VN có thay đổi để chính trị để thích hợp với hội nhập WTO
Friday, February 09, 2007
Trọng Kim
HOUSTON (NN) – Để thích hợp với khung cảnh kinh tế mới sau khi được vào Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) đảng Cộng Sản Việt Nam đã không cởi mở chính trị để hội nhập khung cảnh dân chủ toàn cầu mà nếu có, chỉ là những thay đổi nhỏ về chiến thuật có tính cách hình thức. Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn nhằm mục tiêu “một đảng duy nhất lãnh đạo”.
Đó là tổng kết ý kiến của các nhân vật chính trị và tranh đấu cho dân chủ người Việt ở nhiều quốc gia khác nhau qua cuộc phỏng vấn của Ngày Nay vào cuối năm Bính Tuất.
Như nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa, một bỉnh bút của Ngày Nay góp ý “Do cái “hạ tầng kinh tế” đang tác động lên “thượng tầng chính trị” theo lối lý giải của Marx. Nhưng, mục tiêu của cởi mở vẫn không phải là để đưa đất nước ra khỏi vòng lạc hậu! Cởi mở chính trị vì vậy vẫn chỉ là cởi mở nửa vời, có chọn lọc và an toàn cho chế độ.”
Dưới đây là nguyên văn câu hỏi của Ngày Nay: “Gần đây có những dấu hiệu từ phía đảng CSVN như việc thủ tướng Nguyễn Tiến Dũng sang Vatican gặp Đức Giáo Hoàng, dân sự hóa nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa, cho dân bầu chủ tịch Xã, cho phép xuất bản tài liệu chấp nhận sự sai lầm trong cải cách ruộng đất (tập truyện của Tô Hoài)... Qua việc phải tập hội nhập sau khi vào WTO và dưới áp lực quốc tế cũng như đòi hỏi từ trong nước qua các sự tranh đấu của các nhà dân chủ, với những tín hiệu nho nhỏ kể trên, theo ông phải chăng đảng CSVN sắp có những thay đổi chính trị để thích hợp với khung cảnh kinh tế mới?”
Các nhân vật được Ngày Nay tham khảo ý kiến gồm nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau và hiện định cư tại nhiều quốc gia khác nhau. Ở Hoa Kỳ gồm cựu đại sứ Bùi Diễm, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư Lê Xuân Khoa, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, ở Âu Châu gồm tiến sĩ Âu Dương Thệ (Đức), kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng (Pháp) và hai nhà tranh đấu cho dân chủ, cựu đảng viên Cộng Sản là ông Nguyễn Minh Cần (Nga), Bùøi Tín (Pháp).
Dưới đây là phần trả lời của các nhân vật nêu trên.
Ô. BÙI DIỄM
Tôi nghĩ chắc có nhiều người còn nhớ: năm ngoái trước khi có Đại Hội 10 của đảng Cộng Sản Việt Nam, ở trong nước cũng như ở ngoài nước, người ta đã được nghe nhiều lời đồn đại hay tiên đoán lạc quan cho rằng sau Đại Hội, rất có thể về mặt chính trị sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng cởi mở hơn trước. Rồi ngay cả vào dịp nhà cầm quyền ở trong nước sửa soạn đón tiếp những nhân vật ngoại quốc đến dự hội nghị APEC và chờ đợi những kết quả về việc vận động để Việt Nam được gia nhập WTO, người ta cũng lại được thấy một số người đưa ra lập luận rằng dưới áp lực của quốc tế và sau khi đã gia nhập WTO, Việt Nam sẽ không thể nào tiếp tục siết chặt được chế độ áp bức như trước nữa.
ïVà bây giờ dựa vào một số tin tức mới đây thì lại có câu hỏi phải chăng đảng Cộng Sản Việt Nam sắp có thay đổi chính trị để thích ứng với hoàn cảnh kinh tế mới ?
Những lời đồn đại, tiên đoán, lập luận hay câu hỏi như trên đây có thể đã phản ảnh tâm trạng của một số người có thiện chí trông chờ những điều mong muốn của mình trở thành sự thực. Tương lai chưa biết ra sao nhưng nếu chỉ căn cứ vào những gì đã xẩy ra ở Việt nam kể từ ngày sau Đại Hội 10 thì sự trông chờ này xem ra khó lòng được đáp ứng. Trước hết, sau Đại Hội đã có một vài sự thay đổi nhân sự ở cấp lãnh đạo và cách làm việc của ông Thủ Tướng mới Nguyễn Tấn Dũng có vẻ năng động hơn, nhưng nói chung thì mọi chuyện đâu cũng lại vào đó. Ngay cả những lời hứa hẹn của nhà cầm quyền là sẽ thẳng tay đối với những vụ tham nhũng, tất cả cho đến nay đều trôi theo ngày tháng. Một ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng được thành lập dưới quyền điểu khiển trực tiếp của ông Thủ Tướng nhưng ông Chủ Tịch Quốc Hội lại cho ra một thông cáo nói rằng chính phủ chỉ được xử lý những vụ liên quan đến cấp Thứ Trưởng trở xuống, còn đối với những nhân vật ở cấp cao hơn thì phải có ý kiến của Bộ Chính Trị. Và bây giờ gần một năm sau, kết quả cụ thể là vẫn chưa có vụ tham nhũng đáng kể nào được đưa ra ánh sáng. Về mặt đối ngoại, những cố gắng của chính phủ để sửa soạn cho Hội Nghị APEC và đón tiếp những nhân vật ngoại quốc đáng lẽ đã là một thắng lợi thì lại bị hoen ố bởi những hành động đàn áp thô bạo những người dân chủ ở trong nước bằng cách ngăn cấm, hạch hỏi hay giam cầm họ không cho họ có cơ hội tiếp xúc với giới truyền thông quốc tế. Rồi tiếp đến, gần đây hơn nữa, thì lại là những biện pháp siết chặt thêm báo chí mặc dầu từ trước đến nay báo chí luôn luôn lúc nào cũng đã phải chịu sự kiểm soát của Đảng và Nhà Nước.
Nhìn vào bề ngoài của tình hình ở Việt Nam lúc này thì ai cũng có thể nhìn thấy cảnh tượng những cao ốc mọc lên ở Hà Nội và Sài Gòn để đón khách du lịch và một số những nhà đầu tư ngoại quốc đến thăm Việt Nam hay cảnh tượng những người Việt sống ở ngoài nước đông đảo về thăm gia đình. Nhưng nếu nhìn vào chiều sâu của những vấn đề như tham nhũng, sự cách biệt giữa thiểu số giầu trong hàng ngũ cán bộ và đại đa số dân nghèo, tình trạng xuống cấp của nền giáo dục, chủ trương toàn trị không thay đổi của đảng Cộng Sản Việt Nam, trong bối cảnh ấy nếu dựa vào môt vài tin tức để tin vào một đường lối cởi mở thành thực về mặt chính trị của nhà cầm quyền thì tôi e rằng còn quá sớm.
GS NGUYỄN MẠNH HÙNG
Việc Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tiến Dũng hội kiến đức Giáo Hoàng có ý nghĩa tôn giáo, chính trị. Việc dân sự hoá nghĩa trang quân đội Biên Hoà có thể dẫn đến một cử chỉ hướng về hoà hợp dân tộc. Để dân bầu chủ tịch xã chỉ mới là một đề nghị. Cho phép xuất bản tập chuyện của Tô Hoài chỉ trích cải cách ruộng đất chỉ là sự nối tiếp việc cho phép xuất bản những tác phẩm chỉ trích chính sách trong quá khứ của Dương Thu Hương và Nguyễn Huy Thiệp, v.v. Chúng không phải là hậu quả trực tiếp của việc Việt Nam phải hội nhập sau khi vào WTO và dưới áp lực quốc tế. Các nhà lãnh đạo Việt Nam trước đây đã nói nhiều đến mục tiêu dân chủ hoá nhưng chỉ chưa thi hành đến nơi đến chốn mà thôi. Việc để cho dân bàu trực tiếp chức vụ chủ tịch xã, nếu có, chỉ là một bước tiến nhỏ, cũng như ở bên Trung Quốc.
Dĩ nhiên muốn giao hảo với các nước lớn Tây phương, nhất là Mỹ, chính quyền Việt Nam phải có những cải tiến về nhân quyền và dân chủ thích ứng. Nhưng thách thức chính của việc hội nhập kinh tế thế giới đối với Việt Nam là phải nhanh chóng thực hiện những cải tổ kinh tế và pháp luật có ý nghĩa chính trị.
Những sự kiện có ý nghĩa trong thời gian gần đây là lời kêu gọi “cầu nguyện cho mọi sinh linh đã ngã xuống trên quê hương Việt Nam và trên các chặng đường đi tha hương lưu lạc” và cho “những người còn sống không phân biệt gốc tích, thành phần, quan hệ xã hội” đồng tâm đoàn kết góp phần xây dựng đất nước của cựu Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, và việc ký quyết định dân sư hoá nghĩa trang quân đội cũ ở Biên Hoà. Đó là những chỉ dấu cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam muốn làm những cử chỉ có ý nghĩa biểu tượng quan trọng trong tiến trình hoà giải và hoà hợp dân tộc. Đây là hai cơ hội hiếm có có thể đặt căn bản vững chắc cho mong muốn này, nếu chúng được thi hành đến nơi đến chốn, một cách đứng đắn, và trong một kế hoạch lớn hơn. Nếu không, chúng chỉ là những cử chỉ rời rạc, cục bộ, có ảnh hưởng tuyên truyền tức thời mà thôi. Điều quan trọng cần nhớ là sự hoà giải giữa các chiến sĩ (peace of the braves) phải được thực hiện giữa những người ấy với nhau. Nếu chính quyền Việt Nam muốn thực sự đặt nền tảng cho hoà giải dân tộc thực sự và với cộng động người Việt hải ngoại thì phải tranh thủ được sự tiếp tay của những ngườøi không bị cộng đồng hải ngoại nghi ngờ hoặc coi thường.
G.S LÊ XUÂN KHOA
Do việc trở thành hội viên của WTO, Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam bắt buộc phải tiến hành một loạt thay đổi căn bản về chính sách và luật lệ để có thể tham gia bình đẳng với các quốc gia dân chủ trên thế giới, không chỉ về kinh tế, tài chính mà cả về những trao đổi văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế và xã hội. Tất cả những thay đổi này sẽ làm gia tăng nhu cầu đổi mới về chính trị do sự gia tăng hiểu biết của các thành phần dân chúng về các quyền tự do của con người trong một chính thể dân chủ. Thực tế là nhu cầu đổi mới chính trị đã được thể hiện thành những đòi hỏi cụ thể của những nhân vật đối kháng, những nhóm tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền, đặc biệt nẩy nở từ trước Đại hội X của Đảng Cộng sản, với sự tham gia nhiệt liệt của nhiều trí thức trẻ tuổi. Đáng chú ý là phong trào này đã được sự tán thành của một số chính phủ và tổ chức quốc tế, và đặêc biệt được sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Chính phủ mới do ông Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu đã cho thấy những bước thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại. Trong tương lai sẽ còn có những bước tiếp theo để đáp ứng nhu cầu của tình thế trong và ngoài nước. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là những bước cải thiện có tính chất xoa dịu về chính trị và xã hội, chưa thể so sánh với những bước thay đổi khá mạnh bạo về kinh tế.
Trong quan hệ quốc tế hiện thời, Việt Nam đã chính thức được nhìn nhận và đang giữ một vai trò quan trọng trong khối ASEAN. Ap lực của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu về đổi mới chính trị đối với Việt Nam vẫn còn tiếp tục nhưng sẽ chỉ ở mức độ vừa phải. Cộng đồng người Việt hải ngoại, hiển nhiên là một tiềm năng quan trọng về trí tuệ và tài chánh, cần nhận biết thực tế đó để có thể tham gia vào tiến trình phát triển và dân chủ hóa ở Việt Nam. Sự đáp ứng của giới lãnh đạo ở Việt Nam, tích cực hay tiêu cực, tùy thuộc rất nhiều vào thái độ và những phương cách tranh đấu quá khích hay ôn hòa của cộng đồng người Việt Nam ở nướùc ngoài.
G.S ĐOÀN VIẾT HOẠT
Theo tôi chưa có thay đổi gì căn bản về mặt văn hóa tư tưởng và chính trị. Hội Nghị Trung Ương của đảng CSVN vừa bế mạc hôm 24 tháng 1 vừa qua cho thấy rõ điều này. Ngoài những cải cách có tính cách kỹ thuật và chiến thuật để đáp ứng nhu cầu là thành viên của WTO và hội nhập quốc tế, chúng ta thấy đảng CS vẫn duy trì hệ thống chính trị “một đảng duy nhất lãnh đạo”, “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và một Quốc hội “trung thành với Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa.”
Có thể những tin tức gần đây về việc “dân sự hóa và địa phương hóa” nghĩa trang quân đội VNCH, việc cho phép Tăng Đoàn Làng Mai về VN tổ chức các trai đàn giải oan cho tất cả những người đã chết trong cuộc chiến trước đây, việc Hà Nội nới tay với những nhà dân chủ trong nước, cùng với việc ông Võ Văn Kiệt lần đầu tiên tiếp và trả lời phỏng vấn của hai nhà báo hải ngoại, kêu gọi hoà giải dân tộ... Tất cả những điều đó tạo cảm tưởng là sắp có những thay đổi quan trọng về mặt chính trị. Hội Nghị Trung Ương vừa họp xong cho thấy là sẽ chỉ có một số thay đổi về kỹ thuật tổ chức và điều hành nội bộ của bộ máy cai trị vẫn do một đảng duy nhất lãnh đạo và độc quyền sắp xếp. Nhiều lắm thì chỉ là những thay đổi về chiến thuật vừa để tạo ra một bộ mặt “thích hợp” hơn với quốc tế, vừa để tăng cường thêm hiệu năng lãnh đạo và quản lý xãỳ hội của đảng CS. Mọi hoạt động văn hóa và chính trị phi xã hội chủ nghĩa hay đối lập với đảng CS sẽ vẫn bị ngăn chặn, dù các biện pháp ngăn chặn có thể sẽ tinh vi hơn.
Thách thức của những người dân chủ là tận dụng được một số thuận lợi trong tình hình mới, sáng kiến ra được các phương thức hoạt động phong phú, đa dạng và hữu hiệu để vừa “bén rễ” được vào quần chúng, đại diện được tiếng nói và quyền lợi của đa số quần chúng, vừa ngày càng tranh thủ thêm được sự ủng hộ và tham gia của thành phần trẻ và cấp tiến trong xã hội cũng như trong đảng CS, tạo được thế và lực đối lập đương nhiên với đảng CS, thách thức ôn hoà nhưng kiên quyết độc quyền cai trị đất nước của ban lãnh đạo CS. Cho đến khi có được những yếu tố đó, ban lãnh đạo đảng CS vẫn có thể tiếp tục cải cách từng bước, từ kinh tế sang văn hóa, chính trị, trong cái khung của hệ thống chính trị một đảng duy nhất lãnh đạo toàn bộ mọi sinh hoạt xã hội.
Ô. BÙI TÍN
Tôi không thấy, chưa thấy một dấu hiệu nào để có thể nghĩ là sắp có những thay đổi chính trị nhằm thích hợp với khung cảnh kinh tế mới.
Cuộc hội nghị Trung ương đảng CS lần thứ 4 mới bế mạc cho thấy ban lãnh đạo chỉ có vài thay đổi mang tính chất cải lương mà thôi. Đó là: tăng thêm số đại biểu quôc hội chuyên trách, tăng thêm một số phụ nữ, người dân tộc, trí thức, người ít tuổi hoàn vào sốâ đại biểu quốc hội sẽ bầu tháng Năm này. Hệ thống đảng sẽ đơn giản hơn đôi chút, cũng như giảm vài bộ trong chính phủ. Cái giữ nguyên vẹn là hai hệ thốâng đảng và Nhà nước “song trùng cơ cấu” mọi cấp mọi nơi, nghiêm trọng hơn nữa là khẳng định đảng là “lãnh đạo duy nhất”, khẳng định độc quyền của đảng, một mình một chiếu, còn hơn cả trong hiến pháp.
Đây là sự khiêu khích ngang nhiên công luận, xã hội và quốc tế thời hội nhập. Làm sao độc quyền chính trị một đảng mà xây dựng được pháp quyền nghiêm minh, bình đẳng, công bằng mà chống được tham nhũng và cải cách hành chính để phục vụ nhân dân. Dân chủ hóa đâu?! Vẫn là nói mà không làm, nói một đàng làm một nẻo.
Theo tôi vẫn là cố tật của đảng CS: thắng lợi một chút (vào WTO, cắt CPC) đã phổng mũi, say sưa, cao ngạo, coi trời bằng vung. Sẽ làm vỡ mộng nhiều người nhẹ dạ tin ở mấy người lãnh đạo mới với những lời hứa hẹn dễ dãi.
Bài học rút ra là các lực lượng dân chủ càng phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh đòi dân chủ hóa thật sự, đòi trả lại quyền tự do công dân, chấm dứt độc quyền chính trị của đảng CS, chấm dứt kiểu “đảng chọn dân bầu” đã chỉ còn là trò hề bẩn thỉu và gian trá, hoàn toàn lỗi thời khi đã hội nhập quốc tế. Quốc hội 12 vẫn là quốc hội của đảng CS, không phải quốc hội của dân. Theo tôi ở VN cho đến nay chỉ có vương quyền, đế quyền, thực dân quyền và Đảng quyền, hoàn toàn chưa từng có Dân Quyền và do đó chưa hề có Nhân Quyền, quyền làm con người thực sự.
Ô.NGUYỄN MINH CẦN
Trước áp lực của dư luận quốc tế cũng như của phong trào dân chủ đang có những bước tiến rõ rệt ở trong nước, những người cầm quyền hiện nay đang phải lựa chiều để làm ra vẻ có những bước “tiến bộ mới” trước dư luận trong và ngoài nước. Nhưng về thực chất, đây là những nhân nhượng rất nhỏ trước công luân quốc tế sau khi VN đã vào WTO.
Nên nhớ rằng những việc làm này chưa có gì “ghê gớm” lắm đâu. Xin điểm qua các việc mà quý báo đã nêu ra:
- Việc đặt quan hệ với Vatican - đặt ra hiện nay đã là quá muộn màng, vả lại việc đó có lợi nhiều hơn là có hại cho chế độ hiện tồn của VN.
- Việc lờ đi để cho sách của ông Tô Hoài về CCRĐ được xuất bản thì cũng chẳng là “biến chuyển gì lớn” về chính sách đâu, vì vụ CCRĐ diễn ra đã trên 50 năm rồi, các đài báo ngoài nước (kể cả “báo chui” trong nước) đã nói quá nhiều rồi, người dân “biết tỏng” cả rồi, nên cho ra thì cũng chẳng hại gì nữa. Gần đây người ta còn cho xuất bản tác phẩm của Trần Dần — những tác phẩm này của TD thật sự là “hoàn toàn vô hại” đối với chế độ đương thời.
- Việc cho bầu chủ tịch xã, cũng vậy thôi — đây là lối “học mót” của ĐCS Trung Quốc, sau nhiều năm nghiền ngẫm thấy TQ làm mà vô hại nay họ mới dám làm. (Giá mà họ dám thay đổi cách bầu cử dân chủ đối với Quốc hội như Khối 8406 đòi hỏi thì lại là chuyện khác hẳn!)
- Dân sự hóa Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà thì cũng chỉ là một “cử chỉ”... dịu hơn chút ít mà thôi.
Cố nhiên, những người dân chủ cần thấy “cái sự làm ra vẻ tiến bộ” đó có mặt tích cực của nó để mà lợi dụng cho phong trào dân chủ. Đồng thời, ta phải nhìn thẳng vào sự thật là những người cầm quyền hiện nay đối xử vô cùng tàn tệ đối với các nhà dân chủ và đối dân chúng cần lao, đối với dân oan, đối với các nhà tu hành muốn giữ đạo của mình ngoài vòng kiềm tõa của chính quyền CS. Theo tôi, đây là thước đo quan trọng nhất để đánh giá những thay đổi chính trị sắp tới của những người cầm quyền hiện nay. Bước thử thách lớn nhất của nhà cầm quyền hiện nay là cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, là thái độ đối với các đảng phái, các tổ chức dân chủ, các báo chí đã ra đời trong năm qua.
Chúng ta không nên vội vàng “đánh bóng” cho giới cầm quyền đương thời, khi thấy họ có vài việc làm về mặt hình thức dường như là tốt.
Ô. ÂU DƯƠNG THỆ
Các dấu hiệu nêu ra trong câu hỏi đã cho thấy, do cuộc đấu tranh của nhân dân ở trong nước và của cac cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như áp lực của quốc tế, nhất là các nước dân chủ đa nguyên, nên càng ngày chế độ CSVN phải tỏ ra “biết điều” hơn. Nhưng đây mới chỉ là sự nhượng bộ nhỏ giọt, hay đúng hơn là cách thả “xú bắp” để tránh một sự chống đối quá lớn từ phía nhân dân và những người dân chủ.
Cho tới nay vẫn chưa có một dấu hiệu rõ ràng về ý định thực sự của nhóm lãnh đạo CSVN hiện nay. Cụ thể nhất, trong diễn văn bế mạc của TBT Nông Đức Mạnh cũng như trong Thông cáo chung Hội nghị Trung ương (HNTƯ) 4 vừa được công bố, các cụm từ “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa”, “hội nhập kinh tế quốc tế là công việc của toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng” đã được lập đi lập lại nhiều lần. Điều này cho thấy, tuy nhìn thấy thực tế là cần phải thay đổi cả hệ thống chính trị, nhưng vì tham quyền cho nên trước sau họ vẫn cố bám để kéo dài chế độ độc tài.
Mặt quan trọng khác cần phải lưu ý là, ngay trong trung ương của chế độ các cuộc giành dựt quyền lực và loại trừ nhau giữa một số nhân vật và vây cánh vẫn đang tiếp diễn rất mãnh liệt. Việc này chúng ta có thể thấy rõ trong Thông cáo chung của HNTƯ 4 ngày hôm nay (24.1.07) liên quan tới việc chia các chức vụ then chốt của Nhà nước (Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội) xuyên qua cuộc bầu cử QH khóa 12 sắp tới các bên đã không thống nhất được với nhau trong HNTƯ này, mà phải đợi tới HNTƯ 5 sắp tới: “Phương án cụ thể về tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XII sẽ được thảo luận và quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 sắp tới.”
Mặt khác, cũng có một số tín hiệu khác cho thấy chế độ CSVN đang phải đi gần với Mỹ hơn, vì sức ép của Bắc Kinh ngày càng mạnh không chỉ trong kinh tế thương mại, mà cả trong yêu sách về các quần đảo Hoàng sa, Trường sa cùng Vịnh Bắc bộ.
Sự xích lại Mỹ tới mức độ như thế nào có lẽ phải chờ tới chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự tính sẽ diễn ra trong năm nay. Đây là kết quả chuyến thăm VN của TT Bush tại Hội nghị cấp cao APEC vào giữa tháng 11.2006.
KS. NGUYỄN GIA KIỂNG
Khi quyết định gia nhập WTO, Hà Nội đồng thời cũng đã chấp nhận những thay đổi để thích nghi ít nhất một phần nào đó với xu hướng áo đảo trên thế giới, nghĩa là dân chủ hóa.
Cũng đừng quên là được tự do buôn bán trên một thị trường là một chuyện, tìm được những hợp đồng để bán được hàng hóa, và trước đó tìm được những nguồn đầu tư để có thể sản xuất hàng hóa, là một chuyện khác. Tạo được một hình ảnh có thể chấp nhận được vì vậy là điều cốt lõi.
Hà Nội đã chấp nhận một thử thách mới khi gia nhập WTO và phải đảm nhận những hậu quả. Thay đổi chính trị, ít nhất một phần, là điều dĩ nhiên phải có. Việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yết kiến giáo hoàng Benedict 16 nằm trong chiến dịch tạo một hình ảnh tốt hơn cho Hà Nội trong bối cảnh mới này, dù chúng ta đều biết Hà Nội chỉ nhìn Giáo Hội Công Giáo La Mã, cũng như mọi tôn giáo, như những đối thủ. Chắc chắn sẽ còn nhiều sáng kiến tương tự. Về thực chất đó chỉ là những động tác giả. Mục tiêu của chế độ cộng sản Việt Nam không thay đổi, đó vẫn là duy trì chế độ độc tài toàn trị càng lâu càng hay. Tuy nhiên muốn đóng một vở kịch mới thì cũng phải có dáng dấp mới, nghĩa là cũng phải thay đổi.
Nhưng thay đổi như thế nào ? Theo tôi, các biện pháp đàn áp những người và tổ chức dân chủ sẽ giảm mức độ hung bạo, sẽ không còn những vụ kết tội gián điệp, giải tòa và xử những án tù nặng nề như trong quá khứ; bù lại chúng sẽ được phối hợp với những thủ đoạn đánh phá tinh vi hơn như tung ra những tổ chức đối lập cuội, tìm mọi cách gây chia rẽ và nghi kỵ giữa những người dân chủ, khuyến khích những phần tử háo danh và không có bản lĩnh nhảy ra tự xưng là chiến sĩ dân chủ kêu gọi và gây ồn ào để đánh lạc hướng sự chú ý của quần chúng vào những cố gắng đấu tranh thực sự cho dân chủ v.v., nói chung là gây hỗn loạn và hoang mang cho cuộc vận động dân chủ.
Tuy nhiên, dù sao các hoạt động dân chủ cũng sẽ dễ dàng hơn. Thành công hay thất bại từ nay chủ yếu tùy thuộc ở bản lĩnh của những người dân chủ. Họ có đủ sáng suốt để phân biệt thực và giả, nghiêm túc và hời hợt không ? Họ có đủ quyết tâm để từ bỏ lối hoạt động chính trị nhân sĩ để đấu tranh có tổ chức không ? Họ có những sáng kiến mới nào không ? Tôi tin tưởng là sau một giai đoạn bỡ ngỡ trước tình huống mới, đối lập dân chủ sẽ khởi sắc mạnh mẽ.
(NV)
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire