VÕ NHÂN TRÍ
VIỆT NAM CẦN ĐỔI MỚI THẬT SỰ
Viet Nam can doi moi that su (VNT)
VNT: Ch1 : Y thuc he cua chanh sach doi moi
VNT: Ch2 "Doi moi" Kinh te
VNT Ch3: "Doi moi" Chinh tri (a)
VNT: Ch3: "Doi moi" Chinh tri (b)
VNT: Ch3 "Doi moi" Chinh tri (c)
VNT: Ket luan
CHƯƠNG III:
"Ðổi Mới" chính trị
1. Ý Thức Hệ Của Ðổi Mới Chính Trị
Nói tới chính trị thì chủ yếu phải nói tới ÐCSVN và ý thức hệ của nó. Ðó là chủ nghĩa Mác-Lê-Mao trước năm 1986, và chủ nghĩa Mác-Lê-Ðặng sau 1986, cộng với cái gọi là "Tư tưởng Hồ Chí Minh". Trong chương I, chúng tôi đã phân tích vấn đề này rồi. Ở đây chỉ cần nhấn mạnh là chủ nghĩa Mác-Lê (CNML), như anh Hà Sĩ Phu đã chứng minh trong các nghị luận của anh ấy, là một học thuyết có nhiều thiện tâm nhưng là ảo tưởng, thiếu khoa học, nên cuối cùng đã bị thời đại đào thải.
Ðiều đáng chú ý là, trong một cuộc hội thảo nhân dịp 150 năm lễ kỷ niệm "Bản Tuyên Ngôn của Ðảng Cộng Sản" của Các-Mác ở tại Paris hồi tháng 05.1998, hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng việc thực hiện chủ nghĩa xã hội (CNXH) trong thế kỷ 20 nhân danh Mác đã thất bại, và khẳng định rằng các chủ nghĩa ra đời sau Mác, như CNML, chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao v.v.. đều bị diệt vong
1. Tuy vậy ở Việt Nam, ÐCS vẫn tiếp tục đề cao CNML dù rằng, như anh Lữ Phương đã nhận xét "mọi người đều cảm nhận hoặc nhìn thấy... sự phá sản không gì chống đỡ được của cái hệ thống giá trị do CNML đem lại cho đời sống trong suốt bao nhiêu năm qua"
2. Và hiện nay, CNML "được sử dụng chỉ để biện minh cho chế độ độc tài [mà] thôi"
3. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh một điều là CNML chưa biến mất ở Việt Nam, khác với một số người thường nói. Ngược lại, nó vẫn tiếp tục vận hành trong thực tế hàng ngày, dù rằng có một vài biến đổi không quan trọng so với trước đây [về vai trò lãnh đạo của ÐCS đối với Nhà nước, đối với các tổ chức xã hội vệ tinh của ÐCS như Mặt Trận Tổ Quốc, Hội phụ nữ, Ðoàn thanh niên CS v.v.. và đối với các phương tiện truyền thông chẳng hạn].
Cái gọi là "chuyên chính vô sản" (CCVS), một khái niệm do Mác sản sinh ra và được Lênin, Stalin và Mao áp dụng triệt để cũng đang được thực hiện hàng ngày đối với các phần tử đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ và nhân quyền, kể cả đối với các Ðảng viên lão thành cách mạng. Do đó, theo thiển ý, không thể nói là CNML không còn tồn tại ở Việt Nam nữa; nó chỉ biến dạng một phần nào đó thôi. Và điều đáng tiếc là các mặt xấu nhất của nó vẫn tồn tại, cả trong lĩnh vực chính trị lẫn lĩnh vực kinh tế.
Trong năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thống nhất đất nước, một số báo chí và đài phát thanh ngoại quốc cũng nhấn mạnh là, dù có "đổi mới" trong những năm qua, hệ tư tưởng Mác-Lê vẫn đè nặng lên xã hội Việt Nam, cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị
4. Dù đã bị xói mòn phần nào nhưng nó vẫn được sử dụng như là một phương tiện để tập đoàn lãnh đạo ÐCS bám lấy chính quyền hiện nay.
2. Về "vai trò lãnh đạo" của ÐCS thì chúng tôi thấy, trước cũng như sau "đổi mới" không có gì thay đổi về cơ bản:
vẫn độc đảng như Ðiều 4 của "Hiến pháp 1992" đã ghi rõ: "ÐCSVN... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội"
5. Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự đã từng nói rằng: " độc đảng dẫn tới độc quyền, độc tài, độc ác "
6, và điều này vẫn còn giữ nguyên giá trị của nó.
Trong một bài nhận định khá dài, ông Trần Ðộ - một ngọn cờ của cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ mà một ký giả đã vinh danh là "người cầm đuốc trong đêm" - đã nêu ra sáu hiện tượng tiêu cực do chế độ độc đảng cầm quyền sinh ra, trong đó có ba hiện tượng quan trọng đáng chú ý như sau:
- "Chủ quan, duy ý chí và quan liêu trong xác định chủ trương, đường lối.
- Ðảng dễ áp đặt ý chí của mình với Nhà nước và xã hội, sắp đặt người của đảng vào các cơ quan nhà nước và đoàn thể xã hội, tự đặt mình trên nhà nước và pháp luật...
- Các đảng viên có chức có quyền đã sa vào đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, cửa quyền, gây phiền hà cho dân v.v...
7. Ðây là "sự thật đang diễn ra... nói lên tình trạng phản dân chủ" (ibid) trong một chế độ độc đảng.
Gần đây, hai nhà trí thức đảng viên ở trong nước đã cảnh giới các nhà lãnh đạo ÐCS như sau: "Các đồng chí đã tự nhận có sứ mệnh phải độc quyền lãnh đạo, độc quyền cai trị. Các đồng chí (tự nhận) được lịch sử giao phó sứ mệnh chẳng khác gì vua chúa ngày xưa tự xưng mình Con Trời phải lĩnh mệnh Trời để cai trị dân. Cứ coi như thế đi, thì cũng phải biết cai trị một cách tử tế chứ!"
8. Có lẽ cần nhắc lại đây lời tuyên bố của chính ông Hồ là ÐCS không thể vỗ ngực tự xưng mình là lãnh đạo rồi bắt nhân dân phải thừa nhận sự lãnh đạo của mình được, trái lại đảng phải cố gắng làm thế nào để xứng đáng là người lãnh đạo, để nhân dân tự nguyện thừa nhận sự lãnh đạo đó.
ÐCSVN đã lặp đi lặp lại khẩu hiệu tiến tới "một xã hội dân chủ, văn minh". Nhưng làm sao có thể có được một nền dân chủ thật sự - tức là dân chủ theo quan niệm phổ biến của thế giới văn minh ngày nay - mà lại chỉ có một đảng duy nhất? Bởi vì dân chủ thật sự tất yếu phải dẫn tới đa nguyên, đa đảng (xem phần sau). Mặt khác, như ai cũng biết, một chế độ độc đảng chưa bao giờ phản ánh một xã hội văn minh cả mặc dù cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã huyênh hoang khẳng định rằng "Ðảng ta là... văn minh"
9. Và để chứng minh sự "văn minh" này, trong một cuộc phỏng vấn với một nhà báo Pháp trước chuyến công du nước Pháp hồi năm 2000, ông Lê Khả Phiêu - mà báo chí Pháp đặt cho biệt hiệu là "Pinochet của Việt Nam" 10 - đã biện luận rằng "người cộng sản (Việt Nam) không có ăn thịt người!" 11. Lý lẽ thảm hại này tự nó đã nói lên trình độ chính trị và hiểu biết "siêu việt" của nhân vật số 1 của nước Việt Nam XHCN rồi; do đó, chúng tôi thấy không cần phải bình luận dài dòng ở đây. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng trong thế kỷ 21 này, để chứng tỏ là văn minh thì không phải ÐCSVN chỉ "không ăn thịt người" thôi, mà chủ yếu họ phải có tinh thần bao dung trong các lĩnh vực như ý thức hệ, chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo v.v..., phải chấm dứt việc tiêu hủy sách vở của các nhà đối lập như thời Tần Thuỷ Hoàng, Hitler v.v..., phải tôn trọng ý kiến của thiểu số (dù phải hành động theo biểu quyết của đa số), phải tôn trọng các quyền tự do dân chủ cơ bản của công dân, phải tôn trọng triệt để tinh thần "Bản Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền" của Liên hiệp quốc (1948) mà Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan gọi là "thước đo của sự tiến hoá của nhân loại".
Tóm lại, trong thời đại ngày nay, văn minh về mặt chính trị phải là đồng nghĩa với một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng, vì như Alexis de Tocqueville đã từng nói: " một chính phủ dân chủ (thật sự - VNT) chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở một xã hội rất văn minh ". Dựa theo tiêu chuẩn vừa nêu bên trên mà xét, thì còn lâu lắm ÐCSVN mới có thể được thế giới thừa nhận là văn minh, chừng nào họ vẫn còn bám lấy khái niệm "dân chủ XHCN, dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng" hoặc "Nhà nước XHCN dưới sự lãnh đạo của đảng" tức là họ vẫn tiếp tục thực hành "chuyên chính vô sản" dù rằng họ ít khi tuyên bố thẳng thừng như vậy từ khi có "đổi mới" (xem phần sau). Và như nhà lão thành cách mạng Nguyễn Hộ đã nói: " ÐCSVN phải lột xác hoàn toàn..., tức là thay đổi từ... ý thức (hệ) đến tổ chức..., thay đổi triệt để thì mới có thể gia nhập vào thế giới văn minh" được
12.
Tuy ÐCSVN "không có ăn thịt người" nhưng đảng này từ khi chủ trương phong trào "Xô-Viết Nghệ Tĩnh" đến nay đã làm thiệt mạng - một cách trực tiếp và gián tiếp - bao nhiêu người rồi, kể cả đảng viên bất đồng chính kiến? Riêng từ năm 1945 đến nay, theo ước lượng của nhà báo Pháp, Michel Tauriac, số người bị đảng thủ tiêu, trực tiếp và gián tiếp, lên tới "hơn 2 triệu người" bao gồm những người quốc gia không cộng sản, những người Troskít, những người theo đạo Cao Ðài và Hoà Hảo ở miền Nam trong những năm 40, những nạn nhân của "cải cách ruộng đất" ở miền Bắc, vụ thảm sát ở Huế năm 1968, những tù nhân bị chết dần chết mòn trong các trại tập trung gọi là "trại cải tạo" ở miền Bắc và miền Nam trước và sau 1975, người bị đày đọa ở các "Khu kinh tế mới", những người di tản bằng thuyền bất chấp chết chóc, hiểm nguy (hàng chục ngàn người đã bỏ xác trên biển cả) và bằng đường bộ sau năm 1975, những liệt sĩ trong bộ đội viễn chinh Việt Nam (được gọi là quân "tình nguyện" ở Cam-bốt từ cuối 1978 đến 1989, và cuộc diệt chủng người H'mông ở Lào từ 1975 v.v... 13 Con số "hơn 2 triệu" nạn nhân trên đây có thể gây ra nhiều tranh luận, nhưng cho đến nay, theo chúng tôi biết, thì chưa có phản ứng nào cả từ phía Hà Nội. Nếu số nạn nhân của chế độ cộng sản nêu trên là đúng sự thật thì điều ấy có nghĩa là tổng số nạn nhân do ÐCSVN gây ra từ 1945 đến nay là gấp đôi số nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot!
&
& &
Ðể bào chữa cho chế độ độc đảng, ông Ðỗ Mười, lúc còn là Tổng bí thư, đã đặt câu hỏi sau đây trong một buổi nói chuyện nội bộ: "(Dân chủ) đa nguyên đa đảng để làm gì?" 14. Lẽ dĩ nhiên nếu muốn duy trì sự chuyên chính của ÐCS thì không cần phải có đảng đối lập làm chi. Tuy nhiên quan niệm này là phản biện chứng, là không thực tế bởi vì trong đời sống của thiên nhiên cũng như của xã hội sự vật luôn luôn là một thể thống nhất bao gồm hai mặt mâu thuẫn, xung đột với nhau, và vì vậy sự vật mới luôn luôn biến đổi, phát triển cho đến lúc nó biến đổi thành cái mới, tức là một biến đổi về chất: đó là quy luật của biện chứng pháp của Hê-ghen (Hegel) mà Mác đã tiếp thu. Ông Ðỗ Mười muốn gạt bỏ đảng đối lập trong đời sống chính trị - kinh tế là đi ngược lại nguyên lý cơ bản về phép biện chứng mà đáng lẽ ông phải biết chứ, đó là về mặt lý thuyết. Còn về mặt thực hành thì, trái hẳn với ý kiến ông Ðỗ Mười, rất cần phải có một nền dân chủ đa đảng: sở dĩ có sai lầm nghiêm trọng và kéo dài trong chính sách của ÐCSVN (xem phần sau) là vì không có đảng đối lập, không có tự do báo chí và tự do ngôn luận để vạch trần kịp thời các sai lầm đó; và phải chờ một thời gian dài, khá dài, khi hậu quả tai hại đã quá rõ ràng thì ÐCS mới thừa nhận là có phạm những sai lầm "ấu trĩ tả khuynh", "duy ý chí", "nóng vội" v.v...
Hơn nữa, cũng cần có đảng đối lập để họ có thể đưa ra trước nhân dân những dự án chính trị - kinh tế - xã hội khác hẳn với ÐCSVN để nhân dân có thể tự lựa chọn khi có bầu cử tự do, ví dụ như lựa chọn giữa hai con đường phát triển: XHCN hoặc phi XHCN chẳng hạn.
Hiện nay người ta vẫn tự hỏi tại sao ÐCSVN chủ trương phát triển một nền "kinh tế nhiều thành phần" về mặt kinh tế mà đồng thời lại khăng khăng chống lại sự thiết lập một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng về mặt chính trị. Người ta cũng tự hỏi tại sao ÐCSVN cho phép tồn tại khu vực kinh tế tư nhân mà đồng thời lại không cho phép các doanh nhân trong khu vực kinh tế tư nhân thành lập một chính đảng riêng biệt của họ 15 ? Ðó là một nghịch lý cần phải được giải quyết nếu Việt Nam muốn phát triển về mọi mặt và muốn gia nhập vào thế giới văn minh.
Gần đây, từ tháng 03.2002 trở đi, ÐCSVN, đại diện cho giai cấp công nhân trên lý thuyết, lại cho phép một số đảng viên tham gia các hoạt động tư doanh, có thể làm chủ các xí nghiệp tư doanh16 tức là, theo quan niệm Mác-xít, có thể bóc lột giai cấp công nhân. Sở dĩ có tình trạng mâu thuẫn như vậy là vì chính quyền Hà Nội muốn giữ chế độ độc đảng cho nên phải chấp nhận, một cách hết sức gượng gạo, việc một thiểu số đảng viên - tư doanh có quyền bóc lột đa số đảng viên - công nhân, thay vì để cho các doanh nhân nói chung thành lập một đảng riêng biệt của họ để họ tự bảo vệ lấy quyền lợi của họ.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá XI vừa rồi (tháng 05.2002) có 25 doanh nhân (trong đó có nhiều đảng viên) được bầu vào Quốc hội lần đầu tiên 17. Ðó là một điều tiến bộ. Nhưng nếu ÐCSVN để cho các doanh nhân trong nước - đảng viên và không đảng viên - được phép thành lập một đảng chính thức riêng biệt của họ và được có đại biểu ở Quốc hội thì hợp lý biết bao!
3. Về tài sản của ÐCSVN thì, theo một uỷ viên của Phòng thương mại Mỹ-Việt, hồi năm 1996 toàn bộ tài sản của họ lên tới 20 tỷ US$ 18, tức là tương đương với GDP của Việt Nam năm 1995 (20,9 tỷ US$). Ðiều ấy nói lên sự giàu có của ÐCS ở một trong những nước nghèo nhất thế giới! Cũng theo nguồn tin trên, có 100 đảng viên có tài sản lên tới 300 triệu US$/người, trong năm 1996 (ibid).
Ban Kinh tài của ÐCSVN với hàng nghìn cán bộ là "công cụ Mafia của ÐCS", nó có 9 Phó ban chuyên kinh doanh về ngoại tệ, ma tuý, vũ khí, doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp của ÐCS, đất đai, nhà cửa và biệt thự
19.
Các nhà quan sát ngoại quốc cho rằng sở dĩ từ giữa những năm 90 trở đi, ÐCSVN tìm cách đầu tư trong nhiều lĩnh vực - từ tiệm cơm cho tới ngân hàng - là vì họ muốn xây dựng một cơ sở tài chính vững mạnh để làm nền tảng cho sự thống trị của họ trong đời sống chính trị của đất nước trong tương lai 20. [Trong thời kỳ hậu cộng sản các chính trị gia dân chủ cần phải nhớ tới yếu tố quan trọng này].
Một điểm cần lưu ý nữa là trong điều 46 của "Ðiều lệ (bổ sung) của ÐCSVN" (do Ðại hội IX của đảng thông qua) có ghi rõ là một trong những nguồn tài chính rất quan trọng của ÐCSVN là "ngân sách nhà nước và các khoản thu khác" (tài liệu nhấn mạnh - VNT). Do đó cho nên không lấy gì làm lạ khi ta thấy ÐCS điềm nhiên lấy tiền của ngân sách nhà nước (tức là tài sản của toàn dân) để chi cho các tổ chức của ÐCS và phụ thuộc vào đảng 21. Hơn nữa, như báo chí đã tiết lộ "mức chi ngân sách của cơ quan đảng là bằng 1,5 đến 2 lần cơ quan hành chính, sự nghiệp (của nhà nước - VNT) 22.
Sự lợi dụng ngân sách nhà nước để phục vụ quyền lợi của đảng đã giải thích tại sao vấn đề tài chính quốc gia ở Việt Nam (cũng như ở các nước cộng sản khác) được coi như là một vấn đề tối mật, và các đại biểu Quốc hội cũng không thể biết một cách chi tiết và chính xác các số liệu tuyệt đối của ngân sách nhà nước. Thông thường tại Quốc hội, người ta chỉ đưa ra một số tỷ lệ tổng quát mà thôi, và chỉ về phần chi (chứ không có số liệu nào về phần thu cả)!
Tuy nhiên, vào đầu năm 2002, Quốc hội đã đưa ra một tu chính "Hiến pháp 1992", theo đó thì từ khoá XI của Quốc hội trở đi (tức là tháng 07.2002) "Quốc hội có quyền quyết định dự toán, phê chuẩn và phân bố ngân sách nhà nước cấp trung ương" 23. Chúng ta cần theo dõi việc này để coi trong tương lai các quyền này sẽ được thực hiện như thế nào trên thực tế.
4. Về nguyên tắc "tập trung dân chủ"
Trước và sau "đổi mới", nguyên tắc tổ chức và hoạt động của ÐCS và Nhà nước xã hội chủ nghĩa vẫn là nguyên tắc lê-ni-nít "tập trung dân chủ" (democratic centralism) 24. Nguyên tắc này bảo đảm sự phục tùng tuyệt đối của đại đa số đảng viên đối với một nhóm nhỏ tập đoàn lãnh đạo; và đến lượt nó, tập đoàn này cũng phải phục tùng tuyệt đối một vài lãnh tụ tối cao. Nhìn vào lề lối lãnh đạo của ÐCSVN thì ta thấy nguyên tắc này vận hành như sau:
Nói về Ðại hội toàn quốc và Ðại hội các cấp từ cơ sở trở lên - một việc gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước biết bao thay vì dùng nó để xoá đói giảm nghèo hoặc tăng ngân sách cho y tế hoặc giáo dục chẳng hạn - thì ta thấy là điều quan tâm nhất của tập đoàn lãnh đạo là bảo đảm địa vị thống trị của họ trong đảng và Nhà nước. Thông thường, khi chuẩn bị Ðại hội đảng toàn quốc, Bộ chính trị đưa ra một đề cương về đường lối chính sách kinh tế - xã hội, chính trị và ngoại giao dưới dạng dự thảo báo cáo chính trị của trung ương đảng để cho Ðại hội đảng ở các cấp dưới "thảo luận", và bầu đại biểu đi dự Ðại hội đảng toàn quốc. Ðề cương này được coi như là chân lý tuyệt đối, và Ðại hội đảng các cấp ở dưới chỉ có thể "thảo luận" một chiều theo sự hướng dẫn của cấp trên để "quán triệt", "thấm nhuần", hoặc thêm râu ria, chứ không thể phản bác, không thể có ý kiến trái ngược, càng không thể đưa ra đề cương khác để cùng thảo luận, tranh luận cho ra lẽ.
Ðiều đáng chú ý là chỉ những đại biểu nào ở cấp dưới tỏ ra "nhất trí", "tán thành" đề cương của Bộ chính trị mới được cử đi dự Ðại hội cấp trên. Theo lệnh của Bộ chính trị, ban tổ chức trung ương hướng dẫn các cấp dưới bầu đại biểu đi dự Ðại hội đảng toàn quốc "đúng theo yêu cầu của Trung ương". Làm như thế đảm bảo chắc chắn rằng 100% đường lối đối nội và đối ngoại, cũng như các nhân vật trong ban lãnh đạo mới, sẽ được thông qua đúng theo ý muốn của tập đoàn lãnh đạo cũ. "Bằng cách tập trung dân chủ (như vậy) tập đoàn thống trị (mới có thể) duy trì lâu dài quyền lực của mình trong đảng, Nhà nước và xã hội" 25.
Ðể minh họa nguyên tắc "tập trung dân chủ" nói trên trong lĩnh vực tư tưởng - chính trị chẳng hạn, ta có thể nêu lên nghị quyết của hội nghị lần thứ 5 của ban chấp hành trung ương hồi tháng 03.2002 về "công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới", trong đó có ghi rõ: "Mọi đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết, chỉ thị của đảng..., kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên nói và làm trái nguyên tắc đảng, xử lý kịp thời theo pháp luật (XHCN) và kỷ luật đảng mọi hoạt động tán phát tài liệu xấu (tức là phê phán hoặc chống đảng - VNT). Xử lý nghiêm những hành động vi phạm kỷ luật phát ngôn... Nghiêm cấm việc xuất bản, lưu hành những sách, báo và ấn phẩm có nội dung sai trái..." 26.
Nhận xét về nghị quyết này, TS. Nguyễn Thanh Giang viết: "... để bảo đảm tính tổ chức, dẫu còn những dị biệt, những bất đồng, nhưng đã thành nghị quyết thì... đảng viên nào cũng, ít nhất là tạm thời, phải làm theo; nhưng có phải vì vậy mà không ai cần tiếp tục động não suy xét về các nội dung của những nghị quyết đó và không ai được... phát biểu tất cả những gì mình thấy cần phải đề nghị bổ sung, sửa chữa? (...) Thực tế cho thấy đã có nhiều nghị quyết, nhiều chính sách, kể cả chủ trương, đường lối từng phạm sai lầm, sai lầm hết sức tai hại!" 27.
Sở dĩ trong nghị quyết nói trên, ÐCSVN hô hào "xử lý kịp thời các tình huống tư tưởng [chống đối - VNT], tăng cường kiểm tra các hoạt động tư tưởng cấp dưới" là vì, như chính họ nói, phải "đề phòng nguy cơ tự diễn biến [hoà bình] từ trong nội bộ" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] 28. Thật vậy, trong một bản báo cáo của Hồng Vinh, Phó trưởng ban tư tưởng - văn hoá trung ương, kiêm trợ lý của Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh, tại hội nghị công tác tư tưởng - văn hoá toàn quốc hồi giữa tháng 04.2002, nhân vật này thừa nhận rằng hiện nay trong cán bộ, đảng viên có phong trào "công khai hoặc ngấm ngầm hoạt động truyền bá quan điểm sai trái, xuyên tạc chống đường lối, chính sách của đảng" 29. Và cũng tại hội nghị này, ông Nguyễn Khoa Ðiềm, uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng ban tư tưởng - văn hoá, còn nhấn mạnh thêm: "Nếu đảng không lãnh đạo được trí thức thì trí thức sẽ nằm trong tay người khác... Nếu chúng ta [ÐCS] để họ rơi vào tay người khác chi phối thì bài học thất bại [tức là sự sụp đổ - VNT] của Liên Xô khiến chúng ta phải suy nghĩ" (ibid).
Vì vậy cho nên chúng ta thấy trong nghị quyết của hội nghị trung ương lần thứ 5 của Ban chấp hành trung ương nói trên có rất nhiều tính từ, trạng từ ngột ngạt mùi "chuyên chính vô sản" dựa trên nguyên tắc "tập trung dân chủ" như: "kiên quyết xử lý", "xử lý nghiêm", "đề phòng nguy cơ", bởi vì, như ông Trần Mô, một đảng viên cao cấp, đã viết một cách thẳng thắn trong "Tạp chí quốc phòng toàn dân" (tháng 11.1995): "Chúng tôi kết luận rằng không có một nước nào có thể trực tiếp lật đổ chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, và chỉ có người cộng sản [phản tỉnh, giác ngộ - VNT] mới có thể lật đổ được người cộng sản [ngoan cố, giáo điều trong tập đoàn lãnh đạo hiện nay - VNT] 30, và đó là "diễn biến [hoà bình] từ trong nội bộ", một nguy cơ có thật mà hiện nay ÐCSVN đang cố gắng đối phó.
Ðể kết thúc phần này chúng tôi muốn lưu ý một số bạn Việt Kiều rằng trong các tài liệu chính thức của ÐCSVN khi họ nói tới "tập trung dân chủ" (tập trung: danh từ; dân chủ: tính từ) thì có nghĩa là họ nói về nguyên tắc tổ chức, hoạt động trong đảng và nhà nước XHCN, chứ họ không bao giờ dùng cụm từ "dân chủ tập trung" (dân chủ: danh từ; tập trung: tính từ) với ý nghĩa là một thể chế, một chế độ chính trị - kinh tế cả. Do đó, nếu nói rằng một số người Việt chủ trương thiết lập một nền dân chủ đa nguyên để phản bác nền "dân chủ tập trung" (với tư cách là một thể chế) của ÐCSVN 31 là không đúng lắm. Bởi vì không thể lấy một nguyên tắc hoạt động của một đảng để đối lại một thể chế chính trị - kinh tế được! Vả lại, trong báo chí, sách vở thì ÐCSVN thường dùng cụm từ "dân chủ nhất nguyên" tức là một nền "dân chủ dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng" hoặc "dân chủ XHCN" 32 để đối lại cụm từ dân chủ đa nguyên, đa đảng (mà họ còn gọi là nền "dân chủ tư sản") chứ họ không bao giờ dùng cụm từ nền "dân chủ tập trung" để đối lại nền "dân chủ đa nguyên" (với tư cách là một thể chế) như đã nêu bên trên.
Nhân dịp này, có lẽ cũng cần nhấn mạnh là biệt ngữ "dân chủ nhất nguyên" mà ÐCSVN đang dùng là một khái niệm chứa đựng một mâu thuẫn lớn trong từ ngữ, là một quái tượng về mặt chính trị bởi vì thông thường mà nói thì một nền dân chủ thật sự (đúng theo tinh thần phổ cập quốc tế ngày nay) tất yếu phải là đa nguyên chứ không thể nhất nguyên, độc đảng được! (xem tiếp phần sau).
5. Tập đoàn lãnh đạo ÐCSVN
Nhiều đảng viên trong nước cho rằng không phải có Ðiều 4 của "Hiến pháp 1992" và có công an cộng với bộ đội thì có thể áp đặt "vai trò lãnh đạo" của ÐCS được. Họ nói rằng muốn đóng được vai trò này thì ÐCSVN cần phải có thêm hai yếu tố quan trọng nữa: đó là đảng viên, nhất là ở cấp lãnh đạo, phải trong sạch và đường lối, chủ trương phải đúng đắn 33.
A. Ðặc điểm chung.
Từ khi khối Liên Xô - Ðông Âu sụp đổ, tập đoàn lãnh đạo ÐCSVN, trên thực tế, không còn đặt niềm tin hay lý tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lê, CNXH, Chủ nghĩa Cộng Sản nữa mà chỉ dùng nó như một chiêu bài để che đậy âm mưu bám lấy quyền lực và quyền lợi mà thôi. Trong ÐCSVN ngày nay trên thực tế đã xuất hiện hai tầng lớp đối lập nhau rõ rệt: một tầng lớp thống trị nắm quyền hành với những đảng viên giàu có, những "nhà tư bản đỏ" với nhiều biệt thự, xe ôtô và doanh nghiệp do vợ, con nắm, sống xa hoa phè phỡn, thậm chí còn có thể chuyển US$ ra nước ngoài để kinh doanh và chuẩn bị cơ sở làm ăn và sinh nhai cho thời kỳ hậu cộng sản, và một tầng lớp bị trị của những đảng viên liêm chính, những cựu chiến binh và thương binh, những người nghỉ hưu, thật sự vừa vô sản lại vô quyền, sống rất nghèo khổ và vất vả.
Cách đây mấy năm nhà ly khai Bùi Minh Quốc đã từng nhận xét rằng "đảng viên có chức, có quyền trong đó một số ít nhờ chức quyền mà có tiền, cực kỳ lắm tiền, đang chi phối mọi công việc của đảng, của đất nước; chức, quyền, tiền ấy đã kết [hợp] họ lại thành một giai tầng mới, giai tầng tài phiệt đỏ... Thế lực tài phiệt [này] đang làm giàu theo công thức dùng chuyên chính vô sản để tích luỹ tư bản... [và] số tài sản mà họ đã và đang hối hả tích luỹ chính là xương máu, mồ hôi, nước mắt của toàn thể nhân dân" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] 34.
Hiện tượng phổ biến bám lấy chức quyền của các nhà lãnh đạo cũng được một đảng viên chính thống giải thích như sau: "... Mất ghế là mất tất cả bởi vì thời nay cái ghế là cái rất quan trọng... Trong nhiều trường hợp đi theo cái ghế thường là có tiền tài, lợi lộc" 35. Nhà ly khai TS. Nguyễn Thanh Giang cũng không nói gì khác hơn: "Họ [các nhà lãnh đạo - VNT] chủ yếu chú tâm tới việc giữ quyền, giữ chức, giữ ghế. Bây giờ mà họ còn cứ nói một cách ngoan cố về định hướng XHCN... chẳng qua cũng chỉ vì quyền lợi của các cá nhân thuộc tập đoàn này, tập đoàn khác, của cá nhân này, cá nhân khác" mà thôi 36.
Chính nhờ có chức, có quyền cho nên đám vợ con các nhà lãnh đạo cao cấp mới có thể trở thành, một sớm một chiều những "doanh nhân lỗi lạc", và từ chỗ tay trắng, chân ướt chân ráo nhảy vào một lĩnh vực không quen thuộc mà hiện nay trong túi họ đã đầy nhóc hàng triệu US$ 37.
Một ví dụ điển hình là bà Cầm, vợ của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người mà tên tuổi đã từng vang lừng trong những năm 90. Bà này có một lũ đệ tử, toàn giám đốc công ty, hãng xưởng, liên doanh. Riêng trong công trình thiết kế đường dây tải điện Bắc-Nam, bà và các đàn em đã tham gia rất nhiều hợp đồng: mua sắt, sứ cách điện, máy biến thế, cáp điện, xi-măng, xây dựng trạm cột điện v.v.. Kết quả là số tiền huê hồng ăn chia trên các hợp đồng như thế đã đem lại cho bà Cầm không biết bao nhiêu là tiền. Ngoài món lãi do các công ty xuất nhập khẩu của "Bà" do đàn em của "Bà" đứng tên hoặc do các công ty được "Bà" xoè ô dù che chở nộp lên, riêng các khoản phần trăm hợp đồng mà ông Kiệt, lúc còn làm Thủ tướng, cho phép công ty này ký hoặc công ty kia ký cũng đã đem lại một số tiền khá lớn cho "Bà" rồi. Một nhân vật trong "chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam" trước đây đã cho chúng tôi biết là người trong nước đặt tên bà Cầm là "Bà 10%", tức là "Bà" nhận 10% giá trị bất kỳ hợp đồng nào mà chính phủ Việt Nam cho phép ký nhờ sự "giúp đỡ" của "Bà". Nghe nói riêng việc Việt Nam không mua sắt của một công ty Nga với giá rẻ mà lại mua sắt của Nam Hàn với giá đắt gấp đôi đã nói lên tài kinh doanh của "Bà" rồi!
Còn về "Cậu" Nam, con riêng của ông Võ Văn Kiệt, "Cậu" này cũng nổi tiếng trong làng nhập lậu xe ôtô cũ được bán hạ giá từ nước ngoài về hàng sáu, bảy trăm chiếc một lúc, và số tiền thu vào lên tới vài chục triệu US$.
Về phía cựu Tổng bí thư Ðỗ Mười thì lại vô phúc: có mỗi một đứa con trai tên Thắng mà cả nước đều biết bị bệnh tâm thần (như cha nó) nên ông Mười bèn ra tay tế độ người con rể tên Phương. Thời ông Mười vừa lên chức Tổng bí thư thì có vụ sửa sang khu vực văn phòng cho Khu liên hiệp Su-pe-phốt-phát Lâm Thao. Liên hiệp này nhờ "Cậu" Phương xin tín dụng mười tỷ đồng và trong áp-phe đầu tay này "Cậu" Phương kiếm được trên hai tỷ đồng. Có vốn liếng rồi "Cậu" mới mở rộng kinh doanh: nhập lậu xe ôtô cũ, buôn máy công cụ, buôn địa ốc v.v.. "Cậu" nổi tiếng là người "cầm đầu một đường dây buôn lậu có hệ thống" 38. "Cậu" Phương còn phất lên một lúc nhờ vụ lấp ao hồ ở Hà Nội: mặt ao hồ rẻ thúi bỗng nhiên trở thành của quý sau khi người ta đổ ụp xuống đó mấy xe cát và đổi tên nó thành mặt bằng. Trong cơn sốt địa ốc giá khởi thuỷ của 1m2 mặt bằng là bốn chỉ vàng, rồi nó lại vọt lên một lượng vàng, và sau đó tới 2 lượng, tuỳ theo vị trí tốt xấu của nó.
Cũng ở một vị thế tương tự như "Cậu" Nam nói bên trên, "Cậu" Tỵ con trai của Thủ tướng Phan Văn Khải, thường được gọi là "Hoàng Tỵ" (vì cậu ăn chơi xa xỉ như một ông hoàng con) cũng đã nổi tiếng như cồn. Nổi tiếng không những vì ăn chơi trác táng, cầm đầu một băng đảng toàn thành phần "con ông cháu cha" (vào khoảng 1994-1995 thiên hạ trong nước đồn rằng "Cậu" là một trong những thủ phạm trong vụ giết người ở Ðồ Sơn) mà còn về mặt thương trường nữa: "Hoàng Tỵ" thường giữ một cửa (tức là cửa mở vào những nơi có quyền xét duyệt các chương trình đầu tư nước ngoài) được đánh giá là chỗ chắc ăn nhất. Trong bối cảnh lúc bắt đầu "đổi mới" kinh tế doanh nhân ngoại quốc hăm hở đầu tư vào các ngành ăn xổi như xây cất khách sạn, sân Golf v.v... ở Việt Nam. Họ mau chóng biết rằng muốn có chân đứng thì phải tìm được sự hậu thuẫn của những người đang cầm quyền. Sau một thời gian tìm hiểu, họ đã tìm ra được cửa của "Cậu" Tỵ vừa chắc ăn, vừa giá phải chăng. Mỗi hồ sơ đầu tư, họ chi cho "Cậu" 5% là đủ chứ không phải tới 10% như một vài cửa khác.
Ngoài ra, "Cậu"Tỵ còn là chủ nhân của hai khách sạn thật "xịn" có tên là Hoàng Gia và Planet. Mọi dễ dãi dành cho khách hàng của hai khách sạn này được thông báo đến tận cửa hải quan ở phi trường Tân Sơn Nhất, và ai xuất trình giấy đặt phòng ở các khách sạn này thì chắc chắn là khỏi bị hạch sách...
Người dân trong nước cũng biết tới "Cậu" Tuấn Anh, con của Chủ tịch nước Trần Ðức Lương, qua vụ mở rộng nhà máy điện Phả Lại. Nhật đã trúng thầu công trình này với giá cao gấp đôi Nga: Nga ra giá 320 triệu US$ và thu tiền bằng cách đổi hàng, trong khi đó thì Nhật ra giá tới 550 triệu US$ và cho vay tiền để xây cất công trình. Tại sao lại xảy ra nghịch lý này? Sau khi truy hỏi phó Thủ tướng, lúc đó là Ngô Xuân Lộc, người ta mới biết sở dĩ sự việc xảy ra như vậy là vì phía sau Nhật có "Cậu" Tuấn Anh!
Còn về con trai của cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, "Cậu" Diễn thì sau khi cha "Cậu" lên chức cao nhất cuối năm 1997, "Cậu" mới bắt đầu hoạt động mạnh trong thương trường, chủ yếu là trong lĩnh vực xây dựng. Trong lĩnh vực này "Cậu" Diễn ký hợp đồng xong là chuyển ngay cho người khác, gọi là "ký hộ", để ăn phần trăm. Ngoài ra, "Cậu" cũng có ở trong công ty Vasuco, một công ty quân sự chuyên môn nhập vũ khí cho quân đội.
Cũng làm ở công ty Vasuco có "Cậu" Vịnh, con út của của Tướng quá cố Nguyễn Chí Thanh. "Cậu" Vịnh là người "tầm cỡ" trong công ty này, kiêm giám đốc công ty Toseco và kiêm luôn chức Vụ trưởng trong Tổng cục tình báo. "Cậu" này lo phần trang thiết bị cho hải quân, lo việc mua thiết bị (chủ yếu từ Nga) cho việc tu sửa, đóng mới các quân hạm, hoặc mua tàu để tăng cường cho hạm đội. Cứ mỗi hợp đồng mua bán, "Cậu" Vịnh được hưởng từ 10 đến 20% trên giá thanh toán, có khi hơn. Việc ăn chia này liên quan tới rất nhiều đầu mối ở tận bên Nga; và họ phải nộp cho "Cậu" Vịnh và phe cánh từ 30 đến 50% để chen chân vào các vụ mua bán với Vasuco. Nếu ta biết mỗi năm Việt Nam phải chi phí từ 100 tới 200 triệu US$ để mua thiết bị riêng cho hải quân thì ta thấy mức thu nhập của "Cậu" Vịnh riêng trong lĩnh vực này cũng đã là khá lắm rồi.
Một người nổi tiếng khác trong giới danh gia quân sự là "Ông" Công, em của Tổng tham mưu trưởng quá cố Ðào Ðình Luyện. Ông này chuyên nhập hàng cho không quân. Một ví dụ: một động cơ máy bay cũ của Nga bán cho Vasuco với giá là 150.000 US$ khi ký, nhưng sau đó phía bán phải "lại quả" cho Vasuco 50.000 US$. Tuy nhiên, tin mật lọt ra từ Vasuco cho biết là thông thường người bán phải "lại quả" cho Vasuco khoảng 2,5% ròng. Số tiền mua sắm lên đến cả trăm triệu US$, do đó phần trăm này cũng đem lại khá nhiều tiền cho "Ông" Công. Người ta đồn rằng "Ông" này có 50 triệu US$ gửi ở các ngân hàng nước ngoài, đó là không kể số tài sản có sẵn ở trong nước.
Nói đến Internet ở Việt Nam thì phải nói tới "Cậu" Bình, con rể của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. "Cậu" này lợi dụng quan hệ rộng rãi của bố vợ để ký hợp đồng với công ty máy điện toán Olivetti của Ý để nhập các máy này về Việt Nam, một cách gián tiếp thông qua Ba Lan và Liên Xô cũ. Vì Liên Xô cũ bị các nước phương Tây cấm vận kỹ thuật tối tân trong thời kỳ cuối những năm 80 nên không thể mua được các dàn máy điện toán một cách tự do như họ muốn. Chính vì thế mà "Cậu" Bình và một số người Việt Nam khác đã dựng lên một đường dây buôn các dàn máy đó từ Ba Lan sang bán ở Liên Xô cũ, với lãi suất khổng lồ (lãi suất gần 100%); rồi với số tiền bán máy này họ quay ra mua một số hàng của Liên Xô (cũ) với giá ưu đãi và nhập về Việt Nam miễn thuế như sắt thép xây dựng, kim loại mầu, hàng tiêu dùng v.v... Do đó chỉ trong vòng khoảng hai năm "Cậu" Bình đã kiếm được khoảng ba triệu US$. Và khi thị trường Liên Xô cũ hoàn toàn mở cửa thì "Cậu" Bình ôm tiền về Việt Nam lập ra công ty FPT, một trong ba công ty độc quyền công cấp dịch vụ Internet trên toàn quốc.
Qua các hiện tượng nêu bên trên người ta thấy rõ, như nhà văn Dương Thu Hương đã nhận xét: "Con ông cháu cha... lợi dụng quyền lực chính trị của ông cha để làm giàu..., [và] đó là một hiện tượng phổ biến" 39. Và nhà văn này đặt câu hỏi: "liệu còn sót bao nhiêu lương tri trong các băng buôn lậu quốc gia, các ổ ăn cắp của đảng độc quyền, nơi lũ con ông cháu cha quen cưỡi máy bay đi chơi điếm ở Hồng Kông và quen ném vào mỗi ván bài đỏ đen hàng trăm ngàn Ðô la Mỹ 40 " trong lúc mà đại đa số nhân dân còn phải sống rất lầm than?
Nhà văn này còn nhận xét tiếp: giai cấp "tư bản đỏ" nói chung "cố níu chặt mảnh ván XHCN của con thuyền xưa đã bị gió bão đánh tan tành, bởi chỉ nhờ trương lên tấm biển XHCN họ mới có thể cướp bóc dân chúng một cách dễ dàng, [và] chuyển hoá tài sản quốc gia thành các ngân khoản riêng ở các ngân hàng ngoài nước" (ibid).
Về phía mình Luật sư Lê Chí Quang cũng có nhận xét về "tư bản đỏ" như sau: "Ngày nay đảng... nhất định không thể đại diện trung thành cho giai cấp công nhân nữa vì ở đây thấy toàn những vị đại biểu cho tầng lớp mới trong xã hội. Ðó là tầng lớp tư bản đỏ, bọn tham quan ô lại, bọn cửa quyền bóc lột, hà hiếp dân chúng, bọn buôn lậu..." 41.
Ðúng như ông Trần Ðộ đã khẳng định từ lâu "... Ðảng bị thoái hoá, biến chất; những đảng viên nắm quyền lực trở thành một tầng lớp thống trị mới trong xã hội với những lợi ích riêng, đối lập với lợi ích nhân dân. Có thể nói rằng nhiều đảng viên có chức, có quyền đã thật sự trở thành "những tư bản mới" đầu cơ quyền lực, biến quyền thành của cải, và gây ra một mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt... " [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] 42.
Không những ở trong nước mà ở nước ngoài cũng có một số nhà quan sát ngoại quốc - trong đó có những người nổi tiếng đã từng ủng hộ chế độ Hà Nội trước 1975 như GS. Gabriel Kolko (Mỹ) chẳng hạn 43 - tố cáo các nhà "tư bản đỏ" đang thống trị ở Việt Nam.
Một sử gia Pháp nhận xét rằng: "... chế độ cộng sản đang lột xác bằng con đường "mafia hoá". Như mọi nhóm mafia, ÐCS không còn thống nhất mà đã chia ra làm nhiều phe cánh, nhiều "chi họ mafia". Sự tranh giành quyền lực gay gắt trong ÐCS đã thể hiện ngày càng rõ ràng và lộ liễu. Những vụ cấu kết, hợp đồng giai đoạn giữa phe này và phe kia để hạ bệ đối thủ diễn ra thường xuyên... Toàn guồng máy đảng và Nhà nước... thuộc quyền kiểm soát của các phe nhóm khác nhau. Do đó mà những nhà lãnh đạo chóp bu, sau khi rút lui khỏi chính trường... vẫn tiếp tục chi phối đường lối, chính sách... [lãnh đạo] Việt Nam ngày nay... là một tập đoàn tham quyền, bám lợi cầm đầu đất nước" 44.
Qua "vụ án Năm Cam" mà báo chí trong nước đã phanh phui trước dư luận từ đầu năm nay (2002) người ta thấy rõ rằng hiện nay tập đoàn lãnh đạo ÐCSVN đang bị mafia hoá một cách nghiêm trọng. Sở dĩ Năm Cam (tên thật là Trương Văn Cam) và đàn em có thể hoạt động phi pháp một cách ngang nhiên trong nhiều năm qua, không những ở Sài Gòn mà còn trên địa bàn cả nước, như tổ chức sòng bạc lớn, cho vay nặng lãi, buôn lậu, tổ chức đường dây tiêu thụ ma tuý, đâm thuê chém mướn, hệ thống đĩ điếm v.v.. là vì tên "trùm xã hội đen" này đã dùng tiền bạc, quà cáp và gái đẹp v.v.. để mua chuộc chính quyền, cả địa phương lẫn trung ương. Báo Tuổi trẻ trong nước đã viết: "Tiền bạc trải thảm của Năm Cam tung ra, đã giúp hắn mua chuộc, khống chế không ít các nhân vật trong các cơ quan pháp luật" 45. Nhiều đảng viên, cán bộ cao cấp, không những trong ngành công an, quân đội, viện kiểm sát nhân dân tối cao, mà còn trong ngành thông tin, cũng dính líu vào vụ này.
Cho tới khi chúng tôi viết bài này thì được biết có tới 109 cán bộ đảng viên bị bắt, bị cách chức, bị kiểm điểm kể cả bảy tướng công an, một Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, hai thẩm phán, một giám đốc đài phát thanh quốc gia, một Thứ trưởng... Theo Thông tấn xã Việt Nam (20.06.2002) thì có ba tập thể (đảng uỷ công an trung ương, ban cán sự đảng của viện kiểm sát, và ban thường vụ thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh) và sáu cá nhân (Trung tướng Bùi Quốc Huy, uỷ viên Trung ương đảng, Thứ trưởng Bộ công an và nguyên giám đốc công an tại thành phố Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Hoàng Ngọc Nhất, thuộc Bộ công an; Thiếu tướng Ðỗ Năm thuộc bộ công an; ông Lê Thanh Ðạo, nguyên Viện trưởng viện kiểm sát tối cao và ông Phạm Sĩ Chiến, phó Viện trưởng viện kiểm sát tối cao, ông Trần Mai Hạnh, uỷ viên Trung ương đảng, tổng giám đốc Ðài tiếng nói Việt Nam) phải kiểm điểm trách nhiệm về những việc dính líu tới vụ án Năm Cam.
Theo báo chí trong nước, vụ thả Năm Cam trước thời hạn hồi giữa năm 1997 (sau khi bị bắt hồi cuối 1995) có dính líu tới nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng ông này cho biết là có bàn thảo việc này với các ông Ðỗ Mười, lúc đó là Tổng bí thư, và ông Lê Ðức Anh, lúc đó là Chủ tịch nước 46. Báo chí đang phanh phui thì bị chặn lại. Dư luận trong nước đặt câu hỏi: Bộ chính trị có cố tình bao che những kẻ đại trọng tội trong vụ án này chăng?
Nhà báo Lý Sinh Sự ở trong nước đã tạm đúc kết vụ án này như sau: xưa nay mafia đều dựa vào quan chức tham nhũng, biến chất để tồn tại. Vậy thì mỗi vụ án bao giờ cũng có nhiều người liên can, hoặc là bao che, ăn hối lộ, bảo kê..., nặng hơn nữa là tiếp tay [cho chúng] 47.
Chắc ai cũng đồng tình với bà Nguyễn Thị Bình, cựu phó Chủ tịch nước khi bà nhận xét rằng: "Mafia không thể tồn tại nếu không thò được chân vào hàng ngũ bộ máy [đảng và nhà nước - VNT] của chúng ta" 48.
Ðiều đáng chú ý là đến ngày 20.06.2002 thì ông Nguyễn Khoa Ðiềm, uỷ viên Bộ chính trị và ông Nguyễn Hồng Vinh, chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam đã công khai ra lệnh khoá mồm báo chí, không cho tiếp tục đưa tin tức về "vụ án Năm Cam" nữa vì sợ bứt giây động rừng! Ông Ðiềm ra lệnh cho báo chí không được tường thuật nhiều hơn nữa về những vấn đề liên quan tới những người lãnh đạo cấp cao, không để lộ bí mật gây chia rẽ nội bộ 49. Người ta tự hỏi làm sao chống được tham nhũng khi tập đoàn lãnh đạo ÐCS quy định trước những gì được đưa ra công khai, những gì phải giữ bí mật của các vụ án lớn nhằm "giữ uy tín cho đảng"?
"Vụ án Năm Cam" này được phanh phui ra trước dư luận chỉ phản ánh phần nào sự tranh giành thế lực và quyền lợi giữa các phe nhóm cầm quyền đang bị mafia hoá, nhằm thanh toán lẫn nhau trong bộ máy đảng và nhà nước (mà trọng tâm là các đảng bộ ở miền Nam, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh) chứ không phải là quyết tâm của tập đoàn lãnh đạo nói chung muốn thực sự thanh toán triệt để "quốc nạn" tham nhũng. Dù muốn dù không"vụ án Năm Cam" cũng đã làm giảm bớt đi nhiều uy tín của ÐCS ở trong nước.
&
& &
B. Tham nhũng và buôn lậu
Từ năm 1992, ông Võ Văn Kiệt, lúc đó là Thủ tướng, đã từng gọi tệ nạn buôn lậu và tham nhũng là hai "quốc nạn" 50. Ông Ðỗ Mười, trong diễn văn bế mạc ở hội nghị trung ương lần thứ 9 (tháng 11.1995) đã hô hào là " phải tích cực chống tham nhũng... Tham nhũng có quan hệ mật thiết với buôn lậu... [nó] làm hư hỏng một bộ phận [lớn - VNT] đảng viên, cán bộ. Trong lúc... dân còn khó khăn thiếu thốn thì tham nhũng... là tội ác" 51. Sau đó, cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng hô hào kiên quyết chống tham nhũng, và chủ trương một đợt phê và tự phê bình chống tham nhũng trong vòng hai năm liền (bắt đầu từ tháng 05.1999). Tuy nhiên, sau tám tháng "phê và tự phê" một đảng viên cao cấp nhận xét như sau: "Tệ... tham nhũng đang làm biến chất một bộ phận [khá lớn - VNT] cán bộ, đảng viên. Ðáng lưu ý là hiện nay [đầu năm 2000 - VNT] tình trạng này còn diễn ra phổ biến hơn, tinh vi hơn, nghiêm trọng hơn" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] 52.
Khi chiến dịch "phê và tự phê" sắp kết thúc thì chính ông Phiêu, tại hội nghị trung ương lần thứ 11 (tháng 01.2001) cũng phải thú nhận rằng "tệ... tham nhũng... của cán bộ, đảng viên vẫn còn rất nghiêm trọng"[chúng tôi nhấn mạnh - VNT)" 53].
Theo ban thanh tra trung ương của ÐCS thì trong thời gian 5 năm gần đây (1995-2000) có gần 69.000 trong số 160.000 đảng viên đã bị kết tội tham nhũng. Ngoài ra, có hơn 2.000 cơ sở đảng bộ đã bị điều tra và trong số đó có tới 1/3 bị ghi nhận là nhũng lạm tài sản nhà nước 54.
Còn theo số liệu của công an thì trong năm 2001 nạn tham nhũng đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 428 tỷ đồng (29 triệu US$) 55.
Năm 2001, theo cơ quan tư vấn về những rủi ro chính trị và kinh tế, Political và Economic Risk Consultancy (PERC) có trụ sở ở Xing-ga-po thì Việt Nam được xếp vào hạng thứ nhất trong các nước Châu Á có nạn tham nhũng tệ hại nhất: dựa trên bảng nặng nhẹ từ 0 đến 10 (10 là điểm tệ hại nhất) thì Việt Nam đứng đầu bảng ở mức 9,75 điểm! 56
Còn theo một tài liệu nghiên cứu của Ngân hàng thế giới bàn về 4 khía cạnh của việc quản lý nhà nước, trong đó có mục "kiểm soát tham nhũng" tại 12 nước ở Ðông Á thì Việt Nam được xếp vào hạng thứ 10 về nạn tham nhũng, tức là khá nặng; và theo ông N. Stern phó Chủ tịch và Kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới thì "đây quả thật là [một] trong những vấn đề nan giải cho Việt Nam" 57.
Hiện nay, Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh cũng thừa nhận là tuy "... những năm qua, đảng ta rất coi trọng cuộc đấu tranh chống tham nhũng,... coi đó là "giặc nội xâm",... là "quốc nạn" và đã đề ra nhiều biện pháp để khắc phục,... [nhưng] hiệu quả còn thấp", và ông ta đề ra 4 biện pháp để đấu tranh chống tham nhũng 58. Sau nhiều biện pháp hoàn toàn vô hiệu quả của các Tổng bí thư trước đây thì ta có thể khẳng định mà không sợ sai lầm là ông Mạnh có đưa ra 14 biện pháp đi nữa thì ông cũng vẫn không thể giải quyết được "quốc nạn" này. Bởi vì, như ông Trần Ðộ đã nhận xét "một nguồn gốc quan trọng của tệ nạn tham nhũng là có sự lạm dụng quyền lực (...) [và sự lạm dụng này xuất phát từ] một thể chế quyền lực không có cơ chế kìm hãm và giám sát"; [và] thể chế đó lại là con đẻ của... hệ thống chính trị [do] đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện... Thể chế đó tạo điều kiện cho người ta tự do dùng thủ đoạn để tìm kiếm quyền lực, và khi tìm [nó] được rồi thì [người ta] tự do và tuỳ tiện dùng để mưu lợi và làm giàu" 59. Ở Việt Nam hiện nay, như ai cũng biết, có quyền to thì tham nhũng to, có quyền nhỏ thì tham nhũng nhỏ. Do đó, như ông Trần Ðộ đã nói "những người có quyền lực là những người không chống được tham nhũng, và chỉ có dung túng tham nhũng [mà thôi]" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] (ibid, tr. 15).
Về phía mình, nhà văn Hoàng Tiến cũng đã nhận xét là trong nhiều năm qua, dù đảng và Nhà nước đã ra biết bao nhiêu chỉ thị, nghị quyết và trừng trị một số vụ tham nhũng "nhưng số vụ tham nhũng không giảm đi [mà lại] có chiều hướng tăng lên, nguy hiểm hơn, thâm độc hơn, kín nhẹm hơn. Chúng kết thành dây, thành tập thể chằng chịt như mạng nhện..." 60.
Gần đây, GS. Lê Trọng, Viện trưởng Viện Phát Triển Quốc Tế Học đã liệt kê khái quát 12 hình thức tham nhũng ở Việt Nam, và nêu bật một vật chướng ngại không thể vượt qua được trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng là "nếu xử lý nghiêm thì động đến nhiều người, nhất là cán bộ cao cấp, [và họ] sẽ mất uy tín lãnh đạo , [và Nhà nước] sẽ mất cán bộ ..." 61. Ðiều này xác nhận quan điểm của ông Trần Ðộ vừa nhắc bên trên là "những người có quyền lực là những người không chống được tham nhũng"!
Dưới thời ông Nông Ðức Mạnh nạn tham nhũng vẫn tiếp tục lan tràn trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, luật pháp, văn hoá v.v.. kể cả trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo. "Quốc nạn" này đang làm giàu cho cá nhân, gia đình và băng đảng, phe nhóm; nó đang cấu kết ngày càng rõ rệt với "xã hội đen" để thiết lập một mạng lưới mafia bao trùm lên khắp đất nước và trong mọi lĩnh vực. Dù ông Mạnh có hô hào "phải chống tham nhũng quyết liệt hơn nữa" ông cũng sẽ không giải quyết được "quốc nạn" này chừng nào mà, ngoài việc cải tổ chế độ tiền lương quá thấp hiện nay, ÐCS và nhà nước XHCN chưa chấp nhận tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp) để họ làm đối trọng, kiểm soát lẫn nhau; chưa có toà án, báo chí và cơ quan truyền thông hoàn toàn độc lập; chưa có quyết tâm chính trị nhằm trừng trị các cán bộ lãnh đạo chóp bu dính líu tới tham nhũng (chứ không chỉ trừng trị cán bộ, đảng viên trung, cao cấp mà thôi); chưa có các quy trình kiểm soát nội bộ trong các xí nghiệp và kiểm toán phía ngoài một cách độc lập; chưa có luật chống tham nhũng minh bạch và thủ tục hành chính, tài chính công vụ rõ ràng v.v..
Vả lại, người ta có thể tự hỏi ông Nông Ðức Mạnh có thật lòng muốn chống tham nhũng không bởi vì người ta thấy sau khi hai nhà ly khai Phạm Quế Dương và Trần Khuê làm đơn xin thành lập "hội nhân dân Việt Nam ủng hộ đảng và Nhà nước chống tham nhũng" và kêu gọi mọi người tham gia (ngày 03.09.2001) thì vài ngày sau hai ông bị cán bộ công an bắt lên sở công an xét hỏi, bị cắt điện thoại và trong tháng sau đó ông Khuê lại bị chính quyền thành phố Hồ Chí Minh ra lệnh quản chế hai năm! Lúc đó, Thứ trưởng công an Nguyễn Văn Hường còn cao giọng: "Chúng tôi phải bóp phong trào của các anh từ trong trứng nước"!
Sự kiện này chứng tỏ không những lời nói của Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh không đi đôi với việc làm (cũng như của các Tổng bí thư khác trước đây) mà còn cho thấy là dưới thời ông Mạnh Nhà nước vẫn tiếp tục vi phạm trắng trợn các quyền công dân được ghi trong "Hiến pháp 1992" mà do chính nhà nước này bày vẽ ra, cụ thể là vi phạm điều 69, do đó "công dân có quyền... lập hội".
Trên thực tế thì ông Mạnh chỉ muốn chống tham nhũng nửa vời thôi để làm yên lòng phần nào dư luận trong nước và trấn an các nhà đầu tư ngoại quốc và các tổ chức tài chính quốc tế. Bởi vì nếu ông Mạnh thật sự chống tham nhũng một cách triệt để, tức là từ "đầu" (lãnh đạo chóp bu) trở xuống, chứ không chỉ từ "vai" (cán bộ trung, cao cấp trở xuống mà thôi (như cách nói ở trong nước hiện nay), thì bộ máy cai trị và quản lý của ÐCS và Nhà nước XHCN sẽ bị tê liệt ngay!
Liên quan đến tệ nạn tham nhũng còn phải nói đến hiện tượng "rửa tiền" (money laundering), một cách làm để "công khai hoá các khoản tài sản bất minh thường có được nhờ tham nhũng" như báo Tuổi trẻ chủ nhật (20.01.2002) đã tiết lộ: Ngoài cách "chuyển ngân lậu từ trong nước ngược ra nước ngoài" như nhiều người đã biết thì tác giả bài báo nói trên còn kê khai ra 7 cách làm khác nữa như: mua vé số trúng giải đặc biệt, mua nhà đất, bịa ra học bổng trị giá cả trăm ngàn US$ cho các con quan chức, các chuyến đi tham quan nước ngoài, góp vốn thành lập công ty cổ phần hoặc hùn vốn xây dựng khách sạn nhưng không phải bằng tiền mặt hay bằng hiện vật mà bằng trao đổi quyền lực, mua chứng khoán với giá ưu đãi cùng với làn sóng "cổ phần hoá" DNNN, dùng hoá đơn tài chính để hợp thức hoá những bòn rút từ ngân sách nhà nước v.v..
&
& &
Ðã bàn về "quốc nạn" tham nhũng thì càng phải bàn luôn đến "quốc nạn" buôn lậu nữa, vì 2 vấn đề này gắn bó chặt chẽ với nhau. Và ai cũng biết trong số các thủ phạm của hai "quốc nạn" này đều có nhiều đảng viên, cán bộ lãnh đạo, kể cả loại cao cấp. Ở Việt Nam bọn buôn lậu đã tận dụng cả đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.
Xin nêu ra một vài ví dụ: ai cũng còn nhớ hồi năm 1998 chẳng hạn, có xẩy ra một vụ án buôn lậu nổi tiếng gọi là vụ án Tân Trường Sanh trong đó có 71 cán bộ, đảng viên bị truy tố, và trong số đó có tới 49 cán bộ của Nhà nước (31 cán bộ hải quan và số còn lại là cán bộ công an, quân đội v.v..). Cuộc điều tra cho thấy Tân Trường Sanh đã tổ chức một mafia buôn lậu các loại hàng mà nhà nước đánh thuế nhập khẩu cao hoặc cấm nhập khẩu, và tổ chức buôn lậu này cấu kết với một mạng lưới "bảo kê" hùng hậu bao gồm hải quan, công an, kho hàng quân đội, DNNN và ÐCS 62.
Bằng đường thuỷ thì hàng lậu từ Trung Quốc thường cập bờ ở Móng Cái và các tỉnh vùng duyên hải miền Bắc và miền Trung, còn hàng lậu từ Thái Lan, Cam-bốt thì được đưa tới các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Hàng lậu cũng có thể đến từ Malaisia, Philippin do các tàu buôn lớn đổ ở ngoài khơi rồi được đưa vào bờ ở phía nam miền Trung hay ở miền Nam.
Ngoài ra, những DNNN có tàu biển cũng tham gia buôn lậu một cách tự nhiên. Báo Lao động đã cho biết là tại bến Hếnh Tống (Ðông Hưng, Trung Quốc) đối diện bờ tây sông Ca Long (Móng Cái) hàng lậu sẵn sàng xuất phát, và chỉ chờ ám hiệu cho biết hải quân rút đi là hàng chục thuyền ồ ạt băng qua sông. Trong 3 con đường buôn lậu kể trên thì buôn lậu đường bộ trên cả ba biên giới Hoa-Lào-Miên là quan trọng, đa dạng hơn cả. Vụ điển hình xảy ra gần đây là vụ Hang Dơi.
Trong tháng 06.2002 báo chí trong nước cho hay là Tổng cục cảnh sát đã phá được "một đường dây buôn lậu lớn nhất miền Bắc" tại núi Hang Dơi, xã Tân Mỹ, tỉnh Lạng Sơn. Bọn buôn lậu vận chuyển 95% số hàng lậu bao gồm máy điều hoà nhiệt độ, Tivi, CD, phụ tùng ôtô, xe máy v.v.. từ Trung Quốc vào các tỉnh phía Bắc từ 1989 đến nay. Dư luận trong nước cho rằng lực lượng biên phòng, hải quan Lạng Sơn đã bảo kê cho đường dây buôn lậu này từ lâu 63.
Hiện nay ở Việt Nam một số khá lớn đảng viên, cán bộ - kể cả cao cấp - trực tiếp nhúng tay vào việc đưa hàng lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam trên quy mô rộng lớn và liên tục, làm thị trường nội địa bị tràn ngập hàng Trung Quốc (nhất là loại hàng không đủ tiêu chuẩn để xuất sang Mỹ và Châu Âu), và do đó giết dần giết mòn không những hàng hoá sản xuất ở trong nước mà còn khống chế cả các mặt hàng nhập khẩu khác như xe gắn máy, đồ điện, vật liệu xây dựng v.v.. Nói chung hiện nay ở Việt Nam hầu hết các quan chức ở những cơ quan chống buôn lậu tại các cửa khẩu đều bị bọn buôn lậu "mua đứt".
Theo báo Nhân dân, nạn buôn lậu đã tăng 20% trong năm 2001, gây nên thiệt hại cho ngân sách 607 tỷ Ðồng 64. Báo chí trong nước tiết lộ rằng trong 5 tháng đầu năm 2002 tệ nạn "buôn lậu vẫn tung hoành" 65, và các cán bộ lãnh đạo ở Cục hải quan còn nhấn mạnh là cách buôn lậu ngày càng trở nên hiện đại, tinh vi và liều lĩnh hơn trước! Ký giả Lý Sinh Sự đã nhận xét trong báo Lao động gần đây: "Từ nhiều năm nay buôn lậu như căn bệnh trầm kha "di căn" khắp nước" 66.
Cũng cần nói thêm ở đây là đảng viên, cán bộ ngoại giao - kể cả cao cấp - chủ yếu là ở các đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô (cũ) và Ðông Âu thường dùng các đặc quyền ngoại giao để buôn lậu, và trong số đó có người đã bị bắt với hàng chục triệu US$ hàng lậu, hàng ngàn đồng hồ điện tử, nhiều máy Computer, hàng trăm quần jeans, hoặc mang vàng đi qua các cửa khẩu. Theo một nguồn tin đáng tin cậy thì ông Nguyễn Mạnh Cầm, lúc còn làm đại sứ ở Mạc-Tư-Khoa nhắm mắt để cho các nhân viên trong đại sứ quán buôn lậu tập thể 67.
Ngoài tệ nạn tham nhũng và buôn lậu, giai cấp "tư bản đỏ" ở Việt Nam còn có nhiều thủ đoạn khác để làm giàu bằng chữ ký và con dấu dựa trên tập quán "nhất biết nhì quen", bằng cách ra giá phong bì, "rút ruột ngân sách", quy hoạch nhà đất, bán đề thi, bán bằng cấp giả, ăn chặn viện trợ nước ngoài, dựng dự án ma, bòn rút phụ cấp của thương binh liệt sĩ v.v..
Ðầu năm 2002, ông Hồng Vinh, một uỷ viên trung ương đảng, đã nhận xét một cách tổng quát như sau: "có bảy nhân tố... ảnh hưởng đến tâm trạng cán bộ, đảng viên: nạn tham nhũng, tệ quan liêu, sự phát triển các tệ nạn xã hội [mà thủ phạm chủ yếu là cán bộ, đảng viên - VNT],... hiện tượng chạy chức, chạy quyền, tình trạng thiếu kỷ cương..., [và] mất dân chủ [tức là độc đoán, ức hiếp dân - VNT], sự suy thoái [về] phẩm chất đạo đức, [về] lối sống... của một bộ phận [khá lớn - VNT] của cán bộ, đảng viên" 68. Thêm vào đó, có lẽ cần phải nêu lên "bệnh kiêu ngạo" [tức là bệnh phách lối - VNT] cộng sản" nữa, và bệnh này theo nhận xét của một đảng viên là khá phổ biến 69. Ðây cũng là bệnh thông thường của những ếch ngồi đáy giếng!
&
& &
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire