1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

vendredi 9 février 2007

VNT: Viet Nam can doi moi that su: Ket luan

VÕ NHÂN TRÍ
VIỆT NAM CẦN ĐỔI MỚI THẬT SỰ
ĐÔNG Á XUẤT BẢN

Viet Nam can doi moi that su (VNT)
VNT: Ch1 : Y thuc he cua chanh sach doi moi
VNT: Ch2 "Doi moi" Kinh te
VNT Ch3: "Doi moi" Chinh tri (a)
VNT: Ch3: "Doi moi" Chinh tri (b)
VNT: Ch3 "Doi moi" Chinh tri (c)
VNT: Ket luan

_____


KẾT LUẬN


Trong các chương trên chúng tôi đã phân tích riêng rẽ các khía cạnh của "đổi mới" kinh tế và "đổi mới" chính trị. Tuy nhiên, trong thực tế thì hai loại "đổi mới" này có quan hệ chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau một cách biện chứng. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chính trị và kinh tế cũng là đặc điểm của mọi chế độ độc đảng. 1

Nhìn chung, trong hơn 15 năm qua, chúng ta thấy về mặt kinh tế thì có "cởi trói" phần nào, tuy còn là nữa với, nhưng về mặt chính trị thì hệ thống chính trị vẫn còn bị "đông lạnh" về cơ bản, tuy cũng có một số thay đổi ở ngoại vi. Hiện tượng "đông lạnh" chính trị này, đến lượt nó góp phần kìm hãm "đổi mới" kinh tế. Ðó là quan hệ biện chứng giữa chính trị và kinh tế.

Về vấn đề này, cần nhấn mạnh một điều là, trái với dự đoán của một số người (cả Việt Kiều lẫn các nhà quan sát ngoại quốc), cải tổ kinh tế không tự động dẫn đến mở rộng tự do về mặt chính trị, ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc. Trong trường hợp Việt Nam, một nhà quan sát Pháp đã nhận xét rằng chính quyền Hà Nội một mặt thì cố gắng cải tổ kinh tế để thu hút viện trợ, ngoại thương và đầu tư ngoại quốc cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, nhưng mặt khác vẫn cưỡng lại những áp lực của các nước tư bản yêu cầu Việt Nam thực hiện dân chủ đa nguyên và tôn trọng nhân quyền 2. Tuy nhiên, sự phân đôi (dichotomy) quá trình "đổi mới" như ÐCSVN đang làm hiện nay không thể nào kéo dài mãi mãi được. Bởi vì theo quy luật biện chứng như đã nói bên trên, đến một lúc nào đó nếu không đẩy mạnh cải tổ chính trị hơn nữa thì cải tổ kinh tế sẽ bị kìm hãm dần dần, thậm chí có thể bị tắc nghẽn. Và hiện tượng này đã bắt đầu xảy ra hồi đầu năm 1997. Lúc đó, công cuộc "đổi mới" kinh tế, vốn đã nửa vời, lại giẫm chân tại chỗ vì nó chạm phải một số chướng ngại vật có tính cách chính trị - ý thức hệ của ÐCS, do đó tăng trưởng kinh tế bị khựng lại trong một thời gian.

Từ mấy năm nay đã có một số người sáng suốt ở trong nước đề nghị rằng, để khai thông hoàn toàn con đường phát triển kinh tế, để có tăng trưởng kinh tế cao và bền vững thì cần phải có một "đột khẩu phá" về mặt chính trị theo hướng dân chủ hóa thật sự đất nước.

Ông Trần Ðộ, cách dây hơn 3 năm, trong một bài tham luận gởi cho các lãnh đạo ÐCS và Nhà nước đã nhận xét như sau:

"...chúng ta gần như chỉ có một phương án [phát triển kinh tế -VNT], và phương án này được coi là độc tôn chỉ vì đó là phương án của Ðảng... không ai được thảo luận một cách tự do về phương án duy nhất [nầy]..., Tôi tin rằng trong nhân dân ta, nhất là trong giới trí thức (kể cả trong và ngoài nước), có rất nhiều ý kiến hay mà nếu được nói lên, được cọ sát với nhau, được tranh cãi tự do thì sẽ phá vỡ được sự bế tắc về trí tuệ, do đó sẽ có lợi cho việc tìm kiếm một con đường đi thích hợp cho đất nước... Nói cách khác,... gánh nặng độc tôn còn đè nặng lên đầu óc con người; những ý kiến khác với chính thống bị coi là chống đối, đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa tới tình trạng gần như tắc tị về chiến lược phát triển hiện nay (...).

Trong nhiều Nghị Quyết của Ðảng cũng có nói tới "cải cách chính trị" đi đôi với "cải cách kinh tế". Và có nói thêm "cải cách kinh tế đi trước" rồi sẽ tiến hành "cải cách chính trị" nhưng lại thấy mất tăm; thay vào đó là "cải cách hành chính" mà suốt nhiều năm qua vẫn chưa đi tới đâu.

Theo tôi, cải cách kinh tế hiện nay đang đòi hỏi phải có cải cách chính trị một cách mạnh mẽ [theo hướng dân chủ hóa thật sự - VNT] và nếu không có cải cách chính trị thì cải cách kinh tế sẽ bế tắc [tác giả nhấn mạnh]" 3.

Ở một đoạn khác, ông Ðộ còn viết: "Tình hình đất nước đang đòi hỏi dân chủ hóa một cách bức thiết. Tôi không nói rằng dân chủ là thuốc trị bách bịnh; còn phải làm những việc khác nữa mới đưa đất nước lên con đường phát triển..., mới rữa được cái nhục nghèo khổ và tụt hậu. Nhưng dân chủ hóa là điều kiện không thể thiếu, điều kiện đầu tiên để đảm bảo sự phát triển của đất nước. Khi người dân không có tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội... thì mọi bàn luận về sự phát triển đất nước và hiện đại hóa... chỉ là vô ích. Bởi vì... chỉ có những quyền tự do này mới tạo nên được sức mạnh trí tuệ toàn dân tộc, và chỉ có sức mạnh này mới đưa tới sự phát triển của đất nước" [tác giả nhấn mạnh] (ibid).

Hiện nay, những nhận xét trên đây vẫn còn giá trị hoàn toàn.

Ngoài ông Trần Ðộ ra, nhiều người trong nước cũng nói đến quan hệ biện chứng giữa chính trị và kinh tế, giữa dân chủ và phát tiễn như BS. Nguyễn Ðan Quế chẳng hạn 4. Một số nhà quan sát và ký giả ngoại quốc am hiểu tình hình Việt Nam cũng đã có nhận xét tương tự 5.

Về mặt lý thuyết thì đã có nhiều tài liệu nghiên cứu về quan hệ gắn bó chặt chẽ, qua lại giữa tự do, dân chủ và phát triển kinh tế. Năm 1992, nhà kinh tế học John F. Helliwell chẳng hạn cho rằng tự do, dân chủ và nhân quyền là điều kiện cần thiết để nâng cao mức sống của người dân và đưa đất nước tiến lên phồn vinh. Về ngắn hạn thì ảnh hưởng trực tiếp của tự do, dân chủ đối với tiến bộ kinh tế có thể là không đáng kể. Nhưng về dài hạn thì tự do dân chủ góp phần nâng cao văn hoá, giáo dục, đầu tư và do đó gián tiếp giúp cho kinh tế phát triển 6.

Năm 1994, ba nhà kinh tế học ngoại quốc đã viết một bài khá dài trong tuần báo The Economist tựa đề là "Dân chủ và Tăng Trưởng", và họ đã kết luận rằng: "nền dân chủ [đa nguyên] củng cố tự do kinh tế, và do đó trở thành nền tảng của sự tăng trưởng [kinh tế]" 7.

Gần đây, nhà kinh tế học Anh gốc Ấn Ðộ, GS. Amartya Sen, giải thưởng Nobel kinh tế năm 1998, cũng nhấn mạnh rằng: "thật ra, có những nhà nghiên cứu... đã đem lại nhiều bằng chứng cho thấy rằng quyền công dân và quyền chính trị [tức là quyền tự do dân chủ - VNT] có tác dụng tích cực đối với tiến bộ kinh tế" 8. Lấy một ví dụ cụ thể để minh họa sự liên hệ giữa dân chủ đa nguyên và không có nạn đói chẳng hạn, GS. A. Sen viết: "tại sao lại phải giả thiết là có một mối liên hệ giữa dân chủ [đa nguyên - VNT] với sự không có nạn đói xảy ra? Trả lời rất dễ. Nạn đói đã giết hại hàng triệu con người trong nhiều nước trên địa cầu, nhưng không hề giết [những người lãnh đạo] ở các nước đó... và miễn là không có tuyển cử [tự do], không có đảng phái đối lập, không có chỗ cho người ta tự do phê bình công khai thì chính quyền không bao giờ phải gánh chịu hậu quả chính trị về việc họ bất tài, bất lực không ngăn chặn nổi nạn đói. Trái lại, trong một nền dân chủ [đa nguyên] thì các nhóm cầm quyền... cũng phải trả cái giá cho nạn đói đó.

Ngoài ra, còn có vấn đề thông tin nữa. Báo chí tự do, và nói một cách tổng quát hơn thực thi dân chủ [đa nguyên] đóng góp lớn vào việc phổ biến thông tin có tính cách quyết định trong chiến lược ngăn chặn nạn đói (...). Tôi cho rằng tự do báo chí và đối lập chính trị tích cực là phương cách báo động hữu hiệu nhất trong một nước bị nạn đói đe dọa". 9

Trong một bài phỏng vấn của tờ báo Yomiuri tại Tokyo hồi tháng 02.1999, GS. Sen nói rõ thêm về quan hệ giữa dân chủ đa nguyên và phát triển kinh tế như sau:

"Ðể phát triển kinh tế, dân chủ [đa nguyên] đóng vai trò quan trọng vì ba lý do:

1. Dân chủ đem lại cho mọi người dân trong một nước quyền tự do chính trị và các quyền lợi phát huy khả năng của mọi người.

2. Dân chủ đem lại động cơ chính trị khiến chính phủ mỗi nước phải đáp ứng các yêu cầu của quốc dân vì chính phủ phải tiếp nhận các lời phê bình từ các đảng đối lập, từ các cơ quan thông tin, từ Quốc hội vì chính phủ không muốn thất bại trong các cuộc tuyển cử [tự do], nên chính phủ buộc lòng phải xem các nổi khốn khó của dân chúng là nổi khốn khó của chính mình. Vì vậy, dưới chế độ dân chủ [đa nguyên] không xảy ra nạn đói. Nạn đói chỉ xảy ra ở Ấn Ðộ dưới thời thực dân, ở các xứ độc tài quân phiệt hay độc tài do một dảng duy nhất cầm quyền.

3. Việc được tự do bàn bạc và trao đổi ý kiến là một điểm quan trọng của dân chủ. Nếu không được nghị luận rộng rãi, công khai, người ta khó lòng quyết định thứ tự ưu tiên của chính sách một cách đầy lý tính bằng những thủ tục hợp pháp được". 10



Gần đây hơn, khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Vietnam Economic Times hồi tháng 03.2002, ông Joseph Stiglitz, giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2001, cũng nhấn mạnh là phát triển không chỉ là tăng Tổng Sản Phẩm quốc nội (GDP) mà còn là tạo dựng một xã hội tốt đẹp hơn, một xã hội dân chủ thật sự và công bằng. Ông nói: "sự phát triển bền vững, [về mặt kinh tế], dân chủ [về mặt chính trị], công bằng [về mặt xã hội] có ý nghĩa bao quát hơn" 11 tăng trưởng kinh tế thuần túy.

Cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đã từng nói: "Tự do [dân chủ] đi đôi với phát triển" 12 và cựu Tổng thống Nam Hàn Kim Ðại Trung cũng nhấn mạnh: "Dân chủ [đa nguyên] và phát triển phải đi đôi với nhau" 13. Cựu Tổng thống Mỹ, Bill Clinton, trong bài diễn văn tại Ðại Học Quốc Gia Hà Nội hồi tháng 11.2000 cũng cho rằng dân chủ thật sự là động cơ chính đáng để phát triển kinh tế.

"Tuyên ngôn về quyền được phát triển" (Dec1aration on the Right to Development) do Ðại hội Ðồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết hồi năm 1986 đã long trọng xác nhận là việc không tôn trọng các quyền dân sự chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá là ngăn trở sự phát triển. 14

Năm 2000, trong bản báo cáo hằng năm của "Chương Trình Phát Triển của Liên Hiệp Quốc" (UNDP) người ta cũng nhấn mạnh rằng tự do, dân chủ tôn trọng nhân quyền là điều kiện cần thiết cho sự phát triển kinh tế, và quốc gia nào muốn có tăng trưởng kinh tế bền vững đều phải có dân chủ thật sự và tôn trọng nhân quyền. 15

Bên phía các nước cựu XHCN Ðông Âu, nhà kinh tế học nổi tiếng Hungari, GS. Janos Kornai, một chuyên gia về kinh tế XHCN và hậu XHCN chứng tỏ là cải cách chính trị, chính quyền và ý thức hệ là điều kiện quyết định để mở đường cho các cải cách cơ bản trong các lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội và văn hóa16 [chúng tôi nhấn mạnh - VNT].



Kinh nghiệm của các nước Trung Âu và Ðông Âu cho thấy rằng những nước nào kiên quyết thay đổi một cách dứt khoát hệ thống chính trị cũ bằng một hệ thống chính trị mới như Ba Lan, Hungari, Cộng Hòa Tiệp từ lúc khởi đầu đều thành công, cả về mặt phát triễn kinh tế lẫn tiến bộ dân chủ thật sự về mặt chính trị. Ngược lại, các nước nào chỉ cải cách nửa vời về mặt chính trị và kinh tế thì không thành công cả về hai mặt này 17.

Thiết tưởng tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam nên qua các nước bạn cũ này để tham khảo kinh nghiệm của họ hơn là đi qua Bắc Kinh để, theo lời tuyên bố của cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, "học tập kinh nghiệm quý báu (?) của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Quốc". 18

&

& &



Sau gần 16 năm "đổi mới", nếu căn cứ vào cả ba khía cạnh ý thức hệ, chính trị và kinh tế - và để đánh giá đúng bản chất của một chế độ toàn trị thì tất nhiên phải xem xét toàn bộ cả ba khía cạnh nầy vì nó gắn bó chặt chẽ với nhau - thì chúng ta có thể khẳng định rằng chế độ Hà Nội hiện nay về cơ bản vẫn là một chế độ XHCN toàn trị chứ không phải đã "từ bỏ XHCN" như một số người (cả Việt Kiều lẫn người ngoại quốc) lầm tưởng.

Do đó, đối sách của những người dân chủ hiện nay là phải đấu tranh để phi xã hội chủ nghĩa hóa nó một cách toàn diện. Nói một cách khác, chúng ta cần phải kiên trì đấu tranh để dân chủ hóa thật sự đất nước, cả về mặt đối nội (chính trị và kinh tế) lẫn đối ngoại (chính sách ngoại giao).

Theo thiển ý của chúng tôi, chương trình hành động tổng quát của những người yêu chuộng tự do, dân chủ trong giai đoạn hiện nay có thể bao gồm năm điểm chủ yếu sau đây:

1. Yêu cầu chính quyền Hà Nội thả ngay những tù nhân chính trị, tôn giáo và sắc tộc, và giải quản những người bị quản chế; đồng thời hủy bỏ nghị định 31/CP.

2. Thực hiện các quyền tự do dân chủ cơ bản đã ghi trong Hiến Pháp 1992, và nhất là trong "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị", đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp và lập hội; từ bỏ điều 4 của Hiến Pháp 1992; và chấm dứt việc bưng bít thông tin giữa trong và ngoài nước.

3. Mạnh dạn cởi trói khu vực kinh tế tư nhân (nhất là kinh tế tư bản tư nhân); công nhận quyền tư hữu ruộng đất và các tài sản khác.

4. Cùng lúc, cải cách triệt để các doanh nghiệp nhà nước, song song với việc đẩy mạnh cải cách hệ thống ngân hàng như đã đề nghị bên trên.

5. Ðảo ngược hoàn toàn trật tự ưu tiên trong chính sách ngoại giao hiện nay.

Có lẽ về điểm năm này cần nói thêm một vài chi tiết. Trong "Báo cáo chính trị" tại Ðại hội lần thứ 9 (tháng 04.2001), ÐCSVN đã nêu lên trật tự ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam như sau:

?a. "coi trọng và ra sức phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước XHCN" [tức là Trung Quốc, Cu Ba, và Bắc Hàn - VNT]

?b. "[và] các nước láng giềng" [tức là Cam-Bốt và Lào - VNT]

?c. "từng bước nâng cao hiệu quả của sự hợp tác với các nước... ASEAN"

?d. "củng cố và mở rộng quan hệ với... các nước độc lập dân tộc, các nước đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi, Trung Ðông và Mỹ La Tinh"

?e. "thúc đẩy quan hệ với các nước phát triển [tức là các nước tư bản dân chủ như Nhật, Anh, Pháp. Mỹ, Bắc Âu v.v... - VNT] và các tổ chức [tài chính] quốc tế" 19.

Nhìn vào thứ tự ưu tiên trên đây thì chúng ta thấy nổi bật một điều là sự tréo cẳng ngổng giữa kinh tế đối ngoại và chính sách ngoại giao của chính quyền Hà Nội: Việt Nam tìm đủ mọi cách để thu hút đầu tư ngoại quốc, viện trợ và vay vốn v.v... từ các nước tư bản dân chủ và các tổ chức tài chính quốc tế nhưng lại đặt tầm quan trọng trong quan hệ ngoại giao với họ ở hàng cuối cùng; ngược lại Việt Nam đặt quan hệ ngoại giao với các nước XHCN toàn trị lên hàng đầu, trong đó trước tiên là Trung Quốc, một nước đã từng "dạy cho Việt Nam một bài học" hồi năm 1979 [Trung Quốc đã tấn công nước Việt Nam anh em hồi tháng 02.1979 và chiếm một số tỉnh cho tới tháng 05.1979 khi bị đánh bại], một nước đã ép Việt Nam phải nhượng cho họ, theo các Hiệp Ðịnh đã ký kết khu vực Ải Nam Quan, thác Bản Giốc và hơn 10.000 cây số vuông ở Vịnh Bắc Bộ, một nước đã và đang làm tràn ngập hàng lậu và hàng thiếu phẩm chất không thể bán được ở Mỹ và Châu Âu, do đó gây nhiều thiệt hại cho công nghiệp và thủ công nghiệp Việt Nam! 20 Quan hệ "hữu nghị, hợp tác" với Trung Quốc là như thế đấy!

Vì vậy cho nên trong điểm năm trên đây chúng tôi chủ trương đảo ngược hoàn toàn trật tự ưu tiên của chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay, tức là đặt lên hàng đầu quan hệ với các nước dân chủ, tư bản, và đặt ở hàng chót quan hệ với các nước XHCN, độc tài. Làm như vậy tức là góp phần vào việc dân chủ hóa đất nước về mặt ngoại giao.



Nếu về mặt chính trị, kinh tế và ngoại giao những người dân chủ kiên trì gây sức ép tối đa và liên tục để buộc ÐCS và nhà nước thực hiện dần dần năm yêu sách nói trên thì, tới một mức độ nào đó, chúng ta sẽ thấy lượng sẽ biến đổi thành chất tức là sẽ xảy ra hiện tượng mà các nhà triết học chuyên về phép biện chứng (Dialectics) gọi là một sự Thay đổi về chất (Qualitative change).

Ðiều này có nghĩa là hệ thống chính trị - kinh tế của "chủ nghĩa xã hội đổi mới" sẽ phải chuyển sang một hệ thống chính trị - kinh tế hoàn toàn phi XHCN (hoặc phi cộng sản) một cách hòa bình.

Chúng tôi vẫn ý thức rằng ÐCSVN chỉ thực hiện điều này khi tương quan lực lượng giữa họ với đối lập đã thay đổi một cách bất lợi cho họ mà thôi. Những người dân chủ không thể ngây thơ trông chờ tập đoàn lãnh đạo cộng sản tự ý chấp nhận một sự thay đổi triệt để hệ thống chính trị kinh tế hiện nay nếu họ không bị áp lực hết sức mạnh mẽ hoặc nếu không có một biến động gì lớn.

Chúng tôi vẫn nhớ rằng cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã từng tuyên bố là ÐCSVN: "đổi mới nhưng quyết không đổi màu", và không có "khó khăn, thách thức [nào] làm cho [ÐCS] đi chệch con đường tiến lên CNXH" 21 dù rằng về vấn đề này, như Nông Ðức Mạnh đã thú nhận, "còn nhiều câu hỏi [được] đặt ra và công tác lý luận chưa có lời giải đáp". 22

Một khi xảy ra sự: "thay đổi về chất" như đã nói bên trên thì, dù muốn dù không, các nhà lãnh đạo cộng sản cũng không thể nào chống đỡ được, tức là họ phải "đổi màu" khi tương quan lực lượng đã ngã hẳn về phía những người dân chủ như trường hợp đã xảy ra ở Ðông Ðức khi bức tường Bá Linh sụp đổ chẳng hạn.



Ðể thực hiện chương trình hành động tổng quát nói trên, cần thành lập một Liên Minh (hoặc Mặt Trận) Dân Chủ hết sức rộng rãi bao gồm tất cả các phần tử chính trị và tôn giáo đấu tranh cho dân chủ đa nguyên, cả trong lẫn ngoài nước, bất kể xu hướng chính trị và tôn giáo khác nhau trước đây.

Năm 1995, trong một cuộc hội thảo về Việt Nam ở Sydney (Úc) chúng tôi cũng đã đưa ra một đề nghị tương tự như vậy rồi 23.

Về vấn đề Liên Minh này có một số Việt Kiều cho rằng giới tuyến phân cách giữa bạn và thù là giữa "một tập hợp dân tộc" một bên, còn bên kia là "nhóm phản dân tộc". Nhưng nên hiểu như thế nào là dân tộc một cách cụ thể ở đây? Không lẽ chúng ta coi các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay không phải là một thành phần của dân tộc Việt Nam hay sao? Do có sự nhập nhằng đó cho nên, theo thiển ý của chúng tôi, giới tuyến phân cách giữa dồng minh và địch thủ phải là dân chủ, đa đảng một bên, và độc tài độc đảng bên kia, tức là tất cả những người yêu chuộng dân chủ một bên (bao gồm cả những cán bộ, đảng viên bất dồng chính kiến, công khai và thầm lặng) và bên kia là tập đoàn lãnh đạo độc tài và tay sai. Tóm lại, khẩu hiệu dân chủ đối kháng với độc tài có thể là rõ ràng, dứt khoát hơn là khẩu hiệu "dân tộc" chống lại "phản dân tộc".

Sở dĩ cần làm rõ điều này bởi vì nó quyết định chiến thuật liên minh của chúng ta: liên minh với ai, để chống lại ai.

Về chiến thuật này có lẽ chúng ta nên học tập kinh nghiệm đã thành công của nhũng người cộng sản trước đây, tức là:

?a. nên phân định cuộc đấu tranh để dân chủ hóa đất nước thành 3 tuyến: người dân chủ kiên định, người trung gian hoặc thờ ơ, và nhóm lãnh đạo độc tài.

?b. người dân chủ kiên định làm nòng cốt cho Liên Minh Dân Chủ. Ðó là điều kiện tiên quyết dễ tranh thủ, tập hợp các phần tử trung gian, hoặc thờ ơ vào Liên Minh, trên cơ sở một vài điểm đã được thỏa thuận (không nên bắt buộc họ chấp nhận tất cả các quan điểm của những người dân chủ kiên định, trong quá khứ cũng như trong tương lai).

? c. Khi thực hiện được sự đoàn kết rộng rãi toàn bộ lực lượng dân chủ rồi thì chĩa mũi nhọn vào địch thủ chủ yếu duy nhất hiện nay, đó là tập đoàn lãnh đạo cộng sản và tay sai, từ trung ương tới địa phương, và chỉ có họ mà thôi (chứ không đụng chạm gì tới đảng viên bình thường: không nên quơ đũa cả nắm!).

Trong cuộc đấu tranh nầy thì, một mặt, chúng ta phải đoàn kết hết sức rộng rãi với bất cứ ai, kể cả những cán bộ, đảng viên bất đồng chính kiến công khai hoặc thầm lặng và mặt khác, phải phân hóa tối đa hàng ngũ địch để làm họ yếu đi va do đó giảm bớt sức kháng cự của họ.

Ðể gây áp lực tối đa và liên tục đối với địch thủ, những người đối lập có thể áp dụng chiến thuật Bốn Mũi Giáp Công (hai trong, hai ngoài)



1. Ở trong nước:

?a. hoạt động của Liên Minh Dân Chủ là lực lượng chính để tấn công chính quyền trong mọi lĩnh vực (ý thức hệ, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, ngoại giao).

?b. đồng thời Liên Minh Dân Chủ ủng hộ hết tất cả các yêu sách chính đáng của nhân dân lao động (chủ yếu là nông dân) của trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên và sinh viên, phụ nữ và các dân tộc thiểu số, cần gắn liền các yêu sách đó với quá trình dân chủ hóa đất nước, và trong quá trình đấu tranh đó tìm cách nâng cao dần dần trình độ giác ngộ chính trị của nhân dân nói chung.

? Hai mũi tấn công ở trong nước này là chủ lực có ý nghĩa quyết định vì họ phải đương đầu hàng ngày với bộ máy đàn áp khốc liệt ở trong nước. Họ đang và sẽ là những người làm nên lịch sử ở nước ta trong thế kỷ 21 này.



2. Ở ngoài nước:

? a. ủng hộ áp lực của các chính quyền dân chủ ngoại quốc và các tổ chức tài chính quốc tế khi họ đặt điều kiện cần thiết để viện trợ cho Việt Nam; yêu cầu họ không quên nêu lên vấn đề nhân quyền khi họ thương thuyết về viện trợ, đầu tư và buôn bán với Nhà nước Việt Nam.

? b. Việt kiều nhiệt liệt yểm trợ cuộc đấu tranh để dân chủ hóa đất nước ở trong nước cả về vật chất lẫn tinh thần. Và điều kiện để làm việc này có hiệu quả là phải tăng cường đoàn kết giữa Việt kiều với nhau để có thể thống nhất hành động nhằm thực hiện một vài mục tiêu cụ thể trong một thời gian nhất định. Ngoài ra, Việt kiều cũng nên cung cấp đầy đủ và kịp thời các dữ kiện về các vụ đàn áp chính trị và tôn giáo, về vi phạm nhân quyền cho các tổ chức phi chính phủ như Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Quốc Tế (Human Rights Watch), Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Sans Frontières) v.v.., và tích cực vận động họ tố cáo các hiện tượng nói trên. Cũng nên làm như vậy đối với báo chí, công luận ở nước mà Việt kiều đang cư trú. Việt kiều cũng nên vận động các chính trị gia, dân biểu v.v.. tại địa phương mình bằng nhiều cách (có khi phải có qua có lại) để họ ủng hộ cuộc đấu tranh nhằm dân chủ hóa đất nước ta.

Trong quá trình đấu tranh này, chúng ta cần nhớ tới lời khuyên bảo của nhà ly khai Tiệp, cựu Tổng Thống V. Havel: "hãy gieo hạt và biết chờ đợi! Gieo hạt là tuyên truyền, truyền bá qua nói chuyện, thảo luận, viết báo, viết sách... về quyền dân chủ. Gieo hạt không mệt mỏi, chăm sóc hạt, tưới và xới đất, cây dân chủ sẽ mọc. Khi nó mọc lên rồi, chớ sốt ruột. [Nếu] kéo thân cây lên để [cho nó] lớn nhanh, thân cây sẽ đứt, cây chết! Biết chăm sóc để nó lớn, lớn mãi thành cây cao, sum suê cành lá và hoa quả... Cây dân chủ ở Tiệp Khắc lớn từng ngày qua vận động, giải thích, nâng cao dân trí và đấu tranh..." 24 [chúng tôi nhấn mạnh - VNT].

Con đường đấu tranh để dân chủ hóa đất nước thì, ai cũng biết, là rất gay go gian khổ. Nhưng chắc chắn rốt cuộc thì những chiến sĩ dân chủ sẽ giành được thắng lợi vì tập đoàn lãnh đạo cộng sản dù có ngoan cố tới đâu đi nữa thì cũng không thể nào đi ngược mãi cao trào Dân Chủ đa nguyên của thời đại được 25. Nhà văn Hoàng Tiến đã nói rất đúng là "bây giờ cả thế giới sống trong trào lưu dân chủ thì [nước ta] sống trong cái ốc đảo sao được" 26. Nhất là khi, như Ðức giáo hoàng Jean Paul II đã nhấn mạnh: "Tính toàn cầu của khát vọng tự do, dân chủ là một dấu hiệu đặc thù của thời đại chúng ta" &

Paris, tháng 09.2002

&

& &



Chú thích (Kết luận)

1. P. Delalande, le Vietnam face à l?Avenir, sđd, tr. 209-210.

2. Alain S. de Sacy, Vietnam, Le Chagrin de la Paix, Librairie Vuibert, Paris 2002, tr. 128.

3. Trần Ðộ, TK 21, tháng 03.1998, tr. 26 và 29.

4. Nguyễn Ðan Quế, tuần báo L?Express, Paris, 25.05.2000, tr. 68.

5. N. Chanda, FEER, May 4, 2000; J. Grant, Financial Times, London, April 17; 1998, và M. Herland, Le Vietnam en mutation, sđd, tr. 65.

6. John F. Helliwell, Empirical Linkages Between Democracy and Economic Growth, Working Paper, No 4066, National Bureau of Research, Cambridge,1992.

7. The Economist, (London), Aug. 27 - Sept. 2nd, 1994. (Có thể xem bản tóm tắt của Ðỗ Qúy Toàn, TK.21, tháng 10.1994 tr. 13.

8. A. Sen, Le Monde, Paris, 28.10.1998.

9. A. Sen, ibid. Cùng một tác giả, xem L?Economie est unescience morale, Ed. La Découverte, Paris, 1999, tr. 35.

10. A. Sen, báo Yomiuri, do Nguyễn Minh dịch trong TL,tháng 04.1999, tr. 27.

11. J. Stiglitz, trích theo DÐ, tháng 06.2002, tr. 8.

12. F. Mitterrand, trích theo TK 21, tháng 01.1999, tr. 28.

13. K. Ð. Trung, trích theo TK 21, tháng 04.1998, tr. 51; và đài RFI. , 25.02.1998 (chương trình tiếng Việt).

14. Xem Trần Thanh Hiệp, TL, tháng 01.2000, tr. 41.

15. Báo cáo UNDP ngày 28.06.2000, RFI 29.06.2000 (Chương trình tiếng Việt).

16. J. Kornai, The Socialist System. The Political Economy of Communism, Pronceton University Press, New Jersey, 1992, tr. 568.

17. Tạp chí Le Courrier des Pays de l?Est, No 428-429, Mars-Avril 1998, La Documentation Fran?ise, Paris, tr. 6. Cùng xem tạp chí này trong các số 1016 (Juin-Juillet 2001) và số 1026 (Juin-Juillet 2003). Về vấn đề này có thể tham khảo thêm: W. Andreeff (chủ biên), Analyses Economiques de Transition Post - Socialiste, Ed. La Découverte/Roses, Paris, 2001; Bài "Communisme et Post- Communisme en Europe Centrale et Orientale", tạp chí Communisme, France, No 64, 2001; C. Wyplosz, "The years of transformation. Macroeconomic Lessons", tài liệu do Ngân hàng Thế Giới soạn thảo cho hội nghị "ABCDE" hàng năm, 28 & 30.04.1999; S. Fischer & R. Sahay, "The Transition economies after ten years", IMF, Qũy Tiền Tệ quốc tế, số 00/30, 2000.

18. Lê Khả Phiêu, Vietnam Investment Review, March 1-7, 1999.

19. ND 24.04.2001.

20. Về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, một chuyên gia nổi tiếng Pháp, Ông Jean-Luc Domenach, trong quyển sách L?Asie en Danger (Ed. Fayard, Paris, 1998, tr. 260) đã viết như sau: "Bắc Kinh vẫn coi Việt Nam trước hết là một quốc gia thần phục" ("Pékin continue à voir dans le Vietnam,c?est d?abord... un Etat destiné à retrouver sa condition de FÉAL").

21. Lê Khả Phiêu, TCCS, số 4, tháng 02.2000, tr. 5.

22. Nông Ðức Mạnh, TCCS, số 6, tháng 02.2002, tr. 5. Cùng xem Nguyễn Ðức Bình, TCCS, số 4, tháng 02.2000, tr. 18.

23. Võ Nhân Trí "Chính sách đổi mới hiện nay: phân tích và phê phán", trong Hậu quả 50 năm cầm quyền của tập đoàn cộng sản, Tập hợp Ðồng Tâm Úc Châu ấn hành, Syney, New South Wales (Úc), 1995, tr. 53.

24. Thành Tín trích dẫn, Mặt Thật, sđd, tr. 299.

25. J. Attali, Dictionnaire du 2 1ème siècle, Ed. Fayard, Paris, 1998, tr. 92.

26. Ðỗ Ðinh Quang Anh Thái trích dẫn, TK21, tháng 09.2002, tr. 20.

Aucun commentaire: