1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

samedi 19 mai 2007

Ðiểm qua “diện mạo” làng báo Việt Nam

Ðiểm qua “diện mạo” làng báo Việt Nam
Friday, May 18, 2007

Tòa soạn Tuổi Trẻ, tờ nhật báo lớn nhất Việt Nam hiện nay. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Tòa soạn “Mực Tím,” tờ báo bán chạy nhất cho tuổi “teen” Việt Nam hiện nay. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN - Nhìn bề ngoài, Việt Nam ngày nay “trăm hoa đua nở” về mặt báo chí. “Trăm hoa đua nở?” Việt Nam có tự do báo chí không? Một cô gái Hoa Kỳ, đến Việt Nam du lịch, nói với các bạn Việt Nam: “Ðúng là Việt Nam có tự do báo chí, vì có rất nhiều các loại báo được phát hành ở Việt Nam!” Những người sống trong nước, đọc báo trong nước, và có ít nhiều hiểu biết về tình hình trong nước, cười chua chát: “Không hề có tự do báo chí tại Việt Nam!”

Hơn 500 tờ báo được phát hành trong nước mà không có tự do báo chí? Ðiều này cũng dễ hiểu: tất cả các báo phát hành tại Việt Nam đều có một “ông chủ” duy nhất là Ðảng; và một người quản lý duy nhất là nhà nước.

Tất cả mọi người trong tờ báo, từ tổng biên tập (quyền hành tương đương chủ nhiệm kiêm chủ bút) cho tới bà lao công tạp dịch của tòa soạn đều ăn lương nhà nước và nếu “dám” “bất đồng chính kiến” với cơ quan “chủ quản” (cấp trên của tờ báo) thì sẽ bị cho nghỉ việc (hoặc thuyên chuyển công tác khác).

Toàn bộ báo chí Việt Nam, dưới hàng chữ “bảng hiệu” (tên của tờ báo), lúc nào cũng “chua” thêm dòng chữ “Cơ quan ngôn luận của...” dù là cơ quan ngôn luận của đảng hay của một chuyên ngành hay tổ chức nào đó thì tất cả những chuyên ngành hay tổ chức này phải chịu sự chỉ huy cũng như là sự “lãnh đạo” của đảng. Tự do báo chí chỉ tồn tại khi có luật về quyền tự do xuất bản, tự do ra báo và công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng kèm theo quyền được biết mọi thông tin.

Thỉnh thoảng, ngồi ở mấy quán cà phê vỉa hè Sài Gòn, nghe mấy anh giáo sư “ba xạo” nói về tự do báo chí mà... “nóng mặt.” Mấy ngài giáo sư này đặc biệt thích trích dẫn lời của Lenin: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa bao giờ cũng gấp ngàn lần nền dân chủ tư bản.” Ðể so sánh báo chí cộng sản và báo chí tự do, người bạn của tôi đưa ra một hình ảnh khôi hài nhưng rất thực tại Việt Nam: “Thẻ nhà báo của các nhà báo Việt Nam ghi rõ, đại loại ‘Ðược phép ra vào bất cứ nơi nào để lấy thông tin.” Trong khi các nhà báo Mỹ tự do tham dự các phiên họp của quốc hội để lấy thông tin thì nhà báo Việt Nam đến ra vô thư viện công cộng cũng phải xin phép và có “giấy giới thiệu.”

Tuy nhiên, cùng với sự biến đổi của thời cuộc thì bức tranh báo chí của Việt Nam cũng khá “sặc sỡ” và “lòe loẹt” chứ không phải chỉ toàn một màu “xám xịt” như ngày trước. Các nhà báo Việt Nam ngày nay có nhiều “đặc quyền, đặc lợi” và họ đôi khi vừa là “con cưng” của chế độ, đồng thời cũng là “con cưng” của cơ chế thị trường. Họ có nhiều “thuận lợi” trong việc hành nghề, mà nếu nghe kể ra chắc không chừng cũng có ai đó trong giới báo chí hải ngoại (trong cộng đồng người Việt) không khỏi có sự so sánh để rồi cũng có khi chạnh lòng.

Tại Việt Nam hiện nay, hầu như tất cả các ngành nghề đều có báo riêng, chẳng hạn ngành Hải Quan cũng có báo, du lịch cũng ra báo, chim-cá-kiểng cũng có báo, thanh niên, phụ nữ, nhi đồng, cựu chiến binh... cũng có báo. Các tỉnh, thành phố đều có báo của các “tỉnh đảng bộ.” Còn ở Sài Gòn thì ngoài “Sài Gòn Giải Phóng” còn có các bản tin quận-huyện và bản tin của các phường. Người ta nói, ở Việt Nam, “nhà nhà làm báo, người người làm báo,” thế mà vẫn không có tự do báo chí. Rõ lạ!

Sự thiếu tự do báo chí ở Việt Nam thể hiện rõ nhất ở cách viết báo: “khuôn sáo” theo kiểu “định hướng xã hội chủ nghĩa,” tin tức báo chí Việt Nam luôn “na ná” nhau.

Chẳng hạn, buổi sáng nếu bạn đã mua tờ Tuổi Trẻ thì cũng không cần mua tờ Thanh Niên (hoặc ngược lại) vì tin tức trong và ngoài nước của hai tờ này “y sì”... Cái thiếu nhất của báo chí trong nước là “khả năng bình luận độc lập,” một phần do cơ chế của “chuyên chính,” phần khác do tầm nhìn và hiểu biết của các nhà báo ở Việt Nam cũng rất hạn hẹp.

Một vài thí dụ: một lần có một đoàn Việt Nam (gồm nhiều thành phần, trong đó có một nhà báo thuộc cơ quan ngôn luận của đảng) đi thăm Ðài Loan, trong lúc mải mua sắm hàng trong siêu thị, đoàn lên xe đi rồi mà vị nhà báo kia còn chưa hay, ra không thấy xe, vị nhà báo kia bèn “ôm mặt” khóc hu hu... Một lần khác, một đoàn nhà báo Việt Nam (gồm những cây bút trẻ có học thức của mấy tờ báo lớn nhất Việt Nam) được mời sang Thụy Ðiển để thăm và dự “tập huấn” thêm về nghiệp vụ báo chí. Ngày về của đoàn, nhân có vụ “lộn xộn” ở Tây Nguyên, phía Thụy Ðiển hỏi thăm ý kiến của các nhà báo Việt Nam đang ở thăm Thụy Ðiển, các nhà báo trẻ của Việt Nam đã trả lời đó là vấn đề “nhạy cảm” nên không dám có ý kiến. Phía Thụy Ðiển rất ngạc nhiên vì thái độ của các nhà báo Việt Nam, họ chất vấn: “Nếu như báo chí không đi vào những vấn đề ‘nhạy cảm’ thì báo chí ra đời để làm gì?” Im lặng!

Còn nếu xảy ra các sự kiện, chiến tranh hay chính trị trên bình diện quốc tế, thì các nhà báo Việt Nam khi “bình luận” theo kiểu “du kích-bần cố nông.” Ví dụ, chiến tranh giữa Mỹ và Iraq sắp xảy ra, giới báo chí Việt Nam “tiên đoán” là quân Mỹ sẽ bị cầm chân và sẽ chịu tổn thất nặng nề trước lực lượng “vệ binh cộng hòa” tinh nhuệ của Iraq. Nhưng trên thực tế thì quân Mỹ tiến vào Iraq mà không vấp phải một sự chống cự “đáng kể” nào của “vệ binh Sadam”... Ngoài việc luôn bình luận “trớt quớt” ra, báo chí Việt Nam đa số đều đưa thông tin “nguội,” lý do là họ không có phóng viên thường trú tại nước ngoài. Còn cái gọi là “hãng tin” Thông Tấn Xã Việt Nam thì theo một người bạn làm báo ở hải ngoại cho biết: “Mấy vị của “hãng tin” này ở nước ngoài họ “bận” làm kinh tế “gia đình” là chính, chưa kể nghiệp vụ cũng rất... lôi thôi.”

Tuy vậy, báo chí Việt Nam là một ngành “hái ra tiền”, vì họ không chịu áp lực cạnh tranh của báo chí bên ngoài. Tính “độc quyền” giúp cho họ tiêu thụ hết hàng hóa (dù là hàng hóa tồi, chất lượng kém), nhưng dân ta thì ham đọc báo, và dân trí do nền giáo dục “giáo điều” đã “in hằn” trong nếp suy nghĩ nên gặp báo nào là họ “xơi” báo đó.

Tính “đặc quyền, đặc lợi” của giới làm báo tại Việt Nam (do cơ chế chính trị Việt Nam đẻ ra), thì ngay cả báo chí Mỹ cũng không dám... mơ (hiển nhiên, chỉ mơ về lợi nhuận, chứ một nhà báo đàng hoàng thì chắc hẳn sẽ chống đối cơ chế đặc quyền trong xã hội cộng sản). Thí dụ, một tay nhà báo Việt Nam đi “lơ mơ” và lỡ vượt đèn đỏ, chỉ cần “dẻo miệng” một tí thì công an giao thông cũng dễ dàng... cho qua. Luật không quy định như vậy, nhưng đụng tới nhà báo Việt Nam rất dễ “rách việc,” biết đâu hắn lại nổi hứng làm cái phóng sự về mấy tay cảnh sát giao thông ăn hối lộ thì rất mệt. Quan có thể “phiền hà, nhũng nhiễu” dân, nhưng “làm phiền” nhà báo thì... không dám. Làm vậy chẳng khác nào “xúi” nhà báo viết bài nói xấu (mà xấu thật) về mình? Muốn được “lên báo” thì cũng phải biết “chiều” các nhà báo.

Một người bạn tôi kể, trong lần ra Hà Nội đã chứng kiến cảnh một nhà báo “cho gọi” một cô ca sĩ trẻ “ra hầu trà.” Cô kia từ chối, tay nhà báo nói (qua điện thoại): “Ra hay không thì tùy! Nhưng nếu sau này có những bài báo viết về cô theo “tin đồn”, “anh” không chịu trách nhiệm đâu nhé!”

Năm phút sau, cô ca sĩ kia phải xuất hiện và cố “nặn” một nụ cười tươi trên môi... Chưa kể việc các quan chức “lem nhem” có vấn đề tiêu cực thì các nhà báo “không lương thiện” thường tới “ra chiêu” dọa sẽ đưa ra “ánh sáng công luận” để kiếm... phong bì. Ngoài ra còn có những việc như một số nhà báo Việt Nam có điều kiện “tiếp cận” các “anh lớn” thế là có vụ chụp hình chung để kỷ niệm. Những tấm hình này thường được phóng to treo trong phòng khách để “cáo mượn oai hùm,” hoặc thu nhỏ bỏ trong bóp tùy theo đối tượng hoặc mục đích mà rút ra... Thôi thì trăm chuyện “tiền,” ”tình” sẽ xảy ra quanh tấm thẻ nhà báo (nếu như nó rơi vào tay các nhà báo không lương thiện). Chưa kể, nhà báo vì những mối giao hảo trong công việc rất dễ gặp người này, người kia, từ đó rất dễ tham gia “lobby” (cho cả những công việc “đàng hoàng” và “không đàng hoàng”). Hơn nữa giới quan chức cũng rất hiểu báo chí là một “công cụ lợi hại” nên củng cố gắng tạo ra một số “sân sau” cho mình. Nhà báo “được thể” lại càng có dịp “tác oai, tác quái”...

Tuy nhiên, bên cạnh một số báo có lượng phát hành lớn và một số nhà báo “lưu manh” dựa vào thế lực công luận của tờ báo, ở Việt Nam cũng có nhiều báo nhỏ, phát hành “lèo tèo,” nên cũng có nhiều nhà báo nghèo và còn lương tâm.

Báo lớn thì ngoài Tuổi Trẻ, Thanh Niên, nếu tính về lượng phát hành có thể kể thêm các báo như Nhân Dân (cơ quan ngôn luận của trung ương đảng, độc quyền phát hành trong cơ quan đảng và chính quyền), báo “Sài Gòn Giải Phóng” (cơ quan ngôn luận của đảng bộ Sài Gòn), báo “Công An Thành Phố Hồ Chí Minh,” báo này ra một tuần 2, 3 số, chủ yếu đăng các vụ “hình sự” được rất đông giới bình dân tìm đọc. Nhưng giới trí thức tuy cũng ham đọc báo “giật gân” này những vì “sĩ diện hão” vẫn cố tình làm ngơ. Nhà thơ Mỹ (gốc Việt) là Ðinh Linh (Linh Dinh) khi về Việt Nam chỉ khen duy nhất có tờ báo... Công an này. Lý do, nhà thơ Ðinh Linh giải thích mỉa mai, vì Việt Nam có đầy đủ các chuyện: cờ bạc, đĩ điếm, hiếp dâm, phóng hỏa đốt nhà, xì ke-ma túy, tham nhũng-hối lộ, cướp của-giết người... nhưng mỗi báo... công an là đăng “đầy đủ.” Bên cạnh những báo lớn kể trên thì còn có báo “Mực Tím” tờ báo lớn nhất của tuổi “teen” Việt Nam (phát hành khoảng 100 ngàn bản cho một tuần/một số).

Ngoài ra, báo chí Việt Nam cũng có những chuyện “nực cười” như Sài Gòn là thành phố “cấp tiến” nhất Việt Nam, đông dân nhất Việt Nam (hơn 10 triệu người) và gần như là “thủ phủ” kinh tế và văn hóa không chỉ của phương Nam, vậy mà Sài Gòn lại không có nổi một tờ báo văn chương-văn nghệ nào cho ra hồn (đủ để đại diện cho tinh thần “khai hoang-khai phóng” của con người và mảnh đất phương Nam). Trong khi lực lượng cầm bút của Sài Gòn lại rất đông đảo và sung sức (ngoài thế hệ các nhà văn cầm bút trước 1975, Sài Gòn còn là nơi “quy tụ” những cây bút cấp tiến của mọi miền đất nước). Nhưng ngoài báo chí, thì văn chương (báo văn nghệ) của Sài Gòn lại phát triển hết sức èo uột, thậm chí còn “qua đời” luôn.

Như trước kia Sài Gòn có một tờ báo văn nghệ có tên gọi là báo “Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh,” một tuần ra một số, được cơ quan “chủ xị” là “Ban văn hóa-văn nghệ, tư tưởng” gì đó của “thành ủy” Sài Gòn cấp kinh phí hoạt động. Mỗi số ra chừng... 200 tờ (cho không, biếu không), bán không ai mua. Sau một thời gian hoạt động cầm chừng, mặc dù được ưu đãi nhiều thứ như trụ sở khang trang... cuối cùng báo tự “làm đơn” xin đóng cửa. Trong khi tư nhân sẵn sàng mua lại báo này để kinh doanh thì không ai dám bán. Vì mấy cái đầu “lẩm cẩm” của “ban tư tưởng” cứ sợ “bán báo” thì bị mất... linh hồn.

Ðánh giá trình độ văn minh, văn hóa của mỗi quốc gia trước hết phải nhìn vào “nền” báo chí của quốc gia đó. Ngay cả việc nhận xét về tiến trình tự do, dân chủ hóa của mỗi quốc gia cũng không gì hơn – hãy nhìn vào nền báo chí tự do của quốc gia đó! Về bối cảnh “tự do” văn chương và báo chí tại Việt Nam hiện nay, theo tôi chúng ta hãy học theo gương “cám cảnh” của người xưa, hãy “cười to” ba tiếng và “khóc to” ba lần, để rồi trong dâu bể của cuộc đời này hãy tin ngày mai trời... sẽ sáng. Vì tự do cũng giống như ánh sáng của mặt trời sẽ vượt qua đêm đen khi các cây bút của tự do vẫn chưa bao giờ chịu đánh mất ngọn lửa tự do trong “lương tri” của mỗi con người

N V

Aucun commentaire: