THẾ NÀO LÀ GIẢI OAN ?
Nguyên Thanh
www.tamthucvietnam.com
6-2-2007
Sau khi miền Bắc thi hành nghĩa vụ quốc tế vô sản tiến hành cuộc chiến tranh bành trướng Cộng sản vào miền Nam dưới chiêu bài giải phóng miền Nam từ đầu thập niên 60, thì cuộc nội chiến đã dẫn đến cảnh tương tàn đẫm máu gây nên cái chết của hàng triệu nhân mạng. Chiếm được miền Nam rồi, vẫn chưa hết người chết. Chết trong trại cải tạo, chết trên đường vượt biển, chết vì bị đánh tư sản, chết trong lao tù, toàn là những cái chết tức tưởi, oan ức.
Thế nhưng, một nhà văn kỳ cựu nọ tin rằng những người chết trong cuộc chiến không hề chết oan. Bởi lẽ theo ông:
- cái chết của những người lính Việt Nam Cộng Hòa là cái chết của những anh hùng vị quốc vong thân.
- cái chết của bộ đội là cái chết hy sinh theo tiếng gọi của truyền thống dân tộc “chống xâm lăng” (xin mở ngoặc ở đây để nói ngay là cái chết của bộ đội miền Bắc là sự hy sinh phi lý và vô nghĩa trong khi thi hành “nghĩa vụ quốc tế” Cộng sản từ Liên Sô Trung quốc chụp lên đầu họ. Không thể nói khác hơn được).
- cái chết của một triệu người trên đường biên vượt biển là cái chết tự nguyện trên đường đi tìm tự do.
Nói tóm lại, theo ông, những người này chỉ là nạn nhân của mối oan khiên của dân tộc.
Nếu đã nói như thế thì trước hết, phải đặt lại vấn đề là tại sao lại có mối oan khiên của dân tộc. Nỗi oan khiên này không phải tự dưng mà đến. Nó từ một mối mà ra, hay nói cho đúng hơn từ chủ nghĩa Cộng sản được một người mang tên Nguyễn Tất Thành tự Hồ Chí Minh mang vào Việt Nam. Chính người này và đảng Cộng Sản của ông ta mới là đầu mối gây ra cái chết của tất cả những nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất, của cuộc chiến xâm lăng miền Nam, của Tết Mậu Thân, của vụ cướp tài sản dân lành qua cái gọi là đánh tư sản, của thảm cảnh vượt biên vượt biển, của việc nướng quân trên chiến trường Kampuchia.
Sau hơn ba mươi năm cai trị độc tài đất nước bằng chuyên chính vô sản, cho đến nay xem ra nhà nước CSVN vẫn chưa chịu rời bỏ độc quyền nắm vận mạng đất nước qua kết quả hội nghị Trung ương đảng lần 4 vừa qua. Vẫn là một điệp khúc đã nghe mãi từ mấy chục năm nay tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam(1). Thế rồi nhà nước bỗng đưa ra sáng kiến chuyển giao Nghĩa Trang tử sĩ VNCH cho tỉnh Bình dương với mục đích để chính quyền địa phương phát triển kinh tế-xã hội, và mời một sư ông từ Pháp về để lập Đàn Chẩn Tế Giải Oan cho những người chết oan khuất. Chỉ có vậy thôi mà đã tạo ra cái suy diễn “ nhà nước kêu gọi đối thoại, kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc” nơi một số người sẵn sàng làm cái loa tung hô khẩu hiệu hòa giải để quảng cáo cho “thiện chí” của nhà nước.
Nếu cho rằng phải có những cuộc vận động “giải oan” để đất nước được tiến lên, để người Việt Nam trong và ngoài nước có cơ hội nhìn nhau mà lòng không vướng bận tàn tích của quá khứ(2), thì trước hết kẻ gây ra tội lỗi phải chân thành ăn năn hối lỗi và nguyện sám hối thì mới giải oan được cho những nạn nhân của mình. Kẻ gây tội ác chưa thành tâm nhận lỗi và vẫn còn tiếp tục đàn áp người sống chà đạp người chết thì hà cớ gì lại phải kêu gọi một sự hòa giải qua việc làm một cái lễ vài giờ đồng hồ giải oan cho người chết.
Nếu muốn hòa giải, đã không chà đạp cả người chết, bằng cách áp lực chính phủ Nam Dương và Mã Lai phải đập phá hai tấm bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam bị chết oan trên đường đào thoát tìm tự do. Và nếu thực tâm muốn hòa giải với vong linh của những người lính VNCH và giải oan cho họ thì đã chẳng ôm Nghĩa Trang Quân Đội trong ba mươi hai năm qua, không cho người chăm sóc, để mặc cho hương tàn, nhang lạnh, mộ lún đất…
Đâu có phải cứ gọi một sư ông ở ngoại quốc về, cho lập đàn giải oan là xí xóa hết mọi tội lỗi. Hàng triệu nhân mạng chứ ít ỏi gì.
Lập Đàn Chẩn Tế Giải Oan là một nghi thức tôn giáo. Có lý nào thân nhân của những người đã chết oan trong chiến tranh, trong cuộc đào thoát tìm tự do lại không lập trai đàn, không dâng lễ cầu nguyện cho vong linh người thân của họ trong mấy thập kỷ vừa qua. Khi người Việt hải ngoại lập hai tấm bia tưởng niệm ở Nam Dương và Mã Lai, họ cũng không ngồi chờ chính quyền mời sư Nhất Hạnh từ Pháp qua để làm lễ cúng vong linh.
Nhu cầu tâm linh của dân tộc Việt Nam không chỉ nằm trong nghi thức giải oan dành cho người chết. Người sống cũng cần được giải oan. Đó là những người bị tước đoạt quyền tự do tín ngưỡng, những người dân đang khiếu kiện, những tín đồ đang tranh đấu để đòi lại tài sản cơ sở tôn giáo bị trưng thu, những người đối kháng bị bắt giam không xét xử. Họ là những người đang bị oan khuất. Giải oan cho họ là trả lại tất cả những gì đã tước đoạt của họ, từ cái tên của một thành phố, một đời sống tự do và dân chủ cho đến nhu cầu tâm linh.
Nếu cho rằng người cộng sản nay đã biểu lộ sự quay về với Tâm, bằng một nghi thức tôn giáo để tin rằng nhà nước VN có thiện chí hòa giải thì cần phải xét lại vấn đề.
Pháp Lệnh tôn giáo mới được ban hành cho thấy tất cả mọi hoạt động tôn giáo đều phải xin phép và chịu sự kiểm soát của Mặt Trận Tổ Quốc là một ngoại vi của đảng Cộng sản. Linh mục Hoàng Minh Thắng, thuộc chương trình Việt ngữ của đài phát thanh Vatican đã phát biểu với đài Á Châu Tự Do là tự do tôn giáo vẫn chưa có ở VN, nhưng tự do để xin phép thì có.
Không ít người đã đưa ra câu hỏi là tại sao lại phải mời một sư ông ở ngoại quốc về để lập một Đàn Chẩn Tế.
Tại sao không dùng sư quốc doanh hoặc mời Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Hỏi vậy là hỏi khó nhà nước. Dùng sư quốc doanh thì không tạo được “ ấn tượng” tự do tôn giáo vì bất cứ cái gì dính đến quốc doanh đều bị ngờ vực. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thì không dám mời bởi vì cho dù các Hòa Thượng đồng ý lập trai đàn, các ngài cũng sẽ nhất quyết không tuân thủ thi hành các chỉ thị của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Vì thế để tạo “ấn tượng” đổi mới và tự do tín ngưỡng trước mọi quan sát của thế giới trong giai đoạn hậu WTO, không gì hơn là mời một sư ông ở nước ngoài đã có quá trình hợp tác chặt chẽ với nhà nước ta. Đảng chưa buông dao, làm sao thành Phật ! Chưa quay đầu lại sao thấy được bến. Hãy cứ thành tâm sám hối bằng hành động đi đã, tất sẽ giải được oan khuất.
___
(1) trích trong diễn văn kết thúc Hội Nghị Trung Ương Đảng lần 4 của Nông Đức Mạnh.
(2) trích trong bài “Giải Oan” Theo Ý Nghĩa Nào của Nhật Tiến
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire