Viet Nam can doi moi that su (VNT)
VNT: Ch1 : Y thuc he cua chanh sach doi moi
VNT: Ch2 "Doi moi" Kinh te
VNT Ch3: "Doi moi" Chinh tri (a)
VNT: Ch3: "Doi moi" Chinh tri (b)
VNT: Ch3 "Doi moi" Chinh tri (c)
VNT: Ket luan
B. "Nhà nước của dân, do dân, vì dân"
Ở Việt Nam, "Nhà nước pháp quyền XHCN" còn được gọi là "Nhà nước của dân, do dân, vì dân". Báo cáo chính trị tại Ðại hội IX của ÐCSVN vẫn nhắc lại là "... Nhà nước pháp quyền XHCN [được xây dựng] dưới sự lãnh đạo của Ðảng..., đó là Nhà nước của dân, do dân, vì dân" 203.
Trước hết có lẽ cần nhắc lại ở đây là thuật ngữ này không phải xuất phát từ ông Hồ như một số đảng viên ở trong nước đã ngộ nhận 204. Thật ra người cha đẻ của thuật ngữ này là tổng thống Mỹ Abraham Lincoln khi, trong diễn văn đọc tại Gettysburg hồi năm 1863, ông chủ trương thành lập "một chính phủ của dân, do dân, vì dân". Rồi trong thế kỷ 20, cả ba ông Tôn Dật Tiên, J. Nehru và Hồ Chí Minh đều lấy lại thuật ngữ này 205. Sau ông Hồ, tất cả các Tổng bí thư ÐCS như các ông Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười v.v.. đều dùng lại thuật ngữ này về mặt hình thức nhưng đã thay đổi hoàn toàn về mặt nội dung. Các nhà lãnh đạo ÐCSVN đánh tráo nội dung tiến bộ, thật sự dân chủ do Abraham Lincoln đề xướng với nội dung độc tài, toàn trị của chế độ XHCN. Tại Ðại hội ÐCS lần thứ IV hồi năm 1976 chẳng hạn, ông Lê Duẩn đã từng tuyên bố: "Nhà nước XHCN là nhà nước chuyên chính vô sản", "Nhà nước ta phải là một thiết chế của dân, do dân, vì dân" 206. Còn ông Ðỗ Mười thì nhắc lại trong Hội nghị giữa nhiệm kỳ của ÐCS hồi tháng 11.1994 rằng Việt Nam cần phải "xây dựng một Nhà nước pháp quyền... của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" và Nhà nước đó "Phải do đảng lãnh đạo" 207. Thuật ngữ "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" được dùng một cách phổ biến từ năm 1991 đến nay để thay thế cụm từ "chuyên chính vô sản" (CCVS) - một cụm từ làm cho ai cũng khiếp sợ! - khiến cho một số người, cả học giả ngoại quốc lẫn Việt kiều, hiểu lầm rằng ở Việt Nam không còn có "chuyên chính vô sản" nữa từ khi có "đổi mới". Do đó, cần nhắc lại ở đây rằng, việc thay thế tên gọi nói trên hoàn toàn không có nghĩa là ÐCSVN đã từ bỏ "CCVS". Bằng chứng là trong một tài liệu quan trọng "lưu hành nội bộ" xuất bản hồi năm 1991, ông Ðào Duy Tùng, lúc đó là uỷ viên Bộ chính trị phụ trách về ý thức hệ đã nói rõ: "Nếu hiểu đúng nội dung của chuyên chính vô sản thì hoàn toàn có thể diễn đạt nó trong khái niệm "Nhà nước xã hội chủ nghĩa" [hoặc] "Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân"... do ÐCS lãnh đạo. Dù rằng không mang tên Nhà nước chuyên chính vô sản, nhưng Nhà nước xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng thực chất vẫn mang bản chất của chuyên chính vô sản" 208 [chúng tôi nhấn mạnh - VNT].
Sở dĩ từ 1991 trở đi, ÐCSVN thay thế (chứ không bao giờ từ bỏ) "CCVS" bằng thuật ngữ "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" là vì họ cố ý muốn tạo ra một ảo tưởng "đổi mới" về mặt chính trị và tâm lý, nhưng đó chỉ là một mưu mẹo nhằm lừa gạt nhân dân và dư luận quốc tế mà thôi.
Nhưng cứ bằng vào lời nói của ÐCSVN ta thử phân tích xem coi Nhà nước XHCN có phải là do dân, vì dân v.v.. hay không. Trước hết thế nào là "nhân dân". Từ chỗ bao gồm "toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống..., giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo theo điều 1 của Hiến pháp 1946" khái niệm "nhân dân" bị thu hẹp lại còn có "nhân dân nền tảng" bao gồm "liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức" theo điều 2 của Hiến pháp 1992. Ðây cũng là trên lý thuyết thôi, chứ trên thực tế thì khái niệm "nhân dân nền tảng" chỉ bao gồm những công nhân, nông dân và trí thức ngoan ngoãn mà thôi, còn những công nhân, nông dân và trí thức có óc phê phán hoặc bất đồng chính kiến thì bị xếp vào loại "kẻ thù của nhân dân", kể cả đảng viên và các nhà lão thành cách mạng, và do đó bị trừng phạt về mọi mặt (chính trị, hành chính và kinh tế) hoặc bị tống giam tuỳ theo trường hợp. Ðiều đáng chú ý là trong số "nhân dân nền tảng" đó thì trí thức luôn bị xếp vào hạng bét. Nhưng khi cần kêu gọi quốc dân đồng bào đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm thì ông Hồ kêu gọi toàn dân đứng lên đấu tranh giành độc lập trong đó hiền nhân được xếp lên hàng đầu, kế đó là chí sĩ, rồi mới đến công, nông. 209
Bây giờ chúng ta hãy xem coi, trên thực tế, Nhà nước XHCN có phải là do dân" và "vì dân" hay không?
Nếu lấy ví dụ cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 05.2002 chẳng hạn thì ta thấy, như đã nói bên trên, ÐCS và Nhà nước vẫn chọn sẵn những ứng cử viên thông qua "Mặt Trận Tổ Quốc", như từ trước đến nay, rồi bắt buộc mọi người dân phải đi bầu. Với thủ tục cổ điển "Ðảng chọn, dân bầu" này thì làm sao có thể nói Nhà nước XHCN hiện nay là "do dân" quyết định được? Hơn nữa, mặc dù tất cả 498 đại biểu trong Quốc hội hiện nay đều là đảng viên và người cảm tình đảng cả, nhưng trong các cuộc bầu cử vào các chức vụ lãnh đạo trong Quốc hội và Chính phủ hồi cuối tháng 07.2002, tập đoàn lãnh đạo chóp bu của ÐCS cũng không cho phép các đại biểu quyền lựa chọn giữa một số nhân vật trong số những uỷ viên trung ương đảng vì mọi sắp xếp về nhân sự cao cấp đã được quyết định trong hội nghị trung ương đảng lần thứ 5 hồi đầu tháng 07.2002 rồi! Các đại biểu Quốc hội sau đó chỉ còn có đồng ý hoặc không đồng ý với thành phần nhân sự đã được chọn sẵn mà thôi. Dĩ nhiên, trong trường hợp đó thì tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội chỉ bỏ phiếu thuận mà thôi. Vì vậy cho nên, trong diễn văn bế mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XI này, chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Văn An tỏ vẻ hài lòng vì "việc bầu và phê chuẩn nhân sự [cao cấp của Nhà nước] đã được tiến hành nghiêm túc... [dưới] sự lãnh đạo của Ðảng"! 210
Nói tóm lại, việc bầu đại biểu Quốc hội và các nhân vật cao cấp của Nhà nước đều do ÐCS quyết định trước cả, đúng theo tinh thần của Báo cáo chính trị tại Ðại hội lần thứ IX của ÐCS: "... Nhà nước pháp quyền XHCN [được xây dựng] dưới sự lãnh đạo của Ðảng... Ðó là Nhà nước của dân, do dân, vì dân" 211. Như thế thì làm sao có thể nói Nhà nước XHCN Việt Nam hiện nay là "do dân" bầu ra được?
Còn Nhà nước này có phải "vì dân" không?
Dù ở nhiều cơ quan Nhà nước người ta thấy nhan nhản khẩu hiệu phục vụ nhân dân nhưng nạn cửa quyền, quan liêu, sách nhiễu, kiểu cách ban ơn của cán bộ là hiện tượng phổ biến, là cố tật của bộ máy hành chính - mà dân gọi một cách mỉa mai là bộ máy hành dân là chính!
Phát biểu về nguyên nhân của sự lề mề của của cái gọi là cải cách hành chính ở thành phố Hồ Chí Minh trong mấy năm qua, ông Nguyễn Minh Triết, bí thư thành uỷ, xác nhận là không những trình độ cán bộ còn rất hạn chế mà tinh thần trách nhiệm và cái tâm của họ cũng yếu kém. Và ông còn nói thêm: "Cán bộ... ai cũng có quyền, ngay đến người gác cổng cũng cũng có thể làm khó người khác được, nhưng khi có việc phải làm cho dân thì đùn đẩy nhau không chịu làm" 212.
Nhà văn Dương Thu Hương, thông qua một nhân vật trong cuốn "Tiểu thuyết vô đề", đã nói lên số phận của người dân trong chế độ XHCN "ưu việt" như sau: "Nếu cần lúa, nhân dân là con bò kéo cày. Lúc có chiến tranh, con bò ấy mặc áo giáp và cầm súng. Rồi khi mọi sự đã qua, vào những ngày lễ lạc, hội hè... người ta tôn xưng nhân dân như hú vọng các hồn ma, tưởng thưởng cho khói thơm và tro tiền, còn phần xôi thịt thì kẻ khác [ám chỉ cán bộ, đảng viên lãnh đạo - VNT] hưởng..." 213.
Trước thời kỳ "đổi mới", trong dân gian có phổ biến câu vè sau đây:
Dân là chủ, cán là tớ
Chủ đi bộ, tớ đi xe
Chủ ngủ vĩa hè, tớ nằm biệt thự.
Hiện nay, sau hơn 15 năm "đổi mới", khoảng cách giữa kẻ giàu (giai cấp "tư bản đỏ" thuộc thành phần thống trị trong ÐCSVN đã nói bên trên) và người nghèo (nhân dân lao động) ngày càng doãng ra theo báo cáo của "Trung tâm quốc gia khoa học xã hội và nhân văn" với sự cộng tác của "Chương trình phát triển Liên hợp quốc" (UNDP) 214.
Sự phân cực giàu nghèo này cũng được Thủ tướng Phan Văn Khải thừa nhận, và ông này còn nhấn mạnh là nó đang "tăng khá nhanh" 215.
Kết quả điều tra gần đây nhất cho thấy là mức chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam chính thức là 12,5 lần [đó là chưa kể thu nhập của bọn "tư bản đỏ" và của một số quan chức tham nhũng].
Mức chênh lệch thu nhập giữa thành thị (mà ở đó bọn "tư bản đỏ" tha hồ ăn chơi phung phí) và nông thôn, theo nhận xét của một kinh tế gia ở Hà Nội, cũng trở nên ngày càng lớn: "chênh lệch về thu nhập của dân cư giữa khu vực thành thị và nông thôn ngày càng doãng ra, do tốc độ tăng thu nhập của dân cư thành thị cao hơn khu vực nông thôn... Năm 1995, chênh lệch là 2,6 lần..., năm 2001 ước tính là hơn 4 lần [Trên thực tế, sự chênh lệch này còn lớn hơn nhiều! - VNT]. Do sự chênh lệch về thu nhập ngày càng tăng mà mức sống của dân cư thành thị và nông thôn có xu hướng ngày càng cách biệt..." 216.
Trên lý thuyết thì một trong những mục tiêu chủ yếu của ÐCS là bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động, nhưng theo TS. Nguyễn Thanh Giang, thì ngày nay "người lao động bị bóc lột nặng nề hơn [trước Cách mạng tháng 08.1945 bởi vì họ] phải gánh chịu hai phương thức bóc lột tệ hại: bóc lột vô lương tâm - do tham nhũng; [và] bóc lột vô trách nhiệm - do phải nuôi béo tầng lớp vô số ban bộ của đảng, của Chính phủ, của các đoàn thể [quần chúng vệ tinh của đảng]. Hậu quả biểu hiện ách bóc lột tàn tệ là giá thành sản phẩm của ta thường cao hơn trong khi lương người lao động lại thấp hẳn so với các nước [láng giềng]" 217.
Còn ông Trần Ðộ thì đưa ra câu hỏi sau đây: Ta nói nước ta nghèo, đó là sự thật. Nhưng tôi hỏi ai nghèo? Tôi thì thấy rằng nước ta nghèo là chỉ có dân nghèo, còn... các "quan cai trị" không nghèo; các quan có ôtô, phòng khách, máy lạnh, biệt thự, khách sạn, tiệc tùng không kém gì các quan ở các nước phát triển. 218
Một hiện tượng phổ biến ở Việt Nam là "mỗi người dân đều bị coi là vị thành niên , là chưa trưởng thành , cần có đảng để... dạy dỗ, chỉ bảo từng ly từng tí một..., cần sự dìu dắt trên... mỗi cử chỉ, mỗi lời nói. Ðảng cho gì thì được nấy, cho phép làm điều gì thì được làm điều ấy" 219. Tuy nhiên có lúc ÐCS cũng tỏ vẻ nịnh dân, nhưng theo nhà ly khai Hà Sĩ Phu thì đó chỉ là một mưu mẹo "để sai khiến" dân mà thôi 220.
Về khẩu hiệu "dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra" được nêu lên từ Ðại hội lần thứ VI của ÐCS (1986) thì chính ông Hữu Thọ, lúc đó là Trưởng ban tư tưởng - văn hoá trung ương, trong một bài nói chuyện hồi tháng 01.1998 cũng đưa ra nhận xét như sau: "Dân được biết thì được biết cái gì? Dân được bàn thì được bàn cái gì? Dân làm thì có lẽ đã rõ, còn dân kiểm tra thì kiểm tra cái gì, kiểm tra ai, kiểm tra theo cơ chế nào?
Sau 11 năm [từ cuối 1986 đến cuối 1997 - VNT] khẩu hiệu ấy... về cơ bản vẫn nguyên là khẩu hiệu, chưa có một cơ chế thực hiện..." 221. Và cho tới nay tình hình này cũng chưa có gì thay đổi!
Nói chung, theo nhận xét của ông Trần Ðộ, thì dù Nhà nước XHCN này "tự xưng là của nhân dân, nhưng thực sự bộ máy nhà nước ít khi tôn trọng ý kiến của dân..., nó thường tách khỏi nhân dân và coi nhân dân là đối tượng cai trị của mình... Dân chẳng có quyền mà cũng chẳng có phương tiện gì để thực hiện quyền của mình..." 222 (chúng tôi nhấn mạnh - VNT).
Dân chỉ có "quyền" tuân lệnh ÐCS và Nhà nước, "quyền" ủng hộ hoặc ca ngợi đường lối "đúng đắn, sáng suốt, tài tình" của đảng mà thôi!
Như đã chứng minh bên trên, Nhà nước XHCN Việt Nam không phải "do dân" thiết lập; và mục tiêu chủ yếu của nó cũng không phải là nhằm phục vụ nhân dân, tức là nó không phải "vì dân". Do đó, không thể nói Nhà nước này là "của dân" được. Giản đơn thế thôi!
Trên thực tế, Nhà nước XHCN ở Việt Nam chỉ là Nhà nước của Ðảng, do Ðảng và vì Ðảng mà thôi!
&
& &
10. Thế nào là "dân chủ xã hội chủ nghĩa" (DCXHCN)?
Trong các tài liệu chính thức của ÐCSVN cái gọi là "Nhà nước (pháp quyền) xã hội chủ nghĩa" hoặc "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" đều là những tên gọi khác nhau của hình thức tổ chức nhà nước phù hợp với nền "dân chủ xã hội chủ nghĩa" (DCXHCN).
Như đã nói bên trên, người cha đẻ của khái niệm "DCXHCN" này, không ai khác, là Stalin 223, người mà nhà thơ của ÐCSVN, ông Tố Hữu, đã tung hô là "ngôi sao sáng nhất trời cao", và bảo nhân dân Việt Nam phải "trọn đời nhớ ơn". Khi Stalin mất (1953), ông Tố Hữu đã viết một bài thơ trong đó có một đoạn như sau:
"... Ông Xta-lin bên cạnh nhi đồng
Áo ông trắng giữa mây hồng
Mắt ông hiền hậu, miệng ông mỉm cười".
Người mà ông Tố Hữu cho là có "đôi mắt hiền hậu" đó thì té ra là một người đã phạm rất nhiều tội ác vì đã ra lệnh bắn giết hàng chục triệu cán bộ, đảng viên kể cả các "đại công thần" của chế độ Xô-Viết, những nhà trí thức, nhân sĩ, nhiều sĩ quan cao cấp và dân thường hoặc ra lệnh giam cầm họ trong các trại tập trung giăng khắp Liên Xô cũ gọi là "gulag".
Ngày nay ai cũng thấy rõ cái gọi là "DCXHCN" được thực hiện dưới thời Stalin đã mang lại hậu quả khủng khiếp như thế nào: theo ước lượng của"phong trào Memorial", mà chủ tịch danh dự là Viện sĩ hàn lâm Andrei Sakharov, thì tổng số nạn nhân lên tới 40 triệu người 224 còn theo ước lượng của đài vô tuyến truyền hình Histoire ở Pháp thì tổng số nạn nhân lên tới 60 triệu người!225.
Lịch sử đã chứng minh rằng chế độ "DCXHCN" theo kiểu Mác-Lê-Stalin không phải là, như Lênin đã nói, "một triệu lần dân chủ hơn chế độ dân chủ tư sản" mà là một triệu lần phản dân chủ và tàn bạo hơn các chế độ dân chủ tư sản.
Bây giờ chúng ta hãy xem coi "DCXHCN" được áp dụng như thế nào ở Việt Nam. Ở phần trên, chúng tôi cũng có nói lướt qua về vấn đề này rồi. Ở đây, chúng tôi muốn phân tích rõ hơn nữa vì tầm quan trọng của nó.
Trước hết là cần nhắc lại định nghĩa của ÐCSVN về "DCXHCN". Hội nghị trung ương lần thứ 8 (tháng 01.1995) của ÐCSVN định nghĩa "DCXHCN" là "quyền dân chủ trong bầu cử, ứng cử,... là sinh hoạt dân chủ trên các phương tiện thông tin đại chúng, là quyền con người, quyền công dân ngày càng được tôn trọng và bảo đảm..." 226.
Chúng ta hãy lần lượt xem coi các "quyền dân chủ" nói trên đã được thực hiện, trong thực tế, như thế nào.
A) Về vấn đề bầu cử và ứng cử thì ở đây chúng tôi xin miễn bàn tới nữa vì cái trò hề "đảng chọn, dân bầu" đã được phân tích khá dài ở bên trên rồi.
B) Còn về vấn đề "sinh hoạt dân chủ trên các phương tiện thông tin đại chúng" thì xin lấy một ví dụ cụ thể mà chúng tôi được biết: một cuộc tranh luận về dân chủ và CNXH giữa một cán bộ cao cấp, ông Lê Quang Vịnh và một nhà khoa học tiến bộ ở Hà Nội, ông Phan Ðình Diệu. Trong năm 1993, một tờ báo Việt kiều ở Pháp, Diễn Ðàn (tháng 06.1993) có đăng lại một bài phỏng vấn của ông Diệu về "Ứng dụng toán học và dân chủ". Sau đó, ông Vịnh viết một bài khá dài trên báo Sài Gòn giải phóng và Nhân dân gọi là để "nói lại" ông Diệu, nhưng hai tờ báo này không hề đăng lại bài phỏng vấn của ông Diệu. Thậm chí, khi ông Diệu viết thư trả lời thì các báo này hoàn toàn làm ngơ. Do đó, các độc giả ở trong nước chỉ biết quan điểm của ông Diệu thông qua các trích dẫn bị cắt xén hoặc bị bóp méo mà ông Vịnh đưa ra để phê phán ông Diệu mà thôi chứ không thể nào đọc được toàn bộ nguyên văn bài của ông Diệu. Ðây là một ví dụ điển hình về "sinh hoạt dân chủ trên các phương tiện thông tin đại chúng" mà ÐCSVN đã huyênh hoang!
Cũng như trường hợp của ông Diệu, các nhà bất đồng chính kiến ở trong nước chưa bao giờ có cơ hội để phát biểu ý kiến trên các báo chí quốc doanh. Không những thế, các báo chí này còn tha hồ bóp méo, vu khống các quan điểm của các người bất đồng chính kiến để dễ bề phê phán họ; và nhân dân ở trong nước chưa bao giờ biết rõ được các quan điểm của họ để có thể tự mình nhận xét được ai đúng ai sai, ai có lý ai không.
Chính quyền XHCN còn đi xa hơn nữa. Không những chính quyền không cho các nhà đối lập hoặc bất đồng chính kiến phát biểu trên báo chí hoặc Tivi quốc doanh mà còn cho cán bộ công an bẻ khoá vào nhà riêng của họ để ăn trộm bản thảo công trình nghiên cứu của họ như trường hợp nhà lão thành cách mạng Nguyễn Văn Trấn chẳng hạn. Hoặc trắng trợn hơn nữa, trong trường hợp của ông Trần Ðộ, nguyên là phó Chủ tịch Quốc hội, cán bộ công an thành phố Hồ Chí Minh còn chặn đường ô tô để cướp đoạt bản thảo nhật ký của ông giữa ban ngày (ngày 12.06.2001), và việc này đã làm ông uất ức phải đi bệnh viện cấp cứu ngay hôm đó để rồi không thể nào vực ông dậy được nữa! (Khi chúng tôi viết những dòng này thì được tin ông Trần Ðộ đã mất ngày 09.08.2002).
Ngoài việc phê phán một cách độc đoán quan điểm các người bất đồng chính kiến mà không bao giờ đăng trên báo chí quốc doanh nguyên văn các bài viết của họ thì cũng phải nhắc lại rằng "Luật báo chí" đã cấm hẳn việc xuất bản báo chí tư nhân như đã nói bên trên, tức là ở Việt Nam không hề có tự do báo chí. Tuy vậy Tổng bí thư Ðỗ Mười vẫn trâng tráo tuyên bố ở Ðại hội lần thứ 6 các nhà báo Việt Nam hồi tháng 03.1995 rằng "ở Việt Nam có tự do báo chí thật sự"!!! 227. Và để chứng minh điều đó, nhà cầm quyền Việt Nam thường khoe khoang rằng ở Việt Nam có hàng trăm báo chí đủ loại. Nhưng họ "quên" nói rằng các báo chí đó đều là báo của ÐCS, của chính quyền và của các đoàn thể quần chúng vệ tinh của ÐCS cả!
Việc không cho các người bất đồng chính kiến phát biểu hoặc trên báo chí quốc doanh hoặc trên Tivi và việc cấm hẳn báo chí tư nhân chứng tỏ là ở Việt Nam không có sinh hoạt dân chủ thật sự trong lĩnh vực thông tin.
Tuy nhiên thỉnh thoảng ÐCSVN cũng có kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến, nhân dịp đưa ra dự thảo "Báo cáo chính trị" mỗi lần sắp có Ðại hội toàn quốc của ÐCS chẳng hạn. Nhưng đó chỉ là dân chủ giả vờ mà thôi. Về mưu mẹo này thì hai nhà trí thức đảng viên Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân đã nhận xét như sau: "Kêu gọi người ta đóng góp ý kiến xây dựng [nhưng] ý kiến nào đồng tình với mình thì hồ hởi bảo nhau đăng lên đủ các thứ báo quốc doanh, ý kiến nào khác với mình thì cho ngay công an đến hạch hỏi khám xét nhà cửa (trường hợp đ/c Lê Hồng Hà) hoặc triệu lên sở công an để chất vấn (trường hợp đ/c Hoàng Minh Chính). Thử hỏi [trong tương lai] thì còn ai muốn góp ý kiến nữa"228.
Ngoài các hành động phản dân chủ vừa kể trên, có lẽ cũng cần nhắc lại là hồi tháng 01.2002, ông Phan Khắc Hải, Thứ trưởng Bộ văn hoá - thông tin, đã ký quyết định truy lùng và thiêu huỷ bốn cuốn sách của những người bất đồng chính kiến: "Nhật ký rồng rắn" của ông Trần Ðộ, "Ðối thoại năm 2002" của Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, "Suy tư và ước vọng" của Nguyễn Thanh Giang, và "Gửi lại trước khi về cõi" của Vũ Cao Quận.
Sau đó một thời gian, báo chí trong nước cho biết là ngày 09.07.2002 Sở văn hoá - thông tin ở Hà Nội đã tổ chức tiêu huỷ những văn hoá phẩm mà họ coi là "độc hại" bao gồm băng hình, đĩa CD, VCD và CD-R, nhiều cuốn sách, ấn phẩm v.v.. Quyết định truy lùng và tiêu huỷ các văn hoá phẩm nói trên là, theo dư luận ở trong nước, lập lại tội ác "đốt sách chôn nho" của bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng (cách đây trên 2000 năm), Hitler và Mao.
Gần đây, chính quyền Hà Nội ra lệnh siết chặt sự kiểm soát hệ thống Internet tại Việt Nam 229. Sau khi ban hành Nghị định số 55/2001/NÐ-CP (ngày 23.08.2001) về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet "nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực nảy sinh trong dịch vụ này", Thủ tướng Phan Văn Khải đã ra lệnh hồi tháng 06.2002 cho các bộ, ngành, các uỷ ban nhân dân ở các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tăng cường các biện pháp kỹ thuật "nhằm ngăn chặn các nguồn thông tin độc hại trên Internet", đồng thời chỉ thị Bộ thông tin phối hợp với các cơ quan liên hệ cũng "nhằm... phòng tránh những tin độc hại trên Internet".
Một điều đáng chú ý liên quan đến việc sử dụng Internet là vụ bắt ông Phạm Hồng Sơn (ngày 27.03.2002) chỉ vì đã dịch và phổ biến tài liệu tựa đề "Thế nào là dân chủ" lấy từ trang Internet của Ðại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Trước đó, một trong những lý do làm cho ông Lê Chí Quang bị bắt giam là vì ông đã đưa lên Internet một bài chỉ trích Việt Nam nhượng đất cho Trung Quốc trong Hiệp định biên giới Việt-Trung ký hồi cuối năm 1999.
Tiếp theo chính sách siết chặt sự kiểm soát hệ thống Internet, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng ban hành ngày 24.06.2002 lệnh ngăn cấm dân chúng không được sử dụng đĩa vệ tinh (parabol) để xem các đài truyền hình ngoại quốc (sắc lệnh này nhằm củng cố lệnh cấm trước đó nhưng không được tuân theo).
Cũng trong tháng 06.2002, noi theo gương Trung Quốc, Bộ văn hoá - thông tin Việt Nam quyết định theo dõi chặt chẽ những người lui tới, đặc biệt là thanh thiếu niên và sinh viên, các quán cà phê Internet vì chính quyền cho rằng các quán này "còn là nơi phổ biến các tài liệu chống đối, phản động của các lực lượng phản động ở nước ngoài và những người bất mãn ở trong nước".
Trên đây là một số hiện tượng điển hình về "sinh hoạt dân chủ trên các phương tiện thông tin đại chúng" mà ÐCSVN đã huyênh hoang tuyên bố. Trên thực tế thì, như ai cũng biết, tất cả phương tiện thông tin ở Việt Nam từ các đài phát thanh, trạm Tivi đến tất cả các loại báo chí in ấn hay điện tử đều do ÐCS và Nhà nước XHCN điều hành và kiểm soát chặt chẽ cả.
C) Bây giờ chúng tôi muốn bàn kỹ về khía cạnh cuối cùng của cái gọi là "DCXHCN", tức là "quyền con người, quyền công dân" mà ÐCS tuyên bố rằng "ngày càng được [họ] tôn trọng và bảo đảm".
Về vấn đề này thì cần nhắc lại là Hiến pháp 1992 có ghi rõ ràng người dân có đủ quyền tự do dân chủ, nhưng trên thực tế thì đó là, như nhà thơ Bùi Minh Quốc đã từng nhận xét, "dân chủ bánh vẽ" cả 230.
Ngoài ra, cũng cần nhắc lại là khi Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc hồi tháng 09.1977, Việt Nam đã cam kết tuân thủ các điều khoản của "Tuyên ngôn quốc tế về Nhân Quyền" (1948). Sau đó vào ngày 24.09.1982 Việt Nam đã tự nguyện tham gia ký kết (mà không có bảo lưu) vào "Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị" (1966).
Về bản "Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền" thì có thể nói rằng các điều khoản được ghi trong đó chỉ có giá trị như là một lời khuyên bảo (recommendation). Nhưng khi Việt Nam tự nguyện tham gia ký kết "Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị" thì có nghĩa là, như một tài liệu của "Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh" đã nhận xét, "Nhà nước" và nhân dân Việt Nam thừa nhận các giá trị tiến bộ và nhân văn về các quyền dân sự và chính trị" của thế giới văn minh 231 [chúng tôi nhấn mạnh - VNT]. Và hệ quả của việc ký kết này là Việt Nam phải có nghĩa vụ (obligation) pháp lý thực hiện một cách chu đáo các điều khoản đã ghi trong "Công ước quốc tế... này", và không thể viện bất cứ một lý do nào để trốn tránh cả 232.
Ở đây cần phải tố cáo cách nói nước đôi của chính quyền Hà Nội về vần đề nhân quyền. Một mặt thì họ luôn luôn khẳng định rằng ở Việt Nam có đủ mọi thứ nhân quyền như đã ghi trong Hiến pháp 1992 và phù hợp với Công pháp quốc tế, nhưng mặt khác thì họ lại nhấn mạnh rằng phương Tây không thể áp đặt những quy phạm riêng về nhân quyền của mình vì nhân quyền tuỳ thuộc vào điều kiện đặc thù của mỗi nước.
Bằng chứng là luận điệu quanh co của một nhà nghiên cứu cộng sản phụ trách về nhân quyền sau đây: sau khi thừa nhận rằng "các thành viên tham gia Công ước [quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nói trên] đều có nghĩa vụ thực hiện những tiêu chí chung về nhân quyền đã ghi nhận" thì lại viết tiếp, trong vài trang sau đó, "vấn đề nhân quyền... là vấn đề nội bộ mỗi nước. Chúng ta [chính quyền Hà Nội - VNT]... kiên quyết phản đối những ai muốn lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ nước khác" 233 (chúng tôi nhấn mạnh - VNT).
Còn Tổng bí thư Ðỗ Mười thì nói: "Ta tôn trọng Công ước nhân quyền... song phải nói mỗi nước có đặc thù,... có luật pháp của mình" 234.
Về quan điểm của Hà Nội liên quan đến vấn đề nhân quyền, chúng tôi xin nêu lên hai nhận xét tổng quát sau đây:
1. Lời tuyên bố của ông Ðỗ Mười nói trên chứng tỏ là ông này "quên" rằng theo công pháp quốc tế thì khi một nước đã tự nguyện tham gia ký kết vào một Công ước quốc tế thì Công ước đó phải được ưu tiên áp dụng so với luật pháp quốc gia, nó phải chiếm vị trí tối cao, thậm chí luật pháp quốc gia cần phải được sửa đổi để cho nó phù hợp với Công ước quốc tế nữa. Nói một cách khác, vì công pháp quốc tế phải đứng trên luật pháp quốc gia cho nên Việt Nam không thể nguỵ biện lý do "can thiệp vào nội bộ" và "chủ quyền quốc gia" để thoát khỏi búa rìu của dư luận quốc tế khi bị tố cáo là vi phạm nhân quyền, dựa theo điều khoản đã ghi trong "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị".
2. Về vấn đề "chủ quyền quốc gia" thì cần nhắc lại và nhấn mạnh rằng hồi năm 2001, khi nhận giải thưởng Nobel Hoà Bình, ông Kofi Annan, Tổng thư ky Liên hiệp quốc, đã nói rõ: "Chủ quyền quốc gia không thể dùng để che giấu các vụ vi phạm nhân quyền" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] 235.
Ðối chiếu với Hiến pháp 1992 (nhất là điều 69 và 70) và 2 văn kiện quốc tế kể trên ("Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền" và "Công ước quốc tế... ") thì rõ ràng chính quyền Hà Nội đã và đang vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống nhưng vẫn cố sức chối cãi.
&
& &
Từ khi khối "xã hội chủ nghĩa hiện thực" đã sụp đổ ở Liên Xô và Ðông Âu hồi đầu những năm 90, hình thức đấu tranh nhằm biến dân chủ bánh vẽ thành dân chủ thật sự ở Việt Nam đã chuyển dần từ bí mật sang công khai với việc thành lập tổ chức "Cao trào nhân bản" của BS. Nguyễn Ðan Quế chẳng hạn. Ông Quế yêu cầu ÐCSVN phải chấp nhận đa nguyên chính trị và tổ chức bầu cử thật sự dân chủ, và ngay sau đó (1991) bị bắt liền và bị kết án 20 năm tù. Dưới áp lực quốc tế BS. Nguyễn Ðan Quế được phóng thích hồi tháng 08.1998, nhưng sau đó lại bị quản chế tại gia cho đến nay.
Từ đầu những năm 90 cho đến khi chúng tôi viết những dòng này thì, như ai cũng thấy, đội ngũ của những người đấu tranh cho dân chủ một cách công khai ngày càng đông hơn và cũng ngày càng dứt khoát, cương quyết hơn.
Vào đầu thập niên 90 thì chỉ có một số ít người - cả cộng sản tỉnh ngộ lẫn không cộng sản - như BS. Quế với "Cao trào nhân bản", TS. Ðoàn Viết Hoạt với "Diễn đàn tự do", Hoà thượng Thích Huyền Quang và Hoà thượng Thích Quảng Ðộ với "Giáo hội phật giáo Việt Nam thống nhất", Nguyễn Ðình Huy với "Phong trào thống nhất dân tộc và xây dựng dân chủ", các nhà lãnh đạo cách mạng như Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Hộ (người đứng đầu "Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ"), Tạ Bá Tòng, Hồ Hiến, Ðỗ Trung Hiếu, Hoàng Minh Chính, Lê Giản, La Văn Lâm; các nhà trí thức như Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Khắc Viện, Hà Sĩ Phu tức là Nguyễn Xuân Tụ, Lữ Phương, Linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Ðình Diệu; và các văn nghệ sĩ, nhà báo như Dương Thu Hương, Nguyên Ngọc, Phùng Gia Lộc, Nguyễn Huy Thiệp, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự tham gia đấu tranh đòi dân chủ thật sự.
Từ giữa thập niên 90, ông Trần Ðộ - mà tập đoàn lãnh đạo cộng sản coi là "người đứng đầu của các nhóm chống đảng" - từ một cán bộ cao cấp có nhiều công với ÐCS nhưng vì chủ trương thiết lập một nền dân chủ chân chính và phê phán triệt để dân chủ bánh vẽ hiện nay nên bị bao vây, đàn áp... và cuối cùng bị khai trừ khỏi ÐCS. Ông Ðộ đã từng nói Việt Nam có độc lập nhưng đồng bào ta chưa có tự do, và đã thẳng thắn phê phán rằng việc chính quyền bắt giam, bỏ tù, đày đoạ một cách độc đoán những người bất đồng chính kiến là một chính quyền mang bản chất phát-xít. Ông cũng cho rằng một chế độ chủ trương tịch thu, đốt huỷ sách báo tiến bộ, hãm hại các nhà trí thức mang lương tam của thời đại là một chế độ mang bản chất u tối của Tần Thuỷ Hoàng. Ông đã từng nói giành lại tự do cho dân tộc trước hết là một cuộc cách mạng văn hoá, là giành lại quyền tự do sáng tạo cho mỗi văn nghệ sĩ, trí thức nhằm đưa dân tộc ta tiến kịp với văn hoá tiên tiến của thế giới văn minh. Ông cũng đã nói nhiều lần là nếu không có cải cách chính trị một cách cương quyết thì cải cách kinh tế bị bế tắc, và nhấn mạnh rằng phát triển kinh tế phải đi đôi với dân chủ hoá thật sự.
Cùng với ông Trần Ðộ, các nhà lão thành cách mạng, các nhà trí thức, văn nghệ sĩ và các tu sĩ, tăng ni, linh mục cũng đồng loạt lên tiếng đấu tranh đòi thực thi các quyền tự do dân chủ như tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, đòi trả lại những cơ sở thờ phượng và văn hoá bị chính quyền tước đoạt. Ðiều đáng chú ý là trong đội ngũ của những người bất đồng chính kiến có nhiều nhà lão thành cách mạng (như Trần Ðộ, Hoàng Minh Chính, La Văn Lâm, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Hộ, Lê Giản, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, La Văn Lâm, Ngô Thức, Nguyễn Văn Ðào, Hoàng Hữu Nhân, Trần Dũng Tiến v.v..), nhiều nhà trí thức văn nghệ sĩ đã từng một thời phục vụ cho ÐCS và Nhà nước XHCN (như Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Hoàng Tiến, Bùi Minh Quốc, Tiêu Giao Bảo Cự, Dương Thu Hương, Bùi Ngọc Tấn v.v..), và gần đây những nhà trí thức trẻ, con em gia đình cách mạng (như Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Khắc Toàn v.v..). Ðiều làm cho tập đoàn lãnh đạo cộng sản rất lo ngại là sự chống đối công khai ngày càng đông đảo của những người giác ngộ nói trên, vì kinh nghiệm ở Liên Xô và Ðông Âu cho họ thấy rằng chỉ những người cộng sản giác ngộ mới có thể làm nòng cốt có hiệu quả nhất cho một phong trào đối lập với chính quyền bảo thủ hiện nay được. Ở đây chúng tôi muốn nhắc lại nhận xét của một đảng viên cao cấp, ông Trần Mô, trong tạp chí "Quốc phòng toàn dân" hồi năm 1995, như sau: "Chúng tôi kết luận rằng không có một nước nào có thể trực tiếp lật đổ chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, và chỉ có người cộng sản [giác ngộ - VNT] mới có thể lật đổ được người cộng sản [bảo thủ đang cầm quyền hiện nay - VNT]" (chúng tôi nhấn mạnh - VNT]236. ÐCSVN gọi hiện tượng này là "tự diễn biến" [nói tắt "tự diễn biến hoà bình"] hoặc "diễn biến từ trong nội bộ [ÐCS và Nhà nước]".
Ở đây có lẽ cần mở một dấu ngoặc để nói rõ thế nào là "diễn biến hoà bình" và tự diễn biến [hoà bình]" theo quan điểm của ÐCSVN vì có một vài ngộ nhận trong giới Việt kiều.
Noi theo gương ÐCS Trung Quốc, ÐCSVN định nghĩa khái niệm "diễn biến hoà bình" là "chiến lược phá hoại các nước XHCN của các nước thù địch [ám chỉ Mỹ là chủ yếu - VNT]. Nó được tiến hành theo kiểu thẩm thấu dần dần trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hoá, xã hội... Nó dùng mọi âm mưu và thủ đoạn... tạo nên những nhân tố tác động từ bên trong và bên ngoài nhằm xoá bỏ chủ nghĩa xã hội mà không cần chiến tranh [tức là lật đổ chế độ XHCN bằng phương pháp hoà bình]" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] 237. Và một trong những đặc điểm của nó là "tạo dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng ngay trong lòng các nước XHCN, đặc biệt chú ý... lôi kéo những người có chức vụ cao trong Ðảng và Nhà nước, những văn nghệ sĩ, trí thức có uy tín, những người có tư tưởng dao động... hoặc bất mãn với chế độ" (ibid).
Trung tướng Lê Xuân Lựu còn gọi "diễn biến hoà bình" là "một loại chiến tranh không có khói súng" 238. Còn "tự diễn biến [hoà bình]" là, như đã nói ở trên, những người cộng sản giác ngộ làm hạt nhân nòng cốt cho một phong trào chống đối (bao gồm nhiều xu hướng chính trị, tôn giáo khác nhau) nhằm thay thế chế độ XHCN hiện nay bằng phương pháp hoà bình; và đó là nguy cơ có thật đối với ÐCS một khi phong trào đối lập này được tổ chức đàng hoàng và có thể lôi kéo được đông đảo quần chúng.
Chủ tịch Trần Ðức Lương đã báo động nguy cơ này trong một bài diễn văn đọc tại hội nghĩ toàn quốc của các lực lượng công an hồi cuối năm 2000: "Các thế lực thù địch sẽ có cơ hội làm cuộc diễn biến hoà bình, xâm nhập nội bộ của Ðảng để hoạt động phá hoại và ảnh hưởng cuộc chuyển hoá nội bộ" 239.
Cuối tháng 03.2002, Nghị quyết hội nghị trung ương lần thứ 5 (khoá IX) của ÐCS lại nhấn mạnh là "các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội [phải] nắm chắc diễn biến ở từng địa bàn, đối tượng, [phải] có phương án kịp thời xử lý những tình huống phức tạp có thể xảy ra, [và phải] đề phòng nguy cơ "tự diễn biến [hoà bình]" từ trong nội bộ [Ðảng và Nhà nước]" 240. Nghị quyết này còn nói thêm là phải "xử lý kịp thời theo pháp luật và kỷ luật đảng mọi hoạt động tán phát tài liệu xấu [tức là chống ÐCS và Nhà nước - VNT], ... xử lý nghiêm những hành động vi phạm kỷ luật phát ngôn,... [và] nghiêm cấm việc xuất bản, lưu hành những sách, báo và những ấn phẩm có nội dung sai trái..." (ibid).
Gần đây, ông Võ Nguyên Giáp cũng tỏ vẻ lo âu về nguy cơ "tự diễn biến hoà bình" và chỉ giáo cho tập đoàn lãnh đạo ÐCS là "không để diễn ra "tự diễn biến" trong cán bộ, đảng viên là cách chống "diễn biến hoà bình" có hiệu quả nhất hiện nay" 241.
Tuy nhiên như ông Vũ Huy Cương, một nhà ly khai đã nhận xét "Nếu một cuộc cách mạng mà cắn vào những đứa con đẻ của nó [thì] cuộc cách mạng đó nhất định sẽ bị tiêu vong" 242.
Cuộc đấu tranh chống "tự diễn biến hoà bình" hiện nay đang được thực hiện một cách không khoan nhượng, nhất là từ khi ông Nông Ðức Mạnh lên làm Tổng bí thư 243:
- Mở đầu đợt đàn áp này là vụ bắt giam cựu chiến binh Vũ Cao Quận hồi đầu tháng 04.2001 như đã nói bên trên.
- Tháng 07.2001, công an thành phố Hồ Chí Minh chặn đường bắt Trung tướng Trần Ðộ và cướp đoạt giữa ban ngày bản thảo nhật ký của ông như đã nói bên trên.
- Tháng 09.2001, chỉ vì lá đơn xin thành lập "Hội nhân dân ủng hộ Ðảng và Nhà nước chống tham nhũng" (để hưởng ứng chính sách chống tham nhũng của đảng) mà các ông Phạm Quế Dương và Trần Khuê bị công an bắt để xét hỏi. Cả cựu Viện trưởng Viện triết học Hoàng Minh Chính cũng bị công an bắt theo, làm xôn xao dư luận Hà Nội. Ðồng thời, hơn 20 người khác, đa số là trí thức đảng viên lão thành cách mạng, cựu chiến binh, cũng bị sách nhiễu.
- Suốt tháng 09 và tháng 10.2001, công an Hà Nội cho người viết bài nặc danh rồi tán phát rộng rãi để xuyên tạc, bôi nhọ nhà văn Hoàng Tiến, ông Trần Khuê và dựng lại cảnh đấu tố kiểu cải cách ruộng đất ở miền Bắc hồi những năm 50 khắp các khu dân cư đối với các ông Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Lê Chí Quang. Ðặc điểm chung các cuộc đấu tố này là sự vắng mặt của đương sự để dễ bề tạo dựng một số tên cò mồi mạt hạng thoá mạ các người nói trên một cách bừa bãi, bất chấp sự thật.
- Gần cuối năm 2001 công an bắt giam hơn 4 tháng mà không xét xử cựu sĩ quan quân đội nhân dân và hiện là doanh nhân ông Nguyễn Khắc Toàn (vì ông này đã giúp đỡ bà con bị ức hiếp ở các địa phương chuyển đơn khiếu nại lên trung ương trước hội trường của Quốc hội và đã tham gia đấu tranh cho dân chủ từ năm 2000), luật sư Lê Chí quang (vì đã phản đối Hiệp định biên giới Trung Quốc - Việt Nam và cũng đã dấn thân đấu tranh cho dân chủ từ năm 2000), BS. và nhà kinh doanh Phạm Hồng Sơn (vì đã dịch và phát tán tài liệu của Ðại sứ quán Mỹ phổ biến trên Internet tựa đề là "Thế nào là dân chủ", và đã tham gia đấu tranh cho dân chủ từ năm 2001). Ngoài ra, công an cũng đã gọi lên xét hỏi quyết liệt liên miên anh Nguyễn Vũ Bình, cựu biên tập viên "Tạp chí Cộng sản" vì đã trả lời phỏng vấn đài BBC về vấn đề dân chủ hoá đất nước, đã đứng ra xin thành lập "Ðảng tự do - dân chủ" (tháng 09.2000), và đã viết bài nhận định về "Việt Nam và con đường phục hưng đất nước"
- Cũng trong thời gian cuối năm 2001, chính quyền Hà Nội đã chặn bắt nhà thơ Bùi Minh Quốc trên đường về nhà ở Ðà Lạt sau một chuyến đi thực tế ở các tỉnh biên giới phía Bắc, và ra lệnh quản chế ông trong thời gian 2 năm chỉ vì khi khám xét hành lý thấy có mấy trăm trang ghi chép và một tư liệu cá nhân. Ngoài ra, chính quyền cũng đã ra lệnh quản chế hai năm các ông Trần Khuê và Hà Sĩ Phu chỉ vì có tư tưởng tự do dân chủ và muốn đóng góp ý kiến với đất nước. Trong thời gian này một số chức sắc tôn giáo như Hoà thượng Thích Quảng Ðộ của "Giáo hội phật giáo Việt Nam thống nhất", ông Lê Quang Liêm của "Phật giáo Hoà hảo", Linh mục Nguyễn Văn Lý và hàng loạt tín đồ cũng bị sách nhiễu, bắt giữ và quản chế.
- Tháng 01.2002, ông Phan Khắc Hải, Thứ trưởng Bộ văn hoá - thông tin ký quyết định truy lùng và thiêu huỷ bốn cuốn sách của các ông Trần Ðộ, Trần Khuê, Nguyễn Thanh Giang và Vũ Cao Quận như đã nói bên trên. Quyết định này bị dư luận trong và ngoài nước lên án rất mạnh mẽ.
Trong khi chúng tôi viết những dòng này thì được biết công an thành phố Hồ Chí Minh lại vào lục soát nhà BS. Nguyễn Ðan Quế (ngày 20.09.2002), tịch thu các bài viết và đe doạ bắt giam ông trở lại vì đã kêu gọi dân chủ hoá đất nước.
Vài ngày sau thì được tin anh Nguyễn Vũ Bình, người đã gửi một bài điều trần đến Quốc hội Mỹ hồi tháng 07.2002 về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam 244, đã bị bắt giam ngày 25.09.2002 theo lệnh của Viện kiểm sát nhân dân. Trong khi đó thì hồ sơ các ông Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang và Phạm Hồng Sơn đã được công an chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân với đề nghị truy tố tội danh là "tàng trữ và tán phát tài liệu chống Nhà nước XHCN".
Không hề thông báo chính thức, Sở bưu điện Hà Nội, theo lệnh công an, đã làm một việc phi pháp là cắt điện thoại cả gia đình các ông Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Hoàng Tiến, Trần Dũng Tiến, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Ðan Quế, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Thanh Giang v.v... , nhưng vẫn tiếp tục đòi họ phải trả chi phí điện thoại!
Về hành động phi pháp này, TS. Nguyễn Thanh Giang tuyên bố rằng "cắt điện thoại [thì] phản ứng của chúng tôi càng quyết liệt hơn. Riêng tôi, càng tìm mọi biện pháp để, đã và sẽ, duy trì quan hệ với bên ngoài khăng khít hơn... Tôi đã và sẽ tìm mọi biện pháp thực thi quyền công dân chính đáng một cách mạnh mẽ hơn qua mối bang giao với mọi tổ chức, cá nhân trong nước và trên thế giới..." 245.
Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng là, song song với biện pháp "quản chế hành chính" theo nghị định 31/CP đã nói bên trên, chính quyền còn áp dụng nhiều biện pháp khác như hù doạ người thân của nạn nhân, triệu họ lên thẩm vấn nhiều lần liên tiếp, đặc biệt là việc cô lập, bao vây kinh tế không những đối với người chống đối thôi mà còn đối với gia đình họ nữa để dồn... cả gia đình họ vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, túng quẫn. Chống đỡ với hoàn cảnh này mà không bỏ cuộc là một cuộc đấu tranh phi thường của họ. Do đó, chúng ta có nhiệm vụ thiêng liêng là phải hết sức giúp đỡ họ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, cả về mặt chính trị lẫn về mặt kinh tế.
&
& &
Ðầu năm 2002, trong một cuộc trao đổi về tình hình nhân quyền với một số cố vấn trưởng trong Uỷ ban bang giao quốc tế Hạ nghị viện Mỹ (ngày 20.01.2002) tại Việt Nam, BS. Nguyễn Ðan Quế có đưa ra một bản tổng kết về các hành động vi phạm nhân quyền ở Việt Nam 246. Trong bản tổng kết này, BS. Quế nêu lên vấn đề tự do thông tin theo hai chiều (chứ không phải có một chiều như hiện nay) giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; vấn đề tự do ngôn luận và quan hệ với báo chí nước ngoài; vấn đề tự do tôn giáo và sự cần thiết phải ngưng sử dụng cả hội giáo quốc doanh để gây khó khăn cho các tôn giáo khác; vấn đề tự do chính trị như bầu cử tự do, xoá bỏ điều 4 của Hiến pháp 1992 và nghị định 31/CP; vấn đề về các sắc tộc ở Tây Nguyên; và cuối cùng là đề nghị chính phủ Mỹ nên gắn liền thương mại với nhân quyền trong quan hệ Mỹ-Việt.
Trong tháng 07.2002, 17 người dân chủ ở trong nước - trong đó có nhiều nhà lão thành cách mạng, cán bộ, đảng viên gửi một Kiến nghị lên các nhà lãnh đạo cộng sản tố cáo "tình trạng đàn áp liên tục, trắng trợn, bất chấp đạo lý, không cần chứng cứ, lý lẽ, ngang nhiên vi phạm ngày càng thô bạo luật pháp, Hiến pháp, làm cho nhiều người nhận xét rằng, cùng với "Nhân văn giai phẩm" và "vụ xét lại chống đảng", đây là một trong những thời đen tối nhất của lịch sử ÐCSVN trong lĩnh vực văn hoá, tư tưởng, lý luận" 247 [chúng tôi nhấn mạnh - VNT].
Một tháng sau đó, trong một bức thư tập thể gửi lên Quốc hội (khoá X) đề ngày 02.08.2002, 21 người dân chủ ở trong nước "yêu cầu chính phủ phải tôn trọng quyền công dân và quyền làm người của người Việt Nam đã được ghi nhận trong Hiến pháp nước nhà và luật pháp quốc tế", "huỷ bỏ Nghị định 31/CP [vì nó] vi phạm trắng trợn Hiến pháp và Luật pháp Nhà nước... [và] yêu cầu phải trả tự do vô điều kiện cho tất cả những công dân bị giam cầm, quản chế phi pháp, vô căn cứ như đã nói trên" 248.
Trong bức thư tập thể này, họ còn "kêu gọi tha thiết các... Nhà nước dân chủ trên thế giới cùng... Cao uỷ nhân quyền Liên Hiệp Quốc... yêu cầu chính phủ Việt Nam phải tôn trọng "Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền",... phải tôn trọng "Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị" mà Việt Nam đã gia nhập ngày 24.09.1982" (ibid).
Trên thế giới, Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng bị thường xuyên lên án về vấn đề nhân quyền. Hồi cuối năm 1998 chẳng hạn, ông Abdelfattah Amor của Ủy Hội nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã nêu lên vân đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, nhất là việc đàn áp tôn giáo 249.
Tháng 04.2000, Ủy hội nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng đã lên án Việt Nam là một trong 9 nước vi phạm một cách có hệ thống nhân quyền 250.
Năm sau, vào ngày 21.03.2001, trong buổi khai mạc khoá họp thường niên của Uỷ ban này người ta cũng liệt kê Việt Nam "vào danh sách những quốc gia vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất" 251.
Tháng 07.2002 tại Genève, sau gần ba tuần họp bàn duyệt xét báo cáo của ông Hà Hùng Cường, Thứ trưởng tư pháp Việt Nam về quyền làm người và quyền công dân ở Việt Nam, Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc kết luận là Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế những quyền tự do dân chủ như trong quá khứ, và đã gia tăng vi phạm nhân quyền trong hiện tại. Uỷ ban này cũng thúc giục chính quyền Hà Nội chấm dứt việc tuỳ tiện dùng biện pháp "quản chế hành chính" giam người không xét xử và trả tự do cho những người bị quản thúc, đồng thời phải mở rộng quyền tự do ngôn luận" 252.
Gần đây, tổ chức "Ân xá quốc tế" (Amnesty International) đã công bố ngày 28.05.2002 bản phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới trong đó có ghi rõ là "trong năm 2001 hàng chục người Việt Nam đã trở thành tù nhân lương tâm với bản án nhiều năm. Họ là những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho tự do tôn giáo hoặc những nhà trí thức đã phát biểu điều gì trái ngược với chủ trương của nhà nước" 253. Về mặt tôn giáo thì phúc trình này ghi rằng chính quyền Hà Nội gia tăng kiểm soát các tôn giáo lớn có truyền thống lâu đời ở Việt Nam như Hoà Hảo, Phật giáo, Thiên chúa giáo và Tin lành. Ðiển hình về sự đàn áp tôn giáo là vụ Linh mục Nguyễn Văn Lý và Hoà thượng Thích Quảng Ðộ.
Tóm lại, theo bản phúc trình này thì trong năm 2001, chính quyền Hà Nội đã gia tăng đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền, đàn áp tôn giáo và những sắc tộc thiểu số bằng đủ mọi cách. (ibid)
Chính quyền Hà Nội luôn luôn chối đây đẩy rằng Việt Nam không hề vi phạm nhân quyền. Họ còn khẳng định một cách dối trá rằng ở Việt Nam "không có tù nhân chính trị", rằng chỉ có người nào lợi dụng "chính sách tôn trọng nhân quyền (sic) để làm điều phi pháp thì họ mới bị trừng phạt vì họ phạm pháp luật XHCN của Việt Nam. Ðây là một luận điệu dối trá và là một mánh khoé xảo quyệt của chính quyền Hà Nội để họ biến tội phạm chính trị thành thường phạm, như đã nói bên trên.
Sở dĩ chính quyền Hà Nội rất dị ứng với những lời tố cáo vi phạm nhân quyền của dư luận thế giới [xem phản ứng dữ dội của họ khi Hạ viện Mỹ đã thông qua "Dự luật nhân quyền cho Việt Nam (HR2833) hồi tháng 09.2001 chẳng hạn] là vì họ cần giữ một bộ mặt không quá dữ tợn để có thể thu hút viện trợ kinh tế - kỹ thuật và đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Ðó là chỗ yếu nhất của họ - là Achilles' heel của họ theo cách nói của người Anh-Mỹ. Do đó, những người đấu tranh cho dân chủ chân chính, cả trong lẫn ngoài nước, cần xoáy vào tử huyệt đó, cần vạch trần kịp thời một các có hệ thống những vụ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam để các chính phủ dân chủ ngoại quốc, các tổ chức chính trị quốc tế (Nhân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Nhân hàng Châu Á v.v..) và các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới có thể gây sức ép tối đa đối với chính quyền Hà Nội như luôn luôn gắn liền các điều kiện viện trợ kinh tế và đầu tư ngoại quốc với sự tôn trọng nhân quyền [đúng theo tinh thần của "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị" chẳng hạn].
&
& &
Trên đây chúng tôi đã lần lượt bàn đến ba khía cạnh chủ yếu của cái gọi là "dân chủ xã hội chủ nghĩa" (DCXHCN) theo quan điểm của ÐCSVN, tức là "quyền dân chủ" trong bầu cử và ứng cử, trong sinh hoạt trên phương tiện thông tin đại chúng, và trong vấn đề nhân quyền và dân quyền.
Thực tế cho thấy rằng các "quyền dân chủ" trong ba lĩnh vực nói trên đều là bánh vẽ cả!
Trước đây, ông Nguyễn Hữu Thọ cũng đã thừa nhận, trong Ðại hội Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 1988 (trong không khí hồ hởi "đổi mới" sau Ðại hội ÐCSVN lần thứ 6) rằng Quốc hội và các Uỷ ban nhân dân chỉ là những "tổ chức hình thức" ngoan ngoãn làm theo chỉ thị của ÐCS. Và ông nói thêm: "Nhân dân ai cũng thích cái bánh thật chứ chẳng ai thích cái bánh vẽ. Chỉ có những kẻ bất tài, có quyền lợi cá nhân gắn với những cơ chế tổ chức hình thức mới thích những thứ hoạt động hình thức đó. Ðiều đau lòng là, trong nhiều năm liền... chúng ta vẫn duy trì những thứ hình thức hữu danh vô thực đó. Khuyết điểm lớn của chúng ta là chưa có dân chủ thật sự... Người dân chưa thật sự chọn lựa được những người lãnh đạo theo sự tín nhiệm của họ... ". Và ông rút ra kết luận rất thích đáng là "dân chủ không thể có bằng sự ban ơn mà bằng sự đấu tranh" 254 [chúng tôi nhấn mạnh - VNT].
Cũng trong năm 1988, ông Trần Xuân Bách, lúc đó là uỷ viên Bộ chính trị, vốn là một người khá bảo thủ, giáo điều dưới thời Lê Duẩn nhưng nhờ tiếp thu được cái mới nên, khi phát biểu tại Hội nghị các phó Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học xã hội của các nước XHCN họp ở Hà Nội vào tháng 10.1988, đã tuyên bố như sau: "... Rõ ràng là mô hình CNXH sẽ... giảm sức hấp dẫn nếu năng suất lao động thấp hơn chủ nghĩa tư bản, nếu mọi công dân không thật sự có quyền tự do dân chủ. Những biểu hiện dân chủ hình thức chỉ làm nảy sinh sự thờ ơ, bàng quan, làm giảm lòng tin... " [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] 255. Và sau đó, tại Hội nghị trung ương lần thứ 7 (tháng 12.1989), ông Bách nhấn mạnh là để "đổi mới" cần phải đi trên hai chân, chân kinh tế đi mạnh vào thị trường hàng hoá, chân chính trị đi vào con đường dân chủ và chấp nhận dân chủ đa nguyên. Nhưng ý kiến của ông không những bị đa số người giáo điều trong Hội nghị này bác bỏ mà ông còn bị "kết tội" nữa; và đến Hội nghị trung ương lần thứ 8 (đầu năm 1990) ông bị thi hành kỷ luật, bị đưa ra khỏi Bộ chính trị và Uỷ ban trung ương ÐCSVN.
Ðầu năm 1990, nhà khoa học tiến bộ Phan Ðình Diệu, trong một bài diễn văn tại Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội, đã nhận xét về "dân chủ XHCN" như sau: "Trong mấy chục năm qua, tại Liên Xô và các nước XHCN [trong đó có Việt Nam - VNT], dưới danh nghĩa chuyên chính vô sản, đã thực hiện trong thực tế nền chuyên chính của một đảng..., từ đó quyền tự do dân chủ như tự do ứng cử và bầu cử trở thành hình thức, tự do ngôn luận và báo chí, tự do tư tưởng bị cấm đoán v.v..
... Nếu trong xã hội chỉ có một đảng duy nhất nắm quyền thì không thể có dân chủ... 256. Và ông Diệu yêu cầu "phải thiết lập một nền dân chủ thật sự... Một xã hội như vậy sẽ có một nền kinh tế hàng hoá phát triển với cơ chế thị trường, một thể chế chính trị dân chủ với việc tôn trọng các quyền tự do dân chủ cơ bản của con người và công dân" (ibid).
Gần đây hơn, hai nhà trí thức đảng viên Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân cũng khẳng định: "Qua bài học của Liên Xô và Ðông Âu mới thấy rằng dân chủ xã hội chủ nghĩa chỉ là một thứ dân chủ ảo. Trên đời này chưa hề có cái gọi là dân chủ xã hội chủ nghĩa (...). Trong tình cảnh hội nhập quốc tế mà ta cứ trói chân trói tay nhau, khâu mồm khoá miệng nhau lại thì quả là sẽ "chết" thực sự (...).
Tóm lại, trả lại Tự Do Dân Chủ thực sự cho Nhân dân thì còn, ngược lại thì mất... Chắc chắn dân tộc Việt mình không bao giờ chấp nhân dân chủ vờ để rồi nô lệ thật [chúng tôi nhấn mạnh - VNT]" 257. Trong một đoạn khác hai nhà trí thức này còn nhấn mạnh: "Thực tế lịch sử cũng như hiện đại đã chứng minh rằng cứ có tự do dân chủ thực sự là chúng ta phát triển... Nhiều đ/c cứ... chê bai dân chủ tư sản là thứ dân chủ vờ vịt, giả hiệu. Vâng, chúng ta cứ thử vờ vịt, giả hiệu như thế để cố mà phát triển cho bằng [người ta] trong khu vực [Ðông Nam Á]. Còn "thực sự" như dân chủ XHCN của ta trong vài ba chục năm vừa qua thì không thể chấp nhận được" (ibid).
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn cũng có một nhận xét thích đáng như vậy: "Tình trạng mất dân chủ hiện nay rất nghiêm trọng dẫn tới những hậu quả khôn lường, làm suy giảm lòng tin của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước" 258.
Về phía mình thì ông Trần Dũng Tiến, một đảng viên kỳ cựu, đã dám nói thẳng với công an Hà Nội rằng: "Tao đã sống qua ba chế độ, nhưng tao chưa thấy chế độ nào dã man và mất dân chủ như chế độ này" 259.
Còn ông Trần Ðộ thì nhận xét như sau: "Mặt thật cái thể chế đẻ ra những sự bất chấp luật pháp; trắng trợn, tuỳ tiện vu cáo, bịa đặt; tuỳ tiện hại dân thường, hại người lương thiện; coi thường và chế giễu lẽ phải. Ðó là mặt thật của một thể chế tự nhận mình là dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản" 260. Và ông Ðộ còn khiển trách tập đoàn lãnh đạo cộng sản vì họ hay "dùng các thắng lợi đã qua [thành tích đánh thắng Pháp và Mỹ - VNT] để... che lấp tình trạng mất dân chủ [và] tình trạng lạc hậu và tụt hậu thê thảm của đất nước" hiện nay 261.
&
& &
Trong "Báo cáo chính trị" tại Ðại hội toàn quốc lần thứ 9 (tháng 04.2001) người ta có đưa thêm hai chữ "dân chủ" vào các mục tiêu chung của ÐCSVN, và điều đó làm cho một số Việt kiều và người quan sát nước ngoài ngộ nhận là trong ÐCSVN có một sự thay đổi đáng kể. Ngộ nhận là vì nếu đọc kỹ bản "Báo cáo chính trị" nói trên thì thấy có ghi rõ là ÐCSVN "thực hiện dân chủ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế văn hoá" nhưng phải là "dưới sự lãnh đạo của Ðảng" 262.
Hồi năm 1998, cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã từng nói: "Ðối với chúng ta [ÐCS], dân chủ giờ đây không chỉ là mục tiêu... mà còn là biện pháp chiến lược... để bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ"263.
Năm 2002, Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh lại nhấn mạnh là "dân chủ là bản chất của chế độ XHCN..., [điều này] được xác định rõ trong chủ trương, đường lối hơn 72 năm qua của Ðảng" 264; "Ðảng phải nêu gương về dân chủ và lãnh đạo chặt chẽ quá trình phát huy dân chủ" 265.
Còn ông Trương Quang Ðược, uỷ viên bộ chính trị, thì khẳng định rằng: "Dân chủ là bản chất của chế độ ta... ÐCSVN là lực lượng lãnh đạo nền dân chủ đó... Ðảng phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ, hướng dẫn nhân dân phát huy dân chủ đúng hướng" 266.
Cần nhắc lại ở đây là mục tiêu chủ yếu của chính sách "đổi mới" chính trị hiện nay của ÐCSVN vẫn là, như "Báo cáo chính trị" tại Ðại hội lần thứ 8 đã ghi rõ "nhằm thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa" 267, hoặc "nhằm phát huy dân chủ [XHCN] trong đời sống xã hội, dưới sự lãnh đạo của Ðảng" như "Báo cáo chính trị" tại Ðại hội lần thứ 9 đã nhấn mạnh 268. Như vậy là, trước và sau Ðại hội lần thứ IX của ÐCSVN, không có gì thay đổi cả trong quan điểm của đảng này về khái niệm "dân chủ" cả!
Tóm lại, theo quan điểm của ÐCSVN, cái gọi là "Nhà nước (pháp quyền) xã hội chủ nghĩa" hoặc "nhà nước của dân, do dân, vì dân" chỉ là tên gọi khác nhau của một thể chế chính trị được gọi là "dân chủ xã hội chủ nghĩa" dưới sự lãnh đạo của ÐCS, nhằm thực hiện nhiệm vụ "chuyên chính vô sản", mà thực chất là, như đã nói bên trên, chuyên chính của tập đoàn lãnh đạo cộng sản. Nếu dùng ngôn ngữ triết học thì ta có thể nói là các hình thức Nhà nước nói trên chỉ là những hiện tượng (phenomena) khác nhau của một bản chất (essence) duy nhất, đó là "chuyên chính của tập đoàn lãnh đạo của ÐCS".
Ðể dễ nhớ, chúng tôi xin nêu ra "công thức" sau đây:
"Nhà nước (pháp quyền) XHCN = "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" = "Dân chủ XHCN" = "Chuyên chính vô sản" = Chuyên chính của tập đoàn lãnh đạo của ÐCS.
Người ta có thể tự hỏi "thực hiện tốt" hoặc "phát huy" cái gọi là "dân chủ XHCN" hiện nay còn có nghĩa lý gì khi mà "chủ nghĩa xã hội hiện thực" ở Liên Xô và Ðông Âu - cái nôi của khái niệm "dân chủ" này - đã sụp đổ từ đầu những năm 90?
Vấn đề thiết thực được đặt ra trước mắt nhân dân ta hiện nay không phải là "thực hiện tốt" hoặc "phát huy dân chủ XHCN" nữa mà là phải thay đổi hẳn bản chất của nó, tức là phải thay thế, bằng phương pháp hoà bình, "dân chủ XHCN" bằng dân chủ phi XHCN, bằng dân chủ đa nguyên (mà các nhà lãnh đạo cộng sản gọi một cách khinh bỉ là "dân chủ tư sản"). Vả lại, về thực chất mà nói, chỉ có một loại dân chủ chân chính mà thôi, đó là dân chủ đa nguyên: Dân Chủ tất yếu phải Ða Nguyên chứ không thể"nhất nguyên" về mặt chính trị được, như một cán bộ cao cấp của ÐCS đã nói 269.
Ông W. Churchill, một chính khách nổi tiếng Anh đã từng nói đùa rằng: "dân chủ [đa nguyên] là thể chế rất tồi, nó chỉ khá hơn tất cả những thể chế đã thử được áp dụng trên trái đất này".
Trước đây, ở nước ta, chí sĩ Phan Chu Trinh đã cho rằng "cái độc chuyên chế cùng cái hủ nho nhà ta đã trở thành chứng bệnh bất trị mà học thuyết tự do, dân quyền Âu Tây là vị thuốc đắng để chữa bệnh đó" 270.
Ngày nay các người đấu tranh cho dân chủ chân chính - kể cả cán bộ, đảng viên ở trong nước - cũng cho rằng "phải nghĩ đến việc thay đổi thể chế chính trị. Chúng ta phải có một Quốc hội tử tế, nhân dân phải được hưởng thực sự mọi quyền tự do đã ghi trong Hiến pháp. Tất cả những nhân viên công quyền phải được nhân dân cắt cử và kiểm soát. ... Phải nghiêm túc chỉ ra rằng Ðảng [CS] đang hết sức độc đoán và thực hiện một thể chế chính trị không thích hợp với thời đại. Ðại hội [ÐCS] từ cơ sở đến toàn quốc, các [nhà lãnh đạo cộng sản] dự kiến bầu cử nhau, nhân dân tham gia vào chỗ nào? [Sau đó các nhà lãnh đạo CS] lại dự kiến cử người sang Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và đủ các thứ người vào các chức vụ trong bộ máy nhà nước, đại đa số là đảng viên, nhân dân có quyền gì vào đó? Chúng ta tiếp tục dân chủ một cách hình thức..." [Chúng tôi nhấn mạnh -VNT] 271.
Về vấn đề xây dựng một nhà nước dân chủ thực sự thì TS. Nguyễn Thanh Giang cho rằng một thiết chế nhà nước như vậy phải thoả mãn các điều kiện sau đây:
- Phải được nhân dân uỷ nhiệm bằng một chế độ bầu cử mà nhân dân có quyền và có khả năng, có điều kiện tự do lựa chọn để bầu.
- Phải bảo đảm cho nhiều khuynh hướng, nhiều chính kiến khác nhau được tự do tranh luận.
- Phải bảo đảm cho các cơ quan quyền lực không thể lạm quyền [nhờ áp dụng nguyên tắc tam quyền phân lập - VNT]" 272.
Ðể trả lời luận điệu dối trá của chính quyền cho rằng dân chủ đa nguyên đa đảng sẽ dẫn tới mất "ổn định", năm công dân, trong một kiến nghị gửi cho Quốc hội ngày 19.05.2000, đã viết như sau:
"Phát huy dân chủ là đáp ứng và thoả mãn khát vọng chính đáng tự nhiên của người dân là chủ nhân đất nước muốn được và có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Và chỉ có dân chủ [thật sự] mới là vật đảm bảo cho đại đoàn kết chân thành. [Ðến] lượt mình, đại đoàn kết đích thực sẽ là vật đảm bảo cao nhất cho an ninh chính trị, và an ninh xã hội. Một nền dân chủ thực sự... không tạo ra mất ổn định. Thực tiễn dân chủ của các dân tộc khác trên thế giới... với các quyền tự do cụ thể (tự do bầu cử, tín ngưỡng, ngôn luận, báo chí, lập hội) đã từng tồn tại hàng trăm năm mà các quốc gia đó vẫn sống trong ổn định, trong an ninh cả về chính trị lẫn xã hội. Thực tiễn này là một dữ kiện đáng để tham khảo [cho] nước ta... " [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] 273.
Nhưng cũng có người không đồng ý với quan điểm vừa nêu trên. Trong bài diễn văn bế mạc hội nghị trung ương lần thứ bảy hồi tháng 08.1999, ông Lê Khả Phiêu, lúc đó là Tổng bí thư, đã chỉ trích gay gắt những ai đòi dân chủ đa nguyên, và cho rằng "mọi luận điệu tuyên truyền về nhân quyền, [dân chủ] đa nguyên, đa đảng... đều là dối trá, lừa bịp..." 274. Ðể thấy ai là "dối trá, lừa bịp" thì xin nhắc lại là, như đã phân tích bên trên, các "quyền dân chủ" mà ÐCSVN coi là những đặc điểm chủ yếu của cái gọi là "dân chủ XHCN" đều là bánh vẽ cả; và khái niệm "dân chủ XHCN" chỉ là một lá nho che đậy một cách vụng về chuyên chính, độc đoán của tập đoàn lãnh đạo cộng sản trong mấy chục năm qua mà thôi.
Nhà văn Anh, ông George Orwell, trong một cuốn tiểu thuyết châm biếm nổi tiếng về Liên Xô tựa đề "1984" (xuất bản hồi năm 1949) đã phát hiện là ở Liên Xô dưới thời Stalin người ta thường dùng một ngôn ngữ chính trị mà tác giả gọi là "ngôn ngữ mới", ví dụ như khi Liên Xô nói "hoà bình" thì có nghĩa là chiến tranh; "tự do" có nghĩa là nô lệ; "dân chủ" có nghĩa là chuyên chính để lừa bịp nhân dân trong nước và dư luận quốc tế.
Hiện nay, trong chế độ "dân chủ XHCN" ở Việt Nam các nhà lãnh đạo cộng sản cũng nói như ở Liên Xô dưới thời Stalin, tôn trọng nhân quyền có nghĩa là vi phạm nhân quyền; dân chủ có nghĩa là chuyên chính, độc tài.
Thế xin hỏi lại ông Lê Khả Phiêu - mà một nhà báo Pháp gọi là "Pinochet của Việt Nam" 275 - ai là kẻ dối trá, lừa bịp nhân dân trong vấn đề này?
Ai huyênh hoang tuyên bố rằng nhân dân có "quyền dân chủ" đủ mọi thứ, ai ghi trong Hiến pháp 1992 (các điều 69 và 70 chẳng hạn) và ai cam kết thực hiện nhân quyền đã ghi trong "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị" nhưng không bao giờ tôn trọng các quyền đó cả trong thực tế, nếu không phải là ÐCS và nhà nước XHCN?
Về vấn đề dân chủ thì xin hỏi lại ông Lê Khả Phiêu: tại sao đòi dân chủ đa nguyên là "dối trá, lừa bịp" trong khi mà các nước văn minh trên thế giới ngày nay, kể cả ở Châu Á, đều thực hiện nền dân chủ đa nguyên, và nhờ vậy mà họ có được một nền kinh tế phát triển? Ðó là một thực tế không thể nào chối cãi được. Vả lại, như đã nói bên trên, dân chủ thật sự thì tất yếu phải là đa nguyên. Chính khi ÐCSVN bịa đặt ra cái gọi là dân chủ "nhất nguyên" dưới sự lãnh đạo của họ là một sự dối trá lừa bịp vì trên thế giới này chưa có nước nào được các nước văn minh thừa nhận là dân chủ thật sự mà lại "nhất nguyên", độc đảng cả! Chỉ có chuyên chính, cộng sản hoặc phát-xít, mới đi liền với nhất nguyên, độc đảng.
Hơn nữa, gắn dân chủ với "nhất nguyên" như ÐCSVN đã làm là một sự mâu thuẫn trong từ ngữ!
Tóm lại, chính các nhà lãnh đạo cộng sản là kẻ đại dối trá, đại lừa bịp nhân dân chứ không phải những người đấu tranh đòi dân chủ đa nguyên, đòi thực hiện các quyền tự do, dân chủ!
Ðiều đáng chú ý hiện nay là từ Ðại hội IX trở đi, nhất là từ năm 2002, cuộc đấu tranh cho dân chủ thật sự ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, cả bề rộng (từ Hà Nội đến Cần Thơ) lẫn bề sâu (từ các nhà lão thành cách mạng đến cán bộ, đảng viên trẻ; từ cá nhân đến bố mẹ, vợ con, bạn đồng nghiệp).
Bằng chứng là bài lên án vi phạm nhân quyền của BS. Nguyễn Ðan Quế trao cho cố vấn trưởng trong uỷ ban bang giao quốc tế của Hạ nghị viện Mỹ ngày 20.01.2002 276, bài điều trần, cũng về vi phạm nhân quyền, của Nguyễn Vũ Bình gửi cho Quốc hội Mỹ ngày 20.07.2002 277, và hai bức thư tập thể của cán bộ, đảng viên - trong đó có nhiều nhà lão thành cách mạng - gửi cho tập đoàn lãnh đạo cộng sản và Quốc hội Việt Nam hồi tháng 07 và 08.2002 278 tố cáo hành động đàn áp những người bất đồng chính kiến, tố cáo tham nhũng và yêu cầu làm sáng tỏ vụ Năm Cam và việc ký kết các Hiệp định Việt-Trung.
Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là trong bức thư của 21 người dân chủ gửi cho Quốc hội Việt Nam ngày 02.08.2002 các người dân chủ đã thản nhiên thông báo công khai lần đầu tiên sự thành lập một tổ chức chính trị lấy tên là "Nhóm dân chủ". Trong bối cảnh của một chế độ độc đảng, toàn trị thì đây là một thách thức lớn đối với chế độ Hà Nội. Hiện tượng này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chu kỳ biện chứng đàn áp - chống đối từ đầu năm 1990 đến nay: đàn áp dẫn tới chống đối, và càng đàn áp thì càng có chống đối; và quá trình biện chứng này phát triển theo hình xoắn ốc ngày càng được nới rộng ra.
Rất có thể là trong tương lai những người đấu tranh cho dân chủ - đáng lẽ phải gọi họ là những chiến sĩ dân chủ mới phải vì sự can đảm và tinh thần hy sinh lớn lao của họ - sẽ bị đàn áp nặng nề hơn trước. Nhưng viễn ảnh này không làm cho họ nản lòng vì họ ý thức được rằng Cuộc Ðấu Tranh Ðể Dân Chủ Hoá Ðất Nước Trong Thế Kỷ 21 này Cũng Có Tầm Quan Trọng Như Cuộc Ðấu Tranh Giành Ðộc Lập Trong Thế Kỷ 20. Và họ cũng ý thức được rằng đấu tranh đòi thực hiện các quyền tự do dân chủ, đòi thực hiện một nền dân chủ đa nguyên là đánh vào chỗ yếu nhất (Achilles' heel) của chế độ độc tài, toàn trị hiện nay. Do đó, chắc có lẽ họ cũng chờ đợi một phản ứng khá mạnh về phía chính quyền nhưng họ tỏ vẻ rất vững vàng, không sợ hãi vì họ tin tưởng sắt đá rằng họ là đại diện cho lẽ phải, cho xu thế tiên tiến của thời đại và của dân tộc.
Họ hiểu rất rõ là, như Montesquieu đã nói "dân chủ không phải là giá trị mặc nhiên mà là kết quả của sự đấu tranh để khẳng định quyền lực của nhân dân" (De L'Esprit des Lois).
Nhiệm vụ thiêng liêng của tất cả những người yêu chuộng dân chủ chân chính, cả ở trong nước lẫn ở ngoài nước, là phải, lúc này hơn lúc nào hết, tìm đủ mọi cách, cả vật chất lẫn tinh thần, để tích cực hỗ trợ họ, nhất là các thành phần trong "Nhóm dân chủ" mới được thành lập.
Cụ thể thì chúng ta phải làm gì?
Trong tình hình chính trị hiện nay, theo thiển ý chúng tôi, thì những người dân chủ có thể tập trung sức người và của vào những mục tiêu chủ yếu sau đây:
1. Yêu cầu thả ngay những tù nhân bị giam cầm vì lý do chính trị, tôn giáo và sắc tộc; giải quản ngay những người bị "quản chế hành chính"; chấm dứt ngay việc bao vây kinh tế những gia đình và cá nhân bị giam cầm và quản chế; nối lại ngay điện thoại cho các gia đình bị cắt điện thoại.
2. Yêu cầu huỷ bỏ Nghị định 31/CP và Nghị định 89/CP; và thực hiện các quyền tự do dân chủ cơ bản đã ghi trong Hiến pháp 1992 và trong "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị" đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do báo chí và xuất bản, tự do tôn giáo và trả lại cho các tổ chức tôn giáo mọi tài sản, cơ sở bị Nhà nước XHCN cưỡng chiếm, tự do hội họp, và tự do lập hội v.v..
3. Yêu cầu thực hiện tự do thông tin theo cả hai chiều giữa Việt Nam và ngoại quốc (chứ không một chiều như hiện nay); chấm dứt việc bưng bít thông tin giữa trong và ngoài nước; chấm dứt việc phân biệt đối xử trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng; chấm dứt việc cấm đoán in và phân phát tài liệu của bất cứ ai và việc quan hệ với báo chí ngoại quốc.
4. Yêu cầu chấm dứt chính sách nhằm tiêu diệt và đồng hoá các sắc tộc hiện nay; chấm dứt những đợt càn quét, chiếm đất, đàn áp tôn giáo và buộc một số làng sắc tộc phải di tản khỏi nơi cư trú truyền thống của họ.
5. Tách rời hoàn toàn ÐCS với Nhà nước cả về mặt chính trị (tức là phi chính trị hoá quân đội, công an, toà án v.v..) lẫn về mặt kinh tế - tài chính (cấm dùng ngân sách nhà nước để trả lương và cung cấp chi phí cho ÐCS và các đoàn thể vệ tinh của ÐCS).
6. Thiết lập một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng trong đó ÐCS vẫn tồn tại, nhưng không còn là chính đảng duy nhất nữa; địa vị của mỗi chính đảng sẽ tuỳ thuộc vào lá phiếu của cử tri trong một cuộc phổ thông đầu phiếu thật sự tự do và dân chủ; xoá bỏ điều 4 của Hiến pháp 1992. Trong tương lai sẽ phải viết lại hoàn toàn một Hiến pháp mới trong đó sẽ nêu bật hai nguyên tắc cơ bản là chủ quyền thật sự của nhân dân thể hiện qua phổ thông đầu phiếu và tam quyền phân lập.
7. Xoá bỏ nguyên tắc "tập trung dân chủ". Tuy nhiên, mọi nghị quyết, quyết định đều phải được biểu quyết theo đa số, nhưng thiểu số phải được tôn trọng, không bị đàn áp, vì thiểu số hôm nay có thể trở thành đa số ngày mai theo nguyên tắc luân phiên.
8. Xây dựng một hệ thống luật pháp dân chủ thật sự.
9. Tạo điều kiện cho sự nảy nở một xã hội dân sự, tức là khuyến khích các hội đoàn, các tổ chức cộng đồng, các cơ quan phi chính phủ v.v.. được thành lập và hoạt động độc lập với Nhà nước.
10. Song song với các mục tiêu nói trên, những người dân chủ cũng nhiệt liệt ủng hộ các yêu sách khác của nhân dân như đấu tranh để cải thiện đời sống của họ - chủ yếu là của nông dân - chống tham nhũng, tệ nạn ức hiếp dân v.v.. ; cần phải gắn liền các yêu sách nói trên với cuộc đấu tranh nhằm dân chủ hoá đất nước, và trong quá trình đó, tìm mọi cách để nâng cao dần trình độ giác ngộ chính trị của nhân dân.
Chỉ khi nào thực hiện được các mục tiêu nói trên thì chúng ta mới có thể nói là có đổi mới chính trị thật sự ở Việt Nam &
&
& &
Chú thích (Chương III)
1. J. Julliard, le Nouvel Observateur, Paris 14-20 mai 1998, tr. 60
2. Lữ Phương, DÐ, tháng 11.1993, tr. 23
3. Lữ Phương, DÐ, tháng 07.1995, tr. 12
4. Xem The Economist, Jan 8th-14th, 2000; Asiaweek, april 21st, 2000 và april, 24th 2000; La Croix, 22 avril 2000; Ðài RFI, 21.04.2000; Ðài truyền hình Arte 27.04.2000
5. Hiến Pháp nước Cộng hòa XHCN Việt nam năm 1992, Hà Nội 1992
6. Tiêu Dao Bảo Cự, Nửa đời nhìn lại, NXB Thế kỷ (Mỹ), 1994, tr. 333
7. Trần Ðộ, DÐ tháng 07.2000, tr. 14
8. Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, TK21, tháng 07.2000, tr. 19
9. Lê Khả Phiêu, TCCS, số 11, tháng 06.2000, tr. 10
10. Le Nouvel Observateur, Paris, 1-7 juin 2000
11. Lê Khả Phiêu, phỏng vấn trong báo Le Monde, Paris, 23.05.2000 "les communistes [vietnamiens] ne mangent pas les gens"
12. Nguyễn Hộ, phỏng vấn đài RFI 30.04.1995, và bức thư ngỏ của Nguyễn Hộ, TL, tháng 07 và 08.1995, tr. 21
13. Michel Tauriac, VietNam, le dossier noir du communisme, Edition Plon, Paris, 2001, tr. 66 và tr. 213-241
14. Ðỗ Mười, DÐ, tháng 07.1994, tr. 17
15 . TCCS, số 5, 1994, tr. 34
16. Nguyễn Tấn Dũng, The Saigon Times Weekly, March 30th, 2002, tr. 13 (phỏng vấn) và VNDC, tháng 04.2002 tr. 38
17. DÐ, tháng 06.2002, tr. 6
18. Theo tuần báo Pháp Le Point, Paris, 21.09.1996, tr. 27
19. Bùi Tín, tuần báo L'Express, Paris, 11.05.2000, tr. 51- Cùng một tác giả, Mây mù thế kỷ, NXB Ða nguyên (Mỹ), 1998, tr. 243 và 255.
20. Asia 1995 Yeardbook (của FEER), HongKong, tr. 221
21. Về gánh nặng của các tổ chức của ÐCS và các đoàn thể vệ tinh của Ðảng trong ngân sách nhà nứơc, xem DÐ, tháng 11.1996, tr. 5
22. Lao Ðộng, Hà Nội, 02.10.1998. Cùng xem TK21, tháng 01.1999, tr. 27 và DÐ, tháng 01.1999, tr. 4
22. Trích theo VNDC, tháng 06.2002, tr. 6
24. ÐCSVN, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 142.
25. Nguyễn Minh Cần, ÐCSVN qua những..., sđd, tr. 83
26. Trích theo Nguyễn Thanh Giang (Thư ngõ gửi ông Nguyễn Khoa Ðiềm) VNDC, tháng 06.2002, tr. 13.
27. Ibid, tr. 14
28. Trích theo VNDC, tháng 06.2002, tr. 13
29. Hồng Vinh, trích theo VNDC, tháng 05.2002, tr. 23
30. Trần Mô, trích theo DCPT, số 06.1999, tr. 20
31. Nguyễn Gia Kiểng, Tổ Quốc Ăn Năn, Paris 2001, tr. 505 (Ðiều này không có nghĩa là trong quyễn sách này không có nhiều nhận xét và suy luận rất có giá trị và bổ ích)
32. GS. Phạm Ngọc Quang, TCCS, số 18, tháng 09.2001 tr. 39 và 41.
33. TL, tháng 12.1999, tr. 15
34. Bùi Minh Quốc, TL, tháng 02.1995, tr. 10
35. Nguyễn Văn Lộc, TCCS, số 22, 1996, tr. 56
36. Nguyễn Thanh Giang, TK21, tháng 04.2001, tr. 60
37. Về phần này, chúng tôi dựa chủ yếu vào tài liệu đáng tin cậy của ông Hai Cù Làn ở trong nước: Luận bàn về tông, lông và cánh viết hồi cuối năm 1998 (được phổ biến trên internet) và bài tóm tắt tài liệu này của Nguyễn Thanh, VNDC, tháng 03.1999, tr. 11-13
38. Xem Ðoàn Viết Hoạt, TK21, tháng 04.1999, tr. 61; và DÐ, tháng 12.1998, tr. 13
39. Dương Thu Hương, TL, tháng 09.2000, tr. 26
40. Dương Thu Hương, VNDC, tháng 07.1999, tr. 15 và 16
41. Lê Chí Quang, TL, tháng 10.2001, tr. 7
42. Trần Ðộ, DCPT, tháng 05.1998, tr. 26. Cùng một nhận xét, xem Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 04.1998, tr. 12 và 13.
43. Gabriel Kolko, VietNam, Anatomy of Peace, Routledge London & New York 1997, tr. 58, 150
44. Trích theo VNDC, tháng 03.2000, tr. 14,
45. VNDC, tháng 06.2002, tr. 7 trích dẫn. Về vấn đề này cũng xem Trần Trọng Nghĩa, ibid, tr. 7-9; Lục Ðinh, Ibid, tr. 24-25; và Hòa Vân, DÐ, tháng 06.2002, tr. 1 và tr. 4-6
46. Tiền Phong Chủ nhật, 05.05.2002
47. Trích theo VNDC, tháng 06.2002, tr. 24
48. Nguyễn Thị Bình, trích theo VNDC, Ibid
49. Nguyễn Khoa Ðiềm, báo Pháp Luật, 20.06.2002 và Reuters, 21.06.2002
50. Võ Văn Kiệt, ND, ngày 02, 14, 19 và 21.10.1992
51. Ðỗ Mười (lúc đó là Tổng bí thư), TCCS, số 17, 1995, tr. 6
52. Bùi Ngọc Thanh, TCCS, số 3, tháng 02.2000, tr. 23
53. Trích theo VNDC, tháng 02.2001, tr. 38
54. Báo Pháp Luật (Hà Nội) do VNDC trích dẫn, tháng 03.2001, tr. 38
55. Hoàng Quế, DCPT, tháng 05.2002, tr. 29
56. VNDC, tháng 04.2001, tr. 38
57. TBKTSG, 23.05.2002 do DÐ tháng 07.2002, tr. 4 trích dẫn
58. Nông Ðức Mạnh, TCCS số 18, tháng 09.2001, tr. 5
59. Trần Ðộ, DÐ, tháng 07.2000, tr. 13
60. Hoàng Tiến, trích theo TL, tháng 10.2001, tr. 6
61. Lê Trọng, TCCS, số 21, 2001 (trích theo VNDC, tháng 02.2002, tr. 24)
62. Xem tóm tắt vụ án này trong báo Tuổi Trẻ (từ ngày 03 đến ngày 12.11.1998) và báo Lao Ðộng (từ ngày 04 đến ngày 09.11.1998)
63. Xem các báo Lao Ðộng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên các ngày 18, 20 và 21.06.2002
64. Hoàng Quế, DCPT, tháng 05.2002, tr. 29
65. VNDC, tháng 05.2002, tr. 22
66. Lao Ðộng, 07.09.2002
67. Bùi Tín, VietNam, La face cachée du régime (1945-1999), Ed Kergour, Paris 1999, tr. 256, 257 và 277
68. Hồng Vinh, TCCS, số 8 tháng 03.2002 tr. 27-28
69. Nhân Ðăng, TCCS, số 5 tháng 03.1998, tr. 51
70. VNDC, tháng 03.2001, tr. 38-39
71. DÐ, tháng 02.2002 tr. 7
72. Tạp chí Tia Sáng (Việt Nam) số 5, 2000
73. Thanh Niên, 02.06.2000
74. Hoàng Tụy, DÐ, tháng 02.2001, tr. 13
75. Trích theo VNDC, tháng 04.2001, tr. 39
76. Lê Khả Phiêu, TCCS, số 11, tháng 06.2000, tr. 10
77. Trần Ðộ, DÐ, tháng 07.2000, tr. 10
78. Võ Nhân Trí, Viet Nam's economic policy. , sđd, tr. 3
79. Trằn Ðộ, DÐ, tháng 07.2000, tr. 12; Nguyễn Thanh Giang, VNDC, tháng 06.2002, tr. 14
80. Nguyễn Văn Huy, TL, tháng 03.2001, tr. 3-4, và tháng 04.2001, tr. 6-9. Cũng xem J. C Pomonti, Le Monde, Paris 26.04.2001
81. Nguyễn Văn Huy, TL tháng 03.2001, tr. 3
82. Nguyễn Thanh Giang, (bài phỏng vấn) TK21, tháng 04.2001, tr. 60
83. Về chi tiết xem Võ Nhân Trí, Viet Nam's economic policy..., sđd, tr. 64 và tiếp theo; Nguyễn Ðức Nhuận, Võ Nhân Trí et al, Le Viet Nam post-révolutionaire, Population - Economie - Socìété 1975-1985, Ed. Harmattan, Paris 1987, tr. 43-66; Thành Tín, Mặt Thật, sđd, tr. 84-86
84. Nguyễn Ðức Bình, TCCS, số 4, tháng 02.2000, tr. 17
85. FEER, May, 4th 2000, tr. 8
86. Hồ Chí Minh Tuyển tập, NXB Sự Thật, Hà Nội 1980, tr. 2, tr. 186
87. Lê Duẩn, Communist Party of Viet Nam, 4th National Congress, Documents, Hanoi, Flph, 1977, tr. 39. Cũng xem J. C. Pomonti et H. Tertrais, Viet Nam, communistes et dragons, sđd, tr. 110-111
88. Bùi Tín, Mây Mù thế kỷ, NXB Ða Nguyên, Westminster, Mỹ, 1998, tr. 33
89. Thành Tín, Mặt Thật, sđd, tr. 291-292
90. Ibid, tr. 192-193
91. Nguyễn Thanh Giang, Trăn trở xót đau cùng biên cương tổ quốc, Hanoi 19.05.2002, do VNDC trích dẫn, tháng 08.2002 tr. 22
92. Nguyễn Thanh Giang, Ibid, Bùi Tín, TL, tháng 05.2002, tr. 11-14; và TL, tháng 06.2002, tr. 5-6; Nguyễn Vũ Bình, VNDC, tháng 06.2002 tr. 12 và 15; Nguyễn Trúc Giang, ibid, tr. 10-11
93. Nguyễn Minh Cần, ÐCSVN..., sđd, tr. 123 và 187
94. Lê Khả Phiêu, TCCS, số 4, tháng 02.2000, tr. 10
95. Lê Khả Phiêu, trích theo, AFP, 22.09.2000, và VNDC, tháng 10.2000, tr. 11
96. Bùi Tín, Viet Nam. La face cachée du régime, sđd. Paris 1999, tr. 295
97. Dương Thu Hương, VNDC, tháng 07.1999, tr. 14
98. Nguyễn Thanh Giang, DÐ, tháng 09.1999, tr. 15
99. Lữ Phương, DÐ, tháng 02.1994, tr. 19
100. Võ Nhân Trí, TK21, tháng 08.1992, tr. 6-8
101. N. V. Linh, TCCS, tháng 07.1991, tr. 18
102. N. V. Linh (phỏng vấn) Kyodo news service, Tokyo, Feb 28, 1992
103. Ð. D. Tùng, Về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt nam, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr. 72-73 (tài liệu nội bộ)
104. N. Duy Quý, TCCS, số 7, tháng 04.2000, tr. 7
105. J. C. Pomonti, Viet Nam, Quand l'aube se lève, Ed, Picquier, Arles, 1997, tr. 139
106. Lê Duẫn, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung ương Ðảng tại Ðại hội toàn quốc lần thứ IV: "Nhà nước XHCN là Nhà nước chuyên chính vô sản. Nhà nước ta phải là một thiết chế của dân, do dân và vì dân", NXB Sự Thật, Hà Nội, 1977, tr. 133
107. J. Stalin, Problems of Leninism, Moscow, 1953, tr. 553 do Yu. Shiskov trích dẫn: "Stalin stated that [soviet] society was characterised by a special. . type of democracy..., a socialist democracy , Tạp chí Far Eastern Affairs, Moscow, Feb 1989, tr. 27
108. ÐCSVN, Văn Kiên Ðai hội lần thứ 8, sđd, tr. 75
109. Nguyễn Minh Cần, Ðảng Cộng Sản. Việt nam..., sđd, tr. 215
110. TL, tháng 04.2001, tr. 19-20
111. Vũ Thư Hiên, Ðêm giữa ban Ngày, NXB, Văn Nghệ, Mỹ, 1997, tr. 632
112. Trích theo Thành Tín, Mặt Thật, sđd, tr. 222
113. Nguyễn Chí Thiện, Flowers from hell (Hoa Ðịa Ngục) translated by Huynh Sanh Thông, Southeast Asia Studies, Yale University, 1984, tr. 116
114. Nguyễn Chí Thiện, trích theo VNDC, tháng 08.2001, tr. 33
115. Nguyễn Chí Thiện, Hoả Lò, Tổ hợp xuất bản Miền Ðông Hoa ký, 2001, tr. 146-148; 301; 303; 305.
116. Bùi Ngoc Tấn, Chuyện kể Năm 2000, NXB Câu lạc bộ Tuổi xanh, CA, Mỹ 2000, (2 tập)
117. Trần Tri Vũ, Những năm mất trắng, NXB Nam Á, Paris, 199, tập 1, tr. 220. Về đề tài này thì rất có nhiều hồi ký của các nạn nhân đã được xuất bản ở Mỹ, Pháp, Úc v.v.. mà không thể kê khai hết ở đây được...
118. Dương Thanh, Vượt địa ngục, NXB Mõ Làng, San Francisco, Mỹ (không có ghi năm) tr. 160
119. Thành Tín, Mặt Thật, sđd, tr. 231
120. L'Actualité, Québec, số 5, tháng 04.1998, do VNDC, tháng 05.1998, trích dịch, tr. 23-25
121. Phỏng vấn Dương Thu Hương của Ðài Á Châu Tự do (RFA) ngày 04.07.2000, trong TL, tháng 09.2000, tr. 27
122. Trích theo DÐ, tháng 01.1995, tr. 9, (chú thích số 5). Chúng tôi cũng đã trực tiếp nghe Dương Thu Hương kể lai chuyện này trong một cuộc hội thảo tại Ðại học Paris Vll hồi năm 1994.
123. Trích theo Báo cáo của Hội Ðồng Giám Khảo Prince Claus trong quyễn "Prince Claus Award 2001 Book" xem DÐ, tháng 01.2002, tr. 12
124. Dương Thu Hương, VNDC, tháng 07.1999; tr. 14-15; Về đìểm này cũng xem Bùi Tín, VietNam La face cachée..., sđd, tr. 296
125. Nguyễn Thanh Giang kể lại, TL, tháng 10.2001, tr. 2
126. Mao Tsé Toung, theo trích dẫn của Nicolas D. Kristof, The New York Times (International) Aug 31st 1990: "The more cruelty, the more enthusiasm for revolution"
127. Trần Ðộ, DÐ, tháng 01.1999, tr. 22 và DÐ, 05.1999, tr. 17
128. Nguyễn Thi Anh Thu, NCKT, tháng 03.2000, tr. 34-39
129. Nguyễn Ái Ðoàn, NCKT, thàng 02.2000, tr. 34
130. Trích theo Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 10.2001, tr. 3
131. Nguyễn Mạnh Tường, Un Excommunié. Hanoi 1954-1991: Procès d'un intellectuel, Ed. Quê Mẹ, Paris, 1997 tr. 147
132. Trần Ðộ, TK21, tháng 02 và 03.1999, tr. 41
133. Trần Ðộ, trích dẫn, Ibid, tr. 40
134. Nguyễn Minh Cần, Ðảng Cộng Sản Việt nam..., sđd, tr. 72
135. ibid, tr. 132-133
136. Trường Chinh Ðời đời nhớ ơn Các Mác và đi con đường Các Mác đã vạch ra, Hà Nội, 1969, tr. 47-49
137. Bùi Phan Kỳ, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 26.10.2001
138. Trần Ðộ, Thư gửi Ðỗ Mười, DÐ, tháng 05.1995 tr. 17
139. N. Ð. Mạnh, Kay Johnson phỏng vấn, Time Asia: "In Vietnam, we have no political prisoners. No one is arrested or jailed for her or his speech or point of view", 23 Jan 2002
140. Xem thêm Tôn Thất Thiên, TK21, tháng 05.2000, tr. 25-33
141. 50 years of activities of Communist Party of Vietnam, FLFH, Hanoi, 1980 tr. 146
142. Raymond Aubrac, Où la mémoire s'attarde, Ed Odile Jacob, Paris 1996 tr. 268-269 và 331
143. Xem Trương Như Tảng (cựu Bộ Trưởng Tư pháp của CPCMLT) A Vietcong memoir, Harcourt, Brace, Jovanovich Publishers, San Diego, New York, 1985, Phụ lục tr. 336 và tiếp theo
144. 50 years of activities. . sđd, tr. 255-257
145. Về chi tiết, xem Võ Nhận Trí, Vietnam's Economic Policy..., sđd, tr. 59-62
146. Lê Duẩn, Phấn đấu xây dựng nước Việt nam xã hội chủ nghĩa giàu đẹp (diển văn tại hội nghị trung ương lần thứ 25 của Ðảng CSVN) 1976, NXBS.T, Hà Nội, 1979 tr. 16
147. ND, 24.04.2001
148. Phạm Quế Dương, TL, tháng 07 và 08.2001, tr. 13
149. ND, 24.04.2001
150. Trần Ðộ, DÐ, tháng 07.2000, tr. 12
151. ND 24.04.2001
152. Hồng Vinh, TCCS số 16, tháng 06.2002 tr. 13
153. Trần Ðộ, DÐ, tháng 07.2000, tr. 12
154. Phan Chu Trinh, trích theo Nguyễn Thanh Giang, TL tháng 11.2001, tr. 13
155. Trần Ðộ, DÐ, tháng 07.2000, tr. 12; Nguyễn Thanh Giang, TL, 11.2001, tr. 12-13; Phạm Quế Dương, TL tháng 07 và 08.2001, tr. 13-14
156. H. Tâm, TCSS số 14, tháng 05.2002, tr. 9
157. L. Q. Ðạo, Tuổi trẻ Chủ nhật, số 33, 1998
158. Trích theo Trần Khuê và Nguyễn Thị T. Xuân, TK21, tháng 07.2001, tr. 15
159. TS. Nguyễn Sĩ Dũng, TBKTSG, 06 .09.2001
160. Trích theo VNDC, tháng 06.2002 tr. 6
161. Trích theo VNDC tháng 06.2001, tr. 24
162. Tiêu Dao Bảo Cự, TL, tháng 02.1995, tr. 13
163. C. Tín, TL, tháng 06.2002, tr. 7
164. Phạm Quế Dương, Tl, tháng 07 và 08.2001, tr. 13
165. ND, 24.04.2001
166. Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 09.2002, tr. 7
167. ND, 24.04.2001
168. Marie-Claire Bergère, La Chine de 1949..., sđd, tr. 278
169. M. Cohen, FEER, May 3rd 2001, tr. 20
170. Vũ Hiền, TCCS số 8, tháng 03.2002, tr. 14 và Báo cáo chính trị tại Ðại hội 9, ND 24.04.2001
171. N. P. Trọng, trích theo VNDC, tháng 09.2000, tr. 12
172. Theo báo Luật, 03.10.2000 (Saigon) do VNDC trích dẫn, tháng 01.2001 tr. 37
173. Tuổi Trẻ, do DÐ trích dẫn, tháng 12.2000, tr. 8
174. TCCS, số 8, tháng 03.2002, tr.7
175. Trương Quang Ðược, TCCS, số 12, tháng 04.2002, tr. 9
176. Phạm Quế Dương, TL, tháng 07 và 08.2001, tr. 14
177. ND, 24.04.2001
178. Về chi tiết xem Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 11.2001, tr. 9-13, và N. M. Cần, TK21, tháng 10.2001, tr. 76-78
179. C. Tín, TL tháng 11.2001, tr. 25
180. Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 11.2001, tr. 10
181. N. V. An, trích theo VNDC, tháng 05.2002, tr. 7
182. Trích theo Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 11.2001, tr. 11
183. Lê Chí Quang, TL, tháng 10.2001, tr. 7
184. Phạm Quế Dương, TL tháng 07 và 08.2001, tr. 13
185. Trần Khuê và N. T. Thanh Xuân, TK21, tháng 07.2001, tr. 17
186. H. Vinh, TCCS, số 16, tháng 06.2002, tr. 12
187. Lê Chí Quang, TL, tháng 10.2001, tr. 8
188. N. M. Tường, Un excommunié..., sđd, tr. 85 và T. Ðộ, DÐ, tháng 11.1999, tr. 13
189. Hoàng Tâm, TCCS số 14, tháng 05.2002, tr. 10
190. ND, 24.04.2001
191. ND, 29.03.2001
192. Xem Thiên Trung, TL, tháng 06.1999, tr. 8
193. Nguyễn Khoa Ðiềm, ND, 01.11.2001
194. V. V. Hiền, ND, 20.06.2002
195. Phạm Quế Dương, TL, tháng 07 và 08.2001, tr. 14
196. Trương Mậu, TCCS, 1995, tr.5
197. Jean Jacques Chevallier, État de Droit, Edition Montchrestien, Paris 1999 tr. 71 và 72
198. Ibid, tr. 97
199. N. Manh Tường; Un Excommunié. ; sđd, tr. 84-85 và Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ..., sđd tr. 289-291 (trích đăng lại bài của N. M. Tường)
200. Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 11.2001, tr. 12
201. J. J. Chevallier, État de Droit, sđd
202. Xem Philippe Nemo, Histoires des idées politiques aux temps modernes et contemporains, Ed Puf, Paris 2002, tr. 324-335.
203. ND, 24.04.2001
204. Như ông Ðặng Xuân Kỳ chẳng hạn, TCCS, số 05.1995, tr. 18 và Xã luận TCCS, số 06.1995 tr. 8
205. Xem Ðức Vượng, TCCS, tháng 11.1992, tr. 23
206. Lê Duẩn, Báo Cáo Chính Trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Ðại hội. . lần thứ IV, NXBS.T, Hà Nội 1977, tr. 133
207. Ðỗ Mười, ND, 21.11.94
208. ÐDTùng, Về con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt nam, NXBS.T, Hà Nội 1991, tr. 72-73
209. Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 11.2001, tr. 10
210. Nguyễn Văn An, TCCS, số 24, tháng 08.2002, tr. 18
211. ND, 24.04.2001
212. Nguyễn Minh Triết, DÐ, tháng 04.2000, tr. 6 (trích dẫn)
213. Dương Thu Hương, Tiểu thuyết vô đề, Văn nghệ xuất bản, California Mỹ, 1991, tr. 237
214. Xem VNDC, tháng 05.2002, tr. 38
215. Phan Văn Khải, TCCS, số 6, tháng 02.2002, tr. 14. Cũng về vấn đề này GS. Ðỗ Nguyên Phương Bộ trưởng Bộ Y tế, cũng thừa nhận "tốc độ chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn", TCCS, số 9 tháng 03.2002, tr. 15
216. TS. Hoàng Việt, NCKT, tháng 04.2002, tr. 27-28. Về vấn đề này xem thêm Nguyễn Mạnh Hùng, TL, tháng 11.2001, tr. 14-18 và tháng 12.2001, tr. 6-9
217. Nguyễn Thanh Giang TL, tháng 12.2002, tr. 16
218. Trần Ðộ, DÐ, tháng 11.1999, tr. 12
219. Thành Tín, Mặt Thật, sđd, tr. 316
220. Hà Sĩ Phu, TL, tháng 03.2001, tr. 8
221. Trích theo Nguyễn Mạnh Sơn, TL, tháng 11.2000, tr. 11
222. Trần Ðộ, DÐ, tháng 07.2000, tr. 15
223. Xem chú thích 107.
224. Tạp chí GÉO, Paris, Jan 1991, tr. 6
225. Le Monde Télévision, Paris, 16.11.2001
226. Xã luận TCCS, số 3, 1995, tr. 3
227. Ðỗ Mười, V.O.V. (Voice of Vietnam) Hà Nội, chương trình Việt ngữ, 08.03.1995
228. Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, TK21, tháng 07.2002, tr. 16
229. Nguyễn Chấn, VNDC, tháng 07.2002, tr. 11-12 và bài của Jorg Auf Dem H'el, Spiegel on line (Ðức) do Trần Hải lược dịch trong VNDC, tháng 06.2002, tr. 28.
230. B. M. Quốc, TL, tháng 02.1995, tr. 9
231. Học viện Chính Trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu quyền con người, Một số vấn đề về quyền dân sự và chính trị, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 6
232. Xem toàn văn "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị trong quyển sách " Một số vấn đề về quyền. . , sđd, tr. 251-285. Về vấn đề này nên tham khảo thêm VNDC tháng 02.1996 tr. 11 và tiếp theo; các bài bình luận của Trần Thanh Hiệp, TL, tháng 05.1997 tr. 17-18, và tháng 01.2000, tr. 39-40; bài của Thiên trung, TL, tháng 01.1999 tr. 19-20; và Le Nouvel Etat du monde, (Bilan de la décennie 1980-1990) Édition Découverte, Paris, tr. 303 và tiếp theo;
233. Anh Thơ, TCCS, tháng 07.1993 tr. 44 và 47
234. Ðỗ Mười, DÐ, tháng 07.1994, tr. 18
235. Kofi Annan, theo Ðài RFI, Paris 10.12.2001, (chương trình Việt ngữ)
236. T. Mô, Tạp chí Quốc Phòng toàn dân, tháng 11.1995 do DCPT trích dẫn, số 6, 1999, tr. 20. Gần đây ông Ðoàn Viết Hoạt cũng có 1 nhận xét tương tự, xem TK21, tháng 04.1999, tr. 58
237. TCCS, số 01.1994, tr. 61
238. L. X. Lưu, TCCS, tháng 04.1993
239. T. Ð. Lương trích theo VNDC, tháng 01.2001, tr. 39
240. Hà nội mới, 01.04.2002. Xem "Thư ngõ gửi ông Nguyễn Khoa Ðiềm" của Nguyễn Thanh Giang về vấn đề này, VNDC, tháng 06.2002, tr. 13
241. Võ Nguyên Giáp, TCCS, số 25, tháng 09.2002, tr. 9
242. V. H. Cương, TL, tháng 01.2001, tr. 26
243. Về sự đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội trước đó, xem N. M. Cần "ÐCSVN qua những biến động. . ", sđd, tr. 212-221
244. N. V. Bình, VNDC, tháng 08.2002, tr. 4-5
245. Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 09.2002, tr. 8
246. Nguyễn Ðan Quế, TL, tháng 02.2002, tr. 7
247. Xem VNDC, tháng 08.2002
248. Xem TL, tháng 09.2002, tr. 4
249. Xem báo cáo của Abdelfattah Amor, Commission des Droits de l'Homme (55ème session) Droits civils et politiques notamment: intolérance religieuse, Nations Unies, Commission économique et sociale. E/CN, 4/1999/58/AD D2.29.12.1998
250. Trần Thanh Hiệp, TL, Tháng 05.2000, tr. 20 và 22
251. Xem VNDC, tháng 04.2001, tr. 35
252. Xem VNDC, tháng 08.2002, tr. 37
253. Xem VNDC, tháng 06.2002, tr. 39 và RFI, Paris 28.05.2002 (chương trình Việt ngữ)
254. N. Hữu Thọ, Saigon Giải Phóng, 25.09.1988
255. T. X. Bách , ND, 27.10.1988
256. Phan Ðình Diệu, tạp chí Ðoàn Kết, Paris số 424, tháng 06.1990, tr. 28-29. . Cùng xem TCCS, tháng 02.1990, tr. 41-42.
257. Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, TK21, tháng 07.2001, tr. 18
258. Bùi Ngọc Tấn, DÐ, tháng 11.2001, tr. 9
259. Trần Dũng Tiến, theo trích dẫn của Lê Chí Quang, DÐ, tháng 10.2001, tr. 19
260. Trần Ðộ, TL, tháng 03.2001, tr. 14
261. Trần Ðộ, DÐ, tháng12.2001, tr. 12
262. ND, 24.04.2001
263. Lê Khả Phiêu, TCCS, số 3, tháng 02.1998, tr. 7
264. N. Ð. Mạnh, ND, 04.03.2002
265. N. Ð. Mạnh, VNDC, tháng 04.2002, tr. 22 (trích dẫn)
266. T. Q. Ðược, TCCS, số 4 và 5, tháng 02.2002, tr. 18
267. ÐCSVN, Văn Kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8, sđd, tr. 44 và 71
268. ND, 24.04.2001
269. Phạm Ngọc Quang, TCCS, số 18, tháng 09.20 tr. 39
270. Phan Chu Trinh, do Nguyễn Thanh Giang trích dẫn, TL, tháng 11.2001, tr. 11
271. Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, TK21, tháng 07.2001, tr. 21
272. Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 02.2002, tr. 7
273. Xem DÐ, tháng 06.2000, tr. 12
274. Lê Khả Phiêu, TCCS, số 17, tháng 09.1999, tr. 6
275. Le Nouvel Observateur, Paris 1-7 juin 2000
276. Nguyễn Ðan Quế, TL, tháng 02.2002, tr. 7
277. N. V. Bình, VNDC, tháng 08.2002, tr. 4-5
278. Về kiến nghị của 17 người đề ngày 06.07.2002, xem VNDC, tháng 08.2002. Về bức thư của 21 người gửi cho Quốc hội đề ngày 02.08.2002, xem TL, tháng 09.2002, tr. 2-5
KẾT LUẬN
__________________
Bạn đọc Phù Sa muốn có sách với chữ ký của tác giả xin liên lạc về phusa@phusa.net
hoặc liên lạc các điạ chỉ sau đây:
CANADA: DONG A Publishing
P.O. Box 99, 2147 Commercial Drive
Vancouver, BC V5N 4B3 - Canada
AUSTRALIA: DONG A Publishing
16 Landon St.
Fairfield, NSW 2165 - AUSTRALIA
USA:
SOUTHWEST: DONG A Publishing
13101 Benton St. # D4
Garden Grove, CA 92843 - USA
NORTHEAST: DONG A Publishing
145 Bement Ave.
Staten Island, NY 10310 - USA
EUROPE: DONG A Publishing
11 rue Jean Rostand
77680 Roissy en Brie - FRANCE
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire