1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

jeudi 8 février 2007

VNT: Ch2 "Doi moi" Kinh te

Viet Nam can doi moi that su (VNT)
VNT: Ch1 : Y thuc he cua chanh sach doi moi
VNT: Ch2 "Doi moi" Kinh te
VNT Ch3: "Doi moi" Chinh tri (a)
VNT: Ch3: "Doi moi" Chinh tri (b)
VNT: Ch3 "Doi moi" Chinh tri (c)
VNT: Ket luan


CHƯƠNG II:
"Ðổi mới" KINH TẾ

Vì bắt chước một cách máy móc mô hình XHCN theo kiểu Stalinít-Maoít cho nên, trước năm 1986, kinh tế Việt Nam "lâm vào khủng hoảng và suy thoái trầm trọng... " 1 như một nhà kinh tế học ở Hà Nội đã nhận xét. Gần đây, cựu ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Ðức Bình cũng đã thừa nhận: "Ðảng ta đã phạm sai lầm... nóng vội trong cải tạo XHCN [như đã nói bên trên - VNT] xóa bỏ ngay nền kinh tế nhiều thành phần..., duy trì quá lâu cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp" 2.
Xuất phát từ tình hình đó, và sau khi tham khảo ý kiến của M. Gorbatchev, ÐCSVN đã đề ra trong Ðại hội lần thứ 6 (tháng 12.1986) một chính sách có vẻ thực tế hơn gọi là chính sách "đổi mới". Ngay lúc đó, chúng tôi đã lưu ý rằng cái gọi là "đổi mới" này vẫn còn nằm trong quỹ đạo XHCN, và như Tổng bí thư lúc đó là Nguyễn Văn Linh đã nhấn mạnh, chính sách "đổi mới" "chỉ nhằm tăng hiệu năng" của CNXH mà thôi 3.
Ðại hội lần thứ 6 của ÐCSVN đã chủ trương, ngoài việc xóa bỏ "cơ chế tập trung..., bao cấp", sự phát triển "một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần", và thực hiện "một chiến lược kinh tế mở"4.
Sau đó, Ðại hội lần thứ 7 của ÐCSVN (tháng 06.1991) nói rõ thêm: nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần nói trên phải "vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN", và phải "lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm" 5.
Ðại hội lần thứ 8 của ÐCSVN (tháng 06.1996) cũng nhắc lại đại khái như thế, và nhấn mạnh rằng nền kinh tế nhiều thành phần đó phải "nhằm mục đích xây dựng XHCN" chứ không phải đi theo con đường tư bản chủ nghĩa 6.
[Chủ trương xây dựng một "nền kinh tế thị trường... theo định hướng XHCN" do ÐCSVN đưa ra từ đầu năm 1990 cũng là sao chép mô hình "kinh tế thị trường XHCN" của ÐCS Trung Quốc như đã nói bên trên] 7.
Gần đây, trong báo cáo chính trị tại Ðại hội lần thứ 9 của ÐCSVN (tháng 04.2001), đảng này nêu lên 4 đặc điểm của một nền "kinh tế thị trường định hướng XHCN" ở Việt Nam như sau:
1. Ðặc điểm thứ nhất - mà cũng là mục tiêu của nền kinh tế này - là "phát triển lực lượng sản xuất... để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH... Sử dụng cơ chế thị trường... để kích thích sản xuất, phát huy tinh thần năng động... của người lao động..., thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa... (nhưng phải) đúng định hướng XHCN".
2. Trong nền kinh tế nhiều thành phần, khu vực "kinh tế nhà nước (phải) giữ vai trò chủ đạo", và "kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng... [của nền kinh tế quốc dân]".
3. "Nhà nước XHCN... quản lý nền kinh tế theo nguyên tắc kết hợp thị trường với kế hoạch", và Nhà nước này "hạn chế và khắc phục mặt tiêu cực của cơ chế thị trường" [Xin chú ý: ở đây ÐCS nói kết hợp chứ không phải thay thế như một số nhà quan sát ngoại quốc và Việt kiều đã ngộ nhận. - VNT]
4. "Kinh tế thị trường định hướng XHCN thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động..., (và) đồng thời... theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh... " 8.
Như vậy là giữa một nền kinh tế thị trường thật sự - tức là một nền nền kinh tế thị trường mà ở đó có sự cạnh tranh lành mạnh dưới sự điều tiết và kiểm tra của một Nhà nước công minh - và một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như ở Việt Nam hiện nay, vẫn còn "một khoảng cách rất lớn" như một nhà kinh tế học Pháp đã nhận xét.9 Bởi vì trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam không có tự do cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế; hơn thế nữa, như ông Trần Ðình Hoan, ủy viên Bộ chính trị, đã nói: "kinh tế thị trường định hướng XHCN (chỉ có thể) phát triển dưới sự chỉ đạo của Nhà nước pháp quyền XHCN" 10 mà thôi, chứ không phải dưới sự điều tiết của một nhà nước không thiên vị.
Ở đây chúng tôi chỉ muốn bàn về 2 đặc điểm đầu của nền "kinh tế thị trường định hướng XHCN" nói trên mà thôi.

1. Ðặc điểm của kinh tế thị trường định hướng XHCN
Về đặc điểm thứ nhất, câu hỏi đầu tiên mà người ta có thể nêu lên là: ÐCSVN nói mục đích của họ là "phát triển lực lượng sản xuất"; thế thì tại sao từ 1986 đến nay, ÐCSVN không muốn cho khu vực kinh tế tư nhân - nhất là kinh tế tư bản tư nhân - phát huy tất cả tiềm lực của nó, trong khuôn khổ của một nền kinh tế nhiều thành phần, để góp phần vào việc "phát triển lực lượng sản xuất" dù rằng ÐCSVN thừa biết lợi thế, tiềm năng và vai trò tích cực của nó. Chỉ gần đây thôi, từ tháng 01.2000 trở đi, với việc thi hành "Luật doanh nghiệp", và nhất là từ hội nghị trung ương lần thứ 5 hồi đầu tháng 03.2002, ÐCSVN mới khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, dù còn có nhiều trở ngại trong thực tế (xem phần sau). Trong khi đó thì ÐCSVN lại hết sức cố gắng vực dậy kinh tế quốc doanh, với nhiều chính sách ưu đãi và cải tổ liên tục, để nó có thể "đóng vai trò chủ đạo" trong việc phát triển "lực lượng sản xuất", nhưng vẫn thất bại thảm hại (xem phần sau). Tuy nhiên, ÐCSVN vẫn có cái "lô-gích" của họ: theo giáo điều cộng sản thì, như đã ghi rõ trong bản báo cáo chính trị trình bày trước Ðại hội 9, "phát triển lực lượng sản xuất hiện đại phải gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất mới theo định hướng XHCN", "... ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng XHCN" (Chúng tôi nhấn mạnh- VNT) (ibid). Nói một cách khác, ÐCSVN không chấp nhận việc để bất cứ ai tham gia vào việc phát triển lực lượng sản xuất mà chỉ để dành việc này chủ yếu cho kinh tế quốc doanh (và một phần nào cho kinh tế tập thể) mà thôi; và làm như thế thì, theo quan niệm của ÐCSVN, nền kinh tế Việt Nam mới đi đúng theo định hướng XHCN. Nhưng kẹt một nỗi là kinh tế quốc doanh thì, như ai cũng biết, làm ăn tồi quá, không góp phần phát triển lực lượng sản xuất được bao nhiêu trong nhiều năm qua. Và bế tắc chính là ở chỗ này; cái "lô-gích" của ÐCSVN dẫn đến một nghịch lý như vậy đó!
Ngoài ra, phát triển lực lượng sản xuất còn là nhằm "xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của XHCN", tức là "thực hiện... sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN", và đó là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ (lên CNXH) " (ibid). Ðiều cần nhấn mạnh ở đây là ÐCSVN chủ trương công nghiệp hóa, nhưng phải theo kiểu XHCN mới được, chứ không thể theo kiểu tư bản chủ nghĩa như ở Nam Hàn, Ðài Loan vv... chẳng hạn.

Thế nào là công nghiệp hóa XHCN? Nói một cách giản dị, điều này có nghĩa là trong sự nghiệp quan trọng công nghiệp hóa đất nước, ÐCSVN phải dành ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước [DNNN] chứ không phải cho doanh nghiệp tư nhân, dựa trên cơ sở của nền "kinh tế thị trường định hướng XHCN". Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước đã chứng tỏ trong nhiều năm qua rằng nó hoàn toàn không có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ này (xem phần sau).
Chúng tôi muốn nhắc lại ở đây là ÐCSVN đã hô hào công nghiệp hóa XHCN từ lâu và nhiều lần rồi, mà kết quả cụ thể thì chẳng có gì đáng kể!
Khi chưa thống nhất đất nước, tại Ðại hội lần thứ 3 của đảng (tháng 09.1960), Tổng bí thư lúc đó là ông Lê Duẩn đã đưa ra chủ trương công nghiệp hóa XHCN ở miền Bắc, mà nội dung chính là "ưu tiên phát triển công nghiệp nặng". Chính sách này được cụ thể hóa tại hội nghị trung ương lần thứ 7 (tháng 06.1962), và lúc đó đảng cho rằng chỉ cần khoảng 10 năm thì có thể biến miền Bắc từ một nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế hiện đại! 11
Sau thống nhất, tại Ðại hội lần thứ 4 của ÐCSVN (tháng 12.1976) ông Lê Duẩn lại ra chỉ thị "đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN (để) đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN" trong vòng 20 năm 12.
Nhưng sau đó 20 năm, người ta chẳng thấy có thành tích gì chói lọi trong lĩnh vực công nghiệp cả! Rồi đến Ðại hội lần thứ 8 (tháng 06.1996), ÐCSVN lại hô hào phải tiến hành "công nghiệp hóa gắn liền với hiện đại hóa" nhằm "xây dựng CNXH" 13, và khẳng định một lần nữa là chỉ cần 20 năm, tức là đến năm 2015, thì Việt Nam về cơ bản sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại.
Nhưng gần đây, tại Ðại hội lần thứ 9 (tháng 04.2001), ÐCSVN lại kéo dài thêm thời gian 5 năm nữa và tuyên bố rằng với chính sách "công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN" thì "đến năm 2020 nước ta cơ bản (sẽ) trở thành một nước công nghiệp... hiện đại" 14.
Như vậy là từ Ðại hội đảng lần thứ 4 (1976) đến Ðại hội đảng lần thứ 9 (2001), tức là trong 25 năm qua, ÐCSVN đã nhiều lần khẳng định là, với chính sách "công nghiệp hóa XHCN " - mà họ cho là ưu việt hơn công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa - thì Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Nhưng thực tế hoàn toàn phủ định tham vọng này!
Bàn về kết quả của quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam từ 1976 đến nay, hai nhà kinh tế học ở Hà Nội đã thừa nhận rằng: "Mô hình công nghiệp kế hoạch hóa tập trung 1976-1987 đã thất bại. Mô hình tự do hóa đi kèm phá giá cao 1988-1991 đã đẩy công nghiệp Việt Nam vào bước suy thoái chưa từng có. Mô hình phát triển dựa quá nhiều vào đầu tư và vốn nước ngoài, thời kỳ từ 1992-1993 đến nay, vừa kém hiệu quả vừa đang dẫn đến bế tắc" 15.
Theo nhận xét của Bộ khoa học, công nghệ và môi trường ở Hà Nội thì "hiện nay trừ một số doanh nghiệp có trình độ công nghiệp hiện đại hoặc trung bình của thế giới và khu vực..., máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước của ta (là) lạc hậu so với thế giới và khu vực từ 10 đến 20 năm, thậm chí 30 năm..., trình độ cơ khí hóa, tự động hóa dưới 10%, mức độ hao mòn hữu hình từ 30 đến 50%" 16.
Ðó là kết quả của quá trình "công nghiệp hóa XHCN" của Việt Nam trong hơn 25 năm qua!
Nếu so sánh với Nam Hàn chẳng hạn - một nước mà vào đầu thập kỷ 60 có trình độ tương đương với Việt Nam - thì ta thấy khoảng 25 năm sau, tức là giữa thập niên 80, Nam Hàn đã trở thành một nước công nghiệp tiên tiến và cường quốc kinh tế thứ 10 trên thế giới nhờ áp dụng chính sách công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa mà Hà Nội chê bai. Và cuối thập niên 80 thì Nam Hàn đứng hàng thứ 8 về mặt kinh tế trên thế giới. Cách đây 40 năm, nhiều nhà quan sát ngoại quốc cho rằng Nam Hàn không có tương lai gì sáng sủa lắm về mặt kinh tế, nhưng ngày nay nước này đã leo lên đỉnh cao nhất của những nước sản xuất ra tàu chở dầu cực lớn và hiện đại, thép và các linh kiện điện tử 17. Hồi tháng 08.2001, trong chuyến công du ở Nam Hàn, chính Chủ tịch Trần Ðức Lương cũng đã hết lời ca ngợi "... những thành tựu phát triển rực rỡ mà nhân dân Hàn Quốc đã giành được trong mấy chục năm qua" 18.
&
& &
2. Về các thành phần kinh tế
Về đặc điểm thứ hai, tức là về vấn đề "nhiều thành phần kinh tế" trong nền "kinh tế thị trường định hướng XHCN" thì xin nhắc lại ở đây là tại Ðại hội lần thứ 8 của ÐCSVN (tháng 06.1996), người ta chỉ nêu lên 5 thành phần kinh tế mà thôi; và nó được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau: kinh tế nhà nước; kinh tế hợp tác; kinh tế tư bản Nhà nước; kinh tế cả thể - tiểu chủ; và cuối cùng mới là kinh tế tư bản tư nhân 19.
Tới Ðại hội lần thứ 9 (tháng 04.2001), ÐCSVN lại thêm vào một thành phần kinh tế nữa, tức là có 6 thành phần kinh tế tất cả; và các thành phần kinh tế này được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:
a. "Kinh tế nhà nước phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế (quốc dân)".
b. "Kinh tế tập thể, trong đó hợp tác xã là nồng cốt".
[Hai thành phần kinh tế này được coi là "nền tảng của nền kinh tế quốc dân"].
c. "Kinh tế cá thể - tiểu chủ, ở cả nông thôn và thành thị".
d. "Phát triển kinh tế tư bản tư nhân... trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước" (private capitalism sector) [chúng tôi nhấn mạnh - VNT].
e. "Phát triển kinh tế tư bản nhà nước dưới các hình thức liên doanh, liên kết giữa Nhà nước với tư bản tư nhân, trong nước và ngoài nước" (State capitalism sector)
f. "Tạo điều kiện để kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển thuận lợi" (Foreign-invested sector).
Trong 6 thành phần kinh tế này, chúng tôi sẽ bàn chi tiết về các thành phần (a), (c) và (d) mà thôi.

Về thành phần kinh tế nhà nước, hoặc quốc doanh (state sector) thì cần phải nói rõ là, ngoài các doanh nghiệp nhà nước ra, thành phần kinh tế này còn bao gồm hệ thống ngân sách quốc gia, dự trữ quốc gia, các quỹ quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước, ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu hoàn toàn hoặc chi phối, đất đai và các tài nguyên thiên nhiên, toàn bộ cơ sở hạ tầng sản xuất, và tuyệt đại bộ phận cơ sở hạ tầng xã hội. Nói một cách khác, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ là nòng cốt của thành phần kinh tế nhà nước mà thôi; nó không đồng nghĩa với "thành phần kinh tế nhà nước" như một số người lầm tưởng.
Theo nhận xét của một cán bộ lãnh đạo thì "với sức mạnh vật chất vừa kể trên (cộng với sức mạnh của luật pháp), Nhà nước XHCN có thể chi phối định hướng phát triển của nền kinh tế (quốc dân)" 20.
Trong báo cáo trước Quốc hội (tháng 04.1998), phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói về ảnh hưởng của doanh nghiệp nhà nước như sau:
"[Nó] nắm giữ một khối lượng rất lớn về tiền vốn, tài sản, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và hoạt động trên hầu hết những khâu và lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Tuy nhiên, một bộ phận lớn các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả,... số doanh nghiệp nhà nước khó khăn thua lỗ càng tăng lên, tạo ra sức ép nặng nề... trên các lĩnh vực thu chi ngân sách, việc làm, nợ quá hạn, vốn ngân hàng... " 21.
Về mặt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp nhà nước hiện nay thì báo chí trong nước nhận xét là, dù rằng từ 1991 đến đầu năm 2001 đã có tới ba đợt đại cải tổ và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, nhưng "ngân sách nhà nước [vẫn] phải gánh chịu các khoản lỗ lã do các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém cỏi, thất bát gây ra" 22. TS. Nguyễn Thị Doan, ủy viên trung ương đảng và phó trưởng ban kiểm tra trung ương đảng, cũng thừa nhận là sau ba đợt cải tổ nói trên trong 10 năm qua, "doanh nghiệp nhà nước vẫn có sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế thấp, chỉ khoảng 40% làm ăn có hiệu quả [đó là theo tiêu chuẩn của Việt Nam - VNT], 40% hiệu quả thấp hoặc huề vốn, 20% thua lỗ liên tục" 23. Tuy nhiên, theo ước lượng của cán bộ Ngân hàng nhà nước thì "75-80% tổng số 5400 doanh nghiệp nhà nước (sau 3 đợt cải tổ nói trên, con số doanh nghiệp nhà nước đã giảm từ 12.000 xuống còn 5.400 trong 10 năm qua - VNT) vẫn bị lỗ lã", dù họ vẫn được hưởng nhiều ưu đãi trong các chính sách của nhà nước cũng như được hưởng nhiều tiềm lực sản xuất do Nhà nước giao cho 24.
Về nợ của doanh nghiệp nhà nước thì coi như ngập đầu: "vào cuối năm 2000 [số nợ này] lên tới 190.000 tỷ đồng (13,1 tỷ US$) và bằng 33% của GDP; và cuối cùng toàn bộ số nợ xấu sẽ do Nhà nước trả từ tiền thuế của nhân dân" 25. Ðiều đáng chú ý là "nợ quá hạn, nợ khó đòi ngày càng tăng. Năm 2000, trong số 15,1% nợ quá hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước thì doanh nghiệp nhà nước chiếm 74,8%, [và việc này] đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động của hệ thống ngân hàng" 26. Toàn bộ số nợ của doanh nghiệp nhà nước, như báo chí đã tiết lộ, là hơn hẳn tổng số vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước!
Một bi kịch nữa là đi đôi với nạn tham nhũng trầm trọng trong các doanh nghiệp nhà nước, khả năng quản lý của các giám đốc doanh nghiệp nhà nước là rất thấp kém. Bà Nguyễn Thị Doan đã thừa nhận rằng: "theo Bộ tài chính thì [trong] đội ngũ giám đốc các doanh nghiệp nhà nước (năm 2000) có tới 67% không biết đọc bản báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp", và bà này tự hỏi "vậy làm sao họ có thể quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả được"? 27
Nhận xét một cách tổng quát về doanh nghiệp nhà nước, một cán bộ cao cấp viết như sau:
- "Hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp; tốc độ tăng trưởng của [nó] có biểu hiện giảm dần; nợ khó đòi ngày càng lớn...
- Ðầu tư đổi mới công nghệ chậm, trình độ công nghệ lạc hậu đang là cản trở lớn đối với khả năng cạnh tranh và quá trình hội nhập [kinh tế thế giới - VNT]. Hậu quả trực tiếp của tình trạng trên là một số mặt hàng sản xuất trong nước... có mức giá cao hơn giá nhập cảng từ 20 đến 40%...
- Quy mô của doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhỏ, chồng chéo về ngành nghề và tổ chức quản lý...
- Lao động thiếu việc làm và dôi dư có xu hướng ngày càng tăng là khó khăn lớn...
- Trình độ quản lý của doanh nghiệp nhà nước phần lớn còn yếu kém... chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, lúng túng trước cơ chế thị trường" 28.
Có lẽ cần nêu thêm một khía cạnh nữa là "hiệu quả đầu tư [của doanh nghiệp nhà nước] lại quá thấp; tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư thấp hơn mức lãi suất ngân hàng" 29.
Dù tình hình của doanh nghiệp nhà nước bi đát như kể trên, nhưng tại sao ÐCSVN vẫn khăng khăng chống lại việc thu hẹp doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi cơ cấu sở hữu của nó, trái lại còn nói "phải củng cố, [thậm chí] mở rộng và phát triển thêm"? 30. Ông Ðỗ Mười, đã giải thích như sau: "Một doanh nghiệp nhà nước xét riêng rẻ là lỗ, nhưng nó tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển hoặc phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng của Ðảng và Nhà nước, thì vì lợi ích toàn cục, vẫn phải được Nhà nước giúp cho doanh nghiệp ấy tồn tại và phát triển (chúng tôi nhấn mạnh - VNT)" (ibid).
Ðiều này nói lên rõ ràng quan hệ phụ thuộc, biện chứng, giữa chính trị và kinh tế 31, và trong trường hợp này chính trị là quyết định, dù rằng nó hoàn toàn đi ngược lại sự hợp lý về mặt kinh tế. Ông Ðỗ Mười còn cảnh cáo "một bộ phận cán bộ, đảng viên" - mà ông cho rằng "có định kiến với doanh nghiệp nhà nước" vì bị "luận điệu tuyên truyền và sức ép của các thế lực bên ngoài " - rằng "mọi sự coi nhẹ, làm suy yếu kinh tế nhà nước chính là biểu hiện của nguy cơ chệch hướng XHCN" 32.

Tiếp theo lời chỉ giáo của ông Ðỗ Mười, tân Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh cũng khẳng định (hồi tháng 08.2001) rằng: "chúng ta [ÐCSVN] không thể chấp nhận quan niệm coi doanh nghiệp nhà nước [là] tất yếu dẫn tới kém hiệu quả... ; kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, có vai trò quyết định trong việc giữ vững định hướng XHCN" 33.
Ðiều cần nhấn mạnh ở đây là, khác hẳn những gì mà các tổ chức tài chính quốc tế viện trợ cho Việt Nam chờ đợi, trong suốt quá trình "đổi mới" kinh tế, tỷ trọng của toàn bộ thành phần kinh tế quốc doanh (hoặc nhà nước) trong Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (GDP) mà trong đó doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt - lại tăng lên thay vì giảm đi (như ở Trung Quốc chẳng hạn): từ 29,2% năm 1991 34, tỷ trọng thành phần kinh tế quốc doanh tăng lên tới "trên 42%" trong Tổng Sản Phẩm Quốc Nội năm 2000 35, còn tỷ trọng của thành phần kinh tế tư nhân thì lại có xu hướng giảm đi thay vì phải tăng lên (xem phần sau). Ðó là do ý muốn chính trị của ÐCSVN vì họ đã từng tuyên bố "đổi mới nhưng quyết không đổi màu", tức là ÐCSVN không bao giờ đi chệch con đường tiến lên XHCN 36. ÐCSVN vẫn cố bám lấy tư tưởng giáo điều là kinh tế quốc doanh phải là "bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" và là một trong hai trụ cột của "nền tảng vửng chắc của nền kinh tế quốc dân"; nó vẫn phải đóng "vai trò chủ đạo trong nền kinh tế (quốc dân)" 37.

Một trong những việc sắp xếp lại và giải thể các doanh nghiệp nhà nước là "cổ phần hóa" (equitization) một bộ phận doanh nghiệp nhà nước.
Tính đến cuối năm 2000, chỉ có "gần 400 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa theo quyết định 202/CP" mà thôi 38; và "số vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa còn rất thấp, chỉ bằng hơn 1% tổng số vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp nhà nước" (ibid). Trong 10 năm qua, theo lời một viên chức Hội đồng cải tổ doanh nghiệp nhà nước, thì có tất cả là 915 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa mà thôi 39. Rõ ràng là tiến trình "cổ phần hóa" vẫn diễn ra rất chậm chạp, dù là có áp lực và viện trợ của các tổ chức tài chính quốc tế. Xin nhắc lại ở đây là mục đích "cổ phần hóa", theo quan niệm của ÐCS, là để huy động thêm vốn, nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước làm ăn có hiệu quả hơn, chứ không phải để tư nhân hóa như một số người đã lầm tưởng: "cổ phần hóa không phải là... tư nhân hóa mà là quá trình ra đời chế độ sở hữu theo mục tiêu XHCN" 40 [tức là sở hữu của người lao động nhờ mua được cổ phần của doanh nghiệp nhà nước].
Tại các doanh nghiệp đã được "cổ phần hóa", Nhà nước vẫn còn nắm giữ từ 15 đến 30% cổ phần; ngoài ra, theo quy định, mỗi người lao động chỉ được mua 10 cổ phần cho mỗi năm làm việc; không pháp nhân nào được nắm quá 10% cổ phần; không một cá nhân nào được nắm quá 5% cổ phần; và vốn nước ngoài không vượt 30% cổ phần 41.
Có lẽ cần nhấn mạnh thêm là "cổ phần hóa" đáng lẽ phải dẫn tới một sự thay đổi quan trọng trong phương thức quản lý các doanh nghiệp nhà nước, vì chỉ có như vậy thì các tài nguyên mới được sử dụng một cách có hiệu quả hơn. Nhưng trên thực tế thì người ta không thấy điều này xảy ra ở Việt Nam.
Trong tháng 08.2001, tại hội nghị trung ương lần thứ 3, ÐCSVN đã quyết định đại cải tổ và sắp xếp lại một lần nữa doanh nghiệp nhà nước (xem nghị quyết 05-NQ/TU đề ngày 24.09.2001)42. Ðây là đợt đại phẫu thuật lần thứ 4 của doanh nghiệp nhà nước vì nó "vẫn yếu kém và trì trệ" 43 sau 3 đợt cải tổ trước đây! Nhưng chắc số phận của đợt cải tổ này cũng sẽ không khác gì hơn số phận của các đợt cải tổ trước đây.
TS. Lê Ðăng Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng: "Cải cách doanh nghiệp nhà nước bây giờ là do yêu cầu bức xúc của hội nhập [kinh tế thế giới - VNT], của thị trường"; và ông này còn nói rõ thêm rằng trong một cuộc điều tra về khả năng cạnh tranh của hơn 40 ngành thì "thấy rằng những ngành sử dụng nhiều vốn và công nghệ của [Việt Nam] vẫn còn kém quá, rất khó cạnh tranh" 44. Còn theo một cán bộ lãnh đạo khác của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế nói trên thì "chỉ có 21% số xí nghiệp quốc doanh hiện nay có thể tồn tại trong công cuộc hội nhập [với kinh tế thế giới - VNT]" 45. Báo chí trong nước còn nhấn mạnh là "việc doanh nghiệp nhà nước được hưởng các ưu đãi, độc quyền đã góp phần kìm hãm sức phát triển của khu vực tư nhân, khiến cho sức cạnh tranh chung của [Việt Nam] trên thị trường quốc tế càng thêm suy yếu" 46. Năm 2001, theo đánh giá về năng lực cạnh tranh quốc gia của "Diễn Ðàn Kinh Tế Thế Giới" (WEF) công bố ngày 18.10.2001 thì Việt Nam chỉ được xếp vào hạng 62 trên 75 nước được xem xét mà thôi 47.

&
& &

Bây giờ chúng tôi muốn bàn tới vấn đề khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (non-state sector: nó bao gồm kinh tế tập thể, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế cá thể - tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Cần nói rõ ở đây là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh không bao giờ đồng nghĩa với khu vực kinh tế tư nhân như một số người đã ngộ nhận. Bởi vì phạm trù kinh tế ngoài quốc doanh bao gồm lẫn lộn, một mặt, thành phần kinh tế có tính chất XHCN như là kinh tế tập thể, hoặc bán XHCN như là kinh tế tư bản nhà nước; và mặt khác, khu vực kinh tế tư nhân thuần túy như là kinh tế cá thể - tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân.

Kinh tế tập thể bao gồm các hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt; các hợp tác xã này dựa trên sở hữu của các hộ xã viên và sở hữu tập thể.
Ðiều đáng chú ý là gần đây, tại hội nghị trung ương lần thứ 5 (đầu tháng 03.2002), ÐCSVN lại chủ trương đẩy mạnh trở lại việc "phát triển... kinh tế tập thể", nhằm tăng tỷ trọng của nó trong GDP trong 5 năm tới (theo tinh thần Nghị quyết số 13-NG/TU đề ngày 18.03.2002) 48. Báo chí của đảng nhấn mạnh là kinh tế tập thể hiện nay khác với kinh tế hợp tác xã trước khi có "đổi mới", nhưng khác như thế nào thì chưa thật rõ, kể cả trong giới lãnh đạo!

Kinh tế tư bản nhà nước được thể hiện "dưới các hình thức liên doanh, liên kết giữa kinh tế quốc doanh với kinh tế tư bản tư nhân trong nước và ngoài nước" 49. Xin nhắc lại ở đây quan điểm của Lênin về thành phần kinh tế này bởi vì nó vẫn còn có hiệu lực ở Việt Nam hiện nay. Theo quan điểm này thì bản chất của kinh tế tư bản nhà nước thay đổi tùy theo chế độ nhà nước: nếu nhà nước đó là nhà nước tư bản chủ nghĩa thì thành phần kinh tế tư bản nhà nước ở đó lẽ dĩ nhiên có tính cách tư bản chủ nghĩa; còn nếu nhà nước đó là nhà nước cộng sản hoặc XHCN tức là nhà nước đó "có khả năng hạn chế chủ nghĩa tư bản" 50 thì thành phần kinh tế tư bản nhà nước ở đó đã có tính cách "3/4 của CNXH" rồi 51. ÐCSVN cũng nhắc lại rằng "Lênin coi chủ nghĩa tư bản nhà nước là một chính sách, một công cụ mà Nhà nước XHCN dùng để điều tiết và quản lý hoạt động của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư bản tư nhân trong thời kỳ quá độ lên CNXH" 52. Như vậy là, trái với sự ngộ nhận của một số người, thành phần kinh tế tư bản nhà nước trong chế độ XHCN ở Việt Nam không phải là con đường rẽ để đi tới chủ nghĩa tư bản mà trái lại là một con đường vòng để "quá độ lên CNXH"!
Ðiều đáng chú ý ở đây là trong thành phần kinh tế tư bản nhà nước ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 98% các dự án liên doanh với nước ngoài, trong năm 2000 chẳng hạn 53.

Về kinh tế cá thể - tiểu chủ cả ở nông thôn lẫn thành thị thì, theo chủ trương của ÐCSVN, nó "được Nhà nước tạo điều kiện và giúp đỡ để phát triển" 54.

Còn về kinh tế tư bản tư nhân thì phải nói rằng từ cuối những năm 80 đến nay, ÐCSVN luôn luôn chủ trương phát triển nó trên lý thuyết, nhưng trên thực tế thì thành phần kinh tế này vẫn gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn.
Một tài liệu nghiên cứu Việt-Nhật cho biết là doanh nghiệp tư nhân phải trả lãi suất cao hơn nhiều trong việc vay mượn vốn (trên 20%) so với doanh nghiệp nhà nước (8,5-9%); hơn nữa, các món vay mượn của xí nghiệp tư nhân chỉ có tính cách ngắn hạn, và rất nhiều hãng tư nhân không hề được cấp tín dụng 55. Các xí nghiệp tư nhân còn "phải đương đầu với thuế suất quá cao, nộp trăm thứ nghĩa vụ ngoài quy định, gặp sự thờ ơ của các ngân hàng và một đống quy chế bất lợi" 56. Ðáng chú ý là các xí nghiệp tư nhân bản xứ phải đóng thuế lợi tức cao tới 30-50%, trong khi đó thì các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ phải chịu thuế suất 15-20% mà thôi 57. Một nhà kinh tế ở Hà Nội nhận xét rằng: "... so với doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân [chỉ] có quy mô nhỏ, vốn ít, và không có lợi về mặt bằng, nhà xưởng và vị trí" 58. Một nhà kinh tế Việt Nam khác thì thừa nhận là "dân chưa hoàn toàn yên tâm về chính sách lâu dài cho kinh tế tư nhân phát triển của nhà nước [XHCN]. Sự lởn vởn trong tâm tư những câu hỏi: tư bản tư nhân được phát triển đến bao giờ?... Liệu có phải vỗ béo rồi giết thịt hay không?... " 59. Có lẽ cần nhắc lại ở đây là chính ông Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Tổng bí thư, trong bài diễn văn đọc tại hội nghị trung ương lần thứ 6 (tháng 03.1999) cũng đã nói là trong tương lai các "thành phần kinh tế tư nhân [sẽ] bị cải tạo XHCN" 60!
Những sự kiện vừa kể trên cho thấy nhận xét của một số nhà quan sát nước ngoài cho rằng, với sự xuất hiện kinh tế thị trường, Nhà nước XHCN ở Việt Nam cho phép kinh tế tư nhân tha hồ hoạt động, thậm chí có thể đóng vai trò chủ yếu trong nền kinh tế quốc dân, là hoàn toàn sai sự thật 61.
Dưới áp lực của các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ Hà Nội đã ban hành "Luật doanh nghiệp" hồi tháng 06.1999 (và nó đã có hiệu lực từ ngày 01.01.2000) nhằm - trên lý thuyết - tạo điều kiện thuân lợi cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân mới dễ dàng hơn trước đây, và bãi bỏ các loại giấy tờ không cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế thì, như tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn [thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh] đã thừa nhận: "còn nhiều yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế tư nhân. Trước hết, tư nhân vẫn khó tiếp cận các nguồn tín dụng, do ngân hàng [nhà nước] thích cho doanh nghiệp nhà nước vay hơn... [Còn] về đất đai [thì] doanh nghiệp tư nhân cũng không có lợi thế. Họ không được cấp đất nhiều như doanh nghiệp nhà nước, mà phải mua lại rồi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng hoặc thuê của nhà nước. Quá trình làm thủ tục này... rất khó khăn, làm chậm trễ việc đầu tư mở rộng sản xuất... Ngoài ra, việc tham gia kinh doanh những ngành, nghề cần vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề cũng ách tắc... Một số chính sách thuế áp dụng cho khu vực [kinh tế] tư nhân chưa hợp lý" 62. Tờ tuần báo này còn than phiền là "Luật doanh nghiệp đang bị gặm nhấm" và hiện nay "vẫn còn khoảng 400 văn bản pháp luật khác nhau có những nội dung quy định trái với tinh thần Luật doanh nghiệp" 63. Tuy trong thời gian "hơn 10 năm qua nhà nước đã cố gắng dẹp đi rào cản... [nhưng] con đường đi lên của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn gập ghềnh" 64.
Sau hai năm áp dụng "Luật doanh nghiệp", báo chí trong nước vẫn tiếp tục nói đến các khó khăn của doanh nghiệp tư nhân. Nó "không chỉ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn khi mới thành lập doanh nghiệp mà còn trong cả hoạt động kinh doanh và xuất khẩu... Các doanh nghiệp tư nhân chỉ còn cách tốt nhất là trông chờ vào nguồn vốn tự có, vốn cổ phần, vốn vay người thân... hay vay tư nhân với lãi suất cao, đôi khi gắp 3 đến 6 lần lãi suất ngân hàng" 65.
Dù có "Luật doanh nghiệp" mới, nếu xem xét kỹ nội dung các văn bản đang soạn thảo hoặc đã được ban hành thì ta "thấy rõ hiện tượng cố níu kéo [cơ chế cũ - VNT] và duy trì một phần cơ chế xin-cho dưới các hình thức mới" 66.
Nhìn chung, theo một nhà kinh tế ở trong nước thì "kinh tế tư nhân còn nhỏ bé, phân tán, trình độ công nghệ, quản lý và tay nghề của người lao động còn nhiều hạn chế. Bên cạnh khó khăn chung của các doanh nghiệp về thị trường tiêu thụ, sức cạnh tranh, kinh tế tư nhân... còn có nhiều khó khăn, vướng mắc hơn về vốn hoạt động, về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, về cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, về môi trường pháp lý, môi trường tâm lý xã hội, còn khó khăn trong việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước" 67.
Do các trở ngại vừa nêu bên trên cho nên ta không lấy gì làm lạ là "ở nước ta, giới tư nhân chưa đầu tư làm ăn lớn, chưa hợp lực, chung vốn để thành lập những công ty lớn để có thể nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh trên thị trường" 68 [tác giả nhấn mạnh - VNT], dù rằng "hiện nay, theo một số nghiên cứu, vốn nhàn rỗi ở trong dân [là] vào khoảng 6-8 tỷ US$" 69.
Cần nhấn mạnh một điều là, theo thống kê chính thức của Hà Nội, tỷ trọng kinh tế tư nhân thuần túy (tức là kinh tế cá thể - tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân) trong Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (GDP) của Việt Nam, thay vì tăng lên trong quá trình "đổi mới" kinh tế như người ta chờ đợi, thì nó lại giảm đi! Ví dụ: năm 1996, tỷ trọng kinh tế tư nhân thuần túy chiếm 28,48% của GDP (trong đó kinh tế cá thể - tiểu chủ chiếm 21,28%, và kinh tế tư bản tư nhân chiếm 7,21%) thì đến năm 2000, tỷ trọng này giảm xuống còn 26,87% của GDP (trong đó phần kinh tế cá thể - tiểu chủ chiếm 19,72%, và kinh tế tư bản tư nhân chiếm 7,14%)70.
Ðiều ngạc nhiên là, dù thực tế như vậy, ông Andrew Steer, lúc đó là giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã nhận xét rằng cải cách khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam là "tương đối tốt" (!) tại hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam họp tại Hà Nội hồi tháng 12.2001 71.
Gần đây, dưới áp lực của các tổ chức tài chính quốc tế, tại hội nghị trung ương đảng lần thứ 5 (tháng 03.2002), ÐCSVN đã ra một nghị quyết mà mục tiêu của nó là "tiếp tục đổi mới cơ chế và chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện phát triển [thành phần kinh tế tư nhân - VNT)... theo pháp luật... dưới sự lãnh đạo của Ðảng"; và nghị quyết này còn nhấn mạnh rằng chính sách vừa nói trên là "một vấn đề chiến lược lâu dài" (tới bao lâu? - VNT) 72. Phải chờ xem trong tương lai người ta sẽ áp dụng nghị quyết này như thế nào trên thực tế.

Bây giờ xin nói vắn tắt tới thành phần kinh tế thứ 6, tức là kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (foreign-invested sector).
Báo cáo chính trị trước Ðại hội đảng lần thứ 9 có ghi rõ: "Tạo điều kiện để [thành phần kinh tế này] phát triển thuận lợi, hướng vào mục tiêu phát triển các sản phẩm xuất khẩu... và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với thu hút công nghệ hiện đại. " 73.
Ở đây có lẽ chỉ cần lưu ý một điều là ở Việt Nam, Nhà nước còn "có sở hữu trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như trong công ty khai thác dầu khí", trong đó Nhà nước có hơn 50% cổ phần 74. Như thế thì thành phần kinh tế này có tính cách bán XHCN chứ không phải là hoàn toàn tư nhân như một số người lầm tưởng.

Nhìn chung thì ta thấy nền kinh tế quốc dân Việt Nam là một nền kinh tế hỗn hợp, trong đó một mặt thì có các thành phần kinh tế có tính cách XHCN (như kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể) và bán XHCN (như kinh tế tư bản nhà nước), mặt khác thì có các thành phần kinh tế tư nhân thuần túy (như kinh tế cá thể - tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân). Nhưng phải nhấn mạnh là trong nền kinh tế hỗn hợp này, tỷ trọng của các thành phần kinh tế có tính cách XHCN và bán XHCN vẫn chiếm ưu thế trong GDP, so với tỷ trọng của các thành phần kinh tế tư nhân thuần túy. Xin lấy ví dụ năm 1999 chẳng hạn (chúng tôi không có số liệu nào mới hơn) 75: Nếu ta tính gộp cả kinh tế quốc doanh (40,2% của GDP), kinh tế tập thể (9%) và kinh tế tư bản nhà nước (3%) thì ta thấy tỷ trọng tổng hợp của các thành phần kinh tế có tính cách XHCN và bán XHCN lên tới 52,2% của Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (GDP) trong khi đó thì toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân thuần túy [bao gồm kinh tế cá thể - tiểu chủ: 34%, và kinh kinh tư bản tư nhân: 3,4%] chỉ chiếm có 37,4% của GDP mà thôi. Ðó là chưa kể thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó Nhà nước XHCN cũng có cổ phần [10,4% của GDP]. Do đó, dù có "đổi mới" kinh tế trong 15 năm qua, ta có thể khẳng định rằng nền kinh tế quốc dân Việt Nam về cơ bản vẫn còn có tính cách XHCN và bán XHCN, chứ không phải đã biến thành tư bản chủ nghĩa như một số nhà quan sát quốc tế và Việt kiều đã ngộ nhận, nhất là khi phải tính đến một yếu tố quan trọng nữa, đó là vai trò điều tiết và quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước XHCN.
Dù về cơ bản là có tính cách XHCN nhưng ÐCSVN vẫn muốn lợi dụng tối đa khoa học kỹ thuật và vốn liếng của các nước tư bản chủ nghĩa, và viện trợ của các tổ chức tài chính quốc tế để phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước 76. Tuy vậy họ vẫn tuyên bố, như ÐCS Trung Quốc, là phải "bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa [tức là] bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất (bao gồm cả ba mặt: sở hữu tư liệu sản xuất, quản lý nền kinh tế và phân phối thu nhập - VNT) và kiến trúc thượng tầng (bao gồm ý thức hệ, thể chế chính trị, luật pháp, văn hóa, tôn giáo và triết học, v.v.. - VNT) tư bản chủ nghĩa" 77. Ðó là ý đồ của họ, còn họ có thực hiện được việc này, tới mức độ nào lại là một chuyện khác.
Ðiều đáng chú ý là nền kinh tế Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế hỗn hợp lũy tích các khía cạnh tiêu cực nhất, vừa của CNXH hoang tàn, vừa của tư bản chủ nghĩa hoang dại, theo kiểu Trung Quốc 78.
&
& &

3. Kết quả "đổi mới" kinh tế
Sau khi phân tích các thành phần kinh tế nói chung, chúng tôi xin bàn đến kết quả của quá trình "đổi mới" kinh tế trong mấy năm qua 79.
Theo số liệu chính thức của Hà Nội thì tốc độ tăng trưởng của Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (TSPQN, tức là GDP tiếng Anh) đã diễn biến như sau:

Tốc độ tăng trưởng hàng năm của Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (GDP) của Việt Nam (1991-2001):
(photo)

Nguồn:
(a) Tổng Cục Thống Kê (TCTK), Hà Nội, trích theo:- Xuân Quang, Dân Chủ & Phát Triển (Ðức), số 17, tháng 03.2000, tr. 31.- Vietnam: EIU, Country Profile - 2001, tr. 5 và EIU, Country Report, July 2001, tr. 5, The Economist Intelligence Unit limited 2001, London.- Ambassade de France au Vietnam, Mission économique: Situation économique du Vietnam en 2001, Hanoi, 28.12.2001, tr. 1.- Nguyễn Sinh Cúc, TCCS, số đặc biệt - số 2, tháng 01.2002, tr. 26.
(b) IMF, Staff Report For The 2001 Article IV Consultation & First Review..., Asia & Pacific Department, Nov.7, 2001, tr. 54.

Trên đây là tốc độ tăng trưởng hằng năm của Tổng Sản Phẩm Quốc Nội do Tổng cục thống kê Hà Nội, và do Ngân Hàng Thế Giới (WB: tiếng Anh) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF: tiếng Anh) công bố. Ðiều đáng chú ý là từ năm 1998 trở đi thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam do Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế công bố thấp hơn nhiều so với số liệu của Hà Nội. Ví dụ năm 2000, tăng trưởng hằng năm của Tổng Sản Phẩm Quốc Nội của Việt Nam là 6,75% theo Hà Nội, nhưng theo Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì chỉ có 5,5%; năm 2001 thì Hà Nội đưa ra con số 6,8%, nhưng theo Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì chỉ có 4,8% mà thôi 80.
Các số liệu trên đây cho thấy trong kế hoạch 5 năm (1991-1995) tốc độ tăng trưởng hằng năm của Việt Nam tăng lên liên tục từ 1991 đến 1999, tức là từ 6% lên tới 9,5% (trung bình trong kế hoạch này là tăng 8,2%/năm). Ðó là "thời kỳ hoàng kim của kinh tế Việt Nam" 81. Sở dĩ có tăng trưởng khá cao trong giai đoạn nói trên là nhờ ba lý do chính:
a. Nhờ "phát triển kinh tế nhiều thành phần" cho nên đã khai thác được triệt để tiềm lực sẵn có mà cơ chế cũ (xóa bỏ khu vực kinh tế tư nhân theo chủ trương của Hồ Chí Minh và ÐCS trước 1986; và kế hoạch hóa tập trung, "quan liêu, bao cấp") không tạo điều kiện cho việc khai thác có hiệu quả. Nói một cách khác, sở dĩ có tăng trưởng khá cao là nhờ sửa chữa các sai lầm nghiêm trọng của chính sách kinh tế của ÐCSVN trước 1986.
Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn của một tuần báo nước ngoài, ông Võ Nguyên Giáp cũng thừa nhận là đáng lẽ trước đây, Việt Nam không nên gạt bỏ khu vực kinh tế tư nhân như đã làm 82. Ðiều đáng chú ý là sau khi đả phá kinh tế nhiều thành phần trong gần 30 năm qua, ÐCSVN lại quay trở lại chủ trương một nền kinh tế với nhiều thành phần kinh tế, tức là quay trở lại bước đầu... sau bao nhiêu lãng phí sức người, tiền của và thời gian.

b. Nhờ sự phát huy tác dụng của đầu tư nước ngoài và một số khoản đầu tư trong nước trước đó.

c. Thêm vào đó là vì điểm xuất phát của Tổng Sản Phẩm Quốc Nội để tính toán là quá thấp cho nên nó chỉ cần tăng lên một ít về khối lượng thôi thì ta thấy tỷ lệ tăng trưởng của nó vọt lên khá cao; đó chỉ là một vấn đề toán học thuần túy mà thôi.

Tuy nhiên, sau thời kỳ "hoàng kim" thì ta thấy bắt đầu từ 1996, tốc độ tăng trưởng hàng năm của Tổng Sản Phẩm Quốc Nội có xu hướng giảm dần cho tới năm 1999: từ 9,3% xuống còn 4,8%. Thực tế này bác bỏ luận điệu lừa bịp của ông Ðỗ Mười, lúc đó là Tổng bí thư, khi ông này khẳng định trong "báo cáo chính trị" tại Ðại hội 8 của ÐCSVN (tháng 06.1996) rằng "nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài hơn 15 năm" 83. Thật vậy, hai năm sau ông Ðỗ Mười, Thủ tướng Phan Văn Khải, trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội (ngày 28.10.1998) thừa nhận là "nhịp độ tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu giảm sút từ năm 1996... ; những yếu tố thiếu lành mạnh... đã xuất hiện trước khi bùng nổ khủng hoảng... [tài chính ở Châu Á từ giữa năm 1997 - VNT]. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận rõ những mặt yếu kém của bản thân nền kinh tế nước ta mà cuộc khủng hoảng khu vực làm tăng thêm và bộc lộ rõ hơn" (chúng tôi nhấn mạnh - VNT) 84. Nói một cách khác, trái với luận điệu của bộ máy tuyên truyền của ÐCS, nguyên nhân chủ yếu của sự suy thoái bắt đầu từ 1996 là do yếu tố bên trong nền kinh tế Việt Nam (do "đổi mới" đã nửa vời rồi mà còn lại dẫm chân tại chỗ từ 1997 đến 2000) chứ không phải do yếu tố bên ngoài (khủng hoảng tài chính ở Châu Á); và yếu tố thứ hai chỉ làm trầm trọng thêm yếu tố thứ nhất mà thôi (vì cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á giữa năm 1997 chỉ tác động tới kinh tế Việt Nam từ đầu năm 1998 mà thôi).

Năm 1999 là năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam vì đã xảy ra tình trạng suy thoái kèm với thiểu phát, và cung vượt quá cầu; và tình trạng này là nguyên nhân trực tiếp làm cho sản xuất không thể phát triển được.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế năm 2000 đã sáng sủa hơn năm trước đó: xu hướng suy thoái từ 1996 đến 1999 đã bị phần nào đảo ngược do các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của tất cả các thành phần kinh tế, song song với một chương trình kích cầu thông qua việc kích thích đầu tư và tiêu dùng rộng lớn, nhằm vực dậy nền kinh tế quốc dân.

Trong năm 2001, tăng trưởng hàng năm, theo chính quyền Hà Nội là 6,8%, nhưng theo Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì "chỉ đạt 4,8% [mà thôi], mà chủ yếu là nhờ "Luật doanh nghiệp" đã... tạo ra động lực đầu tư [tư nhân] trong nước"... ; "[tuy nhiên] về cơ bản nền kinh tế [Việt Nam] vẫn... còn kém hiệu quả, kém cạnh tranh và chưa đạt được sự tăng trưởng bền vững" 85. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã thừa nhận trước Quốc hội hồi tháng 11.2001 rằng: "tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những yếu kém tồn tại nhiều năm qua chưa khắc phục được... đan xen với những vấn đề mới phát sinh, hạn chế quá trình phát triển, chủ yếu là: chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; cơ cấu sản xuất chuyển dịch chưa kịp với yêu cầu của thị trường, nhất là việc khắc phục kém về chất lượng và giá cả cao... ; chi phí sản xuất cao và có xu hướng tăng lên... ; tỷ lệ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh kém hiệu quả còn cao; nợ khó đòi của các ngân hàng còn lớn... " 86. Một nhà kinh tế ở Hà Nội còn nói rõ thêm: "tình trạng phổ biến [trong năm 2001] là... nhiều sản phẩm làm ra có chất lượng thấp, giá thành cao..., khả năng tiêu thụ sản phẩm khó khăn,... hàng tồn kho lớn. Năng lực cạnh tranh hàng hoá, dịch vụ của nước ta nhìn chung còn thấp do trang thiết bị công nghệ của nhiều doanh nghiệp còn yếu kém, lạc hậu so với thế giới từ 10 đến 30 năm, cộng thêm những yếu kém về quản lý, hạn chế về môi trường đầu tư kinh doanh...,và hạn chế về cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại" 87.
Về năng lực cạnh tranh của Việt Nam thì, theo đánh giá của "Diễn đàn kinh tế thế giới" (gọi tắt tiếng Anh là "WEF"), năm 1998 Việt Nam được xếp hạng ở vị trí 39 trên 53 quốc gia, và đến năm 2001 thì Việt Nam được xếp hạng ở vị trí 62 trên 75, tức là năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn rất hạn chế hiện nay 88.
Tính theo đầu người thì Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (GDP/per capita) của Việt Nam, theo một tài liệu gần đây của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế 89, thì chỉ đạt 390 US$ năm 2000 so với 288 US$ hồi năm 1995. Ðiều đáng chú ý là Tổng Sản Phẩm Quốc Nội / đầu người của Việt Nam năm 2000 (390 US$) là thấp hơn so với chỉ tiêu do Ðại hội 8 của ÐCSVN đã đề ra: 400 US$ 90.
Trong năm 2001, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng thừa nhận rằng GDP / đầu người ở Việt Nam "mới có 400 US$ trong khi một số nước xung quanh đã đạt được 1.000 đến 2.000 US$, [còn] các nước phát triển cao đã đạt trên 20.000-30.000 US$" 91.
Còn nếu tính theo Tổng Sản Phẩm Quốc Gia / đầu người (tức là GNP/per capita gọi tắt tiếng Anh) thì GNP/per capita của Việt Nam năm 2000 là 398 US$, trong lúc đó ở Thái lan là 1.984 US$, ở Malaixia là 3.531 US$, ở Ðài loan là 14.216 US$ và Xing-ga-po là 24.664 US$ 92.
Theo GS. Trần Văn Thọ (Ðại học Waseda, Tokyo) thì "kinh tế Việt Nam hiện nay phát triển chậm hơn Thái lan khoảng 20-25 năm" (chúng tôi nhấn mạnh - VNT) dù rằng vào giữa thế kỷ 20, Việt Nam có trình độ phát triển tương đương với Thái lan93.
Gần đây, ông Võ Nguyên Giáp cũng thừa nhận, trong một cuộc hội thảo ở Hà Nội, rằng: "Chúng ta [các nhà lãnh đạo Việt Nam - VNT] phải... dũng cảm nhìn vào sự thật, thấy rõ rằng nước ta vẫn còn là một nước lạc hậu và nghèo nàn trên thế giới. Thu nhập đầu người còn thấp hơn mấy chục lần so với các nước trong khu vực [Ðông Nam Á - VNT] và hàng trăm lần so với các nước tiên tiến. Trình độ công nghệ so với các nước trung bình còn lạc hậu hơn mấy thập kỷ, so với các nước tiền tiến thì gần cả trăm năm. Trong khi các nước phát triển đã đi qua hai cuộc cách mạng công nghiệp và bước vào nền kinh tế tri thức thì nước ta mới bắt đầu tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa" 94.
Ðiều đáng tiếc là ông Giáp, một mặt thì thừa nhận tình trạng rất lạc hậu của Việt Nam, nhưng mặt khác thì vẫn tán thành đường lối "tiến lên CNXH" của ÐCS mà không thấy - hoặc không muốn thấy? - rằng cái này (CNXH) là nguyên nhân trực tiếp của cái kia (tình trạng lạc hậu). Có lẽ nào một nhà thông thái và am hiểu tình hình như ông Giáp mà không thấy quan hệ nhân quả giữa CNXH và sự lạc hậu của Việt Nam ngày nay hay sao?
Theo sự tính toán của GS. David Dapice (đại học Tufts và Harvard), nếu trong tương lai mức tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ là 6% / năm thôi thì GDP / đầu người của Việt Nam (tính bằng US$) trong 20 năm nữa cũng chưa đạt được một nửa GDP / đầu người của Thái lan vào năm 1999! 95 Và nếu mức tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam là 10% / năm thì chỉ đến năm 2019 mức chênh lệch mới bắt đầu giảm, và GDP / đầu người của Việt Nam mới vượt GDP / đầu người của Thái lan vào năm 1999 (ibid).
&
& &
Ðể có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững nhằm tạo khả năng đuổi kịp các nước láng giềng trong tương lai và khắc phục tình trạng tụt hậu xa hơn nữa - và đó là nỗi quốc nhục hiện nay - Việt Nam phải làm gì?
Một số nhà kinh tế trong nước 96, một số Việt kiều 97 và vài nhà kinh tế ngoại quốc 98 đã đóng góp khá nhiều ý kiến về vấn đề này rồi. Tuy nhiên, theo thiển ý, chúng tôi nghĩ rằng ÐCSVN và Nhà nước Việt Nam có thể áp dụng 10 biện pháp cơ bản sau đây để đạt mục tiêu nói trên:
1. Mạnh dạn cởi trói thật sự khu vực kinh tế tư nhân thuần túy, nhất là kinh tế tư bản tư nhân.
Ðể làm việc này ÐCSVN cần:
a. xóa ngay tâm lý nghi kỵ và tâm lý xem thường các đơn vị dân doanh trong các cấp quản lý của Nhà nước XHCN. Cần giải phóng tư tưởng lạc hậu ở trong và ở ngoài ÐCS đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh nói chung, và kinh tế tư bản tư nhân nói riêng.
b. đưa ra một chính sách rõ ràng, nhất quán để tạo yên tâm cho các nhà đầu tư tư nhân để họ không sợ bị "cải tạo XHCN" như trước đây 99. Tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn đã khuyến cáo rằng: "với nền kinh tế nhiều thành phần, ÐCS cần đóng vai trò chủ động đối với việc xuất hiện các nhà tư bản dân tộc"100. Cũng cần khuyến khích giới tư nhân Việt Nam đầu tư làm ăn lớn, và cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh tư bản tư nhân.
c. thiết lập sân chơi thật sự bình đẳng giữa kinh tế quốc doanh và kinh tế tư nhân, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng.
d. khuyến khích doanh nghiệp tư doanh cạnh tranh một cách bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước ở trong nước để, sau một thời gian tập dượt, cả hai thành phần kinh tế này có thể đương đầu với sự cạnh tranh quốc tế khi hội nhập vào kinh tế thế giới.
Cởi trói kinh tế tư nhân, nhất là kinh tế tư bản tư nhân là điều kiện thiết yếu để dần dần tiến tới một nền kinh tế thị trường thật sự (chứ không phải một "nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" như hiện nay).
2. Kiên quyết cải cách triệt để các doanh nghiệp nhà nước bằng cách:
a. giảm bớt dần tỷ trọng khu vực kinh tế quốc doanh trong cơ cấu của GDP (và một cách tương liên, nâng cao dần tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân).
b. giảm mạnh và tái cấu trúc lại các món nợ lớn của doanh nghiệp nhà nước nhằm cải tổ các món nợ khó đòi của ngân hàng.
c. áp dụng một cách hết sức nghiêm túc kỷ luật tài chính đối với ngân sách của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc vận hành của một nền kinh tế thị trường thật sự; và áp dụng triệt để luật phá sản đối với các doanh nghiệp nhà nước lổ lã triền miên.
d. đẩy mạnh hơn việc "cổ phần hóa" các doanh nghiệp nhà nước 101 bằng cách:
- mở rộng đối tượng mua cổ phần cho các tổ chức hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam và người nước ngoài.
- xóa bỏ mức khống chế về quyền mua cổ phần lần đầu.
- xử lý tài chính trước khi "cổ phần hóa".
- xác định trị giá tài sản của doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành "cổ phần hóa" thông qua đấu giá theo cơ chế thị trường.
e. chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty có trách nhiệm hữu hạn, tức là cho nó có nhiều quyền tự chủ hơn trong việc thuê lao động, tiền lương và phân phối lợi nhuận.
3. Song song với việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa những cải cách sâu rộng trong hệ thống ngân hàng để nó có thể hoạt động theo những nguyên tắc thương mại thuần túy phù hợp với một nền kinh tế thị trường thật sự 102.
4. Thiết lập một Nhà nước pháp quyền công minh phù hợp với một nền kinh tế thị trường thật sự; và xây dựng các thể chế và cơ chế mới thuận lợi cho giao lưu và cạnh tranh, dựa trên luật pháp kinh doanh minh bạch và công minh.
5. Thiết lập một hệ thống quản lý quốc gia hữu hiệu gồm 3 thành phần bình đẳng là Nhà nước, kinh tế tư nhân và xã hội dân sự.
6. Nhấn mạnh hơn nữa việc nâng cao hiệu suất của nông nghiệp.
7. Tăng cường tri thức và công nghệ để nâng cao hiệu suất đầu tư nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế.
8. Tích cực hội nhập kinh tế vùng và thế giới bằng cách:
a. tranh thủ mạnh mẽ hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài,
b. tăng cường và đa dạng hóa xuất khẩu; tăng cường tiếp cận thị trường vùng và quốc tế, nhất là thị trường Mỹ và Trung Quốc; và nâng cao sức cạnh tranh quá yếu kém hiện nay của Việt Nam.
c. gấp rút cải tổ luật lệ Việt Nam theo đúng những quy định quốc tế (như của WTO chẳng hạn).
d. đề ra một chính sách thuế thích đáng.
e. điều chỉnh tỷ giá của tiền Ðồng Việt Nam để không làm mất khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
9. Thiết lập một mạng lưới an toàn xã hội; thật sự cố gắng khắc phục tình trạng phân hóa giàu nghèo hiện nay, tình trạng cách biệt ngày càng trầm trọng giữa thu nhập thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi.
10. Tiến hành xây dựng "con người kinh tế Việt Nam" 103, tức là huấn luyện kinh tế và thương mại cho một thế hệ nhân sự kinh tế mới có chuyên môn và đạo đức kinh doanh ở trong nước cũng như hiểu biết quy luật làm ăn với quốc tế để thay thế dần dần, một cách toàn diện, tầng lớp nhân sự kinh tế lạc hậu hiện nay.
Ðể thực hiện 10 biện pháp kinh tế mới nói trên 104 nhằm tạo khả năng đuổi kịp các nước láng giềng và khắc phục, trong tương lai, tình trạng tụt hậu hiện nay, cần phải có một quyết tâm chính trị cao để có thể mạnh dạn đổi mới triệt để cái chính sách "đổi mới" nửa vời hiện nay. Do đó, các phần tử đối lập và ly khai, cả ở trong lẫn ở ngoài nước, trong tinh thần đoàn kết hết sức rộng rãi, cần gây sức ép tối đa và liên tục đối với tập đoàn lãnh đạo ÐCSVN và Nhà nước để bắt buộc họ (vì họ không bao giờ tự nguyện) phải chuyển một cách hoà bình sang một thể chế dân chủ thật sự, tức là theo khái niệm dân chủ đa nguyên mà thế giới văn minh đã thực hiện từ lâu (chứ không phải "dân chủ XHCN" bánh vẽ như hiện nay). Vì chỉ có một thể chế chính trị dân chủ thật sự mới có thể thực hiện một cách triệt để các biện pháp kinh tế nói trên: hai mặt này gắn bó chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau một cách biện chứng 105 (xem phần sau). Ðiều này dẫn chúng tôi một cách tự nhiên đến việc phân tích chính sách "đổi mới" chính trị trong mấy năm qua &
Chú thích (Chương II)
1. Nguyễn Minh Tâm, NCKT, tháng 04.2000, tr. 59.
2. Nguyễn Ðức Bình, TCCS, số 4, tháng 02.2000, tr. 17.
3. Nguyễn Văn Linh, phỏng vấn của báo cộng sản Ý, l'Unita, 21.06.1987. Cùng xem bài của Võ Nhân Trí trong niên giám Southeast Asian Affairs 1988, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, tr. 297.
4.9th National Congress of the Communist Party of Vietnam (Documents), FLPH, Hà Nội, 1987, tr. 64; 99-100.
5. Nguyễn Minh Tâm, NCKT, tháng 04.2000, tr. 56.
6. ÐCSVN, Văn kiện Ðại hội Ðại Biểu Toàn Quốc lần thứ 8, NXBCTQG, Hà Nội, 1996.
7. Xem diễn văn của Ziang Zemin (26.12.1993), SWB (của BBC, London) Dec.29, 1993, tr. G.9; và Li Bingyan, Social Sciences in China, Beijing, No.2, 1995, tr. 18-25.
8. ND, 24.04.2001.
9. Michel Herland, Le Vietnam en Mutation, Notes et Études Documentaires, La Documentation Fran硩se, Paris 1999, tr. 56.
10. Trần Ðình Hoan, TCCS số 1, tháng 01.2002, tr. 16; và Lê xuân Tùng, TCCS số 6, tháng 02.2002, tr. 20.
11. Về chi tiết, xem Võ Nhân Trí, Vietnam's Economic Policy. ..., sđd, tr. 30.
12. ibid, tr. 73-74; 85; 87. Cùng xem: Báo cáo chính trị của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng tại Ðại hội... lần thứ IV, NXBS.T, Hà Nội, 1977, tr. 68.
13. Vũ Hiền, TCCS số 18, 1996, tr. 15. Tác giả này còn nhấn mạnh là công nghiệp hóa XHCN thì khác hẳn công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa.
14. ND, 24.04.2001.
15. Xem bài của Lê Việt Ðức và Trần Thị Thu Hằng trong quyển sách tập thể: Phạm Ðỗ Chí và Trần Nam Bình (chủ biên), "Ðánh thức con rồng ngủ quên. Kinh tế Việt Nam đi vào thế kỷ 21", NXB Thành phố Hồ Chí Minh, Trung Tâm Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, 2001, tr. 398.
16. TS. Trịnh Ðức Hồng, TCCS số 18, tháng 09.2001, tr. 29.
17. Tạp chí GÉO, Paris, Juin 2002, tr. 116.
18. Trích theo "Việt Nam Dân Chủ" (viết tắt VNDC), Paris, tháng 06.2002, tr. 22.
19. ÐCSVN, Văn kiện Ðại hội... lần thứ 8, sđd, tr. 93-96.
20. Phan Văn Tiệm, TCCS số 1, 1996, tr. 28-29.
21. Nguyễn Tấn Dũng, TCCS số 9, tháng 05.1998, tr. 5.
22. Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (sẽ gọi tắt là TBKTSG), 12.07.2001, tr. 1.23
23. Nguyễn Thị Doan, TCCS số 1, tháng 01.2002, tr. 19. Theo một nguồn tài liệu khác thì "năm 1998, số DNNN thực sự kinh doanh có hiệu quả chiếm khoảng 40%; số chưa có hiệu quả, khi lỗ khi lãi (và lãi cũng là tượng trưng) là 40%; số DNNN không có hiệu quả liên tục là 20%; đến năm 2000, tỷ lệ theo thứ tự nói trên là 40%, 31% và 29%": xem Nguyễn Hữu Ðạt và Nguyễn Văn Thao, NCKT, tháng 03.2002, tr. 45.
24. Xem M. Cohen và A. Edwards, FEER, March 22, 2001, tr. 24.
25. TBKTSG, 27.07.2001, tr. 11.
26. Nguyễn Hữu Ðạt và Nguyễn Văn Thao, NCKT, tháng 03.2002, tr. 46.
27. Nguyễn Thị Doan, TCCS số 13, tháng 07.2001, tr. 24.
28. Trịnh Ðức Hồng, TCCS số 18, tháng 09.2001, tr. 28-29.
29. TBKTSG, 18.10.2001 (xã luận).
30. Ðỗ Mười, ND, 06.08.2001.
31. Võ Nhân Trí, tạp chí Ðông Á (Mỹ), bộ mới số 01 (Số đặc biệt về cuộc hội thảo chính trị năm 2000 tại Hoa Thịnh Ðốn), tháng 09.2000, tr. 20 và tiếp theo; hoặc TK21, tháng 09.2000, tr. 18-25; và tháng 10.2000, tr. 26-35.
32. Xem chú thích 30.
33. Nông Ðức Mạnh, TCCS số 17, tháng 09.2001, tr. 10-11.
34. CIEM, Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, Kinh Tế Việt Nam năm 1999, Hà Nội, tháng 02.2002, tr. 12 (trích dẫn thống kê của Tổng Cục Thống Kê). Tuy nhiên, theo Niên Giám Thống Kê, Hà Nội, 1996, tr. 51, thì tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước năm 1991 lên tới 33,3%. Còn theo bà Nguyễn Thị Doan thì tỷ trọng này lên tới 36,5% năm 1991 (Xem TCCS số 1, tháng 01.2002, tr. 21).
35. Nguyễn Thị Doan, TCCS số 1, tháng 01.2002, tr. 21.
36. Lê Khả Phiêu, TCCS số 4, tháng 02.2000, tr. 5.
37. Báo cáo chính trị tại Ðại hội 9, ND, 24.04.2001.
38. TBKTSG, 16.08.2001.
39. VNDC, tháng 05.2002, tr. 39.
40. Lưu Văn Sùng, TCCS số 15, tháng 08.1997, tr. 25.
41. TBKTSG, 05.01.2000.
42. Trương Tấn Sang, TCCS số 10, tháng 04.2002, tr. 10-15; và TBKTSG, 30.08.2001.
43. Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 12.08.2001.
44. Lê Ðăng Doanh, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 12.08.2001.
45. Ðinh Văn Ân, TBKTSG, 23.05.2002, tr. 12.
46. TBKTSG, 27.12.2001, tr. 11.
47. Lê Ðăng Doanh, TBKTSG xuân Nhâm Ngọ 2002, tr. 15; và DÐ, tháng 02.2002, tr.5.
48. Xem TCCS số 8, tháng 03.2002, tr. 3-4; và bài giải thích của Trương Tấn Sang, TCCS số 11, tháng 04.2002, tr. 15-21.
49. ND, 24.04.2001.
50. V. I. Lenin, Selected Works, Vol.11, International Publishers, New York, T.2; tr. 644.- Mao Trạch Ðông cũng có quan điểm tương tự như vậy, xem Mao Tsé Toung, "On State Capitalism", Selected Works, Vol.5, Beijing, tr. 88.
51. TCCS số 8, 1987, tr. 44. Cùng xem: Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, Việt Nam 2000, NXB Thống Kê, Hà Nội, 1997, tr. 403-404.
52. Thành Phương, TCCS số 16, 1996, tr. 21-22.
53. Nguyễn Hữu Ðạt và Nguyễn Văn Thao, NCKT, tháng 03.2002, tr. 41.
54. ND, 24.04.2001.
55. A. Schwarz, FEER, July 6, 1995.
56. A. Schwarz, FEER, Feb. 29, 1996.
57. Ðặng Ðức Ðạm, NCKT, tháng 01.1995, tr. 27.
58. Nguyễn Sinh Cúc, NCKT, tháng 01.1994, tr. 32.
59. Hoàng Kim Giao, NCKT, tháng 03.1993, tr. 5.
60. Nguyễn Văn Linh, ND, 01.03.1999. Cùng một ý kiến như vậy, xem NCKT, tháng 05.1998, tr. 30.
61. Xem J. C. Pomonti et Hughes Tertrais, Vietnam: Communistes et Dragon, Ed. Le Monde, Paris, 1994, tr. 77; và Adam Fforde (editor), Ðổi Mới, Ten years after the 1986 Party Congress, Political and Social Change Monograph 24; Research School of Pacific & Asian Studies; The Australian National University, Canberra 1997, tr. 4.
62. TBKTSG, 31.01.2002, tr. 14-15; tr. 19; 45.
63. ibid, 07.02.2002, tr. 1.
64. ibid, 31.01.2002, tr. 2; 14.
65. ibid, 08.03.2001.
66. Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 29.07.2001.
67. Trần Nguyên Tuyên, NCKT, tháng 04.2002, tr. 12.
68. TBKTSG, 31.01.2002, tr. 19.
69. ibid, 31.01.2002, tr. 45. Theo báo Nhật, The Nikkei Weekly, March 5, 2000, thì vốn nhàn rỗi trong nhân dân được ước lượng là 6,7 tỷ US$, tức là tương đương với ngân sách nhà nước năm 2000.
70. TBKTSG, 31.01.2002, tr. 15, và Saigon Times Weekly, March 2, 2002, tr. 13.
71. UPI, 10.12.2001 và Thanh Niên, 08.12.2001, trích theo DÐ, tháng 01 & 02, tr. 7.
72. TCCS số 8, tháng 03.2002, tr. 4-5.
73. ND, 24.04.2001.
74. Vũ Quang Việt, DÐ, tháng 05.2002, tr. 15.
75. Saigon Eco, Janvier - Février 2000, tr. 19; và CIEM, Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, Kinh Tế Việt Nam 1999, Hà Nội, tháng 02.2000, tr. 12.
76. Nguyễn Ðức Bình đã giải thích về sự cần thiết phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản để xây dựng CNXH ở Việt Nam như sau: "... lấy đâu ra máy móc, thiết bị, công nghệ, vốn liếng, kinh nghiệm để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là khi không còn bao cấp quốc tế [tức là viện trợ của phe XHCN nữa - VNT]. Tìm đâu ra những thứ đó nếu không sử dụng chủ nghĩa tư bản, tư bản trong nước và tư bản nước ngoài?", TCCS số 11, tháng 06.1997, tr. 8.
77. Xem báo cáo chính trị tại Ðại hội 9 của ÐCSVN, ND, 24.04.2001.
78. Jean-Louis Rocca, "Le Capitalisme Chinois... ", trong số đặc biệt tạp chí "Pouvoirs", No 81, Ed. Seuil, Paris, 1997, tr. 25-26.
79. Về "đổi mới" kinh tế (Thư mục chọn lọc).

A. Sách và Tài Liệu
- Phạm Ðỗ Chí & Trần Nam Bình (chủ biên), "Ðánh Thức Con Rồng Ngủ Quên, Kinh Tế Việt Nam Ði Vào Thế Kỷ 21, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, Vapec, TBKTSG, 2002.
- CIEM, Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, Kinh Tế Việt Nam năm 1999, Hà Nội, tháng 02.2000.
- Kỷ Yếu Hội Thảo Chính Trị, International Committee For a Free Vietnam - World Seminar & Vietnamese Political World Conference 1996, - Washington, DC, April 23 & 24, 1996, (Trong đó, xem bài của Võ Nhân Trí, "10 năm đổi mới kinh tế: Chính sách và thành quả", tr. 114-126).
- Michel Herland, Le Vietnam en Mutation, Notes et Études Socumentaires, La Documentation Fran硩se, Paris 1999, tr. 73-136.
- Marie-Sybille de Vienne, L'Économie du Vietnam (1955-1995), Ed. CHEAM, Paris, 1994.
- Cường Văn Lê & Jacques Maziers (Eds), L'Économie Vietnamienne en transition: Les Facteurs de Réussite, Ed. L'Harmattan, Paris, 1998.
- Pierre Delalande, Le Vietnam Face à L'Avenir, Ed. L'Harmattan, Paris, 2000.
- Marie Lavigne, Économie du Vietnam, Réforme, Ouverture et Développement, Ed. L'Harmattan, Paris, 1999.
- Adam FForde (Ed.), Doi Moi, Ten Years After the 1986 Party Congress, Political and Social Change Monograph 24; The Australian National University, Canberra 1997 (Xem lời mở đầu, và các chương 2, 7, 8).
- Adam FForde & Stephen de Vylder, From plan to market, the economic transition in Vietnam, Westview Press (USA), 1996, chương 1, 5, 7-9.
- Gabriel Kolko, Vietnam: Anatomy of Peace, Routledge, London & New York, 1997, chương 1 và 2.
- Niên giám của FEER: Từ Asia 1991 Yearbook đến Asia 2002 Yearbook, Hongkong (xem phần nói về Việt Nam).
- Centre Fran硩s du Commerce Extérieur, Vietnam, les promesses de l'économie de marché, Paris CFCE, Mars 2000.
- Ambassade de France, Services d'Expansion Économique, PEE de Hanoi:
. Situation économique du Vietnam en 2001, Hanoi, 28.12.2001.
. Situation économique du Vietnam au 1er Trimestre 2001, Hanoi, 13.04.2001.
- World Bank, Vietnam Development Report 2002, Implementing Reforms for Faster Growth & Poverty Reduction, Dec.4, 2001.
- IMF, Staff Report For The 2001 Article IV Consultation & First Review Under The Poverty Reduction & Growth Facility..., Asia & Pacific Department, Nov.7, 2001.

(Xin thành thật cám ơn anh Nguyễn Ngọc Hiệp ở Canada đã cung cấp cho chúng tôi hai tài liệu bổ ích nói trên, và một số tài liệu khác nữa.)

- Vietnam, EIU, Country Profile 2001, London, The Economist Intelligence Unit Limited, 2001; và Country Report 1st Quarter 2002, London, The Economist Intelligence Unit Limited, 2002.

B. Tạp Chí:
- Võ Nhân Trí, "Kinh tế Việt Nam: Phải làm gì để có tăng trưởng cao và bền vững?", Dân Chủ & Phát Triển (sẽ viết tắt DCPT), (Ðức), số 23, tháng 05.2002, tr. 35-40.
- Võ Nhân Trí, "Quan hệ biện chứng giữa Phát Triển và Dân Chủ", tạp chí Ðông Á (Mỹ) số 1 (số đặc biệt), bộ mới, tháng 09.2000, tr. 20-26 và 50-57; và Thế Kỷ 21 (Mỹ), September 2000, tr. 18 và tiếp theo, và October 2000, tr. 26 và tiếp theo.
- Comparative Economic Studies, Vol. XLII, No.4 (Winter 2000): "The Vietnamese Economy" (Symposium).
- Võ Nhân Trí & Anne Booth, Asian Pacific Economic Literature, ANU, Canberra (Úc), Vol 6, No.1, May 1992, tr. 16-40.
- Phạm Ðỗ Chí, TK21, - March 2002, tr. 12-14, và Jan-Feb.2002, tr. 29 và tiếp theo;
- Dec.2001, tr. 14-15, và Nov.2001, tr. 74-75;
- Sep.2001, tr. 18 và 20-21.
- Vũ Quang Việt, DÐ, tháng 05.2002, tr. 14-18.
- Nguyễn Ngọc Hiệp, TL, - tháng 07 & 08.2001, tr. 21 và tiếp theo.
- tháng 06.2001, tr. 15 và tiếp theo.
- tháng 05.2001, tr. 16 và tiếp theo.
- Nguyễn Sinh Cúc, TCCS, số 2, tháng 01.2002, tr. 26.
80. Ambassade de France au Vietnam, Mission Économique, Situation économique du Vietnam en 2001, Hanoi, 28.12.2001, tr. 2.
81. Nguyễn Minh Tân, NCKT, tháng 04.2000, tr. 56.
82. Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn Nayan Chanda, FEER, May 04.2000, tr. 36.
83. ÐCSVN, Văn kiện Ðại hội... lần thứ 8, sđd, tr. 12 và 67.
84. Phan Văn Khải, ND, 29.10.1998. Cùng một nhận xét, xem Trần Ðình Thiên, NCKT, tháng 03.2000, tr. 5.
85. TBKTSG, 27.12.2001, tr. 1 và 10-11.
86. ND, 21.11.2001.
87. Trần Nguyễn Tuyên, NCKT, tháng 04.2002, tr. 12.
88. TBKTSG, 25.05.2002, tr. 17.
89. IMF, Staff Report For The 2001 Article IV Consultation..., Nov.7, 2001, tài liệu đã dẫn, tr. 54.
90. "Báo cáo chính trị" tại Ðại hội 9 của ÐCSVN, ND, 24.04.2001. Ngoài TSPQN / đầu người ra, báo cáo này cũng thừa nhận là một số chỉ tiêu khác của kế hoạch 5 năm (1996-2000) như: nhịp độ tăng trưởng TSPQN nói chung, nhịp độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, v.v.. cũng đều không đạt chỉ tiêu đã đề ra (ibid).
91. Phan Văn Khải, TCCS số 29, tháng 10.2001, tr. 5.
92. Asia Week, Dec.7, 2001, tr. 54.
93. TBKTSG, 10.05.2001, tr. 12, và 28.12.2000, tr. 48-49. Cùng một nhận xét, xem GS. Phạm Ðỗ Chí, TK21, tháng 09.2001, tr. 21. Ðể thoát khỏi tình trạng tụt hậu này, xem gợi ý của GS. Trần Văn Thọ trong quyển sách tập thể: Phạm Ðỗ Chí và Trần Nam Bình (chủ biên), Ðánh Thức Con Rồng Ngủ Quên..., sđd, tr. 45-50.
94. Võ Nguyên Giáp, TCCS số 8, tháng 04.2000, tr. 12.
Cùng một nhận xét như vậy, xem Võ Nguyên Giáp, ND, 20.08.2000.
95. David Dapice, TBKTSG, 24.01.2002, tr. 19.
96. Ví dụ như Nguyễn Minh Tú, NCKT, tháng 01.2000, tr. 15; Trần Ðình Thiên, NCKT, tháng 03.2000, tr. 12; TS. Lê Ðăng Doanh, TBKTSG, Xuân Nhâm Ngọ 2002, tr. 4.
97. GS. Phạm Ðỗ Chí, TK21, tháng 09, 11 và 12 năm 2001; tháng Giêng và tháng 02 năm 2002; Nguyễn Ngọc Hiệp, TL, tháng 5, 6, 7 và 8 năm 2001.
98. Janos Kornai, Presentation at UNDP, Vietnam, March 2001; Giải thưởng Nobel, J. Stiglitz, TBKTSG Xuân Nhâm Ngọ 2002, tr. 19-20. Cùng tác giả, xem bài phỏng vấn trong Vietnam Economic Times, trích dịch trong DÐ, tháng 06.2002, tr. 8; D. Dapice, TBKTSG, 24.02.2002, tr. 18 & 19.
99. Về vấn đề này, xem Võ Nhân Trí, Vietnam's Economic Policy..., sđd, tr. 26-29. và tr. 64-72. Cùng tác giả, xem bài ''Transformation socialiste de léconomie vietnamienne'', trong quyển sách tập thể, Nguyễn Ðức Nhuận, Võ Nhân Trí et al, Le Vietnam Post-Révolutionnaire, (1975-1985), Ed. l'Harmattan, Paris, 1987, tr. 43-66.
100. TBKTSG, 31.01.2002, tr. 45.
101. ibid, 22.11.2001.
102. Vũ Quang Việt, DÐ, tháng 11.2001, tr. 20-21, và Võ Nhân Trí, DCPT, tháng 05.2002, tr. 38.
103. Nguyễn Hữu Liêm & Phạm Ðỗ Chí, TK21, tháng Giêng và tháng 02.2002, tr. 36-39. Cùng 2 tác giả đó, xem TBKTSG Xuân Nhâm Ngọ 2002, tr. 30-31 và 33.
104. Về chi tiết, xem Võ Nhân Trí, DCPT số 23, tháng 05.2002, tr. 35-39.
105. Xem Võ Nhân Trí, tạp chí đặc biệt Ðông Á (Mỹ) số 1, tháng 09.2000, tr. 20-26 và 50-57.

Aucun commentaire: