1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

vendredi 9 février 2007

VNT: Ch3: "Doi moi" Chinh tri (b)

Viet Nam can doi moi that su (VNT)
VNT: Ch1 : Y thuc he cua chanh sach doi moi
VNT: Ch2 "Doi moi" Kinh te
VNT Ch3: "Doi moi" Chinh tri (a)
VNT: Ch3: "Doi moi" Chinh tri (b)
VNT: Ch3 "Doi moi" Chinh tri (c)
VNT: Ket luan

C. Suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

Về vấn đề này thì có thể liệt kê vô số hiện tượng. Tuy nhiên ở đây chúng tôi chỉ có thể nêu ra một số sự kiện điển hình gần đây mà thôi, như sự lạm phát bằng cấp giả, nạn mại dâm, nghiện ma tuý v.v...

Theo GS. Ðặng Hữu, Trưởng ban khoa giáo Trung ương (ÐCS) thì trong năm 2000 có hơn 3.000 bằng cấp giả bị phát hiện mà thủ phạm chủ yếu là cán bộ, đảng viên. Một trường hợp điển hình là việc thu hồi, năm 2000, bằng "Tiến sĩ" và huỷ bỏ việc công nhận học vị của ông Nguyễn Tiên Thỏa, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học thị trường và giá cả, một cơ quan quan trọng trực thuộc Uỷ ban vật giá Nhà nước, vì ông này đã gian lận thi cử, sử dụng bằng bất hợp pháp và đã nhờ người thi hộ bằng Anh văn v.v..70.
Theo Bộ giáo dục và đào tạo thì trong năm 2001 người ta đã phát hiện có 5.506 văn bằng chứng chỉ bất hợp pháp trên toàn quốc, và trong số người sử dụng văn bằng đó thì có tới 634 cán bộ, đảng viên 71.

Gần đây tại Hà Nội, có trường hợp "Tiến sĩ" Trần Hồng Thái bị phát giác là chưa có học hết lớp 10 nhưng đã có ba bằng cấp tốt nghiệp đại học và hậu đại học!

Sở dĩ có hiện tượng cán bộ, đảng viên sử dụng lan tràn bằng cấp giả là vì từ khi Nhà nước chủ trương "đại học hoá cán bộ, đảng viên" thì mỗi cán bộ, đảng viên tại chức phải có bằng cấp để được điều chỉnh chức vụ của mình hoặc để được thăng tiến. Do đó mới xẩy ra các kiểu chạy như chạy thầy, chạy hội đồng thi, chạy điểm, chạy bằng cấp. Và theo GS. Nguyễn Văn Chiển thì sự việc này xảy ra "nhiều nhất là ở các trường kinh tế, quản trị kinh doanh, ở các lớp tại chức mở ở các địa phương để cấp bằng đại học cho các quan chức nhằm củng cố ghế của họ. Bởi vậy mới có tình trạng người có bằng giả thì ngồi đấy, người có bằng thật thì thất nghiệp. " [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] 72. Một ví dụ điển hình là ở Việt Nam có tới 65% giám đốc và tổng giám đốc các doanh nghiệp nhà nước không có khả năng hiểu được quyết toán tài chính hàng năm của doanh nghiệp Nhà nước cho nên nhà nước mới có chủ trương "phải đào tạo lại đội ngũ [cán bộ lãnh đạo] này, nghĩa là phải giúp họ tiếp tục tồn tại... trong khi hàng vạn sinh viên... tốt nghiệp các trường đại học kinh tế có thừa khả năng... hiểu quyết toán tài chính thì chẳng thể nào tìm kiếm việc làm được"! 73

Về tệ nạn bằng cấp giả, GS. Hoàng Tuỵ ở Hà Nội đã cay đắng phàn nàn rằng: "nói ra đáng tủi hổ - nhưng là sự thật - các học vị học hàm rởm, những tiến sĩ, viện sĩ giấy, những chức vụ hư danh thì không nước nào trên thế giới sản xuất nhanh, nhiều ra bằng ta. Mà khi những thứ này tràn ngập xã hội thì còn chỗ đâu cho trí tuệ chân chính phát triển" 74.

Về lối sống truỵ lạc của cán bộ, đảng viên thì chỉ cần nêu lên một hiện tượng thôi: báo Tuổi trẻ (tháng 04.2000) cho biết là Bộ lao động, thương binh và xã hội đã thừa nhận là trong số đàn ông đi tìm thú vui tại những lầu xanh thì 70% là cán bộ, đảng viên, bởi vì chỉ có họ mới có thừa tiền (do tham nhũng, buôn lậu v.v..) để có thể ăn chơi trác táng. Bà Nguyễn Thị Huệ, giám đốc cơ quan tệ đoan xã hội của Bộ này đã từng tuyên bố với báo chí rằng: "từ năm 1997 nạn mãi dâm đã bành trướng với mức độ đáng quan ngại và có tính cách rất công khai, phần lớn do sự... không trừng phạt khách tìm hoa, nhất là khi họ là những cán bộ nhà nước" 75.

Còn về tệ nạn ma tuý thì, theo ông Lê Văn Nhiên, phó giám đốc sở ma tuý và tệ đoan xã hội của Tổng công đoàn lao động Việt Nam, trong số 100.000 người nghiện ma tuý đã đăng ký hồi tháng 07.2000 có tới 30.000 người là cán bộ, đảng viên.

Tóm lại, "quốc nạn" tham nhũng và buôn lậu, sự lạm phát bằng cấp giả để có thể chiếm giữ các vị trí lãnh đạo, ăn chơi trác táng, nghiện ngập xì ke, ma tuý v.v.. đó là một số hiện tượng phổ biến hiện nay trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, những "con người XHCN" mà ông Hồ Chí Minh đã công phu "trồng" trong mấy chục năm qua! Thật là hết sức trơ trẽn khi cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu huyênh hoang tuyên bố trong bài diễn văn kỷ niệm 110 năm ngày sinh ông Hồ (tháng 05.2002) rằng "Ðảng ta là đạo đức"!!! 76. Vậy phải chờ các tệ nạn vừa nêu bên trên phát triển đến đâu nữa thì ÐCSVN mới thú nhận là không đạo đức?

Những tật xấu, đồi bại của tập đoàn lãnh đạo ÐCSVN minh hoạ tính xác đáng của ngạn ngữ của Nam tước Acton: "quyền lực làm hư hỏng con người, và quyền lực tuyệt đối làm hư hỏng một cách tuyệt đối".

6. Một số sai lầm của ÐCS

Ðể có thể đóng "vai trò lãnh đạo", ngoài việc tập đoàn lãnh đạo phải trong sạch, còn một yếu tố cần thiết nữa là chủ trương, đường lối của ÐCS phải đúng đắn, ít nữa không phạm phải sai lầm nghiêm trọng. Nhưng trên thực tế, như ông Trần Ðộ đã nhận xét: ÐCSVN đã phạm "những khuyết điểm và sai lầm,... mang tai hoạ cho toàn dân tộc, tàn phá số phận của hàng vạn gia đình và hàng triệu con người" (chúng tôi nhấn mạnh - VNT) 77.

Có những sự việc mà ÐCS gọi một cách đơn giản là "sai lầm" nhưng vì mức độ trầm trọng của nó, quy mô rộng lớn và thời gian kéo dài của nó như "sai lầm" đẫm máu trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc trong những năm 50 chẳng hạn thì không thể dùng uyển ngữ "sai lầm" được và phải gọi là tội ác mới đúng 78. Ðáng chú ý là có những sai lầm thật sự mà ÐCSVN vẫn lờ đi, không công khai tuyên bố là sai lầm.

Về mặt chính trị, ông Trần Ðộ và một số nhà ly khai khác đã kê khai ra một số sai lầm rồi 79, do đó chúng tôi không muốn bàn thêm. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nêu lên một sai lầm nổi bật nhất gần đây mà thôi, đó là cuộc nổi dậy của đồng bào Thượng ở Tây Nguyên hồi đầu tháng 02.2001 80. Các đồng bào này đã đưa ra ba yêu sách chủ yếu:

1. Tôn trọng tự do tín ngưỡng, bởi vì nhiều mục sư Tin lành của họ đã bị giam giữ, sau khi bị đánh đập tàn nhẫn.

2. Trả lại đất đai canh tác cổ truyền của họ đã bị người Kinh khai thác một cách bừa bãi rồi chiếm hữu luôn để làm đồn điền trồng cà-phê để xuất khẩu mà không có biện pháp trợ cấp thoả đáng nào cả. Ðiều đáng chú ý là mức sống của người Thượng hiện nay là quá thấp so với người Kinh: thu nhập bình quân / đầu người của người Thượng là chưa tới 50 US$ / năm 81, trong lúc thu nhập bình quân / đầu người toàn quốc là 390 US$ / năm (năm 2000).

3. Chấm dứt phân biệt đối xử từ trường học đến các cơ quan nhà nước; đòi không bị công an địa phương hà hiếp, không bị khinh miệt và bỏ rơi trong khi các nhà lãnh đạo Việt Nam hô hào đoàn kết dân tộc.

Thay vì giải quyết các yêu sách nói trên trong ôn hoà thì ÐCS và Nhà nước đã chọn giải pháp đàn áp làm hơn hàng ngàn người Thượng phải bỏ chạy sang Cam-bốt tị nạn. Theo TS. Nguyễn Thanh Giang thì "sự sai lầm [này] của lãnh đạo [Hà Nội] sẽ để lại hậu hoạ không phải cho riêng ÐCS mà là hậu hoạ của [cả] dân tộc" 82.

Sai lầm của ÐCS đối với đồng bào Tây nguyên là một sai lầm nghiêm trọng toàn diện (bao gồm các lĩnh vực chính trị, kinh tế, dân tộc, tôn giáo và an ninh quốc phòng) và đã kéo dài trong nhiều năm. Chỉ khi nào ÐCS thay đổi toàn bộ chính sách đối với đồng bào Tây Nguyên thì mới mong thực hiện được trên thực tế khẩu hiệu "đoàn kết dân tộc".

Về mặt kinh tế thì, như chúng tôi đã phân tích bên trên, ngoài "sai lầm" đẫm máu của "cải cách ruộng đất" và "chỉnh đốn tổ chức", ÐCSVN còn phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng khác ở miền Bắc trong việc "cải tạo xã hội chủ nghĩa" đối với nông nghiệp (hợp tác hoá nông nghiệp), đối với công, thương nghiệp (loại bỏ tư doanh), và trong việc "công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa" dựa trên ưu tiên phát triển công nghiệp nặng v.v.. Sau 1975, ÐCS cũng muốn tái diễn trò hợp tác hoá nông nghiệp ở miền Nam nhưng không thành công. Tuy nhiên họ đã rất "thành công" trong việc "cải tạo XHCN" đối với công thương nghiệp, đánh tư sản miền Nam tơi bời 83. Cả một tầng lớp nhà tư doanh non trẻ có vốn, tài trí và kinh nghiệm kinh doanh đã bị "tận diệt", và điều này không những dẫn đến sự suy sụp của nền kinh tế của cả nước, trong ngắn hạn, mà còn là một trong những nguyên nhân cơ bản của sự tụt hậu nền kinh tế Việt Nam so với các nước láng giềng, trong dài hạn. Ở đây chúng tôi muốn nhắc lại lời thú nhận của cựu uỷ viên Bộ chính trị Nguyễn Ðức Bình: "Ðảng ta đã phạm sai lầm... nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ ngay nền kinh tế nhiều thành phần v.v.. " 84.

Thật vậy theo thiển ý của chúng tôi, sai lầm nghiêm trọng nhất và có tính cách bao quát về mặt kinh tế là việc xoá bỏ các thành phần kinh tế tư nhân, (ở miền bắc từ 1958 trở đi, và ở miền Nam từ 1976 trở đi) trong thời kỳ quá độ "tiến lên XHCN". Và phải chờ tới Ðại hội VI của ÐCSVN (tháng 12.1986) tức là gần 30 năm sau, đảng này mới nhận thức ra được thảm hoạ này (!), và chủ trương trở lại "một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần", như đã phân tích bên trên (xem phần "đổi mới" kinh tế).
Nhưng đáng tiếc là, sau khi thừa nhận sai lầm như vậy, ÐCSVN chỉ chủ trương "đổi mới" kinh tế nửa vời mà thôi. Do đó cho nên ta thấy là sau hơn 25 năm thống nhất đất nước, nước ta, với tài nguyên khá phong phú, nhân dân lao động cần cù và hiếu học, vẫn còn là một trong 10 nước nghèo nhất thế giới, trong khi đó thì một số quốc gia, khởi đầu là chậm tiến như nước ta, nhưng trong vòng 20-25 năm đã thành công trong việc phát triển nền kinh tế của họ nhờ đã chọn mô hình phát triển phi XHCN như Malaixia, Thái Lan, Nam Hàn, Ðài Loan v.v.. Tạp chí Far Eastern Economic Review đã nhận xét chí lý rằng cộng sản Việt Nam đã chiến thắng trong chiến tranh chống Mỹ, nhưng đã thất bại trong việc xây dựng kinh tế trong thời bình 85.
Ngoài những sai lầm trong lĩnh vực kinh tế và chính trị nói trên, ÐCSVN còn phạm nhiều sai lầm trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục và y tế nữa.

Về mặt đối ngoại, một trong những sai quan trọng của ÐCSVN là việc thành lập, hồi đầu những năm 50, "Liên minh đặc biệt"giữa ba nước Ðông Dương, tức là giữa ba đảng và chính phủ Việt-Miên-Lào, dưới trướng của Việt Nam [ông Hồ được coi là lãnh tụ chung của 3 nước], và Ðông Dương được coi là một chiến trường duy nhất. "Liên minh" này đã bị các nước láng giềng chỉ trích.

Sau Hiệp định Genève (1954), nước Việt Nam bị chia ra thành hai miền, và miền Bắc trở thành "tiền đồn của phe XHCN" ở Ðông Nam Á trong bối cảnh chiến tranh lạnh giữa phe tư bản chủ nghĩa và phe XHCN [cũng như Ðông Ðức được coi là "tiền đồn của phe XHCN" ở Châu Âu, và Cu-ba là "tiền đồn của phe XHCN" ở Châu Mỹ La-tinh]. Ông Hồ đã từng tuyên bố tại Ðại hội lần thứ 3 của ÐCSVN (tháng 09.1960) rằng: "Nước VNDCCH [tức là Bắc Việt Nam] là một thành viên trong đại gia đình XHCN... chúng ta có nhiệm vụ giữ vững vị trí tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Ðông Nam Á, ra sức góp phần tăng cường lực lượng của phe XHCN... " 86.

Sau khi thống nhất đất nước, ông Lê Duẩn, lúc đó là Tống bí thư, cũng đã khẳng định là nước Việt Nam thống nhất trở thành "tiền đồn vững chắc của phe XHCN" ở Ðông Nam Á 87. Ðiều này có nghĩa là Việt Nam đã trở thành một căn cứ cách mạng để đẩy mạnh sự bành trướng của CNXH ở toàn vùng Ðông Nam Á, theo "tinh thần quốc tế vô sản" dù rằng lúc đó Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt!

Chúng tôi được biết là sau 1975, ÐCSVN đã ráo riết đào tạo cán bộ tình báo để gửi qua căn cứ bên nước bạn Lào để huấn luyện cán bộ cộng sản Thái (về mọi mặt), để sau đó họ trở về Thái Lan "giải phóng" đất nước họ, dù rằng về mặt chính thức chính phủ Việt Nam vẫn tuyên bố là không bao giờ xen vào nội bộ các nước láng giềng, và luôn luôn tôn trọng chủ quyền của các nước này! Sở dĩ âm mưu "xuất cảng cách mạng" này của Hà Nội không thành công là vì có sự mâu thuẫn và chia rẽ giữa phe thân Việt Nam và phe thân Trung Quốc trong đảng cộng sản Thái Lan. Theo anh Bùi Tín kể lại thì trong một cuộc họp cán bộ cao cấp, một nhân vật trong Ban bí thư ÐCSVN có "tỏ ý tiếc là lúc ấy ÐCS Thái Lan quá yếu; nếu không thì đã có cơ hội cộng sản hoá được Thái Lan rồi!"88.

Một sai lầm rất tai hại nữa trong lĩnh vực đối ngoại là vụ xâm chiếm Cam-bốt hồi cuối tháng 12.1978. Việc bọn "Khơ-me-đỏ" gây ra sự bắn giết tàn ác ở biên giới phía Nam từ Kiên Giang tới Lâm Ðồng và chính sách diệt chủng của chúng ở Cam-bốt đã tạo nên lý do cho việc đưa bộ đội Việt Nam vào xứ này. Tuy nhiên, sau khi chấm dứt chế độ Pol Pot - một việc mà nhân dân Cam-bốt thật sự hoan nghênh - thì Việt Nam lại tiếp tục chiếm đóng xứ này, và bị sa lầy ở đấy trong 10 năm liền (từ tháng 12.1978 đến tháng 10.1989) vì một mặt, Trung Quốc và Thái Lan tận lực tiếp sức cho "Khơ-me-đỏ" và mặt khác, ÐCSVN vẫn có ý định thực hiện khối "Liên minh đặc biệt" giữa ba nước Ðông Dương như đã nói bên trên. Cuộc phiêu lưu này làm cho cả thế giới chỉ trích, trừng phạt và cấm vận Việt Nam trong nhiều năm liền, gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế tài chính Việt Nam. Hơn thế nữa, nó làm cho trên 50.000 thanh niên miền Nam bị thiệt mạng và gần 200.000 bị thương [xin lưu ý là lúc đó chỉ có thanh niên miền Nam bị lùa đi đánh giặc ở Cam-bốt mà thôi, trong lúc đó thì thanh niên miền Bắc, nhất là con cháu của các nhà lãnh đạo ở Hà Nội, thì được gửi đi đào tạo ở nước ngoài chủ yếu là trong phe XHCN để sau này, khi trở về nước, được sắp xếp vào những vị trí béo bở trong guồng máy của đảng và Nhà nước] 89.

Có lẽ cũng cần nhắc lại ở đây là đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó đã không tán thành chủ trương của các ông Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ để lại ở Cam-bốt một đội quân gần 200.000 người trong 10 năm liền 90.

Trong quan hệ với Trung Quốc, ÐCSVN đã phạm hai sai lầm nghiêm trọng. Sai lầm thứ nhất là việc ông Phạm Văn Ðồng, lúc đó là uỷ viên Bộ chính trị và Thủ tướng, đã ký, theo lệnh của đảng và ông Hồ, một công hàm ngày 14.09.1958 gửi cho Tổng lý Quốc vụ viện Trung Quốc (Thủ tướng) Chu Ân Lai chấp nhận lời tuyên bố của chính quyền Trung Quốc, trong đó Trung Quốc công bố lãnh hải 12 hải lý của họ theo một bản đồ gọi là "Bản đồ 9 gạch", bao gồm toàn bộ các đảo trong Vịnh Bắc Bộ và toàn bộ các đảo ở biển Nam-hải như Hoàng Sa và Trường Sa. Nói một cách khác, ÐCS và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà lúc đó đã đồng ý nhường cho Trung Quốc toàn bộ các đảo của Việt Nam trên biển Nam-hải và toàn bộ lãnh hải Việt Nam cách các đảo đó 12 hải lý! Chính vì công hàm này mà từ đó đến nay, Trung Quốc ngang nhiên thiết lập những cơ sở khai thác dầu hoả trong vùng 91.

Sai lầm thứ hai là việc chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định biên giới trên bộ với Trung Quốc ngày 30.12.1999 (Hiệp định này được quy định có hiệu lực từ ngày 06.07.2000) và hai Hiệp định khác (Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác đánh cá) ngày 25.12.2002, dưới sức ép của Trung Quốc và để được sự ủng hộ của họ về mặt chính trị 92. Cho đến khi viết bài này thì các chi tiết liên quan đến cả 3 Hiệp định nói trên vẫn chưa được công bố. Ngay cả Quốc hội Việt Nam, tuy đã thông qua Hiệp định biên giới trên bộ, vẫn không được biết các chi tiết về Hiệp định này! Dư luận trong nước và Việt kiều đang đòi hỏi ÐCS và Nhà nước phải công khai hoá toàn bộ (kể cả bản đồ chi tiết) cả ba Hiệp định nói trên. Dư luận này cũng nêu ra thắc mắc: nếu ÐCS và Nhà nước không sợ bị chỉ trích là đã nhượng bộ quá nhiều cho Trung Quốc thì tại sao họ lại giữ kín nội dung của ba Hiệp định này?

Về Hiệp định biên giới trên bộ, nếu so sánh với Hiệp định biên giới cũ Pháp-Trung thời Mãn Thanh thì, theo nguồn thông tin thông thạo ở trong nước, Việt Nam bị mất 720-900 km2. Với Hiệp định này thì Thác Bản Giốc - một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của Việt Nam - đã bị cắt hoàn toàn cho Trung Quốc.

Còn về Hiệp định Vịnh Bắc Bộ thì Hiệp ước Thiên Tân ký hồi năm 1887 giữa Pháp và Triều đình Mãn Thanh đã xác định tỷ lệ 62/38, tức là đã biếu 38% lãnh thổ Vịnh Bắc Bộ cho Trung Quốc rồi. Nhưng Hiệp định Vịnh Bắc Bộ ký gần đây (ngày 25.12.2000) lại phân định 47% Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam là thuộc về Trung Quốc, tức là trước đây Việt Nam đã mất 38%, nay lại mất thêm 9% nữa! Vậy là so với Hiệp ước Pháp - Triều đình Mãn Thanh, ÐCS và chính phủ Việt Nam đã để mất thêm 11.362 km2 lãnh hải cho Trung Quốc. Và điều đáng lưu ý là phần thềm lục địa này ẩn tàng nhiều tiềm năng dầu khí và nhiều loại hải sản.

Theo Hiệp định đánh cá chung trong Vịnh Bắc Bộ, cũng được ký ngày 25.12.2000 thì hai bên đã thoả thuận thành lập "vùng đánh cá chung" rộng 33.500 km2, và vùng này chiếm 27,9% diện tích của toàn Vịnh Bắc Bộ. Nhìn vào bản đồ, ai cũng thấy rõ là phần của Trung Quốc góp vào "vùng đánh cá chung" hầu hết là nằm trong vùng họ vừa được phía Việt Nam nhượng cho. Hai bên còn thoả thuận lập thêm một "vùng quá độ" ở phía Bắc đảo Bạch Long Vĩ, chủ yếu trong vùng biển của Việt Nam, nhằm cho tàu của hai bên cùng đánh cá trong thời gian bốn năm.

Dư luận trong nước và Việt kiều cho rằng với hai Hiệp định về Vịnh Bắc Bộ và hợp tác đánh cá chung này Trung Quốc đã chiếm đoạt trung tâm của Vịnh Bắc Bộ, nơi có nhiều thuỷ sản, nhiều tiềm năng về dầu khí, khoáng sản và thuỷ sản, và cũng là địa bàn lợi hại nhất để khống chế toàn bộ Vịnh và biển Nam hải về mặt quốc phòng và giao thông vận tải. Do đó, họ yêu cầu Quốc hội mới (tháng 07.2002) không thông qua hai hiệp định nói trên.

Nhìn chung, theo thiển ý của chúng tôi sai lầm lớn nhất lớn nhất và cũng là bao trùm tất cả các sai lầm của ÐCSVN từ khi lên nắm chính quyền đến nay là sự cố tình chọn con đường "tiến lên CNXH" theo kiểu Mác-Lê, riêng cho miền Bắc từ năm 1957 (xem diễn văn khai mạc của ông Hồ ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc ngày 07.09.1957 và nghị quyết của Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ XIII hồi tháng 12.1957), và cho cả nước tại Hội nghị Trung ương ÐCS lần thứ 24 hồi tháng 08.1975 93. Những sai lầm trong lĩnh vực đối nội (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá v.v..) cũng như đối ngoại vừa kể trên đều bắt nguồn từ sự lựa chọn có tính cách chiến lược đó.

Trong diễn văn kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ÐCS, cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu có thừa nhận qua loa là "qua 70 năm chiến đấu... đảng cũng vấp phải sai lầm và khuyết điểm... Ðảng xin chân thành nhận lỗi" 94. Với những sai lầm nghiêm trọng "mang tai hoạ cho toàn dân tộc, tàn phá số phận của hàng vạn gia đình và hàng triệu con người", như ông Trần Ðộ đã nhận xét, mà đảng chỉ thừa nhận sai lầm một cách đại khái, lấy lệ như trên là một sự xúc phạm đến nỗi thống khổ của các gia đình nạn nhân, là một điều không thể chấp nhận được.

Vả lại nếu tập đoàn lãnh đạo ÐCS có chút ít tự trọng thì đáng lẽ, sau khi thừa nhận sai lầm, phải rút lui ra khỏi chính trường như ở các nước văn minh. Nhưng, than ôi! không những họ không chịu rút lui mà còn muốn tiếp tục áp đặt sự thống trị của họ, muốn tiếp tục duy trì chế độ XHCN đối với 80 triệu dân - một chế độ "đã thất bại trên thế giới và đã gây nên nghèo đói ở Việt Nam" (Trần Ðộ) - trong "50 năm, 100 năm hay lâu hơn nữa" như ông Lê Khả Phiêu đã huyênh hoang tuyên bố!!! 95. Khăng khăng theo đuổi con đường XHCN mà sự thực hành của nó đã chứng minh là thất bại rồi, không những ở trong một nước mà còn ở trong nhiều nước, là một tội lỗi rất lớn của ÐCSVN trước toà án lịch sử dân tộc. (Không lẽ ÐCSVN đã quên đi nhận xét chí lý của C. Mác "sự thực hành (praxis) là tiêu chuẩn của chân lý" hay sao?). Người Pháp có câu châm ngôn: "Sai lầm là bản chất của con người, nhưng ngoan cố trong sai lầm là quỷ quái"!
&
& &

7. "Chuyên chính vô sản" (CCVS)

Không những tập đoàn lãnh đạo ÐCS không chịu rút lui ra khỏi chính trường sau khi phạm phải nhiều sai lầm nghiêm trọng như đã nói bên trên mà họ còn muốn tiếp tục duy trì ách thống trị của họ, xuyên qua cái gọi là "chuyên chính vô sản" (CCVS), tức là chính quyền phải được đặt dưới sự lãnh đạo của ÐCS, một hệ quả tất yếu của sự độc quyền chính trị của ÐCS. Gọi là "CCVS" nhưng trên thực tế nó chỉ là sự chuyên chính của tập đoàn lãnh đạo của ÐCS, hay nói đích xác hơn là "chuyên chính của một bè lũ" gồm ba bốn người lãnh đạo 96 mà thôi. Họ tượng trưng cho một "chính quyền xây dựng trên nòng súng" - như nhà văn Dương Thu Hương đã nhận xét 97 - nhằm duy trì càng lâu càng tốt cái gọi là "ổn định" chính trị trong cả nước.

Cho tới nay sở dĩ có "ổn định" không phải là vì đa số nhân dân chấp thuận hoặc tán thành đường lối của ÐCS mà là vì theo TS. Nguyễn Thanh Giang có "cái chính sách chu di tam tộc" [nghĩa là khi chồng chống đối đảng và nhà nước chẳng hạn, thì cả vợ, con cũng bị trù diệt luôn: họ sẽ bị trừng phạt cả về mặt chính trị, hành chính và giáo dục lẫn bị bao vây về kinh tế - VNT] vừa mông muội, vừa tinh vi vô cùng tàn nhẫn..., [và chính sách đàn áp này] đang phát huy tác dụng rất khốc liệt" 98.

Ngày nay ÐCS và Nhà nước còn trấn áp được mọi sự đối lập thì chế độ còn "ổn định". Nhưng "mọi người đều biết, tuy tồn tại bằng bạo lực nhưng sự "ổn định" [đó] sẽ không kéo dài [mãi được]: nuôi trong bản thân sự đè nén, sự bùng nổ cũng sẽ không tránh khỏi" như anh Lữ Phương đã tiên đoán 99.

Vì trong "Hiến pháp 1992" không còn dùng biệt ngữ "CCVS" nữa như trong các Hiến pháp trước đây, một số nhà nghiên cứu (ngoại quốc và Việt kiều) ngộ nhận rằng ở Việt Nam XHCN hiện nay không còn có "CCVS" nữa. Chúng tôi đã bác bỏ luận điều này từ lâu rồi 100. Nếu đọc kỹ các điều 3, 4, 12 và 13 của "Hiến pháp 1992" người ta thấy thể hiện rất rõ định nghĩa tổng quát cổ điển của "CCVS" (điều 3 và 4) và các đặc điểm khác của nó như Nhà nước phải tăng cường "pháp chế XHCN" (điều 12) và trừng trị mọi "âm mưu và hành động chống lại Tổ quốc XHCN" (điều 13).

Thay vì dùng cụm từ "CCVS" trong "Hiến pháp 1992" thì ở điều 3, ÐCS và Nhà nước nhắc lại định nghĩa cổ điển của "CCVS" bao gồm hai mặt chủ yếu: một mặt thì thực hiện cái gọi là "quyền làm chủ của... nhân dân" hoặc "dân chủ với nhân dân", tức là cho phép những người không chống đối tham gia phát biểu ý kiến trong khuôn khổ đường lối, chủ trương của ÐCS (như thêm bớt "mắm muối" chẳng hạn) và họ không sợ bị đàn áp, mặt khác thì sử dụng "chuyên chính đối với các lực lượng thù địch", và lực lượng này bao gồm không những "kẻ thù giai cấp" thuần tuý mà còn cả cán bộ đảng viên chống đối hoặc chỉ trích đường lối của ÐCS. Và để thực hiện "CCVS", ÐCS vẫn dựa vào 2 trụ cột chính: đó là quân đội (điều 44 và 45) và công an (điều 47); và bộ máy đàn áp này còn được tăng cường về mặt pháp lý XHCN nữa (điều 126).

Sở dĩ từ đầu những năm 1990 trở đi, ÐCSVN không dùng cụm từ "CCVS" trong các văn kiện chính thức nữa là vì họ muốn tạo ra một ảo tưởng "đổi mới" về mặt chính trị trong dư luận trong nước và quốc tế mà thôi. Nhưng khi cần, họ không ngần ngại nhắc lại khái niệm "CCVS" như ông Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Tổng bí thư, đã làm trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội đảng lần thứ VII: "... nội dung cơ bản của chuyên chính vô sản là chính quyền thuộc về nhân dân, chính quyền đó... xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân... do ÐCS lãnh đạo" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT)] 101. Và trong một cuộc phỏng vấn với một hãng thông tấn Nhật, ông Linh nhắc lại: "chuyên chính của đảng [CS] hiện nay [trong thời kỳ "đổi mới" - VNT] là còn cần thiết" 102. Về phía mình, ông Ðào Duy Tùng, lúc đó là uỷ viên Bộ chính trị phụ trách "Tuyên Huấn", cũng đã nói rõ trong một tài liệu "lưu hành nội bộ" như sau: " Nếu hiểu đúng nội dung của chuyên chính vô sản thì hoàn toàn có thể diễn đạt nó trong khái niệm Nhà nước xã hội chủ nghĩa... [hoặc] nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân... do đảng cộng sản lãnh đạo ".

Dù rằng không mang tên nhà nước chuyên chính vô sản, nhưng nhà nước XHCN mà chúng ta xây dựng thực chất vẫn mang bản chất của chuyên chính vô sản" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT]103.

Gần đây hơn, ông Nguyễn Duy Quý, uỷ viên trung ương ÐCS và giám đốc "Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia" (Hà Nội) đã nhắc lại rằng "thể chế Nhà nước... đã được tạo dựng từ cách mạng tháng 08.1945... nay chuyển sang thực hành chức năng của chuyên chính vô sản, là cơ quan quyền lực thực hiện chế độ làm chủ của nhân dân lao động. Ðó là thể chế nhà nước... của dân, do dân và vì dân... " 104.

Trái với một số nhà báo ngoại quốc khác, nhà báo Pháp JC. Pomonti cũng khẳng định là chuyên chính vô sản vẫn tồn tại hiện nay ở Việt Nam 105. Nói một cách khác, hiện nay cũng như trước đây dưới thời ông Lê Duẩn 106, trong kho tàng biệt ngữ mà ÐCSVN thường dùng cái gọi là "dân chủ XHCN", "Nhà nước XHCN" hoặc "Nhà nước pháp quyền XHCN", "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" đều là những hiện tượng (phenomena) phản ánh một bản chất duy nhất, đó là bản chất (essence) của chuyên chính vô sản, đều đồng nghĩa với khái niệm "CCVS" (xem phần sau).

Chúng tôi muốn nhấn mạnh điểm quan trọng này vì một số nhà nghiên cứu (ngoại quốc và Việt kiều) thường hay rơi vào cái bẫy ngữ nghĩa (semantic trap): khi gặp phải các cụm từ nói trên trong các tài liệu chính thức của ÐCSVN thì các nhà nghiên cứu này tưởng rằng nó có một nội dung tương tự như các khái niệm thường dùng ở các nước phương Tây. Ví dụ: khi các nhà lãnh đạo Việt Nam đi ra ngoại quốc hay trong một cuộc phỏng vấn với báo chí nước ngoài nói về "dân chủ" ở Việt Nam thì các nhà nghiên cứu này tưởng rằng nó có một nội dung tương tự như ở các nước không cộng sản, và vỗ tay reo mừng rằng các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng "dám" nói tới dân chủ (hiểu theo phương Tây). Họ đâu có ngờ rằng khi ÐCSVN hoặc các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam nói tới "dân chủ" tức là họ ám chỉ "dân chủ xã hội chủ nghĩa", tức là một nền "dân chủ" do ÐCS nặn ra và do ÐCS lãnh đạo, và loại "dân chủ" này phản ánh đúng bản chất của "chuyên chính vô sản" như đã nói bên trên. Cái gọi là "dân chủ XHCN" này - một khái niệm do chính Stalin đặt ra 107 - là hoàn toàn đối lập với khái niệm dân chủ thực sự, theo nghĩa phổ biến toàn cầu của nó, mà người cộng sản Việt Nam gọi một cách khinh bỉ là "dân chủ tư sản", và chỉ trích rằng trong nền dân chủ đó người ta "đòi phi chính trị hoá bộ máy nhà nước, đòi đa nguyên, đa đảng nhằm tước bỏ vai trò lãnh đạo của đảng" 108. Thậm chí, họ còn dựa theo Lênin để huyênh hoang tuyên bố rằng nền "dân chủ XHCN" là "dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản" nữa, trong lúc đó thì, trên thực tế trong mấy chục năm qua nền "dân chủ XHCN" trong các nước cộng sản cũ cũng như trong các nước cộng sản (XHCN) còn lại hiện nay là phản dân chủ gấp triệu lần nền "dân chủ tư sản"!

Một trong những công cụ nổi bật nhất của "CCVS" ở Việt Nam mà nhiều người đã lên án là "Nghị định 31/CP" do ông Võ Văn Kiệt, lúc đó là Thủ tướng, ký ngày 14.04.1997. Ðó là một nghị định "có tính chất phát-xít..., [nó] cho phép công an có quyền quản chế [tại gia] trong thời hạn hai năm, sau đó có thể gia hạn thêm, những người bị công an coi là "nguy hại cho an ninh quốc gia" mà không cần đưa ra toà án xét xử" 109. Nghị định này nhằm "biến nhà ở thành nhà tù".

Trước nghị định nay, Nhà nước XHCN đã quản thúc tại gia vô thời hạn nhà lão thành cách mạng Nguyễn Hộ, Hoà thượng Thích Huyền Quang (vị đứng đầu giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất), thì với nghị định này họ công khai quản chế tại gia các người bất đồng chính kiến như Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu và nhiều người khác nữa.

Trong năm 2001 có 17 người dân chủ trong nước đã cùng ký tên một kháng thư gửi lên các vị lãnh đạo ÐCS và Nhà nước đòi "huỷ bỏ ngay tức khắc nghị định này" và đồng thời huỷ bỏ quyết định quản chế nhà trí thức Hà Sĩ Phu 110. Họ còn gọi nghị định 31/CP là "phản động, vô văn hoá vì nó chống lại Hiến pháp [1992], [chống lại điều 71 của Hiến pháp 1992 - VNT], và luật pháp nhà nước... XHCN [chống lại điều 2 của Bộ luật hình sự - VNT]" (ibid).

Các nhà tù và "trại cải tạo" (trên thực tế cũng là nhà tù) là những biểu lộ thông thường nhất của "chuyên chính vô sản". Các hồi ký và tiểu thuyết của một số nhà văn tiến bộ đã tiết lộ tình trạng khủng khiếp của chế độ lao tù ở Việt Nam.
Nhà văn Vũ Thư Hiên, nạn nhân của vụ án "tổ chức chống đảng..., đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại" đã bị giam cầm trong nhiều nhà tù trong thời gian 1967-1976 mà không được xét xử, chỉ vì có tư tưởng bất đồng với tập đoàn lãnh đạo ÐCS. Vụ án này là vụ án oan khúc lớn nhất trong lịch sử ÐCSVN về quy mô và tính chất, sau những "sai lầm" đẫm máu trong "cải cách ruộng đất" và "chỉnh đốn tổ chức" ở miền Bắc trong những năm 50.

Trong quyển hồi ký tựa là "Ðêm giữa ban ngày", Vũ Thư Hiên cho rằng "CCVS" ở Việt Nam "chỉ là một cái mặt nạ che giấu quyền lợi vô biên của một số kẻ nắm quyền" 111, và nhận xét rằng ở Việt Nam XHCN "mỗi công dân chỉ là một người tù dự khuyết", có thể bị bắt bất kỳ lúc nào, với bất kỳ lý do gì bởi vì "con người không có quyền gì hết" (ibid, tr. 202 và 291).

Nhà thơ và nhà văn Nguyễn Chí Thiện cũng đã bị cầm tù không xét xử trong một thời gian dài, tổng cộng là 27 năm chỉ vì dám chỉ trích chế độ cộng sản là độc đoán, không có tự do, vô nhân đạo, và dám đi vào Ðại sứ quán Anh ở Hà Nội (tháng 04.1979) đưa một tập thơ tố cáo hệ thống trại tù ở Việt Nam kèm theo một lá thư viết bằng tiếng Pháp, trong đó có câu "từ cuộc đời tan nát của tôi, tôi chỉ có một ước mơ là được thấy đông đảo người hiểu rõ rằng chủ nghĩa cộng sản là một tai hoạ lớn của loài người"112. Ðể mô tả thái độ vô sỉ và đạo đức giả của các nhà lãnh đạo cộng sản anh đã viết bốn câu thơ sau đây mà chúng tôi rất tâm đắc:

"Tay chúng vung phí
Chết chóc tù lao
Miệng chúng đề cao
Người là vốn quý" 113.


Trong quyển truyện về nhà tù với tựa đề "Hoả Lò", anh Thiện nhận xét rằng "cộng sản [Việt Nam] xây dựng một hệ thống trại tù kinh hồn táng đởm, tiêu diệt mọi sinh lực,... mọi ý chí. Thực chất là những trường bắn im lìm, không tiếng súng" 114. Anh Thiện còn nói thêm là đời sống của tù nhân trong "chế độ XHCN ưu việt" còn khổ cực hơn nhiều so với thời kỳ thực dân Pháp 115. Nhận xét về các nhà lãnh đạo cộng sản, anh Thiện viết như sau: "Không thể gọi [họ] là người được nữa [vì họ đã ra] những nghị quyết bắn bỏ hàng vạn dân vô tội, tù đày không xét xử hàng bao nhiêu vạn người trong lao ngục, xiềng xích, cơ hàn... " (ibid, tr. 157).

Một nhà văn nổi tiếng khác là Bùi Ngọc Tấn, tác giả của tiểu thuyết "Chuyện kể năm 2000" 116, trong đó nhà văn này kể lại kinh nghiệm sống của mình 5 năm trong nhà tù (1968-1972). Cuốn sách vừa được in xong ở trong nước thì bị thu hồi và tiêu huỷ ngay. Trong trại cải tạo - một uyển ngữ để gọi nhà tù, "một địa ngục rợn người" - các tù nhân chính trị (trong đó có cán bộ, đảng viên, có người thuộc về chính quyền cũ, có nhà văn, nhà báo, nông dân, người công giáo và Việt kiều) bị giam chung với tù nhân hình sự [trộm cắp, giết người]. [Trong đoạn này những câu ở trong ngoặc kép đều là của nhà văn cả - VNT]. Cái khác nhau giữa hai loại tù nhân này là tù hình sự thì có án rõ ràng, còn tù chính trị là tù không có án, tức là không biết được tội trạng cụ thể của mình và cũng không biết được ngày về. Tù nhân không những bị đói rét, khổ sở về mặt vật chất mà còn bị mạt sát, bị giáng xuống hạng "dưới người" hoặc được coi như "một con số không, hơn nữa một con số âm"; do đó dưới con mắt của chính quyền, họ không "đáng được đối xử như những con người" vì họ đã "phạm những tội ác đối với cách mạng, với đảng".

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn còn nhận xét rằng chế độ tù lao ở Việt Nam XHCN còn thâm hiểm hơn thời thực dân Pháp. Một giám thị ở trại tù đã từng nói: "[Chúng tôi] không đánh [tù nhân] như bọn Pháp. [Họ] chỉ đánh đau một lúc thôi. Chúng tôi có cách đánh của chúng tôi. Nó êm êm mà đau. Nó ngấm lâu, ngấm đến cả đời"!!!

Nhận xét một cách tổng quát, nhà văn này cho rằng: "Một ngày tù dài bằng 10 thế kỷ ở ngoài đời"!

Trong cuốn tiểu thuyết này, tác giả còn cho biết: ở tù thì mất tự do đã đành ("tù nội trú"), nhưng khi ra khỏi nhà tù thì cựu tù nhân vẫn không được tự do ("tù ngoại trú").
Xuyên qua tác phẩm này, độc giả thấy rõ là dưới con mắt "CCVS" chỉ có hai loại người trong xã hội Việt Nam ngày nay mà thôi: "những người tốt" tức là những người tuân phục, ủng hộ chế độ hoặc cam chịu và "những phần tử xấu" tức là những người không cam chịu, bất đồng ý kiến với chính quyền, có những "dấu hiệu" phản bội (đã, đang hoặc sẽ phạm tội) mà những "dấu hiệu" ấy thì có thể tìm thấy ở bất cứ ai. Và bộ máy đàn áp hùng hậu của "Nhà nước của dân, do dân, vì dân", dưới sự lãnh đạo của ÐCS - tức là bộ máy đàn áp của "CCVS"- có nhiệm vụ "quản lý" (tức là cai trị) chặt chẽ loại dân "xấu" này trong đó có cả các nhà lão thành cách mạng, các cựu chiến binh đã trải qua hai cuộc kháng chiến, các nhà trí thức được đào tạo dưới mái trường XHCN nhưng nay đã giác ngộ v.v..

Ðể biện bạch cho sự đàn áp các tù nhân chính trị, nhiều cai tù còn nói với tù nhân: "Các anh tưởng chúng tôi phải bắt các anh là chúng tôi sung sướng lắm đấy à... Chúng tôi muốn giúp các anh nhận ra tội lỗi..., giúp các anh nâng cao cảnh giác cách mạng, giúp các anh tránh xa... sự lợi dụng của kẻ thù cách mạng. Thế mà các anh không biết"! Luận điệu vừa đạo đức giả, vừa vô sỉ như thế là cùng!!

Sau 1975, chính quyền Hà Nội bắt những người trong chính quyền và quân đội Sài Gòn đi "học tập cải tạo" trong một thời gian dài, từ 2 đến 14-15 năm. Nhiều hồi ký của các nạn nhân đã nói lên đời sống cực kỳ khổ sở của các tù nhân: ăn đói triền miên nên kiệt sức nhưng lại phải lao động ngày càng nhiều, càng vất vả đến nỗi có lúc "thở cũng không đủ sức kéo không khí vào sâu trong phổi"117. Vô số người đã chết trong các "trại cải tạo" do đau ốm (sốt rét, kiết lỵ, phù nề v.v..) không được chăm sóc đàng hoàng. Chỉ khi bị đau nặng gần chết thì được "tha" cho về nhà... để chết. Một tù nhân cho rằng chế độ "trại cải tạo" này còn thâm độc hơn chính sách dã man của bọn Pol Pot: " Nếu xảy ra như ở Cam-bốt [sau khi chiếm Pnom Pênh hồi năm 1975 cộng sản Pol Pot đã công khai tàn sát 1/3 dân số" - VNT] thì chúng tôi đỡ khổ hơn... Chúng tôi không chết nhanh chóng [nhưng] phải chết dần, chết mòn... Máu của chúng tôi không đổ ra ồ ạt [như ở Cam-bốt - VNT] nhưng rỉ ra từng giọt một và rỉ ra đến giọt cuối cùng... Sự tài tình của cộng sản Việt Nam là che giấu được thủ đoạn dã man... [của họ] tài hơn..., thâm độc hơn, tàn nhẫn hơn [Pol Pot]" 118.

Nói chung, chính sách "học tập cải tạo" này là "một chủ trương thất đức, thất nhân tâm, mang tính chất trả thù, gây không biết bao đau khổ, chết chóc, tật bệnh, [làm] tan vỡ gia đình, làm đau khổ cả đến vợ con, bố mẹ thân nhân" 119 của các nạn nhân.
Khi đi dự Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ ở Hà Nội (tháng 11.97) một ký giả Canada đã đặt tựa bài báo nói về Việt Nam như sau "Một nhà tù tên là Việt Nam" 120; và điều này đã nói lên một cách súc tích đặc điểm cơ bản của "chuyên chính vô sản" ở Việt Nam rồi!

Ngoài nhà tù và "trại cải tạo" ra, "CCVS" ở Việt Nam còn được thể hiện qua việc ám sát những người bất đồng chính kiến như vụ ám sát (hụt!) nhà văn sáng suốt và rất can đảm Dương Thu Hương. Về vụ này nhà văn Dương Thu Hương đã kể lại như sau: "đối với mình... họ [tức là công an - VNT] dùng tất cả mọi biện pháp. Họ đã từng làm accident... hồi cuối năm 1988... Họ định kẹp tôi vào xe của công an. Năm 1989, tại Ðại hội nhà văn... họ định làm accident kẹp chết tôi [một lần nữa - VNT], nhưng tôi lại [được] Trời cứu - có nghĩa là có người biết và họ [đã] cứu [tôi]. Chính năm ấy Bộ chính trị điên lên vì tôi đọc bài "Ðảng phải biết ơn nhân dân chứ không phải chỉ có dạy nhân dân biết ơn đảng... "121. Ông Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Tổng bí thư đã từng gọi nhà văn này là "con đĩ chống đảng" (sic) 122, và đã ra lệnh bắt giam trong khoảng sáu tháng hồi năm 1991. Trong khi bị thoá mạ ở trong nước thì ở ngoại quốc, nhà văn Dương Thu Hương được trao tặng huân chương Chevalier de l'ordre des Arts et des Lettres của chính phủ Pháp hồi năm 1994 [bà là nhà văn Việt Nam đầu tiên được tặng huân chương này], và gần đây (tháng 12.2001) còn nhận được giải thưởng Prince Claus của Hà Lan vì "tác phẩm văn chương và thái độ của bà biểu lộ một sự phản đối tình trạng xã hội [ở Việt Nam] và một sự dấn thân cho cải cách, tự do" 123.

Về "CCVS" nói chung thì ÐCSVN đã và đang học tập nhiều ở người anh cả là ÐCS Trung Quốc; nhưng có khi nhờ rút kinh nghiệm của Trung Quốc, ÐCSVN có cách đàn áp "tế nhị" hơn ÐCS Trung Quốc, như trong vụ đàn áp cựu chiến binh lãnh đạo phong trào nông dân nổi dậy ở Thái Bình hồi tháng 07.1997 chẳng hạn. Theo nhà văn Dương Thu Hương kể lại thì những cựu chiến binh này thường bị "bắt nguội" (tức là bị bắt sau một thời gian lắng đi), và họ "đã lần lượt chết trong bóng đêm câm lặng..., vô tăm tích khi dư luận báo chí lãng quên (...). Nào ai nghe được tiếng kêu hấp hối của họ trong các trại giam phân tán rải rác nơi hẻo lánh, giữa đám tù hình sự... giết thuê chém mướn. Một trăm kiểu chết khác nhau. Họ [những cựu chiến binh - VNT] ảo tưởng rằng máu đồng đội và máu chính bản thân đổ xuống trong [cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua] bảo đảm cho họ quyền lên tiếng đòi công lý (...). Ảo tưởng [đó]... dẫn họ tới những cái chết im lìm trong các trại giam tàn khốc và tăm tối. Việt Nam không có Thiên An Môn. Nghệ thuật huyền diệu của [cộng sản] Việt Nam là ngâm tẩm những Thiên An Môn trong a-xít lặng câm và quên lãng, xé Thiên An Môn thành muôn ngàn mảnh vụn cho gió thổi bay vô tâm tích cùng cát bụi. Riêng về điểm này, những người lãnh đạo Trung hoa nên cắp sách tới học các nhà lãnh đạo "Việt Nam" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] 124
Gần đây, nhà trí thức ly khai nổi tiếng, nhà lão thành cách mạng Hoàng Minh Chính cũng đã cho biết là công an đã từng nói thẳng với vợ con ông rằng nếu cần họ sẵn sàng hy sinh cả một mạng người (tức là ông) để "bảo vệ an ninh quốc gia". 125
Nói chung, những biện pháp chuyên chính vô sản kể trên do ÐCSVN áp dụng bấy lâu nay đều, ít nhiều, xuất phát từ quan niệm của Mao Trạch Ðông là "càng tàn bạo bao nhiêu thì càng có nhiệt tình cách mạng bấy nhiêu"! 126
&
& &

"Chuyên chính vô sản" ở Việt Nam còn có một sự tương liên đến chuyên chính vô học và vô văn hoá nữa. Những nhà trí thức từng sống dưới chế độ cộng sản trước và sau năm 1975 đều đã thực nghiệm điều nghịch lý này: người kém, dở lại lãnh đạo người giỏi, nhất là trong các cơ quan chuyên môn; và thậm chí có rất nhiều trường hợp người lãnh đạo chóp bu ở các cơ quan chuyên môn lại không biết chuyên môn gì cả! Ðó là phải tuân theo nguyên tắc "ÐCS phải lãnh đạo toàn diện", kể cả ở các cơ quan chuyên môn; và sự lãnh đạo này phải dựa trên một nguyên tắc tương liên khác nữa, đó là "hồng hơn chuyên", tức là tiêu chuẩn chính trị, sự trung thành tuyệt đối với đảng, sự tín nhiệm của "đảng uỷ" và "đảng đoàn" quyết định vị trí của các cán bộ, chuyên viên chứ không phải tiêu chuẩn chuyên môn, tài năng và kinh nghiệm của họ.

Do nguyên tắc ÐCS phải lãnh đạo cho nên ở các cơ quan chuyên môn thì nhất thiết phải có "đảng đoàn" và "đảng uỷ". Thường thường thì những người không làm được thủ trưởng ở cơ quan chuyên môn vì trình độ chuyên môn thấp kém thì họ lại làm Bí thư đảng đoàn và Bí thư đảng uỷ ở các cơ quan đó. Và khi có tranh luận về chủ trương, đường lối trong công tác chuyên môn hoặc về vấn đề nhân sự trong lĩnh vực chuyên môn thì ý kiến của "đảng đoàn" và "đảng uỷ" lại là ý kiến quyết định! "Kết quả là những người kém hiểu biết về chuyên môn thì lại [có quyền] quyết định những vấn đề về chuyên môn và số phận của những người [làm] chuyên môn... ": nghịch lý này đã được ông Trần Ðộ nêu lên từ lâu rồi 127. Ở cấp trung gian trong các cơ quan chuyên môn, người ta cũng thường thấy người giỏi, có bằng cấp cao và có nhiều kinh nghiệm nhưng không phải là đảng viên thì phải làm việc dưới sự điều khiển của những người kém về chuyên môn, có bằng cấp thấp hơn nhưng lại là đảng viên. Cũng có trường hợp người có bằng cấp cao (Tiến sĩ chẳng hạn) nhưng lại được đào tạo ở một nước tư bản chủ nghĩa thì lại phải chịu sự lãnh đạo của người có bằng cấp thấp hơn (cử nhân hoặc phó tiến sĩ chẳng hạn) nhưng lại được đào tạo ở một nước XHCN, dù rằng cả hai chuyên viên này đều là đảng viên cả!

Chuyên chính vô học được thể hiện một cách rõ ràng nhất trong thái độ coi thường những nhà trí thức nói chung, dù rằng trong một vài bài diễn văn gần đây các nhà lãnh đạo ÐCS cũng đôi khi (giả vờ) đề cao trí thức để động viên họ tích cực đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Những nhà trí thức ngoan ngoãn, cơ hội chủ nghĩa về mặt chính trị hoặc nịnh hót chế độ thì được thăng cấp khá nhanh dù kém về chuyên môn; và ngược lại những chuyên viên, những giáo sư rất giỏi, nổi tiếng không những ở trong nước mà còn ở ngoại quốc nữa, nhưng lại thẳng thắn, ương ngạnh, cứng đầu hoặc bất đồng ý kiến thì không được tin dùng, không được quý trọng, luôn luôn bị nghi ngờ, bị theo dõi hoặc bị đàn áp một cách tàn nhẫn như GS. Nguyễn Mạnh Tường và nhà triết học nổi tiếng Trần Ðức Thảo chẳng hạn.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Tiến sĩ luật và Tiến sĩ văn khoa, trong một bài diễn văn ở "Mặt trận Tổ quốc" ngày 30.10.1956, đã khẳng định rằng lý do cơ bản của những "sai lầm" của đảng trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc đều bắt nguồn từ việc không có "một chế độ pháp trị chân chính [và] một chế độ dân chủ thật sự". Tuy nhận xét này là rất chính xác nhưng sau đó thì ông Tường bị mất dần các chức vụ, bị cô lập về mặt chính trị và bị bao vây về mặt kinh tế đến mức ông muốn dạy tiếng Pháp để kiếm tiền nuôi gia đình cũng không có ai dám đến học!

Giáo sư Thạc sĩ Trần Ðức Thảo, nhà triết học Việt kiều nổi tiếng ở Pháp cùng thời với Jean-Paul Sartre đã tự nguyện rời bỏ cuộc sống hoa lệ ở Paris để về Việt Bắc hoà mình vào cuộc kháng chiến chống Pháp gay go gian khổ. Nhưng sau khi hoà bình lập lại (1954) ông bị phê phán khá nặng trong vụ "Nhân văn giai phẩm" và bị đưa lên núi Ba Vì (Sơn Tây) trong một thời gian dài để được "lao động cải tạo" bằng cách chăn bò sữa. Cuối đời, đau ốm, ông được phép sang Paris chữa bệnh và chết ở đó. Nhưng khi tro hài cốt của ông được đưa về Việt Nam thì nó bị bỏ nằm hàng tháng ở gầm cầu thang nhà tang lễ Phùng Hưng vì không có người nhận!

Nói chung thì trong chế độ "chuyên chính vô sản" nếu ai có quan niệm khác với tập đoàn lãnh đạo, trong tư tưởng, trong cách kiến giải những vấn đề của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội thì bị coi là chống (chống lại đường lối, chủ trương của ÐCS). Vì vậy cho nên ở Việt Nam không thể có điều kiện để bật nảy thiên tài. Nếu cho rằng ý nghĩ của Bộ chính trị ban bố ra là giới hạn cuối cùng của trí tuệ rồi thì làm sao vốn liếng trí lực chung của xã hội còn có thể bừng tỉnh dậy và nhân lên được?
Vấn đề lương bổng cho các chuyên viên, giáo sư v.v.. là thước đo cụ thể nhất của mức độ tôn trọng hay bạc đãi trí thức của nhà cầm quyền Hà Nội. Theo TS. Nguyễn Thị Anh Thu thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách khoa học - công nghệ, lương của chuyên viên khoa học và công nghệ "chưa bảo đảm tái sản xuất lao động". Thành thử, vẫn theo bà này, phần lớn giới này phải làm công việc chạy ngoài, luồn lót, bao bì... Lương chính trở thành lương phụ, thu nhập ngoài lương cao hơn lương chính nhiều 128.

Một chính sách lương bổng cho chuyên viên quá thấp như vậy [người ta thường nói đùa lương bổng, tức là lương nhẹ bổng!] khiến cho chuyên viên trong biên chế nhà nước chỉ làm "qua loa đại khái" thôi, và điều này "đang làm tê liệt động lực phát triển kinh tế trong thời đại khoa học kỹ thuật" 129. Các giới chuyên viên còn ta thán là "làm thật thì ăn cháo, làm láo nháo thì ăn cơm" (ibid). Ðây là nhận xét của TS. Nguyễn Ái Ðoàn, thuộc đại học Bách Khoa Hà Nội.

Chính sách lương bổng như trên lẽ dĩ nhiên không thể khuyến khích và thu hút những tài năng trẻ, những chuyên viên giỏi có nhiều kinh nghiệm.

Chuyên chính vô học còn được thể hiện trong chính sách phân biệt đối xử với các con em của các gia đình đã từng tham gia trong các chính quyền cũ trước đây và của các gia đình đã từng đi theo cách mạng, các gia đình cán bộ, đảng viên nhưng bất đồng chính kiến, hoặc chống đối chế độ: các con em này không bao giờ được tuyển vào đại học dù thi đỗ với điểm rất cao, hoặc được gửi đi đào tạo ở nước ngoài (sau đại học) dù rằng đã tốt nghiệp đại học với điểm khá cao.
&
& &

Ở Việt Nam "chuyên chính vô sản" thường thường cũng đi đôi với chuyên chính vô văn hoá. Về vấn đề nầy thì có nhiều sự kiện đáng kể lắm, nhất là trong thái độ cư xử của cán bộ trong ngành công an đối với người dân, kể cả đối với các bậc lão thành cách mạng và các nhà trí thức. Xin nêu ra một ví dụ xảy ra gần đây. Trong một cuộc thẩm vấn Luật sư Lê Chí Quang về vấn đề tham gia xin thành lập "Hội chống tham nhũng... " và yêu cầu chính quyền thực hiện các quyền tự do dân chủ đã ghi trong "Hiến pháp 1992" thì một cán bộ công an đã tỏ ra rất xấc xược và vô văn hoá như sau:

- Công an (CA): "Tao tha cho mày (sic) vì mày ốm yếu... Nhưng tao cấm mày ra khỏi nhà"
- Lê Chí Quang (LCQ): "Có văn bản pháp luật nào cấm tôi ra khỏi nhà không?"
- CA: "Tao không cần văn bản nào cả!"
- LCQ: "Vậy là văn bản miệng à"?
- CA: "Ðúng. Miệng tao là pháp luật"
- CA: "Tao sẽ bắt mày ngay nếu ra khỏi nhà... " 130.

Ðây là một ví dụ điển hình về thái độ xấc xược của một cán bộ công an, một cán bộ của "Nhà nước pháp quyền XHCN" mà ngang nhiên coi thường pháp luật đến mức độ như vậy đối với một nhà trí thức ở Hà Nội hồi tháng 09 năm 2001. Thái độ xấc xược này khác hẳn với lời dạy của ông Hồ: "Ðối với nhân dân [công an] phải kính trọng, lễ phép".

Bình luận về sự kiện này, TS. Nguyễn Thanh Giang đã viết: "Hiện lên trước mặt người đọc đoạn đối thoại này hẳn phải là một tên phát xít cuồng bạo, vô văn hoá, vô giáo dục. Chao ôi! Rơi bao nhiêu xương, đổ bao nhiêu máu để chống cường quyền áp bức thì nay lại vẫn nghênh ngang trước mặt công dân Việt Nam những kẻ mang hàm tước "công an nhân dân" mà hống hách hơn cả phát-xít Nhật!" (ibid).

Ông Trần Dũng Tiến, một cựu chiến binh bất đồng chính kiến cũng cho biết ở một đồn công an khác ở Hà Nội cũng có một cán bộ công an rất xấc láo như trong ví dụ kể trên: cán bộ này đập bàn quát tháo hỗn xược đối với những công dân vô tội đáng tuổi cha chú mình (ibid).

Hai ví dụ trên đây minh hoạ một cách rõ rệt bản chất xấc xược và vô văn hoá vốn có của "công an nhân dân", một trong hai trụ cột chủ yếu của "chuyên chính vô sản" ở Việt Nam, trước đây cũng như hiện nay.

8. Bạo lực và Dối trá của ÐCS và Nhà nước

Ở Việt Nam, cũng như ở các nước XHCN toàn trị khác, "bạo lực cách mạng" được thực hiện hàng ngày và được nâng lên thành một thể chế, trong lúc đó thì thái độ dối trá một cách có hệ thống của ÐCS và Nhà nước XHCN đối với nhân dân được nâng lên thành một quốc sách, và hai hiện tượng này có quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau.
Giải thưởng Nobel, nhà văn Nga A. Soljénitsyne, một trong những người am hiểu chế độ toàn trị cộng sản có một nhận xét chí lý như sau: "Bạo lực chỉ có thể được che đậy bằng dối trá, và dối trá chỉ có thể được duy trì bằng bạo lực".

Ở Việt Nam, GS. quá cố Nguyễn Mạnh Tường cũng đã từng nói: "sự tàn bạo" của những người cộng sản nhằm "tiêu diệt những người mà họ gọi là kẻ thù" thường đi đôi với sự "dối trá" của họ. Ông này còn cho rằng "sự dã man quỷ quyệt... và sự bất nhân khéo che đậy của họ là chưa hề thấy trong lịch sử loài người" 131.

Trải qua nhiều kinh nghiệm, ông Trần Ðộ cũng đã nhận xét như sau: đối với tập đoàn lãnh đạo cộng sản "sự tồn tại của cầm quyền là tiêu chuẩn duy nhất của [ý thức hệ]..., của mọi nguyên lý, [bất chấp mọi] đạo lý. Vì vậy ý thức hệ cầm quyền cần có và cho phép mọi thủ đoạn dối trá, lừa bịp... [đi đôi với sự] đàn áp, khủng bố để đáp ứng yêu cầu tồn tại và củng cố sự cầm quyền hiện tại"132.

Cũng về hành động dối trá của ÐCS, ông Phạm Thiều, một nhà trí thức đã từng theo cách mạng từ kháng chiến chống Pháp có trối trăn lại một câu cho đời trước khi tự vẫn như sau: "Những kẻ dốt hay làm dại, vì thế họ phải dối [trá]. Ba chữ "D" này đi liền với nhau: Dốt-Dại-Dối" 133.

A. Ở phần trên, chúng tôi đã nêu lên nhiều hiện tượng liên quan đến "bạo lực cách mạng" mà "chuyên chính vô sản" đã áp dụng trong nhiều năm qua. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh là "trong suốt quá trình tồn tại [của ÐCSVN] đầu óc sùng bái bạo lực của [họ] rất nặng... Không chỉ cướp chính quyền và giữ chính quyền, mà cả khi xây dựng "xã hội mới" nữa 134; không những đối với "kẻ thù giai cấp" mà còn đối với cán bộ, đảng viên bất đồng chính kiến nữa.

Trong thời kỳ hoạt động bí mật đã có nhiều đảng viên chỉ vì bị lãnh đạo nghi ngờ mà bị chính đảng của họ thủ tiêu. Còn trong thời kỳ ÐCS đã nắm được chính quyền thì những đảng viên bất đồng chính kiến với lãnh đạo, như "vụ án xét lại - chống đảng" trong những năm 60 chẳng hạn, cũng bị đàn áp khốc liệt. Trong vụ án này nhiều người bị bắt, bị tù đày, giam tại gia, quản chế, kể cả đảng viên cao cấp trong 6, 9 thậm chí 20 năm mà không có một toà án nào xét xử cả. Theo một đảng viên ly khai thì trước đây cũng đã có những cuộc "đánh" vào nội bộ làm nhiều người bị oan uổng, nhưng "chưa bao giờ có trận đánh to lớn, kéo dài và độc ác vào nội bộ như lần này..." 135. Ngay trong lúc lãnh đạo đang mở rộng diện bắt bớ các đảng viên bất đồng ý kiến với các đường lối Mác-xít của đảng thì ông Trường Chinh, trong một diễn văn kỷ niệm 150 năm ngày sinh của C. Mác khẳng định rằng: "Từ ngày ra đời, luôn luôn trung thành với tư tưởng bạo lực cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lê..., đảng ta đã xác định con đường bạo lực cách mạng là con đường duy nhất đúng đắn để đánh đổ kẻ thù giai cấp..., giành chính quyền..., bảo vệ chính quyền cách mạng..." 136

Gần đây hơn, nhất là từ sau Ðại hội lần thứ 9 của ÐCSVN (tháng 04.2001) và dưới thời Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh thì song song với sự phát triển của phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ ở trong nước, ÐCS và Nhà nước cũng gia tăng cường độ đàn áp với nhiều hình thức khác nhau, cả thô bạo lẫn "tinh vi", xảo quyệt.

Ðồng thời với biện pháp chính trị như "quản chế hành chính" theo Nghị định 31/CP nhằm biến "nhà ở thành nhà tù" và Nghị định 89/CP cho phép "tạm giam" vô thời hạn mọi công dân, chính quyền Hà Nội còn kiếm đủ mọi cách và mọi cớ để bắt bớ những nhà ly khai, cướp đoạt bản thảo, hồi ký của họ ở giữa đường phố (như trường hợp của ông Trần Ðộ), truy lùng và thiêu huỷ sách của họ như bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng, bất chấp luật pháp xông vào khám xét, lục soát ngay cả đêm tối [như trường hợp của ông Lê Hồng Hà], dựng lại cảnh đấu tố vắng mặt họ trong khu dân cư, hù doạ người thân và triệu họ lên công an để thẩm vấn nhiều lần liên tiếp, cắt điện thoại của cả gia đình họ v.v.. Song song với các biện pháp nói trên, chính quyền còn áp dụng nhiều thủ đoạn đểu giả để bao vây họ về mặt kinh tế để dồn họ và gia đình họ vào hoàn cảnh túng quẫn hết sức khó khăn.

Các hiện tượng kể trên đều là những sự biểu lộ dưới nhiều hình thức khác nhau của "bạo lực cách mạng", và như đã nói bên trên, bạo lực này có quan hệ hữu cơ với chính sách dối trá có hệ thống của ÐCS và Nhà nước XHCN.

Ðiều đáng chú ý là hiện nay thái độ dối trá, giả dối của chính quyền đã từ lâu lan tràn ra cả xã hội. Thiếu tướng, phó GS. Bùi Phan Kỳ đã thắng thắn thừa nhận: "Ðảng cộng sản lãnh đạo đã tạo ra và hình thành một xã hội dối lừa, lãnh đạo dối lừa, làm ăn giả dối, bằng cấp giả dối, đến gia đình cũng lừa dối... " [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] 137.


B. Bàn về chính sách dối trá của ÐCS và Nhà nước thì không biết có thể viết bao nhiêu trang mới đủ! Ở đây chúng tôi chỉ muốn nhắc lại vài ví dụ điển hình mà thôi.

Về vấn đề "chuyên chính vô sản" (CCVS) chẳng hạn thì, từ Ðại hội 7 của ÐCS (1991) trở đi, trong nội bộ đảng người ta vẫn tiếp tục khẳng định là Nhà nước hiện nay "về thực chất là nhà nước chuyên chính vô sản", nhưng đối với nhân dân thì ÐCS thay thế "chuyên chính vô sản" bằng thuật ngữ "nhà nước [pháp quyền] XHCN" hoặc "Nhà nước của dân, do dân, vì dân,... dưới sự lãnh đạo của đảng". "Vậy là ta làm chuyên chính vô sản mà chỉ biết nói với nhau trong đảng, còn không cho dân biết" như ông Trần Ðộ đã từng tố cáo 138. Về mặt này thì phải nói ÐCS Trung Quốc có phần nào thành thật hơn ÐCSVN vì họ vẫn gọi nhà nước của họ là "chuyên chính dân chủ nhân dân". Ðối với chúng ta thì chuyên chính không thể nào đi đôi với dân chủ cũng như lửa không thể nào tồn tại song song với nước được nhưng ít ra ÐCS Trung Quốc cũng thừa nhận một cách thẳng thắn là họ đang thiết lập một nền chuyên chính!

Về chính sách nói dối của ÐCSVN thì có thể kể rất nhiều chuyện từ nhỏ đến lớn. Hãy bắt đầu từ một ví dụ nhỏ:

Ngày 25.04.2001, công an Hải Phòng chặn đường bắt nhà văn và cựu chiến binh Vũ Cao Quận, 70 tuổi, rồi tống giam suốt 9 ngày chỉ để tra hỏi về các bài viết của ông và của các nhà đối lập khác. Nhưng người phát ngôn của Bộ ngoại giao, bà Phan Thuý Thanh lại bai bải chối rằng Vũ Cao Quận không hề bị bắt khi trả lời phỏng vấn nước ngoài. Và đây không phải là lần đầu tiên mà "Nhà nước pháp quyền XHCN" Việt Nam nói dối một cách trắng trợn như thế!

Một ví dụ khác về thái độ dối trá quan trọng hơn của ÐCS và Nhà nước là khi đi ra nước ngoài các nhà lãnh đạo bị báo chí ngoại quốc chất vấn về vấn đề vi phạm nhân quyền, về sự đàn áp những người đối lập hoặc bất đồng chính kiến ở trong nước thì họ luôn luôn chối đây đẩy rằng ở Việt Nam không có tù nhân chính trị, tôn giáo gì cả! Một ví dụ gần đây: Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh tuyên bố, trong một cuộc phỏng vấn với báo chí ngoại quốc: "Ở Việt Nam không có tù nhân chính trị. Không có ai bị bắt giữ hoặc bị bỏ tù vì phát biểu hay vì quan điểm [chính trị] của họ cả" 139.

Theo lập luận của ÐCS và Nhà nước XHCN thì những người bất đồng chính kiến hoặc đối lập, những người đấu tranh cho các quyền tự do dân chủ đều là "thường phạm" vì họ đã "lợi dụng" các quyền tự do dân chủ "để làm điều phi pháp như chống lại nhà nước XHCN"; do đó, họ bị trừng trị vì họ "vi phạm pháp luật XHCN" của Nhà nước, chứ chính quyền không hề vi phạm nhân quyền! Nói một cách khác, thủ đoạn dối trá xảo quyệt của chính quyền Hà Nội là tìm đủ mọi cách - kể cả những cách đểu giả nhất - để biến tội phạm chính trị, tôn giáo thành "thường phạm" để có thể chối đây đẩy trước dư luận thế giới rằng ở Việt Nam không bao giờ có tù nhân chính trị, tôn giáo cả. Do đó, chúng ta cần vạch trần mánh khoé bịp bợm, xảo quyệt này một cách có hệ thống và liên tục (để chống lại chính sách dối trá có hệ thống của ÐCS và nhà nước trong lĩnh vực này).

Dù chính quyền Hà Nội làm thế nào đi nữa, dư luận thế giới ngày nay đều biết khá rõ những tin tức đàn áp - cả thô bạo lẫn "tinh vi" - của chính quyền Hà Nội đối với những người đang đấu tranh rất dũng cảm cho các quyền tự do dân chủ cơ bản trong nước.

Xin nêu lên đây vài trường hợp về thủ đoạn biến tù nhân chính trị, tôn giáo thành "thường phạm".

Giáo sư và ký giả Nguyễn Ðình Huy bị bắt đi tập trung "cải tạo" từ tháng 04.1975 đến tháng 03.1992 vì là đảng viên của Ðảng Tân Việt. Sau khi được trả tự do trong một thời gian ngắn và được bầu làm chủ tịch "Phong trào thống nhất Dân tộc và Xây dựng dân chủ", một phong trào luôn luôn chủ trương đấu tranh dân chủ, đa nguyên một cách hoà bình, ông Huy bị bắt lại ngày 17.11.1992 chỉ vì xin phép chính quyền tổ chức một cuộc "Hội thảo quốc tế về Phát triển Việt Nam" tại thành phố Hồ Chí Minh, dự trù ngày 27.11.93. Ông bị quy vào tội "âm mưu và hoạt động nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa", và bị kết án 15 năm tù. Cho tới khi chúng tôi viết những dòng này, ông Huy vẫn còn bị cầm tù.

Một trường hợp khác là trường hợp của Bs. Nguyễn Ðan Quế, bị bắt năm 1990 vì ông, cùng với một số bạn bè, đã tổ chức "Cao trào nhân bản" và đã đưa lời kêu gọi bầu cử tự do và thiết lập một hệ thống đa đảng. BS. Quế đã bị kết án 20 năm tù hồi năm 1991 với tội danh là "tìm cách lật đổ Nhà nước XHCN". Tuy nhiên, cách đây không lâu, dưới áp lực quốc tế, Bs. Quế được trả lại tự do. Nhưng gần đây trong năm (2002) công an đến xét nhà Bs. Quế và tố cáo ông "vi phạm an ninh quốc gia và hoạt động lật đổ chính quyền".

Về trường hợp Cha Nguyễn Văn Lý, lý do thật mà linh mục này bị xử án là đã từng công bố trên mạng lưới "Internet" nhận xét rằng chính quyền cộng sản Việt Nam đã vi phạm nhân quyền trong đó có quyền tự do tôn giáo mà Cha Lý cương quyết đòi hỏi phải được thực hiện cho bằng được, dù sống hay chết. Về phía chính quyền thì họ kết án Cha Lý 15 năm tù vì hai tội danh: "phá hoại đoàn kết dân tộc và chống lại lệnh cấm thi hành nhiệm vụ linh mục và lệnh quản chế".

Những sự kiện trên đã cho ta thấy rằng, bằng một trò ảo thuật khá nhanh nhẹn, chính quyền Hà Nội biến các vụ vi phạm nhân quyền của họ thành các vụ vi phạm luật pháp hình sự (theo điều 88 của Bộ luật hình sự nhằm trừng phạt những hành vi "chống nhà nước XHCN Việt Nam" chẳng hạn) để có thể tuyên bố một cách trắng trợn rằng ở Việt Nam không có tù nhân chính trị, tôn giáo mà chỉ có "thường phạm" mà thôi!

Nhưng có lẽ vụ dối trá trâng tráo nhất của ÐCSVN là lời hứa của họ để cho miền Nam được hưởng "dân chủ, hoà bình, trung lập" trong một thời gian đáng kể sau khi thống nhất đất nước 140. Về vấn đề này xin nhắc lại một số sự kiện sau đây:

Dưới sự đạo diễn của Hà Nội, "Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam" (MTGPMN) đưa ra hồi tháng 12.1960 một chương trình 10 điều trong đó có một điều quan trọng là kêu gọi nhân dân miền Nam lật đổ chế độ Ngô Ðình Diệm và biến miền Nam thành "một nước độc lập, dân chủ, hoà bình và trung lập" 141.

Năm 1967 trong một cuộc đối thoại với ông Raymond Aubrac, ông Phạm Văn Ðồng, lúc đó là Thủ tướng, khẳng định rằng chính quyền Hà Nội và "MTGPMN" sẽ "không phạm phải sai lầm cưỡng ép miền Nam đi theo con đường xã hội chủ nghĩa sau khi chiến tranh chấm dứt" 142.

Năm 1969, dưới sự lãnh đạo của Hà Nội, "Chính phủ cách mạng lâm thời" (CPCMLT) cũng nhắc lại khẩu hiệu "độc lập, dân chủ, hoà bình và trung lập" nói trên và còn nói rõ, trong điều 11 của chương trình hành động của họ là sự thống nhất đất nước sẽ được thực hiện từng bước một, một cách hoà bình theo sự thoả thuận giữa hai miền, không bên nào cưỡng bức bên nào; và miền Nam sẽ thực hiện một chính sách ngoại giao hoà bình và trung lập143.

Tuy nhiên bốn tháng sau khi chiếm được miền Nam (tháng 04.1975), tại Hội nghị trung ương lần thứ 24 của ÐCSVN (tháng 08.1975) tập đoàn lãnh đạo CS quyết định "đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội" 144. Và để thực hiện chủ trương này, ÐCSVN tổ chức một vở kịch khôi hài gọi là "Hội nghị hiệp thương" Bắc-Nam để gấp rút thống nhất đất nước tại Sài Gòn (tháng 11.1975) dưới sự đạo diễn của Hà Nội, nhằm cưỡng bức miền Nam đi theo con đường XHCN giống như miền Bắc, bất chấp những sự khác biệt rất lớn giữa hai miền 145. Làm như vậy, không những ÐCSVN đã đánh lừa nhân dân miền Nam - kể cả những thành viên trong CPCMLT - mà còn đánh lừa cả dư luận quốc tế với chiêu bài "hoà bình, trung lập" cho miền Nam. Thật vậy, sau khi chiến thắng ở miền Nam, ông Lê Duẩn, lúc đó là Tổng bí thư, đã giải thích mẹo lừa gạt dư luận quốc tế, nhất là các nước thuộc khối ASEAN đang lo sợ về sự bành trướng của cộng sản ở Ðông Nam Á, như sau: "Cả nước Việt Nam nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng trong buổi đầu, chúng ta chỉ đề ra mục tiêu thực hiện một miền Nam "độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc". Với mục tiêu hạn chế này, chúng ta làm cho bầu bạn ta [tức là các nước láng giềng Ðông Nam Á - VNT] hiểu rằng [ÐCSVN]... không chủ trương "xuất khẩu cách mạng", "xuất khẩu xã hội chủ nghĩa" sang các nước khác. Vì thế chúng ta đã tranh thủ được các lực lượng trung lập đứng về phía chúng ta và làm cho thuyết domino của Mỹ dần dần mất tác dụng" 146.

[Trên thực tế thì sau khi chiến thắng ở miền Nam, ÐCSVN vẫn tìm cách "xuất khẩu cách mạng" sang các nước láng giềng, bắt đầu là Thái Lan, nhưng không thành công như đã nói bên trên].

Song song với sự lừa gạt nhân dân miền Nam, ÐCSVN cũng dùng "bạo lực cách mạng" để thực hiện "chuyên chính vô sản" trên cả nước: khoảng 300.000 viên chức, sĩ quan của chế độ Sài Gòn trước đây và một số nhà trí thức, văn nghệ sĩ sống dưới chế độ cũ đã bị bắt bớ, giam cầm, đày đoạ trong các trại tù mệnh danh là "trại cải tạo", trái với điều 5 ("nghiêm cấm trả thù v.v.. ") của chương trình hành động được phổ biến trước đây của CPCMLT. Còn giai cấp tư sản ở miền Nam thì bị tước đoạt tài sản trong chiến dịch "cải tạo xã hội chủ nghĩa" như đã phân tích bên trên, và hành động này là trái hẳn với điều 6 của chương trình của CPCMLT trong đó có ghi rõ là CPCMLT "khuyến khích doanh nhân tư sản phát triển công thương nghiệp, bảo đảm quyền sở hữu tư liệu sản xuất và tài sản của họ". Các tôn giáo, kể cả tôn giáo có truyền thống dân tộc như Phật giáo bị kiểm soát ngặt nghèo, bị tước đoạt quyền tự do hành đạo; các tu sĩ, tăng sĩ, tín đồ tích cực của các tôn giáo bị đàn áp, giam cầm trong các trại tập trung v.v.. , và việc làm này cũng là trái với điều 5 của chương trình của CPCMLT đã hứa tôn trọng tự do tín ngưỡng.

Trên đây là một vài ví dụ điển hình minh hoạ một cách rõ ràng quan hệ hữu cơ, mật thiết giữa bạo lực được thể chế hoá và dối trá được nâng lên thành quốc sách của chế độ XHCN ở Việt Nam.

Bây giờ chúng tôi muốn bàn đến một khía cạnh tối quan trọng của "chuyên chính vô sản", đó là vai trò lãnh đạo của ÐCS đối với cái gọi là "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".
&
& &

9. "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" (NNPQXHCN)

A. Ðặc điểm chính của NNPQXHCN.


Qua cách trình bày của các nhà lãnh đạo trong các tài liệu chính thức của ÐCS chúng ta có thể rút ra ba đặc điểm chính của cái gọi là "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", cũng còn được gọi tắt là "Nhà nước xã hội chủ nghĩa".

Ðặc điểm thứ nhất, và cũng là cơ bản nhất là, như Báo cáo chính trị tại Ðại hội lần thứ IX của ÐCS đã nêu rõ, Nhà nước này phải được "xây dựng... dưới sự lãnh đạo của Ðảng" 147. Ðiều này chứng tỏ là trên thực tế, cái gọi là "chuyên chính vô sản" (CCVS) vẫn tồn tại ở Việt Nam dù rằng trong các tài liệu chính thức người ta không dùng biệt ngữ này nữa từ năm 1991 đến nay. Gọi là "CCVS" nhưng sự thật là chuyên chính của ÐCS, hay nói một cách chính xác hơn là chuyên chính của tập đoàn lãnh đạo của ÐCS mà thôi, như đã nói bên trên. Do vậy cho nên người ta thường gọi chế độ chính trị ở Việt Nam là chế độ đảng trị tức là - như cựu Ðại tá quân đội nhân dân Phạm Quế Dương, người phát ngôn hiện nay của "Nhóm dân chủ" ở trong nước đã nhận xét "đảng thống trị ngồi trên đầu dân, quyết định hết [mọi công việc liên quan đến nhà nước và xã hội - VNT] nhưng không chịu trách nhiệm trước dân"148.

Báo cáo chính trị tại Ðại hội IX của ÐCS đã ghi rõ: "Sự lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước thể hiện ở việc Ðảng đề ra đường lối, chủ trương và các chính sách lớn định hướng cho sự phát triển trong từng thời kỳ; [ÐCS] lãnh đạo Nhà nước định ra và thực thi Hiến pháp, pháp luật; [ÐCS] xây dựng bộ máy nhà nước... [và chỉ định một số đảng viên vào lãnh đạo ở tất cả các cấp trong bộ máy này - VNT]; [ÐCS] kiểm tra việc... tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng... [và kiểm tra] hoạt động các tổ chức Ðảng và đảng viên trong các cơ quan Nhà nước... " [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] 149.

Như vậy, trước cũng như sau thời kỳ "đổi mới", ÐCS vẫn giữ độc quyền quyết định đường lối, chính sách đối nội lẫn đối ngoại mà Nhà nước XHCN phải thi hành, như điều 4 của "Hiến pháp 92" đã xác nhận. Nói một cách khác, "NNPQXHCN" chỉ cần làm một việc duy nhất là thể chế hoá và cụ thể hoá đường lối, chính sách của ÐCS trong mọi lĩnh vực (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, ngoại giao v.v..) trong từng thời kỳ. Hiện tượng này mâu thuẫn hoàn toàn với điều 83 của "Hiến pháp 1992" trong đó có ghi rõ Quốc hội là "cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất".

Theo nhận xét của ông Trần Ðộ, "đảng độc tôn, độc quyền chuyên chế [này chỉ có thể] đẻ ra một nhà nước kềnh càng, quan liêu, năng lực kém" mà thôi 150.

"NNPQXHCN" nói trên là khác hẳn với một Nhà nước pháp quyền thật sự (mà các nhà lãnh đạo cộng sản thường gọi là "nhà nước tư sản") như ta thấy ở các nước văn minh trên thế giới. Ở đó, Nhà nước không bị một đảng độc quyền thống trị mà chỉ có đảng nào (hoặc liên minh một vài đảng) chiếm được đa số phiếu cử tri trong một cuộc bầu cử thật sự tự do thì mới lên nắm được chính quyền, do đó có quyền quyết định đường lối, chính sách cho cả nước trong một thời gian nhất định, theo nguyên tắc luân phiên trong một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng.

Ðặc điểm thứ hai của "NNPQXHCN" ở Việt Nam là quyền lực của nó phải là "thống nhất, [nhưng] có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp [và] tư pháp", như Báo cáo chính trị tại Ðại hội ÐCS lần thứ IX đã vạch rõ (chúng tôi nhấn mạnh - VNT) 151.

Ông Hồng Vinh, uỷ viên Trung ương ÐCS, phó trưởng ban tư tưởng - văn hoá đã nói rõ như sau: "Nước ta được tổ chức không theo hình thức của Nhà nước tư sản kiêu "tam quyền phân lập". Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp của Nhà nước ta hoạt động thống nhất, [nhưng] có sự phân công, phối hợp chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Ðảng" 152.

Nhận định về sự thống nhất của ba cơ quan quyền lực nói trên, dưới sự lãnh đạo của ÐCS, ông Trần Ðộ viết như sau: "... hệ thống chính trị không dân chủ này không có một cơ chế hãm nào, không có sự giám sát nào của nhân dân (vì quyền tự do ngôn luận bị hạn chế khắc nghiệt) nên lạm quyền dẫn tới lộng quyền là tất yếu" 153.

Sở dĩ các nhà lãnh đạo ÐCSVN - trong đó có ông Hồ - luôn luôn chống lại nguyên tắc tam quyền phân lập là vì họ muốn tập trung tất cả quyền lực vào tay họ, và điều này phù hợp với nguyên tắc chuyên chính của ÐCS thể hiện trong điều 4 của Hiến pháp 1992.
Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy chính vì không chấp thuận nguyên tắc tam quyền phân lập cho nên mới xảy ra những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài trong quá khứ do sự độc đoán của ngành hành pháp, như đã nêu bên trên. Và hiện nay, cũng chính vì không áp dụng nguyên tắc tam quyền phân lập, - cụ thể là không có hệ thống tư pháp độc lập (và không có tự do báo chí) - cho nên chính quyền Hà Nội không thể nào chống "quốc nạn" tham nhũng và buôn lậu một cách có hiệu quả được.

Chính để tránh những hậu quả tiêu cực do sự lạm quyền, sự độc đoán của Nhà nước gây ra mà từ hồi thế kỷ 17 nhà triết học Anh, John Locke (1632-1704) đã nêu lên lần đầu tiên sự cần thiết của nguyên tắc tam quyền phân lập. Sau đó nhà luật học và xã hội học Pháp Montesquieu (1689-1755) cũng nhấn mạnh trong quyển sách nổi tiếng tựa là L'Esprit des Lois (1748) tầm quan trọng của nguyên tắc tam quyền phân lập trong các nhà nước pháp quyền chân chính, và nguyên tắc này đã và đang được áp dụng từ Cách mạng Pháp 1789 đến nay.

Có lẽ cũng cần nhắc lại ở đây là ở nước ta, trái với ông Hồ Chí Minh, nhà chí sĩ Phan Chu Trinh cũng đã từng diễn giải về sự cần thiết phân chia quyền lực như sau: "Các quan chức về việc cai trị chỉ có quyền hành chính mà thôi, còn quyền xử án thì giao cho các quan án... [và những người này] chỉ coi việc xử đoán, có quyền độc lập, cứ theo lương tâm công bình, chiếu theo luật pháp mà xử, xử chính phủ cũng như xử một người dân...

Quyền tư pháp cũng như quyền hành chính của chính phủ và quyền lập pháp của nghị viện đều đứng riêng ra, không hợp lại trong tay một người nào" 154.

Hiện nay ở trong nước một số người bất đồng chính kiến như ông Trần Ðộ, TS. Nguyễn Thanh Giang, cựu đại tá Phạm Quế Dương cũng yêu cầu ÐCSVN và Nhà nước phải xác lập rõ ràng thể chế phân lập tam quyền, và cả ba cơ quan quyền lực này phải hoàn toàn độc lập với nhau về chức năng và quyền hạn, không có cơ quan quyền lực nào được lấn át cơ quan quyền lực nào 155.

Ở Việt Nam hiện nay cơ quan lập pháp, tức là Quốc hội thì, trên lý thuyết, là "cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa... " (điều 83 của Hiến pháp 1992), nhưng trên thực tế thì cơ quan này, như một đảng viên đã nhận xét, chỉ có nhiệm vụ chủ yếu là "thể chế hoá đường lối, chính sách của Ðảng thành các quy định của Nhà nước" mà thôi! 156. Và tác giả này còn nói thêm: "trên cơ sở hoạt động lập pháp [như vậy] của Quốc hội, hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa của Nhà nước" được thiết lập nhằm "góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, đổi mới kinh tế và mọi mặt của cuộc sống".

Nhìn chung, những văn bản pháp luật mà Quốc hội đã thông qua đã "tạo ra khuôn khổ pháp lý... bảo đảm... giữ vững sự lãnh đạo của Ðảng... tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, củng cố quốc phòng, an ninh" (chúng tôi nhấn mạnh - VNT) (ibid tr. 10).
Nói một cách khác, trên thực tế, Quốc hội bị biến thành "bộ máy giơ tay" tự động tán thành các đường lối, chính sách của ÐCS, như Chủ tịch quốc hội Lê Quang Ðạo đã thú nhận sau khi rời khỏi chức vụ này 157, thay vì thực hiện "quyền lực cao nhất" của nó để quyết định việc nước như điều 83 của Hiến pháp 1992 đã quy định. Sau ông Ðạo, ông Trần Ðộ, cựu phó Chủ tịch Quốc hội cũng nói lên một điều tương tự như vậy: "Chúng ta đang thực hiện chế độ Ðảng trị, [đặt] quyền lực của Ðảng trên cả Quốc hội, trên cả Hiến pháp và pháp luật" 158.

Chủ tịch Quốc hội hiện nay, ông Nguyễn Văn An có tuyên bố gần đây là Quốc hội sẽ thực hiện nhiệm vụ "cơ quan quyền lực cao nhất của nước". Vậy thì, để thực hiện ý định tốt đó ông hãy đưa ra liền trước Quốc hội Hiệp định Việt-Trung về Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định đánh cá chung trong Vịnh này (được ký ngày 25.12.2000) chẳng hạn để các đại biểu Quốc hội có thể thảo luận một cách công khai xem nào!

Ngoài ra, để chứng minh rằng lời nói đi đôi với việc làm, ông An cũng nên đưa ra trước Quốc hội để các đại biểu có thể bàn một cách công khai, trung thực và chi tiết ngân sách hàng năm của Nhà nước, cả thu lẫn chi, để họ có thể quyết định một cách độc lập việc phân bổ ngân sách giữa các cơ quan của chính phủ và các cơ quan và tổ chức quần chúng vệ tinh của ÐCS (đáng lẽ ngân sách của Nhà nước chỉ nên được dùng vào việc vận hành các cơ quan Nhà nước mà thôi). Sở dĩ chúng tôi đề nghị như trên là vì, như một chuyên viên trong nước đã nhận xét, "từ trước tới nay Quốc hội chưa bao giờ thực thi một cách thực chất quyền phân bổ ngân sách của mình (...) Quốc hội phải uỷ quyền cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ này. Ðến lượt mình, Uỷ ban [này] cũng mới chỉ làm được việc phê chuẩn dự kiến phân bổ ngân sách do chính phủ trình [theo chỉ thị của ÐCS - VNT] là chính" 159.

Ðề nghị trên đây chắc cũng không đến nỗi gì khó thực hiện vì trước khi khoá X kết thúc, Quốc hội đã chấp thuận một tu chính của Hiến pháp 1992 trong đó có ghi rõ là từ khoá XI của Quốc hội tức là (từ tháng 05.2002 trở đi) "Quốc hội có quyền... phê chuẩn và phân bổ ngân sách nhà nước cấp trung ương" 160.

Chỉ khi nào ông Nguyễn Văn An thực hiện được hai đề nghị nói trên chẳng hạn thì chúng tôi mới tin rằng ông đã khôi phục lại vai trò "cơ quan quyền lực cao nhất" của Quốc hội như ông đã tuyên bố.

Trong những năm gần đây, ÐCS đã nới lỏng cho đại biểu Quốc hội chất vấn các Bộ trưởng, Thủ tướng về những chính sách của chính phủ hoặc để cho đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều lúc có vẻ gay gắt về một vài chính sách của Chính phủ. Ðó là một sự tiến bộ so với trước đây. Tuy nhiên, ai cũng thấy rằng những cuộc chất vấn này chỉ liên quan đến chuyện nhỏ chứ đâu dám đụng đến những vấn đề lớn của đất nước như điều 4 của Hiến pháp 1992 hoặc vấn đề nhân quyền, dân quyền v.v.. Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy rằng, như đã xảy ra ở kỳ họp Quốc hội hồi tháng 05.2001 chẳng hạn, những lời "hứa sẽ giải thích" hay "hứa sẽ giải quyết" của các Bộ trưởng bị chất vấn từ kỳ họp Quốc hội một năm trước đó vẫn "bị trôi tuột đi như nước chảy lá khoai" như ký giả Chu Thượng đã nhận xét 161.

Trong tháng 12.2001, khán giả truyền hình cả nước, được dịp chiêm ngưỡng các đại biểu Quốc hội chất vấn khá gay gắt các thành viên chính phủ, và các câu hỏi này cũng được đưa lên báo. Nhiều người đã tắc lưỡi khen sự tiến bộ của Nhà nước XHCN.
Nhưng sau đó thì người ta chỉ thấy ở trên báo có đăng một vài câu trả lời ỡm ờ, và vài lời hứa sẽ giải quyết của chính phủ... và thế là hết! Không ai biết các vấn đề nêu lên có được giải quyết đến nơi đến chốn hoặc được cải thiện hơn trước hay không khi tấm màn Quốc hội hạ xuống cuối tháng 12.2002 và trong thời gian sau đó.

Ngày 19.05.2002 ÐCS và Nhà nước đã tổ chức bầu cử Quốc hội khoá XI; và họ cũng vẫn làm theo nề nếp cũ "đảng chọn, dân bầu", tức là ÐCS đã chọn sẵn những ứng cử viên - thông qua "Mặt trận Tổ quốc" - rồi sau đó bắt mọi người dân phải đi bầu cho một số người nhất định trong số ứng cử viên đó.

Vai trò của "Mặt trận Tổ quốc" (MTTQ) trong mọi cuộc bầu cử như vậy là, như anh Tiêu Dao Bảo Cự đã nhận xét, "hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử [theo tiêu chuẩn do ÐCS đề ra - VNT], một công việc cực kỳ phản dân chủ, xâm phạm trắng trợn và thô bạo quyền tự do ứng cử của người dân. Nhiệm vụ này [là] do đảng chỉ đạo chặt chẽ (...). Quyền giới thiệu người ra ứng cử này đã quyết định trước gần như hoàn toàn kết quả cuộc bầu cử..."162.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây cũng có một số nhỏ người giả vờ "tự ứng cử", nhưng trên thực tế họ cũng chỉ là những người được ÐCS chọn thông qua MTTQ mà thôi.
Trong số 498 đại biểu được bầu hồi tháng 05.2002 thì có tới 447 đảng viên và 51 người ngoài đảng nhưng đã được MTTQ chọn rất kỹ vì sự trung thành tuyệt đối của họ với chế độ XHCN. Linh mục Chân Tín gọi việc bầu cử này là "một trò xổ số tốn kém", và cho rằng "những người được bầu vào Quốc hội không phải là dân biểu mà là đảng biểu, [tức là] đảng biểu sao làm vậy" 163.

Ðể chấm dứt trò hề bầu cử như vừa kể trên, những người bất đồng chính kiến, như ông Phạm Quế Dương chẳng hạn, yêu cầu "bầu cử phải thật sự tự do, dân chủ, công khai... Người dân [phải] được tự do ứng cử, xoá bỏ việc mọi danh sách ứng cử phải thông qua MTTQ (...) Ðại biểu Quốc hội... không kiêm nhiệm chức vụ hành pháp và được tạo điều kiện hoạt động của ngành lập pháp... Chấm dứt trò xét lý lịch thành phần, lấy công nông là cơ bản. Các cơ quan ngôn luận, nhất là vô tuyến truyền hình, tổ chức tranh luận giữa những ứng cử viên để dân bầu chọn. Nếu ÐCSVN thật lòng vì chính nghĩa không tự lừa dối lương tâm như lâu nay thì mời quốc tế vào quan sát..." 164. Ðó là về Quốc hội, cơ quan lập pháp.

Còn về cơ quan hành pháp (Chính phủ) thì ông Phạm Quế Dương cho rằng "đây [phải] là bộ máy điều hành toàn dân, kể cả đảng, [và nó] phải thực hành mọi việc theo pháp luật. Thủ tướng [phải] do Chủ tịch [nước] hay Tổng thống giới thiệu [chứ không do ÐCS quyết định trước như hiện nay - VNT] và Quốc hội thông qua. Thủ tướng phải thật sự có trách nhiệm... và phải thực sự có quyền điều hành, tổ chức, chọn bộ trưởng, tỉnh trưởng... Xoá bỏ việc Ban tổ chức trung ương ÐCS chọn cử người [cho bộ máy Nhà nước] đến cả cấp vụ như hiện nay. Mấy ai không biết lời than thở của cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng: trên thế giới không ai làm thủ tướng lâu như tôi và cũng bất lực như tôi; tôi không có quyền chọn lấy một vụ phó cấp Bộ... Và ngày nay, mỗi lần thấy Thủ tướng Phan Văn Khải than phiền trên Tivi về sự bế tắc của những vụ dân khiếu kiện ngày càng nổi cộm mà không xử lý được thì thật vừa thương hại vừa buồn cười cho Thủ tướng như thế này". (ibid)

Ông Phạm Quế Dương còn đề nghị "phi đảng hoá quân đội và công an" vì hai ngành này "là công cụ của Nhà nước [chứ] không phải của đảng" (ibid). Ðề nghị này nhằm chống lại chính sách của ÐCS muốn "thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của [họ] đối với quân đội và công an" 165. Trái với quan điểm hiện nay của ÐCS cho rằng "quân đội và công an [phải] trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Ðảng..." (ibid), ông Phạm Quế Dương cho rằng quân đội và công an chỉ cần "trung với nước... " mà thôi (và đó cũng là quan điểm của ông Hồ trước đây).

Riêng về hoạt động của ngành công an thì TS. Nguyễn Thanh Giang cho rằng họ không hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đáng lẽ họ phải làm như chống "quốc nạn" tham nhũng, các tệ nạn xã hội như ma tuý, cờ bạc, đĩ điếm, và tai nạn giao thông v.v.. nhưng lại rất tích cực trong việc đàn áp những người đấu tranh cho tự do, dân chủ thực sự. Ông Giang nhận xét: "... Ma tuý không diệt trừ được, và chính công an đi buôn ma tuý cỡ đầu sỏ. Cờ bạc đĩ điếm ngang nhiên hoành hành, tồi tệ hơn cả thời Pháp cai trị. Buôn lậu ngày càng gia tăng vì chính công an thông đồng bảo kê cho gian thương. Công an giết dân và giết cả công an vì chính ngay lãnh đạo Bộ [công an], lãnh đạo công an tỉnh,... quận, huyện, xã, phường tham gia băng nhóm tội phạm xã hội đen [như vụ án Năm Cam đã cho thấy - VNT]... Trong khi đó, để... kiếm cơ hội thành lập thành tích... ngõ hầu được lên lương, thăng chức, họ dày công tạo dựng hết vụ án này đến chiến dịch khủng bố khác để sách nhiều, đàn áp, hạ nhục đày đoạ những lão thành cách mạng, những trí thức ưu thời mẩn thế, thiết tha với vận mạng quốc gia... Râm ran trong quảng đại quần chúng câu ca:

Khá khen công an nước nhà
Ðánh địch thì dốt, đánh ta rất tài" 166


Ðánh giá về bộ máy Nhà nước nói chung, nhiều đảng viên đã phê phán là nó quá cồng kềnh mà lại kém hiệu quả. Về hiệu quả cải cách hành chính trong mấy năm qua, chính Báo cáo chính trị tại Ðại hội IX của ÐCS cũng thừa nhận là "tiến hành chậm, hiệu quả thấp... Một số người và cơ quan do lợi ích riêng không muốn đẩy mạnh cải cách hành chính. Không ít cán bộ, công chức... không những kém về đạo đức, phẩm chất, gây ra tệ nạn tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu, cửa quyền, mà còn... kém về năng lực, trí tuệ, văn hoá, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ, làm giảm hiệu lực của bộ máy hành chính" 167.

Bắt chước ÐCS Trung Quốc 168, ÐCSVN, trong mấy năm gần đây cũng nói nhiều đến việc phát huy "dân chủ ở cơ sở". Theo một nhà báo ngoại quốc, đó chỉ là một cách mở van an toàn để những bất mãn ở địa phương không biến thành những cuộc nổi dậy hàng loạt 169 (như ở Thái Bình hồi tháng 05.1997 chẳng hạn). Cũng cần phải thấy rằng cái gọi là "Quy chế dân chủ ở cơ sở" do ÐCS ban hành có hai giới hạn rất quan trọng: thứ nhất là nó chỉ được thực hành trong khuôn khổ hoạt động của chính phủ trung ương theo nguyên tắc thống nhất quản lý vĩ mô trong cả nước và trong mọi lĩnh vực (chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh v.v..); và thứ hai là nó phải được "thực hành... theo nguyên tắc tập trung dân chủ" 170, tức là phải tuân theo đường lối, chính sách chung do ÐCS và Nhà nước đã quy định ở cấp trung ương.

Trên thực tế, như ông Nguyễn Phú Trọng, uỷ viên bộ chính trị, Bí thư thành uỷ Hà Nội đã nhận xét" vấn đề dân chủ ở cơ sở... còn mang tính hình thức. Một số cán bộ trực tiếp giải quyết công việc của cơ sở chưa tích cực... ["phát huy dân chủ ở cơ sở"] 171. Một ví dụ: vào khoảng cuối năm 2000 chính quyền Hà Nội gửi nhiều phái đoàn đặc biệt đến 18 tỉnh để giải quyết các cuộc xung đột kéo dài về đất đai giữa cán bộ và nhân dân cũng như sự áp bức nhân dân ở các địa phương; nhưng kết quả là chưa có đến 1% trường hợp khiếu nại được giải quyết. Trong đa số trường hợp khiếu nại, thay vì được các phái đoàn trung ương giải quyết thì họ lại giao trở lại cho Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết! Một trong những trưởng đoàn đặc biệt này, cựu Bộ trưởng y tế Ðỗ Nguyên Phương, xác nhận rằng ở miền Trung chẳng hạn "việc giải quyết các lời tố giác và khiếu nại không được xử ngay tận gốc. Luật pháp chỉ có trên giấy tờ [còn] cán bộ [thì] cứ việc thả dàn đàn áp dân..."172.


Theo báo Tuổi trẻ thì, trên thực tế, "qua các vụ khiếu kiện... được các đoàn công tác của Chính phủ xử lý, người dân chẳng những không được tham gia giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo [của người dân địa phương] mà còn trở thành những nạn nhân [bị] kiệt quệ dần khi hết năm này sang năm nọ đội đơn đi khiếu nại mà không được giải quyết tới nơi tới chốn" 173.

Chung quy lại người ta thấy chính quyền trung ương chỉ nhân nhượng tối thiểu là cách chức một số cán bộ địa phương quá tham những và lạm quyền, nhưng đồng thời bí mật "bắt nguội" (tức là bắt sau một thời gian để cho tình hình lắng đi) những người cầm đầu phong trào phản kháng và bỏ tù họ một cách không thương tiếc - dù họ là cựu chiến binh cộng sản - như trong vụ nổi dậy ở Thái Bình hồi năm 1997 chẳng hạn.

Sau hơn ba năm phát huy "dân chủ ở cơ sở" thì kết quả ra sao? Nghị quyết của Hội nghị trung ương ÐCS lần thứ 5 (tháng 03.2002) vừa qua thừa nhận là "hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay [vẫn] bộc lộ nhiều mặt yếu kém... Tình trạng tham nhũng, quan liêu, vi phạm... quyền làm chủ của dân... có nơi nghiêm trọng. Nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở chậm đổi mới, còn mang nhiều dấu ấn của cơ chế tập trung quan liêu" 174.

Ông Trương Quan Ðược, uỷ viên Bộ chính trị, cũng xác nhận: "Một số cơ quan,... xã,... phường... chưa... thực hiện Quy chế [dân chủ ở cơ sở]. Ở những cơ sở đã xây dựng được Quy chế thì tỷ lệ thực hiện còn thấp... Trong các khâu của nội dung Quy chế thì việc tổ chức để nhân dân thực hiện giám sát, kiểm tra là yếu nhất..." 175.
Tuy trên thực tế việc "phát huy dân chủ ở cơ sở" như đã nói bên trên còn nhiều khuyết điểm nhưng, theo thiển ý của chúng tôi, những người đấu tranh cho dân chủ ở trong nước vẫn nên dựa vào chính sách này để đẩy mạnh đấu tranh ở địa phương và đồng thời tiếp tục yêu cầu ÐCS và chính phủ thực hiện một thể chế dân chủ thật sự (chứ không phải dân chủ bánh vẽ như hiện nay) trên toàn quốc, bởi vì Dân Chủ chỉ có một và không thể phân chia được!

Sau khi bàn về ngành hành pháp chúng tôi muốn nói vài điều về ngành tư pháp. Về ngành này thì các nhà ly khai, như ông Phạm Quế Dương chẳng hạn, luôn luôn nhấn mạnh là nó phải "hoàn toàn độc lập, thực hiện theo pháp luật, không phụ thuộc vào sự chỉ đạo của Ðảng" 176. Ông Dương còn nhận xét rằng "bộ máy tư pháp của Việt Nam ngày nay là bẩn thỉu nhất [vì] do ÐCS khống chế. Quan to ăn cướp, ăn cắp bị vạch mặt thường được ÐCS đẩy lên cao né tránh hoặc hạ cánh an toàn". Ðể tránh tình trạng này trong tương lai, ông Dương chủ trương "bất cứ ai [ở] cương vị nào vi phạm pháp luật đều phải [được] xử [một cách bình đẳng và công minh]. Trong ngành tư pháp ba bộ phận: điều tra, kiểm soát và toà án cũng [phải] độc lập [chứ] không phải là chung một tổ chức, dưới sự lãnh đạo của đảng" (ibid) như hiện nay.

Ở "Toà án nhân dân" thì, như ai cũng biết, các thẩm phán đều làm theo chỉ thị của ÐCS khi họ xét xử. Người dân thường cho rằng họ là "thẩm phán phường tuồng" chỉ có bổn phận làm đúng theo những lời người nhắc tuồng là ÐCS. Thông thường thì các bản án đều đã được ÐCS quyết định trước khi phiên toà họp.

Còn về "Viện kiểm sát nhân dân" thì, theo bộ "Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân" mang số 34/2002/QH được công bố ngày 02.04.2002, nhiệm vụ của họ được ghi rõ như sau: "Viện kiểm sát... có nhiệm vụ góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ chế độ XHCN..., bảo vệ tài sản của nhà nước v.v.. ".

Nhìn chung, trong chế độ XHCN hiện nay, cả ba ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp đều thể hiện rõ bản chất đảng trị, đúng theo điều 4 của "Hiến pháp 1992".

Ðặc điểm thứ ba của "Nhà nước pháp quyền XHCN" là, như báo cáo chính trị tại Ðại hội IX đã nhấn mạnh: "ÐCS lãnh đạo Nhà nước định ra và thực thi Hiến pháp, pháp luật" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] 177. Trên cơ sở đó, "Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật [XHCN]" (ibid) và đưa thứ pháp luật này lên hàng một quy phạm có giá trị tuyệt đối (pháp quyền) mà mục đích chủ yếu của nó là bảo vệ và củng cố chính quyền để họ dễ bề cai trị dân (đúng theo khái niệm "chuyên chính vô sản") chứ không phải để bảo vệ quyền lợi của người dân (nhất là các quyền tự do dân chủ của họ).

Dưới sự chỉ đạo của ÐCS, "Nhà nước pháp quyền XHCN" đã thiết lập "Hiến pháp 1992"; và theo điều 146 của nó thì Hiến pháp là "luật cơ bản của Nhà nước" thể hiện những nguyên lý cơ bản của cơ cấu Nhà nước và xã hội Việt Nam. Hiến pháp "có hiệu lực pháp lý cao nhất", và "mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với [nó]".


Dựa theo Stalin, ông Trường Chinh, khi phổ biến dự thảo Hiến pháp hồi năm 1959, đã nhấn mạnh rằng Hiến pháp phải thể hiện thành tựu của ÐCS trong giai đoạn lịch sử đã qua và đồng thời phải đề ra nhiệm vụ, đường lối, chính sách của ÐCS trong giai đoạn tới. Nói một cách khác Hiến pháp chỉ là để phục vụ các mục tiêu chính trị của ÐCS mà thôi. Ông Trường Chinh gọi đó là tính đảng, tính giai cấp trong việc xây dựng Hiến pháp.

Quan điểm này, lẽ dĩ nhiên, khác hẳn quan điểm thông thường của các nhà luật học, xã hội học dân chủ thật sự. Họ coi Hiến pháp như là "một Khế ước xã hội" theo danh từ của J. J. Rouseau để toàn dân tộc cùng nhau chung sống và xây dựng một tương lai chung. Khác với Hiến pháp XHCN, Hiến pháp của một nền dân chủ thật sự (tức là đa nguyên) coi việc bảo đảm dân quyền và nhân quyền là mục tiêu cơ bản, đồng thời phải thể hiện hai nguyên tắc chủ yếu sau đây:

1. Chủ quyền toàn dân, trên thực tế, và phổ thông đầu phiếu
2. Tam quyền phân lập nhằm tránh sự độc đoán của chính quyền như Montesquieu đã nhấn mạnh.

Cho tới nay Việt Nam cộng sản có tất cả 4 Hiến pháp: Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992. 178

Hiến pháp 1946 có vẻ là khá dân chủ vì thế của ÐCS lúc đó chưa được củng cố trong khi còn có sự tranh chấp giữa các đảng phải (chính bản thân ÐCS lúc đó cũng không dám lộ mặt ra mà thậm chí còn giả vờ tuyên bố tự giải tán). Vả lại cũng cần nhắc lại rằng tuy Hiến pháp 1946 đã được ban hành ngày 09.11.1946 nhưng lại không được thi hành vì người ta viện cớ là có chiến tranh. Thậm chí cho tới năm 1958 nó hoàn toàn không được nhắc đến vì chính quyền cộng sản muốn quên đi cái thời 1946 khi ÐCS phải có những nhượng bộ với các đảng phái khác và các nhân sĩ.

Ðiều đáng chú ý là các quyền tự do dân chủ cơ bản của công dân đều bị hạn chế dần từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 1992. Ví dụ: Hiến pháp 1946 có 7 chương thì toàn bộ chương 2 được dành cho chế định công dân trong đó điều 10 chỉ ghi một cách ngắn gọn, dứt khoát "Công dân Việt Nam có quyền được tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài". Nhưng đến Hiến pháp 1992 những quyền công dân nói trên được phân bổ trong các điều 68, 69 và 70 nhưng lại kèm theo một vòng kim cô "theo quy định của pháp luật" mà thường thường thì cái xiềng lỏng quy định của pháp luật XHCN này đi ngược lại tinh thần các quyền tự do dân chủ! Ðúng như Linh mục Chân Tín đã nói: "Hiến pháp [1992] thì kể các quyền tự do của người dân, nhưng luật pháp [XHCN] lại hạn chế hay huỷ bỏ các quyền căn bản đó! Làm gì có tự do ngôn luận khi những người trong đảng, ngoài đảng [nếu] nói khác đảng thì bị gọi lên "làm việc" [tức là bị công an gọi lên chất vấn, sách nhiễu, hăm doạ đủ điều - VNT], bị quản chế, bị bắt giam! Làm gì có tự do báo chí khi mà báo chí toàn là công cụ của đảng! Làm gì có tự do cư trú khi đi đâu ngoài phường của mình cũng phải xin giấy tạm vắng, tạm trú, rồi bị theo dõi khắp nơi! Làm gì có sự an ninh cá nhân khi bất cứ ai cũng có thể bị giam giữ vô cớ; các vị lãnh đạo tôn giáo bị quản chế hay bị giam cầm vì đòi tự do tôn giáo như Thượng toạ Thích Quảng Ðộ, Linh mục Nguyễn Văn Lý... ! Làm gì có tự do bầu cử khi đảng chỉ định người ứng cử và đắc cử!". 179

Trên thực tế thì, như TS. Nguyễn Thanh Giang đã nhấn mạnh,"tất cả các quyền tự do [dân chủ] đều bị hạn chế dần". Còn "riêng quyền tự do xuất bản đã được ban bố trong Hiến pháp 1946 thì sau đó biến mất hẳn trong tất cả các bản Hiến pháp Việt Nam sau này!" 180. Như vậy thì ta có thể nói "tiến trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp ở nước ta [từ 1946 đến 1992] là một tiến trình phản lịch sử. Nó ngày càng thoái bộ!" (ibid).

Về quyền tư hữu của công dân thì điều 12 của Hiến pháp 1946 có ghi rõ: "Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm". Nhưng dưới triều đại Tổng bí thư Lê Duẩn quyền tư hữu đó đã bị xoá bỏ qua điều 18 của Hiến pháp 1980. Tuy nhiên sai lầm này được sửa chữa một phần trong Hiến pháp 1992 tại điều 16: "... phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản Nhà nước... "

Theo chỉ thị của Bộ chính trị, trong kỳ họp thứ 10 hồi tháng 11.2001, Quốc hội đã sửa đổi một số điều của Hiến pháp 1992 mà trọng tâm chỉ là, như Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An đã nói "sửa đổi, bổ sung một số điều về tổ chức bộ máy Nhà nước... cho phù hợp với các nội dung mới đã được Nghị quyết Ðại hội IX của đảng xác định" mà thôi 181, chứ không đụng chạm gì đến các điều quan trọng liên quan tới "bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị... " (ibid).

Cần phải nhắc lại ở đây là ÐCS và Nhà nước đã bỏ ngoài tai một số đóng góp ý kiến chí lý của đảng viên như ý kiến của ông Phạm Ngọc Uyển, cán bộ giảng dạy kỳ cựu của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: "Sửa đổi Hiến pháp 1992 thì phải sửa đổi một cách cơ bản,... đầu tiên, nhất thiết phải bỏ điều 4. Ðiều 4 không có trong các Hiến pháp trước, khi Hồ Chí Minh còn sống..."182.

Cũng về điều 4 này, Luật sư Lê Chí Quang góp ý như sau: "nói như [điều 4] thì chứng tỏ đây là bản Hiến pháp của đảng rồi, đâu còn là Hiến pháp của toàn dân. Ðảng chỉ là của 2,5 triệu đảng viên chứ không thể đại diện cho hơn 75 triệu người dân [hiện nay là hơn 80 triệu dân - VNT]. Ðảng luôn dùng súng và nhà tù để bắt dân phải nghe theo và công nhận sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng. Hãy thử trưng cầu dân ý tự do xem kết quả là thế nào.

Ðã là bản Hiến pháp của toàn dân tộc thì phải chấp nhận nhiều luồng tư tưởng của tất cả các cộng đồng trong xã hội, phải dân chủ, phải đa nguyên. Sự độc quyền, độc đảng bao giờ cũng dẫn đến chuyên chế, bao giờ cũng phản dân chủ, triệt tiêu dân chủ. Theo tôi, điều 4 nên sửa lại là: "ÐCSVN... cùng các đảng phái khác đại diện cho các tầng lớp dân chúng trong xã hội tham gia tranh cử để chọn người lãnh đạo Nhà nước... " 183.

Cũng về điều 4 này thì ông Phạm Quế Dương có nhận xét như sau: "... Cầm quyền như hiện nay [thì] đảng ta trở thành một thứ đảng độc quyền, đảng trị (...).

Tình hình đất nước ta ngày nay tụt hậu xa so với thế giới về kinh tế, ngay cả những nước lân cận trong khu vực; nạn tham nhũng lan tràn không có bài thuốc chữa trị..., sao những người lãnh đạo ÐCSVN không thấy, mà lúc nào cũng chỉ muốn người ta tung hô đảng sáng suốt,... đời đời nhớ ơn đảng (...). Dân ta nghèo khốn khổ mà phải nuôi bộ máy đảng to đùng thế này mà cứ phải luôn hô khẩu hiệu ơn đảng, ơn nhà nước thì nên xem trên thế giới có mấy nước làm như ÐCSVN hiện nay?" 184.

Trong một bức thư gửi Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh hồi tháng 05.2001, 2 nhà trí thức đảng viên phê phán rằng "điều 4 đã đặt ÐCS vào vị thế siêu quyền lực..., không chịu bất cứ sự giám sát nào (...). Nói khác đi, đảng không chịu sự kiểm soát của nhân dân mà đảng ngồi trên đầu trên cổ nhân dân (...). Chính điều 4 của Hiến pháp... đã tạo điều kiện pháp lý cho những đảng viên tồi tệ có thể... lộng quyền một cách không giới hạn. Không thể chống được bọn cửa quyền, tham nhũng cũng chính là do điều 4 này" 185.

Dù có một số cán bộ, đảng viên đã đề nghị bỏ hoặc sửa lại một cách cơ bản điều 4 như kể trên, ông Hồng Vinh, uỷ viên trung ương đảng, phó Trưởng ban thường trực "Ban tư tưởng - văn hoá trung ương" vẫn nói dối một cách trắng trợn rằng: "Ðông đảo cán bộ và nhân dân ta không ai đề nghị hay bổ sung điều 4 của Hiến pháp... " cả! 186.

Ngoài điều 4 này ra, những người bất đồng chính kiến còn đưa ra những đề nghị khác như: xoá bỏ mệnh đề "dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê" trong lời nói đầu của Hiến pháp; không nên lạm dụng cụm từ "XHCN" trong các điều của Hiến pháp; sửa đổi lại luật bầu cử và ứng cử để cho mọi công dân có tài đức, có kiến thức đều được phép ứng cử vào Quốc hội không phải thông qua Mặt Trận Tổ Quốc; quy định sự phân lập rõ ràng giữa ba quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp) v.v..

Riêng về các quyền căn bản của công dân, anh Lê Chí Quang đã nhận xét một cách chí lý như sau: "Ðiều 69 viết: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". Mệnh đề theo quy định của pháp luật rất dễ bị chính quyền sử dụng như là chiếc khoá khoá chặt tất cả các quyền ở trên rồi [chúng tôi nhấn mạnh - VNT].
Chính vì vậy nên điều 12 của Luật báo chí thẳng thừng quy định chỉ có nhà nước mới có quyền được xuất bản báo chí.

Bên cạnh đó, điều 88 và điều 226 của Bộ luật hình sự lại hùn thêm vào để tuốt nốt quyền được nhận và trao đổi thông tin...

Cho nên điều 69 cần được sửa lại là: "công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được nhận và trao đổi thông tin bằng bất cứ hình thức nào, có quyền hội họp, lập hội; quyền được thành lập đảng phái của mình, quyền được biểu tình đình công" 187.

Rất tiếc là các đề nghị chí lý của các người đấu tranh cho dân chủ nói trên không được chấp nhận. Do đó họ vẫn kiên trì đấu tranh. Theo thiển ý của chúng tôi thì trong giai đoạn trước mắt các người đấu tranh cho tự do, dân chủ, trong và ngoài nước, nên tập trung vào hai yêu sách sau đây:

1. Ðòi thi hành một cách chu đáo các điều 72, 73 và nhất là điều 83 của Hiến pháp hiện hành.
2. Ðòi cắt bỏ đoạn cuối cùng của điều 69 ("theo quy định của pháp luật") và điều 70 ("hoặc lợi dụng tín ngưỡng... Nhà nước") hoặc thay thế các đoạn này bằng một đoạn khác như: "theo đúng tinh thần của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hiệp quốc" (mà Việt Nam đã ký hồi tháng 09.1982 chẳng hạn).


Còn trong thời kỳ hậu cộng sản thì, trái với ý kiến của một số Việt kiều, chúng tôi chủ trương là phải viết lại toàn bộ Hiến pháp, chứ không thể nào sửa đổi một cách chắp vá Hiến pháp cũ được. Lúc đó, nước ta cần có một Hiến pháp hoàn toàn mới, phi XHCN trong đó sẽ nêu bật hai đặc điểm của một nền dân chủ đa nguyên (như ta đã nói bên trên), tức là: "

a. Nguyên tắc chủ quyền toàn dân, theo quan niệm của Jean-Jacques Rousseau, với các hệ luận của nó: đa đảng, bầu cử thật sự tự do, và phổ thông đầu phiếu.
b. Áp dụng triệt để nguyên tắc tam quyền phân lập
, theo quan niệm của Montesquieu.

Cũng như Hiến pháp, các đạo luật khác trong hệ thống "pháp luật XHCN" hiện hành đều nhằm mục đích chủ yếu, một mặt là bảo vệ và củng cố chế độ XHCN hiện nay, mặt khác là trị dân và duy trì họ trong sự lệ thuộc hoàn toàn đối với chính quyền - như các ông Nguyễn Mạnh Tường và Trần Ðộ đã nhận xét 188 - thay vì bảo vệ các quyền tự do dân chủ cơ bản của họ.

Về vấn đề này một đảng viên cao cấp đã viết rõ như sau: "... hệ thống pháp luật XHCN của Nhà nước ta... góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, đổi mới kinh tế... Nhìn chung, những văn bản pháp luật mà Quốc hội thông qua [dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của ÐCS - VNT] đã tạo ra khuôn khổ pháp lý... bảo đảm... giữ vững sự lãnh đạo của đảng,... tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, củng cố quốc phòng, an ninh" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] 189.


Trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội lần thứ IX, ÐCS nhấn mạnh là phải "hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN" 190. Ðể hiểu rõ thế nào là "bảo vệ Tổ quốc" theo quan điểm của ÐCS thì chúng tôi xin trích thêm một đoạn nữa trong bản Báo cáo chính trị này: "Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ... độc lập, chủ quyền (...); là bảo vệ Ðảng, Nhà nước... và chế độ XHCN" (ibid). Như vậy là, khác với ý nghĩ thông thường, "bảo vệ Tổ quốc" theo quan niệm của ÐCS còn bao gồm cả bảo vệ đảng, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa nữa! Gần đây, báo Nhân dân đã đăng lại phần hình luật liên quan tới các hành động như biểu tình và chống đối nhà nước bao gồm các tội như "âm mưu lật đổ nhà nước XHCN, xúi giục bạo loạn" v.v.. và hai tội này là tội có thể bị án tử hình, căn cứ theo hình luật được ban hành hồi năm 1999 191. Ðể cho thấy mục đích chủ yếu của "pháp luật XHCN" là bảo vệ chế độ XHCN, chúng ta hãy phân tích "Luật báo chí" do Quốc hội thông qua ngày 28.12.1989 chẳng hạn 192.
Một trong bốn nhiệm vụ của báo chí, theo Luật này, là "tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước,... phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa... ". Ba nhiệm vụ còn lại về thực chất chỉ làm trang trí cho nhiệm vụ tuyên truyền cho ÐCS mà thôi.

Vẫn theo Luật nói trên, báo chí phải biết tự kiểm duyệt vì trong điều 10 của nó có ghi rõ: báo chí "không được kích động nhân dân chống Nhà nước... xã hội chủ nghĩa..., không được tiết lộ bí mật nhà nước... và những bí mật khác... ".
Những điều cấm kỵ này thì luôn luôn được giải thích và áp dụng một cách rất tuỳ tiện để ngăn cản không cho báo chí (dù là do ÐCS kiểm soát) có thái độ quá phê phán đối với chính quyền. Ngoài ra, báo chí còn "phải có giấy phép do cơ quan nhà nước cao cấp phát mới được hoạt động" tức là bị nhà nước quản lý một cách rất chặt chẽ.
Còn đối với nhà báo thì Luật này có ghi rõ, trong điều 15 của nó, là họ có nhiệm vụ "bảo vệ mục tiêu, quan điểm và chính sách của ÐCS".
Ðối với dân thì Luật báo chí này không công nhận quyền có báo chí tư nhân, báo chí dân lập. Như vậy là Luật này đi ngược lại điều 69 của Hiến pháp 1992 "công dân có quyền... tự do báo chí", tức là nó đã vi phạm Hiến pháp hiện hành.
Luật báo chí này được sửa đổi và bổ sung ngày 19.05.1999 nhưng về thực chất thì quy chế năm 1999 không khác gì hơn quy chế năm 1989: trên đại thể vẫn là một nền báo chí không có tự do vì bị đặt dưới sự chi phối của ÐCS và Nhà nước XHCN.

Trong hội nghị tổng kết về công tác báo chí, xuất bản hồi tháng 10.2001, ông Nguyễn Khoa Ðiềm, uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương và Trưởng ban văn hoá - tư tưởng đã lớn tiếng phê phán những người đối lập đòi tự do báo chí như sau: "Nhằm phá hoại mặt trận báo chí, xuất bản, những phần tử chống đối ra sức vu cáo (?) chúng ta không có tự do báo chí; họ đòi được ra báo, lập nhà xuất bản tư nhân; họ xúi giục báo chí đối lập... Trước tình hình ấy..., chúng ta khẳng định ÐCSVN là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo... và hệ thống báo chí, xuất bản Việt Nam là công cụ sắc bén của Ðảng, Nhà nước... " 193.

Còn về nhiệm vụ của nhà báo thì ông Ðiềm nhấn mạnh: "... Những người làm báo, làm sách phải đặt mục tiêu chính trị lên hàng đầu... ; mục tiêu chính trị phải thấm nhuần [không chỉ đối với thông tin chính trị mà còn đối với] mọi thông tin kinh tế, xã hội, văn hoá, nghệ thuật, các hình thức giải trí" (ibid). Như vậy là ÐCS yêu cầu các nhà báo Việt Nam phải nhuộm đỏ tất cả các loại thông tin, phải tẩm "tính đảng" vào mọi tin tức, kể cả tin tức về các hình thức giải trí"!

Gần đây, ông Vũ Văn Hiền, uỷ viên trung ương đảng, Tổng giám đốc "Ðài tiếng nói Việt Nam" đưa ra một định nghĩa "độc đáo" về tự do báo chí như sau: "Nếu nói đến tự do báo chí ở Việt Nam thì cần hiểu đó là việc tự do hoạt động để phục vụ Ðảng..."!!!194.
Hiện nay, những người dân chủ ở trong nước - như ông Phạm Quế Dương chẳng hạn - vẫn tiếp tục chỉ trích Luật báo chí nói trên, yêu cầu thay đổi luật này để báo chí có thể trở thành "một công cụ thông tin ngôn luận "khách quan, và đòi hỏi ÐCS và Nhà nước "cho phép ra báo dân lập, thậm chí cho ra đời các hãng truyền hình tư nhân". Ông này cũng yêu cầu "báo chí của Ðảng, Nhà nước và dân lập [đều phải được] bình đẳng" 195.

Trên đây chúng tôi đã bàn về ba đặc điểm của cái gọi là "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" ở Việt Nam. Có lẽ cũng cần lưu ý đọc giả là nhiều khi các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam, nhất là khi họ đi ra nước ngoài, thường gọi tắt Nhà nước XHCN Việt Nam là "Nhà nước pháp quyền" thôi, và điều này đã gây ra một số hiểu lầm trong giới học giả ngoại quốc và Việt kiều vì họ ngộ nhận là Nhà nước Việt Nam cũng thuộc loại "Nhà nước pháp quyền" như ở các nước phương Tây. (Cũng như trong nhiều cuộc phỏng vấn ở nước ngoài họ chỉ nói một cách ngắn gọn: "phát huy dân chủ" hoặc "kinh tế thị trường" thay vì nói rõ như các tài liệu ở trong nước: "phát huy dân chủ XHCN" hoặc "kinh tế thị trường định hướng XHCN"). Ðây là một cái bẫy ngữ nghĩa (semantic trap) mà các độc giả cần phải chú ý. Kinh nghiệm cho thấy là chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng khi các nhà lãnh đạo cộng sản khoe rằng ở Việt Nam cũng có Nhà nước pháp quyền thì phải hiểu ngầm đó là "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" theo kiểu Xô-Viết, mà bản chất của nó thì khác hẳn với Nhà nước pháp quyền chân chính theo kiểu Tây phương [mà các nhà lãnh đạo cộng sản thường gọi một cách khinh bỉ là "Nhà nước pháp quyền tư sản" 196].

GS. Jacques Chevallier (Ðại học Paris 2), một chuyên gia về vấn đề Nhà nước pháp quyền, đã từng nói rằng quan niệm "Nhà nước pháp quyền XHCN" mà Liên Xô đã đưa ra trong lúc thịnh thế đã trở thành hoàn toàn lạc hậu. Với sự tan vỡ của hệ thống XHCN hồi cuối thập niên 80, và từ đó trở đi chỉ còn tồn tại "một quan niệm duy nhất hợp pháp về Nhà nước pháp quyền" trên thế giới ngày nay, đó là quan niệm tự do (Conception libérale) về Nhà nước pháp quyền mà ở đó "không chỉ có một sự bố trí kỹ thuật nhằm giới hạn quyền lợi [của Nhà nước] xuất phát từ các quy phạm pháp lý... [mà còn là] một quan niệm bảo đảm sự ưu đãi các quyền tự do cơ bản [của công dân - VNT], bảo đảm một nền dân chủ [chân chính - VNT]..." 197. Và tác giả này còn nói thêm là quan niệm tự do về Nhà nước pháp quyền này còn được dùng làm chuẩn mực hoặc hệ quy chiếu, để có thể dựa vào đó mà phê phán mọi chế độ toàn trị 198.

Nói một cách khác, theo GS. Chevallier, thì quan niệm "Nhà nước pháp quyền XHCN" là một quan niệm lỗi thời từ đầu những năm 90, và trong thế giới văn minh ngày nay chỉ còn tồn tại một quan niệm duy nhất, đó là quan niệm tự do về Nhà nước pháp quyền mà đặc điểm chủ yếu của nó là quyền lực của Nhà nước phải được hạn chế vì lợi ích của các quyền tự do dân chủ cơ bản của công dân (chứ không phải ngược lại như trong quan niệm của "Nhà nước pháp quyền XHCN").

Hồi năm 1956, GS. Nguyễn Mạnh Tường đã từng nêu ra, lần đầu tiên ở Việt Nam, một quan niệm về Nhà nước pháp quyền chân chính - dù chưa đầy đủ lắm - nhân dịp ông phân tích nguyên nhân "sai lầm" của cải cách ruộng đất ở miền Bắc 199. Hiện nay, theo thiển ý của chúng tôi, những người đối lập ở trong và ngoài nước nên tiếp tục nâng cao trình độ dân trí về vấn đề này bằng cách, một mặt, phê phán những khuyết điểm và mâu thuẫn của cái gọi là "Nhà nước pháp quyền XHCN" đang được áp dụng, và mặt khác, đấu tranh đòi thực hiện một nhà nước pháp quyền chân chính, hoặc như TS. Nguyễn Thanh Giang đã gợi ý "một nhà nước dân chủ pháp quyền" 200.

Trong giới Việt kiều có người cho rằng chúng ta nên phân biệt một mặt giữa "Nhà nước pháp trị" theo quan niệm của các nước Pháp ngữ (Etat de droit) và Anh ngữ (Rule of Law) và mặt khác "Nhà nước pháp quyền" theo quan niệm XHCN như ở Việt Nam hiện nay. Nhìn từ một khía cạnh nào đó thì sự phân biệt này cũng có lý. Tuy nhiên, theo thiển ý của chúng tôi, điều quan trọng hơn cả trong vấn đề này là phải đặt ra câu hỏi sau đây: Nhà nước nói ở đây là thuộc loại Nhà nước nào? Bởi vì Nhà nước nào thì, nói chung, đẻ ra luật pháp phù hợp với bản chất chính trị của nó. Do đó, chúng ta cần phân biệt một cách rõ ràng giữa một "Nhà nước pháp quyền XHCN" do đcs lãnh đạo và một "Nhà nước pháp quyền phi XHCN", tức là một "Nhà nước pháp quyền" chân chính theo quan niệm "Etat de droit" của Pháp 201 hoặc "Rule of Law" của các nước anglo-saxon 202 .

Dựa trên sự phân biệt dứt khoát như trên, chúng ta cố gắng đấu tranh để biến "Nhà nước pháp quyền XHCN" hiện nay thành một Nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ, phi XHCN. Và, gắn liền với cuộc đấu tranh này, chúng ta cũng tiếp tục đấu tranh để biến nền "dân chủ XHCN" (dân chủ bánh vẽ) hiện nay thành một nền dân chủ chân chính, tức là một nên dân chủ đa nguyên, đa đảng.
&
& &

Aucun commentaire: