1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mercredi 16 mai 2007

Chỉ có một con đường : thư gởi ông VV Kiệt

Chỉ có một con đường
(Thư gởi người quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản -cựu TT Võ Văn Kiệt)

Lê Quế Lâm
“… Chỉ có một con đường là giải tán Đảng CSVN …”

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1823



Kính thưa Ông Võ Văn Kiệt,

Ngày 30/4 năm nay, trong cuộc phỏng vấn của đài BBC, Ông khẳng định: Tổ quốc, dân tộc, quốc gia, đều là của người VN “chớ không phải là của riêng của người CS hay bất cứ tôn giáo nào hay phe phái nào cả”. Ông thừa nhận “có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau” và Ông là người quốc gia đi theo chủ nghĩa cộng sản”. Ông lên tiếng kêu gọi hoà giải dân tộc. Từ mẫu số chung đó, tôi xin được hầu chuyện với Ông trong tinh thần anh em “ngồi nói chuyện với nhau vì đất nước để xây dựng ngôi nhà chung” như Ông kêu gọi từ bấy lâu nay

Việc hoà giải dân tộc đáng lẽ phải thực hiện từ 32 năm trước, vì đó là tinh thần của Hiệp định Paris 1973: “thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên nầy hoặc bên kia”. (Điều 11)

Nhìn lại đất nước, sau 1975 tiếp thu một chiến lợi phẩm khổng lồ đáng giá hàng chục tỷ mỹ kim, trong đó có nhiều cơ sở kỹ nghệ tân tiến ở Biên Hoà, Thủ Đức, Hốc Môn…với hệ thống cầu đường tại MN vừa được HK kiến tạo xong. Ngoài cơ sở vật chất khổng lồ, VN còn có một đội ngũ khoa học kỹ thuật hùng hậu của hai miền Nam Bắc phối hợp. Trên bình diện quốc tế, VN không những bình thường hóa bang giao với HK mà còn được Mỹ viện trợ để hàn gắn vết thưong chiến tranh được trù tính gần năm tỉ đô la. Ngoài ra VN còn được sự tận tình giúp đở của LX, TC và bầu bạn khắp năm châu, những nưóc từng ủng hộ VN trong chiến tranh.

Đối với các nước trong khu vực, nhờ thành tích đẩy lùi Mỹ khỏi đất nước, VN được các nước ASEAN nể trọng và đều mong muốn giành được hậu thuẫn để hình thành khu vực Đông Nam Á hoà bình tự do và trung lập thực sự. Vùng đất này còn được Nhật hứa kinh viện nhiều tỉ đô la để phát triển. Trên chính trường thế giới, VN được đón nhận vào đại gia đình các nước không liên kết, sau đó gia nhập LHQ và trở thành hội viên của nhiều tổ chức tài chánh thế giới như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển Á châu. Các tổ chức này đều sẵn sàng dành những số tiền lớn cho VN vay mượn để phát triển đất nước thời hậu chiến. Với những điều kiện trên, chắn chắn VN sẽ là một con rồng Châu Á như các nước đang phát triển trong vùng. (Lê Quế Lâm, Việt Nam Thắng và Bại, Sydney, 1993, tr.556-7 & 656-7)

Rất tiếc những người CS khước từ hoà giải. Họ đào sâu thêm mối hận thù, giam giữ hàng trăm ngàn viên chức chế độ cũ, đa số chịu cảnh tù đày dài hạn gần chục năm có người đến 17 năm. Sự phân biệt đối xử và trả thù còn nhắm vào con cái các thành phần kể trên nhằm triệt hạ kẻ thù tận gốc rễ. Hàng vạn người thuộc giới tư sản và gia đình “ngụy” bị đưa đi các vùng kinh tế mới. Các xí nghiệp bị quốc doanh hóa, các ngành tiểu công nghiệp và nông nghiệp phải đi vào con đường làm ăn tập thể. Bị dồn vào đường cùng, nhân dân không còn con đường nào khác đành phải mạo hiểm bỏ nước ra đi lánh nạn CS.

Tháng 12/2005, báo Tuổi trẻ TP/HCM có đăng loạt bài “Đêm trước đổi mới”, nhắc lại “sau ngày giải phóng MN, thống nhất đất nước, hoà bình rồi, tiếng reo vui chưa được bao lâu thì người dân cả nước chạy gạo ăn từng bữa”. Từ 1978, sau chiến dịch cải tạo nông nghiệp, lập tức TP.HCM thiếu gạo -điều chưa từng có trong lịch sử MN. “Hòn ngọc Viễn đông” phải ăn độn bo bo là điều không thể tưởng tượng nổi. MN là vựa lúa, nhưng vì hợp tác hóa, dân chúng không đủ gạo ăn, thay vào đó là khoai mì, khoai lang và thậm chí hạt bo bo. Trong tình thế bi đát đó, đảng CS phải đổi mới để sống còn.

Trong bài cuối, ông Đặng Phong hiện là trưởng ban lịch sử kinh tế của Viện Kinh tế VN nói về “Câu chuyện muôn đời”: “Tuy đã trải qua nhiều cuộc cải tạo mạnh tay nhưng nền kinh tế tự do như chợ búa, quán xá, các cơ sở sản xuất tư nhân, hệ thống tư thương xưa gọi là phe phẩy vẫn luôn tồn tại bên cạnh nền kinh tế quốc doanh. Nó được ví như cái bướu lạc đà. Khi quốc doanh gặp khó khăn như thiếu hàng hóa, đói nguyên liệu, không mua không bán được…thì cái bướu đó lại nuôi sống cơ thể xã hội. Đây cũng là lý do góp phần giải thích tại sao: khi toàn bộ nền kinh tế và toàn bộ đời sống xã hội ở các nước Đông Âu bị khủng hoảng trầm trọng, còn ở VN thì nhẹ nhàng hơn. Phải nhớ rằng từ sau 1975 chúng ta đã có một nửa nước là xứ sở của nền kinh tế thị trường. Gần như toàn bộ miền Nam không chỉ kế thừa nền kinh tế thị trường trước đó mà còn được tiếp sức từ nguồn lực nước ngoài và Việt kiều với khoảng vài trăm triệu USD mỗi năm. Tôi gọi điều này là “quyền uy của lòng dân”. (Báo Tuổi trẻ TP/HCM 16/12/2005)

Khối LX và Đông Âu sụp đổ, CSVN quay về với Trung Cộng thực hiện “kinh tế thị trường, định hướng XHCN”. Giang trạch Dân đưa ra khẩu hiệu “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng về tương lai” làm phương châm trong mối bang giao mới với VN. Vì láng giềng hữu nghị, hiệp ước Việt Trung đước ký kết: VN đã cắt nhiều đất, biển cho Trung Quốc, so với các hiệp ước biên giới mà Pháp nhân danh VN ký với Thanh triều hồi cuối thế kỷ 19. Vì hợp tác toàn diện, cuối năm 1999, Trung Cộng khuyến cáo Hànội đừng nghe lời HK gia nhập WTO (nhưng ngay sau đó họ lại gia nhập). Trước đây, khẩu hiệu “hợp tác toàn diện giữa VN và Liên Xô muôn năm” đã gãy đổ. Lần này “hợp tác toàn diện” với Trung Cộng, CSVN kỳ vọng bảo đảm ngôi vị lãnh đạo lâu dài…Nhưng đã giúp Bắc kinh thực hiện được ước mơ ngàn đời: qui hồi Nam bang trở lại Thiên triều trong hoà bình. Ngày nay, đất nước thống nhất chỉ còn “một dãi từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái”. (báo Quốc tế số 13/14, ngày 13/4/2005). Vậy vùng đất từ ngàn xưa được ghi là địa đầu tổ quốc: Ải Nam Quan nay ở đâu?

Trong thập niên 1980’ đồng bào hải ngoại gởi về cho thân nhân mấy trăm triệu đôla mỗi năm, số ngoại tệ này đã giúp đất nước vượt qua khó khăn khi bắt đầu đổi mới, giờ đây trên bốn tỉ đôla. Nhưng hình như tình cảm từ bên ngoài chuyển về càng lớn thì hận thù của giới lãnh đạo CS trong nước càng tăng, qua việc vận động ngoại giao đập phá các bia tưởng niệm thuyền nhân ở Mã Lai, Nam Dương. Nhắc lại những đau thương của dân tộc trong 32 năm sau ngày đất nước thống nhất, -không phải để nung nấu mối thù hận, mà chỉ vì nuối tiếc dân tộc đã bỏ lỡ cơ hội hoà giải, khiến đất nước tụt hậu thê thảm.

Kính thưa Ông Võ Văn Kiệt,

Ông là một trong những nhân chứng lịch sử hiếm hoi còn tại thế, đang “có trách nhiệm thi hành chính sách đổi mới” của Đảng CSVN. Ông nói: “Đã đến lúc mọi người VN gạt bỏ những phân biệt, chia rẽ do quá khứ để lại. Về phần mình, Đảng là người đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, có đủ thẩm quyền trước lịch sử để làm được điều này. Đảng cần thể hiện trách nhiệm trước lịch sử, nắm lấy cơ hội để gắn kết dân tộc, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc và sức mạnh thời đại vào chính thời điểm có một không hai này” (VietNamNet). Ngày 30/4 năm nay ông lập lại: “đã tới lúc bỏ lại phía sau những chia rẽ phần nhiều do nước ngoài can thiệp gây ra”. Ông xác định rõ: “Kẻ thù của VN là Pháp trước đây, kẻ thù của VN là Mỹ sau này, kẻ thù của VN là Trung Quốc đánh biên giới phía Bắc, chúng ta cũng ghép lại quá khứ được, thì tại sao chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy mà lại đố kỵ lẫn nhau”.

Không hiểu chữ “chúng ta” Ông muốn nói tới ai? Thói thường, chỉ có những người có chung quyền lợi mới đố kỵ ghen ghét nhau mà thôi. Như vậy, Ông muốn nói với những người trong đảng của Ông. Những “đố kỵ” đó đã phá hoại công cuộc đổi mới của đảng, qua những hành động như bịt miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý trưóc tòa; dùng bạo lực ngăn cản những phụ nữ - thân nhân các nhân vật đối kháng, đến dự tiếp tân theo lời mời của Đs HK; truy tố bỏ tù các Ls Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Bắc Truyển, Bs Lê Nguyên Sang, nhà báo Trần Khải Thanh Thủy, Huỳnh Nguyên Đạo …về tội vận động đòi dân chủ tự do. Trong khi Ông kêu gọi hoà giải thì những người trong đảng Ông tiếp tục xữ dụng bạo lực chuyên chính, khiến người ta phải lập lại câu nói của cố TT Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe gì CS nói, hãy nhìn những gì CS làm”.

Nội bộ đảng chưa hoà giải được thì làm sao có thể hoà giải dân tộc? Tuy nhiên, việc đố kỵ là lẽ thường tình của con người khi quyền lợi bị sứt mẻ. Ngay từ khi đảng CS chủ trương đổi mới hồi hai thập niên trước, đã có sự chống đối. Trong bài “Đổi mới: Chiến thắng chính mình” ông Đặng Phong than vãn: “Cái mới dù đã được thực tiễn chứng minh, nhưng những người có quyền vẫn phớt lờ, không muốn thừa nhận, chỉ vì nó khác sách vỡ mà mình đã học. Văn kiện chưa dám nói kinh tế thị trường phải lách là hạch toán kinh doanh XHCN”. Người ta “xì xầm những chuyên gia thảo văn kiện đang đi theo con đường chủ nghĩa xã hội kiểu Nam Tư” và nhắc lại câu nói của Bộ trưởng Ngoại thương Lê Khắc: “Bước xuống sân bay Tân sơn Nhất là đã thấy sặc mùi Nam Tư rồi”. (báo Tuổi trẻ TP/HCM ngày 15/12/2005) Những người ủng hộ đổi mới như Nguyễn Khắc Viện, Trần Bạch Đằng…bị kết án là “những tên xét lại”. Sở dĩ người CS thường dị ứng với “xét lại” với Nam Tư, có lẽ vì lời nhận xét của lãnh tụ Nam Tư nổi tiếng Milovan Djilas từ mấy mươi năm trước: “Cộng sản là một thế lực suy tàn, có người còn nói nó là một xác chết nhưng là một xác chết có thể lôi ta xuống mồ với nó”.

Kính thưa Ông Võ Văn Kiệt,

Ngày trước VNCH bị đồng minh trói tay, không được thắng trong cuộc chiến, vì lẽ có nhiều người chưa hiểu CS là gì? Họ nghĩ rằng CS giải phóng dân tộc, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp, không có cảnh người bốc lột người, ai cũng được tự do hạnh phúc. Chính do niềm tin và lòng yêu nước, người dân đã bị lợi dụng trong thời gian dài, nên đất nước tụt hậu là điều không thể tránh khỏi. Tôi tin rằng, ý thức được điều đó, thì dễ dàng xóa bỏ đố kỵ lẫn hận thù. Vì sự tồn vong của đất nước nên Ông kêu gọi lương tri của mọi người VN đóng góp vào công việc chung. Phải hết sức quan tâm đến sự hoà hợp phải đặt dân tộc là tối thượng.

Sở dĩ mấy mươi năm trước không thể hoà giải được, vì người quốc gia bại trận bị xem là tà ngụy, còn người cộng sản chiến thắng tự hào là có chính nghĩa. Cũng không thể hoà giải, khi người CS quan niệm: “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”. Như vậy, không yêu CNXH là không yêu nước. Còn chống CNXH tức nhiên là phản quốc. Nhưng nay Ông công khai cho đó là “một cách nhìn méo mó”. Ông thừa nhận: “có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau”. Ông lại “ủng hộ mạnh chuyện để các ứng viên tự ứng cử và muốn người dân được tự do lựa chọn” trong cuộc bầu cử sắp tới. Như vậy Ông đã thừa nhận “quyền tự quyết thiêng liêng bất khả xâm phạm của người dân”. Điểm này được ghi nhiều lần trong HĐ Paris 1973.

Tôi muốn tin rằng những phát biểu của Ông là thực tâm, nhằm tạo sự hoà giải để cứu nước. Một người có vợ và bốn con chết trong chiến tranh, một người đã dám “xé rào” để thực hiện công cuộc đổi mới, thì không một thế lực nào có thể lừa đưọc, và Ông cũng chẳng còn muốn “bịp” đồng bào nữa, khi lá bài đã lật ngửa. Bây giờ là thời cơ giúp Ông thực hiện hoài bảo ban đầu, cũng là ước mơ chung của dân tộc: xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, độc lập và hoàn toàn tự chủ. Đất nước hiện có đầy đủ điều kiện, chỉ cần hoà giải dân tộc là ước mơ sẽ thành…Nhưng làm sao có thể hoà giải khi hận thù chồng chất suốt hơn 60 năm qua còn đè nặng trong tâm khảm đồng bào? Hận thù xuất phát từ bản chất của chủ nghĩa CS: lấy hận thù làm đường hướng chỉ đạo. Rồi đây Ông sẽ phải thừa nhận một sự thật đau lòng: dân tộc VN còn một kẻ thù đến từ bên ngoài, đó là chủ nghĩa Cộng sản.

Hàng ngàn người quốc gia yêu nước đã bị sát hại hồi 1945. Năm sau, nhân dịp ông HCM sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, ông Daniel Guérin -đảng viên đảng Xã hội Pháp hỏi ông về cái chết của Tạ Thu Thâu. Ông Hồ trả lời: “Ông Thâu là một nhà ái quốc…nhưng tất cả những ai không theo đường lối của tôi đều sẽ bị bẻ gãy”. (Jean Lacouture, Ho Chi Minh, Penguin Books, Harmondsworth, 1969, P.130). Rồi trong Cải cách ruộng đất, Tố Hữu hô hào:

“Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong.
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”.


Vì tôn thờ những người ngoại chủng, làm mất đi truyền thống “tình dân tộc nghĩa đồng bào”, tạo ra hận thù dân tộc. Chủ nghĩa CS tạo ra thù hận. Đó là nhận xét chung của người dân trong nước khi họ góp ý với Đảng CS nhân Đại hội X. Ông Đặng Văn Việt, đảng viên CS, 87 tuổi phát biểu: “người theo chủ nghĩa CS luôn được khuyến khích đến cái ác. Trái với các đạo giáo khác trên thế giới luôn giáo dục con người lòng từ bi bác ái, tương thân tương ái, hạn chế sự độc ác của loài người với nhau. Vì vậy mà Đạo Phật tồn tại đến nay là 2500 năm, đạo Thiên chúa 2000 năm và đạo Hồi đến nay là 1500 năm. Còn đảng Mác (từ khi Tuyên ngôn CS của Mác ra đời năm 1848) chỉ tồn tại 150 năm thì sụp đổ”. (“Góp ý vào bản báo cáo chính trị đại hội X”)

Một nhận xét nữa là của một sinh viên trẻ, sinh ra và lớn lên trong chế độ CS. Em viết: “Truyền thống dân tộc ta là nhân nghĩa, khoan dung…Nhưng chủ nghĩa Mác Lenin lại là “bạo lực cách mạng” phải đào mồ chôn người khác, và phải luôn nuôi trong đầu những ý nghĩ hận thù. Chúng ta đâu có xứng đáng là con cháu Nguyễn Trãi với việc sử dụng bạo lực để đàn áp người trái ý với mình. Nguyễn Trãi dạy rằng “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo” (http://ptdcvn.org)

Xét cho cùng, người đem chủ nghĩa CS vào đất nước là ông Hồ Chí Minh cũng đã bị bịp khi ông bôn ba đến Pháp tìm đường cứu nước. Con người không ai tránh khỏi sai lầm, nhất là tuổi trẻ với hoài bảo lớn lao, với bầu nhiệt huyết đấu tranh giành độc lập tự do cho tổ quốc càng dễ lầm lẫn trước thủ đoạn của những kẻ mưu đồ vương bá.

Trước đó ba năm (1917) người dân Nga cũng bị Lê-nin bịp, họ cam chịu suốt hơn 70 năm. Đến giữa thập niên 1980, lãnh tụ Gorbachev phải thực hiện chính sách glasnost (cởi mở), cải cách chính trị một cách sâu rộng để cứu nước Nga: vai trò độc quyền lãnh đạo của đảng CS bị hủy bỏ, hệ thống đa đảng được chấp nhận, chế độ tổng thống được thành lập. Kế hoạch cải cách bị phe bảo thủ chống đối, họ quản thúc Gorbachev, ra lịnh bao vây toà nhà Quốc hội Nga, nhưng lực lượng KGB không thi hành. Đảo chánh bất thành, quyết định đầu tiên của Gorbachev khi trở lại chính quyền là đặt Đảng CSLX ra ngoài vòng pháp luật, giải tán Ban Chấp hành Trung ương và từ chức Tổng bí thư đảng.

Trong cuộc phỏng vấn truyền hình trực tiếp từ HK, đài ABC đã hỏi Yelsin -Tổng thống Cộng hoà Nga: “liệu các nước khác có nên tiếp tục theo đuổi thiên đường CS sau kinh nghiệm vừa qua của LX hay không?” Yelsin trả lời: “Chủ nghĩa CS là một thảm kịch cho dân tộc chúng tôi. Kinh nghiệm lịch sử cho phép chúng tôi kết luận một cách quả quyết rằng mô thức xã hội chủ nghĩa đã thất bại. Tôi tin rằng đây không chỉ là một bài học đối với riêng chúng tôi mà còn cho cả các dân tộc khác nữa”.

Chủ nghĩa CS đã cáo chung ngay tại xứ sở của Lê-nin, được tôn xưng là quê hương Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa. Trước đó, trong cuộc bầu cử tự do ngày 18/3/1990, nhân dân Đông Đức quyết định đào mồ chôn chủ nghĩa CS khi họ đã thấy rõ sự cách biệt giữa hai miền đông tây đất nước sau gần nửa thế kỷ thực hiện việc phát triển theo hai mô thức khác nhau. Nhờ đó nước Đức thống nhất trong độc lập dân chủ tự do và hoà bình. Nước Đức lại là nơi phát sinh ra chủ nghĩa CS: Marx và Engels đều là người Đức và lý thuyết CS được phổ biến đầu tiên cũng trên báo chí Đức sau đó mới lan rộng khắp Âu Châu và thế giới.

Tại VN, trong giai đoạn thoái trào của chủ nghĩa CS, dù còn một thiểu số những người CS bảo thủ cuồng tín, song tôi tin tưởng ở tương lai dân tộc, khi đất nước còn có những người CS thức tỉnh. Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC, Ông có đề cập đến ông Nguyễn Hộ. Rất tiếc tôi chưa nghe phát thanh đoạn này... Tuy nhiên, những người yêu nước theo CS như Nguyễn Hộ rất đáng kính trọng. Ông đã chiến đấu cho đất nước và là người vô sản đúng nghĩa: cuối đời vẫn với bộ y phục: quần xà lỏn đen và cái áo ngắn tay đã bạc màu, lui về vùng quê Phú Giáo hái rau để sống qua ngày. Và đặc biệt hơn, ông đã từ bỏ Đảng Cộng sản để còn giữ được tiếng là người yêu nước: “Tôi làm cách mạng 56 năm, gia đình tôi có hai liệt sĩ: anh ruột và vợ tôi. Nhưng phải thú nhận rằng chúng tôi đã chọn sai lý tưởng CSCN, bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng CS ấy, nhân dân đã chịu hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng đất nước chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sĩ nhục nên tôi ly khai Đảng CSVN rời thành phố về sống ở nông thôn”. (Nguyễn Hộ, Quan điểm và cuộc sống). Không phải gia đình ông chọn sai lý tưởng mà chỉ bị bịp mà thôi

Kính thưa Ông Võ Văn Kiệt,

Ông tự nhận là một người quốc gia yêu nước đi theo chủ nghĩa cộng sản…Nhưng ngày nay chủ nghĩa CS đã trở thành lực cản khiến đất nước ngày càng tụt hậu. Cựu TT Singapore Lý Quang Diệu đã từng nhận xét: “Năm 1975 TP/HCM có thể sánh ngang với Bangkok nhưng nay -năm 1992 nó tụt lại đàng sau hơn 20 năm”. Đầu năm 2007 có dịp trở lại Sàigòn, ông tuyên bố “VN cần thêm 40 năm nữa mới bắt kịp Thái Lan”. Thời điểm 1992 ông Nguyễn Hộ từ bỏ đảng, nếu giới lãnh đạo CS cũng theo gương ông thì đất nước hôm nay có thể đã san bằng hố cách biệt với Thái Lan. Ông là người đề xuất chánh sách đổi mới, được đảng giao trách nhiệm thi hành. Ông nhắc đến người đồng chí Nguyễn Hộ được đồng bào mến mộ, biết trọng liêm sỉ: khi công thành danh toại, thừa hưởng biết bao đặc quyền đặc lợi, lại can đảm từ bỏ đảng khi thấy đảng không còn phục vụ cho lợi ích của dân của nước. Nay đồng bào không mong gì hơn: người quốc gia theo chủ nghĩa CS Võ Văn Kiệt trở thành một người quốc gia đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, với một quyết định làm nên lịch sử: Chỉ có một con đường là giải tán Đảng CSVN.

Ông đã đề xuất thì có lẽ Ông đã có biện pháp. Với lòng thành, tôi nguyện cầu hồn thiêng sông núi giúp Ông sớm hoàn thành sứ mạng lịch sử trọng đại: dân tộc tự do, đất nước phú cường. Trân trọng kính chào Ông.

Lê Quế Lâm

(DT)

---

- Quanh chuyện bầu cử hề 20/5/07
- Toàn bộ phỏng vấn với cựu TT Võ văn Kiệt
- BBC phỏng vấn cựu thủ tướng Võ văn Kiệt (toàn bộ)
- Về VVK: Vài lời của người đọc và nghe
- 2005: Về bức thư đóng góp ý kiến của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt
- Hoà Giải Dân Tộc: Mấy Đề Nghị

- Giáo dục đạo đức cách mạng cộng sản là phản động
- Ðiểm qua “diện mạo” làng báo Việt Nam
-

Aucun commentaire: