làm.
Luật sư Nguyễn Văn Đài (bên trái) và Lê Thị Công Nhân sẽ bị đem ra xử cùng ngày
Lê Thị Công Nhân không đi được Ba Lan, bị văn phòng luật sa thải và chuyển sang làm cho văn phòng của luật sư Nguyễn Văn Đài.
Một số ý kiến cho rằng giai đoạn nở hoa nho nhỏ của các nhầ bất đồng chính kiến ở Việt Nam trong năm 2006 phần nào là kết quả của chính sách "lỏng tay".
Trong giai đoạn chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh APEC ở Hà Nội vào tháng Mười Một, họ hoạt động dễ dàng hơn.
Nhưng đầu năm 2007, khi Việt Nam đã được chính thức công nhận là thành viên của WTO, chính quyền bắt đầu chiến dịch mà Human Rights Watch mô tả là "thuộc loại tệ nhất trong 20 năm qua".
Khởi điểm của vụ bắt giữ hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân là các lớp huấn luyện về nhân quyền cho sinh viên ở Hà Nội.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/05/070504_dissident.shtml
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire